Tự nhiên lòng thấy vui. Ấy là lúc bước vào cơ quan, nơi làm việc mỗi ngày đã thấy cái thùng từ thiện kêu gọi anh em tùy ý, tùy tâm bỏ tiền vào đó nhằm đóng góp giúp đồng bào lũ lụt miền Trung. Sống ở đời ai cũng cần có việc làm để kiếm tiền. Vì sự nhọc nhằn của sức lao động, khi chi xài phải cân nhắc. Thế nhưng, trước cảnh khốn khó “người trong một nước phải thương nhau cùng”, chẳng một ai cân nhắc thiệt hơn. Lại nhớ về những chuyến đi cứu trợ trước đây. Và viết ngay bài tường thuật gửi về tòa soạn. Tình yêu thương nhiều vùng đất cũng từ đó càng thêm nặng lòng.
Sáng nay, đọc thông tin Lời kêu gọi chung tay hỗ trợ đồng bào lũ lụt miền Trung, từ Báo Thanh Niên. Nhói lòng. “Theo thống kê, tính đến chiều 17.10, tại các tỉnh trung và bắc Trung bộ đã có hàng chục người thương vong và mất tích do mưa lũ, hơn 100.000 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước, hàng trăm ngàn héc ta hoa màu bị hư hại, nhiều gia súc gia cầm bị lũ cuốn trôi... Do nhiều tuyến đường bị chia cắt nên người dân ở các tỉnh miền Trung đang ra sức chống chọi với lũ lụt và ở các tỉnh này đã xuất hiện tình trạng đói khát ở những vùng bị lũ cô lập. Những thiệt hại ngày càng trở nên trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng lâu dài hơn”.
Lâu nay, dư luận rộ lên với câu hỏi đau đớn, vì sao tâm tính người Việt ngày một xấu đi? Tàn nhẫn hơn. Độc ác hơn. Điều đó không sai. Nhưng rồi đến lúc lại thấy “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, lại thấy sáng ngời tâm thế “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Lá lành đùm lá rách”… Có một điều cần ghi nhận, các tổ chức xã hội, cá nhân đã huy động được hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng từ những tấm lòng san sẻ cùng nỗi đau của đồng bào ruột thịt. Trước hết, phải do lòng nhân của người Việt ngàn đời nay vẫn thế và nhờ thế, các cá nhân mới có thể huy động được sự quyên góp số tiền lớn. Chẳng hạn, MC Phan Anh, một cá nhân với vài người bạn nghệ sĩ đã vận động trong thời gian ngắn được 10 tỉ đồng.
Tại sao họ có thể huy động được số tiền " khủng" đến thế? Trên trang Facebook cá nhân, nhà thơ Từ Kế Tường lý giải: “Điều này nói lên nhiều ý nghĩa: Đó là uy tín, là lòng tin, là "thương hiệu" cá nhân đủ sức thuyết phục cộng đồng chứ không phải những lời hô hào, khẩu hiệu, ngôn từ đao to búa lớn nhưng vô cảm. Nhất là những câu chất vấn "Làm từ thiện với động cơ gì?". Làm từ thiện chẳng có động cơ nào cả, ngoài động cơ duy nhất là giúp đồng bào khốn khổ vì bị thiên tai mưa lũ do trời và nhân tai xả lũ do thủy điện Hố Hô. Cũng đừng thắc mắc vì sao MC Phan Anh vận động được 10 tỉ (có thể sẽ hơn) chỉ trong thời gian rất ngắn vì người hảo tâm tin rằng Phan Anh và những người bạn của mình sẽ có cách đưa tiền tới tận tay đồng bào khốn khổ đang cần mà không bị ăn xén, ăn chận. Đơn giản vậy thôi”.
Đáng chú ý ở câu: “cách đưa tiền tới tận tay đồng bào khốn khổ đang cần mà không bị ăn xén, ăn chận”. Lâu nay, từ báo chí các đồng nghiệp đã phanh phui ra lắm vụ cán bộ cấp thấp lè tè, cao chót vót đã có hành động thô lậu, đáng lên án ấy. Ai trong cảnh màn trời chiếu đất, tang thương, đói rét thì mặc. Sống chết mặc bay. “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (Truyện Kiều). Một trong những từ xuất hiện nhiều nhất ở nghĩa phái sinh trong tiếng Việt chỉ có thể từ “ăn”.
Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí tiến đức ghi nhận “Ăn chận, ăn chẹt”: Thừa lúc người ta bối rối, hay nguy nan mà bắt chẹt lấy tiền, lấy của”. Thật ra ăn chận/ ăn chẹt không giống nhau. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Ăn chẹt: Phép đánh cờ gánh, chận chẹt đàng mà bắt con cờ người ta, kêu là ăn chẹt. Thôn trưởng nhơn việc thâu thuế làm quỷ quái thâu dư, hoặc ăn vặt của dân, cũng gọi làm ăn chẹt gánh”. Thành ngữ có câu: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc”; lại còn có dị bản: “Thợ may ăn rã, thợ mã ăn hồ, thợ mộc ăn giăm khô, thợ rèn ăn cứt sắt”. Nghĩ cho cùng, những cách “ăn” như trên cũng còn có thể chấp nhận được bởi từ sức lao động, từ nghề mà họ có ăn chút đỉnh cũng chẳng sao. Còn nếu ăn quá hớp, tọng đầy họng như cách nói hiện tại là “rút ruột công trình” - cỡ như đúc bê tông không hề có lõi sắt mà chỉ có... cọc tre thì nhà, cầu sụp cái đụi dễ như chơi.
Vậy “ăn chận” là gì? Là lợi dụng cương vị trung gian để lấy bớt phần người khác. Phần đó, người khác có được, được nhận là do lòng hảo tâm của bá tánh, nhưng do đóng vai trò trung gian "theo đúng quy trình" nên mình đớp luôn. Ấy mới sự khốn nạn, thô bỉ. Khi đồng loại đang đói khát, rét mướt, bệnh hoạn, ốm đau… khiến cả nước, kể cả kiều bào nước ngoài “nhường cơm xẻ áo” - mình đứng ra nhận lấy tấm lòng thể hiện qua vật chất cụ thể. Thay vì phân phát đúng người, đúng việc thì mình lại ăn chận! Vì lẽ đó, y biết nhiều tổ chức thiện nguyện, nhiều người làm tự thiện không tin vào cái gọi là “trung gian” nữa, họ đến trao tận nơi là vậy. Mà một khi đã ăn chận thì họ đứng ngoài nỗi đau chung. Nỗi đau này, anh bạn thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa post lên trang Facebook cá nhân:
Núi dựng đá mà sông thì dựng thác
Ngón chân tòe Giao Chỉ vẫn còn đi
Nước lũ rút rồi người vẫn còn nghẹn nước
Nghẹn đói nghèo mà chẳng được vân vi.
Quê hương ơi, bao lận đận hiểm nguy
Bốn phương người đang hướng về nơi ấy
Bồng bế nhau mà nghẹn tình thân ái
Nghẹn nỗi niềm: chỉ dân biết thương dân…
Những tấm lòng “chỉ dân biết thương dân”, đùm bọc lấy nhau quý lắm. Thời nào cũng có. Giá nhân nhân văn của dân tộc Việt ngàn đời nay vẫn thế. Không một ai có thể chấp nhận kẻ “ăn trên ngồi trốc” lại giở trò “ăn chận”. Nhân bàn chuyện về “ăn”, mới đây trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 20.10.2016) có bài viết của TS Lê Trung Hoa bàn về câu tục ngữ: “Ăn đưa xuống, uống đưa lên”. Theo ông: “Trước hết là câu: “Ăn đưa xuống, uống đưa lên”. Câu này hướng dẫn chúng ta cách ăn và cách uống trong lúc tham dự những bữa ăn tập thể như dự tiệc tùng hay cưới hỏi theo phép xã giao thông thường. “Ăn đưa xuống” khuyên chúng ta không nên bưng cái chén ăn liên tục mà thỉnh thoảng phải đặt chén xuống bàn, chờ mọi người cùng ăn với mình. Còn “uống đưa lên” khuyên chúng ta chốc chốc phải đưa ly rượu lên mời mọi người cùng uống cho vui vẻ, thân thiện (tr.14).
Cách giải thích này có hơp lý không?
Thiết nghĩ, cần bàn lại. Ăn, trong ngữ cảnh này không là ngồi ăn một mình như câu thơ của Hữu Thỉnh miêu tả người đàn bà góa bụa: “Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Ở đây, chính là lúc ăn đông người, ăn tập thể. Không chỉ mâm cao cổ đầy lúc ăn ở đình làng, ngồi thứ tự theo vai theo vế mà ngay cả trong gia đình cũng vậy. Mâm trên dành cho bậc trưởng thượng, cao niên và thức ăn bao giờ cũng nhiều hơn, ngon hơn mâm dưới của hạng cháu con (nếu trong nhà), dành cho bọn thấp cổ bé họng (nếu ở đình làng).
Vậy thì “Ăn đưa xuống”, tức là lúc bậc cả, người lớn bày tỏ sự thân thiện, quan tâm đến bề dưới. Cũng là cách ngầm cám ơn những gì mà họ đã cung cúc phục vụ, hầu hạ. Phép xử thế khôn ngoan ở đời đấy. Phải là sự “ăn đồng chia đủ” chứ không phải mỗi mình hưởng, rồi đến lúc hoạn nạn thì kêu ai? Nó có thèm tới không? Chính sử Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện năm 1257, lúc quân Nguyên xâm lược nước Đại Việt ta, có kẻ suýt bị vua Trần giết của họ vì tội bất trung. Nguyên nhân sâu xa cũng vì phân bì miếng ăn mà nên tội. “Trước kia có lần vua ban xoài cho những người hầu cận, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang gặp hoàng thái tử đi huyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn: “Quân Nguyên ở đâu". Cự Đà trả lời: “Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy”. Đến đây, thái tử xin ghép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cực Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội”.
Miếng ăn, nhất là “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp” nó quan trọng thế đấy. Vậy nên “Ăn đưa xuống” là lời dạy về phép ứng xử của bậc trên dành cho cộng sự, tôi tớ, con cháu... Chứ không là: “khuyên chúng ta không nên bưng cái chén ăn liên tục mà thỉnh thoảng phải đặt chén xuống bàn, chờ mọi người cùng ăn với mình” (!). Nếu thế, ông bà ta có cách nói khác.
Còn “Uống đưa lên” cũng là phép ứng xử khôn ngoan nhưng dành cho kẻ dưới. “Đưa lên” là từ thấp đưa lên, tỷ như người từ mâm/ chiếu dưới đưa lên mâm/ chiếu trên. Lúc tiệc tùng, ăn nhậu, đã có chút men, “rượu vào lời ra” cũng là cơ hội tốt, thuận lợi giúp mình có thể tiếp cận đàn anh, bậc trên mà lâu nay không có điều kiện, hoặc không thể ngồi chung. Chỉ lúc này, với chén rượu đang lúc ăn uống mình có thể “đưa lên” mời mà không sợ trái phép. “Trời đánh tránh bữa ăn” kia mà, dẫu bấy lâu bậc đàn trên chẳng ưa thích gì mình, hoặc đang giận điều gì thì đây cũng là lúc cần thiết mượn động tác “đưa lên” đặng hóa giải. Mà “đưa lên” là động tác diễn ra nhanh gọn, rồi thoái lui, chứ đừng ngốc dại “ngồi lên” rồi ngồi ì ra đó như thể bằng vai phải lứa. "Đưa xuống" cũng thế. Dù thể hiện động tác có quan tâm đến kẻ dưới nhưng cũng không hề ngồi chung chạ. Vẫn đâu ra đấy. Vai vế đâu ra đó vẫn rõ ràng.
Tục ngữ, thành ngữ về định nghĩa của nó, đã rõ rồi, không cần nhắc lại nữa. Nhưng ít ra nó phải có tính đại chúng, phổ quát, chứ không dành riêng cho một đối tượng nào. Vậy, cách giải thích: “Còn “uống đưa lên” khuyên chúng ta chốc chốc phải đưa ly rượu lên mời mọi người cùng uống cho vui vẻ, thân thiện”. Thế thì, gặp người không biết, không khoái bia bọt dẫu một giọt thì “chốc chốc phải đưa ly rượu lên mời mọi người cùng uống cho vui vẻ, thân thiện” à? Thậm vô lý.
Sực nhớ lại chuyện tối qua. Cũng đi ăn. Vào cái quán “chuyên trị” món ăn Bắc, cầm cái thực đơn, ngoài bài ca dao về Thành Nam (tức Nam Định) còn câu vần vè này. Nhộn ra phết: “Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà/ Có anh hàng xóm đi qua/ Phải hơi khói thuốc say ba, bốn tuần/ Thêm chú gà trống ngoài sân/ Mỗ nhầm bã thuốc cánh, chân cứng đờ/ Lại còn chị mái hoa mơ/ Hơi thuốc bay đến bơ phờ cả lông…”. Sách Vân Đài loại ngữ của danh nhân Lê Quý Đôn ghi: “Từ năm Canh Tý (1660), niên hiệu Vĩnh Thọ (1658-1662), đời vua Lê Thần Tông, người Ai Lao đem cây ấy đến, dân ta trồng”. Tùy cách sử dụng, tên gọi thuốc lào có khác đi. Ngày xửa, ngày xưa, mẹ của y có ăn trầu, nay đã bỏ, thỉnh thoảng lại xỉa thêm một ít thuốc lào, một cách chà răng nhằm loại bỏ xác trầu. Nhúm thuốc lào này được gọi “thuốc xỉa”.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|