VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương chín

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương chín

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương chín

Đại lý Nhã Nam giở trò hèn hạ

Ly rượu nầy ai sẽ giết ai?

         Trở về Yên Thế, trên danh nghĩa Đề Thám chỉ được giữ lại 25 tay súng để bảo vệ đồn điền. Nhưng theo điều tra của đại lý Nhã Nam thì Đề Thám vẫn còn giữ lại trên 350 khẩu súng bắn nhanh loại tốt. Dĩ nhiên các súng đó đều được phân chia cho những tướng lính đóng quân đồn Phồn Xương như Cả Rinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cai Biều, Đốc Thu… Công việc đầu tiên khi kéo về đây, Đề Thám đã cho họp ba quân lại nghe ông triển khai kế hoạch lâu dài và trước mắt: Mở rộng việc khai thác đồn điền Phồn Xương để có một căn bản về kinh tế mà chiêu quân. Khẩn trương xây dựng các công sự và pháo đài phòng việc bất trắc sẽ xảy đến. Lấy đồn Phồn Xương là nơi tụ họp các nghĩa sĩ toàn quốc đến bàn bạc việc cứu nước. Và nhiệm vụ cuối cùng là đợi cơ hội tốt sẽ tổng phản công lại giặc Pháp.

        Những nghĩa quân của ông mặc dù trở thành nông dân, nhưng xong công việc đồng áng thì tập bắn súng, rèn luyện những thao tác quân sự, v.v… Kỷ luật được đặt ra rất nghiêm nhằm làm tốt mối quan hệ quân dân cá nước. Nhân dân trong vùng khi có ma chay, cưới xin… thì ông đều cho người đến giúp đỡ. Các chùa chiền trong vùng như chùa Làng Trũng, Luộc Giới, Gia, Sậy, Lèo, Hả, Cao Thượng… đều được ông cung cấp gỗ và nhân công để tu bổ lại hoặc xây dựng mới. Nhờ vậy danh tiếng của ông ngày càng lan rộng. Một số nghĩa quân ở những nơi khác vì tướng cũ đã chết hay đã ra hàng giặc thì nay kéo lên Yên Thế. Trong số đó, có những binh lính của nhóm Thái Bình Thiên Quốc hoặc dư đảng của quân Cờ Đen, Cờ Vàng… Mấy năm liền, nhờ ơn trời nên mùa màng tươi tốt. Đề Thám lại cho thủ hạ xuống vùng xuôi mộ thêm người nghèo lên Yên Thế lập ấp. Dần dần họ đều được bổ sung vào nghĩa quân. Muốn vậy, thì người đó phải trải qua nhiều thử thách, trước hết là tinh thần dám hy sinh vì đại nghĩa.

       Trong thời gian nầy, Đề Thám có tin vui. Bà Ba Cẩn đã sinh cho ông một đứa con gái. Ông đặt tên là Hoàng Thị Thế, ghi nhớ vùng đất giúp mình làm nên sự nghiệp. Và nhân ngày vui đầy tháng của bé Thế, bà Ba Cẩn đã đứng ra làm lễ cưới người vợ thứ tư cho Đề Thám. Bà nầy là em ruột của Tổng Bình – đang chiến đấu dưới quyền của ông. Dịp nầy, những quan chức chính phủ Pháp cũng được mời đến Phồn Xương chung vui với gia đình ông. Trong số khách mời có cả Bouchet – viên đại lý của vùng Nhã Nam. Lâu nay, mặc dù trên danh nghĩa hòa hoãn, hữu nghị nhưng con mắt cú vọ của thực dân vẫn theo dõi từng động tĩnh của Đề Thám. Chúng thừa biết đồn trại nơi đây đã được xây dựng bằng con mắt của nhà quân sự. Quanh trại đều có cắm chông. Tường thì được xây bằng đất khá dày hoặc rào bằng tre, bằng gỗ. Có hầm hào được đào theo thế liên hoàn để thuận tiện khi tác chiến. Bọn thực dân luôn tìm cách đột nhập dò xét bên trong doanh trại của ông.

     Và dịp may nay đã đến.

      Mặc dù tự nhận là con nuôi của Đề Thám, nhưng Bouchet lúc nào cũng tìm cách ám hại ông. Lần nầy, đi theo hắn, ngoài những viên sĩ quan Pháp, có còn một ông quan Việt gian. Quái! Ông quan nầy có móng tay thật dài, và con mắt thì lúc nào cũng nhìn lấm lét như quạ chui chuồng lợn. Gia đình Đề Thám vui vẻ chào đón những vị khách quý. Có lẽ đây là bữa thịnh soạn nhất trong đời ông. Trong đó, có món mà bà vợ thứ tư đã khéo léo làm. Cơm lam! Mới nghĩ đến đó mà ông đã thấy ngon miệng. Gạo ngon được cho vào ống to có chứa sẵn nước. Bịt kín lại. Đem đốt lên. Từng hạt cơm dẻo thật ngon. Ngoài ra còn có cả món ăn mà người sành điệu gọi là làm theo kiểu Phan Đình Phùng. Bởi lẽ, năm 1895 khi Pháp bao vây căn cứ Vụ Quang, lương thực thực phẩm không thể tiếp tế vào được, cụ Phan Đình Phùng đã có sáng kiến nghĩ ra món ăn nầy. Con gà bị bóp cổ chết. Người ta để nguyên như thế đem lấy đất sét đỏ trét kín để bọc con gà lại. Nó được đặt trên đống lửa. Lửa nướng chín con gà. Đem bóc đất sét ra thì gà thơm phức. Không còn một sợi lông. Bấy giờ người ta mới thọc tay vào bụng con gà. Moi hết ruột. Và lấy rượu rửa bụng sạch sẽ. Món gà nướng độc chiêu nầy mà ăn với cơm lam thì rất hợp với khẩu vị của Đề Thám.

         Ngày hôm nay, Đề Thám dặn dò mọi người:

        - Người Pháp đến với chúng ta không bao giờ bằng thiện ý. Họ đến không phải để chung vui và giải trí. Đừng lầm! Họ sẽ chơi chúng ta một vố nào đó thôi. Đừng bao giờ để bọn chúng lừa xong thì ta mới sáng mắt ra. Vậy mọi người phải cảnh giác và đề phòng. Tuyệt đối không ai được trả lời những câu hỏi của bọn chúng, ngoài ta!

       Tất cả đều răm rắp tuân lệnh. Đề Thám ngồi giữa hai bà vợ. Ông cũng mặc quần trắng áo láng đen như mọi ngày. Ngồi vào bàn ăn, Bouchet hào hứng cầm chai rượu vang:

       - Thưa bố, hôm nay là ngày vui của gia đình ta, con mời bố khui chai rượu tuyệt ngon nầy. Con hy vọng chai champagne nầy sẽ làm bố ngon miệng hơn.

         Đề Thám đáp:

         - Đúng gout người Pháp. Thịt rừng mà uống với rượu vang đỏ thì không chê vào đâu được. Chúc bữa ăn của chúng ta ngon miệng.

         Ông cầm lấy chai champagne. Nút chai bắn lên trời. Một tiếng nổ vui tai. Rượu trào ra. Rót tràn ly. Mọi người cùng nâng ly. Trong lúc ăn uống mọi người đều nói chuyện vui vẻ. Bouchet thỏa mãn ngã người ra ghế:

       - Xong món khai vị, chúng ta dùng món bifteck frites chứ bố?

       Ông độ lượng:

       - Tất nhiên rồi!

       - Cám ơn bố. Đó là món con thích nhất!

             Bouchet không thể ngờ rằng, đúng bốn mươi năm sau (1954) – một vị tướng lừng danh của Pháp là De Castris sau khi thất trận tại Điện Biên Phủ, được trả tự do về Pháp thì món đầu tiên mà y gọi cũng là bifteck frites. Mọi người vẫn ăn uống vui vẻ. Những món ăn Pháp lần lượt được đặt trên bàn như thịt bò hầm, vịt trời quay, xúc xích… Tiệc gần tàn. Bouchet đứng dậy:

       - Thưa bố, con xin kể với bố nghe chuyện nầy. Brillat Savarin, một quan chức hành chánh tư pháp thời Cách mạng 1789 và Đế chế I, khi chết có để lại quyển sách Sinh lý học vị giác. Con đã đọc quyển sách đó. Con thích nhất câu nầy: “Sự phát hiện ra một món ăn mới có lợi cho hạnh phúc nhân loại, hơn là sự phát hiện ra một tinh tú mới”.

       Mọi người cùng cười ồ lên tán thưởng câu nói đó. Đề Thám cũng cười, nhưng ông nói:

     - Bouchet à! Lẽ ra phải nói như thế nầy mới đúng: “Sự phát hiện ra một món ăn mới có lợi cho nhân loại, hơn là sự phát hiện ra một loại vũ khí mới”. Đúng không?

        Bouchet vỗ tay. Lợi dụng lúc mọi người đều vui vẻ như thế, ông quan có móng tay dài đã kín đáo nhúng móng tay ngón út vào ly rượu Đề Thám. Sự việc nầy chỉ diễn ra trong tích tắc. Tiếc rằng, nó đã không qua được mắt của người nghĩa quân đang cầm gươm đứng hầu Đề Thám. Bouchet vẫn tiếp tục ba hoa:

          - Đây là món ăn mới con xin dâng bố!

            Hắn lấy trong người ra những miếng pho-mát.

         - Tráng miệng mà không có pho-mát thì cũng có thể ví như một cô gái đẹp mà chột mắt. Nào xin nâng ly mừng ngày vui của gia đình bố!

           Bouchet chủ động nâng ly mời mọi người. Lập tức, người lính hầu của Đề Thám đã đặt thanh gươm sáng loáng trước mặt ông và đưa mắt nhìn về phía ông quan có móng tay dài. Bouchet hoảng hốt:

         - Thưa bố, chuyện gì đã làm bố không hài lòng?

          Đề Thám vẫn điềm tĩnh, ông đứng lên cầm ly rượu đưa cho người lính hầu:

          - Chú cầm lấy ly rượu nầy thay mặt ta mà mời viên quan!

         Rồi ông quay về phía Bouchet mỉm cười:

          - Hôm nay, bố rất vui vì sự có mặt của con và những người tháp tùng theo con. Bố mời viên quan đại thần ly rượu nầy nhé!

         Bouchet đớ lưỡi. Y lắp bắp ê a ề à điều gì đó mà không ai nghe rõ. Đề Thám nói trống không một cách quả quyết:

       - Ta đã mời rượu cho ai thì đó là một vinh dự. không ai được quyền từ chối vinh dự đó.

       Bouchet và những sĩ quan khác quay mặt đi. Mặt mày của họ trơ ra như mặt thớt. Không còn cách nào khác, ông quan đó đành phải cầm ly rượu từ tay người lính hầu. Thanh gươm sáng loáng. Ông ta rùng mình khi vừa liếc thấy. Tim đập thình thịch như trống chầu. Ông ta nhắm nghiền mắt lại. Dốc cạn nửa ly rượu. Rồi chần chừ hạ ly xuống. Đề Thám gằn giọng:

           - Theo phép lịch sự, ta mời thì phải uống hết.

       Lần nầy, chỉ mới vừa nhấp môi thì ông ta đã ngã lăn xuống đất. Đề Thám tiếp tục rót rượu:

     - Cuộc vui  hôm nay vẫn tiếp tục.

       Bouchet và đám tùy tùng đi theo lơ láo như rắn ráo mùng năm. Chúng chẳng còn bụng dạ nào để mà ba hoa nữa. Chẳng mấy chốc chúng say mèm. Đề Thám đứng dậy bước vào phòng nghỉ. Đề Cõn và Cả Trọng sai nghĩa quân lột truồng chúng và lấy gậy đánh đuổi. Bọn chúng tồng ngồng lệch xà lệch xệch mà chạy về Nhã Nam. Riêng ông quan đã uống ly rượu có thuốc độc nên đã tắt thở, và được chôn cất cẩn thận.

           Tại Hà Nội tháng 12-1902, thực dân Pháp khánh thành cầu Sông Cái. Toàn quyền Paul Doumer về nước, được thay thế chức vụ đó là Beau. Vua Thành Thái cũng ra dự, chấp nhận cho nó được mang tên Doumer (!). Nhân dịp nầy, một nhân vật trong nhóm Nam Đàn Tứ Hổ xuất hiện. Thời đó, trong dân gian lưu truyền bài vè:

Uyên bác bất như San

Thông minh bất như Sắc

Tài hoa bất như Quý

Cường ký bất như Song

         (Học rộng không ai bằng Phan Văn San, Thông minh không ai bằng Nguyễn Sinh Sắc, Tài hoa không ai bằng Vương Thúc Quý, Nhớ dai không ai bằng Nguyễn Quý Song)

         Phan Văn san tức là Phan Bội Châu. Ông đã xin Tổng đốc Đào Tấn một giấy thông hành đi xem hội khánh thành cầu Doumer. Với giấy thông hành nầy, ông đã đi nhiều tỉnh Bắc Kỳ để tìm người yêu nước và cuối cùng là ông lên chiến khu của Đề Thám. Trước đó mấy tháng, tháng 9-1902, thời gian chuẩn bị thành lập Duy Tân Hội, Phan Bội Châu cùng Tán tương Nguyễn Quýnh (một người trong dư đảng của Phan Đình Phùng) cũng đã đến Phồn Xương. Nhưng lần ấy, do cảnh giác nên Đề Thám không cho gặp mặt. Lần nầy lại không may cho Phan, Đề Thám bị ốm nặng. Chỉ có Cả Trọng, Cả Rinh, Cả Huỳnh đem bộ hạ ra tiếp đón trọng thể. Cả Huỳnh hỏi mục đích của ông thì Phan đáp là cần gặp Đề Thám để luận bàn chuyện đại sự trong thiên hạ. Ông Phan đã lưu lại đại bản doanh mười ngày. Cuối cùng Đề Thám vẫn không tiếp vì còn ốm. Vài hôm sau, trước lúc từ biệt, Phan bội Châu ngậm ngùi cầm tay Cả Trọng:

       - Thuở tôi còn nhỏ, tiếng tăm của tướng quân Đề Thám đã vang dội vào tai tôi, làm cho tôi bao năm kính mộ và chỉ mong được một phen gặp mặt kẻ anh hùng.

           Cả Trọng không biết làm sao để thỏa mãn lòng chân tình của Phan. Sau những lần bị ám hại một cách hèn hạ, Đề Thám tỏ ra hết sức cảnh giác. Ngay cả Bouchet, nhiều lần tìm cách chụp hình ông thì ông cũng tìm cách từ chối. Phan Bội Châu đành về xuôi.

         Sau vụ sát hại Đề Thám không thành, phải tồng ngồng cút về đồn Nhã Nam thì Bouchet vẫn thậm thụt vào dinh lũy của Đề Thám để do thám. Chiều nay, hắn lại đến. Mặt lầm lầm như chó ăn vụng bột, hắn giục những người lính đi theo hắn dò xét chỗ nầy chỗ kia. Đề Thám vẫn ung dung, ngồi trên giường ông hỏi vọng ra:

          - Bouchet! Con cần gì ở ta?

       Hắn nói dấm dẳng như chó cắn ma:

       - Có tù nhân nào trốn trại vào ẩn náu ở đây không?

           Đề Thám đáp cứng rắn:

       - Cảnh sát Pháp ranh mãnh như chó sói. Làm sao tù nhân nào có thể lên đây với ta được? Con nên nhớ rằng, từ Hà Nội lên Bắc Giang làm gì có rừng?

     - Nhưng nó có súng lục. Nó đi tìm đồng bọn để mưu hại người Pháp.

     - Ồ! Nếu đúng như thế thì cũng không thể lên đến đây được.

       Bouchet vẫn lải nhải dai nhách như chó nhai giẻ rách:

        - Nhỡ nó lên đến đây thì có báo cho Bouchet nầy không?

       Đề Thám gằn giọng:

         - Ta không bao giờ trông đồng với cảnh sát. Hiểu rồi chứ?

       Bouchet ức lắm. Hắn biết chắc tù nhân trốn trại đang ẩn náu ở Phồn Xương. Nhưng làm gì hơn. Hắn cùng đồng bọn cụp đuôi cúp về.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com