Ảnh: Chạy đàn phá ngục
Có thằng chồng say như trong chay ngoài bội
Ngó vô trong nhà như hội Tần vương
Bởi say sưa nhậu nhẹt, hủ chìm hủ nổi, mềm như sợi bún, say quắc cần câu, say mèm say khướt, say cúp bình thiếc, say lết bánh, nôn thốc nôn tháo, cho chó ăn chè, vì thế, cô vợ mới ngao ngán gọi là “thằng”. Đọc ca dao, thỉnh thoảng gặp từ “con” dành cho vợ/người tình thốt ra từ miệng người đàn ông, dù họ đang yêu thương đằm thắm; từ “thằng” không hề thấy quý cô/quý bà sử dụng đến. Ai nỡ gọi, “hoàng tử của lòng em” là “thằng” bao giờ? Chỉ khi nào khinh miệt, khinh bỉ, rẽ rúng, tức giận và cắm lên đầu cho cái sừng, họ mới gọi “cây tùng, cây bách”; “trụ cột” kia là “thằng”.
Mà thôi, chuyện nhà của thiên hạ, bàn luận làm chi.
Chuyện đáng bàn vẫn là câu thành ngữ “Trong chay ngoài bội”. Việt Nam tự điển (1971) do Lê Văn Đức biên soạn, Lê Ngọc Trụ giải thích: “Trong nhà thì làm chay thí thực; ngoài sân thì cất giàn để hát bội cho người xem, chỉ nhà giàu sang, thường có đám tiệc khách khứa”. Thí thực là đồ ăn bố thí cho ma đói (ngạ quỷ), cô hồn vất vưởng vất vơ, không có thân nhân cúng kiếng; nhưng đem đồ chay cúng dường cho tăng ăn, người ta cũng gọi thí thực.
“Mùi thiền đã bén muối dưa/ Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng/ Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!”. Lúc ấy, dứt khoát Thúy Kiều ăn chay, còn gọi ăn lạt, chứ không ăn mặn nữa. “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”. Cách gọi “mặn”, “lạt” đã thể hiện tính chất món ăn theo quy định của một tôn giáo. Vì thế, khi nghe nhắc đến vật gì có chất mặn như mắm, như muối, chẳng hạn: “Chuyện chẳng có gì, hắn ta thêm mắm, thêm muối nghe rợn cả người”, tức thêm thắt bịa đặt, nói vống lên, có ít xít cho nhiều, sai lệch với sự việc vốn có.
Lắc léo cho tiếng Việt còn ở chỗ, một khi nghe nói ngủ chay, lập tức ta hiểu là người đó ngủ một mình, không chung chạ xác thịt; hoàn toàn khác với ngủ mặn. “Bóng gương thấp thoáng dưới mành/ Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa” (Cung oán ngâm khúc), “Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo (Hồ Xuân Hương), có người cùng thủ thỉ, tâm tình, đầu ấp tay gối là ngủ mặn. Vậy một khi uống chất men không kèm mồi, không có gì nhấm nháp đưa cay, chỉ rượu với rượu, cũng tỷ như ngủ chay một mình, ta gọi “uống chay” chăng? Theo đúng điệu đệ tử Lưu Linh phải gọi “uống suông”. Không rõ hai câu thơ này của ai, nghe ra cũng “dân chơi” lắm:
Thơ suông nước ốc ngâm còn váng,
Rượu lạt non chai vẫn chén khà
“Thơ suông nước ốc” là thơ nhạt/nhạt thếch. Liên tưởng qua câu cửa miệng “Nhạt như nước ốc” ắt rõ nghĩa ngay thôi. Không rõ câu thành ngữ: “Sáng trăng suông bà về vậy” là ngụ ý gì? Thử suy luận xem sao, trăng sáng là trăng rằm, trăng tròn, những đêm trăng vành vạnh ấy, ở nông thôn bà con chòm xóm thường tụ tập lại nhau tán gẫu, không chỉ tán suông mà có thêm bát nước chè tươi, kẹo lạc, chén trà hoặc chén rượu… cho rôm rã. Ấy thế, khi bà đến, gọi bà là do tuổi tác và tất nhiên do vai vế nên bà được mọi người trọng vọng, đon đả đón mời. Nhưng rồi, chỉ có thế, chẳng có gì ngoài “sáng trăng suông”, chẳng được cái nước non gì nên bà bực bội bỏ về quách cho xong. Thái độ không ưng ý, hài lòng của bà gói gọn trong từ “vậy”. Nghĩa bóng: dù được nghe bao nhiêu lời “có cánh”, mát cả ruột, sướng cả tai; hoặc được nhìn bao cảnh đẹp kỳ thú nhưng rốt cuộc chẳng có thêm gì khác - bất quá cũng chỉ mỗi “sáng trăng suông” thì cũng chẳng nên cơm cháo gì. Nói gì thì nói, “Có thực mới vực được đạo”.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Dư: “Chữ “vậy” ở cuối câu nói cho thấy sự thất vọng của người đàn bà. “Về vậy” có nghĩa là “đành phải về”. Ngày xưa, ở thôn quê cũng như ở thành thị, sáng trăng là dịp trẻ con rủ nhau vui đùa trong xóm, ngoài ngõ. Nhưng sáng trăng lại bất tiện cho những việc làm lén lút như trộm cướp, hẹn hò bất chính. Dường như người đàn bà trong tranh đang gặp tình cảnh này. Bà muốn "đi đêm" nhưng trăng cứ sáng vằng vặc, rõ như ban ngày thế kia thì... hỏng chuyện! Bỏ về là vừa. Nghĩa bóng của câu nói: định làm chuyện mờ ám nhưng không thành”.
Có những câu thành ngữ đã ra đời cách thời hiện tại quá xa, ít ai còn biết/nhớ đến nghĩa cụ thể của nó, do đó, có người suy luận kiểu này, người kia nghĩ qua chuyện khác cũng là lẽ thường tình.
Hãy trở lại với “Trong chay ngoài bội”. Đã rõ từ chay rồi. Vậy bội là gì? Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: 1. Trò bội: cuộc ca hát, đám hát, bạn hát; 2. Bội bè: con hát, bạn hát; 3. Áng bội bè: thì là trường ca hát; 4. Hát bội: con hát, kẻ làm nghề ca hát. Nghĩa từ của từ “bội” trong ngữ cảnh trên đã rõ. Vấn đề đặt ra ở đây, lúc “trong chay” thí thực, thì “ngoài bội” diễn tuồng gì? Ngắc ngứ chưa? Chịu thua chưa? Nếu không nghiên cứu thấu đáo, làm sao nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có thể trả lời đâu ra đó? Đọc xong phải chịu ngay.
Theo ông Trảng: “Kết quả kiểm tra hồi cố cho biết rằng, trước năm 1945, các trai đàn ở Nam bộ đều có hát Phật (hiểu là tuồng tích có liên quan đến đạo Phật, gọi chung là tuồng đám). Việc biểu diễn ngoài bội thì hoặc mời các gánh hát bội đảm nhận và càng lúc càng nhiều cuộc lễ. Các Tăng sĩ ứng phú dặm mặt, thay y trang biểu diễn. Đến năm 1952, Hòa thượng tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam ra lệnh cấm nên việc tăng sĩ diễn tuồng không còn nữa. Hòa thượng Tăng trưởng thuộc tông môn chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), vốn là một kinh sư ứng phú nổi tiếng; nhưng qua kinh nghiệm, Thượng tọa thấy việc người tu hành lên sân khấu tác hại đến oai nghi: “Phàm kẻ xuất gia tu hành mà vẻ mặt, vẻ mày, mang râu, mặc giáp để bước lên sân khấu làm trò cười cho thiên hạ thì tự mình làm nhẹ thể ông thầy tu, tự mình làm cho người khác khinh khi Tam bảo”. Từ đó, hát Phật dần dần mai một và ngày nay không còn nữa” (Tạp chí Kiến thức ngày nay - 10.4.2015).
Có phải ở trong Nam tổ chức “Trong chay ngoài bội” cũng có ý nghĩa ná ná như nghi lễ “Chạy đàn phá ngục” - tên gọi khác của “Đàn Mông Sơn Thí Thực” ngoài Bắc? Chỉ là một hay là hai nghi lễ khác nhau?
Đọc trên trang điện tử của Báo Ảnh Việt Nam (17/07/2012 13:32 GMT+) thấy có đoạn: “Trong văn hóa phương Đông, ngày rằm tháng Bảy âm lịch có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là ngày xá tội vong nhân cho dân gian tỏ lòng kính Phật, hiếu thuận với tổ tiên, cha mẹ và cúng thí cho các vong hồn nơi địa phủ. Giới tăng ni Phật tử gọi đây là ngày Lễ Vu Lan, cũng là ngày diễn ra một trong những nghi thức quan trọng và phức tạp bậc nhất của nhà Phật: Lễ cúng Đàn Mông Sơn Thí Thực.
Sau lễ thỉnh Phật và dâng Lục cúng kéo dài suốt ban ngày, chập tối, lễ cầu siêu với màn “Chạy đàn phá ngục” theo tích “Mục Liên tầm mẫu” mở màn bằng tiếng nhạc réo rắt, trống phách vang lừng. Giữa khói hương nghi ngút, giọng đọc canh kệ ngân nga, ê a đưa đẩy, một vị sư, đầu đội mũ hoa sen, vai khoác áo cà sa, tay cầm tích trượng quấn dải khăn trắng cung kính dẫn đầu đoàn người đi qua những đàn tế tượng trưng cho năm cửa ngục. Nhà sư dừng lại. Tả hữu là hai tiểu đồng tay cầm hoa đăng nghiêng mình cúi lạy đàn tế. Chính lúc ấy, trống kèn, não bạt, thanh la, tiu cảnh.... đồng loạt vang lên bạo liệt kinh hồn. Tiết tấu dồn dập ấy chính là mở đầu cho một vũ điệu mau hoạt đến thần kì.
Nhà sư tay bắt quyết múa lượn uyển chuyển và dứt khoát, chân vẽ những hình vô định lên mặt đất. Khi khoan, khi nhặt, vũ bão rồi tĩnh tại, những thủ quyết được tung ra liên hồi như muốn gửi gắm lời cầu khẩn của chúng sinh tới Thích ca bằng cử chỉ của chính ngài. Bỗng một tiếng hét vang lên: “Phá cửa ngục!”, tức thì nhà sư múa trượng vòng tròn quanh chiếc bát úp dưới đất, dí vào trôn bát và di nó trên mặt đất theo hình những mật trú bí hiểm. Bất chợt, chiếc tích trượng giơ lên chọc tan chiếc bát. “Cửa ngục” đã được phá, từ ấy chúng sinh có thể thoát khỏi địa phủ lên trần hưởng lộc. Tiếng trống kèn lại vang lên, thúc nhà sư lần tái diễn màn múa lần lượt phá những cửa ngục còn lại. Là một nghi thức quan trọng, Đàn Mông Sơn hội tụ đầy đủ các làn điệu đặc trưng của âm nhạc nhà chùa và diễn ra trong nhiều ngày”.
Vậy, xét về ý nghĩa trong nghi lễ Phật giáo, “Trong chay ngoài bội” và “Chạy đàn phá ngục” có liên quan nhau? Hay chỉ là một nghi lễ mà Nam/Bắc có cách thể hiện khác nhau? Không am tường gì về Phật giáo, y không dám có câu trả lời. Chỉ nêu ra, biết đâu có người giải thích thì hay quá.
Mà này, khoảng thời gian nào, con người ta rãnh rỗi nhất, có thể ngồi nói liên tu bất tận, không thèm liếc mắt vào cái đồng hồ, bất chấp ngày lên đêm xuống? Thưa rằng, chỉ có thể là lúc cà kê dê ngỗng ngồi trong quán nhậu, khật khừ bên ly bia/ rượu, dẫu “Thơ suông nước ốc ngâm còn váng/ Rượu lạt non chai vẫn chén khà”. Thế đấy. Lúc ấy, nếu được đối ẩm với người am tường về vấn đề Phật học, được nghe họ giải thích cho thắc mắc trên thì tốt quá. Tiếc thay, khoảng thời gian ấy, hầu hết chỉ là những câu chuyện tầm phào mua vui, “buôn dưa lê” nhạt phèo, chẳng vào đâu cả. Nói như thế để làm gì? À, là một cách tìm ra cái cớ để từ chối cuộc rủ rê nhậu nhẹt chiều hôm qua. Thế là y đóng cửa thư phòng, lật sách mày mò tìm cách trả lời câu hỏi trên. Cuối cùng vẫn bí rị. Chưa tìm ra câu trả lời. Biết thế, chiều qua đi nhậu đàn đúm có phải hay hơn không?
Không, nhờ lật sách mới tình cờ đọc thấy một đoạn văn ngắn trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng.Lý thú lắm. Hãy đọc đi. “Ngoài sân chùa, ở giữa bày ba tầng án thư chồng lên nhau theo hình bậc thang. Hai bên cũng đều có án thư. Nến thắp linh tinh, ánh sáng phản chiếu vào những mặt kính tròn ở các mũ giấy bày la liệt, trong lấp lánh tựa những ngôi sao. Đêm nào các nhà sư cũng cắt lượt nhau tụng kinh đến tận hai, ba giờ sáng, hoặc ngồi ở chiếu giữa, hoặc đứng sát các án thư bên. Cứ xong một lần tụng niệm lại có đánh trống lớn, trống con, thanh la, não bạt, nghe rất là inh ỏi.
Đêm thứ ba vào đàn giải kết.
Sư cụ chùa Long Giáng vì già yếu, mà việc đàn chay lại khó nhọc, nên một đồ đệ của cụ là sư ông chùa Long Vân đứng chủ trương. Sư ông ngồi ở chiếu giữa, tụng kinh một lúc lại chạy vòng quanh đàn, nghĩa là đi lượn khắp các hàng án thư, theo nhịp nhanh hay chậm của tiếng trống và tiếng thanh la. Sau lưng sư ông gần hai chục người chạy theo, nào tiểu, nào vãi, nào thiện nam, tín nữ cùng là những người nhà sự chủ.
Ngọc đứng ngắm một tràng người, tay chấp ngực, chạy lượn khúc, quanh co, khi tiến, khi lui rất nhẹ nhàng, ăn nhịp như lăn trên đôi bánh xe nhỏ, lại tưởng tượng đến những người bằng giấy trong chiếc đèn kéo quân đêm hôm rằm tháng tám. Chạy xong một tuần, sư ông lại vào chiếu giữa múa mênh quyết ấn trông rất dẻo tay, rồi cầm kéo cắt những đồng tiền kết giấy thành hình người và treo lủng lẳng ở ba hàng dây giăng quanh bàn.Cứ mỗi lần lại cắt bốn, năm đồng kỳ cho hết là tan đàn”.
Qua những gì nhà văn Khái Hưng miêu tả, lại tự hỏi, có phải đây chính là nghi lễ “Chạy đàn phá ngục” đã diễn ra ở ngoài Bắc từ thập niên 1930?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|