LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.10.2016

 

sach-dasm-thoai-Phap-Viet-xx

 

Mưa lâm râm trên núi mưa về

Ướt cây, ướt lá, không dè ướt em

Cha chả là hay. Tại sao hay? Khó có thể giải thích thích rành mạch, rõ ràng. Đứng trước mặt người đàn bà đẹp, lại mới quen, liệu có ai dám sổ sàng bàn đến chuyện giường chiếu không? Chớ dại. Lúc ấy, chỉ có thể âm thầm cảm xúc, lặng lẽ tưởng tượng và tuyệt đối im lặng. Câu ca dao trên nó hay chỗ nào? Ở vần “è” chăng? Dè dặt. E dè. Không dè. Nào dè. Khi phát âm tiếng “dè” có phải cái lưỡi áp xuống và miệng há ra trong chừng mực? Căn cứ vào cách biểu hiện của miệng và lưỡi, chẳng hạn, từ “o” lúc phát âm cái miệng tròn như chữ o, chữ “ô” cái miệng cũng tròn nhưng hơi nhô ra v.v… ông Lê Văn Siêu có lẽ là người trước nhất đã xếp tiếng Việt theo 22 bộ tượng hình. Chẳng hạn, “è” thì ông xếp vào “bộ béo” cùng với ị, ệ, ì, ề tả những hình dáng béo mập như béo ị, phệ bụng, phát phì, bị, bị xị, xề, bè v.v… Có thể tìm đọc trong bộ sách Việt Nam văn minh sử. Phải là người yêu tiếng Việt, đắm đuối với tiếng Việi, ông Siêu mới nhọc công, mày mò phân loại....

“Ướt cây, ướt lá, không dè ướt em”. Câu ca dao hay ở chỗ, sự ngạc nhiên, sửng sốt của cô gái. Mưa, tất nhiên là ướt, nếu không trú, có chừa ai đâu. Thế nhưng cô gái lạ ngạc nhiên một cách lạ lùng đến độ “không dè”, “ai dè”, “dè đâu”, “không ngờ”. Mà “dè” cũng đồng nghĩa với “dè/dè dặt” - tức dùng nhín/nhón từng chút một, đề phòng lúc thiếu như “ăn dè”, “uống dè”. Thành ngữ có câu “Chặt tre dè đầu mắt”, “dè” ở đây lại kiêng dè, kiêng nể. Tùy ngữ cảnh, tâm thế đó có thể thay qua từ khác, chẳng hạn “Đánh chó ngó chủ”. Lúc ấy, con mắt láo liên, nhìn trước ngó sau, cẩn thận rồi mới dám ra tay.

Từ “dè” có đi gần với “đè” không? Ngớ ngẫn chưa, hỏi thế mà cũng hỏi. Bùi Giáng có câu thơ lung linh sắc nước: “Người con gái lội qua khe/ Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau/ Nỗi niềm tưởng lại xưa sâu/ Bàn chân với nước cùng nhau lại đè”. Đè là lấy sức mạnh áp lên trên mà đè xuống, nhận xuống, dằn xuống. Câu ca dao có từ “đè”, bấy lâu nay y ghét cay ghét đắng: “Hôm qua lên núi hái chè/ Gặp thằng phải gió nó đè em ra”. Ghét vì hành động sự cưỡng bức, không có sự đồng thuận mà ép, chiếm đoạt cho bằng được. Thật ra, câu ca dao này chẳng phải do người phụ nữ nào than thở cả, chỉ là lời lếu láo, bông phèng của bọn đàn ông ăn không ngồi rồi, rỗi việc, “tám” giết thời giờ nên mới bịa ra dăm câu nhảm nhí mua cười. Bằng chứng nữa, thêm hai câu sau, nó thô tục quá vì thế không dẫn chứng ra, lại càng không phải là lời ăn tiếng nói của phụ nữ xưa nay.

Cái “đè” chỉ sự thật thà người Việt: “Ống tre đè miệng giạ” là cứ thật thà đong cho bằng miệng giạ. Ối dào, từ “giạ” nay vẫn còn nghe đấy nhưng giải thích ra làm sao? Theo ông Huình Tịnh Paulus Của (1895): “Đồ đong lúa, đương (đan) bằng tre, giống cái thúng sâu lòng, thường dựng chừng 10 ô trở lại”. Hiểu rõ chưa? Chưa ạ. Bởi “ô” là gì? Hãy nghe giải thích tiếp: “Ô: đồ dùng mà đong lúa gạo, đúc bằng đồng hoặc tiện bằng gỗ”. Có nhiều loại “ô” mà “ô mười” là ô đong gạo lớn nhất. Cái ô này, nay nhiều nhà đã thay qua dùng lon sữa bò cho nó tiện.

Hiểu rõ chưa? Chưa ạ. Bởi “ô” đó đựng được bao nhiêu gạo, trọng lượng cụ thể ra làm sao làm gì? Ca dao Nam bộ có câu: “Tĩn ve chai năm nay sụt giá/ Tôi bán không khá/ Tôi trở về Rạch Giá mua một giạ khoai lang”. “Giạ” hiểu theo nghĩa trên, ngoài Bắc có sử dụng không? Việt Nam tự điển (1931) chỉ ghi nhận: “Giạ: dệt bằng lông chiên như áo giạ, chăn giạ”. Vậy dùng từ gì? Từ “lường: đong lường, lường gạo v.v…

Trong tủ sách gia đình của y có quyển Manuel de Conversation Française - Annmite in tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX cho biết: “Về phép lường thì ngày xưa nói chắc không đặng, vì mỗi tỉnh đều có đồ dùng riêng hết thảy. Trong tỉnh này thì kêu bằng “lường”, trong tỉnh kia thì kêu bằng “vuông”, trong tỉnh nọ thì kêu bằng “giạ”. Bởi đó cho nên kẻ mua phải coi cho biết trước lường ấy, bởi vì thuở nay trong xứ nầy đồ lường không giống nhau” (tr.176-177). Có thể hiểu, lường là đo lường, đong, tính toán. Ông trạng Lương Thế Vinh do soạn sách dạy toán pháp nên được tôn vinh Trạng Lường là vậy. Tiện tay chép lại từ quyển sách trên những từ có liên quan đến lường mà nay đã mất hút: Toát = 1 Nhón; Sao = 1 nhắm; hạp = 10 thược; thược = 10 sao; thăng = 10 hạp; đấu = 10 thăng; hộc = 10 đấu.

Rồi cũng tiện tay chép thêm vài từ khác nữa.

Chẳng hạn, lâu này trong các bài khảo cứu về cà phê du nhập vào Việt Nam, nhiều người đã viết rất tốt. Có công tra cứu loại thức uống đó xuất hiện từ lúc nào, người Việt tiếp cập ra làm sao v.v… Có điều, họ đều dùng từ “cà phê”. Thật ra, thuở ban đầu người Việt, cụ thể ở Sài Gòn còn dùng một từ tương đương nữa. Xin đọc câu đàm thoại: “Les caféiers ne prospèrent pas/ Cây trà phe không tốt gì” (tr.32). Lại nữa, “Buvez - vous de la bière du vin?/ Anh uống rượu bọt hay rượu chát” (tr.133). Rõ ràng, tiếng tiếng “rượu bọt” được sử dụng trước, nay mất hút, chỉ có thể là bia. Lại nữa, về từ “cảm ơn”: “Merci; quel est votre nom?/ Ừ, giã ơn, chú tên gì?” (125) v.v… Thú vị câu này: “Ông có ăn trầu khi nào chưa?”, “Chưa có lần nào hết, tôi lấy làm gớm lắm, nhất là khi mấy bà già hay ăn trầu, cái miệng họ đỏ lòm tợ như máu trong miệng mà chảy ra vậy (tr.79) v.v…

Ngay cả sau này, thập niên 1930, khi sang Việt Nam, vua hề Charlot -  Charlie Chaplin  (1898 - 1977) còn kinh ngạc, thốt lên” không dè” khi thấy phụ nữ người Việt còn ăn cả chí/chấy nữa. Thật không? Nói có sách mách có chứng. Năm 1936, sau khi quay xong phim Thời đại mới, vua hề Charlot -   cùng với cô Paulette Goddard làm một chuyến viễn du. Từ Los Angeles họ đáp tàu thủy sang San Francisco. Tại đây, ban đầu họ định đi Trung Quốc, nhưng sau đó đổi ý, đi Honolulu. Sau đó họ đến Nhật, Singapore, Hong Kong và Việt Nam. Trong chuyến đi này, Charlot và Paulette Goddard “đã làm lễ cuới bí mật trên một chiếc tàu chạy giữa sông Thái Bình Dương và tận hưởng tuần trăng mật” (Sạc-li Sa-plin của Phạm Văn Khoa - NXB Văn hóa - 1984). Cũng theo sách này, khi đến Hà Nội, hai người đã ở tại khách sạn Métropole.

Lâu nay, ta chỉ mới biết đến thế về những ngày Charlot ở Hà Nội. Gần đây đọc lại bộ Phong hóa (số 185 ra ngày 1.5.1936), y thấy có bài “Phong hóa phỏng vấn Charlot” do nhà văn, nhà báo Thạch Lam thực hiện. Trang bìa vẽ cảnh một đám tang ở nông thôn miền Bắc với dòng chữ chú thích: “Người hướng dẫn: - Ông Lý làng này vừa mới chết, mọi người đương kéo đến ăn đầy nhà. Charlot (sững sốt): - Họ ăn thịt người à?”. Quả là một bức tranh ý vị. Khi đối diện với Vua hề, nhà văn Thạch Lam nhận xét: “Tôi đã quen nhìn Charlot với bộ râu và cái mũ lệch, đến nỗi bây giờ ngồi trước mặt Charlot thật tôi hơi lấy làm lạ. Nhưng cũng vẫn là một con người, vẫn đôi mắt đen và sáng, vẫn cái nhìn sâu xa nhiều ý nghĩa của anh “ma-cà-bông” trong phim Ánh sáng của thành phố”.  Trong bài phỏng vấn, Charlot đã trả lời nhà báo Thạch Lam về bộ phim Thời đại mới:

- Tôi rất muốn tả cảnh đời máy móc bây giờ. Người làm nô lệ cho máy, cũng làm những công việc như máy, rồi cũng vô giá trị như máy vậy. Cái vai tôi đóng trong phim ấy là một anh chàng bị máy móc và công việc trong nhà máy làm thành ngớ ngẩn... Bởi thế đi đến chỗ nào anh ta cũng tưởng tượng ra cái đinh ốc, là công việc của anh ta trong cái nhà máy...

- Thế khi sang đến đây, ông còn tưởng tượng xoáy đinh ốc nữa không?

- Có phải tôi đâu. Người trong phim kia mà. Tôi nói nốt: sau cùng anh ta trốn về nhà quê, gặp được cô gái quê ngây thơ và xinh đẹp...

Tôi ngắt lời:

- Là cô này có phải không ? Thế thì ông sung sướng thật !

Cô Paulette hơi đỏ mặt vì lời khen tặng của tôi, mỉm cười”.

Sau đó, nhà văn Thạch Lam đã “vụt nẩy ra một ý kiến làm quảng cáo cho nước nhà:  “Nếu ông cần có ý kiến lạ thì bên tôi nhiều lắm. Tôi sẽ nói cho ông nghe. Ví dụ, ông có thấy ở nước nào đám tang thì mổ bò ăn khao và thổi kèn Madelon bao giờ không ? Chắc là không. Ấy thế mà ở nước tôi có. Lại còn các cụ Lý quê đi đâu thì treo đôi giày cẩn thận ở đầu ô, sợ nó mòn. Giá lần sau ông cho anh Charlot treo đôi giày trên đầu ô rồi nghênh ngang ở phố Chicago thì có phải thú không?”. Charlot nấc ra cười: “Tôi cũng đồng ý với ông”.

Trong lúc hai người trò chuyện, cô Paulette hỏi nhà văn Thạch Lam: “-Tôi xin lỗi, tôi hỏi ông một câu. Từ khi sang đây, tôi hằng thấy ở các vệ hè thành phố, những ngày nắng từng túm tụm đàn bà, con gái ngồi. Một người xõa tóc, còn một người bới tóc và thỉnh thoảng họ đưa tay lên mồm. Họ làm gì thế thưa ông?”. “- Họ... họ... ngồi phơi nắng!”. “- Phải, cái đó tôi biết rồi. Ở bên Mỹ chúng tôi cũng ngồi phơi nắng luôn. Nhưng còn cái việc khác kia?” . “- À... ấy là họ bắt chấy cho nhau”. “- Bắt chấy! Trời ơi họ lại ăn chấy nữa à?”.  “- Ăn rồi nó cũng quen đi!”.

Qua đối thoại này, ta đã thấy được vài “sự lạ” mà Charlot đã “không dè” đến độ ngớ người ra. Và chính ông hứa là sẽ đem những tình tiết này vào trong bộ phim sẽ thực hiện sau khi về nước. Rất tiếc, sau đó, Charlot đã không làm, vì như  đã biết, sau Thời đại mới thì ông bắt tay vào làm Kẻ độc tài (1940). Chưa dừng lại đó, qua số báo sau (số 186 ra ngày 8.5.1936), nhà văn, nhà báo Thạch Lam lại có bài tổng kết Các báo phỏng vấn Charlot từ các báo Trung Bắc, Đông Pháp v.v... Và ngoài bìa số báo này, chúng ta thấy Báo Phong hóa vẽ cảnh Charlot và Paulette đứng xem xe đám ma! Bức tranh này có tên Dung hòa Âu - Á với lời chú thích trên cùng: “Lệ của ta: mẹ chết thì con trai phải đi thụt lùi trước linh cữu. Nhưng ngày nay, con trai đứng trên xe hơi và xe... chạy thụt lùi!”.

Cũng trong số báo này, thấy có bài thơ “Vua hề Charlot” của Vua trào phúng Tú Mỡ: “Chẳng mấy khi Vua hề Sạc-lố/ Đất Lạc Hồng quá bộ sang chơi/ Tú tôi vui vẻ dâng lời/ Tung hô vạn tuế vui cười thế gian/ Ngài du lịch không quan hộ giá/ Chẳng cung nhân hầu hạ bên mình/ Chẳng kèn, chẳng trống linh đình/ Chẳng cờ, chẳng quạt linh tinh rợp trời/ Một mình với một người tri kỷ/ Cuộc Nam du phỉ chí tang bồng/ Lu bù vui với núi sông/ Danh lam thắng cảnh thỏa lòng ngao du/ Chẳng phiền nhiễu kẻ thù người tiếp/ Chẳng “đít-cua”, chẳng tiệc chẳng tùng/ Tay không lẫm liệt oai hùng/ Thế mà thiên hạ nức lòng hoan nghênh/ Môn giễu cợt tài tình có một/ Khiến đời cười nôn ruột nôn gan/ Hỏi rằng trong khắp nhân gian/ Ai còn lạ mặt anh chàng hề kia/ Trên mép điểm bộ ria lún phún/ Mặt ngây ngô, đần độn, lì lì/ Thân hình, dáng dấp dị kì/ Áo quần luộm thuộm, chân đi vòng kiềng/ Trò ngộ nghĩnh nghề riêng tài giỏi/ Tiếng Vua cười thế giới lừng danh”

Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên của thi ca Việt Nam hiện đại “Vịnh”... Charlot! Mà nay đọc lại vẫn thấy thú vị. Và lại càng thú vị với cái sự “không dè” của cô Paulette Goddard lúc đi cùng Charlot sang Việt Nam. Còn y, những ngày này, “không dè” đến chuyện gì vậy?

Mưa lâm râm trên núi mưa về

Ướt cây, ướt lá, không dè ướt em

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment