LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.11.2016

 

bua-com-ngon-1R

 

Không nhớ từ lúc nào, y đã đọc bài thơ này trên báo báo nào, tác giả là ai? Thế nhưng, những lúc buồn bã, thất vọng khiến tâm hồn mệt mỏi, cay đắng, lại nhớ đến. Như môt liều thuốc giúp tinh thần phấn chấn trở lại. Như một niềm an ủi vui tươi. Không riêng gì y, nhiều người khác lúc nhớ về bữa cơm gia đình thời thơ ấu, bao giờ cũng vọng lại kỷ niệm chói chang nắng ấm. Rằng, nhân ngày dịp lễ, trên mâm bữa cơm của một nhà nọ có con gà thiến luộc vàng hườm, béo nhẫy! Ông bố vốn hài hước, vui tính bảo: “Gia đình ta, ai cũng yêu thơ. Mà ăn uống phải có văn hóa nghệ thuật, vì thế, bố quyết định mỗi người đọc một câu thơ. Ai nhắc đến bộ phận của con gà nào thì được thưởng phần đó”.

Cả nhà vui vẻ tán đồng.

Người cha cười khà khà ứng khẩu: “Bố đây làm chủ gia đình/ “Đầu, cổ” sáng suốt điều hành mới hay”. Rồi ông xén phần đầu, cổ bỏ vào bát. Tợp hớp rượu. Cườu khà. Kế đến, cậu con trai tiếp: “Con nguyền nối tiếp chí trai/ Chỉ xin “đôi cánh” tung bay giữa trời”. Cô con gái ấp úng: “Con là phận gái má hồng/ Cần “đùi chân” chắc, “gan lòng” trinh nguyên”. Hào hứng vỗ tay khen, bà mẹ tủm tỉm cười. Rồi, bà sẽ đọc câu thơ gì?

Biết chú út vốn háu ăn, vì thế, bà hạ một câu “đánh nhanh, diệt dọn”, tất nhiên, chỉ là một cách đùa hóm hỉnh: “Mẹ luôn son sắt “trái tim”/ Giữ “thân mình” dẫu tóc xanh bạc màu”. Vậy là xong. Nhìn thấy trên mâm trống trơn, chú út giẫy nẫy, khóc nhè: “Hu hu… thịt hết còn đâu”. Người cha vui vẻ dỗ dành: “Đây! Riêng con chiếc “phao câu” vàng hườm/ Cả nhà ai cũng thương con/ Đều dành cho út phần ngon đây nè”. Chú út có nín khóc? Sức mấy nín. Vẫn khóc. Biết trẻ con khoái tin lời hứa, ông bố bảo thêm: “Nín đi, đừng có khóc nhè/ Sang năm học giỏi, thơ vè cho hay/ Thưởng út nguyên con gà quay”. Cậu anh trai liền trêu: “Chú út khoái quá, cười ngay hì hì”.

Vui quá. Thương quá. Hạnh phúc đời người, tìm kiếm đâu  xa, đôi lúc chỉ cần vậy. Mà nhớ suốt một đời. Mà trong đời người, những bữa ăn có bố mẹ, anh chị em cùng ngồi chung một mâm. Mãi mãi là kỷ niệm đẹp. Trưa  qua đi làm, trên đường về nhà lẫm nhẫm mấy câu thơ đó. Rồi lại ngao ngán. Mỗi trưa, là ngao ngán. Chẳng biết phải ăn gì? Khổ thế.

Khá lâu rồi, đọc một thông tin Trên 6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng người Việt. Ám ảnh mãi. “Khi được cho ăn thức ăn có chứa các chất thuộc nhóm beta-agonist (gồm salbutamol, clenbuterol và ractopamine) với một tỉ lệ nhất định, heo sẽ bung đùi, nở mông, tăng trọng nhanh và giảm mỡ, tăng nạc... Tuy nhiên, người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư salbutamol và clenbuterol lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng và là nguy cơ cho những căn bệnh khác. Các nước trên thế giới đều đã cấm sử dụng nhóm beta-agonist để làm chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi. Từ năm 2002, Việt Nam cũng đưa các chất thuộc nhóm beta-agonist vào danh sách cấm (nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 22.3.2106).

Rợn cả người.

Mới chiều tuần rồi, người em, bạn thơ Lê Hòa nhắn tin mời vào quán nhậu lai rai. Ngoài trời mưa như thác đổ. Gọi món thịt bò xào cần cho ấm bụng. Khói nghi ngút. Thơm tho. Vừa cầm đũa, ăn thử một miếng. Hòa phát hiện ra thịt giả, tức thịt heo bị biến thành thịt bò. Gọi tay quản lý nhà hàng ra, Hòa phân tích đâu ra đấy, cuối cùng, hắn phải đổi cho món khác. Thế đấy. Đôi lúc, bước vào nơi sang trọng, chắc gì đã ăn thực phẩm sạch? Có tiền đó, dù không nhiều nhưng vì sức khỏe, người ta sẵn sàng mua thực phẩm nhập khẩu để ăn mỗi ngày. Mua ở đâu? Lựa chọn thế nào? Phân biệt giả thật ra làm sao? Với y, luôn là bài toán khó.

Ngày kia, mẹ ốm, không thể đi chợ, y bèn tài lanh vào siêu thị. Lúc mang thức ăn về, huýt sáo hào hứng, chắc mẫm được mẹ khen cho một câu. Sướng nhé. Nào ngờ, bà cụ bảo: “Ra ngoài chợ nhìn thấy tận mắt, mua tốt hơn, chị dâu con nói với mẹ là không ít hàng kém chất lượng đã tuồn vào đó, họ đóng mác lại nên thiên hạ cứ tưởng thực phẩm sạch”. Nghe choáng luôn. Chẳng lẽ, chuyển qua ăn chay. Mà chắc gì đã an toàn?

Chẳng rõ, sau này các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ bình luận thế nào về sự việc này? “Đổ xô đi mua muối, nước mắm”: Thông tin nước biển nhiễm độc tại các tỉnh miền Trung khiến người dân không dám ăn các loại thủy hải sản biển, đồng thời, sản phẩm được chế biến từ các vùng biển miền Trung cũng ế ẩm. Tuy nhiên, những ngày qua, các loại nước mắm, muối sản xuất tại các địa phương khác “cháy” hàng, khiến thị trường xáo trộn” (nguồn: Báo Thừa Thiên Huế Online ngày 29/04/2016 - 10:50). Một đất nước nằm dọc bờ biển Đông, ngàn đời làm muối, giỏi nghề đi biển mà nay không có cá, muối để ăn - nói như đồng nghiệp Ngô Kinh Luân đã từng than vãn: “Cạn lời”. Đúng là cạn lời đến độ không còn thốt ra lời nào nữa. Không thốt ra lời cũng là lúc từ hai hố mắt ứa ra từng giọt lệ cay đắng. Căm thù.

Lịch sử tiến hóa của dân tộc Đại Cồ Việt này, ông trời chơi khăm quá.

Lúc bị nô lệ, tiếng kêu than, niềm bi phẫn, sự réo gọi mãnh liệt của bao tử đã tạo nên sức mạnh vùng dậy giành lấy tự do, khát vọng được làm người. Giá trị lớn nhất của nền văn học hiện thực trước 1945 đã phản ánh rõ nét. Ám ảnh về miếng ăn ghê gớm lắm. Đọc để thương xót, để hiểu hơn kiếp người thuở ấy. Nhà văn Ngô Tất Tố có viết truyên ngắn về ngày Tết của một nhà nghèo. “Ý a, sáng rồi! Tết đến nơi rồi”. Những đứa trẻ réo gọi bố mẹ dậy “làm Tết”. Thế nhưng nhà không có gì để nấu, họ đành lần khần, khất mãi, mãi đến trưa, con cái mè nheo, khóc lóc. “Chúng con đói quá rồi, Thôi chẳng cần ăn giò ăn bánh gì nữa u ạ, U đi nấu cơm cho con ăn”; “Nhà hết gạo rồi, lấy gì mà nấu cơm được? Con có bú của em một miếng thì bú”. Vừa nói, chị Ất vừa vạch yếm nâu, chìa cái vú lép lẹp cho thằng bé năm tuổi. Sung sướng thằng Tuất kề miệng vào đầu vú mẹ, nhắm mắt, nóp má, hút một hơi dài. Tuy bầu sữa khan cạn, không thấm gì với dạ dày thằng Tuất, mà cái Mùi đứng cạnh, hai con mắt vẫn chòng chọc nhìn em như muốn ghen sự no nê của nó”. Truyện ngắn này, Cái bánh chưng in trên báo Tương Lai số 4 (18.2.1937).

Nghĩ về tương lai là hướng đến sự tốt đẹp hơn, chẳng hạn, cơm no, áo ấm, không còn vì nhìn cảnh vợ con nheo nhóc vì đói. Rồi bức bách đến độ phải treo cổ xong quách cái sự đời đen như mõm chó mực.

“Bu ơi con đói”, đang nằm bệnh, anh đĩ Chuột nghe tiếng khóc của con mà quặn lòng. Làm thế nào để bớt một miệng ăn? Tình huống của sự bi thảm buộc nhà văn viết tiếp. Viết tiếp đoạn này, có lẽ Nam Cao đau đớn đến bật khóc, người đọc cũng ứa nước mắt: “Anh lấy cái thừng, làm một cái tròng chắc chắn, dùng hết sức tàn còn lại, trèo lên ghế, hai chân khẳng khiu run lẩy bẩy. Anh buộc cẩn thận một đầu dây lên xà nhà, buộc xong, mệt quá, anh đu vào cái thừng, gục đầu xuống thở. Anh thấy lòng chua xót, nước mắt giàn ra hai má lõm. Rồi anh quả quyết, anh đứng thẳng người lên, chui đầu vào tròng, cái thừng cứng cáp cọ vào cổ làm anh rùng mình, khóc nấc lên một tiếng. Cả cái thân hình mảnh dẻ bắt đầu rung chuyển như một tàu lá run trước gió. Bỗng anh ngừng bặt, ngây người ra nghe ngóng. Tiếng ai vừa gọi ngoài ngõ, tiếp đến cái Gái thưa và chạy ra, tiếng người kia the thé:

- Bu mày đâu?

Tiếng cái Gái rụt rè đáp lại:

- Bẩm bà, bu con đi vắng.

- Đi vắng! Đi vắng mãi! Mày về bảo con mẹ mày nội ngày mai không trả tiền tao thì tao đào mả lên đấy. Cái giống chỉ biết ăn không.

Anh đĩ Chuột rít hai hàm răng lại. Hai chân giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ xương bọc da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn gật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng”.

Nghĩ về tương lại là hướng đến sự tốt đẹp hơn. Điều ấy đã đến. Khát vọng đổi đời đã đến. Người Việt giàu có hơn, chẳng còn ai phải sống mòn như các nhân vật dân đen trong dòng văn học hiện thực phê phán. Đúng thế. Nhưng ông trời chơi khăm thật. Giàu có hơn đấy. Sung túc hơn đấy. Nhưng rồi có lúc cầm một đống tiền trên tay, lại tự hỏi: “Mua gì để ăn?”. Ăn là để sống, chứ không thể ăn để chết. Câu trả lời khó khăn quá. Bao giờ mới trở lại cái ngày xa xưa? Trong quyển Tiểu học Quốc văn lớp Tư (NXB Sống Mới -1967) do nhà giáo Hà Mai Anh biên soạn, trang 36 có bài học thuộc lòng:

Rau thơm trái ngọt đâu tầy

Ruộng đồng trải khắp đó đây lúa vàng

Cửi Long một dãy trường giang

Sẵn tôm nhiều cá dễ dàng sinh nhai


Thôn trang gà, lợn chăn nuôi

Tiện bề tiếp tế khắp nơi thị thành

Tự do, no ấm, thanh bình

Biết bao gây dựng công trình mới nên


Chắc chắn gia súc ngày ấy không có những thứ mà cơ quan chức năng đã cảnh báo: Chất tăng trọng Cysteamine - người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài có thể bị mắc ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt, suy yếu hệ thống miễn dịch...; Chất tạo nạc Salbutamol - gây nhức đầu, buồn nôn, tụt huyết áp, run chân tay, gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Thuốc an thần Prozil để gia súc giữ cân, dễ giết mổ, thịt hồng tươi khiến chất độc tích tụ trong cơ thể có nguy cơ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, run chân tay, thay đổi huyết áp, rối loạn giấc ngủ, thậm chí đần độn. Tồn dư kháng sinh được nguy hiểm hơn chất tạo nạc, có thể làm suy giảm chức năng gan, thận, khiến cơ thể con người bị kháng thuốc.

Rợn cả người.

Đừng mong ước cả thiên đường

Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa

Thơ Hồ Dzếnh. Y chưa “đạt đạo” đến cỡ đó. Những ngày này chỉ xin được trở lại như ngày xưa có bữa cơm được ăn thực phẩm sạch. Bình dị là thế. Đơn giản là thế. Sao lại khó khăn đến thế? Cay đắng đến thế? Lịch sử tiến hóa của dân tộc Đại Cồ Việt này, ông trời chơi khăm quá. Nói thế, oan cho ông trời. Bài học thuộc lòng Bữa cơm ngon, in trong sách Tập đọc lớp Ba, trang 64 (Bộ Giáo Dục miền Nam in năm 1966). Năm đó, y vừa lên 7, mẹ y đã 39 tuổi.

Ngày ngày tôi thích bữa chiều

Cơm thường xoàng xĩnh nhưng nhiều người ăn

Cả nhà đông đủ quanh bàn

Này ba, này mẹ, này đàn em thơ…

Rau dưa với thịt kho nhừ

Chén cơm trắng dẽo, ngọt lừ tô canh

Bữa ăn sum họp gia đình

Cơm rau thanh đạm, mặn tình thương nhau.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment