Quái quỷ cho chữ với nghĩa, chỉ mẫu tự ghép lại, thế nhưng có những câu chữ dù không gì ghê gớm lắm, nhưng đã đọc xong ắt phải bật ra tiếng cười. Cười tự nhiên. Không gì phải cố gắng. Người ta viết như chơi, như đùa, như thật ấy mà tự dưng vừa đọc dứt câu là phải há miệng ra cười cho sướng cái sự đời. Đời có lúc vui, có lúc buồn, chẳng việc gì phải ca thán một cách ồn ào và kém hiểu biết: “Sự đời như chiếc lá đa/ Đen như mõm chó chém cha sự đời”. Đọc xong, chẳng thấy hay ho gì cả, bất quá cũng chỉ là câu nói buột miệng thiếu kiềm chế.
Có câu ca dao này mới là hay, mới là điệu nghệ cá tính của nữ nhi của miền Nam nước Việt: “Ba bốn nơi sang cả, phụ mẫu em muốn gả/ Em chấp tay: khoan đã, chưa tới duyên phần/ Phụ mẫu nói em bất tuân giáo hóa/ Em trèo lên cây bần cho kiến nó bu”. Câu cuối cha chả là hay. Hay vì bất ngờ khiến người ta phải cười cho bằng được bởi vì rằng, giận cha mẹ mà leo lên cây bần thì cũng dễ hiểu nhưng để làm gì? Cô gái bảo: “Cho kiến nó bu”. Chi vậy thôi. Đơn giản vậy thôi. Cam đoan bất kỳ bà mẹ nào, một khi nghe con gái nói dỗi, nói hờn như vậy cũng cất tiếng cười xòa.
Ở miền Trung có cây bần hay không? Chẳng rõ nữa. Chỉ biết, Nam bộ có câu này cũng lém lỉnh không kém: “Nước chảy cặc bần run lẩy bẩy/ Gió đưa dái mít giãy tê tê”. Cặc bần là cái chi chi? Thôi thì, hãy đọc Việt Nam từ điển (1970) của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ: “Cặc bần (danh từ, thực vật): Rễ cây bần, rễ cứng đuôi nhọn đâm ngược và ngay lên chôm chổm khỏi mặt đất từ 20 đến 40 cm” . Theo ông Huình Tịnh Paulus Của (1895), cái cây có tên thô kệch kia lại có “tên chữ” cực kỳ duyên dáng, yểu điệu ra phết: “Đóm đeo thủy liễu đôi chùm/ Biết ai nhơn đạo chỉ giùm làm ơn”.
Xét ra, cách gọi nôm na dân dã bao giờ cũng ấn tượng hơn. Ví như trái sầu riêng, cách gọi này dịu vợi quá chừng chừng, nếu gọi bằng cái tên Châu Liên, e nghiêm nghị quá đi thôi, mất đi một sắc thái tình cảm do từ đồng âm mà có: “Ngó lên trăng chúc sao nghiêng/ Vui chung với bạn sầu riêng một mình”; câu này cũng day dứt không kém: “Buồn trông lửa tắt nhang tàn/ Dế kêu rủ rỉ thương nàng sầu riêng”.
Sầu riêng là gì? Là nỗi sầu ấy chỉ mình biết, chỉ mỗi mình gặm nhấm lấy nó, “tận hưởng” lấy nó, nếu nói như câu chữ thời thượng của mấy ông văn nghệ sĩ phải là “thú đau thương”. Có lẽ Lưu Trọng Lư là người trước nhất dẵ sự dụng cụm từ đó chăng? Thì đây, từ năm 1939, Con nai vàng ngơ ngác đã kêu lên: “Xin để gối nằm im chỗ cũ/ Hãy lịm người trong thú đau thương/ Giờ đây ta đốt nén hương / Trên tay ta buộc dải tang cho tình”.
Có một câu ca dao cực hay khi nói về tâm sự của sự sầu riêng, chỉ cho thể chọn lấy: “Lan huệ sầu ai lan huệ héo/ Lan huệ sầu tình trong héo ngoài tươi”. Phạm Duy có “mắt xanh” khi thấu hiểu về sự thẩm mỹ trong cung bậc sắc thái tình cảm, do đó, ông đã chọn lấy những câu ca dao trữ tình bậc nhất để lồng vào trong ca từ của một ca khúc. Nếu loại bỏ “Lan huệ sầu ai”, loại bỏ “Tóc mai sợi vắng sợi dài/ Lấy nhau không đặng thương hoài ngàn năm”, chắc chắn sức sống của nó không âm vang, day dứt, da diết như đã có.
Y có sầu riêng không? Thời trẻ, có đấy. Có nên mới có thể viết: “tôi đứng trước cây khế mỗi đêm/ để nhìn trộm em tắm/ nhưng chỉ gặp hương hoa huệ trắng/ thoang thoảng bay qua/ tôi trở về nhà/ suốt một đêm mất ngủ/ từ đó, tôi yêu hoa/ muốn tặng em một đóa hoa mới nở/ nhưng lại sợ/ hoa không thơm như môi em/ hoa không trắng như da em/ và hoa không tinh khiết như em/ từ đó, mỗi đêm/ biết rằng khi em tắm/ tôi lại tương tư/ hương hoa huệ trắng”. Sở dĩ có hình ảnh cây khế cũng vì quá thích câu thơ của Phạm Công Thiện: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông”. Sở dĩ có nhìn trộm em tắm cũng vì quá thích mấy câu thơ của Bạc Văn Ùi: “Sao anh lại rình/ Trộm xem em tắm? Da của em ngần trắng/ Da của mẹ, của cha/ Tay của em lấm lem/ Tay của than của bụi/ Tay của rừng của núi/ Tay của đất của nương/ Em tắm xong lại sạch/ Vẫn ngát thơm hoa rừng/ Da của em trắng ngần/ Là của anh tất cả/ Không phải người xa lạ/ Việc gì mà trộm xem”.
Đôi khi đọc lấy ca dao lại thấy sự hấp dẫn khó gì có thể sánh nổi. Vẫn là những câu chữ còn thô mộc, dân dã nhưng lại duyên dáng. “Ruộng gò cấy lúa Nàng Co/ Thương anh thì thương đại, đừng để anh gò mất công”. Ruộng gò là cuộc đất cao, ít nước, nói cách khác là ruộng cao: “Ruộng thấp tát một gàu giai/ Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng”. Mà gầu giai là thế nào? Là gàu không có cán, buộc bốn sợi dây dài dành cho hai người cầm lấy, đứng bên miệng ao, bờ ruộng mà tát nước. Gàu sòng là gàu có cán dài, treo vào ba cái cọc, một người tát.
Nhờ hiểu vậy, khi đọc Tát nước của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương mới biết nhân vật trong thơ tát gàu sòng: “Đang cơn nắng cực chửa mưa tè/ Rủ chị em ra tát nước khe/ Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm/ Lênh đênh một ruộng bốn bờ be/ Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa/ Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve/ Mải việc làm ăn quên cả mệt/ Dạng hang một lúc đã đầy phè”. Một bài thơ đa nghĩa, đọc ngược đọc xuôi mới lại càng nhận ra một bậc thầy sử dụng tiếng Viết đến mức thượng thừa. Nông thôn ngày càng hiện đại hóa, liệu chừng không ít người khi đọc ca dao sẽ vấp phải vài ba từ, có thể không hiểu rõ ngọn ngành. Vì lẽ đó, ở trong nhà luôn cần có những quyển tự diển tiếng Việt là thế, khi cần có thể tra cứu ngay.
Mà câu ca dao ”Ruộng gò cấy lúa Nàng Co/ Thương anh thì thương đại, đừng để anh gò mất công” hay chỗ nào? Vẫn là từ “gò”. Gò là tán tỉnh, dỗ dành, là o mèo, là cua gái. “Ruộng gò cấy lúa Ba Xe/ Thấy em còn nhỏ anh ve để dành”. Ve cũng là gò. Sự dí dỏm, tinh nghịch gói gọn trong từ “để dành”. Khôn quá là khôn. Sực nhớ, sáng Chủ nhật vừa rồi đi dự kỷ niệm nhân 130 năm ngày sinh nhà văn hóa Phan Khôi. Gia đình mời đến một quán ăn “chuyên trị” món ăn xứ Quảng. Trên đường đi lại nhớ đến vài câu thơ của ông Phan Khôi viết năm 1921. Nhớ rằng, trong thơ này cũng có từ gò đấy chứ?
Bài thơ Viếng mộ Lê Chất của Phan Khôi như sau: “Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu/ Ấy cỏ mờ rêu đất một u/ Ấy dũng ấy trung là thế thế/ Mà ân mà nghĩa ở mô mô/ Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ/ Hùm thét oai lưa gió vụt vù/ Cái chuyện anh hùng ai giở đến/ Hồ Tây còn vẳng tiếng chuông bu”. Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan bình: “Thật là một bài thơ mà vận rất oái oăm và ý rất chặt chẽ. Đọc lên nó có một giọng ai oán thê thảm như cái vang ngân của tiếng chuông chùa “bu lu bi li” trên mặt nước Hồ Tây. Lời lại rất cứng cáp, có cái giọng cảm khái, bất bình trong câu tam, tứ. Cuối câu đầu bằng ba chữ “sử nghìn thu” và câu kết hạ bằng ba chữ “tiếng chuông bu” gây nên một âm điệu rất buồn, làm cho bài thơ thêm giọng thê lương. Những chữ “thế thế”, “mô mô”, “chim gào”, “hùm thét” đưa lời thơ lên rất mạnh. Thơ Đường luật gần đây ít bài được như thế” (Nhà văn hiện đại, NXB Thăng Long tái bản năm 1960, tr. 268).
“Ấy cỏ mờ rêu đất một u”. U trong ngữ cảnh này đích thị là gò/ gò đất. Nhắc đến u, lập tức trong trí nhớ nghĩ câu thơ của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhiều người nhầm tưởng ca dao: “Ong bầu đậu đọt mù u/ Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”. Câu ca dao thứ thiệt này mới thần sầu quỷ khốc: “Mù u bảy lá mù u/ Vợ chồng hờn giận,… giảng hòa”. Cách nói thiệt thà quá đi mất, cứ nói toẹt ra, chẳng thèm phải úp mở xa gần gì cả. Âu cũng là sự khỏe khoắn, lạc quan trong đời sống tinh thần của người Việt. Đọc lên đã thấy rạo rực sức sống, cứng bần bật, không hề “Nước chảy cặc bần run lẩy bẩy/ Gió đưa dái mít giãy tê tê”.
Bài thơ của Phan Khôi, dù dùng theo cách phát âm của người miền Trung, nhưng không khó hiểu. Riêng 2 câu luận: “Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ/ Hùm thét oai lưa gió vụt vù” thì “hờn sót” là nỗi căm hờn còn sót lại; “oai lưa” là oai thừa, cái oai ấy vẫn còn. Khi đọc đến câu cuối, thú thật, y không thể không bật ra tiếng cười nho nhỏ: “Hồ Tây còn vẳng tiếng chuông bu”. Tiếng chuông bu nó ra làm sao? Phải là chuông bong/ bong bong mới dễ hiểu hơn chăng? Thật bất ngờ khi Việt Nam tự điển (1931) do Hội Khai trí tiến đức ở ngoài Bắc khởi thảo có ghi nhận: “Bu lu: cái chiêng, do tiếng kêu mà đặt tên”.
Trong cái sự ngân vang của “tiếng chuông bu” ấy, ông Vũ Ngọc Phan nghe ra: “có một giọng ai oán thê thảm như cái vang ngân của tiếng chuông chùa “bu lu bi li” trên mặt nước Hồ Tây”. Ở truyện ngắn Chém treo ngành, nhà văn Nguyễn Tuân lại cảm nhận: “Một tiếng loa. Một tiếng trống. Ba tiếng chiêng. Rứt mỗi hồi chiêng mớm, thì một tấm linh hồn lại lìa khỏi một thể xác. Tùng! Bi li! Bi li!”. Thì ra, với âm thanh mỗi người có cách cảm nhận khác nhau.
Từ “bu” này cũng lắm chuyện. Cái chụp đan bằng tre, nứa giống như cái nơm dùng để nhốt gà, ngoài Bắc gọi cái bu, trong Nam lại gọi cái bội. “Trong chay ngoài bội” thì bội trong thành ngữ này lại là hát bội. Lan man chuyện chữ nghĩa xưa cũ mà không ghi nhận cách từ mới là một thiếu sót. Chẳng rõ tài trí của người Việt thông minh đến cỡ nào, đã sáng chế ra những gì thuộc lãnh vực kỹ thuật, muốn biết rõ cần phải đọc, phải tìm hiểu chán chê chứ không thể phán bừa một câu cho xong. Thiên hạ cười cho. Vì lẽ đó, y không dám trả lời. Chỉ biết rằng, hiện nay nay người Việt rất có khả năng, trình độ nhằm biến hóa từ ngữ.
Xin đưa ra một thí dụ, báo Tuổi Trẻ số ra ngày 8.9.2017 đăng tin Làm rõ clip cảnh “tiếp thị sữa” hỗ trợ CSGT. Khỏi cần giải thích lòng vòng, ai cũng biết tiếp thị sữa là gì rồi, nhưng ở đây lại hoàn toàn mang một ý nghĩa khác hẳn. Trên báo Tuổi Trẻ cười số số 532 ra ngày 1.10.2015, qua báo Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ, cây bút trào phúng Tú Hợi giải thích: “Khi thấy mấy chiếc xe chạy sai chiều, phu-lít cứ việc chổng khu thổi tu huýt nghe hoét hoét, lập tức chúng dừng lại cái rụp. Cứ việc ghi biên lai phạt là xong. Nếu chúng ương ngạnh, cãi cọ lôi thôi, cãi chày cãi cối à? Việc gì phải đôi co với bọn khố rách áo ôm ấy? Chỉ cần nháy mắt ra hiệu, lập tức có ngay vài thằng đầu trâu mặt ngựa đang đứng xớ rớ đâu đó nhảy vào đấm đá túi bụi. Đánh luôn một trận ra trò. Đánh cho nhớ cho chừa. Lần sau, phải xìa tiền phạt ra. Chớ có ngu ngốc cãi nha con. Nhẹ thì thuốc thang vài tháng. Nặng thì chầu Diêm vương”. Ấy là bọn “tiếp thị sữa”.
Mới đây, lại nghe thêm câu thành ngữ mới: “Đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì”. Không rõ ai là người đã có “sáng kiến” vận dụng cái phong bì ngày càng “siêu việt”. Tất cả những gì cần “thay lời muốn nói” đều phải thông qua cái phong bì. Nhanh và gọn. Vừa công khai, vừa kín đáo. Trong nhiều mối quan hệ, đều phải cần sử dụng đến nó. “Đường vào biên chế quanh co / Muốn đi đường tắt phải lo phong bì”. Đại khái là thế. Mà một khi sử dụng phong bì như một “công nghệ” thì chẳng còn gì để nói nữa. Sự méo mó ngữ nghĩa của tiêng Việt bi hài đến thế là cùng.
Trời đã chiều. Rồi chiều cũng đã chiều nốt. Một ngày đã cạn dần. Một buổi chiều. Nhiều buổi chiều. Chẳng gì khác. Chẳng mấy chốc lại bước sang bên kia dốc của đời người. Năm tháng lại trôi đi. Biết thế, hãy cứ vui lên đi. Đôi lúc cười cợt một lúc cho nhẹ nhàng. Tìm kiếm trong dòng chảy của đời sống mỗi ngày, nếu cảm thấy khó quá thì cứ việc lui về chốn thư hương. Mở rộng cửa phòng nhẩn nha cùng vài trang sách. Đôi khi niềm vui chỉ có thế, ai cũng có thể có, việc gì phải than phiền khi đã ngoài ngũ thập tìm kiếm niềm vui sao lại khó quá. Thôi thì hãy cứ tự nhủ: “Vẫn còn đây sợi tơ lòng đồng vọng/ Dẫu hư vô sự vật vẫn hữu hình/ Trong bóng tối vẫn chói ngời ánh sáng / Muốn tĩnh tâm, anh cứ hỏi lòng mình”.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|