Đi nhậu lai rai cũng là một cách tìm kiếm, ghi chép thêm một vài chữ. Chữ đã cũ. Chưa từng nghe. Thiên hạ đã nói nát nước rồi. Nhưng, với y lại mới. Chiều qua, ngoài trời loáng thoáng mưa. Trên đường đi, như thói quen mọi lần, vẫn là lẫm nhẫm một hai câu thơ bất chợt ùa đến trong đầu. Rồi khi đến quán, ngồi xuống bàn, lấy bút ghi lại là xong. “Từ Đà Nẵng đến Sài Gòn/ Tặng bạn quyển sách vẫn còn thư hương/ Giọt bia nhòe nhoẹt chiều sương/ Học theo lá nõn ven đường an nhiên”. Thế thôi. Đến mùa lá nõn. Cuối mùa lá rụng. Chớ lăn tăn gì. Cưỡng cầu mà chi.
Ngay lúc nhà hàng dọn ta món có bông điên điển ăn kèm, anh Biền nói rằng, ở Nam bộ có câu thành ngữ: “Rể điên điển”. Chẳng rõ câu này ngụ ý là gì?
Thời sinh viên năm thứ 2, y đã đi thực tế ở An Giang. Đi ghi chép văn học dân gian. Đã thấy hoa điên điển vàng rực trên dòng kênh. Sáng sớm ngồi xuồng theo anh chủ nhà đi hái bông điên điển. Và tất nhiên, làm sao không có thơ được chứ? Tình yêu đôi lứa trong bài thơ Chèo xuồng trên kênh Sình Hù in ở tập Trong cõi chiêm bao (1989), chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng: “Dòng kênh lấp lánh tiếng cười/ Níu xuồng nghiêng phía chỗ ngồi của em/ Tôi đâu dám nói gì thêm/ Hương vú sữa rót lênh đênh dịu dàng/ Nói gì tôi cũng xin khoan/ Vầng trăng còn khuyết. Vội vàng làm sao?/ Ỡm ờ em ngó trời cao/ Tôi nhìn xuống nước xôn xao cớ gì?/ Chiếc xuồng chậm rãi trôi đi/ Còn tôi hóa đá ngồi lì tỉnh bơ/ Dối lòng nên lại ngó lơ/ Vàng hoa điên điển vật vờ trôi theo”.
Hái hoa điên điển đem về xào dầu, mỡ ăn rất ngon. Thời bao cấp xa xăm ấy, được thế, đã là ngon. Rất ngon. Còn nhớ mãi đến giờ.
Mà “Rể điên điển” là gì vậy? Lưu ý, ở đây “rể” dấu hỏi, là con rể, làm rể, “Ăn trầu không có rễ như rể nằm nhà ngoài”, “Dâu dâu, rể rể cũng kể là con”…; chứ không phải “rể” ngã qua dấu ngã để thành cái “rễ” - một bộ phận của cây, đâm sâu xuống đất/ bùn để hút dinh dưỡng nuôi cây. Theo anh Biền, đặc điểm của rễ cây điên điển là nó theo con nước. Nước cạn nó chỉ dài chừng ấy; nước sâu thì nó lại dài theo. Nói cách khác, tùy thời, tùy lúc mà rễ cây điên điển có sự thể hiện khác nhau, chứ không phải trước sau như một.
Với người miền Nam, cây điên điển rất quen thuộc, do đó, họ mượn sự đồng âm của rể/rễ để có thành ngữ “Rể điên điển” - ngụ ý chê trách con rể ở ăn không ra gì với gia đình vợ, khi “năm nắng năm mưa”, lúc cà trật cà duột, lúc thế này khi thế khác. Thậm chí ngay cả lúc bên nhà vợ đang tang gia bối rối: “Hỏi nào chàng rể ở đâu?/ Chàng rể uống rượu đi sau nói xàm”. Thì còn ra cái thể thống gì nữa? Loại rể ấy, làm sao có thể thốt được câu khiến ba má/ tía má vợ nghe mát cả ruột: “Thắp nhang cho sáng bàn thờ/ Kẻo cha mẹ quở không nhờ rể con”.
Có những câu thành ngữ, rõ ràng không xuất hiện từ rễ/rễ cây nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu thì lại thấy. Thế mới là sự lắc léo của tiếng Việt. Chẳng hạn, đã từng nghe “Lục lăng củ trối”. Xin hỏi, củ trối là củ gì vậy? Đại từ điển tiếng Việt (1999) hoàn toàn không có từ củ trối. May quá, Đại Nam quấc âm tự vị cho biết củ trối đích thị là... cái rể. Kỳ quái chửa? “Rễ cái lớn ở dưới sâu. Nguyên củ cái lâu năm nằm ở sâu khó bấng khó đào. “Bấng cho được củ trối” thì là lấy cho hết gốc, làm cho hết cái khó”. Nhân đây nói tạt qua một chút, “bấng” tức “bứng” theo cách nói của người Nam thuở xưa. Thỉnh thoảng đọc ca dao lại thấy sự biến âm tương tự: “Canh tư cất tiếng thề nguyền/ Khứ lai miêng bạch cho tuyền thủy chung”; “Phụ phàng chi mấy phụ phàng/ Keo sơn bậu đành dứt, ngỡi vàng bậu đành vong” v.v… Rõ ràng là miêng/ minh; ngỡi/ nghĩa...
Tại sao “lục lăng” lại kết model với “củ trối” để trở thành một câu cửa miệng của người miền Nam? Trước hết phải hiểu “lục lăng” là cái quái gì trước đã. Cũng theo Đại Nam quấc âm tự vị: “Cây tròn mà có khía; cây bền chắc; đứa ngang tàng không biết phép”. Cả hai loại ấy đều thuộc hạng gan lì, lì đòn, lì lợm như ta đã biết, do đó lúc kết hợp là nó dùng để chỉ hạng người cứng đầu cứng cổ, to gan lớn mật, ngang tàng, khó dạy bảo, sai biểu, ương bướng thầy chạy, hết thuốc chữa.
Mà có thật đó là câu nói của người Nam bộ?
Lý lẽ của học giả An Chi là từ câu "Lục lâm thảo khấu" và ông cho rằng: “Lục lăng là do nói trại từ Lục Lâm mà ra. Hai tiếng Lục Lâm vốn là tên một ngọn núi ở phía Đông Bắc huyện Đương Dương, miền Kinh Châu, nằm trong dãy núi Đại Hồng, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày nay. Núi này nguyên là nơi tụ tập của những người nổi dậy chống lại chính quyền Vương Mãng vào cuối đời Tây Hán. Sử Trung Quốc ngày nay gọi đó là cuộc khởi nghĩa Lục Lâm, những nhà nước phong kiến Trung Hoa ngày xưa thì coi đó là giặc cho nên đã dùng hai tiếng lục lâm để chỉ những người chống chính quyền hoặc những tên bạo tặc cướp phá tài sản của dân lành. Nghĩa này đã được Mathews’ Chinese-English Dictionary ghi nhận là: “a bandit” (tên ăn cướp). Trong phương ngữ Nam Bộ, do không biết rõ xuất xứ nên nhiều người đã nói trại hai tiếng lục lâm thành lục lăng và hiểu là “đứa ngang tàng không biết phép” như đã dẫn ở bên trên” (Chuyện Đông chuyện Tây, NXB Trẻ - 2005, tr. 81).
Còn có câu thành ngữ nào cũng ra đời tương tự?
Chắc là có. Trước mắt, nêu lấy câu Cán ống nhựt dạ, Đại Nam quấc âm tự vị giải thích: “Giấy việc quan phải đệ đi gấp, chẳng kì ngày đêm”. Thành ngữ này dần dần nói trại thành: “Cắn ống giựt nhợ” và còn tồn tại đến nay - nhằm chỉ phải hành động, thực hiện ngay việc gì do một cách nhanh chóng, gấp rút, không thể chần chừ. Rõ ràng, “nhựt dạ/nhật dạ” âm Hán Việt (chỉ ngày đêm) đã biến hóa thành “giựt nhợ/giật nhợ” một cách nôm na, ngon lành, dễ hiểu. Chỉ nghe thoáng qua đã dễ dàng liên tưởng tới một việc bức bách, phải làm ngay: “Ai về nhắn với ông câu/ Cá ăn thì giựt để lâu hết mồi”. Nhợ là dây đánh bằng sợi, xe bằng chỉ như nhợ câu dùng để câu cá.
Một khi nghe tới từ nhợ, lâp tức ta liên tưởng đến dây nhợ lằng nhằng, vướng víu, “Dây mơ rễ má”, chằng chịt đan xen, quấn chặt, níu vào nhau, khó tháo gỡ. Tỷ như hai người bạn thân thiết, đến lúc không còn hợp tánh hợp nết, họ chia tay nhau, ấy là lẽ thường tình. Nhưng rồi có trường hợp không dễ dàng đâu, nếu người A nợ người B; hoặc ngược lại mà không chịu trả nợ. Thế mới phiền. Thành ngữ miền Nam có câu: “Nợ đóng cúc” là nợ dai không chịu trả, có đòi, có réo cũng chỉ nghe hứa với hẹn, hứa hẹn dai như giẻ rách, như “Con ma nhà họ Hứa”. Thế không lằng nhằng là gì?
Có phải cúc là nút? “Áo đơm năm nút viền tà/ Ai đơm cho bậu hay là bậu đơm? ”Đóng cúc” trong ngữ cảnh nợ nần kia, lại là do “đinh cúc” nói gọn, ông Huình Tịnh Paulus Của cho biết: “Đóng cúc: Đóng thứ đinh có búp trên đầu, nghĩa mượn là dai hoi. Mượn vật chi không muốn trả thì kêu là đóng cúc”. Nay, từ đóng cúc đã mất. Nếu cần, chỉ mắng quỵt/quỵt nợ (thường chỉ về tiền bạc). Câu trên, ông Paulus Của viết từ những năm 1895, nay có từ cũng đã “Mất hút con mẹ hàng lươn”: Dai hoi - tức là “Bộ bền bĩ, bộ dùi thẳng; để lâu lắc”.
Như đã biết, dây nhợ phải cùng một loại dây, chứ không thể thứ nọ xọ thứ kia, nửa nạc nửa mỡ, vì thế, ở miền Nam mới có tiếng lóng: “Dây thép lạc dừa” là tin đồn, tin truyền miệng, nói như ngôn từ thời buổi này là tin thông tấn vĩa hè. Mà loại tin ấy, nếu thất thiệt, nói dóc, không có chứng cứ rõ ràng ắt bị xếp vào hạng tin vịt. Vì sao gọi tin vịt? Ối dào, trả lời câu này, mỗi người giải thích mỗi phách, chẳng hạn, từ điểnVi.wikipedia cho rằng: “Thuật ngữ "tin vịt" được nhập vào báo giới chữ Quốc ngữ Việt Nam theo các báo Pháp hồi cuối thế kỷ 19, được dịch từ tiếng Pháp "canard" có nghĩa gốc là con vịt, nghĩa bóng chỉ "tin tức giả mạo", ở mức nhất định là để chỉ "báo chí" với điển hình là tờ Le Canard enchaîné (Vịt bị xích)”.
Có cần phải liên hệ xa xôi đến thế không?
Theo y, vịt ở đây đơn giản chỉ là từ vờ vịt mà Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “Làm ra vẻ thế nào đấy để người ta tưởng là thật, cốt để che giấu: Làm bài đi vờ vịt mãi - giả vờ giả vịt”. Ắt có người cãi: “Ơ hay, sao không là con gì khác? Mà cứ phải là vịt?”. Thưa, trong tâm thức người Việt quan niệm: “Nghe như vịt nghe sấm” là nghe chỉ để mà nghe, chẳng hiểu ất giáp gì sất, không nhận thức được gì. Một kẻ như thế dẫu có dạy dỗ cũng chẳng khác gì “Nước đổ đầu vịt”, có bổ đầu ra nhét thông tin vào đầu cũng bù trất. Nói cách khác, với con vịt thì nó hoàn toàn không thu thập được thông tin chính xác nào cả - bởi chỉ nghe "ù ù cạc cạc". Vậy thì một khi nghe thông tin bịa đặt, không có thật, không chính xác thì như một lẽ tự nhiên, người ta xếp ngay vào hạng tin vịt/ tin vờ vịt là vậy.
Thì tạm thời cứ cho là thế.
Rồi chẳng lẽ, cụm từ “Tin xe cán chó” cũng bắt nguồn từ sự vây mượn xa lắc xa lơ như “Tin vịt” nữa à? Không đâu. Thành ngữ có câu: “Chó chết hết chuyện”, mà con chó, trời ạ, với người Việt chẳng mấy lúc được nâng niu, chỉ xếp vào hạng thấp kém, chẳng ra làm sao. Này nhé: Treo đầu dê bán thịt chó, Mèo đàng chó điếm, Lơ láo như chó thấy thóc, Giỡn chó chó liếm mặt, Bẩn như chó, Chó mặc váy lĩnh v.v… và v.v… Chó còn là tiếng chửi tục tằn. Ông Tú Xương trợt vỏ chuối khoa thi năm Qúy Mão (1903), cáu quá bèn lôi ngay con chó ra mắng: “Tế” đổi làm "Cao" mà chó thế!/ "Kiện" trông ra "Tiệp" hỡi trời ôi!”. Có kẻ thất chí, bất đắc chí, chẳng rõ tài cán bao nhiêu, chữ nghĩa thế nào, khi gặp cảnh ngộ không ưng ý cũng “phán” ngậu xị: “Sự đời như cái lá đa/ Đen như mõm chó, chém cha cái sự đời”!
Thậm chí cô nàng kia, chẳng rõ vì cơn cớ gì mà lúc đêm hôm, anh chồng không chịu nằm chung. Né tránh “giao ban”. Không chịu “trả bài”. Bực quá đi mất. Làm gì đây cho thỏa cơn hả trời? Dễ thôi. Cô nàng: “Nổi giận đùng đùng ném chó xuống ao/ Đến đêm chồng lại lần vào/ Vội vàng vác sọt đi chao chó về”. Nếu anh chồng không chịu “lần vào” ắt có lẽ con chó đáng thương kia đã “xong phim”. Mà trong vụ cà chớn cà cháo, cơm không lành canh không ngọt, con chó nào có liên quan gì mà phải chịu cảnh “Giận cá chém thớt”? Thì ra con chó dễ bị “bắt nạt” quá đi mất.
Tóm lại, thân phận con chó chẳng ra gì cả.
Vậy thì, “Tin xe cán chó” là cái tin không quan trọng. Thừa “đất” thì đăng, bằng không ném sọt rác vẫn chẳng sao cả, chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới.
Nói đi cũng phải nói lại. Dù xem con chó chẳng ra gì nhưng rồi lúc nó ngủm củ tỏi, con người ta phải nịnh/ lấy lòng nò đấy. Bằng chứng thành ngữ có câu: “Tiền cột cổ chó”. Đại Nam quấc âm tự vị giải thích; “Của bỏ, của bố thí. Ngu tục hiểu con chó chết rồi, hồn nó giữ cầu âm giái/ giới, cho nên phải cột tiền hối lộ mà tống táng, họa ngày sau nó đã không cắn mà lại đưa mình qua cầu âm ti”. Đành rằng, đây là “ngu tục” nhưng ngẫm lại vẫn là lòng nhân của con người dành cho con vật trung thành, sống có ích. Phải chăng, ông bà ta đặt ra tục ấy nhằm hạn chế đi sự sát sinh, giết chó ăn thịt chăng? Ước gì, “ngu tục” ấy trở lại trong thời buổi này, vì rằng đã không ít kẻ vì trộm chó mà chết thảm thương, phải trả giá sinh mạng ngang bằng con chó. Vào Google gõ từ khóa: “Chết vì trộm chó” lập tức có ngay kết quả: “Khoảng 308.000 kết quả (0,50 giây)”.
Còn gì kinh khiếp hơn?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|