Về Đà Nẵng. Thành phố của năm tháng tuổi thơ. Chỉ ở đó 18 năm. Nhưng rồi, nơi chôn nhau cắt rốn mãi mãi bến bờ níu giữ. Đi xa là nhớ. Quay về là trở về với ngày tháng ê a tập đọc, là tháng ngày còn có đầy đủ ba mẹ, anh chị em trong bữa ăn gia đình, là gì nữa? Thỉnh thoảng lại nhớ đến bài học thuộc lòng đã học hồi lớp Ba tại Trường Nam Tiểu học: “Nhà tôi trong cảnh nghèo nàn/ Nên em tôi học muộn màng tôi thương/ Chiều nay tiếng trống bãi trường/ Em tôi về với vội vàng vui vui/ Mâm cơm tôi đã dọn rồi/ Em tôi ngồi sát bên tôi mỉm cười/ Êm đềm thỏ thẻ vào tai:/ “Tháng rồi em đứng thứ hai chị à!”/ Mâm cơm, dĩa mắm, tô cà/ Cũng như mọi bữa sao mà ngon ghê”.
Năm tháng trôi qua cái vèo.
Bà chị trong bài học thuộc đó, nếu là chị của y thì đã mất rồi, lúc 0 giờ ngày 9.11.2012. Nghĩ đến tận cùng, chết cũng là một sự giải thoát. Từ nhiều năm chị y phải chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Một cuộc chạy đua với thần chết rất quyết liệt. Những người bệnh cùng thời với chị, đã hai mươi năm trước, tất thẩy đều bỏ cuộc. Và cũng đến phiên chị. Một nẻo về cuối cùng rồi ai cũng chạm đến. Như một lẽ tất nhiên. Không thể chối từ. Không thể thoái thác.
Rồi mới đây thôi, lúc 19g46 ngày 14.8.2017, anh ruột của y cũng “bỏ cuộc chơi”. Từ nay, vĩnh viễn một phần máu thịt của y đã mất. Quay trở về Đà Nẵng, có một đêm nằm ngủ trước hiên nhà. Tiếng kinh cầu ngân vang. Nhang khói dìu dịu. Nằm dài dưới đất. Ngước mắt nhìn lên vòm cây xanh, Đêm đã khuya. Đường phố yên tĩnh. Tự dưng lại nghĩ rằng, lúc nằm dưới lòng đất, người anh của mình có suy nghĩ gì không?
Trước đây đã có hai nhà thơ nghĩ về khoảnh khắc ấy, dành cho chính mình, đó là Hồ Dzếnh và Huy Cận.
"Ngậm ngùi nhớ trắng rừng mai/ Cảm thương sông nước, ghi bài điếu tang/ Ngựa gầy bóng gió mênh mang/ Cờ đen lối cũ, cây vàng nẻo xa...”. Hồ Dzếnh nghĩ về một hình ảnh bàng bạc Đường thi. Rười rượi nỗi niềm xa vắng. Những sắc màu vàng, trắng và đen nhập nhoạng lẫn trong từng câu thơ. Gợn lên âm sắc nao lòng. Và Huy Cận: “Nằm im dưới gốc cây tơ/ Nhìn xuân trải lụa muôn tờ lá non/ Gió se dòng mộng tuôn giòn/ Đem theo hương vị đời ngon ngàn đời”. Một tình cảm chan chứa niềm yêu đời. Da diết. Rạo rực.
Những quan sát này thổn thức người đọc, bởi giây phút ấy làm sao ai có thể sẽ dự đoán trước? Bởi lúc chạm đến khoảng khắc ấy - khoảnh khắc hồn vừa lìa khỏi xac, làm gì có ai ghi nhận lại. Âu cũng là sự thăng hoa của trí tưởng tượng.
Còn y đêm hôm ấy, nằm dài dưới đất và nghĩ về anh mình - một người vừa mất. Lúc chương trình Mô tô học bổng do nhà văn Nguyễn Đông Thức- Đoàn Thạch Biền khởi xướng, anh của y cũng đã nhiệt tình góp công chung tay với nhiều thành viên khác. Trên trang Facebook cá nhân, nhà văn Nguyễn Đông Thức ghi nhận: “ Lê Minh Tâm là người tấm lòng vàng, vô cùng tích cực với công việc thiện nguyện; anh đi làm từ thiện khắp nơi, biết ở đâu trong Quảng Nam - Đà Nẵng có người nghèo là quyết tâm đến giúp. Anh đã mấy lần đóng góp cho Mô tô học bổng, đi cùng Mô tô học bổng mấy chuyến , kể cả ra tận Na ư, Điện Biên cũng chống gậy đi…”. Tinh thần tương thân tương trợ, chia sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của anh đã được nhiều người tin cậy, yêu mến và thán phục.
Dù khi biết mình mang bệnh nặng, nhưng tinh thần “mình vì mọi người” vẫn không vơi đi. Đúng như nhà văn Nguyễn Đông Thức đã nhận xét: “Tôi quen khá nhiều người bị bệnh ung thư, nhưng chưa thấy ai sống lạc quan, mạnh mẽ như Tâm. Đi cho tới khi không đi được nữa. Đi như biết mình không còn mấy thời gian để đi…”. Bây giờ không còn đi nữa. Mãi mãi, “Nằm đây, tưởng chuyện ngàn sau/ Lung linh nến cháy hai đầu áo quan” (Hồ Dzếnh) thì anh đang nghĩ gì?
Có thể nghĩ rằng, “Bốn bề chật chội cũng vừa/ Ấm êm mát lạnh ngàn xưa vọng về”. Nằm với đất, lẫn trong đất, ai lại không có cảm giác “mát lạnh” ấy? Và nhìn lên, thấy gì? “Nhìn lên bóng mát trên tê/ Lá xanh nõn lá, hái về làm sao?/ Nhìn lên mây trắng trên cao/ Vói tay muốn hái, làm sao thế này?”. Hai câu hỏi đã đặt ra trong sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên nhằm trả lời câu hỏi lần thứ nhất (cũng là cuối cùng) trong đời là không thể lý giải được tại sao: “Vẫn ta nguyên vẹn hình hài” nhưng rồi không thể hái lá trên cây, hái chùm mây trắng? Bất lực: “Thế sao thế nọ, thế này, thế kia?”.
Câu hỏi ấy, Ai có thể trả lời nổi, ngoài Tử thần?
Cuối cùng, đành phải tự nhủ: “Thôi thì trừ, cộng, nhân, chia/ Bằng lòng giây phút chia lìa trần gian”. Để rồi lại tiếp tục nhìn lên. Và lần này đã khác trước. Không còn là câu hỏi nữa. Mà một sự cảm nhận rất thật, có thật: “Nhìn lên tươi tốt nắng vàng/ Tơ xanh trần thế dịu dàng cõi âm”. Nghĩa là biết mình đã không còn tồn tại cõi trần mà đang hiện hữu, quay về với cõi Nhạc sầu: “Không gian ôi, xin hẹp bớt mông mênh/ Ảo não quá trời buổi chiều vĩnh biệt/ Và ngươi nữa, tiếng gió buồn thê thiết/ Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn” (Huy Cận). Đến cõi đó. Chấp nhận lấy nó. Như một sự mãn nguyện. Hài lòng. Không còn nuối tiếc gì nữa. Cái đã đến, không thể chối từ, chi bằng hãy mỉm cười và chấp nhận lấy nó. Lúc ấy, nhẹ nhàng làm sao: “Kinh cầu dìu dịu vang ngân/ Sen hồng, huệ trắng bần thần tiễn nhau…”.
Tiễn đưa của một kiếp người. Ai cũng về “cuối bến tình yêu”. Một hẹn hò đã dự báo từ khi con người ta cất tiếng oa oa chào đời.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|