VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương mười ba

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương mười ba

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương mười ba

Bắt Voisin để tìm kế hoãn binh

Bước đường cùng bà Ba bị bắt

         Cái chết của Càn tại đồn Nhã Nam đã báo hiệu cho Đề Thám biết, từ nay Pháp không còn khoan nhượng với ông một điều gì nữa. Đề Thám và những tướng lĩnh trung thành vẫn lẩn trốn trong rừng, khi xuất hiện ở Xuân Lai, Xuân Phát, Thủ Lâm và có khi chỉ cách Hà Nội chừng 15 cây số. Giặc Pháp đuổi theo ông sát rạt. Đôi bên giao chiến nhau nhiều trận. Giặc tổn thất nhiều nhưng nghĩa quân cũng hao mòn dần. Những tướng lĩnh như Đề Bao, Lý Thu, Hai Xuân… lần lượt kéo nhau ra đầu hàng giặc. những người cũ như Thống Luận đã đầu hàng thì nay chỉ đường dẫn lối cho Pháp tiến đánh luôn… Đề Thám đang lâm vào tình trạng cô lập. Tiến thoái lưỡng nan. Tuy thế, Pháp vẫn không tìm được tông tích ẩn náu của ông. Những tán quân tuần tiễu báo về cho Toàn quyền Klobukowski: Đề Thám đã mất tích trong rừng. Toàn quyền vui mừng loan tin cho báo chí. Trên mặt báo ở Hà Nội liên tục có những bài tường thuật về sự thất bại của Đề Thám, thậm chí có báo còn đưa tin Đề Thám sắp ra đầu hàng, v.v…

         Sự thật, lúc đó Đề Thám đang tập hợp lại lực lượng cách Phù Lỗ 4 cây số. Ông đang tìm mọi cách buộc Pháp phải nhượng bộ mình. Ngày 5-7-1909, báo chí ồn ào lên một tin động trờ người thư ký của thầu khoán Leroy là Voisin đã bị bắt cóc! Nghĩa quân của Đề Thám đã tan rã, Đề Thám sắp đầu hàng vậy tại sao còn xảy ra vụ nầy? Báo chí quay lại công kích chính phủ với câu hỏi nêu trên. Đúng vậy, Đề Thám đã ra lệnh cho Đội Huân bắt cóc Voisin trên đoạn đường Phù Lỗ – Thái Nguyên.

          Việc làm táo bạo nầy dần dần khôi phục lại tên tuổi Đề Thám. Ông nghĩ rằng, bắt có được Voisin thì Pháp phải cầu hòa với ông như năm 1894. Ông buộc hắn viết thư gửi cho chính phủ Pháp nêu rõ, nếu Pháp nổ súng tấn công Đề Thám thì hắn sẽ bị giết ngay!

        Nhưng Đề Thám đã lầm.

       Voisin chỉ là một viên chức quèn, chứ không phải như Chesnay có thế lực và tài sản lớn ở Paris. Sau một cuộc họp quan trọng giữa Toàn quyền, Thống sứ Bắc Kỳ và Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương – chúng quyết định phái một đạo binh đi tìm đánh Đề Thám.

      Ngày 7-7, Thống tướng Geil cử thiếu tá Chofflet thi hành nhiệm vụ. Đề Thám cùng nghĩa quân rút lên Thái Nguyên và không quên đem theo Voisin. Ngày 10-7, Chofflet cho người đem thư gửi đến Đề Thám với nội dung xấc láo: Nếu thả Voisin thì Đề Thám được sống, được cấp dưỡng chu đáo. Nếu Voisin bị giết chết thì gia đình họ hàng Đề Thám, bà Ba Cẩn sẽ bị bắt bớ tù đày hết! Đọc xong lá thư nầy, Đề Thám giận lắm. Bà Ba Cẩn ném cái nhìn căm thù vào mặt Voisin và đưa khẩu mauser cho ông, nhưng ông gạt đi. Và ông cũng kịp thời đẩy nòng súng của Đội Huân khỏi đầu Voisin khi vừa chuẩn bị siết cò.

          Liên tiếp những ngày sau đó, Chofflet tiếp tục gửi thư điều đình và từng bước siết chặt vòng vây. Đề Thám vẫn không trả lời. Đêm 14-3, trời mưa như trút. Bão lớn. Sấm sét đùng đùng xé toạc vòm trời Thái Nguyên. Chofflet không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Hắn dự kiến cuộc tấn công vào nghĩa quân Đề Thám sẽ khởi sự vào sáng mai. Nhưng lợi dụng mưa gió, Đề Thám đã rút quân thoát khỏi vòng vây.

         Ngày 19-7, Pháp phát hiện nghĩa quân đang ẩn náu ở Thanh Trì. Một cuộc giao chiến ác liệt xảy ra. nghĩa quân hết đạn, nhưng Pháp vẫn không dám tiến. Chúng dùng kế hỏa công cho đốt rơm, củi khô rồi ném vào chiến hào. Nghĩa quân phải rút chạy. Lần nầy, Pháp bám theo rất ngặt. Ngày 22-7, Ba Biểu mở đường thoát bằng cách đem quân đánh chiếm làng Xuân Lai. Voisin lại bị bắt buộc viết thư gửi cho Chofflet, yêu cầu đừng tấn công nghĩa quân, nếu không hắn sẽ bị cắt cổ! Chofflet đồng ý, nhưng với điều kiện là Đề Thám phải dẫn quân ra đầu hàng! Chúng yêu cầu Đề Thám phải trả lời ngay trong vòng 20 phút. Hai mươi phút chậm chạp trôi qua. Đề Thám không trả lời. Chofflet hạ lệnh tấn công, nhưng cả hai lần đều bị nghĩa quân đánh bật ra. Trời sắp về chiều, Chofflet muốn kết thúc trận đánh trước khi trời tối nên đã tập trung hỏa lực tấn công dữ dội. Lúc nầy, Đề Thám đang đứng trong một đường hầm phía sau nhà thờ, Voisin bị trói một bên có hai nghĩa quân canh giữ. Giữa hai làn đại bác long trời lở đất, bỗng có tiếng kêu thất thanh của Voisin:

        - Đừng bắn nữa! Đề Thám sẽ đầu hàng!

        Quân Pháp ngừng bắn. Chofflet giao hẹn: Phải nhanh chóng nộp Voisin và toàn bộ vũ khí trong vòng mười phút. Mười phút đỏng đảnh lướt qua. Đề Thám không trả lời. Tiếng pháo lại gầm lên rung chuyển trời đất. Tiếng gào thét của Voisin hoảng loạn tột cùng:

         - Đừng bắn nữa! Đề Thám sẽ ra hàng!

        Chofflet cũng muốn vậy. Quân Pháp đã mệt mỏi lắm rồi. Đề Thám gửi thư điều đình và hai bên sẽ gặp nhau vào sáng mai. Chofflet đồng ý nhưng các đơn vị vẫn cố thủ ở vị trí chiến đấu. Trong lúc đó, bà Ba Cẩn đưa khẩu súng cho Đề Thám:

        - Thằng Voisin nầy không được Pháp coi trọng nên chúng mới nổ súng ầm ĩ như thế. Ông bắn phứt nó đi cho rồi!

     Đề Thám gạt khẩu súng qua một bên và nói với hắn:

         - Nếu tao thả mày thì mày có đi được không?

     Hắn nhăn nhó lít nha lít nhít:

         - Thưa ông, tôi sẽ nằm lại đây. Vì mấy hôm nay tôi đau chân.

       Cả Rinh cho đẵn tre làm cáng để khiêng Voisin đi, nhưng Đề Thám lắc đầu. Ông nhận thấy, Pháp không hề nhượng bộ mình chúng cứ bám đánh riết, không khéo Voisin bị trúng đạn hoặc bệnh mà chết thì nguy mất. Gia đình họ hàng của ông và bà Ba sẽ không yên với chúng. Mà quả thật, lúc đó, ông Cả Lộc - bố vợ của Đề Thám  - đã bị chúng bỏ vào thúng khiêng đi giam! Suy nghĩ như thế nên ông nói với hắn:

       - Đêm nay, tao sẽ thả mày. Mày nên nhớ rằng mày vẫn được đối xử tốt đấy nhé!

          Thế là Đề Thám cùng nghĩa quân rút lui và bỏ hắn nằm lại đó. Tờ mờ sáng hôm sau, Chofflet tiến đánh vào làng. Chúng chưng hửng như mèo bị cắt tai, nghĩa quân đã mất bóng! Chofflet tức tối dở khóc dở cười. Ngày 25-6, lại có tin Đề Thám đang xuất hiện ở Hiền Lương. Chofflet tức tốc kéo quân lên. Ba giờ rưỡi chiều hôm đó hai bên nổ súng. 13 lính Pháp bị phục kích chết tại trận. Khi tròi vừa sụp tối, nghĩa quân lại lẩn như trạch! Lối đánh xuất quỷ nhập thần của Đề Thám đã khiến cho Chofflet thấy rõ nhược điểm của mình: không rành địa hình địa thế thì không thể đối đầu với một ông tướng rất giỏi về thuật đánh du kích. Chofflet đã tham mưu cho Toàn quyền Klobukowski vạch ra một chỉ thị mới: “Nhằm mục đích trợ lực cho quân đội chính quy là chỉnh đốn tư tưởng của dân bản xứ đã thường đồng tình với kẻ cướp Đề Thám, Toàn quyền Đông Dương quyết định yêu cầu sự cộng tác của một số quan cao cấp Nam triều. Những người nầy được phép dùng phương pháp đàn áp của Luật lệ Nam triều, như thế mới có thể làm cho thái độ người bản xứ thay đổi được”. Từ chỉ thị nầy, Hội đồng cơ mật của triều đình đã cử “thằng bán tơ” Lê Hoan tham gia chiến trận. Lê Hoan được trang bị 400 tên lính. Bọn chó săn nầy có nhiệm vụ lục soát bắt bớ những người tình nghi là ủng hộ hoặc đi theo Đề Thám. Với nhiệm vụ vẻ vang nầy, thằng bán tơ Lê Hoan đã được phong chức Khâm sai đại thần!

           Vốn lưu manh với nhiều mưu mô quỷ quyệt, Lê Hoan dùng chính sách mềm dẻo là mua chuộc tướng lĩnh của Đề Thám hoặc tìm cách ly gián để phá vỡ sự đoàn kết trong nghĩa quân. Ngược lại, Chofflet lại muốn dùng chiến thuật đánh nhanh, đánh mạnh nên không đồng ý với chính sách của Lê Hoan. Đôi bên cứ lục đục nhau như chó với mèo!

             Ngày 13-8, cẩu tẩu Lê Hoan bắt đầu vào cuộc. Nghe tin nghĩa quân đang ở làng Bạch Đa – cách tỉnh Phúc Yên 2 cây số - Lê Hoan cùng giặc Pháp ào ào kéo tới. Hai bên giao chiến. Thiếu úy Braun bị đạn bắn vỡ sọ. Chúng không sao vượt qua được cổng làng vì nghĩa quân phản công dữ dội. Chúng bèn phá lũy tre để lấy lối tiến vào. Nhưng khi vào trong thì chúng gặp trước mắt là con đường cụt, hai bên là ao hồ. Biết sa bẫy của nghĩa quân nên chúng rút lui ra ngoài. Nghĩa quân đã vòng ra sau đánh tiếp một trận tơi bời. Thắng trận nầy, nghĩa quân cũng tìm đường chạy thoát! Chofflet hậm hực như chó chực gầm giường. Hắn chĩa ngón tay to bè vào giữa trán Lê Hoan:

       - Con chó dù không được chủ cho ăn cứt thì nó cũng phục vụ tận tâm, tận lực cho chủ. Huống hồ gì ông đã ăn bao bổng lộc của mẫu quốc…

         Không đợi hắn nói hết câu, thằng bán tơ cúi đầu:

         - Thưa ngài tôi hiểu!

        Hắn cau có như chó cắn càn:

        - Ông đã hiểu à? Sao ông không hành động theo lương tâm của ông?

        Thế là vài giờ sau cả làng Bạch Đa chìm trong lửa. Lê Hoan đã ra lệnh cho phóng hỏa đốt cháy cả làng nầy. Tiếng khóc than ngút trời! Đó là chiến công đầu tiên của quan Khâm sai đại thần tham gia tiêu diệt nghĩa quân của Đề Thám!

     Sau trận đánh nầy, Chofflet báo cáo với quan Toàn quyền là không hợp tác với Lê Hoan nữa. Bởi lẽ Lê Hoan không phải là con nhà cầm binh. Ngày 30-8, Chofflet bị gọi về và Bonifacy lên thay thế. Lúc nầy Đề Thám cho nghĩa quân rút về tập trung ở núi Sáng – phía Bắc tỉnh Vĩnh Yên.

           Vừa lên nhận nhiệm vụ, Bonifacy đã nhận được điện chỉ đạo của Tổng tư lệnh: “Tập trung quân chủ lực để san bằng núi Sáng”. Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của thượng cấp, hắn cho quân đột nhập vào các làng người Mán rải rác quanh núi Sáng, tạo thành một vòng đai thép siết chặt nghĩa quân. Để chống lại kế hoạch nầy, Đề Thám cho quân đào công sự, hầm hố vững chắc trên hai ngọn đồi 305 và 616!

     Ngày 2-10, Bonifacy mở cuộc hành quân lớn. Với sự dẫn đường của những tên người Mán bị chúng mua chuộc, giặc Pháp từ phía Tây vượt qua suối sâu gập ghềnh hiểm trở để chiếm lĩnh những mục tiêu đã định trước. Chúng bí mật ém quân.

        Tối ngày 4 rạng 5-10, một cánh quân của trung úy Salet lẻn vào cách căn  cứ của nghĩa quân chỉ mấy trăm thước. Chúng di chuyển kín đáo từng bước một. Kế hoạch của Bonifacy là một cánh đánh từ phía tây bắc, còn cánh khác thì đánh vòng từ phía đông và nam.

       Rừng núi vẫn bình yên. Chim hót inh ỏi trên những triền dốc cao. Bỗng từ trong âm nhưng rừng rậm một loạt súng nổ vang trời. Tên điểm chỉ bị trúng đạn chết tươi. Đội hình của giặc rối loạn. Nghĩa quân nấp sâu trong những hầm dưới lùm cây gai góc kín đáo. Họ đã bắn chính xác không kém phần liều lĩnh. Pháp bị đánh phủ đầu nên chạy tán loạn. Những dây leo chằng chịt trong rừng, địa thế cheo leo, trắc trở là một bất lợi cho Pháp. Hai bên giao chiến suốt một ngày trời. Đại bác của giặc liên tục khạc đạn. Đến 5 giờ 30 chiều thì chúng chiếm được hai hầm đầu tiên. Mười lăm nghĩa quân đã bỏ hai hầm nầy để chạy qua những hầm khác. Đạn bắn vèo vèo trên đầu. Cai Thanh – một tướng giỏi của nghĩa quân đã trúng đạn.

        Đề Thám kiên quyết kéo dài trận đánh cho tới tối mịt. Vì ông biết rằng, đó là thời điểm có lợi nhất cho những cuộc chiến tranh du kích. Trời tối mịt. Một trận mưa lớn như thác đổ. Giặc Pháp bị thương nằm trong rừng rậm không chịu nổi trận mưa nầy, chúng phát sốt rét, đau đớn và kêu la ầm ĩ. Nghĩa quân lợi dụng trời tối và mưa dầm dề để rút khỏi núi Sáng. Trong trận đánh oanh liệt nầy, nghĩa quân thiệt mạng 7 người, về phía giặc Pháp thì 17 tên chết không kịp ngáp, 35 tên bị thương nặng, trong đó có cả thiếu úy Gressin. Do đó, thời đó mới có câu: “Đất nầy là đất cụ Đề. Tây lên bỏ xác Tây về tan xương”.

         Đề Thám dẫn quân về Tam Đảo. Những ngày sau, Bonifacy vội vã đi về phía Bắc, phía Đông vượt qua sông Đáy đến miền Tam Đảo để chặn đường rút lui của nghĩa quân.

         Trong trận đánh núi Sáng vừa rồi, Cả Rinh bị thương nên không tháo chạy kịp theo đội ngũ. Anh đã bị toán quân của Lê Hoan bắt được. Thằng bán tơ Lê Hoan đã đãi ngộ anh ân cần, y bảo:

        - Mạng sống của mày nằm trong tay tao. Tao cho mày sống hoặc bắt mày chết đều được cả. Nhưng tao thành thật khuyên mày nên suy nghĩ hợp thời. Thử hỏi chúng mày có đủ sức chống lại mẫu quốc không? Dĩ nhiên là không! Đánh mà không thắng thì đánh làm gì?

       Cả Rinh khẳng khái đáp:

         - Thưa ông người xưa có câu:

         Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

        Lưu thủ đang tâm chiếu hản thanh

       Lê Hoan cười hô hố:

        - Khá khen cho mày. Tuổi còn trẻ mà có chí lớn. Chỉ tiếc mày không thức thời.

         - Thưa ông, xin cám ơn ông đã có lời dạy bảo. Nhưng thức thời là như thế nào ạ? Tôi chịu ơn quan Đề Thám đã nhiều nên không từ bỏ con đường đã chọn, dù phải nát thây trong lửa đạn.

          Thằng bán tơ đưa tay vuốt cằm nhẵn nhụi:

       - Tao hiểu. Nay chọn con đường nầy mai chọn con đường khác thì đó không phải là thái độ của kẻ sĩ. Trước đây tao chỉ chọn con đường:

       Sao được thái bình như thuở trước

        Về nhà sách cũ đọc thong dong

        Nhưng rồi thời thế đã thay đổi. Trăm năm thân thế đếch ra gì! Vậy sao mình cứ phải bo bo giữ lấy con đường đã lỗi thời? Thời thế nầy, con đường theo người Pháp là con đường thăng quan tiến chức. Họ mạnh bằng trời. Chống lại họ à? Có mà châu chấu đá xe. Dù biết con đường binh đao là con đường gớm ghiếc đáng khinh bỉ. Nhưng biết làm sao hơn?

        Dừng lại để rít một hơi thuốc phiện, và hãm một chén trà nóng, y láo nháo lào nhào nói tiếp:

       - Mà thôi. Tùy mày chọn lựa. Tao không chiêu dụ mày phải ra đầu hàng đâu! Tao chỉ cảm thương và tiếc cho những người còn trẻ tuổi như mày. Tiếc lắm vì chúng mày cứ tưởng rằng, hễ muốn lưu danh với sử xanh là được à? Sử xanh nào biết đến những thây ma rục xác trong rừng rậm âm u nầy? Tao tiếc quá! Ồ, Cả Rinh ơi mày đã bỏ lỡ một dịp may hiếm có. Tao chỉ muốn nói với mày rằng…

     Y dừng lại. Mắt y như mắt rắn ráo. Y tằng hắng rồi gằn giọng:

     - Lẽ ra tội của mày đáng bêu đầu. Nhưng mày đã muốn chết rục trong rừng thì tùy mày. Nếu lúc nào mày muốn ra hàng thì cứ nhắn cho tao biết. Thôi cút đi!

       Cả Rinh không tin vào tai mình nữa. Thằng bán tơ thả mình à? Lê Hoan vốn thâm độc, y biết Cả Rinh là một tướng giỏi của Đề Thám, nếu cưỡng bức nó theo mình thì nó dám đập đầu vào đá để vẹn toàn khí tiết. Chi bằng cứ thả hắn về là… thượng sách! Đúng vậy, Cả Rinh được thả về thì đã gây mối tị hiềm, nghi ngờ giữa các tướng lĩnh đối với anh. Liền lúc đó, tự tay Lê Hoan viết lá thư rồi chuyển hỏa tốc đến tay Đề Thám:

           “Ta tự xét từ xưa đến nay, Nhà nước Đại Pháp đối với ngươi vẫn lấy lòng nhân mà cảm hóa, chắc ngươi cũng biết rõ như thế. Không ngờ, nhà ngươi lại cho đồ đảng tiếp tục làm điều càn quấy mà đắc tội với Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước buộc phải dùng binh.

       Nhưng, sau cơn sấm sét, mưa móc tưới nhuần, ta nay phụng mệnh xuất sự, chỉ cốt phủ dụ chứ không ra tay đánh dẹp. Nay ta nhọc lòng viết thư nầy khuyên ngươi nên thành thật quy hàng. Ta hứa sẽ hết sức chu toàn không để cho ngươi thất vọng. Vậy sự thể như thế nào, ngươi mau phúc bẩm.

     Năm Duy Tân thứ 3

Khâm sai đại thần Lê Hoan”

       Lá thư nầy càng gây bất lợi cho Cả Rinh. Lê Hoan đã dám hỗn xược viết thư chiêu hàng ông thì tại sao lại thả Cả Rinh? Đề Thám giận lắm:

       - Ta từng nghe thiên hạ kể rằng, vua Duy Tân là một người yêu nước. Ngài ủng hộ cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta. Có lần, ngài hỏi tên thị vệ: “Tay nhớp lấy gì mà rửa?”. Hắn đáp: “Tâu bệ hạ, lấy nước mà rửa”. Ngài lại hỏi: “Nước nhớp lấy gì mà rửa”. Tên thị vệ không đáp được. Ngài bèn nói: “Nước nhớp thì lấy máu mà rửa”. Đúng thế! Chỉ có lấy máu mà rửa nhục cho non sông! Hỡi ôi, mặt trời còn mọc. Máu ta còn nóng. Khối căm hờn còn chất chứa trong lồng ngực nầy mà Lê Hoan dám chiêu dụ ta hàng à?

     Ông trầm ngâm nói tiếp với nghĩa quân:

        - Lê Hoan đã láo xược, đã dám vuốt râu hùm thì ắt có chuyện chẳng lành. Các chú liệu mà canh phòng cẩn mật. Không khéo nó lại dẫn đường cho giặc tấn công ta nay mai thôi.

        Vài ngày sau, Lê Hoan lại gửi cho ông một lá thư khác. Nguyên do như sau: Ngày hôm qua, bọn tay chân của y đã lùng bắt được hai người đàn bà đi lạc trong rừng. Thấy khả nghi, y cho tra tấn khốc liệt. không chịu được đòn thù hai người nầy bèn khai rằng, vì sức yếu nên họ không chạy kịp theo chồng khi bị quân Pháp truy kích. Chồng họ là ai? Họ khai là vợ hai của Cả Rinh và vợ của Chu Văn Cát. Lê Hoan rú lên sung sướng. Y đã tự thưởng công cho mình bằng vài chục điếu thuốc phiện, để nghĩ ra một mưu mô thâm độc. Y biết rằng, từ khi Thống sứ Bắc Kỳ treo cái đầu Đề Thám với giá 2.000 đồng và một phẩm hàm, thì Đề Thám phải giữ mình với chính đồ đảng thân tín và không dám mộ thêm người mới. Vậy y phải khoét sâu vào mối nghi ngờ của Đề Thám. Nửa khuya, y bật người dậy lật đật như ma vật ông vải. Y cho gọi viên Bang biện Trịnh Quang Dụ đến hầu y. Sau vài phút thì thầm, thậm thụt như chuột leo xó bếp. Dụ đã viết lá thư:

       "Bang biện Trịnh Quang Dụ gửi thư nầy cho Cả Rinh thu nhận;

         Gần đây, quý đại thần Lê Hoan đã bắt được vợ hai của thầy và vợ tên Chu Văn Cát. Hai người nầy đã đệ trình lên quý đại thần một lát thư, trong thư đó có viết rằng, hễ thầy thấy việc khó thành thì cứ tùy cơ ứng biến và xin quý đại thần tha tội chết cho thầy. Tôi cũng đã bẩm với quý đại thần cho hai người nầy ở lại nơi đây để đợi tin của thầy.

        Mới đây, thám tử của chúng tôi bẩm báo thì ông Đề Thám cũng biết tin nầy. Vậy để ông Đề Thám không nghi ngờ, chúng tôi phải tra tấn hai người đàn bà vô tội nầy và cho tống giam họ. Vậy thầy với tên Cát nên hiểu giùm mục đích của chúng tôi. Có làm như thế thì ông Đề Thám mới không nghi ngờ gì đến lòng trung thành của thầy.

    Nay mật thư,

     Bang biện dụ".

         Đểu cáng hơn, dưới lá thư nầy, Lê Hoan còn bắt hai người đàn bà tội nghiệp ấn dấu tay làm chứng. Thư tuy gửi cho Cả Rinh nhưng thuộc hạ y được lệnh phải khéo léo trao cho Đề Thám. Đọc xong lá thư, Đề Thám không nói không rằng. Ông tuốt thanh gươm của mình trao cho Cả Rinh. Đây là gươm quý của dòng họ Trịnh đã có bảy đời chuyên nghề đúc gươm. Họ Trịnh đã đúc cho Tổng đốc lưỡng Quảng Hà Châu Phiên, trên cán gươm có ghi bốn chữ: “Hà Thị Thiện Sử”.

           Về sau, họ Hà tham dự vào đạo binh của Tôn Sĩ Nghị xâm lược Việt Nam, bị Nguyễn Huệ đánh bại. Lúc chạy trối chết về Tàu với Sầm Nghi Đống thì bị quân thổ phỉ đang hoạt động dọc biên giới đoạt được. Đến lúc Đề Thám giương cờ Cần Vương thì dư đảng của bọn nầy đã đem dâng cho ông để náu dưới cờ. Khi dâng lên cho ông thì chúng đã khắc chữ “Hoàng” đè lên chữ “Hà” nên gươm nầy mới mang tên “Hoàng Thị Thiện Sử”. Nó đã được đúc bằng một thứ thép không kém gì thép blue of Lancashire dùng đúc gươm cho hoàng tộc Anh quốc. Cả Rinh đã run lẩy bẩy khi cầm thanh gươm nầy. Anh biết rằng, với thanh gươm nầy, Đề Thám chỉ dùng chém đầu bọn nghịch tặc mà ông căm thù tận xương tủy. Ông quắc mắt:

         - Tội ác của Lê Hoan đáng cho voi dày ngựa xé. Ta chưa làm được thì lấy làm bức bối. Nay có kẻ tay chân của y lại mò vào đây dâng thư cho ta. Chú đọc lá thư nầy đi!

        Cả Rinh cầm thư. Càng đọc anh càng run sợ. Mặt anh xám ngoắt. Lê Hoan tráo trở đã giết anh rồi. Anh dập đầu dưới chân thủ lĩnh:

       - Thưa quan lớn! Oan cho tôi!

           Đề Thám nói như ném đá xuống vực:

         - Vậy theo chú, ta phải xử sự như thế nào?

       Cả Rinh vẫn chưa hiểu gì cả. Tên thân tín của thằng bán tơ bị trói quặt tay ra sau. Lơ láo như bù nhìn. Mặt không còn một chút máu. Tiếng Đề Thám vang lên:

       - Ta lệnh cho chú dùng lưỡi gươm nầy trừng phạt kẻ đã chống lại mệnh trời. Trời giao cho ta khôi phục lại giang sơn nầy. Chú theo phò ta đã nhiều năm. Vậy chú nghĩ sao?

        Cả Rinh đã hiểu ý thủ lĩnh. Anh vung gươm. Từ trời cao đường gươm lóe sáng. Đột ngột anh hạ tay thật gọn. Kẻ thân tín của Lê Hoan không kịp rú. Một dòng máu đen vọt thẳng lên trời. Đầu hắn lìa khỏi cổ.

        Sau  lần đó, Đề Thám đều lánh mặt Cả Rinh. Anh không còn được gọi vào để nhận mệnh lệnh từ chủ tướng. Cả Rinh hiểu rằng, Đề Thám đã nghi ngờ mình ăn ở hai lòng nên không còn đối xử như trước. Là một người từng bôn ba cầm quân đi theo Đề Thám, nên anh rất hiểu chủ tướng của mình. Một khi ông đã n gờ vực ai thì không bao giờ ông tha thứ. Vụ chém đầu Đề sặt còn sờ sờ ra đó. Hoảng sợ tột cùng, Cả Rinh bèn tìm kế thoát thân. Ngày 24-10-1909, Cả Rinh cùng 6 người tâm phúc đem 6 khẩu súng trường, một khẩu súng lục mauser và 280 viên đạn ra nộp Lê Hoan để an toàn tính mệnh. Không dưng, Đề Thám mất một tướng giỏi, một lòng một dạ với ông từ những ngày gian khổ nhất!

       Cả Rinh ra đầu hàng. Tin đó gây chấn động trong hàng ngũ nghĩa quân. Đề Thám dẫn quân chạy về náu ở phía đông bắc Tam Đảo. Quân Pháp phối hợp với Lê Hoan nhiều lần mở cuộc càn quét, nhưng không tìm ra dấu vết của ông. Một hôm do sự ngẫu nhiên, chúng đã bắt được một người thổ dân ở vùng đó, chính là viên Quản Mán có tiếng tăm và thế lực nhất trong vùng. Vì khả nghi, chúng lập tức khám nhà thì phát hiện ra ấn tín, giấy tờ của Đề Thám. Ông ta bị tra tấn thừa sống thiếu chết, nhưng vẫn không khai nơi đang đóng quân của Đề Thám. Cuối cùng, Lê Hoan khéo léo đem bả danh lợi ra dụ khị, ông ta đã khai tuốt tuồn tuột!

         Ngày 22-10-1909, tiểu đoàn trưởng Bonifacy liền phái Abblard đem một cánh quân vượt tắt núi Tam Đảo, còn hắn thì đóng ở mé nam của núi nầy nhằm tạo thành một gọng kìm vây hãm nghĩa quân. Ngày 24-10, khi quân của Abblard đến nơi thì Đề Thám đã có mặt ở Thác Vàng. Ngày 27-10, lại có tin Đề Thám kéo quân về Đồng Bỏng – một địa danh trên sông Công, cách Thác Vàng 4 cây số – Pháp liền truy kích ngay. Sáng ngày 29-10, chúng lội qua sông, xuyên rừng trèo non nhưng vẫn không tìm ra dấu vết. Từ đó, giặc Pháp chốt ở các ngã đường trọng yếu, nhưng đến ngày 10-11 nghe tin Đề Thám đã chạy trót lọt lên sào huyệt cũ: Yên Thế! Lúc nầy, nghĩa quân rất bí thế, lương thực thiếu thốn và bị truy nã rất gắt. Dân chúng trong các làng lân cận đều bị khủng bố, đàn áp nên không ai dám tiếp tế gì cả. Chính vì không chịu đựng được gian khổ nên nhiều người đã ra đầu hàng, trong số đó có Cai Sơn, một hướng giỏi của nghĩa quân. Đêm ngày 21 rạng ngày 22-11, giặc Pháp gặp nghĩa quân tại Phồn Xương. Hai bên giao chiến nhau nhưng Đề Thám khôn khéo dẫn quân chạy thoát. Ngày 30-11, Bonifacy mở một chiến dịch truy lùng nữa, còn Lê Hoan thì chia lính làm nhiều toán nhỏ, hình thành những ổ phục kích phối hợp với lính Pháp lưu động trên các đường ngang ngõ tắt trong rừng. Cuộc truy kích như thế này đã làm cho chúng hết sức mệt mỏi, nhưng cũng gây được kết quả tai hại cho nghĩa quân.

     Đề Thám đang ngồi buồn bã trong cánh rừng già. Con mắt ông mở lớn đầy uất ức và căm hờn. Ông đã bị đẩy vào con đường cùng. Quanh đi quẩn lại chỉ còn khoảng trăm người thân tín. Một số khác đã ra đầu hàng nhục nhã. Hơn nữa, bà vợ cả của ông - mẹ Cả Trọng - đã lạc ông trên bước đường chạy khỏi vòng vây rất gắt của giặc. Ông đang ngồi tư lự như thế thì có tiếng cấp báo:

     - Thưa quan lớn, có tin của trinh sát báo về là khoảng hai tiếng đồng hồ nữa giặc sẽ ập đến đánh chúng ta.

       Đề Thám ngửng mặt lên:

    - Vậy à? Bảo bà Ba Cẩn, Cả Huỳnh, Cai Mễ vào đây nhận mệnh lệnh của ta.

       - Rõ!

      Người lính hầu lui chân. Những tướng giỏi đã đến nhận lệnh. Ông vẫn trầm ngâm:

       - Ta có linh tính đây là trận đánh cuối cùng trong đời cầm quân của ta. Vậy, bà Ba và các chú hãy động viên nghĩa quân đánh một trận cho giòn giã. Nầy nhé! Bà Ba nhanh chóng khâu bảy lá cờ hiệu. Cai Mễ bắt ngay bảy con chó gan dạ. Còn Cả Huỳnh thì chuẩn bị chông có tẩm thuốc độc.

       Mọi người vẫn chưa hiểu hết ý đồ của ông, nhưng không ai dám hỏi lại. Ông nói tiếp:

          - Mỗi con chó sẽ buộc vào cây gậy có treo lá cờ hiệu. Cứ cách 10 mét thì cắm một cây gậy trong hào. Bà Ba ở bên trái với 20 nghĩa quân, khi nào giặc chạy qua bên trái thì mới nổ súng. Còn Cả Huỳnh thì chú cắm chông trước chiến hào, chủ yếu ở phía trái, sau đó đến với ta. Khi giao chiến, đến lúc nào được lệnh của ta thì tất cả cùng vòng ra phía sau đánh tập hậu. Mọi người đừng lo là không ai ở trong hào. Có chứ! Những con chó sẽ làm cho cờ hiệu chuyển động, giặc sẽ tưởng ta trong đó nên chúng chỉ phí đạn thôi!

        Mọi người khẩn trương triển khai nhiệm vụ. Đúng như báo cáo của trinh sát. Quân Pháp đã kéo binh vào sào huyệt Yên Thế. Chúng huênh hoang như bước vào chốn không người vì những tướng giỏi như Cả Trọng, Hai Nom… đã chết, còn Lý Thu, Cả Rinh, Cai Sơn… thì đã ra đầu hàng. Do có chuẩn bị chu đáo trước nên khi giặc Pháp vừa ló mặt thì chúng đã biến thành những tấm bia di động hứng đạn. Nghĩa quân bắn xối xả. Những thây thịt ngã như thân cây đổ. Hai bên giao chiến suốt mấy tiếng đồng hồ. Đúng như dự kiến của Đề Thám, giặc đã phí rất nhiều đạn để bắn vào chiến hào mà giết… bảy con chó bị buộc vào những lá cờ hiệu. Trong khi đó từ các hầm hố khác, nghĩa quân bắn không sót một tên. Chúng xông lên phía trước chiến hào thì sa vào bãi chông, và nghĩa quân thì vòng sau đánh tới. Giặc chết vô số kể. Nhưng càng đánh, Đề Thám càng thất thế vì Pháp đã huy động những trọng pháo lớn tiếp viện. Lợi dụng lúc trời chập choạng tối, nghĩa quân phải tìm đường rút lui.

        Những người chiến sĩ yêu nước chạy tán loạn trong rừng sâu. Súng ống đạn dược chẳng còn bao nhiêu. Ngặt hơn cả là không còn lương thực để cầm cự. Trong những ngày đen tối nầy, Đề Thám nói với bà Ba Cẩn:

      - Tình thế nầy thì lực lượng của chúng ta nguy mất thôi. Bà có kế gì hay?

       Bà trầm ngâm một lúc rồi đáp:

        - Lúc nầy không thể mộ thêm binh. Bọn chó săn của giặc sẽ thừa dịp nầy trà trộn vào nghĩa quân mà cắt đầu ông để lãnh tiền thưởng và phẩm hàm.Vậy tìm kế hòa hoãn à? Không thể được. Kẻ đứng bên bờ vực thì không thể điều đình với đối phương đang vững như bàn thạch.

          -Vậy chúng ta đành bó tay chịu chết?

       Bà Ba Cẩn dịu dàng:

        - Chỉ còn một cách là chúng ta tìm viện binh mà thôi. Tìm ai có thể giúp cho chúng ta thì ông suy nghĩ xem! Có thể là Lương Tam Kỳ ở chợ Chu?

         Đề Thám ngồi yên lặng. Một lát sau ông đáp:

        - Tìm đến Lương Tam Kỳ thì chi bằng chúng ta tự trói tay mà nộp mạng cho giặc. Tôi nghĩ thế này bà ạ! Chỉ còn cách là vượt biên giới tìm đến Lương Tú Xuân.

        Xuân là lãnh tụ của cải lương Trung Quốc và là bạn thân của ông. Bà Ba Cẩn reo lên:

          - Ông nói đúng ý tôi. Vậy ngay bây giờ tôi lên đường nhé!

         - Bà không phải đi một mình. Ca Mễ và một toán nghĩa quân sẽ đi theo bà.

          Bà đáp như van lơn:

         - Không ông ạ! Lúc này ông cần phải có người bên cạnh để bảo vệ tính mạng. Một mình tôi cũng đủ sức thực hiện nhiệm vụ này. Tôi chỉ đi khoảng bảy tám ngày sẽ quay về. Mong ông yên tâm.

        Không còn cách nào khác, Đề Thám đành đồng ý. Bà Ba Cẩn liền chuẩn bị lên đường. Trước khi đi bà ôm bé Thế vào lòng mà cất lên tiếng ru buồn buồn:

Ru con con ngủ cho lành

Để mạ gánh nước rửa bành cho voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà Triệu tướng cỡi voi đánh cồng.

       Bà ứa nước mắt. Bé Thế mấy ngày nay đói lã, nó đang ngậm vú mẹ mà ngủ ngon lành. Bà lặng lẽ trao con cho Đề Thám.

         Trên đường đi tìm sự sống cho nghĩa quân, bà Ba Cẩn cắt rừng mà đi. Rừng chằng chịt. Tiếng cọp gầm đâu đó. Bà không sợ, chỉ sợ bóng giặc còn hung tợn hơn cả hùm sói. Khi đến Chợ Gồ, bà giật thót người khi nghe tiếng nói xì xồ xì xì như chì đổ lỗ. Một toán quân Pháp đang đi tuần tra. Những thằng lính mũi lõ dưới quyền chỉ huy của trung úy Coureron đang nai nịt gọn gàng. Súng ống lăm lăm trên tay. Dẫn đầu đoàn quân này là con chó săn chạy lăng xăng. Bà Ba Cẩn liền nhanh chân chui vào trong bụi rậm lẩn trốn. Khẩu súng bắn nhanh được lên cò. Sẵn sàng ứng chiến với tình huống xấu nhất. Mồ hôi ướt đầm áo. Mắt bà căng ra quan sát từng động tĩnh của toán quân tuần tra.

        Con chó sục mũi đánh hơi. Bỗng nó sủa lên ầm ĩ. Lộ rồi! Bọn giặc hoảng hốt triển khai đội hình tác chiến. Trung úy Coureron liền ngồi thụp xuống gốc cây. Hắn vừa dáo dác quan sát thì một tiếng súng nổ. Viên đạn xuyên qua ngực. Hắn ngã gục với dòng máu chảy xối xả. Lập tức hàng loạt tiếng súng bắn về phía bà Ba Cẩn đang ẩn nấp. Ụ mối trước mặt bà là công sự vững chắc, bà Ba Cẩn bắn quyết liệt. Súng hết đạn. Bà chui ra khỏi bụi rậm tìm đường thoát thân. Con chó săn điên cuồng rượt theo. Khi bà vấp té thì nó say máu nhảy chồm vào người bà. Hàm răng nhọn hoắc của nó đã cắn nát cánh tay của bà. Bọn giặc đuổi theo đến vây bắt được bà. Đó là buổi chiều ngày 1-12-1909.

        Ngày tháng trôi qua chậm chạp. Vẫn chưa thấy người vợ yêu quý trở về, Đề Thám không thể cầm được nước mắt khi bé Thế nhớ mẹ và đói đã khóc tảm thiết. Ông phải liều lĩnh cho vợ Cả Huỳnh cõng bé Thế chạy vào trong làng tìm thức ăn. Khi đang đi giữa đường thì một toán quân tuần tiễu của Pháp đã phát hiện. Chị toan tìm cách chạy trốn thì một loạt súng vang lên. Chị đành phải đứng lại. Chúng nhìn sòng sọc vào người phụ nữ đơn độc trong rừng. Nhìn hau háu như muốn xé toạc cả quần áo. Chị cất tiếng nói nghiêm nghị:

       - Tôi là con dâu ông Đề Thám và đây là con gái của ông.

          Bọn giặc khựng lại. Chúng reo lên như thú dữ thấy mồi ngon:

   - Thật không? Đúng là trời cho lộc. Con bé này giống ảnh truy nã ông Đề Thám quá!

       Họ liền bị đưa về đồn Nhã Nam.

         Mấy ngày hôm nay, Bouchet cũng đang điên đầu. Hắn đang giam giữ bà Ba Cẩn, nhưng bà cương quyết không nhận là vợ Đề Thám. Không làm cách gì để lấy khẩu cung được. Mọi thủ đoạn tra tấn nhà nghề của Bouchet đều bất lực trước thái độ im lặng của bà. Để nhanh chóng kết thúc hồ sơ theo lời giục của G.Michel – chưởng lý của Tòa án Thượng thẩm Đông Dương – Bouchet đã viết sẵn lời khai và buộc bà phải ấn dấu tay làm chứng. Sau khi nghe hắn đọc biên bản, bà Ba Cẩn vẫn im lặng. Hai thằng lính Pháp to như con gấu xông vào cầm ngón tay trỏ của bà ấn xuống tờ giấy đang bày trước mặt. Bà quắt mắt im lặng. Bouchet dí mũi dao nhọn vào cổ họng của bà:

           - Mày ngoan cố à?

        Mũi dao xoáy dần vào họng. Máu ứa ra đỏ lòm. Một tay đang bị ấn xuống trang giấy, bất ngờ một tay còn lại, bà vụt tước dao của Bouchet đang cầm. Bà chém mạnh xuống bàn. Ngón tay trỏ của bà lìa ra. Máu chảy ròng ròng. Tờ giấy nhòe những máu đỏ tươi. Bouchet rú lên như một kẻ động kinh khi chứng kiến thái độ bình tĩnh lạ lùng của vợ ba Đề Thám. Khi bắt thêm được vợ Cả Huỳnh và bé Thế, thì hắn nghĩ ra mẹo khác. Đêm đó, Bouchet ra lệnh mổ heo, bò để liên hoan chiến công nầy! Trong cơn say ngất ngưỡng, hắn cho gọi bà Ba Cẩn ra. Đó là mẹo đã sắp đặt trước. Vừa thoáng thấy mẹ, bé Thế đã reo lên và ôm chầm lấy bà. Vậy là bà không còn chối cãi được nữa. Hình ảnh đó ghi đậm trong trí nhớ của Bouchet. Sau nầy về cuối đời khi viết quyển Au Tonkin - La vie aventureuse de Hoàng Hoa Thám, chef pirate, in tại Paris 1939, hắn còn rùng mình nhớ  lại: “Lúc đó bà Ba Cẩn đứng trước mặt tôi hiên ngang quá, bà đã ném vào mặt tôi một cái nhìn rất kiêu ngạo”.

        Tin dữ nầy đã đến với Đề Thám, ông giận run người. Thế là, ông đã mất đi người cộng sự cuối cùng can đảm nhất, kiên quyết nhất và cũng trung thành nhất. Đề Thám quyết định đem quân đi đánh đồn Nhã Nam để giải vây những người vừa bị bắt. Vào lúc 1 giờ 30 phút sáng, đang trên đường đi thì đội quân của ông lọt vào ổ phục kích. Tiếng súng nổ ran. Một số nghĩa quân bị bắn chết. Nhờ trời tối nên Đề Thám chạy thoát. Sau trận nầy, nghĩa quân đã xuống tinh thần. Có người ra đầu hàng, có người bị Lê Hoan dẫn quân đi càn quét được.

         Ngày 6-12, Lê Hoan đã bắt được tất cả 78 nghĩa quân, trong số đó có cả em nuôi của Đề Thám – Đề Cõn. Quan Khâm sai đại thần thâm độc, y không tra tấn Đề Cõn, mà cho ông ngồi xem thuộc hạ của y khảo cung. Ngón nghề độc chiêu của y là dùng chầy đánh thẳng vào mắt cá và đầu gối tù binh. Y hí hửng nói như tép nhảy:

         - Đề Cỏn! Ông là người giỏi chữ nhất trong đám giặc Đề Thám. Tôi là người trọng chữ nghĩa của thánh hiền, nên tôi không chạm đến lông chân của ông. Tôi nhân đạo đấy chứ! Hề hề…

        Cất tiếng cười như sắt nguội. Tiếng chầy vang lên thình thịch, những tiếng kêu xé trời! Đề Cõn mím chặt môi. Lê Hoan huênh hoang nói tiếp:

        - Ông theo Đề Thám bao nhiêu năm, đã viết cho ông ta bao nhiêu lá thư. Nay được tôi đối xử nhân đạo lẽ nào ông không tặng tôi một bài thơ nào sao?

     Đề Cõn đáp:

         - Thưa ông, tôi không biết làm thơ.

        - Không biết àm thơ à? Vậy thì ông đáng được bêu đầu lắm! Tùy ông chọn.

         - Vậy ông muốn tôi làm thơ về cái gì? Nơi đây đầy tiếng kêu thảm khốc. Gió tanh mưa máu ngợp trời. Lẽ nào thơ tôi ca ngợi trăng gió tuyết mây à?

        Lê Hoan cười trơ tráo như gáo múc dầu:

        - Ha ha! Vịnh cái chầy!

       Những cái chầy đang tra tấn những đồng đội của ông vọt máu. Lẽ nào ông lại ca ngợi? Ông ngồi ngẫm nghĩ. Lê Hoan thúc:

         - Đọc đi!

        không còn cách nào khác, Đề Cõn đành chìu theo ý của y, ông đọc khoan thai, chậm rãi:

Ở mạn rừng thiêng vốn tính chầy

Nhờ ai đẽo gọt mới nên chầy

Xem ra tròn trặn trơ lì gỗ

Dùng đến hung hăng giã nặng chầy

Muốn giã muốn đâm thì phải cối

Nào lèn nào nện cũng bằng chầy

Chạch, cua ngán nỗi chui vào rọ

Xến, mít ghê thay khéo đẽo chầy!

       Bài thơ nầy độc đáo vì chỉ chơi mỗi một vận “chầy”. Nghe như Đề Cõn đang cầm chầy mà đập vào mặt Lê Hoan. Y trơ mặt thớt. Y không ngờ Đề Cõn đã mượn cái chầy mà mắng vào mặt mẹt của y. Không nói không rằng, y ra lệnh cho thuộc hạ ngưng tra tấn bằng chầy.Y tự tay đẽo những miếng tre nhọn cắm sâu xuống đất cứng, chỉ chừa trên mặt đất khoảng 3 tấc. Đề Cõn bị bắt phải ngồi bẹp trên cây tre nhọn đó. Hai thằng lính dõng đứng hai bên, ấn mạnh vai Đề Cõn. Phập! Cây tre dính vào hậu môn. Khi rút ra thì máu trào ra như thọc huyết heo. Đòn tra tấn khủng khiếp nầy đã khiến nhiều nghĩa quân phải khai ra nơi đang ẩn náu của Đề Thám! Sau đó, những nghĩa quân nầy bị xiềng tay giải về Hà Nội, giặc Pháp tống xuống tàu đưa đi đày ở Đảo Guyane - ở Đại Tây Dương gần bờ Nam Mỹ.

        Từ thông tin đã khai thác được, thằng bán tơ Lê Hoan đã phúc trình cho Bonifacy: Hiện nay Đề Thám chỉ còn hai thủ ha trung thành đang lẩn trốn trong vùng Yên Thế. Thế là quân kháng chiến Đề Thám xem như đã bị tiêu diệt. Ngày 9-12-1909, Bonifacy cho giải tán quân chủ lực. Hắn chỉ giữ lại một vài tên lính thiện chiến phối hợp với Lê Hoan đi truy lùng Hùm Thiêng Yên Thế.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com