À, thì ra thế. Y ồ lên một cách sung sướng.
Trước kia, y chỉ cảm về câu thơ hay nhất trong Tình già - mở đầu cho phong trào Thơ mới, Phan Khôi viết: “Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi!”, nay, đã hiểu thêm rồi. Đọc là học. Tác giả viết những quyển sách ấy, xét theo một nghĩa nào đó, chính là thầy. Y vẫn luôn tâm niệm rạch ròi như vậy. Lần đầu tiên ấn tượng chạy dọc theo sống lưng, nay còn nhớ mãi là lúc đọc An Chi bàn về từ “mày ngài” trong câu thơ tả Từ Hải. Sau khi dẫn thêm câu thơ từ Truyện Trinh Thử: “To đầu vú, cả dái tai/ Dày nơi ngư vĩ, cao nơi ngọa tàm”, ông viết: “Nếu đối dịch từng tiếng một thì ngư vĩ sẽ là “đuôi cá”. Nhưng đây cũng là một lối nói của tướng thuật mà Từ nguyên giảng như sau: “Nhà tướng thuật gọi nếp nhăn ở khóe mắt là ngư vĩ”. Vậy, “Con mắt có đuôi” trong thơ Phan Khôi, đích thị là “đuôi cá” đấy.
Có những quyển sách, lúc đặt trên kệ, không nên xa tầm tay. Bởi cần đọc để tra cứu nhiều lần. Lúc cần có ngay. Khỏi mất công tìm kiếm. Sách của nhà nghiên cứu An Chi, y xếp vào hạng sách ấy. Mà An Chi là ai? Hãy nghe ông Tự vịnh (2017): “Tám mươi hai tuổi vẫn chưa già/ Nhờ mê đọc sách với chơi hoa/ Ưu thời mẫn thế lòng day dứt/ Ái quốc lân quần dạ xót xa/ Vùi trong ngôn ngữ quên ngày tháng/ Bơi giữa trần ai nhớ mẹ cha/ Mặc phường nuôi lợn xây sơn thự/ Ta thà đọc sách với chơi hoa”. Xin lưu ý, hoa đây chỉ hoa, chứ không phải hoa đã xuất hiện trong một câu thơ Kiều từng gây tranh cãi.
Nhắc lại một chút để thấy, ở tập sách mới nhất của ông: Chữ nghĩa Truyện Kiều (NXB Tổng Hợp TP.HCM) cực kỳ đáng đọc. Lâu nay đã có nhiều văn bản Kiều và nhiều học giả đã giải thích, chú giải thế nhưng với An Chi, qua cách lý giải thấu đáo, uyên bác, ông đã “lật ngược vấn đề” một cách ngoạn mục và rất bất ngờ. Ông đã có cái nhìn khác các học giả tiền bối tầm cỡ như các cụ Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ…; các ông Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Huệ Chi, Vũ Văn Kính… mà khó ai bắt bẽ.
Khi đọc cây thơ “Nhờ mê đọc sách với chơi hoa”, y tủm tỉm cười khi nhớ ông luận về câu thơ lúc Thúc Sinh trố mắt nhìn Kiều: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà”. Lúc ấy, ngăn cách tầm nhìn còn có: “Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa”. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều chọn “tẩm hoa”. An Chi lại khác. Ông chọn “tắm hoa” và lập luận: “Đây là Thúy Kiều tắm. Tắm hoa - hoa là ẩn dụ để chỉ Kiều - chứ không phải “tẩm hoa” như nhiều bản đã phiên. Đây đâu là phải chuyện “bức trướng hồng tẩm hoa”. Đây là Thúy Kiều tắm. Có tí ti sexy đấy! Nếu chẳng phải như thế thì làm sao có được bức họa khỏa thân: “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Nghe ra chí lý thay.
Lại thêm một thí dụ khác.“Tư gia nghỉ cũng thường thường bậc trung”. Cứ như các học giả lừng danh xưa nay, đều cho rằng, thi hào Nguyễn Du sử dụng từ “nghỉ” theo thổ ngữ của người Hà Tĩnh, nhằm chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ 3, có ý rẻ rúng, xem thường. An Chi lại không nghĩ thế. Ông đi ngược thời gian, đi tìm văn bản xưa cũ để chứng minh rằng, “nghỉ”, vốn từ cổ và thuộc ngôn ngữ toàn dân. Chứng cứ, ông đưa ra: “Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (Roma, 1651) lấy tiếng Đàng Ngoài làm nền tảng đã ghi nhận nói: “Nghỉ: Người ấy, kiểu nói rất lịch sự”. Chưa hết, ông còn cho biết trong Thiên Nam ngữ lục, nó đã được dùng đến 25 lần. Phải chịu là An Chi tinh tế, có “con mắt xanh” dành cho kiệt tác Truyện Kiều.
Dăm ba thí dụ này cho thấy rằng, một khi đã khảo sát từ, tranh luận về học thuật, An Chi luôn cẩn trọng và chu đáo. Chính vì lẽ đó, một khi đã đưa ra kết luận thì người đối thoại phải “tâm phục khẩu phục”, nếu vẫn “cãi chày cãi cối”, ông lại tiếp tục tranh luận tới cùng. Ông thuộc một mẫu người luôn tâm niệm: “Người ta chỉ nên tranh luận với nhau một cách thẳng thắn, thậm chí có khi gay gắt nữa, để tiếp cận với chân lý, chứ người làm học thuật chân chính ai lại chờ chực cơ hội để hạ bệ người khác bao giờ”.
Mà sự truy về gốc của ngữ nghĩa, chữ/từ ở An Chi là cả một sự cẩn trọng, chỉn chu. Trong bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa, 3 tập (NXB Tổng Hợp TP.HCM), khi ông bàn về chợ búa, heo cúi, con nghêu, con ngao, hát nghêu ngao, hổ lốn, xào bần, tả pín lù, mèo hóa cáo, gà hóa cuốc, lai lịch ông Ba Bị, hóc, hóc búa v.v., ta phải thừa nhận rằng, cái sự đọc và tra cứu của ông rất khiếp. Tầm uyên bác ấy, khi đọc, ta vỡ lẽ ra nhiều chuyện mà trước đây chưa hiểu rõ hoặc đã hiểu không đúng.
Không chỉ có thế, nếu chỉ thuần từ ngữ, chữ nghĩa nặng nề về chuyên môn thì bạn đọc trình độ “thường thường bậc trung” (như y đây) làm sao có thể tiếp thu? Thế thì, điều đáng quý ở An Chi, theo y còn ở chỗ trực giác của một người say mê, nặng tình với tiếng mẹ đẻ mà có. Muốn được như thế, người viết còn phải am hiểu cả về dân tộc tính, phong tục, tập quán, v. v., của người Việt nữa, nếu không ắt ông không thể truy nguyên, tìm về những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ bị phổ biến qua những dị bản khó hiểu, thậm chí vô nghĩa. Chẳng hạn, lâu nay, ai cũng nhớ rành rành: “Một mai thiếp có xa chàng/ Ðôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin”. Liệu chừng có đúng với văn bản ca dao từ ngàn xưa ông bà mình đã để lại? Phải là “Ðôi bông thiếp trả, con chàng thiếp xin”.
Sau khi phân tích về “tam cương”, “tam tòng” của lễ giáo phong kiến, An Chi lập luận: “Người phụ nữ bị cái cương thứ ba và ba cái tòng trói chặt và nói chung thì họ cam phận vì có như vậy thì mới chính chuyên. Mình mang nặng đẻ đau nhưng trên danh nghĩa thì con là con của chồng. Vì vậy nên nàng mới xin. Chi tiết này khiến ta cảm động vì tình mẫu tử thiêng liêng. Mà đứa con thực ra cũng còn là một phần hình ảnh - và cả huyết thống – của người chồng cho nên, với con mình, nàng vẫn còn được gần chàng về mặt tinh thần. Hai câu ca dao đậm màu sắc trữ tình này mang tính nhân văn sâu sắc. Đem hai cái vòng vàng vào mà truất chỗ của đứa con, người ta đã làm cho câu ca dao trở nên thô thiển và biến người thiếu phụ đáng thương, đáng mến thành một mụ đàn bà tham lam”.
Ấy cũng là một trong những cái thú đọc sách khảo cứu, biên khảo của An Chi. Y vẫn còn thích, thích nhất ở sự thẳng thắn, rạch ròi, minh bạch của ông. Phẩm chất ấy rất đáng quý, cần tôn trọng trong mọi cuộc tranh luận, có như thế mới thúc đẩy sự tiến bộ của học thuật. Mẫu người ấy, ngày càng hiếm, bởi sự uốn éo, nói vuốt đuôi, nói ngoài học thuật ngày càng phổ biến.
Có lần, ông bảo: “Tôi luôn chủ trương phải tra cứu đến đầu đến đũa để điểm được đúng đích. Mà khi tự mình thấy đã đạt được đến điểm đích rồi thì An Chi không “ngại lời” trước bất cứ tên tuổi lớn nào”. Do cách nói thẳng thừng ấy, “thẳng mực tàu đau lòng gỗ” nên không ít nguời đâm ra oán, ghét. Một trong những chiêu trò, họ nêu ra, vin làm cái cớ phản bác là An Chi không có học hàm, học vị sáng giá thì sao lại dám đụng đến những “cây đa cây đề”? Họ cố tình quên rằng, không dưới một lần khi bàn về Câu chữ Truyện Kiều, lúc tranh luận với học giả Đào Duy Anh, An Chi cho biết dẫu bàn một chữ, kể cả “bàn về nhiều chữ của ông cũng không mảy may làm lu mờ được tên tuổi của ông trong tòa lâu đài đó. Tuy nhiên đấy chỉ mới là nói đi. Còn nói lại, thì dù Đào Duy Anh có là nhà văn hóa lớn đến mấy, ông cũng không phải là một thần tượng bất khả xâm phạm”.
Thiết tưởng, các học giả chân chính bao giờ cũng đồng tình với tâm niệm này. Hơn nữa, một khi tranh luận học thuật mà người đó đã khuất, nếu An Chi viết sai thì liệu có yên với dư luận? Nói như thế, để thấy rằng sự tranh luận về chữ nghĩa bao giờ cũng cần thiết, bởi người đọc đương thời được tiếp nhận với thông tin chính xác do An Chi đã dày công cải chính. Và lúc tranh luận với người còn sống sờ sờ ra đó, đã là học giả thứ thiệt, chẳng một ai vì đuối lý mà đâm ra “không nhìn mặt nhau”.
Lúc đọc quyển Những tiếng trống qua các nhà sấm (NXB Tổng Hợp TP.HCM), y thích thú biết thêm chi tiết sau những tranh luận về đôi từ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: quốc quốc/cuốc cuốc/ nước nước; da da/ đa đa /gia gia?, “nhà Kiều học” Nguyễn Quảng Tuân nhắn nhủ: “Lẽ nào vì chữ “gia gia”/ Mà ông quên cả bạn già tình xưa”. An Chi trả lời: “Không đâu, tôi không hề quên đâu, bác Tuân. Tôi chỉ thẳng thắn trong học thuật mà thôi. Nếu gặp bác, tôi vẫn tay bắt mặt mừng như xưa. Tôi vẫn chờ bác điện thoại đến hỏi vợ tôi: “Sao, ông ấy đang làm gì đấy? Ông ấy đã dậy chưa?”. Tôi vẫn chờ điện thoại của bác đấy”. Chi tiết thân mật này khiến tôi nhớ đến một lớp học giả thời trước, lúc các cụ, các ông Trần Trọng Kim - Phan Khôi, Hồ Hữu Tường - Nguyễn Văn Xuân đã tranh luận về Nho học, về nghệ thuật đánh trống thúc quân; rồi lại nhớ đến Những bức thư đầm ấm trao đổi giữa các ông Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê…
Mà An Chi cũng “không phải dạng vừa đâu”, nếu tranh luận với những ai cố tình dùng ngôn từ thô tục, mạt sát, biếm nhẽ một cách chợ búa thì ông chẳng ngần ngại gì mà không trả lời thích đáng. Rằng, có người vì đuối lý mà vu lên, đại khái sự giải thích của An Chi “kết quả của cách suy luận vỉa hè và óc tưởng tượng phong phú”, ông lại tiếp tục tranh luận rồi “chốt hạ”: “Ai vỉa hè, ai chính thống, trong trần ai ai dễ biết ai”; hoặc: “Điều này chẳng gì lạ, vì từ cổ làm sao dễ hiểu cho được, nhất là khi nó được bàn dưới góc độ của từ nguyên học! Huống chi, nếu có muốn hiểu thì cũng phải thông minh một chút”. Cách nói “toạc móng heo” ấy xác đáng lắm, bởi vì rằng không ít người núp dưới một cái tên khác, không dám lộ mặt; hoặc chỉ là cha căng chú kiết vẩn vơ nào đó lại quyết cãi trối chết với An Chi hòng mong “ăn theo” sự nổi tiếng của ông.
So với nhiều người, An Chi xuất hiện muộn, lúc ngoài ngũ thập, đến năm 1990 ông mới bắt đầu viết và cộng tác với Kiến thức ngày nay, rồi “đứng tên” chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của tạp chí từ gần cuối năm 1992 cho đến 2008. Và lập tức, đã nhận được sự ái mộ. Nay với bộ sách cùng tên, ông đã xuất bản 6 tập cả hàng ngàn trang in. Bấy giờ, bậc học giả Cao Xuân Hạo đã tuyên dương: “Nhiều bài giải đáp của An Chi làm cho người đọc thấy hé mở ra những luận điểm khoa học quan trọng và thú vị”; “Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao”.
Đến nay, có thể quả quyết, sự xuất hiện của An Chi trên trường văn trận bút vẫn còn khiến nhiều người kinh ngạc, khó có thể “giải mã” về kiến văn của ông. Không hề giấu giếm, An Chi từng cho biết, từ thuở nhỏ, ông được học tiếng Pháp, sau đó lúc vào trường Tây Chasseloup-Laubat (nay là địa điểm của trường PTTH Lê Quý Đôn), ngoài tiếng Anh là sinh ngữ bắt buộc, ông còn chọn thêm tiếng Tây Ban Nha là sinh ngữ thứ hai. Trước đó nữa, thời Nam bộ kháng chiến (9-1945), từ quê nhà ở xã Binh Hòa, Gia Định (nay thuộc TP. HCM), ông được gia đình cho ra Chợ Lớn học ở trường Tàu Tam Dân học hiệu, với tên Tàu là Han Ri Chou. Rồi ông vào học Lycée Franco-Chinois vừa học tiếng Tàu, vừa học tiếng Tây. Nhưng đáng nể nhất ở An Chi vẫn chính là tinh thần tự học mà ông khiêm tốn “học thêm theo kiểu du kích”, và bộc bạch: “Còn những thứ khác như La Tinh, Hy Lạp, Sanskrit, v.v… không từng đươc học “chính quy” trong nhà trường, thì hiển nhiên cũng chỉ là do tự học nên trình độ chắc chắc cũng chỉ ở mức… đựng trong một cái lá tre mà thôi”.
Vậy, “giải mã” An Chi thế nào đây? Có phải “Nhờ mê đọc sách với chơi hoa” hay cơ duyên nào khác? Y nghĩ rằng, trong cuộc giao lưu tại Đường sách do NXB Tổng Hợp TP.HCM tổ chức vào ngày 14.10.2017 tới đây, nhân một loạt sách mới của An Chi vừa xuất bản, bạn đọc sẽ được nghe ông trả lời câu hỏi thú vị này.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|