VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương mười một

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương mười một

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương mười một

Đánh Hà Nội, kế hoạch không thành

Làm rạng danh vụ “Hà Thành Đầu Độc”

         Trên những chuyến xe lửa chạy từ Phủ Lạng Thương về Hà Nội hoặc từ Hà Nội lên Bắc Giang, người ta đã thấy những cô thiếu nữ xinh đẹp tuổi đôi mươi, đầu chít khăn mỏ quạ. Thắt lưng nhiễu tam giang. Quần vải thâm. Đi chân đất. Khi đến Hà Nội, họ nhanh chóng phân tán vào những ngõ ngách của ba sáu phố phường. Trong số đó, có bà Ba Cẩn.

          Trước đây vài tháng, đức cha Velasco lại đến thăm Đề Thám, bao giờ ông cũng mở đầu bằng câu:

       - Con ơi! Cha đã cầu nguyện cho con và gia đình con. Cha rất mong muốn con theo đạo Thiên Chúa. Đấy là ước nguyện thầm kín nhất của cha.

     Đề Thám đáp:

     - Cám ơn cha. Tôi tin là tôi không thể nào làm hài lòng cha được.

       Ông cười hiền lành:

        - Đây là những cuốn sách giáo lý mà trong đó có kể lại tích của các Thánh. Con đọc đi nhé!

       Đề Thám hờ hững cầm lấy sách. Đức cha được tiếp bằng những ấm trà tàu thật ngon. Họ chỉ ngồi trò chuyện với nhau về mùa màng, thời tiết chứ không đá động gì đến thời thế. Bé Hoàng Thị Thế đến sà vào lòng bố để nũng nịu. Đức cha hỏi:

        - Đề Thám à! Con có muốn ta làm phép trị tà ma cho cháu Thế không?

       - Tùy ông đấy. Tôi biết rằng, bao giờ ông cũng đem điều tốt lành đến cho mọi trẻ thơ.

        Đức cha đứng dậy trang nghiêm, ông ta làm dấu thánh trên đầu đứa bé, lẩm nhẩm đọc kinh rồi nói:

         - Đúng vậy! Từ nay đứa bé nầy sẽ thuộc về Chúa toàn năng. Người sẽ che chở cho nó.

         Đề Thám không nói gì, chỉ cười. Sau khi Đức cha ra về, Đề Thám có kể lại chuyện nầy cho bà Ba Cẩn nghe. Bà nổi cáu:

         - Thế là ông ta đã làm bùa yếm đứa con gái cưng của tôi rồi.

        - Cái trò nhảm nhí ấy bà tin làm gì? Ngay cả một kẻ ác tâm nhất cũng phải kính trọng sự ngây thơ của đứa trẻ. Cha cố không bao giờ yếm con gái của ta đâu!

          Bà trả lời:

        - Tôi biết, nhưng ngộ nhỡ ông ta dụ nó đi theo đạo thì sao?

       Nói xong bà dẫn bé Thế lên chùa Lèo làm lễ bán con mình cho Đức Phật. Khi bà quay về thì thấy chồng vẫn ngồi đăm chiêu. Bóng đêm nhập nhoạng bủa xuống khu đồn điền Yên Thế. Vừa thoáng thấy bà, Đề Thám nói ngay:

     - Tôi nghĩ ngợi như thế nầy bà ạ! Pháp không thể để cho chúng ta yên đâu. Dứt khoát chiến sự sẽ xảy ra. Tôi nghiệm thấy những điều hai ông Phan đã nói là có lý lắm. Không thể cát cứ mỗi một vùng nầy, mà phải liên kết thêm nhiều lực lượng nữa bà ạ!

         Bà Ba Cẩn đồng ý và gật đầu. Bà ngồi tư lự mãi lúc sau mới nhẹ nhàng nói:

         - Hay là ông cho tôi về Hà Nội một chuyến xem sao?

       Đề Thám ngạc nhiên:

        - Về Hà Nội à?

     Bà quả quyết:

      - Hà Nội là nơi tập trung nhiều binh lính nhất. Họ chưa được giác ngộ đấy thôi. Tại sao chúng ta không vận động họ cầm súng bắn lại giặc Pháp? Nếu làm được như thế là phù hợp với chiến thuật “nội công ngoại kích” trong binh pháp. Ông hãy tin ở tôi.

         Thế là, bà Ba Cẩn dẫn một số nữ nghĩa quân thường xuyên về Hà Nội. Lúc nầy, tại phố Hàng Buồm đang nổi danh thầy bói Nguyễn Văn Phúc, mà mọi người quen gọi là Lang Seo. Nơi nhà ông tấp nập người lui tới, đa số là những thầy cai, ông đội, lính lác xanh đỏ muốn theo thời vận của đời mình. Sau nhiều lần giả vờ làm người đi xem bói, bà Ba thuyết phục được Lang Seo vào đảng. Đảng nầy được Đề Thám đặt tên là Nghĩa Hưng. Lợi dụng vai trò của mình, Lang Seo ra sức tuyên truyền cho Đảng. Người ta vào Đảng ngày một đông. Anh em cai, đội thì có Đội Bình, Đội Cốc, Cai Trương… Công nhân làm Sở công chánh thì có Nguyễn Đình Chính gác đèn ở vườn Bách Thảo, Nguyễn Văn Ba làm bồi ở phố Sinh Từ, Nguyễn Đăng Duyên cai vườn ở Phủ Toàn quyền… Về lực lượng trí thức thì có những cụ cử Lê Đại, Võ Hoành, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Trịnh Mai Học… hoặc học sinh trường Pháp-Việt thì có Trần Đức Quang ở phố Hàng Đậu, v.v… Bà Ba Cẩn đặt tổ nòng cốt của Đảng tại Hà Nội, ngoài Lang Seo còn có ba người bạn thân của Đề Thám là Chánh Tĩnh, Đội Hổ, Lý Nho. Khi thấy Đảng vững mạnh, Đề Thám quyết định táo bạo giao cho đảng bộ Nghĩa Hưng phải đánh chiếm Hà Nội. Phối hợp cho họ là từ Yên Thế, nghĩa quân sẽ kéo xuống đánh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên… tạo nên sự nổi dậy đồng loạt mà giặc Pháp sẽ không đối phó kịp.

        Chiều ngày 16-11-1907, đảng bộ tập trung tại hàng cơm Cửa Nam của vợ chồng ông Chánh Tĩnh. Súng đạn được chuẩn bị chu đáo. Kẻ ra người vào tấp nập. Người đâu mà lắm thế? Bọn lính tuần đã phát hiện ra sự khác lạ nầy? Họ liền mật báo cho Sở Tuần cảnh. Nghe những lời báo cáo như thế, viên thanh tra chính trị De Miribel thật sự hoảng hốt đến sởn tóc gáy. Một mặt hắn cấp báo cho tướng Piel, một mặt hắn sai người đi dò thám.

         Sáng hôm sau thì tình hình đã rõ. Tướng Piel lập tức sai lính Tây đi tuần tra khắp phố và canh phòng nghiêm ngặt ở Phủ Toàn quyền, dinh Thống sứ, kho súng đạn, v.v…  Lính khố xanh khố đỏ thì bị cắm trại. Bố trí xong việc canh gác, chiều đó Piel địch thân cùng hai tên trung úy và một toán lính đến thẳng phố Cửa Nam. Chuông đồng hồ buông bảy tiếng giòn giã và trong trẻo. Bảy giờ tối ngày 17-11, quân lính ập vào cửa hàng cơm của Đảng. Nhà vắng ngắt. không một bóng người. Con chó của ông Chánh Tĩnh sủa ẳng ẳng mấy tiếng liền bị chúng quay báng súng đập chết tươi. Thì ra, ngay từ sáng biết việc đã bại lộ nên Lý Nho, Lang Seo, Đội Hổ và những đảng viên bỏ trốn sạch sành sanh, nhưng họ không kịp đem theo súng đạn.

     Kế hoạch đánh Hà Nội thất bại. Những người  trong đảng bộ lủng củng nhau. Sợ Lý Nho về Yên Thế phúc trình với Đề Thám, sẽ đổ tội cho mình làm hỏng việc nên Lang Seo ra tay trước. Lang Seo bí mật đầu độc giết chết Lý Nho. Sự việc nầy được giấu nhẹm. Đề Thám không hề hay biết. Thua keo nầy bày keo khác. Ông cho rèn hai thanh gươm, và chính tay mình trao cho Đội Hổ để một lần nữa thi hành nhiệm vụ.

        Tháng 5-1908, đảng bộ Nghĩa Hưng thực hiện một âm mưu mới. Theo đúng kế hoạch thì mọi sự được tiến hành vào đúng lúc 9 giờ tối ngày 22. Phía binh lính trong trại thì họ sẽ làm nội ứng, tháo hết phù hiệu rồi vác súng đi đón nghĩa quân của Đề Thám từ Sơn Tây và Gia Lâm tới. Đảng viên Cai Ngà phải tháo hết bộ phận kích hỏa ở các khẩu súng đại bác trong trại, làm tê liệt giàn pháo binh của Pháp. Mọi việc đã được sắp xếp đâu vào đó chỉ còn chờ hành động. Đêm 22-5 đã đến. Trước giờ nổ súng thì xảy ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong trại lính: nghĩa quân về có đông không? Có đủ sức chống chọi lại quân đội Pháp không?

       Không ai có thể trả lời được thắc mắc trên.

       Đúng 9 giờ. Sau khi đánh Sơn Tây, nghĩa quân kéo về Hà Nội, nhưng không thấy sự nội ứng của binh lính trong trại. Không còn cách nào khác, nghĩa quân phải rút lui. Dù chưa bại lộ nhưng kế hoạch đã thất bại.

          Một tháng sau, Đảng Nghĩa Hưng lại chuẩn bị một kế hoạch khác. Theo mệnh lệnh của Đề Thám, thì đêm 27-6 sẽ tiến hành đánh Hà Nội. Kế hoạch như sau: chiều ngày 27, lúc 4 giờ, Cai Ngà phải có đủ thuốc độc trao cho Cai Hiền, để phân chia các đầu bếp trộn vào thức ăn của binh lính Pháp. Lúc 6 giờ thì đảng viên trong trại phải vô hiệu hóa hỏa lực của Pháp, bằng cách dùng ngựa, lừa chở đại bác ra khỏi trại. Lúc 9 giờ, Cai Ngà sẽ bắn ba phát súng hiệu để đồng loạt khởi nghĩa. Sắp xếp xong công việc, Đội Hổ lên Yên Thế báo cáo cho Đề Thám. Ông đã trao cho Đội Hổ những giấy tờ có đóng ấn tín, những cờ Đảng… để khi thắng lợi phong chức tước cho người tham dự, v.v… Tất cả những thứ nầy được đảng viên Nguyễn Đình Chính giấu trong vườn Bách Thảo.

        Ngày 27-6 đã đến. 200 nghĩa quân từ Yên Thế kéo về ém quân ở bãi Phúc Xá, Gia Lâm… Bọn sĩ quan, binh lính Pháp vẫn ăn uống vui vẻ. Một lát sau, thiếu tá Grimaud được cấp báo một tin khủng khiếp hơn 200 lính Pháp thuộc binh đoàn pháo binh số 4 và binh đoàn thuộc địa số 9 đều ngã lăn quay vì ngộ độc thức ăn.

         Còi báo động trỗi lên.

        Pháp phản ứng ngay. Một cuộc bắt bớ ráo riết. Cai Ngà và các đầu bếp khác phải bỏ trốn. Đồng thời chúng vội vã cấp cứu người bị trúng độc. Lệnh khẩn cấp giới nghiêm. Tước hết vũ khí của lính An Nam. Vây ráp các khu phố. Do đó, Cai Ngà không thể nào bắn được ba phát súng lệnh như đã hợp đồng tác chiến. Nghĩa quân chờ đợi bên ngoài biết kế hoạch đã bại lộ nên lặng lẽ lui quân. Trong khi đó, do thuốc độc được chế biến từ cà độc dược nên không đủ sức làm chết một ai cả. Tuy nhiên chỉ có vài tên bị kích thích vì ăn nhiều nên như điên, như dại trèo lên cây hoặc xé banh quần áo chạy như bay ngoài đường phố, la hét om sòm!

        Hỡi ôi! Đó là kết quả của một kế hoạch lớn đã được chuẩn bị mấy tháng trời ròng rã.

      Sau đó, những đảng viên nòng cốt, những binh lính tham dự trong vụ nầy đều bị bắt hết. Ngày 27-11-1908, chính phủ Pháp mở hội đồng Đề hình xử tội những người tổ chức vụ rối loạn nầy. Thanh tra dân sự vụ là Miribel ngồi ghế chánh án. Hắn tuyên bố: Mười tám án tử hình. Đội Hổ, Đội Bình, Đội Nhân, Lang Seo, Đội Nhàn, Cai Hiền, Đội Cốc… đều bị chém đầu. Để uy hiếp tinh thần dân chúng, giặc Pháp đã bêu đầu những liệt sĩ nầy ở cửa ô Cầu Dền, cầu Giấy và chợ Mơ. Riêng bà Nguyễn Thị Ba, tức Nhiêu Sáu, vợ của ông chánh Tĩnh – chủ quán cơm ở Cửa Nam – thì cũng bị chúng tra tấn dã man. Chúng nung đỏ kìm cặp vào vú. Thịt cháy khét lẹt. Sau đó, chúng bỏ vào thùng gỗ có đóng đầy đinh nhọn bên trong, rồi lăn trên nền đất. Bà không hề khai báo điều gì cả. Ngoài ra còn có 4 người bị chung thân, 26 người bị đày Côn Đảo từ 5 năm đến 20 năm, 10 người bị án từ 1 năm đến 5 năm.

         Chi bộ Đảng Nghĩa Hưng tại Hà Nội hoàn toàn tan rã. Nhưng việc làm động trời của họ đã gây được sự xôn xao trong dư luận và làm cho giới thực dân ở Đông Dương rất hoang mang. Và chính từ vụ nầy, vào tháng 5-1909, công nhân ngành mỏ, đường sắt đã tiếp nối khí phách đó bằng rầm rộ đấu tranh, những công chức người Việt làm cho các hãng buôn của Pháp ở Hà Nội  cũng bãi công. Trên tờ An Nam Tonkin (số 8/5/1909) chúng gào lên: “Chúng ta hãy đề phòng! những cuộc bãi công nầy là biểu chứng của một tâm lý nguy hiểm. Tâm lý nầy đã bộc lộ ra một cách dữ dội sau vụ Hà Thành đầu độc vừa qua!”

       Có thể nói với Đảng Nghĩa Hưng do mình thành lập, Đề Thám đã để lại một vết son không phai mờ trong lịch sử quật khởi của dân tộc Việt Nam là làm nên vụ “Hà Thành Đầu Độc”.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com