VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương kết thúc

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương kết thúc

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

 

Chương kết thúc

Cọp chết để da người ta chết để danh

Yên Thế ngàn năm rạng danh Đề Thám

           Khi bà Ba Cẩn bị trung đội Coureron bắt ở Chợ Gồ và đưa về giam ở đồn Nhã Nam thì thằng bán tơ có mò đến. Nhan sắc của bà vẫn còn làm y xốn xang. Y nham nhở nói câu bỉ ổi:

       - Nếu trước đây bà đồng ý làm vợ lẽ của tôi thì đâu phải khốn nạn như thế nầy.

       Bà Ba quay lưng nhổ toẹt bãi nước bọt xuống đất một cách khinh bỉ. Lê Hoan hậm hực bỏ về.

       Sau đó, tất cả những nghĩa quân của Đề Thám đều bị chính phủ Pháp đày sang đảo Guyane. Tàu vừa cập bến Alger, bà Ba Cẩn đã lao xuống biển tự tử. Sóng biển gầm lên dữ dội. Bóng mặt trời nhập nhòe trên biển lúc hoàng hôn tím bầm như cục máu. Đó là buổi chiều ngày 25-11-1910. Riêng Lê Hoan, sau cái chết oanh liệt của bà thì y đâm ra ốm nặng. Ngay cả những bác sĩ Pháp cũng không tài nào đoán nổi được bệnh của y. Con mắt của y cứ mở thao láo suốt ngày đêm. Trừng trừng nhìn lên trần nhà. Y nằm bệt một chỗ, không ăn uống được gì cả. Vài tháng sau thì y tắt thở. Ac giả ác báo chăng?

        Lúc nầy, bé Hoàng Thị Thế tròn 13 tuổi. Thế được đưa sang Pháp với tư cách là con nuôi của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut. Thủ đoạn tinh vi của Pháp là nhằm tách rời Thế khỏi ảnh hưởng vang dội của Đề Thám. Điều nầy cũng giống như trước đây, Pháp từng đưa Kỳ Đồng hoặc con cái của các nhà cách mạng lừng lẫy Việt Nam đi “du học” vậy. Tất cả chỉ nhằm mục đích đào tạo họ trở thành những người sau nầy phục vụ đắc lực cho mẫu quốc Đại Pháp.

         Còn em của Thế là Hoàng Văn Vi (tức Phồn) khi vừa lọt lòng mẹ thì bà Ba Cẩn đã nhờ bà Lý Chuột nuôi giùm - để rảnh tay xông pha trận mạc. Năm 1935, nhà văn Thạch Lam đã lên Bắc Giang tìm gặp ông. Trong bài phóng sự Bóng Người Yên Thế (số 8 báo Ngày Nay) Thạch Lam nhận xét: “Khi gặp ông, tôi thật lấy làm lạ lùng. Một người đàn ông chậm chạp, nói năng nhỏ nhẻ như sợ hãi cái gì. Khi ông cất mũ chào, tôi thấy cánh tay lên xuống một cách rụt rè, e ngại – một vẻ lễ phép quá độ và không được tự nhiên như người thường. Nhưng không phải cái bề ngoài đó là hình ảnh của bề trong. Người tinh ý tất nhận thấy trên nét mặt, trên cái trán rộng rãi và sáng sủa, cái nghị lực và cái can đảm khác thường. Thỉnh thoảng, đôi mắt tia sáng, một cái cử chỉ bỗng tự nhiên nhanh nhẹn, đủ tỏ cho ta biết cái giòng giống mạnh mẽ xưa không mất”. Người con trai nối dõi độc nhất của Đề Thám đã kể về đời mình như thế nào? Trò chuyện với Thạch Lam, ông Phồn kể:

        -U nuôi tôi (bà Lý Chuột) đã thương tôi hơn con đẻ. Vì tôi mà phải chịu bao nhiêu nỗi long đong khổ sở. Năm tôi lên một, có người con rể làm lý trưởng lẻn ra tỉnh báo, nhà nước sai lính về bắt tôi, u nuôi tôi cùng mấy người con. Nhưng hỏi thế nào, u nuôi tôi vẫn cứ nhất định một mực nhận tôi làm con đẻ. Người ta đã bắt người con trai u nuôi tôi, năm ấy 17 tuổi bỏ vào rọ lăn qua đám chông gai, u nuôi tôi chỉ ứa nước mắt mà lắc đầu. Sau cùng, không biết làm thế nào, họ đưa tôi và u nuôi tôi đi khắp đó đây, tỉnh nầy sang tỉnh khác, đến những người quen biết thầy tôi trước để xem tôi có giống thầy tôi không.

       “Nhưng may lúc bấy giờ tôi lại giống u nuôi tôi lạ. Vì thế, nên sau khi đi chán khắp nơi, họ cũng đành lại để u nuôi tôi ẵm tôi về làng.

       “Suốt mấy năm được yên ổn. Người con rể đi báo trước, thầy tôi bắt trói ngược lên cây gạo toan chém. Nhưng sau vì u nuôi tôi xin mãi, nên thầy tôi cũng tha. Thỉnh thoảng cóm ột vài người Tây đến thăm tôi và cho tiền, còn không có gì khác.

           “Đến mãi khi tỉnh Thái Nguyên vỡ, tôi lên 7 tuổi, người ta mới lại bắt lên tỉnh, giao cho ông Án Giáp Bắc Giang nuôi và cho tôi đi học ở trường tỉnh. Mỗi bước đi là có hai người lính đi kèm, họ sợ tôi trốn, mà lúc ấy còn bé, tôi đã biết gì. Như thế, ở nhà ông Án được năm, sáu năm…

         “Đến năm 12 tuổi, người ta cho tôi ra học trường Bách Nghệ Hà Nội. Vào đến trường, trông thấy cái máy chạy, tôi thích quá, nhất định xin theo học ban máy móc. Nhưng không hiểu tại sao, người ta lại không nhận lời xin ấy, cứ ép tôi học về đằng thợ mộc. Tôi không nghe, người ta hết sức dỗ dành, cả một ông giáo trong trường cũng dỗ dành tôi nữa.

        “Tôi phải học vậy. Ở trường được ba năm, chịu nhiều nỗi cực khổ lắm. Năm tôi 16 tuổi, vì một sự phạt cỏ-vê (corvee) tôi bèn nói với chị tôi xin quan Thống sứ cho về quê làm ruộng…”

          Sau nầy, ông Phồn đã cưới con gái của Thống Luận, sinh được 3 con. Cũng trong chuyến đi nầy nhà văn Thạch Lam có gặp được ông Cai Phúc. Khi bà Ba Cẩn đi đày sang đảo Guyane thì ông cũng đi trong chuyến đó. Mãn hạn tù, ông trở về quê nhà ở làng Lăng Cao. Lúc bấy giờ, ông đã 76 tuổi, tai điếc, một mắt bị chột. Râu tóc bạc phơ. Mặc quần áo nâu cũ kỹ. Đầu đội cái mũ nỉ. Nhưng gương mặt rắn rỏi, nghị lực. Khi thấy mấy ảnh của Thạch Lam đặt trên giường, ông cầm lấy ngắm nghía kỹ lưỡng rồi quay sang hỏi Phồn:

         - Cái nầy có phải là ống nhòm không?

       Rồi ông ngậm ngùi nói:

       - Ấy, tối hôm qua, tôi vừa nằm mộng thấy quan thầy tôi là ngài Đề Thám ấy mà. Ở đây, năm nào chúng tôi cũng nhớ ngày cúng giỗ, ngày mồng 8 tháng giêng. Lắm lúc ngồi, tôi cứ phảng phất như thấy hình bóng Ngài ở bên mình, lại nhớ đến hồi trai trẻ sức lực còn nhiều…

        Còn vợ ông Cai Phúc thì kể lại những ngày đi theo Đề Thám. Thạch Lam hỏi:

           - Đánh nhau đã nguy hiểm như thế thì ông bà theo quan Thám làm gì?

          Bà Cai đáp:

        - Người làng chúng tôi trước đây nhiều kẻ cường hào lắm. Chúng tôi bị người ta ức hiếp không trông vào ai được, nên phải cầu cứu với quan lớn. Nhờ vậy, chúng tôi mới được yên đây.

       Khi Thạch Lam ngỏ ý muốn chụp ảnh ông bà Cai Phúc để làm kỷ niệm, bà đáp bằng giọng van lơn:

         - Thôi em xin ông đừng chụp. Có chụp, xin chụp ông em một cái thôi. Còn em là đàn bà đã già rồi, xin ông miễn cho, đừng để ý đến làm gì.

          Sau khi thực hiện bài phóng sự nầy, báo chí Hà Nội lại rộ lên việc khai thác về cuộc đời oanh liệt của Đề Thám. Đáng tiếc thời đó và ngay cả bây giờ, khi đề cập đến Hùm Thiêng Yên Thế, người ta lại gán cho ông nghiện thuốc phiện nặng (?). Phồn đã viết lá thư gửi về tòa soạn báo Ngày Nay – 55 đường Des Vermicels (*)****** nay là phố Hàng Bún.***** để nhờ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cho đăng đính chính lại. Nguyên văn lá thư như sau:

Kính gửi ông Giám đốc báo Ngày Nay

Thưa ngài,

Nhân ông Văn Tước có ngỏ ý muốn viết một cuốn truyện dài nói về đời của thầy tôi, ông Hoàng Hoa Thám, lại đượcngài phái lên hỏi tôi, tôi lấy làm cảm tạ tấm lòng tốt của ngài và của ông Văn Tước.

Đã có nhiều sách do mấy người Pháp viết về chuyện của nhà tôi rồi. Song phần nhiều đều không nhằm hẳn sự thật và có ý coi thầy tôi chỉ như một quân cường bạo. Thực ra, ngay chính cả Chính phủ Bảo hộ cũng không nỡ coi thầy tôi như tác giả những cuốn sách kia. Tôi nói thế là dựa theo bằng cớ hẳn hoi. Sự hiểu nhầm đó, đối với những người ngoại quốc, là lẽ cố nhiên, tôi không lấy làm lạ. Sự lạ là nay lại có người An Nam cứ theo như những cuốn sách của mấy người ngoại quốc đó mà dịch ra, rồi có ý cho là tác phẩm của mình. Người ấy đã không biết trọng sự thực, cứ thấy chuyện là viết, là dịch, là đăng báo. Đó, một chuyện xảy ra mới được hơn vài chục năm nay, mà họ còn hồ đồ như thế. Tôi tuy sinh sau, không được chứng kiến những chuyện của nhà tôi, song tôi đã từng sống chung với những người ở luôn bên cạnh thầy tôi, chuyện nhà tôi ra sao, những người ấy đã kể cho tôi nghe một cách rành mạch.

Vậy xin có lời nhờ ngài cải chính trên báo những chỗ sai lầm của ông Quan Viên hiện cũng đương dịch đăng chuyện nhà tôi trên tờ Ngọ Báo.

Ngài làm ơn công bố trên báo để mọi người biết cho rằng thầy tôi không nghiện thuốc phiện theo như các sách Tây và bài “Cầu Vòn Yên Thế” của Quan Viên trong Ngọ Báo. Thầy tôi, vì sự thù tiếp, nhà phải có bàn đèn. Người Pháp nhầm nên cho thầy tôi là nghiện đấy thôi. Còn ông Quan Viên chỉ biết phỏng theo sách tây nhưng không chịu khảo xét, nên cũng nhầm là phải lắm.

Kính thư

Hoàng Văn Vi tức Phồn – Bắc Giang

         Còn Hoàng Thị Thế thì khi sang Pháp được mọi người gọi là Marie Béatrice Destham. Bà cũng từng tham gia đóng phim, vai Ly Ty trong phim Một bức thư do Hãng Paramount sản xuất tại Paris! Năm 1925, sau khi học xong tú tài phần một, Thế được đưa về làm việc ở Thống sứ BắcKỳ. Thời gian nầy, bà ở nhà tại phố Hàm Long vài tuần cho đón em trai mình – Phồn – cùng về ở. Năm 1927, bà lại bị đưa sang Pháp vì đã phát chẩn quá hào phóng cho dân nghèo huyện Gia Lâm (Hà Nội) và may quần áo cho nhiều học sinh trường Bưởi mà trong số đó có người làm Cách mạng.

       Bà Thế đã làm lễ đính hôn với ông Robert Bourges – một nhà tư bản kinh doanh rượu vang ở Bordeaux. Báo Pháp đã đăng lời chúc mừng như sau: “Tại nhà thờ Saint Amand ở Canderan vào khoảng nửa đêm sẽ cử hành hôn lễ giữa quận chúa Hoàng Thị Thế – cháu của cựu hoàng đế Trung Hoa (?) với ông Robert Bourges. Toàn thể nước Pháp chấp nhận quận chúa và chủ định chỗ ở của quận chúa ở Bordeaux, trong một khách sạn cực kỳ sang trọng ở đại lộ Camot”. Năm 1929, bà đã sinh một con trai là Jean Marie Bourges. Ít lâu sau bà ly dị với chồng. Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm vận động ráo riết để đưa bà về Sài Gòn. Trong một chuyến công cán ở Paris, vợ Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân đã gặp bà Thế với mục đích trên. Bà trả lời thẳng thừng với Xuân:

          - Bố ta là anh hùng cứu quốc. Ta không thể đi với quân bán nước.

          Sau đó, bà xin về Hà Nội. Người đứng ra tổ chức việc đón bà về nước là ông Phan Kế Toại. Thời gian nầy, những tầng lớp quan lại cũ, viên chức cũ thân Pháp và cả phần tử phản động trong lực lượng tôn giáo tìm mọi cách lợi dụng tên tuổi Đề Thám qua bà Thế. Năm 1960 bà lại được chính phủ ta vận động đưa lên Bắc Giang làm thư viện ở tỉnh Hà Bắc – phụ trách phần sách báo tiếng Pháp và sách thiếu nhi. Năm 1974, bà lại về sống ở Hà Nội tại căn phòng số 31, nhà EI, khu tập thể Văn Chương. Bà mất vào ngày 9-12-1988 và được chôn trên vùng đất một thời lừng lẫy bóng cờ Đề Thám: Yên Thế.

           Khi trở về Việt Nam, thì bà Thế mất liên lạc với con trai Jean Marie Bourges của mình. Mãi đến năm 1993 con gái ông Phồn là bà Hoàng Thị Hải mới nối được liên lạc. Người hồi âm là con dâu của bà Thế, trong thư có viết: “tìm được họ hàng nhà mẹ chồng, gia đình chúng tôi như hồi sinh”. Vậy là Đề thám đã có 3 chắt mang quốc tịch Pháp: chắt trai Gerald (học luật), Hubart (học điêu khắc) và chắt gái Florence (học nghệ thuật sân khấu ở Paris).

         Và bây giờ, 1995, bóng dáng Đề Thám vẫn còn sừng sững trong lịch sử đấu tranh chống áp bức của dân tộc ta.

          Bắt đầu từ ngày 9-2-1913, không một ai còn nhìn thấy Đề Thám. Bốn năm sau, năm 1917, khi  bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước, bậc ái quốc Phan Bội Châu đã viết bài đầu tiên đề cập đến Hoàng Hoa Thám đăng tên tờ Binh Sự Tạp Chí ở Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) ngậm ngùi hạ bút: “Than ôi! Tội ác của kẻ thù ngút trời, thế lực của kẻ thù thì gấp hàng trăm lần, thế mà ông Hoàng một mình đã chống chọi được với chúng gần ba chục năm trời. Ông đã tập hợp và rèn luyện những con người tầm thường thành một đội ngũ mạnh mẽ và ông đã đường đường là một vị tướng quân tiếng tăm lừng lẫy. Ông thực xứng đáng là một Chân Tướng Quân, xứng đáng là Chân Tướng Quân”.

         Bảy năm sau, năm 1920, khi bắt đầu khởi thảo tác phẩm nổi tiếng Le Procès de la Colonisation Francais, nhà cách mạng thiên tài Nguyễn Ái Quốc đã trân trọng viết về Đề Thám: “Bất lực trong mọi việc trừ khử ông Đề Thám trứ danh, vì mọi âm mưu bắn giết ông, thủ tiêu ông bằng thuốc độc hoặc bằng mìn đều thất bại, thực dân Pháp bèn đào mả cha mẹ ông lên, đem hài cốt đổ xuống sông”. Mười sáu năm sau, khi đang hoạt động tại Thái Lan với bí danh Thầu Chín, Nguyễn Ái Quốc đã viết vở kịch Đề Thám (6/1929). Một điều lý thú là chính Nguyễn Ái Quốc đã thủ vai Đề Thám trong vở kịch nầy. Một nhân vật lịch sử đóng vai một nhân vật lịch sử.

     Và chắc chắn một điều nhân vật lịch sử ấy đã trở nên bất tử.

        Ba mươi năm khắp núi rừng

         Danh ông Đề Thám vang lừng núi sông.

Lê Minh Quốc

(Phú Nhuận ngày 2-9-1995)

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com