Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC: Nhà văn NGUYỄN DANH LAM: Sáng tác hay thay tã cho con đều quan trọng như nhau |
Giao lưu trực tuyến cùng nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên: |
Tất cả các trang |
Nhà văn Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972. Tốt nghiệp ÐH Mỹ thuật TP.HCM.
Tác phẩm đã xuất bản: Tìm (thơ - 1998), Bến vô thường (tiểu thuyết 2004), Giữa vòng vây trần gian (tiểu thuyết 2005), Mưa tháng mười một (tập truyện ngắn 2008), Giữa dòng chảy lạc (tiểu thuyết 2010). Giải khuyến khích cuộc thi thơ Bút mới (Báo Tuổi Trẻ 1996); Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ Hội Nhà văn VN 2006 - 2007. Hội viên Hội Nhà văn VN. Hiện làm việc tại Báo Khăn Quàng Ðỏ TP.HCM.
Gia đình nhà văn Nguyễn Danh Lam
* Tại sao đang làm thơ, đã xuất bản một tập thơ được bạn đọc yêu thích, anh lại "quay ngoắt" sang văn xuôi?
- Khi còn làm thơ tôi đã rất thích đọc tiểu thuyết. Rồi tư duy văn xuôi dần chiếm chỗ tư duy thơ. Ðến một ngày, tôi thử viết văn theo kiểu... điếc không sợ súng. Viết một mạch 300 trang, in cuốn đầu, thế là viết văn luôn. Còn một yếu tố khác, nói ra có vẻ "xu thời", làm thơ càng về sau càng... buồn vì đủ mọi lẽ: khó công bố, khó in, khó... tặng(!). Trong khi đó, viết văn tình hình dù sao cũng đỡ hơn. Thôi thì đành... yêu thơ qua le lói và hẹn nhau khi nhân loại được trùng tu (ý nhạc Phạm Duy).
* Đã thế, trong tác phẩm của anh, có nhân vật chính còn không được anh đặt tên, hoặc chỉ đặt cho một ký hiệu nào đó...
- Đó là cái nhìn chủ quan của tôi về nhân sinh. Những nhân vật ấy đi lướt qua cuộc đời. Trong cuộc đời, chúng ta đi "lướt qua nhau". Ai có thể biết được tên tuổi, quá khứ, tương lai của một người thoáng thấy trên hè phố? Tất cả đều vô lai lịch trong mắt người khác...
* Có lẽ vì thế mà nhiều nhà phê bình cho rằng, anh viết không dành cho số đông, nghĩa là tác phẩm của anh không có những tình tiết "thời thượng" như sex, đồng tính đang rất dễ "câu khách"...
- Tôi từng nói về việc này, người viết ai chẳng muốn có đông độc giả, nhưng tôi thấy mình chưa viết được về "những món thời thượng ấy" cho hay, cho có văn, nên chưa dám viết. Thảng hoặc khi viết, bắt buộc phải đụng đến những đề tài đó, tôi thường tìm cách... né, hay nhìn dưới góc độ một biểu tượng. Hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể viết thật hay về nó, như Haruki Murakami (Rừng Na Uy; Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển...), như Michel Houellebecq (Hạt cơ bản), như Annie Proulx (Brokeback Mountain)...
* Hiện nay, nhà văn nào ảnh hưởng đến phong cách viết của anh nhiều nhất?
- Tôi đọc nhiều, cách này cách khác, mỗi nhà văn ảnh hưởng một tí. Tôi mê văn học Mỹ với E. Hemingway; F. S. Fitzgerald, R. Carver, C. McCarthy, P. Auster... thêm một nhà văn Nhật quen thuộc H. Murakami. Đó là những tác giả, tôi vừa đọc vừa sợ hết!
* Kỹ năng sống của nhân vật trẻ trong tác phẩm của anh hình như chưa được chuẩn bị chu đáo, tại sao vậy?
- Tôi đã dùng hình ảnh thế này, không ít chúng ta đang sống trong tình thế chân phải bước lên "đoàn tàu mới", nhưng chân trái bị kẹt lại "sân ga cũ”, thành thử bị... xé làm đôi! Ðây là chủ đề chính trong tiểu thuyết mới nhất của tôi (Giữa dòng chảy lạc - NXB Văn Nghệ - Phương Nam Book 2010). Chẳng cứ gì các bạn trẻ, tôi đặt một vấn đề rất cụ thể vậy thôi, cách đây ít năm, chúng ta còn đang theo một ngoại ngữ khác, ngày nay hoàn cảnh xã hội lại phổ biến một ngoại ngữ khác, thế là không ít người rơi vào tình thế không có được một kỹ năng "tối thiểu" để "ra khỏi cửa". Lỗi không phải họ dốt, mà do lỡ làng... Còn nhiều vấn đề tương tự như thế, hơn phạm vi cuộc trò chuyện này...
* Có lần anh nói: "Ở Mỹ có câu: Không ai nổi tiếng quá 15 phút". Nếu nhìn về mình, anh cho rằng mình sẽ nổi tiếng trong bao lâu?
- So với tầm câu thành ngữ này, tôi thấy mình còn chưa bước được chân vào cái ngưỡng "nổi tiếng", nói gì đến bao lâu! Thôi thì trong thời buổi này cứ đo bằng cách: khi nào gõ tên mình trên google, thấy kết quả thật lèo tèo, khi ấy coi như mình đã... lui vào hậu trường!
* Được biết, anh có một lịch viết rất... lạ: viết từ nửa đêm trở về sáng. Như vậy có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?
- Tôi... chưa hỏi vợ! Nhưng tôi hy vọng, nếu hỏi, vợ tôi sẽ nói: Nếu anh không sống kiểu ấy, em... còn mệt hơn!
* Ai là người đọc bản thảo của anh đầu tiên? Vợ anh chăng?
- Hồi mới cưới, tôi có đưa vợ đọc. Về sau không nỡ... hành hạ cô ấy nữa! Ðơn giản, cô ấy cũng có công việc của mình, mà cô ấy có bắt tôi phải biết về nó đâu. Vậy tại sao tôi lại bắt cô ấy phải biết về công việc của tôi? Ðặc biệt, viết văn là cô đơn, hãy để nó quay về với cái lẽ tất yếu ấy.
* Theo anh, đời sống vợ chồng có ảnh hưởng tiêu cực đối với sáng tác của một nhà văn?
- Tôi không biết với những người viết khác thì thế nào, còn với tôi, vợ tôi rất tôn trọng công việc của chồng, nên tôi làm gì cứ làm. Phần tôi, cũng rất tách bạch, tỉnh táo. Sáng tác, kiếm tiền, đi chơi cùng vợ, hay... thay tã cho con đều quan trọng như nhau! Việc gì tôi cũng làm được hết và tự nhủ, mình phải làm được hết. Đến giờ, tôi vẫn thấy mình dồi dào cảm hứng viết. Tuy nhiên cũng cần nói thêm, có thể có những nhà văn khác không "đèo bòng" như tôi, họ sẽ có nhiều thời gian và cảm hứng hơn. Việc này tôi chưa trải nghiệm nên cũng khó phát biểu, vì tôi viết văn xuôi... sau khi lấy vợ, trước đó chỉ làm thơ!
* Thú vui của anh là gì?
- Tôi... mê đủ thứ: đọc sách, coi phim, xem bóng đá, nghe nhạc, du lịch cùng gia đình... Còn trong một ngày, khoảnh khắc ngồi một mình trên sân thượng lúc nửa đêm, sau khi tập thể dục là thời điểm rất thú vị.
* Một số nhà văn thường tuyên bố vung vít để tạo sự chú ý của dư luận, anh lại chỉ im lặng, nhẫn nại viết, chẳng lẽ anh không muốn dư luận chú ý?
- Tự nhìn lại, ít năm trước tôi cũng rất hay tuyên bố, tranh luận này khác. Về sau đọc lại, tôi thấy những tuyên bố ấy thật... trẻ con, ngốc nghếch! Bởi, tôi viết được ít nên phải... nói bù, sợ người ta không biết! Giờ, ngay cả trong trang viết, tôi cũng gắng lặn xuống sâu hơn, xa khỏi những "gào thét", dãy dụa bề mặt. Tuy nhiên, tôi biết, mình vẫn chưa làm được nhiều. Viết văn là nỗ lực của cả đời người.
* Viết, là một nhu cầu tự thân. Anh từng cho rằng, anh viết để khỏi vo tròn cái tôi. Vậy anh có thể cho biết "cái tôi" của anh như thế nào?
- Ðây cũng là một câu mà tôi "tuyên bố" hồi... lâu rồi - ý là viết để mình không bị nhòa nhạt, vo tròn. Bây giờ nếu cho nói lại, tôi sẽ... không quan trọng hóa cái tôi đến thế nữa. Cái tôi của tôi hôm nay, đơn giản là sống, viết sao cho bạn bè lâu lâu vẫn nhớ ra, gọi mình... đi nhậu; và ở nhà vợ con yêu thương, tôn trọng mình. Thế là mãn nguyện rồi!
* Nếu cho anh "tự họa", anh sẽ vẽ chân dung mình thế nào?
- Khi "tự họa", hoặc tự viết về mình, người ta có xu hướng... xấu che, tốt khoe. Vì thế, tôi nói ra đây liệu có đáng tin không nhỉ? Thôi thì cứ thống nhất thế này: "Chân dung" của tôi được phản ảnh qua sáng tác của tôi. Con người bên ngoài của tôi cũng chẳng có gì đặc biệt. Có thể độc giả khi gặp sẽ rất... thất vọng so với những gì họ đã thấy trong tác phẩm của tôi!
Lê Minh Quốc (thực hiện)
(nguồn: Báo Phụ Nữ Chủ Nhật / phunuonline.com.vn)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|