VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương bốn

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương bốn

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương bốn

Lạc trong rừng lại gặp hồng nhan

Nữ tướng quân từ nay sát cánh

     Sau đại bại ở trận Hố Chuối, Lê Hoan run sợ cho ghế Tổng đốc của y. Có thể mất chức mà cũng có thể mất đầu như chơi. Được sự tiếp viện của đại úy Toquenne, Lê Hoan hùng hổ mở một cuộc truy kích lớn. Trên đường chạy về Thái Nguyên, các cánh quân của Đề Thám phải tỏa lên Tây Bắc để tránh những mũi nhọn của giặc. Cánh quân của ông bị truy kích rất ngặt. Cuối cùng binh mã tan tác hết.

     Đề Thám trơ trọi một mình lạc trong rừng. Không lẽ số phận của ta kết thúc nơi đây? Mặc dầu rất đói, nhưng Đề Thám vẫn cố vượt qua mọi gian nan hiểm trở trong cánh rừng âm u. Trời đã tối mịt. Đề Thám đang đi tới địa phận của làng Thổ Hà (Vạn Vân). Một mình đi trong rừng hoang cỏ rậm, bỗng ông run người khi nghe từ rất xa có tiếng gà vọng đến. Đã sắp đến làng rồi chăng? Có nên vào làng hay lui ra? Lệnh truy nã ông đã được thông báo khắp nơi: “Ai bắt được tướng cướp Đề Thám sẽ được trọng thưởng. Ai chứa chấp giấu giếm sẽ bị phạt nặng”. Đề Thám đang tiến thoái lưỡng nan. Bỗng từ trên cành cây cao có một bóng người nhảy xuống. Tuốt gươm sáng lòa và quát lớn:

     - Ai đó? Trong đêm khuya sao còn vơ vẩn trong rừng? Không sợ thú dữ sao?

     Không nhìn rõ mặt đối phương, ông thủ thế:

     - Tôi đây! Tôi là người đi buôn bị lạc đường.

     Người lạ mặt đứng quan sát một lúc rồi nói:

     - Ông đi buôn có súng sao không bắn trả lại?

     - Tôi có bắn nhưng không trúng ai cả. Hơn nữa họ đông quá nên tôi phải chạy thoát thân chứ?

     Tiếng cười trong trẻo bỗng vang lên giữa cánh rừng âm u nầy. Thì ra người lạ mặt đó là một cô gái tuổi đôi mươi. Đề Thám cũng mừng thầm. Tại sao lại gặp một thiếu nữ đương xuân tại đây? Cô gái bỏ gươm vào bọc hỏi khẽ:

      - Nếu thật ông là kẽ lỡ đường thì bây giờ ông cần tôi giúp điều gì?

      - Tôi muốn cô đưa ra khỏi cánh rừng nguy hiểm nầy để ngày mai xuôi về Bắc Ninh.

     Cô gái im lặng một lúc như đang suy nghĩ điều gì quan trọng lắm, lát sau cô đáp:

     - Thôi được, tôi sẽ giúp ông. Bây giờ, đêm đã khuya, nếu ông không ngại thì mời ông về nhà tôi tạm nghỉ qua đêm.

      Nghe cô gái nói như thế Đề Thám mừng lắm. Vừa mệt, vừa đói ông bằng lòng ngay. Hai người luồn rừng mà đi. Cô gái đi trước dẫn đường, ông đi sau. Chẳng mấy chốc họ đã đến đầu làng. Một ngôi nhà lá đơn sơ hiện ra trước mắt họ. Mấy dãy chuối tiêu đứng nấp sau hàng rào làm bằng nứa. Ngọn đèn dầu trong nhà thắp sáng lù mù. Tiếng chó sủa inh ỏi. Đề Thám yên lòng. Ông theo cô gái bước chân vào nhà. Có tiếng nói vọng ra:

      - Cẩn ạ! Ai đi sau con đấy?

      Cô gái vui vẻ đáp:

    - Bố ơi! Có một ông khách lạ đi buôn bị cướp, lạc trong rừng nên con đưa về nhà tạm nghỉ đêm qua ạ!

      - Vậy à!

     Đề Thám bước hẳn vào trong nhà. Người vừa hỏi đấy là một cụ già ngoài lục tuần, nhưng trông còn quắc thước lắm. Cụ nói với Đề Thám:

      - Đó là đứa con gái duy nhất của tôi. Nó lẽ ra phải là con trai như là thằng anh nuôi của nó, chứ không phải…

      Cụ khẽ thở dài. Đề Thám lấy làm lạ, gặng hỏi tiếp. Sau khi hớp một ngụm trà nóng, cụ đáp:

      - Tôi tên là Cả Lộc, bà nhà tôi mất sớm để lại mỗi mình nó. Nó là gái nhưng tính tình thì như con trai. Khi tôi dạy võ cho đám thanh niên trong làng thì nó cũng theo học. Lại giỏi võ nữa chứ! Chẳng ai địch nổi nó. Con gái mà giỏi võ thì sao mà lấy được chồng?

      Đề Thám bất giác cười lớn. Cụ già hứng chí kể tiếp:

     - Ngay từ nhỏ nó đã táo tợn đi theo anh nuôi nó đi săn trong rừng ông ạ! Đêm nay, nó cũng vào rừng, thế có to gan lớn mật không chứ? Tôi mắng nó không được đeo cung vác nỏ vào rừng săn bắn thế mà nó có nghe đâu!

      Đề Thám tủm tỉm cười:

     - Thưa cụ,  nhờ vậy mà đêm nay con mới được gặp ân nhân của con chứ ạ!

      Câu chuyện đang vui vẻ như thế thì cô gái đã dọn cơm đem lên. Bây giờ Đề Thám mới nhìn rõ mặt ân nhân. Gương mặt tròn, đầy đặn. Hai con mắt sáng nhưng đằm thắm. Mỗi lúc cô cười trông có duyên lắm.

       - Mời ông xơi cơm ạ!

      Nói xong cô lui chân vào trong xuống nhà dưới. Từng nhiều năm xông pha nơi trận mạc, đối đầu cận kề với hòn tên mũi đạn nhưng Đề Thám vẫn thấy xao xuyến trước tiếng nói ấm áp, trong trẻo ấy. Dùng cơm xong, Đề Thám khéo léo gợi chuyện với cụ già:

      - Thưa cụ, anh trai nhà ta đêm nay đi đâu mà không thấy?

      Nghe hỏi thế, cụ cẩn thận vặn thấp ngọn đèn dầu:

     - Thằng con nuôi của tôi à? Nó bỏ nhà đi lâu rồi ông ạ!

     - Đi đâu vậy, thưa cụ?

      - Nó đi đánh nhau!

     Chỉ nói vậy rồi cụ già im bặt. Đề Thám giật mình:

      - Đi đánh nhau với quân của nhà nước à?

      Cụ già rít một hơi thuốc lào rồi nói:

     - Thôi đêm đã khuya rồi ông ạ! Mời ông ngả lưng cho đỡ mệt.

     Tiếng gà gáy vu vơ ngoài ngõ. Đêm đã khuya lắm. Gió thổi mạnh vào liếp cửa. Đề Thám vâng lời lui vào nhà trong nằm nghỉ. Trong người rất mệt nhưng ông vẫn không chợp mắt được. Mỗi lúc thiu thiu ngủ thì hình bóng của cô Cẩn lại hiện ra trong trí óc của ông. Mãi đến gần sáng vừa chợp mắt được một lúc thì đã nghe tiếng chó sủa. Ông bật người dậy. Tay sờ vào khẩu súng đang nhét trong bụng. Có phải gia đình cô Cẩn báo cho lính đến bắt mình? Mồ hôi chảy lấm tấm trên khuôn mặt. Ông rời khỏi giường và lẻn ra nhà sau. Nếu đúng vậy thì ông sẽ thoát thân ngay. Đang nghe ngóng như thế thì có tiếng reo vang:

       - Bố ơi! Anh Luận về bố ơi!

      Tiếng cụ già hỏi dồn dập:

      - Thằng Luận đó à?

      - Vâng, thưa bố! Con đây bố ạ!

      Tiếng nói của anh nuôi cô Cẩn sao nghe quen quá? Đề Thám nhích đầu nhìn ra thì ông suýt kêu lên: “Thống Luận”. Một tướng lĩnh cầm quân tài ba của ông đây! Đề Thám bước ra. Thoạt trông thấy ông, Thống Luận và những nghĩa quân đi theo cúi đầu cung kính:

      - Thưa quan lớn!

     Cô Cẩn há mồm ra kinh ngạc. Cụ già cũng chẳng hiểu gì cả. Tại sao ông khách lạ nầy lại được con trai mình kính trọng đến thế? Đề Thám cất tiếng cười vang:

       - A ha! Không ngờ lại được hội ngộ tại nhà của chú Luận.

      Luận và những nghĩa quân vẫn đứng yên lặng. Đề Thám ôn tồn:

     - Các chú cứ ngồi xuống đây. Mọi chuyện chúng ta sẽ nói sau.

      Luận rụt rè nói:

      - Thưa quan lớn, chúng tôi có lỗi đã không theo hầu được quan lớn trong lúc nguy nan nhất.

        - Không  sao cả! Chuyện binh đao, quân lạc tướng, tướng xa quân cũng là điều bình thường. Ta tha tội cho các chú. Thôi cứ ngồi cả xuống đây!

      Lúc bấy giờ, Thống Luận và các nghĩa quân đi theo anh mới dám hạ vũ khí xuống. Mọi người vui vẻ hẳn lên. Người vui nhất là cô Cẩn. Đã từ lâu cô nghe tiếng và ngưỡng mộ khí phách của Đề Thám thì nay mới được nhìn tỏ mặt.

      Đề Thám cùng thủ hạ ở lại nhà Thống Luận mấy ngày liền. Trước ngày từ giã, ông mới nói với Luận:

       - Ta thoát chết được một phần cũng nhờ cô Cẩn. Mọi sự thì chú đã tường. Ta có chuyện muốn nhờ chú thưa với cụ, chú nghĩ sao?

      Luận đáp:

       - Thưa quan lớn, bao nhiêu năm theo hầu quan lớn, tôi nào có dám từ nan chuyện gì.

      Đề Thám cười lớn:

       - Ta muốn cưới cô Cẩn làm vợ ba. Chú nghĩ sao?

      Luận tròn mắt:

      - Thưa, quan lớn đã quyết định rồi chứ?

      - Đã!

     Thống Luận sung sướng báo ngay chuyện nầy với bố nuôi. Cụ Cả Lộc bằng lòng ngay. Riêng cô Cẩn thì không nói gì cả. Trong thâm tâm của cô cũng mơ đến điều nầy khi anh nuôi cô vừa bước vào nhà. Được làm vợ ông Đề Thám là một dịp để cô thi thố tài năng của mình.

      Cuộc hôn nhân của Đề Thám đã giải quyết xong. Ngay ngày hôm sau, Đề Thám đưa vợ ba và các thủ hạ của mình lên đường về Bắc Ninh. Từ đây, trong hàng ngũ hướng lĩnh của Đề Thám có thêm một người trợ lực tài ba xuất chúng: bà Ba Cẩn mà sau nầy trong bài vè Đề Thám còn ghi lại:

Bà Ba Đề Thám truân chuyên

Non sông đã trải mấy phen thác ghềnh

Hồng quần nhẹ bước rừng xanh

Trận tiền giáp chiến đao binh vẫy vùng

Việc hòa, việc chiến thung dung

Chính bà cũng dự quân trung luận bàn.

      Năm 1893, Đề Thám dựng cơ ngơi mới cho cuộc chiến đấu sắp tới. Những người yêu nước khắp nơi đều tìm đến dưới trướng của ông. Trong số này có Bang Kinh – một địa chủ giàu có ở ngang núi Voi. Lâu nay, Kinh bị tình nghi có liên lạc với Đề Thám nên giặc Pháp tịch thu tất cả tài sản của ông. Căm giận nên Kinh đem 50 thủ hạ, vũ khí và tài sản còn lại đến gia nhập vào nghĩa quân Đề Thám. Và lúc nầy, Đề Thám cũng tuyển mộ thêm những tân binh, đa số là người Thổ, người Mường có oán thù với người Pháp. Chuẩn bị xong lực lượng, nghĩa quân lại ra sức đánh phá mọi nơi. Con đường sắt chiến lược Hà Nội – Lạng Sơn bị quấy phá luôn. Ba người Pháp là Bouyer, Roty, Humbert Droz bị bắt mà Đề Thám buộc chính phủ Pháp phải nộp tiền chuộc mạng. Lại thêm vào đó, Thống Luận, Cả Rinh lại làm một chuyện tày trời. Bấy giờ, bà Tảo – vợ cả cùng con trai lớn là Cả Trọng đã lên chiến khu theo chồng. Để tập luyện cho con trai quen gan dạ trong chiến đấu, Đề Thám đã vạch ra một kế hoạch hết mức mạo hiểm và táo bạo…



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com