Người Việt vốn thích đùa.
Vừa đọc trên Facebok của một người bạn. Bật cười với thống kê: Sợi dây dài nhất, rút hoài không hết: sợi dây kinh nghiệm; con đường ngắn nhất: đường từ bàn ăn đến nghĩa địa; nghề rủi ro nhất: đánh máy; câu nói thường xuyên nhất: đúng quy trình; ít khi nói nhất: xin lỗi; hành vi ít được thực hiện nhất: từ chức; nơi giữ tiền an toàn nhất: ruột tượng; mặt hàng sản xuất nhiều nhất: khẩu hiệu, bằng khen; lợi thế nhất khi tuyển dụng: con ông cháu cha… Câu thành ngữ “Con ông cháu cha” vẫn còn hiện diện đấy chứ. Nó chưa bị đào thải, bởi trong quan hệ xã hội “lợi thế” này còn xẩy ra, vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, không chỉ có thế, thời buổi này đã khác trước: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”.
Trong khi đó, theo thời gian đã có nhiều câu cửa miệng lại biến mất.
Lời dặn dò: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, chưa bao giờ có ý nghĩa tích cực như hiện nay. Nhưng rồi, có lúc trơ tráo chẳng thèm uốn lưỡi nữa, nên hễ bất kỳ gặp sự cố gì đó, lập tức người ta lại xoen xoét bào chữa trơn như cháo chảy: “Đúng quy trình”. Ba từ đó, có thể sánh cùng câu: “Động cơ gì?”. Nó thuộc “hàng độc” nổi đình nổi đám nhất trong năm nay. Những từ đó bình thường nhưng phát biểu trong ngữ cảnh cụ thể nào đó lại nghe tréo ngoe, tréo cẳng ngỗng đến độ “ngửi không nổi” như một sự bỉ báng vào mặt người khác. Từ đó, đã có nhiều từ trong tiếng Việt bị méo. Chẳng hạn, do “rút ruột công trình”, chiếc cầu nọ đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã gặp sự cố: đầu A và đầu B vẫn còn đấy nhưng đoạn giữa đã “sụm bà chè”. Một đứa trẻ lọt lòng mẹ, nó cũng thừa biết “cầu gẫy”, “cầu sập” nhưng rồi có quan chức nọ cãi cho bằng được. Cãi rằng, đó chính là “cầu tạo hình chữ V” (?!). Nghe cứ như đùa. Cứ tưởng ngoài cầu chữ Y do người Pháp xây dựng năm 1937 tại Sài Gòn, nay tại huyện Chư Pảh (Gia Lai) đã có thêm cầu chữ V.
Thêm một điều đáng phàn nàn là ngày càng xuất hiện nhiều phát ngôn cực kỳ cực dị hợm. Thoáng nghe qua đã thấy choáng, không thể tin rằng tai mình đã nghe, mắt mình đã thấy. Sau sự cố tang thương Formosa, lại có nơi hào hứng tiếp tục xây dựng nhà máy thép. Ai xây dựng? Đó là một đại gia luôn tự nhận thường xuyên ăn chay, hướng về Phật pháp, thiếu điều chỉ còn xuống tóc đi tu là xong. Những con người đạo đức, tâm thanh tịnh, tính trong sáng ấy bao giờ cũng chiếm được tình cảm mọi người. Ấy thế, đùng một cái, trên diễn đàn, giữa thiên thanh bạch nhật, kẻ đó lại há mồm tuyên bố một câu xanh rờn, đại loại: “Ngu gì mà không làm”. Tức đã kinh doanh, đã buôn bán hễ đánh hơi lợi nhuận, cứ xộc mũi vào. Đó không phải văn hóa doanh nghiệp, bởi không thể vì đồng tiền thu về mà bất chấp tất cả, chẳng hạn sự ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng… Cái họa “cá thép” đang sờ sờ ra đó, nhưng kẻ đó vẫn quyết “cố đấm ăn xôi” cho bằng được.
Tất nhiên, dư luận phản ứng.
Thì kẻ ấy lại to tiếng như khua chiêng gõ mõ, múa gậy vườn hoang, phát ngôn rổn rảng, mắng mỏ “mày/tao”. Những từ ấy, ngữ cảnh ấy chỉ dành cho “hàng tôm hàng cá”, chứ không thể phát ngôn của những người “có ăn có học”. Chỉ mới có một nhúm tiền, một chút tẹo quyền lực đã hất mặt lên trời, vênh vênh váo váo. Điều gì đã dẫn đến sự tệ hại này? Có phải đến một lúc nào đó, khi tự nghĩ rằng, mình có tiền, rất nhiều tiền; hoặc có chỗ dựa “ô dù” phía sau thì được quyền “coi trời bằng vung”? Được quyền “mục hạ vô nhân” - dưới mắt mình không có ai, không coi ai ra gì? Sự quái thai này, không là sự cá biệt của ai đó, điều đáng lo ngại là nó ngày càng có xu hướng phổ biến.
Với cách phát ngôn, “tranh luận” kiểu ba bứa ấy chỉ đẩy vấn đề đi vào chỗ bế tắc. Điều cốt lõi của sự phản biện là chứng cứ, cứ liệu, tài liệu, kiến thức trưng ra trong có thuyết phục hay không, chứ không phải “cả vú lấp miệng em”. Và cũng không phải mắng nhiếc đến tệ hại đến cỡ xem thiên hạ chỉ là hạng “não đặt dưới mông” v.v… Những câu nói ấy, quyết không phải văn hóa tranh luận. Vũ khí của tranh luận là tiếng nói, ngôn từ. Một trong những lạc thú lớn nhất của con người ta là thích được nói. “Được ăn, được nói, được gói đem về”. Khảo sát ca dao, tục ngữ, nhận ra rằng không phải ngẫu nhiên, ông bà mình dặn dò rất kỹ về lúc phát ngôn.
Chiều nay, trời không nắng cũng không mưa. Lòng vui cũng không buồn. Không nhàn nhã cũng chẳng bận rộn. Bèn ngồi tỉ mẩn lật điển đọc, ghi chép đôi điều về lời ăn tiếng nói. Y đáng khen quá, phải không? Tất nhiên rồi. Y thừa biết điều đó. Này, trong tiếng Việt có bao nhiêu kiểu nói khác nhau? Xin thưa:
Nói băm nói bổ; nói bấc nói chì; nói bắc cầu; nói bóng nói gió; nói cà lăm; nói ba láp; nói cạnh nói khóe; nói châm chọc; nói chạm nọc; nói ba lăng nhăng; nói chảnh; nói chày nói cối; nói chận; nói chơi; nói chua; nói chung; nói chuyện; nói chuyện voi đẻ trứng; nói chữ; nói chưa sạch vạch chưa thông; nói có đầu có đũa; nói có sách mách có chứng; nói của đáng tội; nói cứng; nói dóc; nói dối; nói dối thòi đuôi; nói dơi nói chuột; nói đãi bôi; nói đất nói trời; nói điêu; nói điêu nói toa; nói đớt; nói đãi bôi; nói đâm hông; nói đứng dựng ngược; nói đổng…
Còn nữa không? Ắt còn:
Nói gay; nói gần nói xa; nói gở; nói hành nói tỏi; nói hớt; nói hưu nói vượn; nói huỵch toẹt; nói khó; nói khan nói vã; nói kháy; nói khéo; nói khó; nói khoác; nói khoác nói lác; nói không nói có; nói khống; nói lái; nói lẫy; nói lảng; nói láo; nói lén; nói lấy được; nói lý nói lẽ; nói lẻo; nói lếu nói láo; nói lịu; nói lối; nói lóng; nói lửng; nói lưỡng; nói mánh; nói mát; nói mắc; nói mé; nói mép; nói mê; nói mí; nói mò; nói móc; nói móc lò; nói nặng nói nhẹ; nói ngoa; nói ngọt; nói ngược nói xuôi; nói nhát gừng; nói nhăng nói cuội; nói nhịu; nói nhỏ; nói phô; nói phách; nói qua; nói ra nói vào; nói rã bọt mép; nói rào; nói rát; nói rót; nói sõi; nói sảng; nói sòng; nói suông; nói thách; nói thẳng; nói thầm; nói thật; nói toạc móng heo; nói thẳng ruột ngựa; nói toẹt; nói tỏi nói hành; nói tới nói lui; nói trại; nói trây; nói trớ; nói trạng; nói trắng ra; nói trộm vía; nói trật họng cối xay; nói trổng; nói trống; nói trống không; nói tục; nói tức; nói tướng; nói vã bọt mép; nói vấp lời; nói vụng; nói vuốt đuôi; nói xàm; nói xấu; nói xỏ; nói xóc; nói xấc; nói ý…
Thoạt nói “nói sơ sơ” mà đã mỏi cả miệng. Thôi kệ, cố gắng thêm một chút, thử hỏi người Việt hay so sánh nói với những gì? Xin thưa:
Nói như băm như bổ; nói như chém gạch; nói như chém chả; nói như chó cắn ma; nói như chó liếm thớt; nói như bầu dục chấm mắm cáy; nói như rựa chém cột; nói như đấm vào tai; nói như đinh đóng cột; nói chua như mẻ; nói như đổ mẻ vào mặt; nói như kéc; nói như móc họng; nói như ném đá xuống vực; nói như ông Bành Tổ; nói như pháo ran; nói như rót mật vào tai; nói như rồng leo; nói như ru; nói như sẻ cửa sẻ nhà; nói như tát nước vào mặt; nói như thánh phán; nói như trạng; nói như vạc mặt; nói như văn sách; nói như vặt từng miếng thịt; nói như vẹt; nói như xé vải; nói như đấm vào tai; nói như ma xó; nói như nước đổ đầu vịt; nói như nói với đầu gối; nói như nước đổ lá khoai; nói như rồng leo cây nghệ; nói như tép nhảy; nói như phường chèo; nói như trống hai mặt; nói trơn như cháo chảy…
Còn nữa không? Ắt còn:
Nói dai như chó nhai giẻ rách; nói dối như Cuội; nói dối như ranh; nói dẻo như kẹo kéo; nói đúng như gãi vào chỗ ngứa; nói năng như búa bổ; nói ngọt như đường; nói nhấm nhẳng như cẳng bò thui; nói dốc như dốc Bà Nà; nói dở như cám hấp; nói láo như cháu ông Ó; nói lủng bủng như húp cháo nóng; nói ngọt như mía lùi...
Còn nữa không? Mà thôi, không liệt kê nữa. Vài “chất liệu” này ghi nhận lại, hôm nào rảnh rỗi viết bài chuyên mục Lắt léo chữ nghĩa của Báo Tuổi Trẻ Cười. Âu cũng là cái duyên. Qua tờ báo này, thời nhà báo Nam Đồng làm “chủ xị”, nhờ viết lai rai nên 2 năm sau, năm 1996 mới tập hợp lại và in được tập sách Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại. Bài đầu tiên cộng tác với anh Nam Đồng là “Thơ dân gian ở Trường viết văn Nguyễn Du”. Y đưa bài và được anh in ngay, nhờ đó, có đà viết tiếp. Mọi việc xẩy ra trên đời âu cũng là cái duyên. Câu này ai cũng hiểu, thấu hiểu nhưng nào phải nó xẩy ra trong một phút chốc tình cờ. Phải là sự gắn kết đã có từ lâu, cũng có thể từ đời não đời nao mà mình không nhận biết. Cụ Nguyễn Trãi có câu thơ cực kỳ thông tuệ, thấu hiểu lẽ đời, lẽ tuần hoàn trong cõi hỗn mang trời đất: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (Họa, phúc có manh mối không phải một ngày).
Lời ăn tiếng nói cũng vậy. Nào phải ngẫu nhiên, con người ta phát biểu thế này, phát ngôn thế kia. Nó là cả một nền học thức, văn hóa đã thu thập, học tập, tích lũy đã hình thành từ trước đó. Không có gì là sự ngẫu nhiên. Nhìn về trước, thế hệ trước ta thấy sự lịch lãm, thanh lịch trong tranh luận, cãi cọ không hề nhuốm sắc màu u ám như hiện nay. Do nguyên cớ gì? Xin không bàn luận sâu, chỉ đơn cử rằng, nền văn học Việt Nam hiện đại, từ năm 1932 đến nay đã nổ ra nhiều cuộc “long trời lỡ đất” như tranh luận Thơ mới & Thơ cũ; Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sanh? Duy tâm hay Duy vật? Rồi tranh luận về Quốc học, về Truyện Kiều… đã lôi cuốn một loạt các “cây bút vàng” hàng đầu của nền hoc thuật nước nhà cùng tham gia tranh luận. Thậm chí, lúc tranh luận do cáu/ nổi cáu nên trên An Nam tạp chí số 37 (ra ngày 16.4.1932), Tản Đà buộc tội Phan Khôi phải bị một hình phạt độc đáo là “chịu ba trăm roi đòn, chia đánh ở ba nơi: “Đánh ở trước sân Văn Miếu Thăng Long là nơi gốc văn vật của sự học Nho của nước ta từ triều nhà Lý; Đánh ở Huế, là nơi thủ phủ xứ Trung kỳ; Ở Quảng Nam, là nơi chốn của tội nhân sinh trưởng học tập”.
Thế nhưng, dù có “nặng lời” nhưng người bị phê bình không lấy đó làm giận dữ, tức tối bởi họ xét vấn dề tranh luận trên cơ sở của học thuật. Và điều quan trọng nữa là cả hai sử dụng cách xưng hô lịch thiệp của người có học. Chẳng hạn, lúc tác phẩm Nho giáo của Trần Trọng Kim ra đời đã xẩy ra cuộc bút chiến dữ dội giữa tác giả với Phan Khôi qua nhiều số báo liền. Cả hai lúc ôn hòa, khi gay gắt nhưng trước sau người này vẫn xưng người kia “tiên sinh”. Kết thúc tranh luận dài ngày, Trần Trọng Kim còn viết: “Xin cảm tạ Phan tiên sinh đã cho tôi cái dịp để tỏ chút lòng đối với Khổng giáo và khoa học”. Thật nhã nhặn xiết bao. Ôn hòa xiết bao.
Hẵn chúng ta còn nhớ cuộc tranh luận về nguồn gốc ra đời trống võ Tây Sơn giữa nhà văn Nguyễn Văn Xuân và Võ Phiến. Ông Xuân cho rằng nó xuất phát từ cách đánh trống của nghệ thuật tuồng. ông Phiến lại lập luận khác. Lúc ấy, học giả ở miền Nam quan tâm bởi ngoài học thuật còn vì cách xưng hô điềm đạm, trước sau cả hai vẫn gọi “Nguyễn quân” hoặc “Võ quân”. Rất tôn trọng nhau.
Lề lối phê bình của thế hệ đàn anh, nay đã khác trước nhiều lắm. Gần đây xuất hiện quá nhiều ý kiến, phát ngôn nhằm “đánh chết tươi” bằng cách mạt sát, miệt thị “đối phương” hết lời. Vì thế, người bị phê bình không buồn trả lời lại, bởi không cùng một “kênh” từ học thức và nhất là tư cách thì tranh luận lại làm gì! Lời dặn dò: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, chưa bao giờ có ý nghĩa tích cực như hiện nay.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|