LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.7.2017

chuyen_muc_dan_cho_tuoi_hoc_tro

Một chuyên mục trên báo Thiếu Nhi


“Cáo lỗi cùng độc giả toàn quốc: Vì tờ Bút Học Trò gặp trở lực lớn lao trên trường văn, trận bút nên phải đình bản và thay thế bằng tờ Bút Mới. Chúng tôi quyết san bằng mọi khó khăn nguy khốn để đáp lại thịnh tình của bạn đọc bốn phương, đồng thời nỗ lực đóng góp vào công cuộc phát huy tương lai văn hóa dân tộc”.

Nếu biết ai viết và tại sao có câu văn “hoành tráng” này, chắc chắn nhiều người sẽ… tủm tỉm cười. Vì rằng, ấy là lời “phi lộ” trong tập san in thạch bản của một nhóm học trò trung học “mặt búng ra sữa”, mê văn chương sống tại Hà Nội vào thập niên 1950. Chi tiết ngộ nghĩnh này, nhà văn Nhật Tiến đã kể lại trong hồi ký Thuở mơ làm văn sĩ, đăng feuilleton trên báo Thiếu Nhi ở miền Nam trước năm 1975.

Bấy giờ, thế hệ bọn y cũng không khác gì các cô cậu học trò Hà Nội ngày ấy. Ghi lại dấu ấn đáng yêu của một thời, sau này, qua truyện dài Lá nằm trong lá của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có kể lại. Thật ấn tượng bởi bút nhóm Mặt trời khuya, gồm những “cây bút” dù còn mài đũng quần trên ghế nhà trường nhưng tự nhận “tương lai của văn chương nước nhà” như Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân, Lãnh Nguyệt Hàn… Tác phẩm này hấp dẫn, chân thực, độc đáo bởi nhà văn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ không hề tưởng tượng mà lấy chất liệu có thật trong sinh hoạt văn nghệ của thế hệ anh.

Các “mầm non văn nghệ” ấy học chung trường, có thể cùng hoặc khác lớp, họ quy tụ thành một bút nhóm, thi văn đoàn để động viên, góp ý sáng tác cho nhau. Và tất nhiên, để phổ biến “tác phẩm”, họ cũng ra báo như ai. Đó là tập san được in thạch bản, mỗi kỳ chỉ “phát hành” vài chục số, chủ yếu lưu hành trong lớp học, chuyền tay nhau đọc.

Cách “in” dễ lắm. Mua xu xoa trắng, đem về nhà nấu ra rồi đổ vào mâm đồng. Khi nó đã đông đặc, lật ngược mâm lại, ta đã có một “bàn in” bằng phẳng. Bấy giờ, ai có “hoa tay” viết chữ đẹp thì được phân công viết các sáng tác thơ, văn, truyện ngắn...  trên giấy trắng. Mực viết phải chọn phẩm tím, mực tàu loại tốt, chờ lúc giấy khô mực đem úp lên mặt “bàn in”, vuốt đều để mực thấm vào đó. Sau khi lấy tờ giấy đó ra, ta đã có một “bản in” hoàn chỉnh. Rồi cứ đem các tờ giấy trắng khác úp lên, vuốt khẽ là có thêm bản thứ hai, thứ ba... Nếu mực tốt có thể in một lúc 50 bản, về sau mực càng mờ dần. Muốn “in” thêm trang khác thì cho xu xoa vào nồi, đổ thêm nước nấu lại để có “bàn in” mới.

Không những tự lập bút nhóm nhằm có điều kiện “giao lưu văn nghệ”, bọn y còn tham gia sinh hoạt chung với các “bạn văn” ở Sài Gòn nữa. Năm học lớp 8, cùng một lúc, y gia nhập bút nhóm, thi văn đoàn Việt Nam, Thoáng hương, Hồn trẻ, Mây trắng… Mọi việc rất đơn giản, chỉ cần điền tên vào cái mẫu đơn quay ronéo, gửi kèm theo hai tấm ảnh chân dung 4 x 6 cm. Ít lâu sau, ắt nhận được thẻ hội viên gửi qua đường bưu điện. Thỉnh thoảng, nếu tổ chức làm nội san thì trưởng nhóm gửi thư kêu gọi hội viên gửi bài. Nếu bài đạt yêu cầu, được chọn đăng vào tập.

Ừ, ở Sài Gòn có khác.

Trong lúc ở miền Trung nhằm “phát huy tài năng tột bực” với hy vọng sẽ trở thành “ngôi sao sáng chói, lẫy lừng nhất trên vòm trời nghệ thuật”, bọn y chỉ mới phổ biến “tác phẩm” bằng cách in thạch bản thì ở Sài Gòn các “bạn văn” đã quay ronéo - tức viết tay hoặc gõ máy chữ trên giấy stencil. Hiện đại quá. Oách quá. Dù tờ đặc san ấy số lượng in rất ít ỏi, chỉ vài chục bản, trăm bản là cùng nhưng với “công nghệ tiên tiến” ấy đã khiến chúng tôi “sướng rêm mé đìu hiu”.

Nếu ai đó còn giữ lại các nội san học trò này, ắt sẽ còn bật cười sung sướng, khoái chí vì không ngờ lúc đó mình và các “bạn văn” lại đặt bút danh “sáng láng”, “sang trọng” đến cỡ đó. Chẳng hạn đặc san Xuân Nhâm Tý (1972) của thi văn đoàn Việt Nam cho biết có cả thảy 305 hội viên như Khóe Mắt Tím, Kim Huyền Giao Giao, Bạc Phận “F”, Thy Hoang Mùa Đông, Mặc Thế Thái, Băng Hàn Tuyết Sương, Hoàng Liên Tử, Sao Rơi, Vạn Sầu Nhân, Cát Sa Mạc, Hoàng Dũ Linh, Thiên Bất Hủ... Còn nhớ, lúc y gia nhập bút nhóm Mây trắng, bút nhóm trưởng có tên rất “yểu điệu”: Thảo (Phú Lâm). Nào ngờ sau này tôi mới bật ngửa ra khi hay biết ấy chính là bút danh của nhà thơ Nguyễn Hải Thảo cũng trạc tuổi y, mới học lớp 9 - nay anh là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.

Sau một thời gian sinh hoạt chung cùng các “văn hữu” ở Sài Gòn, y và các bạn cùng xóm Hải Châu (Đà Nẵng) thành lập bút nhóm Phù Sa. Rồi cũng mày mò bắt chước theo cách quay ronéo - một hình thức in giá rẻ, tiện lợi và phổ biến nhất thời đó. Sau khi thực hiện xong, bạn bè chia nhau đem vào trường bán cho các lớp khác, không phải nhằm thu hồi vốn mà chính là tiếp tục… quảng bá “tác phẩm”.

Thêm một điều cần ghi nhận, sở dĩ các “mầm non văn nghệ” thuở ấy không bỏ cuộc nửa chừng còn thêm lý do này: Tại Sài Gòn có những nhà văn đi trước, khi chủ biên một tờ báo, họ cũng lập sân chơi nhằm quy tụ đối tượng độc giả của báo như nhà văn Nhật Tiến qua Thiếu Nhi thành lập Gia đình Thiếu Nhi, nhà thơ Nguyễn Vỹ qua Thằng Bờm tổ chức Gia đình Thằng Bờm… và mở rộng đến nhiều địa phương khác; các tuần báo dành cho tuổi mới lớn như Tuổi Hoa có chuyên mục Đồng cỏ non, thậm chí nhật báo như  của báo Chính Luận cũng có Gia đình Mai Bê Bi…  dành đăng các sáng tác của các cây bút học trò.

Nhờ vậy, một khi có “tác phẩm mới” ngoài việc “in” ở các nội san thi văn đoàn, bút nhóm, bọn y còn có thêm “đất dụng võ”, nhiều sân chơi khác. Thỉnh thoảng những tờ báo trên cũng in lại “tác phẩm” từ các tập đặc san học trò đã in thạch bản, quay ronéo như một cách ưu ái, động viên các “mầm non văn nghệ”. Chẳng hạn, báo Thiếu Nhi số 125 ngày 1.6.1974 - nhà văn Nhật Tiến chọn in Lục bát ngày xa mái trường lấy từ tập san của bút nhóm Phù sa:

1. THIÊN BẤT HỦ

Bé ghi kỷ niệm ngày xanh

Bao nhiêu thương nhớ trên nhành yêu thương

Gọi lòng tình nghĩa vấn vương

Bé ghi lưu bút xanh hương học trò

2.  CỎ NON

Lá me bay, tóc hoa cài

Xếp cho nhung nhớ ẩn hoài ngăn tim

Kỷ niệm chừ cũng làm thinh

Sân ga sáng sớm một mình về quê

(Bút danh của Nguyễn Văn Sanh, hiện nay ở Đà Nẵng).

3. HOÀNG DŨ LINH

Hạ ơi! Ta gửi đôi lời

Nhắn cùng nhành phượng và mời chú ve

Đừng sầu bi thảm sang hè

Cho tình ta gửi gió nghe trộm lời

(Bút danh của Nguyễn Văn Phú hiện ở Sài Gòn).

4. HOÀI NGUYÊN GIANG

Vòng tay siết chặt bên nhau

Trao nhau lưu bút lệ sầu vương rơi

Đôi ta cách biệt phương trời

Trong ba tháng hạ đầy lời nhớ mong

(Bút danh của Nguyễn Phát, em con bà dì ruột ở Đà Nẵng, đã mất sớm, đúng như câu thơ Phát đã viết: “Đôi ta cách biệt phương trời”.

5. MỪNG HOANG VU

Thơ làm em tặng trường xưa

Rong rêu lá phủ thầy xa, bạn về

Hè sang ve hát lê thê

Còn em sân nắng buồn ghê là buồn

(Bút danh của Phan Vân Sơn, trưởng Gia đình Thiếu Nhi ở Đà Nẵng).

6. LƯƠNG VĂN BÌNH

Mây chiều lộng nắng vàng hoe

Bước chân giẫm nát cây hè phượng rơi

Đưa tay ôm lấy gió trời

Bỏ quên sách vở tình khơi giữa hè

(Có thể tên thật của Hùng Vỹ, trong Gia đình Thiếu Nhi ở Quảng Tín, Tam Kỳ. Không rõ nay thế nào, chưa biết mặt.

7. NGUYỄN TRƯỜNG ANH

Trong đôi mắt thơ dại khờ

Một niềm lưu luyến mong chờ hè sang

Hàng dương rũ bóng chiều tan

Hàng cây phượng đỏ theo làn tóc mây

(Tên thật Nguyễn Lặc ở Diên Khánh (Nha Trang). Sau đó, đổi bút danh Nguyễn Tường Anh. Không rõ nay thế nào, chưa biết mặt).

8.ĐẰNG LINH

Nhớ thương ơi! Những đợi chờ

Dãy bàn năm cũ phai mờ mực chưa?

Trường yêu xa mấy cho vừa

Tình thương thầy, bạn bây giờ vời xa

(Trong gia đình Thiếu Nhi ở Quảng Tín, Tam Kỳ. Không rõ nay thế nào, chưa biết mặt.

Không chỉ quanh quẩn chuyện sáng tác làm thơ viết văn, một khi tự thành lập bút nhóm hoặc tham gia các "gia đình" nêu trên, bọn y còn được các anh chị đi trước tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Đó là những cuộc cắm trại ở nơi xa, trại hè và sinh hoạt tập thể định kỳ tại địa điểm cố định vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần. Hầu như “kỹ năng sống” của lũ nhóc thế hệ yêu thơ văn bọn y đã được “đào tạo” trong khoảng thời gian này. 

Nhớ lại năm tháng của “thuở mơ làm văn sĩ”, nhiều bè bạn ngày ấy đều cho rằng, nhờ trao đổi thơ văn, đọc và góp ý cho nhau các sáng tác trong sinh hoạt cộng đồng, họ đã trưởng thành lên.

Từ sân chơi ngày đó, từ Hoài Mộng Diễm Thư đã có Nguyễn Nhật Ánh, từ Thiên Bất Hủ đã có Lê Minh Quốc, từ Trần Quang Đoàn đã có Đoàn Vị Thượng v.v…Từ Gia đình Thằng Bờm có Hy Yên, Nguyễn An Trung - nay đã là nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, doanh nhân Nguyễn Hữu Cứ - nay thành viên của Hội Xuất bản Việt Nam, đạo diễn Thái Loan (HTV)…; từ Gia đình Thiếu Nhi đã có Bạc Hà - nay nhà thơ Nguyễn Văn Nhân; nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân; Mừng Hoang Vu nay nhà văn Phan Vân Sơn… Rồi ở Gia đình Mai Bê Bi có Lê Nguyễn Mai Trắng - nay nhà báo Bạch Mai (Báo Phụ Nữ TP.HCM) v.v…

Nhớ lại kỷ niệm một thời, thật vui khi biết các thế hệ hiện nay cũng đã có những sân chơi tương tự như bút nhóm Vòm Me Xanh (báo Khăn Quàng Đỏ), Gia đình Áo Trắng (NXB Trẻ - báo Tuổi Trẻ)… Tình yêu dành cho văn chương của tuổi học trò thời nào cũng cần, rất cần những “bệ phóng” tương tự.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment