LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.10.2016

 

kyyeukhoa-hpoc-Nma-Bo-1R

 

Sáng hôm qua, đi Bình Dương. Tham dự Hội thảo khoa học Hội thảo Văn học và Ngôn ngữ Nam Bộ do Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH KHXH & NV-ĐHQG TP.HCM), Trường Đại học Thủ Dầu Một, Viện Văn Học đồng tổ chức.

Trong hiểu biết của y, từ trước đến nay, vẫn chưa có nhiều tập sách nghiên cứu về văn học miền Nam. Họa hoằn lắm, chỉ mới thấy trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) có đề cập đến, nhưng cũng chỉ vài nét sơ lược. Về sau, các nhà nghiên cứu trong Nam như Phạm Văn Diêu, Nghiêm Toản, Phạm Thế Ngũ, Phạm Việt Tuyền, thi sĩ Đông Hồ, Ca Văn Thỉnh, Phan Văn Hùm… có quan tâm, lưu ý nhiều hơn nhằm bổ sung cho sự khiếm khuyết này. Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này vì suốt thời gian dài, từ khi có văn học chữ Quốc ngữ, mảng văn chương, báo chí, ngôn ngữ miền Nam ít được đề cập đến. Thậm chí, còn có quan niệm lệch lạc rằng  Nam Bộ không có văn học và ngay cả tiếng nói của người miền Nam chỉ là thổ ngữ v.v…

Đến Bình Dương lần này, y hào hứng lắm. Có thể xem đây là hội thảo lớn nhất, có tầm vóc nhất bàn về văn học và ngôn ngữ Nam bộ với 123 tham luận, diễn giả đến từ nhiều tỉnh thành. Hội thảo bàn nhiều vấn đề từ lý luận văn học, văn chương Quốc ngữ, Hán - Nôm, văn học dân gian, vấn đề ngôn ngữ… từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1975. Tập Kỷ yếu Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM) gồm 2 tập với hơn 1.300 trang khổ lớn cũng được ấn hành.

Từ sau Đổi mới đến nay, nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Huệ Chi, Lê Giang, Đoàn Lê Giang, Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Quảng Tuân… đã có nhiều chú tâm hơn về văn hóa Nam Bộ qua các công trình nghiên cứu có gía trị, Tuy nhiên, vẫn chưa đủ vì vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngõ… Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, ngày nay giới nghiên cứu ghi nhận nhà văn Song An Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973) là đại biểu khởi đầu đích thực, là người cắm cột mốc quan trọng cho sự hình thành của thể loại này với tác phẩm Tố Tâm in năm 1925. Nhưng trước đó tại Sài Gòn, năm 1887, P.J.B Nguyễn Trọng Quản (1865 - 1911) cũng đã cho xuất bản truyện Thầy Lazaro Phiền.

Tuy nhiên trong tham luận Nghĩ về sự “mất tích” của văn chương Quốc ngữ Lục tỉnh cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX trong văn học sử Việt Nam, nhà báo Trần Nhật Vy lại chứng minh, trước đó rất nhiều năm, từ năm 1881 chính nhà văn Trương Minh Ký với truyện Truyện Lang Sa diễn ra Quốc ngữ, in từng kỳ trên Gia Định Báo mới là người viết truyện đầu tiên.Tuy nhiên, ông Ký chỉ mới dịch lại thơ La Fontaine sang văn xuôi. Trước kia, khi ghi nhận các nhóm văn chương trong vùng tạm chiếm 1954-1975, các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại với nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo, hoặc nhóm Quan Điểm của Nghiêm Xuân Hồng, nay với tham luận Phác thảo về tuần báo Nhân Loại, nhà văn Lê Văn Nghĩa bổ sung thêm nhóm Nhân Loại với các bút yêu nước như Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa… Thiết nghĩ, trong Hội thảo khoa học, điều cốt lõi nhất vẫn là các ý kiến tranh luận thẳng thắn. Có như thế, từng vấn đề đặt ra mới có thể dẫn đến kết luận cuối cùng; hoặc ít ra cũng là hướng đi để người sau tiếp tục hoàn thiện.

Sau phần Báo cáo chung, các đại biểu có những cuộc hội thảo riêng, tùy theo lãnh vực đã viết tham luận. Y tham gia ở Tiểu ban Tiếng Việt ở Nam bộ. Vốn không phải là nhà nghiên cứu, chỉ vì yêu thích tiếng Việt mà y có tham luận Một vài tiếng lóng miền Nam. Sáng nay, trên Báo Thanh Niên, đồng nghiệp là nhà báo Lê Công Sơn nhận xét: “Vấn đề tiếng lóng thịnh hành trước đây ở Nam bộ cũng là đề tài hấp dẫn được nhà thơ Lê Minh Quốc đề cập, gây thích thú. Nhiều từ nay đã cũ và thậm chí biến mất đã góp phần làm nên sự giàu có, phong phú, đa dạng thêm cho tiếng Việt và sự độc đáo cho văn học và ngôn ngữ của vùng đất phương Nam”.

Hôm qua, lâu lắm rồi mới gặp lại GS Bùi Khánh Thế, y đã thọ giáo môn Ngôn ngữ thời sinh viên. Theo thầy, từ nửa sau thế kỷ XIX: “Tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ không chỉ  tiêu biểu cho phương ngữ Nam mà còn phản ánh càng đậm nét hơn các thuộc tính quan yếu của quá trình phát triển tiếng Việt: tiếp nhận sự lan tỏa của tiếng Việt truyền thống, quy tụ ngôn ngữ nhiều vùng miền và tinh tuyển các nét mới mẻ từ những ngoại ngữ tiếp xúc để bổ sung những đặc điểm hiện đại hóa các phong cách ngôn ngữ báo chí, một số thể loại văn học, đầu tiên đăng tải thử nghiệm trên báo chí trước khi công bố thành ấn bản. Một trong các ưu thế của báo chí là tính thời sự và phát tán nhanh. Và khi báo chí Sài Gòn thời ấy lan tỏa rộng rãi ra toàn vùng phương ngữ Nam, những đặc điểm quan yếu trong quá trình phát triển của tiếng Việt vốn có từ trước càng trở nên phong phú trong giai đoạn mới’.

Từ ý kiến này, y nghĩ thêm rằng, chính Quảng Nam, Bình Định là nơi trước nhất hình thành, định hình chữ Quốc ngữ nhưng nó trưởng thành, phát triển mạnh mẽ chính từ Sài Gòn, Nam bộ với công cụ đặc lực, hữu hiệu nhất là vai trò của báo chí. Lúc hội thảo, ngồi gần đồng nghiệp Trần Nhật Vy. May quá, anh có đem theo tờ Nam kỳ tuần báo in từ năm 1899. Lâu nay, y vẫn nghĩ  “nhựt trình/ nhật trình” là tờ báo phát hành hằng ngày. Không phải.  “Nhựt trình Nam kỳ in ra mỗi ngày thứ 5 trong tuần lễ” như bổn báo ghi rõ. Thử đọc lại bài thơ Đèn điển khí rất mới mẻ trong sự tiếp nhận văn minh lúc người Pháp mới sang:

Đêm tối sáng lòa tưởng sáng trăng
Ai ngờ điển khí  dọi ngoài sân
Bầu ly giữa cột xem tròn trịa
Dây thép hai bờ kéo thẳng băng
Tam giáo tinh cơ chưa rõ hãn
Vạn tiên diệu pháp có khi bằng
Nhiên đăng còn đoái miền Ngưu Chữ
Soi sáng dân đen tỏ đạo hằng

Bài thơ này in trên báo Nam kỳ số 68 (9 Février 1899), tác giả Mai Nham là bút hiệu của ông Trương Minh Ký. Đọc lại từng câu ắt hiểu thông. Thì ra tiếng Việt thuở ấy, đến nay vẫn không mấy thay đổi. Có thấy quảng cáo thuốc lá Bastos, bao bì có in hình cái lá. Trước kia cứ tưởng là họa tiết mỹ thuật, chẳng phải, “lá cây vân thảo (Trèfle). Có phải nay quen gọi lá phong? À, hóa ra tiếng “mầy” không thuở trước có hàm nghĩa khác, tham luận của Thạc sĩ Đào Văn Tùng, Chim Văn Bé có dẫn câu dao dao: “Ngày nào tui kêu mình bằng mầy/ Gối luôn chung gối dạ nầy mới vui”. Rồi lại do biến thể âm vị, câu lục bát cũng nương theo vần: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”. Câu này chỉ đọc lên, đã nghe âm điệu vướng vít, vướng víu: “Cá rô ăn móng, dợn sóng dưới đìa/ Kẻ nơm, người xúc biết dìa tay ai?”. Không chỉ "dìa",  tức "về" còn có một từ khác tương tự nữa, từ gì vậy? Xin đọc: "Công anh đốn ráng thả đìa/ Một mai cá cựu biết vìa tay ai?".

Ghi thêm câu này nữa: “Bảy với ba tính ra môt chục/ Tam tứ lục coi lại cửu chương/ Liệu bề đát được thì đương/ Đừng gây rồi bỏ thế thường cười chê”. Đương là đan. Không gì sung sướng cho bằng trong một ngày, không vướng bận gì, ngồi thong thả, máy lạnh điều hòa, ngã lưng dựa thành ghế, nghe và thỉnh thoảng ghi chép. Những vấn đề mình mù tịt, chẳng rõ ất giáp, có người đã nghiên cứu, tìm hiểu thì nay được nghe họ trình bày lại. Nghe đến đâu vỡ vạc ra đến đấy. Được thế, còn gì bằng? Tham luận của nhà nghiên cứu Lê Công Lý đã giải thích cặn kẽ vài từ quen thuộc mà chắc gì ai đã hiểu thấu nghĩa.

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương

“Búng” là gì? ông Lý cho biết: “Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của định nghĩa: “Búng là chỗ nước sâu làm ra một vùng”. Theo chúng tôi búng là biến âm của bung/bụng, là chỗ sông sâu phình rộng ra như cái bụng, cũng gọi bùng binh… Búng là tiếng Nôm, vốn chỉ hình dáng vật phình to ra (có khuynh hướng tròn): “Chung búng má kèn”, chỉ vẻ mặt không hài lòng (sụ mặt), hai má phình ra; “Miệng nhai cơm búng”, chỉ hành động người lớn nhai cơm và thức ăn trong miệng rồi lừa ra để đút trẻ con ăn; “Búng ngón tay”, là hành động dùng đầu ngón tay cái kiềm chặt đầu ngón tay còn lại tạo thành hình tròn rồi đột ngột bung ra. Đây cũng là cách đo kích thước của một vật nhỏ gọn: Con cá lóc bự (to) bằng một búng tay”. Suy ra, hiện nay do không hiểu từ “búng” nên đã có không ít địa danh thành “bún” như ông Lý cho biết, rạch búng Bò bị viết thành rạch bún Bò (Vĩnh Long), búng Xáng thành bún Xáng (Cần Thơ), chợ Búng gọi là chợ Bún (Bình Dương)…

Thêm từ này cũng “lắm chuyện” ra phết, do “có đá ngầm nổi lên dưới lòng sông, khiến cho dòng nước bị co thắt lại, chảy xiết và tạo nhiều xoáy nước rất nguy hiểm. Rất nhiều từ điển/ tự điển tiếng Việt gọi các đoạn sông như vậy là ghềnh (miền Bắc) hay gành (miền Trung và Nam bộ) tức hầu hết đều cho gành là biến âm của ghềnh”. Tuy nhiên, ông Lý còn cho biết trong Nam có nơi gọi là gãnh như ở huyện Ba Tri, Bến Tre có gãnh Mù U (Xã Bảo Thạnh), gãnh Bà Hiền (xã An Thủy)…”. Từ “gãnh”, với người Trung, Bắc đố mà hiểu. Tựa như từ “gụt” ở Quảng Nam, chẳng hạn bà mẹ y ân cần bảo: “Q ơi, quần áo con nhớp rồi, thay ra cho mẹ gụt”. Nhớp là dơ bẩn, gụt là giặt. Ngày kia, anh bạn Nguyễn Nhật Anh đố, “mọng” là gì? Tỷ như “Có về quê được thì về, đừng  hứa lèo mà em nó mọng”. “Mọng” là mong/ mong đợi/ mong chờ. Có lẽ ban đầu là “vọng” biến thành “mọng” và nay là “mong”.

Từ lúc nào con người ta biết yêu tiếng mẹ đẻ? “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” (Phạm Duy). Có lần, ông Duy bảo, đại khái, nếu sau này toàn bộ âm nhạc của ông chìm vào quên lãng, nhưng 10 nốt nhạc, ca từ trên còn lại với đời, đã là một sự toại nguyện. Có một cụm từ mà GS-TS Trần Văn Khê rất tâm đắc và nhấn mạnh nhiều lần: “thai giáo”. Đứa trẻ được người mẹ giáo dục ngay từ lúc còn nằm trong bụng. Rất ý thức điều này, trong những ngày mang bầu, bà mẹ ông đã nhiều lần nghe nhạc và bà nghĩ rằng, đó là cách tốt nhất gieo mầm tinh yêu âm nhạc dành cho con. NSND Kim Cương cũng thế thôi, bà đã lên sân khấu khi bà mẹ Bảy Nam đang mang bầu và suýt đẻ ngay trên sàn diễn. Những con người ấy, sau này đã theo nghề ắt khó ai sánh kịp. Tình yêu tiếng Việt hình thành ở đứa trẻ qua hát ru bằng ca dao mà người mẹ đã nghe lúc đang mang thai. Và khi lọt lòng, đứa trẻ lại nghe  bà/ mẹ/ chị hát ru lúc đưa nôi. Nếu toàn bộ ca dao Việt Nam mất đi, duy chỉ còn sót lại mỗi bài này, tự nó đã cho thấy sự vĩ đại của kho tàng dân gian đã truyền miệng ngàn đời. Nhạc sĩ Phạm Duy đã có công lớn khi phổ nhạc, thấm đẫm hồn người nhiều thế hệ qua giai điệu của một thiên tài âm nhạc.

Sao Tua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha
Sao Vua sáu cái nằm xa
Thương em từ thuở người ra người vào

Sao Mơ sáu cái nằm chầu
Sao Khuê mấy cái nằm đâu

Sao Khuê chín cái nằm dài
Thương em từ thuở tình ngoài nghĩa trong
Sao Măng năm cái nằm ngang
Thương em từ thuở mẹ mang đầy lòng

Sao Vươn dăm cái nằm tròn
Sao Tư bốn cái nằm vuông

Sao Đôi hai cái nằm chồng
Thương em từ thuở mẹ bồng mát tay
Sao Hoa ba cái nằm xoay
Thương em từ thuở được vay nụ cười

Sao Băng bay vút vào đời
Sao Sa rơi xuống lòng vui

Sao Băng ngã xuống gầm trời
Thương em từ thuở mẹ ngồi nghĩ xa

Sao Sa rơi xuống vườn hoa
Thương em từ thuở người ta lại gần

Sao Hôm lấp lánh đầu làng
Sao Mai lấp lánh đầu thôn

Sao Hôm le lói đầu hè
Thương em từ thuở em về với ai
Sao Mai le lói ngọn cây
Thương em từ thuở về xây tình người

Sao Vân xa tít đầu trời
Sao Quanh cao ngất ngoài khơi

Sao Vân muôn cái mịt mùng
Thương em từ thuở nghìn trùng cách chia
Sao Quanh theo gót người đi
Thương em chỉ có trời khuya nhìn về

Sao ơi sao hỡi buồn gì
Sao ơi sao hỡi buồn chi

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment