VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương hai

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương hai

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương hai

Chém Đề Sặt – danh tiếng lẫy lừng

Mưu đầu độc của Lê Hoan thất bại

      1890, Lanessan - Toàn quyền Đông Dương và Thống tướng Duchemin - Tổng chỉ huy quân đội viễn xâm đã cử tướng Godil và đại tá Godard đem quân lên Yên Thế. Những trận đánh oanh liệt dưới quyền chỉ huy của Đề Thám bắt đầu.

       Pháp không thể để yên cho Đề Nắm cùng những tướng lĩnh của ông như  Đề Thám, Thống Sặt, Đề Cúc, Đề Truật, Đề Sặt… tiếp tục khuếch trương thanh thế. Nghĩa quân của ông thường xuyên đánh phá các đường giao thông tiếp tế của Pháp từ đồng bằng lên miền thượng du. Dòng sông Thương dẫn lên Bắc Giang hoặc con đường từ Phủ Lạng Thương lên Lạng Sơn và nhất là dọc theo đường số 4 từ suối Ghềnh, làng Nác ở phía đông, phía tây dãy núi Cai Kinh liên tục bị nghĩa quân phục kích. Trước tình thế đó, chính phủ Pháp quyết định khởi công làm con đường xe lửa nối liền Hà Nội – Lạng Sơn vào năm 1888. con đường nầy là mạch máu giao thông chiến lược nối liền đồng bằng với miền Thượng du. Nắm bắt được ý đồ đó, nghĩa quân đã dồn lực lượng về Lạng Sơn quấy rối. Quân Pháp bị tổn thất nặng nề, không thể thực hiện được con đường chiến lược nầy, toàn quyền Lanessan tức giận hạ lệnh tiêu diệt tận gốc nghĩa quân kháng chiến.

          Ngày 6-11-1890, giặc Pháp tung ra 800 binh sĩ, 5 khẩu đại bác, 2 chiến thuyền tham dự trận đánh nầy. Chúng chia quân thành ba mũi từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bố Hạ tiến lên Cao Thượng. Khi đến cách Cao Thượng một ngàn mét, chúng đã cho nã đại bác liên tục. Rừng núi rung chuyển dữ dội.

        Phía nghĩa quân vẫn án binh bất động. Không một phát súng bắn trả lại. Tưởng rằng họ đã hoảng sợ rút lui nên giặc Pháp ồ ạt xông lên. Bất ngờ, từ trong chiến hào một làn mưa đạn, cung tên bắn ra. Pháp bị mắc mưu nên thiệt hại nặng nề, tạm thời phải rút quân.

          Ngày 11-12, thiếu tá Tanneur đem 250 binh sĩ, một đại bác bí mật hành quân dọc theo sông Thương để tiến lên đánh phía Đông Bắc, nhưng chúng đã bị phục kích ở Hữu Thượng. Điên tiết trước trận đòn bất ngờ nầy, ngày 22-12 đại tá Winckel và thiếu tá Mayer đem 600 binh sĩ, 4 đại bác lên tăng cường cho Tanneur. Nghĩa quân và binh sĩ Pháp chạm trán nhau. Hai bên đánh nhau liên tục trong ba tiếng đồng hồ. Hỏa lực của giặc ào ào như bão nổi, lốc xoáy. Nhưng chúng hết sức kinh ngạc khi thấy nghĩa quân không rời bỏ vị trí chiến đấu. Pháp cho xung phong ba đợt nhưng không chiếm được mục tiêu. Từ trong công sự vững chắc những loạt đạn của nghĩa quân đã kết liễu cuộc đời của trung úy Blaize và 40 binh sĩ khác. Cuối cùng, do nghĩa quân hết đạn nên Pháp cũng chiếm được Cao Thượng, khi chúng làm chủ trận địa thì nghĩa quân đã rút hết. Bọn nhưng ôm mối hận cút về Nhã Nam, sau khi tưới dầu đốt cháy hết doanh trại nơi đây.

           Đề Thám cùng bộ chỉ huy hạ lệnh cho nghĩa quân rút sâu vào rừng Yên Thế. Tại Hố Chuối, họ đã xây dựng những đồn kiên cố mà theo sử sách của thực dân thì phải có trên 2000 nhân công mới làm nổi. Ngày 9-1-1891, đại tá Frey đem 1300 binh sĩ với nhiều súng cối, đại bác tấn công Hố Chuối. Chúng tung hỏa lực suốt mấy tiếng đồng hồ để dọn đường cho những đợt xung phong lên. Lúc nầy, nghĩa quân lại rút lui. Họ đã tính toán đúng con đường mà giặc sẽ quay về khi chiếm được Hố Chuối. Quả nhiên, khi chiếm được mục tiêu, giặc chỉ thấy đồn trống và hạ lệnh quay lui. Trên đường về, bất ngờ chúng đã bị nghĩa quân phục kích và đánh một trận dữ dội. Xác người đổ xuống như cây mùa thu trút lá. Đại úy Guigne, trung úy Brezzi chết tại chỗ. Thất thế  Pháp buộc phải kéo về Nhã Nam.

         Nghĩa quân vẫn hùng cứ ở Yên Thế. Họ đã xây dựng lại bảy đồn mới với những hướng lĩnh tài ba chỉ huy như: Đề Nắm, Đề Lâm, Đề Truật, Đề Trung, Đề Thám, Tống Tài, Ba Phức. Sau hai đợt tấn công thất bại, Pháp quyết định mở đợt hành quân càn quét thứ ba. Còn Đề Thám sau khi củng cố đội hình chiến đấu mới, ông cưới thêm bà vợ thứ hai.

        Tháng 1-1892, một chiến dịch lớn do tướng Voyron và tám thiếu tá chỉ huy. Quân số lên đến 2300 người. Tổng hành dinh của chúng đóng ở Bố Hạ. Đường vận chuyển lương thực, vũ khí là dòng sông Thương và đường Bắc Giang-Kép. Ngoài ra, chúng còn đắp đường bộ từ Kép đến Bố Hạ để vận chuyển đại bác 95 ly. Trọng pháo của giặc bắn ròng rã trong vòng 26 ngày để yểm trợ cuộc tấn công. Hỏa lực của giặc quá mạnh, nên một số nghĩa quân phải rời bỏ đồn rút về hướng Đông Bắc – dù địch chưa dám xung phong chiếm đồn. Sự rút lui của nghĩa quân chớp nhoáng, có quy củ và tuyệt đối bí mật nên giặc không hay biết. Ngày 28-2-1892 chúng đã bắn tới 200 quả đại bác về hướng Tây Nam. Nhưng tất cả đều vô ích. Khi chúng chiếm được vị trí thì chỉ tịch thu được 15.000 cân ngô, gạo và 20 xác nghĩa quân vừa mới chôn xong. Ngày 23-3 chúng cho đại bác bắn như điên cuồng vào đồn của Đề Thám chỉ huy, bà vợ hai của ông đã chết trong trận nầy. Ngày 30-3, trung tá Geil tấn công vào đồn Ba Phức và những đồn khác. Một số tướng lĩnh và nghĩa quân đã hoang mang xuống tinh thần. Ngày 12-4, Đề Sặt đã lập mưu chặt đầu thủ lĩnh Đề Nắm – hắn đã lấy đầu người anh hùng để làm lễ vật ra hàng Pháp. Đề Tiên cũng ra hàng, nhưng bị Pháp giết vì còn giấu 9 khẩu súng và 250 viên đạn.

        Đứng trước tình hình nguy ngập nầy, quân không tướng như rắn mất đầu. Đề Thám quyết định đứng ra tổ chức lại đội ngũ chiến đấu mà chính ông sẽ là thủ lĩnh của họ. Một mặt tổ chức lại nghĩa quân chống trả những đợt tấn công ồ ạt của giặc, một mặt ông sai thủ hạ thân tín đi tìm bắt Đề Sặt. Sặt đã bị trói quặt tay ra sau lưng. Trước mặt ba quân, Đề Thám quắt mắt:

        - Phản tướng để ra hàng giặc thì bị ghép vào tội gì?

      Sặt há hốc mồm chưa kịp trả lời thì ông đã rút thanh gươm “Hoàng thị thiên sử” chém đứt đầu kẻ phản bội. Chiếc đầu lâu bết máu bị bêu trên chiến lũy để làm gương cho kẻ khác. Sau vụ trừng phạt nầy, thanh thế của Đề Thám lan rộng ra  mười tổng Nhã Nam. Những người đã ra đầu thú hoặc thất lạc khi giao chiến đã lần lượt trở về tập hợp dưới quyền chỉ huy của Đề Thám.

        Tính đến tháng 8-1892 theo báo cáo của Pháp thì chúng đã thu được của nghĩa quân 287 khẩu súng trường và 43 súng ngắn. Và cũng trong thời gian nầy, giặc sửa chữa được 40 cây số đường lộ nối liền với những khu trọng yếu để thuận lợi cho việc chuyển binh. Cuộc tổng tấn công do tướng Voyron chỉ huy kéo dài gần một năm đã khiến cho hai bên đều mệt mỏi và tổn thất nhiều. Đầu năm 1893, Ba Phức – cha nuôi của Đề Thám ra hàng Pháp, y đem nộp 76 khẩu súng trong đó có 54 súng bắn nhanh. Tin nầy đã làm Đề Thám rất đau lòng. Tương kế tựu kế, Đề Thám bắn tin cho Ba Phức biết là ông cũng sẽ ra hàng. Ngày 3-4, Pháp mừng rỡ khi biết Đề Thám cùng Thống Luận, Tổng Trụ và 45 nghĩa quân sẽ ra hàng. Việc ra hàng mới đầu định ngày 19-4 sau đó Đề Thám đổi lại  ngày 29. Đêm 29 rạng ngày 30, thiếu tá Barri hí hửng dẫn 370 binh sĩ đến điểm hẹn thì bị nghĩa quân đánh một trận tơi bời. Chúng thiệt hại nặng nề trước lúc rút lui. Đầu tháng 6-1893, Đề Thám lại đánh đồn Nhã Nam, ngày 19-6 đánh phủ Từ Sơn (Bắc Ninh), ngày 27-6 đánh vào đồn lính khố xanh ở Đáp Cầu… và đến cuối năm 1893 những nơi thuộc Nhã Nam, Mỏ Trạng, Bố Hạ liên tục bị nghĩa quân đột kích. Các đồn Pháp phải hiệp lực với nhau để bảo vệ cũng như tấn công lại. Những trận đánh trên đây thật là gay go cho Pháp. Nghĩa quân của Đề Thám hiện nay còn bao nhiêu quân? Đại bản doanh đóng ở đâu? Kéo dài cuộc chiến nầy càng ngày càng bất lợi cho Pháp. Một số binh sĩ Pháp không thông thuộc địa hình, không chịu được khí hậu khắc nghiệp nên đã phản chiến. Họ bắt chước binh sĩ Henri de Claussade và Martin trước đây chạy sang hàng ngũ của Đốc Tít – sau đó người lính nầy bị thực dân chém đầu ở Cột Cờ. Để đối phó lại, giặc Pháp sai Tổng Đốc Bắc Ninh là Lê Hoan đứng ra thương lượng với Đề Thám.

     Lê Hoan là một tay quỷ quyệt, tráo trở đã từng cộng tác đắc lực với  Hoàng Cao Khải và cùng cầm quân phối hợp với Pháp tấn công vào chiến khu Bãi Sậy. Bây giờ, y biết rằng để ngồi yên trên ghế Tổng Đốc Bắc Ninh là phải tìm mọi cách thực hiện được ý đồ của giặc Pháp: chiêu dụ hoặc giết cho bằng được Đề Thám.

         Y đã sai cha nuôi của Đề Thám đem thư của y lặn lội vào chiến khu của nghĩa quân. Lá thư của Yên Thế được Đề Cõn đọc lớn trước ba quân. Vì thật ra Đề Thám giỏi cầm quân đánh giặc, nhưng ông lại không biết chữ. Bù lại, ông có một trí nhớ tuyệt vời. Nghe xong lá thư ông cười ruồi:

     - Tốt lắm! Chú Cõn ạ, chú viết thư trả lời là ta đồng ý với ngày giờ hẹn của Lê Hoan.

       Lúc đó Thống Luận nói khẽ:

    - Thưa quan lớn, tại sao chúng ta lại làm thế? Lúc nầy giết luôn Ba Phức thì có phải hay hơn không?

      Đề Thám đáp:

     - Ta là tướng. Đã là tướng thì không thực hiện những việc hạ sách.

          Đúng ngày giờ đã hẹn, Đề Thám theo Ba Phức đem 200 quân đến dinh Tổng đốc. Ông truyền lệnh cho đóng quân bên ngoài, còn mình và mấy thủ hạ lực lưỡng tiến thẳng vào yết kiến Lê Hoan.

         Trong lúc trò chuyện, Lê Hoan đã khéo léo sắp xếp Đề Thám ngồi đối diện với Ba Phức. Lính hầu đã đem trầu cau, bàn đèn thuốc phiện, trà nóng đến. Lê Hoan đon đả:

        - Xin mời ông Đề Thám làm một hơi a phiến cho khỏe người ạ! Hút xong mà hãm với trà Lục Nam thì tuyệt nhất!

     - Cám ơn quan Tổng, tôi không dùng a phiến bao giờ cả.

       Y ngạc nhiên:

       - Thật vậy à? Những tướng lĩnh của ông về với Chính phủ bảo hộ đều nghiện nặng cả, như ông Ba Phức đây.

      - Vâng, chính vì nghiện nặng, không chịu đựng được gian khổ nên mới ra đầu thú đấy chứ!

         Ba Phức giận tím mặt. Thế nhưng lão vẫn thản nhiên đáp:

        - Thưa quan Tổng! Quả thật Đề Thám không biết dùng thứ của quý nầy ạ!

        Lê Hoan đáp:

     - Vậy mời ông!

        Ba Phức nâng dọc tẩu lên miệng. Tiếng kêu rò rò êm ái. Khói thuốc bay lững lờ. Một mùi thơm tỏa trong phòng. Lê Hoan phe phẩy chiếc quạt trong tay:

         - Ông Đề ạ! Nhà nước bảo hộ rất khâm phục ý chí chiến đấu của ông. Ông là một tướng tài ba, tên tuổi vang dội khắp phủ Yên Thế. Nhưng tôi xin thưa với ông, Pháp là một nước văn minh. Họ có tàu bay, súng lớn không dễ gì mà họ chịu thua gươm cùn của các ông đâu!

     Đề Thám vẫn ung dung:

       - Xin mời quan Tổng cứ nói tiếp!

      Lê Hoan nhấp hớp trà nóng:

          - Vâng, nói là vậy thôi chứ đến lúc ông nên nghỉ ngơi. Đã là người thức thời thì ông Đề ạ, phải biết lúc nghỉ ngơi mà tận hưởng danh tiếng của mình tạo ra.

       Đề Thám gật gù:

     - Xin mời quan Tổng cứ nói tiếp!

           Lê Hoan cảm thấy chột dạ:

        - Nhà nước bảo hộ hứa sẽ dành cho ông bất cứ chức tước nào mà ông muốn.

        Không để y nói hết câu, Đề Thám cười lớn:

         - Thưa ông, tôi chiến đấu không phải vì danh. Mà thôi, chuyện đó khoan nói đến. Lần hội ngộ đầu tiên với ông, biết ông là người có chữ nghĩa nên tôi xin ông cùng đàm luận thi phú. Đây mới là thú vui của người quân tử.

        Mục đích của câu chuyện hôm nay đã bị Đề Thám khôn khéo lái qua một hướng khác. Lê Hoan đành bấm bụng:

         - Ông nói chí phải. Tôi cũng là một người yêu thích thi phú. Vậy mời ông.

         Đề Thám có trí nhớ tốt, khi xem tuồng hoặc nghe ai đọc thơ là ông có thể đọc, kể lại vanh vách. Ông khiêm tốn nói:

         - Thưa quan Tổng! Thời tôi theo cha nuôi tôi phò Cai Kinh, tôi được nghe Cai Kinh đọc bài thơ nầy. Nay xin được đọc lại trong ngày vui hôm nay.

       Ba Phức lim dim mắt. Lão ta đang nhớ lại những ngày oanh liệt xông pha nơi trận mạc. Tiếng vó ngựa hí vang trong tâm tưởng. Mùi thuốc súng khét lẹt. Đã bao lần thoát chết vì đạn bắn xéo ngang đầu. Chao ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu? Bất giác  Ba Phức khẽ thở dài và nâng dọc tẩu. Mùi thuốc phện thơm tho. Đề Thám hắng giọng:

Tổng đốc miền Đông hỏi đứa nào?

Lê Hoan thôi lại tụi Hoàng Cao

Lính hầu thuở nọ tay ôm trắp

Cụ lớn ngày nay ngực gắn sao

Rể được thượng Trần thêm thế lực

Giặc nhờ Đề Thám nổi công lao

Tướng tinh nay đã quay đầu lại

Hai mắt trừng trừng ngược mũi dao

       Lê Hoan ngồi sượng trân. Y biết Đề Thám vừa tung ra chiêu “nhất cử lưỡng đắc”. Ghê quá! Vừa gợi chuyện Cai Kinh là để mắng khéo vào mặt  Ba Phức, vừa đọc bài thơ nầy là để nhổ toẹt vào mặt ta. Lê Hoan thừa biết, đây là bài thơ của Nguyễn Thiện Kế – em của Tán Thuật – đã chửi y, chứ chả phải của Cai Kinh nào cả. Y trợn mắt. Toan vung tay quát tháo thì y vội câm bặt. Y liếc thấy bàn tay gân guốc của thủ hạ Đề Thám đang đặt trên chuôi gươm đeo lủng lẳng bên hông. Y bèn đổi mặt làm tươi:

     - Cám ơn ông Đề. Thôi mời ông xơi chén trà kẻo nó nguội, mất ngon.

      Đề Thám bưng chén trà lên, nhưng ông không nhấp môi. Vốn là người đa nghi, khi mới ngồi vào chiếu ông đã thấy tên lính hầu nháy mắt với  Ba Phức nên cảnh giác. Ông nói:

     - Vâng, trà Lục Nam thì ngon nhất xứ Bắc. Nhưng vì tình cha con nên xin đổi chén của cụ Ba ạ!

          Đưa chén trà về phía  Ba Phức, ông nói tiếp:

       - Lâu lắm mới được ngồi cùng cụ để thưởng thức trà, mong cụ đừng từ chối. Dẫu cụ đã quên ơn vua mà về với Pháp thì tình cha con vẫn sắt son như thuở nào. Mong cụ đừng từ chối.

       Lão ta không biết phải đáp sao cả. Lê Hoan không ngờ đã xảy ra tình huống oái oăm nầy. Y dự định mời Đề Thám đến đây để dùng thuốc độc mà giết. Không ngờ… Hùm thiêng Yên Thế giả vờ giận dỗi:

      - Cụ Ba! Con tin cụ mà đến dinh Tổng đốc dù biết mạng mình như cọp rời khỏi rừng, như ngàn cân treo trên sợi tóc. Vậy mà con đâu có ngại vì con tin cụ, vậy nỡ nào cụ từ chối tấm lòng của con?

       Bất đắc dĩ,  Ba Phức đành phải cầm chén nước trà mà nâng lên môi. Môi lão ta xám ngoắt như miếng thịt trâu từ từ hé ra và nhấp một ngụm nhỏ. Lê Hoan nhắm nghiền mắt lại. Tình huống nầy rồi sẽ chết ai đây? Nhưng vốn lanh trí, liền lúc đó  Ba Phức giả vờ bị trúng gió mà lăn ra đất. Nước ngậm trong miệng trào ra hai bên mép.

         Đề Thám ung dung đứng lên:

        - Cụ Ba bị cảm à? Chẳng may xảy ra cơ sự nầy nên câu chuyện mất vui. Hẹn một ngày khác tôi sẽ hầu chuyện với quan Tổng!

     Nói xong Đề Thám quay lưng đi thẳng.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com