LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.10.2016

 

Saigonnhtaky_12.10_1R

 

Thương xá Tax, diện tích 9.200 m2 nằm ngay trung tâm quận 1, tiếp giáp 3 đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur - một trong những nơi kinh doanh sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Thương xá này có 1 tầng trệt và 3 tầng lầu. Tầng trệt chủ yếu bán mỹ phẩm, nữ trang, va li, túi xách, giày dép; tầng 1 - 2 dành cho thời trang, gốm sứ, siêu thị, khu vui chơi cho trẻ em; tầng 3 bán hàng lưu niệm, đồ mỹ nghệ, nhà hàng, quán cà phê.

Sáng nay, Thương xá Tax chính thức đập bỏ.

Lật lại nhật ký 6.11.2014, y đã ghi: “Số phận Thương xá Tax - xây dựng từ năm 1880 tại Sài Gòn, được báo chí đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây. Từ ngày 25.9.2014, nơi này ngừng hoạt động, một số hạng mục phụ cận đang được tháo dỡ để xây dựng thành một trung tâm thương mại hiện đại 40 tầng. Cảm động với thông tin này, cần ghi lại: “Nền cầu thang được khảm gốm Mosaic, 4 chú gà trống, trái châu và lan can... là những hạng mục lâu đời còn lại của Thương xá Tax được Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TP HCM đề xuất bảo tồn”. UBND TP. HCM vừa có văn bản giao các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất cụ thể việc bảo tồn một số hạng mục.

Chép thêm bài trong sách giáo khoa của miền Nam liên quan đến Thương xá Tax vừa bị đập bỏ. Việc làm đó đã dậy sóng trong lòng mọi người. Một phần cũng do ngay từ bé, người Sài Gòn đã được học, được cảm nhận về “Thương xá Nguyễn Huệ”, nguyên văn như sau:

"1. Tầng dưới của tòa buynh-đinh rộng lớn nằm tại đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi được dùng làm thương xá.

2. Gặp ngày nghỉ lễ, thương xá đông nghẹt những người! Các lối đi thênh thang bên trong sáng rực đèn ống, đèn màu. Gian hàng trần thiết rực rỡ, chưng bày nhiều ngoại phẩm quý giá, đắt tiền. Vài cặp vợ chồng trẻ dìu nhau ngắm nghía mấy áo len đủ màu, đủ loại hoặc khẽ cười với nhau khi trầm trồ mấy viên hồng ngọc rực rỡ bên trong tủ kính. Một cô bé thích thú reo lên khi chợt nhìn thấy con búp bế xinh xinh.

3. Đây đó, nhạc vui trỗi lên lồng lộng như mừng đón khách hàng” (nguồn: Quốc văn bộ mới lớp Nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiên và Một nhóm giáo viên biên soạn - NXB Việt Hương in năm 1970, tr.109, tác giả V.P.L - tr. 117).

Ô hay, ngày xưa, “Một cô bé thích thú reo lên khi chợt nhìn thấy con búp bế xinh xinh” là hình ảnh chị y đấy ư?

“Mắt biếc năm xưa nay đâu?”.

Đọc lại vài dòng Nhật ký này, nghĩ rằng có những ca từ, hát lên, tự mình cảm thấy dửng dưng. Không gì xao xuyến. Với người khác. Chắc gì? Không rõ trước sự kiện về Thương xá Tax, nhà văn Lê Văn Nghĩa nghĩ gì? Anh từng cho biết: “Khoảng năm 1964, khi tôi được 11 tuổi, ba tôi, một viên cảnh sát quèn, được nhận nhiệm vụ gác trước cửa ngân hàng BFC trong thương xá TAX, tôi mới biết được thế nào là thế giới của “văn minh”. Thi thoảng, tôi được ba tôi chở ra Thương xa Tax để nhìn người đi qua, đi lại trong ánh điện sáng choang, trong mùi dầu thơm sực nức. Những của hàng bán băng, dĩa hát có giọng ca Bạch Yến, Tini Young, hàng hóa, quần áo, nước hoa sang trọng. Những quán ăn hột gà lộn 11 ngày, la de 33 sủi bọt… đập vào mắt, mùi thơm của thức ăn ngào ngạt xộc vào mũi tôi đầy nghiêng ngữa và thèm muốn”.

Y không có kỷ niệm nơi đó. Y ngụ cư, dù rằng, chỉ sống tại Đà Nẵng vỏn vẹn 18 năm, rồi đi chiến trường K, rồi nhập cư vào Sài Gòn gần đời người. Ấy thế,  lạ nhỉ, chỉ có Đà Nẵng, mỗi lúc đi đứng nơi ấy, y mới có cảm giác như thỉnh thoảng nghe từ trong gió, nắng, mưa có tiếng gọi tên mình khi rõ nét, lúc mơ hồ… Nhưng rồi, chọn một nơi để vui sống, chỉ có thể là Sài Gòn. Đang thuận tay, chép lại bài học thuộc lòng Sài Gòn của Bảo Vân, in trong tập sách giáo khoa lớp Bốn - môn Việt Văn ở miền Nam, năm 1970: “Sài Gòn có bến Chương Dương/ Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do/ Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho/ Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm/  Ô tô buýt chạy khắp miền/ Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn…/  Bến Thành đã tiếng tăm vang/ Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi.../  Xe đò, xe máy, tắc-xi/ Bình Tây, Khánh Hội ngại gì xa xôi/ Chánh Hưng, Phú Nhuận đây rồi,/ Thị Nghè, Tân Định nhiều nơi còn chờ.../ Trải bao thay đổi đến giờ/ Khắp nơi đã rợp bóng cờ vinh quang/  Sài Gòn, thủ phủ Việt Nam/ Mai ngày kiến thiết, mở mang còn nhiều”.

Những ngày này, từ ngày 7.10, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế đã tiến hành mở hố đào thăm dò khảo cổ học khu vực gò Dương Xuân - nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng từng tồn tại cung điện Đan Dương của nhà Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung được táng ở đây. Sở dĩ chọn nơi này, vì ông Xuân căn cứ vào câu thơ của Ngô Thì Nhậm. Lúc vua Quang Trung băng hà, Ngô Thì Nhậm cảm niệm công ơn to lớn của ngài và đã viết bài thơ Cảm hoài (Xúc động trong lòng). Câu thứ 8 trong bài thơ này: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (Trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Ngô Thì Nhậm có giải thích rõ thêm hai chữ Đan Dương bằng một chú thích gần đầy một trang. Trong lời chú thích ấy, có thông tin: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.

Hướng đi của một cuộc khảo cổ bắt đầu từ mộ bài thơ, quả chuyện lạ xưa nay. Chưa rõ kết quả cuối cùng thế nào.

Có một điều dễ nhận ra, khi một triều đại mới thay thế triều đại cũ, một trong những việc làm của người sau là phá hủy các công trình xây dựng trước đó. Cung điện Đan Dương là một thí dụ. Một cách nhằm cắt đứt sự hoài niệm về quá khứ. Thơ Bà Huyện Thanh Quan được nhiều người khen hay, tất nhiên, dù rằng hay về ý hàm xúc, lời trau chuốt, chỉnh chu đối xứng v.v… nhưng cái chính là bà đã phản ánh được tâm trạng hoài Lê: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”… Một người đã làm bài thơ tiếc nuối, rờn rợn lòng buồn đau đến thế nhưng nhà Nguyễn vẫn trọng dụng. Trong các vị vua triều Nguyễn có lẽ Minh Mạng mới là nhân vật có tầm vóc hơn cả. Nhiều công trình nghiên cứu sáng giá nhất như Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức)… được biên soạn là từ chính sách dụng người của ngài. Ít chịu khó đọc sử quá. Một phần vì ngại, vì cứ nghĩ rằng, những thông tin ấy mình đã biết rồi. Nhầm to. Biết quái gì đâu mà dám lộng ngôn đến thế? Vừa rồi, rút kinh nghiệm bằng cách đọc lại bộ Đại Nam thực lục chính biên. Đọc từ bản dịch của Viện Sử học,  NXB Khoa học Xã hội  (Hà Nội - 1968).

Thật ngạc nhiên với phép ứng xử của vua Minh Mạng lúc xa giá ra Bắc, mùa thu năm 1821.

Sử chép, khi ra đến Quảng Bình: “Vua lên thành xem lũy cổ, cùng với thị thần bàn về việc Nam Bắc phân tranh thời quốc sơ. Lại đến cửa biển Nhật Lệ ngắm xem hồi lâu. Cho tế tướng sĩ trận vong Nam Bắc (đàn nam tế tướng sĩ thời quốc sơ; đàn bắc tế tướng sĩ quân miền Bắc). Dụ rằng: “Khi các thánh mới bắt đầu mở nghiệp, chỗ này là chiến địa, là chỗ vùi ngọc của các tướng sĩ vì nước bỏ mình. Người Bắc chống nhau với ta, không khỏi không bị đâm chém, nhưng đều vì chúa mà bỏ mình thôi. Nhìn lại dấu cũ, bỗng lòng cảm thương. Vậy sai dinh thần đặt hai đàn tế Nam Bắc, mà đàn Nam lễ thì phẩm hậu hơn để tỏ hơn kém”. Rồi đặc sai Hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức khâm mạng đến tế. Đem phẩm vật địa phương dâng cung Từ Thọ. Đến địa phương nào có của quý, vua đều tự viết biểu sai trung sứ đệ dâng” (tr.263, tập V). Câu “Người Bắc chống nhau với ta”, ý muốn nói quân Đàng Ngoài/ Bắc Hà của vua Lê, chúa Trịnh tiến quân dánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong/ Nam Hà. Nhưng khi đã lên ngôi cửu trùng, ngài vẫn đặt đàn tế. Chẳng hề phân biệt “dịch/ta” gì ở đây cả. Lòng nhân của người Việt đấy chứ. Khi đã chết, dù trước đó họ đứng ở chiến tuyến nào cũng được đối xử tử tế. Nghĩa từ là nghĩa tận.

Lúc ngài ra đến Hà Nội, bấy giờ, Thị trung học sĩ Phạm Quý Thích bệnh nặng không đến yết kiến được, ngài sai tham tri Bộ Hộ Nguyễn Công  Tiếp đến tận nhà thăm hỏi.  Lấy sinh đồ Phạm Đình Hổ sung chức hành tẩu ở Viện Hàn lâm. Ông Hổ có dâng quyển Tiền Lê hội điển, Bang giao điển lệ… Đoạn này quan trọng: “Vua dụ Hộ bộ rằng: “Trẫm tham xét điển lễ, thấy từ xưa các đế vương đều có miếu thờ. Nay nhân có việc đi Bắc tuần, những nơi có thờ đế vương đời trước, không nơi nào không sai quan đến tế. Nhưng từ triều Lê trở về trước thì đều là thờ cúng trong dân gian, miếu vũ do Nhà nước tế thì chưa từng xây dựng. Nghĩ rằng vua các triều trước thay nhau làm việc đều có công đức với dân, lòng trẫm rất kính mộ, việc làm miếu thờ nên theo nghĩa mà làm. Vậy bàn sai chọn đất dựng miếu để làm nơi cúng tế” (tr. 277). Chỉ một câu đó, đủ thấy lòng nhân của của một con người. Không cắt đứt quá khứ với hiện tại. Lịch sử là một sự tiếp nối, từ đời này qua đời nọ. Không thể cắt đứt một tiến trình của lịch sử, nếu có chăng chỉ là sự cưỡng bức tạm thời.

Trở lại với Thương xá Tax. Trước đây khi hay tin từ ngày 25.9.2014, nơi này ngừng hoạt động, dư luận bàn tán sôi nổi. Nay, nó đã chính thức đập bỏ, hầu như không mấy ai nhắc đến nhiều. Có lẽ, ngày càng có quá nhiều thông tin, lắm chuyện cần bàn luận, nó sát sườn hơn với cuộc sống mưu sinh… vì thế, ít có sự việc nào được quan tâm dài hạn. Thoáng đó, đang ầm ĩ câu chuyện của ngày hôm nay, qua ngày sau, dăm ngày sau đã là mối quan tâm về chuyện khác rồi. Dòng đời, cứ thế, cứ lừ lừ đi qua và lúc ngoảnh lại, chẳng mất chốc chỉ còn là quá khứ thời gian.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment