LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.10.2016

 

14718860_10210196686647468_6119349247546790157_n

 

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng

Thoạt nghe đã cảm thấy là lạ, khó giải thích rạch ròi. Và, nó đã tạo nên sự tranh cãi. Thật ra, có những câu ca dao cần đặt tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của nó mới thể lý giải rõ ràng. Không sa vào tranh luận các ý kiến khác, chỉ nói rằng, phải đặt nó trong hoàn cảnh của ông Nguyễn Duy Hiệu, thủ lĩnh phong trào Nghĩa Hội (Quảng Nam). Tháng 7.1887, lực lượng nghĩ quân bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, Nguyễn Duy Hiệu lại đau đớn khi hay tin mẹ đã mất. Ông dẫn đứa con trai tìm về làng Thanh Hà. Giữa trảng cát nắng chói chang đến nhức mắt, ông quỳ xuống thắp nhang trước mồ mẹ. Gió thổi lồng lộng. Bão cát xoáy lên ngút trên trời... Ông tức tưởi khóc:

- Là bày tôi mà vua nạn không phò, vua chạy không theo, khó đem nổi bất bình mà kêu cùng tạo hóa;

Là con trai mà mẹ đau không dưỡng, mẹ mất không chôn, chỉ biết lấy trường hận mà khóc sinh thành.

Sau đó, ông ngồi trong miếu Quan Công, ngước mắt nhìn khói nhang tỏa nghi ngút trước mộ mẹ giữa bão cát. Bỗng cả bó nhang ấy phừng phừng lửa đỏ như một bó đuốc! Điềm gì chăng? Nguyễn Duy Hiệu rùng mình, giữa trưa nắng mà toàn thân ông lạnh toát, khi ông vừa định thần lại thì quân giặc đã ùa tới vây bắt. Ngày 1.10.1887, Nguyễn Duy Hiệu bị chúng chém đầu tại pháp trường An Hòa (Huế). Khi đầu của người anh hùng rơi xuống đất, lập tức được chở bằng một chuyến xe tốc hành vào Quảng Nam, bêu cho công chúng dọc đường thấy - nhằm uy hiếp tinh thần của họ. Cùng lúc, các trạm phóng ngựa ruổi khắp tỉnh, cầm trên tay một dòng chữ rất lớn: “Hiệu đại thủ lĩnh đã bị giết”! Câu ca dao trên, chính là lời nhắn nhủ của ông Hiệu cùng các đồng chí.

Trưa ngày 14.10.2016, y về Đà Nẵng. Về thăm mẹ. Ngồi trên máy bay, nhớ hoài đến câu ca dao đó. Thật ra quê hương, quê nhà cũng chỉ là một khái niệm. Nếu về quê không còn có mẹ, liệu rằng, niềm háo hức, sung sướng, hồi hộp có còn? Ơn trời, mẹ y đã 90 nhưng vẫn còn đi đứng được và tuyệt vời nhất trí nhớ vẫn minh mẫn. Nhớ đâu ra có, không hề có dấu hiệu lú lẫn. Quá tuyệt. Về quê cũng là một cách nạp lại năng lượng. Gia đình. Bạn bè. Quán xá. Những món ăn ngon. Ngủ một đêm tại căn nhà của tuổi thơ. Rồi lại đi. Đi cũng có nghĩa là về. Về lại niềm vui công việc, với nơi trú mưa nắng và từng ngày cứ thế lại mải miết trôi đi. Mà còn có mẹ ngày nào, ngày về quê vẫn tiếp tục. Chỉ là dăm câu chuyện trò cho yên lòng. Rồi lại đi. Những ngày vui này, chẳng còn dài nữa đâu. Được thế nào, hãy biết thế ấy.

Sáng dậy sớm ở Đà Nẵng, lại có cảm giác như cái thuở còn đi học. Trời xanh ấy, vòm cây ấy vẫn như cái thuở xa xăm nào đó ùa vào mắt tưởng chừng như dấu vết của thời gian, của quá khứ vẫn thế. Không hề thay đổi. Trong khi đó, cách Đà Nẵng không xa, “Nhiều người ở Quảng Bình cho rằng chưa bao giờ có một đợt mưa khủng khiếp và dồn dập đến như thế”, Báo Tuổi Trẻ đưa tin. Mực nước nơi cao nhất lên đến 3 mét. Lũ bất ngờ lên nhanh vào đêm 14.10 và rạng sáng 15.10, cộng với thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn đã nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) trong biển nước. Các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thành phố Đồng Hới ngập sâu trong lũ, nhiều nơi đã vượt mức lũ lịch sử năm 2007 và 2010. Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến chiều 15.10, toàn tỉnh có 26.920 nhà bị ngập, 56 nhà bị tốc mái; 7 người chết và 5 người mất tích.

Đà Nẵng vẫn nắng ấm. Vẫn những cuộc vui cùng bạn bè thân thiết của cái thuở đã chung sống ở chiến trường K. Ngoảnh lại mới giật mình đã 40 năm trôi qua cái vèo. Đang bù khú bia bọt lai rai, thế mà phải dừng lại, phải viết ngay vài trăm chữ về sự kiện Giải Nobel Văn chương năm nay. Trước đó, khi hay tin ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan nhận giải,  y phát biểu:

“Bob Dylan đoạt giải Nobel, đêm nay tôi lại nghe Trịnh Công Sơn: Giải thưởng Nobel văn học trao cho ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan là điều không có gì ngạc nhiên. Con người tài hoa ấy, cuối cùng toàn bộ sự nghiệp là cất lên tiếng nói phản kháng vì quyền con người, chống chiến tranh, chống áp bức và cơ ngợi tình yêu thương của con người. Thông điệp nhân văn ấy, có ý nghĩa với mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi sắc tộc.

Có một điều gì đó rất gần với ca từ Trịnh Công Sơn, trong những sáng tác của Bob Dylan. Và ngược lại. Trên tờ Peace News số ra ngày 8/11/1968, có người đã gọi Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan của Việt Nam”. Mới đây một giáo sư của Trường Đại học Humboldt, California, Mỹ là John C. Schafer đã ví “Trịnh Công Sơn - Bob Dylan như trăng và nguyệt”. Đại khái, John C. Schafer có nêu ra 7 điểm giống nhau nhưng quan trọng nhất: cả hai đã nói lên được ước vọng và niềm đau của một thế hệ trẻ; cả hai giữ được danh tiếng của mình mặc dầu quê hương của họ đã trải qua bao cuộc thăng trầm về chính trị và văn hóa; cả hai chịu ảnh hưởng và tìm nguồn cảm hứng từ hai truyền thống tôn giáo của họ, đạo Phật với Trịnh Công Sơn và Ki-tô giáo với Bob Dylan.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết: Dylan được trao giải Pulitzer báo chí năm 2008 cho “những đóng góp đặc biệt của ông cho âm nhạc và văn hóa, chủ yếu với những ca từ phức tạp kết hợp với sức mạnh đặc biệt của thi ca”. Và nhạc sĩ Văn Cao ghi nhận: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (Chantre)”. Khi hay tin Bob Dylan nhận giải thưởng Nobel cao quý, đêm nay, tôi vui mừng và lại nghe nhạc Trịnh Công Sơn như mọi ngày” (nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa ngày 13.10.2016).

Về giải thưởng văn chương danh giá nhất toàn cầu, năm nay, nói như Báo Tuổi Trẻ ngày 15.10.2016: “Văn đàn thế giới chia rẽ trước giải Nobel của Bob Dylan”. Thông cáo báo chí của Viện hàn lâm Thụy Điển vào ngày 13.10.2016, khẳng định: “Giải Nobel văn chương năm 2016 được trao cho Bob Dylan vì đã sáng tạo ra những biểu thức mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của nước Mỹ”. Lý do nêu ra hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của giải Nobel mà trên trang chủ của tổ chức này trưng ra: “900 khôi nguyên giải Nobel từ 1901 - 2016 được trao vì lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Tuy nhiên, “Giải thưởng Nobel văn chương dành cho Bob Dylan năm nay cũng tiếp tục làm dấy lên những tranh luận về việc đâu là ranh giới trong nội hàm định nghĩa về văn chương. Liệu văn chương có nhất thiết còn phải là thơ và tiểu thuyết nữa không nếu căn cứ vào việc giải thưởng Nobel văn chương năm ngoái đã được trao cho một nhà báo, bà Svetlana Alexievich? Hay phải chăng định nghĩa của văn chương cần được mở rộng thêm cả với những người giống như Bob Dylan, đã sử dụng ngôn ngữ một cách đầy cảm xúc trong nghệ thuật, ví như âm nhạc?”.

Y nghĩ gì?

Khi đang có chút men say, đang ngồi chơi tán dóc mà phải bàn chuyện văn chương chữ nghĩa một cách nghiêm túc, liệu có còn hào hứng nữa không? Khổ nổi, bạn bè của thời cầm súng ở quê hương Chùa Tháp từ năm 18 cái xuân xanh nào có quan tâm đến chuyện này. Vậy y bàn với ai đây? Thôi thì, phải ngưng ly rượu mà tự viết vậy. Công việc làm báo là thế. Chỉ vài trăm chữ, nhưng cần là cần gấp trong lúc này, khoảnh khắc này cho kịp quy trình. Bằng không, chỉ chậm một giây, cái tin ấy, bài viết ấy cũng không cần đến nữa. Công việc làm báo thế mà hay. Nó đòi hỏi nhà báo phải “tác chiến” ngay lập tức. Cả một guồng máy đang vận hành cho số báo ngày mai. Không một ai được quyền chậm trễ, dù bất kỳ lý do gì. Vì thế, y phải viết ngay.

Sáng nay, Báo Thanh Niên đã in bài Sự trở về cội nguồn văn chương: “Giải Nobel Văn chương năm nay đã dấy lên sự tranh luận dữ dội trong giới học thuật. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, khi trao giải cho ca - nhạc sĩ Bob Dylan cũng là lúc cần xác định lại nội hàm của văn chương. Liệu rằng, có phải Ủy ban Nobel đã phá vỡ truyền thống trước đây - từng định hình qua năm tháng?

Tờ The New York Times (Mỹ) đã thẳng thừng tuyên bố chính kiến: “Bob Dylan không cần một giải Nobel Văn chương, nhưng văn chương cần một giải thưởng Nobel. Và năm nay đã không có giải”.

Với văn chương, chẳng hạn tiểu thuyết, ban đầu người ta quan niệm phải có tình tiết, sự kiện nhân vật, có xung đột, giải quyết xung đột đó, và “kết thúc có hậu”. Dần dà, khi trào lưu “tiểu thuyết mới” ra đời - quan niệm đó đã thay đổi về một cấu trúc của một tác phẩm. Còn thơ thì ban đầu cần có vần, điệu, sự ràng buộc của niêm luật theo quy củ nghiêm ngặt nhất định. Về sau, quan niệm dành cho thơ cũng đã thay đổi. Có thể là sự tự do, phóng túng trong câu chữ; nếu muốn đó là “văn xuôi” - mà nếu cần thiết cũng không cần các dấu chấm, phết ngắt câu...

Mọi sự thay đổi về hình thức, nói chung cũng chẳng có gì “ghê gớm” cả. Điều cốt lõi vẫn là ý nghĩa cuối cùng, nhằm đạt đến điều gì. Tài năng của người cầm bút để lại dấu ấn nhất thời, hoặc lâu dài chính là ở đó. Với thiên tài Nguyễn Du: “Mua vui cũng được một vài trống canh” là một cách nói nhún nhường của bậc thượng thừa sau khi đã viết từng dòng châu ngọc “như máu chảy ở đầu ngòi bút”. Vậy thì sự “mua vui” nói cách khác dù gì đi nữa thì cũng phải đi vào lòng người. Người đọc có thấm thía, chia sẻ buồn vui qua từng con chữ thì mới đạt đến văn chương - bằng không cũng chẳng là gì cả.

Với Bob Dylan và nhiều tài năng khác, họ làm văn chương theo cách diễn đạt của họ. Mà cách ấy, có thể không như quan niệm truyền thống đã định hình. Tôi nghĩ rằng, đó là sự sáng tạo của nghệ sĩ. Bob Dylan của Mỹ hoặc Văn Cao, Trịnh Công Sơn... của VN chính là thi sĩ. Họ mượn giai điệu của âm nhạc để chuyển tải, phổ biến thơ ca của mình đấy thôi. Sự kết hợp ấy là “thi trung hữu nhạc” và ngược lại. Đó là văn chương đấy chứ - nếu suy nghĩ rằng ít ra tầm tư tưởng ấy cũng đạt đến sự “mua vui” cho đời sau.

Trở lại với quan niệm truyền thống về thơ - nó phải thế này, thế kia - nhưng thật ra ban đầu thi sĩ chính là người ca thơ (chantre). Họ “đọc” thơ bằng tiếng hát của giai điệu. Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan cũng thế.

Vậy hà cớ gì đem sự quy định rạch ròi để xác định nội hàm của văn chương? Cần có một cái nhìn khác. Mà cái nhìn và quan niệm này là sự quay trở về của cội nguồn văn chương đấy thôi”.

Sáng nay, báo Pháp Luật TP.HCM đã dành cả 2 trang “Thế giới bút chiến việc Bob Dylan ẵm giải Nobel”. Đáng lưu ý với thông tin này: “Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - bà Sara Danius nói Bob Dylan (năm nay 75 tuổi) là “một nhà thơ lớn trong thuyền thống ngôn ngữ tiếng Anh”. Bà đã so sánh sự tương đồng giữa tác phẩm của Dylan với các nhà thơ Hy Lạp cổ đại: “Nếu bạn nhìn trở lại. 2.500 năm hoặc lâu hơn, bạn sẽ khám phá ra rằng Homer và Sappho viết văn bản thơ, với mục đích để được công chúng lắng nghe, để được trình diễn thường xuyên với các nhạc cụ thì đó là cách không khác gì so với Bob Dylan hôm nay”. Và Sara Danius, một giáo sư văn chương tại Stockholm University, khuyến nghị mọi người nghe bằng album 1966 của Bop Dylan có tên Blonde on Blonde. GS Danius, nói rằng các bài hát trong đó chứa dựng “nhiều ví dụ sáng chói về cách Bob Dylan tạo nên vần điệu trên nhịp âm nhạc, kết hợp ngôn ngữ và âm nhạc với tư duy bằng hình ảnh”.

Vào lại Sài Gòn, chiều qua. Vẫn phải mở máy lạnh để ngủ. Chạnh lòng khi nhìn về Quảng Bình. Cả hàng ngàn ngôi nhà ngập trong lũ. Đâu rồi những ngày, các cơ quan báo chí viết những bài kêu gọi tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”? Đâu rồi hình ảnh cả hàng trăm, hàng ngàn người có lòng ùn ùn đến các cơ quan báo chí góp công, góp sức vì lũ lụt miền Trung? Rồi các phóng viên ra đến tận nơi, san sẻ tấm lòng của người miền Nam, người Sài Gòn đến bà con và viết những bài tường thuật lay động trái tim của hàng triệu triệu đồng bào. Đây là một câu chuyện dài.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment