LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.9.2017

cao-xuan-son-tet-dinh-dau

NHÀ THƠ CAO XUÂN SƠN

 

Chiều đã sẫm tối. Ngoài trời đang mưa tầm tả. Viết một câu lên facebook than rằng: “Đang buồn”. Ngay lập tức cái “cùi bắp” rèng réng reng như tiếng kèn xung trận giục giã: “Vậy, tìm một chỗ ngồi ngắm mưa đi Q ơi”. Nhìn ra ngoài trời mù mịt mưa bay, chập chờn những gió,  sấm sét đùng đùng, thử hỏi làm sao không cảm động?

Sống ở đời dễ hay khó? Chẳng rõ nữa. Nhưng lúc đơn độc trong bốn bức tường vây quanh là sách, mùi thời gian ẩm mốc từng ngày, lúc ấy, vâng, chỉ trong tích tắc lại có người chia sẻ, thử hỏi cuộc đời dễ chịu quá đi chứ? Rồi lại những cuộc ngồi ở lề đường, dưới tàn cây xanh, một chút men, một chút mưa nhập nhoàng trong đáy cốc. Và câu chuyện lại mở với những chữ nghĩa, văn chương, những câu thơ đọc cho nhau nghe. Lòng thêm vui một chút.

Với y, đã có những ngày như thế với bạn thơ Cao Xuân Sơn.

Đôi lúc lẩn thẩn tự hỏi, đã quen nhau từ lúc nào? Khó có thể trả lời chính xác. Chỉ nhớ rằng, ngày nọ lúc cà kê dê ngỗng tâm tình, Sơn bảo: “Nhiều người ít quan tâm đến văn học thiếu nhi, cứ tưởng mãi sau này mình mới viết cho tụi nhỏ. Kỳ thực, văn học thiếu nhi với mình như một định mệnh”. Nghe lạ tai quá! Thì đây: "Bài thơ đầu tiên mình in khi chuyển trường từ Hà Nội vào Sài Gòn là trên Trang thiếu nhi thứ năm hằng tuần của báo Sài Gòn Giải phóng năm 1981. Cuốn sách đầu tay Con chim xanh ngoài ô cửa xuất bản năm 1987 là tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi, in tới ba chục ngàn bản.

Thêm một kỷ niệm đáng nhớ: truyện ngắn Bức tranh Tết của chú bé họa sĩ in nửa trang báo Xuân Phụ Nữ TP.HCM năm 1982 cũng là một truyện thiếu nhi, được trả tới 500 đồng. Cũng năm đó, bài thơ Mùa phấn hoa bay in trên báo Xuân Công nhân giải phóng, tiền thân báo Người lao động - cũng được nhuận bút những 500 đồng. Trong khi học bổng hàng tháng của nam sinh viên 22 đồng. Mình thật sự kinh ngạc. Số tiền đó thừa sức mua vài chiếc... xe đạp”.

Rời ghế giảng đường ngành ngữ văn Sư phạm (khóa 1978-1982), Sơn ghé qua bục giảng trường PTTH Ngô Quyền (Biên Hòa) hai năm, sau bỏ sang Hội Văn nghệ theo hẳn nghiệp viết lách. Bảy năm sau (1991), một biến cố bất ngờ buộc Sơn bỏ xứ Đồng Nai về hẳn Sài Gòn làm báo, tiếp tục công việc "góp gió thành báo, góp báo thành sách" nuôi cậu con trai hai tuổi mồ côi mẹ.

Trong khoảng trên dưới một thập niên sau đó, dường như Sơn đã kịp hoàn chỉnh những nét chân dung của mình trong mắt bạn bè với 5 tập thơ riêng: Tự tình (1989), Đêm giã biệt (1990), Cánh cửa khép hờ (1994), Chuông lá (1999), Phố và em (2002) và 5 tập truyện, thơ khác cho thiếu nhi. Như có sự xếp đặt của duyên phận, tháng 4.2001, Sơn bỏ tạp chí Thanh Niên, về NXB Kim Đồng (Chi nhánh TPHCM) theo lời mời của một người làm sách rất đáng kính trọng là nhà giáo dục Nguyễn Thắng Vu. Sơn về với thế giới tuổi thơ, với những trang sách ngộ nghĩnh, vui nhộn, hồn nhiên, trong sáng mà Sơn là một trong những người đã góp phần như Mèo khóc chuột cười (2006), Con chuồn chuồn đẹp nhất (2010), Hỏi lá hỏi hoa (2016)…

Dấu ấn đậm nét với giới làm sách Sài Gòn là từ ngày Sơn về, NXB Kim Đồng có thêm một Ban biên tập tại Chi nhánh TPHCM, hàng năm tổ chức hàng trăm đầu sách mới thiếu nhi. Sơn chính là người được giám đốc Nguyễn Thắng Vu giao nhiệm vụ tạo dựng Tủ sách Tuổi mới lớn với mục tiêu "giãn biên": mở rộng biên độ lứa tuổi của sách Kim Đồng, bao gồm luôn tuổi mới lớn từ 15 đến 18 với phương châm: khách quan, công bằng, chấp nhận mọi xu hướng sáng tác. Từ tủ sách đó, hàng trăm sáng tác đầu tay của các cây bút trẻ và rất trẻ ở mọi miền đất nước được trình làng, được công chúng lần đầu biết đến.

Vậy chẳng phải định mệnh là gì? Ừ, cứ cho là thế.

Tuy nhiên, những người quen biết, đọc thơ Sơn từ hơn ba chục năm nay đều hiểu, mảng sáng tác mà Sơn tâm huyết nhất là thơ, không phải và không riêng thơ cho thiếu nhi. Lặng lẽ, bền bỉ, gần như vắng bóng trong các bàn tiệc lễ lạt, hội hè, Sơn đã sớm tìm được cho mình một giọng thơ riêng với khá nhiều bài thơ được người yêu thơ và bạn bè nhắc nhớ: Tiếng hát xương rồng, Khóc ông nội, Độc ẩm, Nợ, Viết giữa những hồi chuông điện thoại, Tự họa, Chuông lá...

Một trong những bài thơ hay nhất của anh, theo y và nhiều người bình vẫn là Tiễn em trai đi Hàn Quốc. Câu chuyện xuất xứ của bài thơ này kể ra cũng ngang trái lắm. Ngày xa xưa, những năm tháng chiến tranh, cụ thân sinh của Sơn - một nông dân cày cuốc ở làng Vạn Thọ, xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đi bộ đội. Ngày trở về, ông mang trên mình nhiều vết thương, trong đó có cả vết thương từ khẩu súng của lính đánh thuê Park Chung Hee. Sau hòa bình, em ruột của Sơn - một bộ đội biên giới - xuất ngũ về, chẳng biết làm gì nuôi vợ con, lại phải tìm đường sang đánh Pắc (kiếm sống) ở xứ Pắc (Park Chung Hee).

Thử hỏi có tréo ngoe không?

Lúc ấy, về thủ tục, giấy tờ chẳng có gì phải bàn thêm, đã đầy đủ nhưng lạ thay, muốn đi được, dù là “hợp tác lao động” nhưng thông lệ “đầu tiên” vẫn rạch ròi, lạnh lùng, sòng phẳng: “Phải 30 triệu việc này mới xong”. Thời điểm đó, số tiền đó, dẫu Sơn có nằm mơ đi nữa cũng không thể biết nó mặt tròn mặt dẹt ra sao. Khó lắm. Đành rằng, “quyền huynh thế phụ” nhưng rồi “tiền đâu?” vẫn là câu hỏi không lời đáp. Mọi việc sẽ dẫm chân tại chỗ nếu không có sự tận tình của một người anh, một người lính cùng thời với với anh Văn Lê giúp đỡ: nhà thơ Vũ Duy Chu. Bấy giờ, anh Chu đang công tác tại Công ty Hợp tác nước ngoài của Bộ Giao thông vận tải, đã đứng ra bảo lãnh.

Đêm chia tay, bịn rịn người đi kẻ ở, hai anh em Cao Xuân Sơn đã bày cuộc nhậu ra trò. Lúc đã ngà ngà say, thấy chú em cứ loay hoay ngắm nghía tấm bản đồ tìm xem xứ Hàn là xứ nào, đột nhiên Sơn đứng bật dậy, quơ bút viết luôn những câu thơ vừa vụt ngang trời. Tưởng như chỉ cần với tay, nhón gót là hái được những sáu, tám du dương đang vang vọng loáng thoáng hơi men: “Đừng săm soi nữa bản đồ/ Dẹp đi cả chuyện múi giờ lệch chênh/ Nước Hàn ở phía… mông mênh/ Dĩ nhiên chẳng phải nước mình, vậy thôi/ Hàn là lạnh đấy, em ơi / Nhưng… đâu chả thế - đất trời người ta/ Ngày mai em như Kinh Kha/ Rắp mong một trận này qua khó nghèo”. Câu thơ tự sự. Thủ thỉ. Tâm tình. Một người anh dành cho em. Xúc động lắm.

Do em là bộ đội đã từng cầm súng đánh quân bành trướng ở phía Bắc, vì thế, câu nối tiếp: “Đã mòn chân suối với đèo/ Mấy năm lính, hẳn ít nhiều gió sương/ Liều thêm, ừ, một đoạn đường/ Con thơ, vợ dại, thương suông ích gì?”. Đọng lại trong trí nhớ người đọc: “Liều thêm, ừ, một đoạn đường”. Nghe ra chua chát. Ừ, "liều thêm” vậy, chẳng còn cách nào khác. Những câu thơ cuối khác gì tiếng thở dài: “Áo cơm nặng lắm, đi đi/ Chiếc ba lô cũ thích thì cứ mang/ Dặn em sức vóc là vàng/ Đừng đem vắt kiệt giá băng xứ người/ Rủi may ai biết hở trời/ Đêm nay… anh rót rượu mời Kinh Kha…”.

Hỡi ôi,  lúc ấy, chàng “Kinh Kha” đã nằm say ngất ngưởng, không còn biết trời trăng mây gió gì sất. Bài thơ Tiễn em đi Hàn Quốc in trên tạp chi Văn nghệ quân đội nhân một cuộc thi thơ. Bấy giờ, quan hệ Việt Nam -Hàn Quốc đã mở ra trang sử mới của tình hữu nghị, vì lẽ đó, lúc chấm giải nghe nói nhiều người chần chừ, đắn đo. Chẳng sao cả, có một điều thú vị hơn nhiều, mãi sau này, khi sang đến “Nước Hàn ở phía… mông mênh”, nghe nhiều ngươi đồng cảnh ngộ chép và đọc bài thơ này, cậu em mới hay anh mình đã tặng riêng cho một bài thơ đầy ám ảnh.

Với tôi, một khi chơi với bạn, luôn nghĩ rằng, chiến hữu ấy là người có tài. “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi” (Nguyễn Công Trứ). Này, xin hỏi, bạn bè văn nghệ của y có tài gì? Câu hỏi ấy hóa ra rất thừa, bởi lẽ, dưới gầm trời này, trông ra sáu cõi hỗn mang của trời đất, ai lại không biết Cao Xuân Sơn vốn là tay thơ thứ thiệt? Thơ vận vào người. “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Câu thơ của Hàn Mặc Tử vụt ngang qua trí nhớ khi nhớ đến bạn mình, như một lẽ tự nhiên.

Từ nhiều năm nay, Cao Xuân Sơn vẫn là một người đứng ra ngoài mọi thi phi, náo nhiệt, ồn ào. Thế nhưng, nếu cần, vì bạn bè, anh cũng không kém gì ai nhất là trong nhưng cuộc vui thân tình tràn ngập men say bốc lên óc và những câu thơ lại vọng đến. Lúc ấy, chỉ có thơ. Nếu có ai đó, quan sát lúc các nhà thơ ăn nhậu ồn ào, ắt sẽ kinh ngạc không rõ vì đâu những câu chữ du dương cứ mãi tuôn trào một cách lớp lang, chỉn chu?  

Cao Xuân Sơn cũng thế. Có điều, đáng sợ, đáng nể nhất không rõ đọc từ lúc nào, nhớ từ khi nào mà lúc ấy, Sơn có thể đọc vanh vách các bài thơ theo yêu cầu của bạn bè. Làm sao có thể quên, lúc ngoài trời đang mưa tầm tã. Cao hứng lên, Sơn đọc vanh vách luôn những bài thơ Đường. Tiếng đọc thơ của anh, dù nhỏ nhưng đã khiến thiên hạ đang ồn ào, phải lặng đi, im phăng phắt. Và lắng nghe thơ. Phải nói rằng, Sơn là người có trí nhớ cực tốt.

Hỏi ra mới biết, Sơn là dân học chữ Hán. Đang học năm thứ 3 ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Sơn chuyển vào TP.HCM, học chung với bạn bè mà nay đã có tên tuổi như nhà báo Quốc Kế, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh... Ít ai biết, trước đó, niên luận năm thứ 2, Sơn đã viết Tinh thần phản chiến trong thơ Đỗ Phủ. Thời điểm 1979, quân bành trướng đang tràn qua phía Bắc, tiếng súng vọng đến tận mũi Cà Mau. Sơn đã phê phán sự hiếu chiến, phi nhân ấy bằng chữ nghĩa của chính ông cha chúng. Đó mới là Cao Xuân Sơn. Một ý thức chính trị rõ rệt khi bàn về một thi hào được văn học Trung Quốc xếp vào một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất, bên cạnh Lý Bạch. Lúc ra trường Sơn có niên luận về Giáo học pháp (phương pháp giảng dạy) với số điểm dành cho thủ khoa.

Và Sơn đi dạy học, năm 1982. Thật hay, hay thật, Sơn dạy ở Trường PTTH Ngô Quyền (Biên Hòa) - nơi mà nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã từng học. Mọi việc sẽ chẳng có gì thay đổi, nếu vào một ngày đẹp trời cuối năm 1984, nhà văn “đường rừng” tài hoa Lý Văn Sâm không tình cờ gặp Sơn ở Hội Văn nghệ. Bấy giờ Sơn đã có thơ, truyện ngắn in lai rai trên các báo, trong đó có cả tờ Văn  nghệ Đồng Nai của Hội Văn nghệ Đồng Nai mà tác giả Kòn Trô đang là chủ tịch. Chẳng rõ thế nào ông lại "bỏ nhỏ" vào tai Sơn: "Về Hội đi cháu. Trường Ngô Quyền không có cháu đã có người khác...".

Rồi cuối năm 1991, Sơn về TP.HCM làm việc tại Ban đại diện của Tạp chí Thanh Niên chung với nhà thơ Đinh Đức Thướng. Bấy giờ, người vợ đầu của Sơn ở TP.HCM vừa mất, đứa con trai mới 2 tuổi, Sơn phải đảm nhận vai trò “gà trống nuôi con”. Có chuyện này, kể ra không nhỉ? Ừ, chẳng sao. Ấy là lúc Sơn xin nhập hộ khẩu, cán bộ đòi hỏi phải có người bảo lãnh theo quy định. Ai bảo lãnh bây giờ?

Có lẽ trong toàn bộ hồ sơ xin nhập hộ khẩu tại nước Nam ta, cái đơn của Sơn là quái chiêu, độc đáo nhất. Đơn rằng: “Tôi tên là Khương năm nay 2 tuổi xin được bảo lãnh cho bố tôi là Cao Xuân Sơn về nuôi tôi”. Phía dưới có ký tên bằng cách điềm chỉ ngón tay nữa chứ. “Cái khó ló cái khôn” chăng? Không, là một cách tếu táo, tinh nghịch của một nhà thơ đã từng tự bạch: “Thơ tôi là nước mắt niềm vui tôi, là sắc màu lộng lẫy nỗi buồn tôi. “Người làm sao của chiêm bao làm vậy”, tôi luôn tự nhủ: cái điệu tâm hồn mình thế nào cứ rót lên trang giấy như thế, dối trá biển lận mà làm gì. Thơ hay thì hay với muôn đời, hoặc chỉ hay trong chốc lát - với một người cũng thế thôi”.

Trong trí nhớ ấy, trí nhớ của Cao Xuân Sơn nếu chia nhiều ngăn, chắc chắn luôn có thơ. Tận sâu thẳm tâm hồn của Sơn vẫn là thơ. Chính vì thế, trong phép ứng xử với nhau cũng thơ nốt. Chẳng hạn, vào một chiều trời mưa dầm dề, lúc y đang đặt dấu chấm xuống trang Nhật ký: ‘“Đang buồn””, lập tức một cuộc điện thoại của Sơn gọi đến: “Rượu đỏ nhé?”. Thân tình ấy, khiến cảm động không nguôi. Sơn là vậy. Dù không nhiều lời, ít gặp nhau nhưng Sơn hiểu và hiểu rất rõ về bạn. Bạn đang vui hay buồn. Chỉ đọc loáng qua những gì bạn vừa viết, đã viết là Sơn có thể cảm nhận được ngay.

Thế đấy, ai dám bảo nhà thơ vốn lơ tơ mơ thả tâm hồn bay lên cõi địa đàng với cây đàn lia (lyre), chứ không hề dẫm chân dưới đất?

Từ cây đàn ấy, những bài thơ của Cao Xuân Sơn rung lên những câu thơ nhói lòng: “Nghiêng bình dốc cạn chiêm bao/ Bóng ai trên vách… hao hao bóng mình” (Độc ẩm). Trong thần thoại Hy Lạp, Orpheus phải xuống tận địa phủ đi tìm Eurydice. Sơn cũng đi nhưng anh đi qua tâm hồn của chính anh. Hình bóng xa khuất ấy cũng là bạn của tôi, của Sơn từ những ngày trai trẻ. Vì thế, đọc những câu thơ ấy cứ rưng rưng mãi. Rồi, Sơn lại yêu. Ai cũng thế. Tình yêu lại đến cũng là lúc mở ra những cảm hứng mới cho Thơ và Đời.

Đời lặng lẽ và giản dị như chính Sơn đã cảm nhận: “Nảy tự bùn đen hoa vẫn sen/ Sắc hương lịm tắt cả sang hèn/ Từ đâu duyên khởi, anh nào biết?/Chỉ biết từ em, nắng mới nhen”. Đọc những câu thơ ấy, cám ơn nhà thơ ư? Không, phải cám ơn người phụ nữ đã đem lại cho Sơn cảm xúc trong trẻo ấy. Dù rằng, một mảng thơ của Sơn là thế sự, một mảng khác là thơ dành cho thiếu nhi, nhưng y vẫn thích nhất, nhớ nhất là thơ tình: “Thôi mặc kệ một ngày hay một kiếp/ Chỉ đã kim, hương đã lửa, nước đã bèo/ Mình có nhau, đời thêm nhộn nhịp/ Và bốn mùa yêu dấu cũng về theo”. Nghe nhẹ nhàng, xao xuyến và cứ vang ngân mãi.

Trong móng tay của nhiều nhà thơ đã thành danh tại Sài Gòn, y đồ rằng vẫn còn đó một chút bùn của quê nhà trên đồng cạn dưới đồng sâu, thì Cao Xuân Sơn cũng thế. Sâu thẳm trong anh những ngày nắng hanh khô tại Sài Gòn, muốn uống một chai vang đỏ phải ngồi phòng máy lạnh, ai biết rằng, lúc ấy, giữa ngày xuân xanh phơi phới mà trong lòng thi sĩ đang rét mướt những giọt mưa phùn ở Hà Nam xứ Bắc? “Anh nhắm mắt nghe mưa / đếm từng cơn nghẹt thở” như chính anh đã tự thú.

Có như thế, cuối cùng sự còn lại ở đời sống này là gì, nếu không là thơ? Mà đã vậy thì: “... Thôi thì mình tay cứ nắm lấy tay/ học chim chóc cứ vừa bay vừa hót/ học dòng sông vừa trôi vừa dào dạt/ học bếp than hồng vừa cháy vừa reo... (Nợ - CXS). Phải thế không, bạn mình ơi?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment