VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương mười hai

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương mười hai

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương mười hai

Giặc đồng loạt tấn công Yên Thế

Giao chiến nhau Cả Trọng từ trần

          Trong quá trình điều tra vụ “Hà Thành đầu độc”, giặc Pháp đã tìm được nhiều chứng cớ khẳng định Đề Thám chủ mưu những vụ tày trời nầy. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng quyết định mở cuộc tấn công vào căn cứ Yên Thế.

            Đầu năm 1909, một hội nghị quan trọng có liên quan đến số phận Đề Thám đã được định đoạt. Vừa mới thay Beau, Toàn quyền Klobukowki đối phó với Hùm Thiêng Yên Thế bằng biện pháp cứng rắn. Đến dự hội nghị nầy còn có cả Thống sứ Bắc kỳ, Tổng chỉ huy quân đội Đông Dương… do Klobukowki chủ trì. Họ đã thống nhất nhận định: Đề Thám không chỉ là cọp dữ của núi rừng Yên Thế mà còn là mối đe dọa cho cả thành thị nữa. Phương châm hành động được đặt ra là đánh mạnh, đánh mau và tuyệt đối giữ bí mật để tiêu diệt tận gốc nghĩa quân. Theo báo cáo của Bouchet trong hội nghị thì lực lượng Đề Thám hiện nay, chỉ có chừng 200 đến 300 người với trên 100 khẩu súng – chủ yếu là súng kiểu 1879 của Pháp, một số súng của Trung Quốc, còn lại là súng kíp thô sơ.

           Để chống lại một lực lượng như thế, Pháp huy động 1.500 binh sĩ gồm lính Âu, lính dõng, lính bản xứ, và những đội pháo binh, công binh, thông tin. Khí giới trang bị tất nhiên là tối tân và hiện đại, trong đó cả trọng pháo 75 ly và sơn pháo 80 ly nữa. Để tuyệt đối giữ bí mật, các binh lính An Nam đều được phổ biến là đi đánh thổ phỉ dọc theo biên giới, không ai mảy may là đi đánh Đề Thám cả. Tất cả những điều nầy cho thấy, Pháp khiếp sợ oai linh của Đề Thám đến mức nào. Lực lượng hùng hậu nầy bí mật hành quân đến Nhã Nam, Bố Hạ và những nơi cách Chợ Gồ khoảng 5 cây số. Chúng phải len lén như chuột ngày vì nếu lộ ra thì Đề Thám sẽ đặt vấn đề: Tại sao quân đội chính phủ Pháp bao vây Yên Thế – trái ngược với những điều đã ký kết năm 1897?

         Cùng lúc đó, Thống sứ Bắc Kỳ và Morel cho phân phát khắp nơi bản bố cáo về tội ác của Đề Thám (?). Ngang ngược hơn, Thống sứ Bắc Kỳ còn viết thư buộc Đề Thám phải nộp hết súng ống, đạn dược cho chính phủ! Nhận được thư, Đề Thám gầm lên:

        - Quân láo xược! Bắt chúng ta giao nộp vũ khí là có khác gì phải đầu hàng vô điều kiện? Khi làm lễ tuyên thệ dưới lá cờ Cần Vương, tất cả chúng ta đều thề rằng: “Quyết định đuổi bọn cướp nước tàn bạo như người ta đánh hùm beo sói dữ”. Nay sứ mệnh chưa hoàn thành mà chúng buộc ta đầu hàng thì các chú nghĩ sao?

         Bà Ba Cẩn tiếp lời:

         - Giặc Pháp đã bắt vua phải đi đày. Giết những ai chống cự lại chúng. Hỡi ôi! Mệnh nước suy vong đến thế sao? Bọn Pháp là đồ kẻ cướp. Chúng xưng ông, xưng bà với vua bù nhìn, với quan lại hèn nhát chứ chúng dám đến đây xưng hùng, xưng bá với chúng ta à? Từ đứa bé đến người lớn ở đồn ông Hoàng Hoa Thám, có thằng Tây nào dám bắt nạt ai không? Nay mai nếu chúng tấn công chúng ta thì ai có gì dùng nấy. Có súng thì bắn. Có dao thì chém. Báo thù cho ông cha chúng ta, anh hùng liệt sĩ của chúng. Đàn bà thì đi dò xét. Đàn ông thì đi chiến đấu. Quyết làm cho chúng khiếp vía mới thôi! Các cô, các chú cũng biết nhiều người có ruộng, có vườn, có nhà tưởng làm giàu để về sau cho con cháu. Nhưng thằng Tây nó đến, nó hiếp vợ, nó phá tan cửa nát nhà. Hỡi ôi! Nước không yên thì nhà yên thế nào được? Nó bảo chết thì chết. Nó bảo sống thì mới được sống, mà sống thì phải cúi đầu, phải quỳ xuống. Có đúng không? Chết thì thôi chứ ông Đề Thám không chịu. Quân của ông Đề Thám quyết không chịu. Bây giờ, ai muốn sống nhục thì hãy làm tôi mọi cho chúng. Tôi đây, vợ ba của ông Đề Thám không bao giờ chịu được cái nhục ấy. Chặt đầu thì cứ chặt chứ bảo cúi đầu thì không!

       Mọi tướng lĩnh đều đồng loạt cất tiếng vỗ tay náo nhiệt. Bà đã nói một hơi dài như tiếng chuông. Hào hùng và mãnh liệt. Mọi người đứng nghe đều biểu quyết là đánh đến cùng, chứ không chịu giao nộp súng cho giặc.

         Kế hoạch tác chiến đã được Đề Thám nhanh chóng cho triển khai. Tuy thế, bên ngoài thì ông vẫn cho người ra đồn Nhã Nam hẹn sau Tết nguyên đán, vui xuân xong thì sẽ đem nộp khí giới. Lời hẹn của Đề Thám trúng với ý đồ của Pháp, chúng cũng dự tính sẽ đánh Yên Thế vào đầu năm mới. Chúng nghĩ rằng, trong dịp Tết nghĩa quân sẽ ăn hết gạo cũ, chưa kịp giã lúa mới để dự trữ. Và đây cũng là thời điểm thuận tiện mà đối phương sẽ không trở tay kịp.

         Ngày 29-1-1909, giặc Pháp bất ngờ mở cuộc tấn công vào căn cứ Yên Thế. Đại tá Bataille đặt bản doanh tại Chợ Gồ chính thức châm ngòi nổ. Bốn đại đội lính Âu, bốn đội lính khố đỏ, một đội lính lê dương được trang bị súng cối, sơn pháo, kỵ binh… nhảy vào cuộc. Súng bắt đầu nổ. Chiến tranh đã lòi ra nanh vuốt gớm ghiếc của nó.

       Vốn là tay lão luyện trong nghề xâm lược, Bataille biết rằng, muốn thắng Đề Thám thì trước hết phải đánh bại bà Ba Cẩn một người mưu được tin cậy nhất của lãnh tụ Yên Thế. Vì vậy, hắn mở màn bằng cuộc tập kích vào Chợ Gồ – nơi bà Ba Cẩn đóng đồn. Trời ơi! Giữa lúc nguy ngập như thế mà bà Ba Cẩn lại chuyển dạ. không muốn cho Đề Thám và nghĩa quân vì một người đàn bà mà bận lòng, nên bà đã lẻn ra gốc cây để đẻ và chính bà đỡ đẻ cho mình. Đứa bé nầy được đặt tên là Hoàng Văn Vi, tức Phồn. Ngay lúc đó, nó được chuyển về cho bà Lý Chuột ở Thái Nguyên nuôi giùm.  Trong lúc đó, thiếu úy Courteix chỉ huy 200 lính khố xanh được lệnh đánh thẳng vào đồn. Còn thiếu úy Colonna từ Cao Thượng sẽ đánh thốc xuống trợ chiến. Với kế hoạch tối ưu như thế, chúng hùng dũng tiến vào đồn bà Ba Cẩn. Pháo yểm trợ của giặc nổ ran. Lạ thay! Không thấy đối phương bắn trả một viên đạn nào cả. Nghĩa quân khiếp sợ uy danh đại binh Pháp mà rút hết rồi chăng?

        Nhưng chúng đã lầm.

         Khi được tin, bà Ba Cẩn liền cho nghĩa quân kéo ra mai phục dọc theo hai bên đường dẫn vào Chợ Gồ. Bà chỉ giữ lại vài chục tay súng thiện xạ canh nơi pháo đài. Sau khi tiếng pháo yểm trợ đã dứt, thỉnh thoảng trên pháo đài chỉ bắn lẹt đẹt vài viên đạn cầm chừng. Họ bắn nhử cho giặc chủ quan mà tiến vào. Trúng kế, đại quân của Courteix lạc quan tiến sâu vào trận địa. Chúng tin chắc sẽ nắm được thắng lợi dễ dàng như lật bàn tay. Thậm chí, Courteix còn mơ đến thêm một sao được gắn trên quân hàm! Đột ngột bọn chúng nghe một tiếng hét như hổ gầm:

         - Bắn!

         Từ trong bụi rậm hai bên đường, hàng loạt tiếng súng nổ ran. Đạn vọt ra khỏi nòng súng đỏ rực. Đạn ghim chính xác vào những thây người đang đi. Những thây người đổ xuống như những thân cây chuối chịu những nhát dao sắc lẹm! Chết như rạ! Quân Pháp đã lọt vào ổ phục kích. Đội hình của chúng bị rối loạn, chạy tứ tán. Chúng tiến lên thì đạn từ trên pháo đài nã xuống. Chúng rút lui thì bị nghĩa quân chốt đường lui. Trong lúc nguy ngập ấy, thiếu úy Colonna dẫn quân đến tiếp viện. Một viên đạn chính xác đã ghim vào sọ. Máu tóe ra. Colonna chết tức tưởi. Cuối cùng, hai đạo quân ấy đã hợp lực lại phản công dữ dội để tìm đường rút lui. Chúng lốc nha lốc nhốc, lôi thôi như cá trôi xổ ruột chạy xoạc móng heo về Nhã Nam.

        Trận đánh oanh liệt dưới tài chỉ huy tài ba của bà Ba Cẩn đã khiến Bataille giận tím mặt. Hắn quyết tạm phải chiếm bằng được Chợ Gồ để rửa mối nhục này!

         Rạng sáng ngày 31-1-1909, hai đạo binh của Pháp do Mayer và Le Canu chỉ huy bí mật tiến vào Chợ Gồ. Đã biết mưu lược của nghĩa quân, nên lần nầy chúng tiến quân cẩn trọng, chậm chạp. Tâm trạng phập phồng lo sợ đã dẫn từng bước chân của chúng tiến sâu vào trọng địa. Càng đi chúng càng thấy bốn bề lặng ngắt như tờ. Không một tiếng súng bắn trả. Không một bóng ai ló dạng. Sợ mắc mưu như lần trước, chúng tỏa ra các đường hẹp, lối nhỏ mà tiến từng bước. Nhưng sự cẩn thận như thế cũng bằng thừa. Lần mò lò dò như cò bắt tép suốt ngày trời, đến khi tiến vào đồn thì chúng chưng hửng. Pháo đài bỏ không. Không còn ai cả. Thì ra, bà Ba Cẩn đoán trước ý định của giặc sẽ đem đại binh san bằng Chợ Gồ, nên bà đã cho nghĩa quân rút lui để bảo tồn lực lượng. Họ rút về Rừng Tre, cách đó khoảng 3 cây số. Họ đào hầm. Chờ giặc đến.

        Sáng ngày 1-2, mười giờ sáng. Tiểu đoàn trưởng Le Canu dẫn binh sĩ với vũ khí tối tân tiến đánh Rừng Tre. Đúng 11 giờ 20 phút trưa đó, hai bên giao chiến. Lớp lính Pháp xung phong đầu tiên bị loạt đạn nghĩa quân đẩy lui. chúng chỉnh đốn hàng ngũ rồi tiến lên lần thứ hai. Bà Ba Cẩn dõng dạc tuyên bố:

         - Hỡi anh em binh lính khố đỏ! Các bạn cũng là người Nam như chúng tôi. Chúng ta cùng môt nòi giống da vàng. Đây là đất của ông Đề Thám, chồng tôi. Tôi yêu cầu các bạn hãy chỉa súng bắn lên trời để chúng tôi đọ súng thi tài với bọn xâm lược Pháp!

         Trả lời bà là một loạt đạn bắn xối xả! Đội quân Pháp vẫn tiến lên. Tên đội Guerini hăng hái chạy lên trước lập chiến công thì đạn xuyên qua  ngực. Hắn giẫy đành đạch như gà bị cắt tiết! Đánh nhau đến 3 giờ chiều nhưng giặc vẫn không chiếm được Rừng Tre. Le Canu cấp tốc xin tiếp viện. Trung úy Romain de Fosses đem hai trung đội lính Âu và lính khố đỏ đến ứng chiến. Trận đánh vẫn kéo dài. Bất phân thắng bại. Buộc lòng vào lúc 5 giờ chiều, đại tá Bataille phải đem quân lên tăng cường và trực tiếp thị sát mặt trận. Quân Pháp bố trí lại đội ngũ để quyết đánh một trận kết thúc. Vào 7 giờ tối, chúng tiến lên đỉnh đồi. Chúng chưng hửng như mèo bị cắt tai. Nghĩa quân Yên Thế đã rút lui từ lúc nào rồi. Suốt mấy tiếng đồng hồ phung phí bao nhiêu đạn, bao nhiêu binh sĩ chết mà cuối cùng chỉ để chiếm mấy hầm hố bỏ không!

         Sau trận này Bataille mới thừa nhận tài cầm quân của Hùm Thiêng Yên Thế. Nhưng hỡi ôi! Đó cũng là lúc tóc của viên đại tá nầy bắt đầu lốm đốm bạc. Rồi đến mười ngày sau, ngày 11-2, Pháp mới tìm được quân của Cả Huỳnh, Cả Rinh, Ba Biểu, Lý Thu đóng ở thung lũng từ Đồng Vương đến Yên Thế. Họ đã chiếm một địa thế thuận lợi cho việc điều binh khiển tướng. Thiếu tá Mayer liền kéo quân lên đó. Hai bên đụng độ nhau vào lúc 10 giờ sáng. Trận đánh kéo dài đến trưa nhưng Pháp không đạt một kết quả nào. Thừa lúc chúng mệt mỏi, ngưng chiến đấu để ăn uống thì trong rừng rậm bất ngờ Cả Rinh, Cả Huỳnh thúc quân ra đánh. Nghĩa quân tiến nhanh như cơn gió lốc. Những gốc cây, ụ mối, mô đất đều biến thành những vật cản thuận lợi cho nghĩa quân. Bị tấn công bất ngờ, quân Pháp chạy tán loạn, một số trúng đạn. Pháp lập tức phản công. Trận đánh kéo dài đến 6 giờ chiều. Hoàng hôn đỏ ối như máu. Bóng tối nhọ mặt người. Bóng đêm dần che khuất núi rừng. Nghĩa quân nhanh chóng rút lui. Cả Rinh, Ba Biểu, Lý Thu chạy về hướng mỏm 208 phía Bắc Đồng Vương. Còn Cả Huỳn thì tách ra nơi khác. Trong khi đó, Cai Sơn đã đánh chiếm được đồn Đức Thắng, rồi đặt bản doanh ở làng Sơn Quả. Giặc Pháp cho nã pháo 80 liên tục để chiếm lại đồn, nhưng khi tiến quân vào thì Cai Sơn đã rút lui mất dạng.

           Sau những trận đánh nầy, giặc Pháp cho xây đồn chằng chịt khắp vùng Yên Thế và sục sạo chu đáo từ Nhã Nam đến Rừng Tre. Ngày 20-2 Pháp phát hiện quân của Cả Huỳnh đang dừng chân tại làng Chiềng và sông Soi. Le Canu đem quân đến làng Chiền. Giám binh Poilevey án ngữ ở sông Soi. Nhờ dân chúng cấp báo, Cả Huỳnh đã dẫn quân chạy thoát. Còn thiếu tá Mayer thì phát hiện quân của Cả Rinh, Ba Biểu, Lý Thu tại mỏm 208, nhưng chúng không dám tấn công mà phải chờ viện binh đến. Đại tá Bataille đánh điện cho Mayer chỉ đạo phải chiếm cho bằng được mỏm 208. Một đội lính khố đỏ và ba tên lính Âu gan dạ nhất đã mạo hiểm tiến lên. Nhưng cây cố rậm rạp, dốc núi cheo leo, chúng không nhìn thấy được gì cả. Từ trên cao, nấp trong bụi rậm, nghĩa quân bắn tỉa chính xác. Chúng bỏ mạng khá nhiều. Đại úy Tessie, trung úy Benayton, tên đội Démont bị thương nặng. Cuối cùng, đến khi trời sụp tối thì Bataill ngưng tấn công. Rạng sáng hôm sau, Pháp bí mật xông lên thì không còn thấy bóng nghĩa quân. Lối đánh nầy đã khiến giặc Pháp mệt mỏi và thất vọng. Mỗi lần giao chiến không đem lại kết quả gì đáng kể mà chỉ hao phí súng đạn. Còn nghĩa quân, họ như những bóng ma lẩn vào rừng sâu mất hút!

       Từ đó cho đến cuối tháng 3-1909 nhiều trận đánh lẻ tẻ vẫn xảy ra. Ngày 1-3, quân của trung úy Courri chạm mặt với quân Cai Sơn, Ba Biểu, Cả Rinh. Chúng đã bị nghĩa quân đánh như két, thét như lôi phải chạy trối chết về Nhã Nam. Ngày 15-3, chúng dàn binh bố trận tiến đánh căn cứ Hàm Lợn. Đây là một ngọn núi cao 462 thước thuộc sườn đông Nam Tam Đảo. Giặc Pháp đã mở nhiều cuộc tấn công táo bạo. Trọng pháo nổ liên tục tối tăm cả trời đất. Nghĩa quân phải rút lui. Mãi đến tối ngày 25, rạng ngày 26-3, cánh quân do Đề Thám chỉ huy bị lọt vào ổ phục kích của giặc tại đèo Ỉnh. Mọi người chạy tứ tán. Bỗng nghe tiếng Cả Trọng kêu lên:

         - Bố ơi! Con bị thương vào đùi!

           Lẽ ra, phải tìm cách chống trả lại như mọi lần thì Đề Thám hạ lệnh cho rút sâu vào cánh rừng khác. Bà Ba Cẩn tức tốc đi tìm lá thuốc rịt vào vết thương cho Cả Trọng. Trời tối quá, không tìm thấy lá gì cả. Mọi người đành lấy mảnh vải đen nhúng nước muối băng bó vết thương cho anh. Cả Trọng chỉ kịp nói:

         - Con nguy mất rồi dì Ba ạ! Dì trông nom giùm bố và em của con!

         Rồi ngất đi. Đến 6 giờ sáng thì Cả Trọng tắt thở. Đề Thám đau đớn vô cùng. Người con yêu quý của ông đã mất. Ông không nói gì cả. Nước mắt cứ trào ra. Cả Trọng được chôn cất cẩn thận. Con chó của anh cứ nằm phục bên mộ chủ. Mấy ngày liền nó chẳng ăn uống gì rồi chết. Mọi người chôn con chó trung thành bên mộ Cả Trọng. Sau đó, giặc Pháp đánh hơi đã đến quật mồ Cả Trọng, chúng kinh ngạc khi thấy bộ xương chó bên cạnh.

          Tin Cả Trọng hy sinh như một tiếng sét đánh xuống đầu nghĩa quân. Một số người nao núng đã chạy ra hàng giặc. Lực lượng nghĩa quân hoang mang lắm. Lúc nầy, tìm cớ hòa hoãn, Đề Thám viết thư gửi cho Bataille. Em nuôi của bà Ba Cẩn là Càn lặn lội xuống đồn Nhã Nam trao lá thư nầy. Bataille bắt giam Càn. Ngay đêm đó, anh bị giặc tra tấn tàn nhẫn để điều tra thực lực của Đề Thám. Càn cắn lưỡi tự tử. Trên đà thắng thế nầy, Thống sứ Bắc Kỳ treo giải 2.000 và một phẩm hàm cho bất cứ ai chặt được đầu Đề Thám. Thủ đoạn nầy hết sức có hiệu lực vì từ đây, Đề Thám phải giữ mình với chính những người thân thuộc nhất và không dám mộ thêm người mới.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com