BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN: Không thể xem nhẹ tính chất khoa học trong một hội thảo khoa học

Nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN: Không thể xem nhẹ tính chất khoa học trong một hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học về Nhà cách mạng Châu Văn Liêm (29/6/1902 - 4/6/1930) nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông tại An Giang đã tạo ra phản ứng đa chiều trong dư luận, đặc biệt là chất lượng của các “báo cáo khoa học” mà Báo Phụ Nữ và nhiều báo khác đã phản ánh.

Nhân sự việc này, chúng tôi đã trao đổi thêm với nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần (ảnh) - Trưởng khoa Việt Nam học của Trường ĐH Bình Dương, là tác giả của nhiều bộ sách lịch sử, văn hóa, về một số khía cạnh trong sinh hoạt học thuật hiện nay.

1-Ong-nguyen-khac-thuanRR

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần


* Hiện nay, có nhiều hội thảo khoa học (HTKH) bị dư luận và cả những người trong ngành than phiền chất lượng quá thấp, không hữu ích gì cho công tác nghiên cứu. Theo ông, thế nào là một cuộc HTKH đúng nghĩa?

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Trước hết, theo tôi, ban tổ chức phải định hướng HTKH lần này nhằm mục đích gì? Có thể đó là vấn đề mà giới nghiên cứu lâu nay chưa đề cập đến; hoặc đã nghiên cứu nhưng chưa có ý kiến đồng thuận cuối cùng, nay cần tranh luận thêm bằng các chứng cứ, tài liệu mới phát hiện v.v… Dù với mục đích nào đi nữa, HTKH đó phải có đóng góp gì cho cuộc sống hôm nay.

Muốn đạt mục đích này, các báo cáo khoa học phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn, nhiều cấp độ khác nhau. Thế nhưng, điều đáng buồn là thời gian qua đã có những người chỉ xử lý thông tin bậc 2, 3 - tức sao chép từ tài liệu đã công bố, chứ không tiếp cận với tư liệu, tài liệu gốc.

Một trong những điều khiến dư luận than phiền về chất lượng HTKH thời gian qua là có quá nhiều báo cáo chỉ nhấn mạnh đến ý nghĩa chính trị và thời sự. Dù ý nghĩa đó là cần thiết, nhưng không thể xem nhẹ tính chất khoa học trong một HTKH. Thực trạng này cho thấy, các báo cáo khoa học tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng lại quá thấp.

* Ông có thể nói rõ thêm về sự kém chất lượng này?

- Tôi đang có trong tay hàng chục kỷ yếu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, nhưng thú thật, khi đọc kỹ, tôi lại không tìm thấy ý nghĩa khoa học của nó. Cũng xin lưu ý là có một số người làm công tác nghiên cứu nhưng lại thiếu lòng tự trọng. Chẳng hạn, họ bàn đến những vấn đề mà họ không am hiểu, bởi không thuộc chuyên môn, phạm vi nghiên cứu của họ. Lại có những người báo cáo những vấn đề mà ai cũng biết, đã giải quyết rồi (vì cả đời họ không chịu đọc sách), vậy thì có ích gì cho nghiên cứu khoa học?

Đừng nói đâu xa, có những vấn đề liên quan đến nhân vật cận đại của lịch sử nước nhà cũng không được nghiên cứu đúng mức mà chỉ dừng ở sự xào nấu tư liệu đã công bố. Tại HTKH về danh nhân Nguyễn Trung Trực, thông tin về cuộc hỏi cung giữa Piquet và Nguyễn Trung Trực đã được vài chục tham luận, báo cáo khoa học trước đó sử dụng nhưng lại có nhiều điểm khác nhau. Tại sao lạ thế? Chỉ vì họ không tìm đến tư liệu gốc, mà chỉ trích đi trích lại của nhau những gì đã công bố, vì thế, nếu sai là sai hàng loạt.

Tôi không tham dự HTKH về danh nhân Châu Văn Liêm, nhưng qua báo chí, tôi nhận thấy sự phê phán về chất lượng của các “báo cáo khoa học” đó là có cơ sở. Trước thực tế đáng buồn này, tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến lòng tự trọng.

* Thưa ông, mọi HTKH đều có Hội đồng thẩm định khoa học kia mà?

- Đúng vậy, có nhiều HTKH đạt chất lượng tốt, thật sự có đóng góp cho công tác khoa học, trong đó có đóng góp của Hội đồng thẩm định. Thế nhưng, không ít hội đồng chỉ “hữu danh vô thực”. Vì thế, dù gọi là HTKH nhưng các báo cáo lại tréo ngoe về mặt thông tin, đúng - sai lẫn lộn, thực - hư nhập nhòe… như ta đã biết.

* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này.

L.M.Q

(thực hiện)
 

Về chất lượng của cuộc Hội thảo khoa học Nhà cách mạng Châu Văn Liêm:

Nói trật lất về những vấn đề đã được kết luận

Với những gì báo chí tường thuật về hội thảo này, chúng tôi nhận thấy, do có nhà nghiên cứu đã không tham khảo tư liệu gốc nên mới có sự chệch choạc về số liệu. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn vài chi tiết nhỏ để chứng minh điều đó.

Cụ thể, về cuộc biểu tình do Châu Văn Liêm lãnh đạo, “có tác giả viết là 1.000, 1.500; nhưng cũng có tác giả lại cho là 5.000 hoặc lên đến 10.000 người” (Báo Phụ Nữ ngày 8/10/2012). Nếu thật sự làm công tác khoa học, có nghiên cứu một cách nghiêm túc thì đã không có chuyện đáng phì cười đó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Kho Lưu trữ Trung ương II ở TP.HCM vẫn còn lưu giữ báo cáo số 235 về cuộc biểu tình tháng 6/1930 ở Long An. Báo cáo này do ông Huỳnh Văn Đẩu, tự Sành - chủ quận Hành chánh quận Đức Hòa viết ngày 7/6/1930 gửi cho ông Biện lý Sài Gòn. Trong đó có chi tiết: “Những đoàn biểu tình gồm hàng trăm người mỗi đoàn, đi trước là đàn bà và trẻ con, từ bốn hướng Hựu Thạnh, Bình Tả, Hòa Khánh và Mỹ Hạnh, tất cả kéo về Đức Hòa vào khoảng 15 và 17 giờ ngày 4/6/1930”.

8-bia-sachRR


Như thế, chúng ta có thể phỏng định được số lượng người tham gia và xác định ngày hy sinh của Nhà cách mạng Châu Văn Liêm. Đó là ngày 4/6/1930, chứ không thể như cái gọi là “báo cáo khoa học” của “Mai Quốc Đạt (Châu Đốc - An Giang) và Hồ Thị Hồng Chi (HKHLS AG) viết là ngày 4/5/1930”.

Thật ra, chuyện này không phải là một phát hiện mới của giới sử học. Trước đây, khi biên soạn tập sách Những hạt giống đỏ trên đất Long An (NXB Long An), được sự giúp đỡ của Kho Lưu trữ Trung ương II, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiếp cận với tài liệu này và công bố từ năm 1991.

Một việc khác, về tên thân nhân của Nhà cách mạng Châu Văn Liêm, tập sách trên cũng đã công bố: “Cha là Châu Khắc Chấn trước dạy học, sau làm nghề hốt thuốc Bắc; mẹ là Trần Thị Tơ chuyên làm ruộng”. Tư liệu này đáng tin cậy vì trong đó còn có thông tin về việc gặp và ghi lại lời kể của bà Phạm Thị Các - vợ của Nhà cách mạng Châu Văn Liêm. Những tài liệu này đã công bố, sao những “nhà nghiên cứu” trong hội thảo này lại có thể nhầm lẫn với hàng loạt cái tên Châu Văn Chấn, Trần Thị Tơi hoặc Châu Văn Thân, Trần Thị Lệ hoặc Trần Khắc Chuẩn? Chỉ có thể lý giải là do họ không tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu hoặc… bịa ra chăng? Dù vì lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được - nhất là trong báo cáo tại một hội thảo khoa học.

Thật lạ khi đã sau 21 năm, tại Hội thảo về Châu Văn Liêm vẫn có những “nhà nghiên cứu” quay trở lại vấn đề mà giới sử học đã được kết luận. Đáng tiếc là họ lại nói trật lất, không chính xác. Vậy, cần phải xem lại tính khoa học của những cái gọi là “báo cáo khoa học” kiểu như thế này.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 15.X.2012)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com