LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.10.2016



nhat-ky-ngay-1102106-1R

Từ năm 1938, trong bài thơ Cảm xúc tặng Thế Lữ, Xuân Diệu đã nói đến… Facebook. “Phát hiện” này là của Chị Đẹp. Bằng chứng, tác giả Thơ Thơ đã viết:

Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn phương
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc...

Ở thế giới ảo ấy, nếu biết chọn lọc thông tin sẽ đem về nhiều sự lý thú, cần thiết, hữu ích. Mà không khéo cũng ngộ độc như chơi.

Ngày trước, thỉnh thoảng y cũng Facebook. Nay đã chán. Lần nọ, trên Facebook, y cho biết là đang giữ tập sách Gương chí sĩ  Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên, in tại Gia Định năm 1927. Tập sách này do nhà báo Nguyễn Kim Đính - Tổng lý Đông Pháp thời báo, thực hiện ngay sau khi cụ Phan qua đời. Trong sách có chép lại đầy đủ điếu văn, câu đối…, kể cả hình ảnh do hiệu Khánh Ký (Sài Gòn), Royal photo (Nam Vang), Hương Ký (Hà Nội), Thụy Ký (Nam Định) chụp tại đám tang của cụ. Thật bất ngờ khi biết, tại Nam Vang (Phnom Penh), người Việt cũng có làm lễ truy điệu cụ Phan tại nhà hàng Hưng Long ở 82 và 84 đường Galliéni.

Về nhân vật Galliéni, chỉ cần tra Google ắt tìm thấy thông tin. Đại khái vị Thống chế này là cha đẻ của chiến thuật “vết dầu loang” khi cầm quân bình định các cuộc khởi binh của Đề Thám, cuối cùng thất bại phải cút về Pháp. Theo trang web của UBND Q.5: “Năm 1865 người Pháp làm đoạn đường ở phía Sài Gòn đặt tên Galliéni, còn đoạn phía Chợ Lớn gọi là Des Marins. Năm 1952, chính quyền Bảo Đại đổi tên đường Des Marins thành đường Đồng Khánh. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên đường Galliéni thành đường Trần Hưng Đạo. Sau năm 1975 hai đường sát nhập thành đường Trần Hưng Đạo. (Trong nhân dân vẫn quen gọi đường Trần Hưng Đạo cũ là Trần Hưng Đạo A và đường Đồng Khánh cũ là Trần Hưng Đạo B)”.

Không rõ, nay đường Galliéni tại Phnom Penh, đổi tên gì? Chuyện đó, không quan trọng.

Trở lại với tập sách Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên, đọc đoạn này để biết lúc ấy ở Phnom Penh: “Trọn ngày 4 Avril các nhà buôn Annam đều đóng cửa để tỏ dấu chia buồn và tựu tới nhà hàng Hưng Long mà làm lễ  rất đông. Tại chỗ ấy có lập cái bàn thờ, ở giữa để cái hình cụ Tây Hồ rất lớn, chung quanh bàn thờ thì căng vải đen và vải trắng có thắt tuội, có treo nhiều bài thi điếu, vảng viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ tỏ tình yêu mến thương tiếc và kể công lao sự nghiệp của cụ Phan Tây Hồ. Những người Annam đều có để tang hoặc vải đen vải trắng, ai trông thấy cũng động lòng. Khi nhạc lễ đánh lên thì mỗi người đều cầm nhang, kẻ xá người lạy, sắp trẻ nhỏ cũng kéo vào lạy rất đông” (tr.163-164).

Khi mua đươc tập sách này, y nhận thấy có nhiều thông tin mới mà ngay cả bộ Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (2 tập, NXB Đà Nẵng - 2001) do cháu ngoại của cụ là bà Lê Thị Kinh, tức Phan Thị Minh sưu tập từ Thư khố quốc gia hải ngoại Pháp cũng không có. Sở hữu quyển sách quý, mình giữ cho mỗi mình đọc, liệu có ích gì? Vì thế, y mới rao trên Facebook là ai muốn in lại, y sẵn sàng cho mượn.

Những ngày này, mưa gió dầm dề. Ngại ra đường, nhưng sáng qua lại lội mưa đến NXB Tổng Hợp TP.HCM để xem tập sách Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên vừa tái bản, “mặt mũi” thế nào. Cầm sách cũ dưới hình thức mới, lòng thấy vui bởi từ đây càng có thêm nhiều người tiếp cận về sự kiện lúc cụ Phan tạ thế.

Và cũng là dịp giao lưu, trò chuyện với học giả An Chi về bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa (3 tập) cũng do NXB này ấn hành. Từ năm 1990, ông đã đứng tên chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của Kiến thức ngày nay. Bấy giờ, tạp chí này đang “ăn nên làm ra”, số lượng phát hành thuộc loại “khủng” nên bài viết trên đó được nhiều người biết đến. Với kiến thức cùng lập luận sắc sảo, lập tức, An Chi tạo nên tiếng vang. Từ chuyên mục này, ông đã xuất 6 tập sách lấy tựa cùng tên chuyên mục trên, riêng tập 7 sắp in. Ngoài ra, ông còn có quyển Những tiếng trống qua cửa nhà sấm.

Sau khi thôi cộng tác Kiến thức ngày nay, bài viết của tên ông lại xuất hiện trên tạp chí Đương thời, Năng lượng mới, Người đô thị, An ninh thế giới… vẫn tiếp tục với sở trường, chuyên môn khó có ai bì kịp. Đó là những bài viết chuyên sâu liên quan đến chữ nghĩa tiếng Việt. Những bài viết này khiến độc giả thích thú vì lắm lúc ông “lật ngược” vấn đề một cách ngoạn mục, thông minh bằng nhiều chứng cứ thuyết phục, muốn cãi lại, nói thật, không dễ dàng chút nào.

Với Rong chơi miền chữ nghĩa, một lần nữa, bạn đọc lại nhận thấy ghi nhận của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo dành cho An Chi vẫn còn chí lý: “Thời nay không ai có thể tự cho mình là “nhà bách khoa” cái gì cũng biết, những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn phần đông độc giả vì đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao…”.

Điều đáng ngạc nhiên, dù không hề có bằng cấp, học hàm, học vị nhưng sự tự học của ông mới đáng nể làm sao. Đọc xuyên suốt những gì An Chi đã công bố mới thấy ông am tường, sử dụng được nhiều ngoại ngữ. Nhờ thế, ông đã chỉ ra những sai sót của người đi trước và có thêm nhiều đóng góp về học thuật.

Xin nêu một thí dụ: Về Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của Alexandre de Rhodes do Bộ truyền giáo in tại Roma ngày 5.2.1651, sau này, năm 1991, NXB Khoa học Xã hội chụp lại và các ông Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính có thêm phần phiên dịch, An Chi cũng có ý kiến xác đáng.

Chẳng hạn về từ “eo, bàu eo” (“bàu” ở đây là “bầu” trong “bầu bí”). Ông viết: “Nhóm này đã dịch “abobora com cabeça” (Bồ) và “cucurbita capitata” thành quả tròn như đầu người. Trong tiếng Bồ thì “com cabeça” là “với” (cái) đầu”, nghĩa là có đầu “chứ không phải tròn như đầu người”; còn trong tiếng La thì “capitata” là giống cái của “capitatus” - mà giống trung là “capitatum” chứ không phải là “tròn như đầu người”. Các vị đã cắt mất “cổ ve chai” của trái bầu eo mà biến nó thành một thứ quả tròn vo như quả bóng đá” (Rong chơi miền chữ nghĩa - tập 1, tr.149).

Cái thú lúc đọc bàn về chuyện chữ nghĩa của ông An Chi chính là chỗ đó. Nói có sách mách có chứng. Rõ ràng. Rành mạch. Tựu trung những tập sách  của ông, phần lớn đã “nói khác” những gì mà lâu nay ta vẫn tưởng, vẫn tin như “đinh đóng cột” là đúng. Đọc xong, mới bật ra: “À, thế à. Vậy mà lâu nay, cứ tưởng…”.

Và lâu nay, cũng có một điều đáng phàn nàn là một khi ai đó dám “đụng đến” kiến thức của những học giả đã thành danh ắt bị cho thiếu khiêm tốn. Nói như thế là trật. Tranh luận về học thuật, không thể lấy vai vế, tên tuổi ra áp đặt, khẳng định ý kiến mình là chỉ có đúng. Cấm ai cãi lại. Không. Các học giả chân chính không ai có suy nghĩ ấu trĩ đó. Và học giả đi sau, dù có góp ý cho các bậc tiền bối, họ cũng không nghĩ mình giỏi giang hơn. Dù đã có đôi lần chỉ ra một vài chú thích, giải thích sai sót trong Từ điển Truyện Kiều, khi giao lưu cùng bạn đọc, An Chi khẳng định mình không thể sánh với tầm vóc của cụ Đào Duy Anh.

Bên cạnh đó, ông còn cho biết: “Tôi là người chịu ơn rất sâu sắc về mặt tinh thần đối với tác giả Lê Ngọc Trụ mặc dù sau khi tích luỹ được một số kiến thức cơ bản về ngữ học thì tôi lại thấy ông không phải là người… tiên tiến. Tôi đọc Chánh tả Việt ngữ, bộ sách 2 quyển của Lê Ngọc Trụ (do nhà Nam Việt ở Sài Gòn xuất bản) năm 15 tuổi rồi từ đó mê luôn tiếng Việt, chữ Hán và từ nguyên. Thực ra, khi bắt đầu công việc nghiên cứu, tôi lại đi vào ngữ pháp tiếng Việt và đã có nhiều điều ghi chép mà tôi rất lấy làm tâm đắc, đặc biệt là về từ láy. Nhưng cũng chính khi đưa ra cách giải thích riêng về “nguyên lý” của từ láy thì tôi lại thấy phải đi vào từ nguyên”.

Và, đến nay, vấn đề từ nguyên tiếng Việt nói chung, từ gốc Hán hay giao thoa từ các tiếng dân tộc nào vẫn đang là niềm đam mê, đeo đuổi ở An Chi rất mãnh liệt, bền bĩ. Mà vấn đề này, có thể tìm thấy trong các tập sách của ông đã xuất bản. “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh). Hơn bao giờ hết, giữa thời buổi của sự hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc để không hòa tan thì vấn đề tìm hiểu “tiếng ta” lại càng bức thiết và quan trọng biết dường nào.

Trong buổi giao lưu ra sách, mới biết, cây bút đã bước qua tuổi 80, An Chi sinh năm 1935 tại Sài Gòn, lại còn có nhiều fans hâm mộ đến thế. Có không ít người cho biết, dù không học nhưng do đọc sách của ông nên kính cẩn gọi là “thầy”. Và ai sẽ là người nối nghiệp học giả An Chi về công việc nhọc nhằn là đi tìm từ nguyên của tiếng Việt?

Thật ra trước khi ký bút danh An Chi, ông ký Huệ Thiên. Tại sao có bút danh này, khi giao lưu cùng bạn đọc ông bật mí: Tên thật là Võ Thiện Hoa, mà từ “Hoa”, người miền Nam còn phát âm là “Huê”. Do đó, bút danh trên là nói lái từ tên thật với nghĩa: “vẻ tươi tốt của cây cỏ”. Rồi sau “sự cố” vì có liên quan đến một câu đối, sự cố này y đã kể rõ trong quyển Ngày trong nếp ngày, ông đổi qua ký An Chi. Nói lái An Chi là i chan, trùng âm với y chang, nghĩa là cũng Huệ Thiên đấy thôi.

Rời khỏi NXB Tổng Hợp lúc đã trưa. Đi xe trong mưa và lẫm nhẫm lại bài thơ của ông An Chi Tự vịnh 60. Nay, chép lại cũng là một cách tỏ lòng biết ơn về một người thầy đáng kính đã từng giải thích, chỉ bảo những từ khó hiểu khi y mải mê viết quyển Tiếng Việt lắc léo. Sách đang in. Và y vẫn còn tiếp tục viết dài dài. Bài thơ này, tác giả Rong chơi miền chữ nghĩa, viết vào ngày 27.11.1995:

Mới đó nay đà sáu chục xuân
Thất cơ lỡ vận cũng đôi lần
Lênh đênh Suối Trại thời bôn mệnh
Lận đận non Mường buổi tiến thân
Xa chơi đồi núi làm du khách
Rộng ngắm trời mây bước lãng nhân
Mơ màng chi đến màu danh lợi
Rồi ra cũng một mớ phù vân

Đọc đi đọc lại bài thơ đến dăm lần, trời vẫn còn mưa. Lại có tin nhắn rủ đi nhậu. Lâu nay, y đã tự đặt ra nguyên tắc: Không lai rai buổi trưa, dù chỉ một giọt. Chẳng lẽ lại vi phạm ư? Thôi đành nghiến răng mà quay về nhà. Dù về nhà, chẳng có gì lót dạ. Bếp núc lạnh tanh. Mẹ đã về quê mấy tháng nay rồi. Lại trở về cái thời gian chết tiệt “cơm hàng cháo chợ”. Chán là thế. Mà cũng chẳng nên chán làm gì. “Rồi ra cũng một mớ phù vân”. Vậy thì, y tự nhủ cùng y: “Vui đi cưng”. Tất nhiên.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment