LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.9.2017

cung-voi-me-ngayCùng với mẹ ngày 31.8.2017 tại Sài Sòn



Thế là mẹ đã về quê. Có lẽ là lần cuối cùng mẹ ở chung nhà với y.  Mãi mãi không bao giờ còn nghe câu nói trìu mến từ dưới sân nhà vọng lên: “Con ăn gì, mẹ nấu?”. Mãi mãi không bao giờ gặp lại hình ảnh, mỗi sáng dắt xa ra khỏi nhà, lại nghe: “Trưa về, con ăn gì mẹ nấu?”. Tình cảm của người mẹ, nhất là lúc đã già lại thường nghĩ đến món ăn dành cho con. Thời bé, “Con ăn nhanh, ăn nhiều, mẹ thương”. Lúc gần đất xa trời, suy nghĩ ấy cũng không thay đổi. “Ăn vóc học hay”. Ăn cho nên vóc nên dáng, khỏe mạnh; học cho hay, cho giỏi. Người mẹ nào cũng nghĩ về con như vậy thôi.

Chừng mươi năm trước, lần đầu tiên du lịch Thái Lan, lúc quay về nhà, mẹ đã về Đà Nẵng. Cảm giác thế nào? “Lang thang sang Thái Lan/ Trở về không gặp mẹ/ Căn nhà rộng gấp hai/ Con hóa thành đứa trẻ/ Đây giường nằm của mẹ/ Sợi tóc bạc vẫn còn/ Bảy mươi còn xuôi ngược/ Cũng vì cháu với con/ Chập choạng bóng hoàng hôn/ Bếp lửa giờ tắt ngúm/ Buổi sáng nắng mai lên/ Con mải mê ngủ nướng/ Không được nghe từng tiếng/ Gọi con dậy đi làm/ Bốn mươi còn làm biếng/ Mẹ không lời than van/ Lang thang sang Thái Lan/ Mơ về nhà gặp mẹ/ Bây giờ chỉ mình con/ Bơ vơ như đứa trẻ”. Bài thơ viết lúc “tứ thập”, nay ngoài năm mươi với hình hài đã là những sợi tóc bạc trắng mà nào nên cơm cháo gì đâu. Vẫn “Bơ vơ như đứa trẻ” thì rõ ràng ông trời chơi khăm quá. Mà đổ lỗi cho ông trời làm cái gì, sao không tự nhủ: “Lỗi tại tôi”, có phải chính xác hơn không?

Đã trải qua những ngày phải tính toán, cân nhắc từng chút một. Rằng, làm sao đưa mẹ lên máy bay để về quê? Khó quá đi thôi. Lúc ấy, vừa đám tang ông anh, mẹ lại nằm bệnh viện với sức khỏe đang từng ngày tụt dốc. Ngoài 90 rồi còn gì? Cuộc chạy đua từng giờ. Nếu phải về bằng xe đò, tàu lửa, nào khác gì một chuyến hành xác cả hàng chục tiếng đồng hồ với đường dài hàng ngàn cây số? Có nỡ đành lòng không? Ấy là chưa kể, nếu chẳng may mẹ Về trời lúc trên dọc đường đi thì bất hạnh biết dường nào? Đã ngưng hơi tắt thở, trong quan niệm của người Việt phải là nằm xuôi tay nhắm mắt trong căn nhà của mình. Không thể có một lựa chọn nào khác, nếu có sự lựa chọn cuối cùng. 

Ơn trời, mọi việc đều suông sẻ.

Thật lạ, với đấng sinh thành, dù nằm bệnh, dù hơi tàn lực kiệt, thở không ra hơi, nói ra tiếng, từng ngày, từng ngày chỉ nằm một chỗ nhưng lại là điểm tựa tinh thần cho của gia đình. “Đêm đêm thắp ngọn sao trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con” là nằm trong ý nghĩa nhân văn đó. Mẹ sống từng ngày phải thuốc thang, cơm bưng nước rót nhưng lại là niềm an ủi lớn lao nhất mà con người ta còn có thể nhận ra được dưới gầm trời này.

Một khi mất cha/mẹ là lúc con người ta mới thật sự chia lìa vĩnh viễn với cội nguồn của sự hình thành, tạo dựng nên thân xác, hình hài của chính họ. Sự ràng buộc căn bản nhất, then chốt nhất đã không còn, dù rằng có anh có em, cô dì chú bác nhưng cũng chỉ là yếu tố cần chứ chưa phải là đủ. Bấy giờ, con người ta chính thức lẻ loi, đơn độc trong cõi hỗn mang của trời đất, của vũ trụ, của cõi nhân sinh này. Mãi mãi, không bao giờ họ còn được sống trong cảm giác: “Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân/ mấy kẻ đi qua/ mấy người dừng lại?/ sao mẹ già ở cách xa đến vậy/ trái tim âu lo đã giục giã đi tìm” (Đỗ Trung Quân). Ấy là sự linh cảm của tình mẫu tử mà không một sự huyền bí nào có thể sánh nổi. Đơn giản chỉ vì rằng, tình cảm mẹ dành cho con là một lẽ tự nhiên. Sự tự nhiên ấy, làm sao có thể lý giải nếu điểm xuất phát không là tình máu mủ từ ruột thịt do chính người mẹ sinh ra?

Một bài viết cũ, viết đã lâu. Đọc lại vẫn bùi ngùi. Đã viết trong những ngày mẹ phải nhập viện. Viết rằng:

“Một mẹ già bằng ba lần giậu”.

Đến một lúc nào đó, một hoàn cảnh nào đó, con người ta mới thấm thía câu thành ngữ này. Có đôi lúc, trong cuộc sống bề bộn, bận rộn của mỗi ngày, ở chung với mẹ, ta cảm thấy “xốn mắt” lắm. Làm sao có thể chìu được người già? Khoảng cách giữa hai thế hệ là một vực thẳm. Cả hai khó có thể hiểu, chia sẻ những mối quan tâm chung. Đứa con bước ra khỏi nhà, tự trong lòng đã gánh lấy một áp lực từ công việc, từ mối quan hệ ngoài xã hội; trong khi đó với người mẹ lại khác, chỉ là những chuyện vặt vãnh, bếp núc. Có cũng được, không cũng chẳng sao, nếu cần, thuê lấy Osin là xong tất. Chẳng gì phải bận tâm.

Nghĩ là nghĩ thế. Nhưng rồi, lúc mẹ nhập viện, ở nhà thui thủi một mình/với vợ con mới ngộ ra rằng, phải là mẹ, có mẹ thì mọi việc mới chu toàn đâu ra đó. Thích nhất trong đời của nhiều người, với nhiều người có lẽ vẫn là câu nói: “Con ăn gì mẹ nấu cho”. Một sự tự nguyện, tự giác mách bảo từ tình mẫu từ, chỉ biết rằng hễ con ưng ý, hài lòng là vui.  

Niềm vui của người mẹ già đơn giản lắm. Chỉ cần con ăn ngon, ngủ ngon, không bệnh tật là vui. Niềm vui ấy, đã có, ngay từ lúc đứa con vừa lọt lòng cất tiếng khóc oe oe và thầm lặng suốt một đời. Chẳng người mẹ nào kể công đã nuôi con cực nhọc như thế nào, nếu nhắc lại cũng chỉ kể về niềm vui. Vui gì? Vui, lúc con bập bẹ tiếng nói đầu tiên gọi ba, gọi mẹ. Vui, lúc còn son trẻ, mỗi lần đi chợ về, con ùa ra níu áo: “Mẹ ơi, quà con đâu?”. Thế rồi, khi đã đủ lông đủ cánh, đủ sức bay nhảy giữa trời cao đất rộng, có lúc nào ta nhớ đến món quà, tấm bánh dành cho mẹ? Hay có nhớ, nhưng rồi bận rộn quá, tặc lưỡi: “Dịp khác”.

Dịp khác ấy, bao giờ mới đến?

Ở trong nhà, vai trò của mẹ mờ nhạt lắm. Thế nhưng, khi không có mẹ mới thấy trống trải biết chừng nào. Thì ra, lâu nay nhà cửa gọn gàng, bếp núc đâu ra đó; cái bàn, cái ghế sạch sẽ không một hạt bụi; mọi vật dụng sắp xếp ngăn nắp, nề nếp… chẳng phải tự nhiên mà có. Một tay mẹ quán xuyến tất cả. Muốn tìm cái gì, hỏi cái gì, có khi chưa kịp hỏi, quyển “từ điển mẹ”. đã lặng lẽ trả lời. Một ánh sáng lặng lẽ phía sau lưng, khiến ta thấy cuộc sống của mỗi ngày ổn định, hài lòng.

Mà than ôi, người mẹ chẳng hề đòi hỏi gì cho riêng mình. Ngày nọ, y hào hứng ngồi vẽ. Tràn trề sắc màu hò reo nhảy múa. Bỗng nghe tiếng nói chậm rãi của mẹ, từ phía sau lưng: “Từ 11 giờ đến chừ, mẹ cảm sốt, không ngủ được”. Giọng nói ấy không hề than thở buồn rầu, nghe như bà cụ đang thủ thỉ, đang “méc” lại một chuyện oan ức gì đó. Cứ như thể thời còn bé bị ai đó bắt nạt; hoặc ấm ức điều gì chỉ đợi mẹ, chờ ba về đến nhà để “méc” cho bằng được. Già rồi, chỉ dựa vào con. Y vội trấn an: “Xoàng thôi. Mưa nắng thất thường, ai mà không cảm sốt. Không sao đâu”. Bà cụ im lặng. Không dám nói gì thêm, không “mè nheo” nữa. Mãi đến lúc vẽ xong tranh, y mới buột miệng một câu hú họa làm ra vẻ như đang an ủi: “Hay con đưa mẹ đi khám bệnh?”. Bà cụ mừng rỡ, gật đầu ngay, chứng tỏ nẫy giờ muốn nói nhưng không dám thổ lộ. Đưa mẹ đi khám bệnh. Và bác sĩ… cho nhập viện luôn.

Thế đấy, đôi khi chúng ta vô tâm vô tư, vô ý vô tứ quá thể.

Mỗi lần vào bệnh viện thăm, bao giờ bà cụ cũng hỏi: “Con ăn gì chưa?”. Rồi lại nói: “Chịu khó vài ngày, ít bữa nữa về nhà, mẹ nấu cho”. Hỡi ôi, y chẳng ra làm sao cả. Ở với mẹ nhưng rồi có hiểu gì về mẹ, có bao giờ trò chuyện gì không? Chỉ năm thì mười họa. Chỉ là những câu hỏi nhát gừng. Hỏi bâng quơ rồi đắm đuối với những hư ảo, mộng mị xa vời. Vẫn đong đưa theo những cuộc chơi phù phiếm mơ mơ màng màng chẳng nên tích sự gì: “Ta cầm hương hoa vung vãi khắp nơi/ cho mối tình đầu, tình sau, tình cuối/ thì lúc ấy mẹ ngồi trong bóng tối/ tựa cửa một mình chống chọi với mùa đông”.

Đến một lúc nào đó, một hoàn cảnh nào đó, con người ta mới thấm thía câu thành ngữ: “Một mẹ già bằng ba lần giậu”. Chẳng phải đâu, hãy ngay tự bây giờ, mỗi một ngày, cần dành lấy một khoảnh khắc nghĩ về mẹ. Nghĩ về những ngày còn có mẹ, chỉ cần thế, sẽ cảm nhận được biết bao điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời này”.

Bây giờ, đã là lúc nghĩ đến giây phút vĩnh viễn không còn gặp mẹ.

Ngày đó, sẽ đến. Từng ngày đi qua là từng ngày đưa mẹ về với cõi hư không ấy. Phải biết trước, nhận thức trước, chấp nhận trước để không gì bất ngờ, ngỡ ngàng. Biết để chu toàn hơn. Biết để lo lắng chu đáo hơn. Để biết rằng, không bao giờ còn có dịp: “bất chợt ta nhìn hai hố mắt mẹ sâu/ đã thấy sự lo toan, buồn phiền, mệt mỏi/ mẹ chỉ âm thầm và suốt đời lặng lẽ/ gương mặt đăm chiêu ngay thảnh thơi nằm”. Câu thơ ấy, viết vào lúc nào? Y không nhớ nữa. Sẽ không còn là sự đánh thức trách nhiệm một khi đã sa đà, ngao du phù phiếm dẫu là lúc đang trên đỉnh trời của cõi địa đàng du hí...Lúc ấy, “Chẳng có gì níu kéo anh rời khỏi cơn mê” nhưng rồi lại giật mình, sực nhớ đến một điểm dừng: “Ngoài một điều duy nhất/ Mẹ/ Vâng, mẹ tựa cửa mẹ hiền lành mẹ nhẫn nại như đất/ Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất...”.

Sẽ mãi mãi không bao giờ còn được sống trong tâm cảnh kỳ diệu nhất của tình mẫu tử: “những miếng ngon vật lạ trên đời/ con đã nếm chân trời góc biển/ vẫn không ngon hơn một củ khoai lùi/ mẹ bóc vỏ mớm cho con ngày thơ ấu/ những miếng ăn từ bàn tay mẹ nấu/ còn có cả tấm lòng/ cả gió rét mùa đông/ mẹ tất tả giật gấu vá vai kiếm từng xu ngoài chợ/ một đồng lãi gánh mười đồng nợ/ ăn mắm mút dòi/ dè sẻn chắt chiu/ ngay cả lúc cơm sôi/ còn có cả giọt mồ hôi/ của mẹ/ ngay cả khói chiều/ bếp lửa reo cũng ấm êm hạnh phúc/ làm sao có thể quên?/ sống để dạ chết mang theo/ làm sao có thể quên một điều giản dị:/ “thượng đế nhân từ không có mặt ở khắp mọi nơi/ ngài đã sinh ra các bà mẹ”/ mẹ là hiện thân của từng giọt lệ/ đã vì con mà khóc/ vui cũng khóc/ buồn phiền cũng khóc/ đã vì con gạt đi nước mắt/ lao ra giông tố cuộc đời/ xòe cánh tay mỏng manh như nắng lụa/ chở che con bóng mát dưới vòm trời/ may mắn cho ai còn có mẹ”. 

Ngày không còn ấy, mãi mãi không còn. Sẽ đến.

Có những cuộc chia tay, biệt ly đằm đìa nước mắt, nhưng cũng có thể đó là ngày hội. “Trẻ làm ma, già làm hội”. Khi đã ngoài 90 được trở về với Đất, trở về với Cát bụi há chẳng phải là ngày hội đó sao? Đã không thể nào giữ lại được, phải chấp nhận lấy cuộc chia ly ấy. Một lẽ sinh tồn trong trời đất. Không thể nào khác. Ngày ấy, hãy tự nhủ với lòng mình, hãy lắng nghe tiếng nói thầm vọng lên rất khẽ, rất khẽ như sự cựa mình của một hạt mầm vừa nhú lên khỏi mặt đất để gặp Ánh sáng ngàn đời bất tuyệt: “tưởng tượng một ngày kia/ trăng treo trên vòm trời Đà Nẵng rất khuya/ mẹ khỏe mạnh giã gạo/ hương cau thơm rụng đầy sân nhà ông ngoại/ thuở ấy mẹ mới về với cha/ mới nghĩ vậy thôi con sung sướng khóc òa/ một niềm vui vĩnh cửu...”.

Niềm vui vĩnh cữu ấy, đã có thì hãy giữ gìn và nâng niu như một hành trang trong cõi nhân sinh này. Rồi đến một lúc nào đó, chính mình cũng sẽ là một sự nối tiếp. “Trăm năm như chớp mắt/ Mẹ đã đi chợ về”. Và sung sướng thay, hạnh phúc thay, đó cũng chính là lúc ta cùng mẹ, cả hai mẹ con cùng “đã đi chợ về”. Đã rời khỏi chợ/ cõi chợ đời - nói như triết gia Hermann Hesse: “Dù đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này” nhưng một khi trần gian đã chối bỏ thì cũng gì phải sợ hãi bởi lẽ trên hành tình hư vô ấy mỗi chúng ta vẫn còn có mẹ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment