LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.10.2016

 

nhat-ky--3.10.2016-formosa

 

Nửa đêm hôm qua trời mưa lớn. Mưa kéo dài đến sáng. Dậy sớm, vội bước ra đầu ngõ mua vài tờ báo mới. Để xem các đồng nghiệp tường thuật thế nào về vụ hàng ngàn người dân tập trung biểu tình trước Formosa. Trước đó, các trang báo điện tử của cơ quan đoàn thể vẫn lặng như tờ. Không một dòng, dù chỉ một dòng. Toàn bộ hệ thống báo chí tê liệt trước sự kiện này. Các tờ báo chính thống, nhà báo có thẻ do Bộ Thông tin Truyền thông cấp đã bỏ hẳn “trận địa” cho các trang mạng xã hội. Duy chỉ có Thanh Niên online đưa tin: “Hàng ngàn người dân Kỳ Anh tập trung phản đối Formosa gây ô nhiễm”. Nhưng sau đó rút bài xuống không kèn không trống. Tìm kiếm lại trên Google, chỉ thấy lưu lại vỏn vẹn mấy dòng chữ này: “Sáng nay (2.10), hàng ngàn người dân ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã kéo đến cổng của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phản đối việc công ty ... 02:45 PM - 02/10/2016”. Có người còn ví von cuộc biểu tình này không khác cái thời Xô Viết Nghệ Tĩnh của năm 1930:

Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi.
Không có lẽ ta ngồi chịu chết?
Phải cùng nhau cương quyết một phen.
Tổng này, xã nọ kết liên,
Ta hò, ta hét, thét lên mau nào!
Trên gió cả cờ đào phất thẳng,
Dưới đất bằng giấy trắng tung ra
Giữa thành một trận xông pha,
Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng…

Số lượng tham dự cuộc tình ôn hòa này có thông tin cho rằng đã lên đến 10.000 người. Một con số quá khủng khiếp. Một sự kiện quá lớn. Thế nhưng, sáng nay, không một tờ báo chính thống nào đưa tin. Nguyên cớ tại làm sao? Thì ra, cách quản lý báo chí như cái kiểu thời bao cấp chỉ khiến người dân không còn có nhu cầu tìm đọc báo nữa. Thời buổi này, không chỉ cạnh tranh với các trang mạng xã hội, người làm báo còn bị án ngữ ngay trên đầu cái vòng kim cô nữa. Vậy còn nên cơm cháo gì? Từ vấn đề Bauxite Tây Nguyên, Hoàng Sa, Formosa... và nhiều sự việc khác, có thể rút ra một kết luận: Giữa nhà cầm quyền và người dân đang có khoảng cách. Khoảng cách đáng lo ấy ngày một lớn, càng khó tìm được tiếng nói chung.

Về hậu quả của Formosa, sau khi được “bật đèn xanh”, báo chí đã đề cập đến nhiều rồi. Gần đây nhất, Báo Tuổi Trẻ ngày 30.9.2106 đưa tin (nguyên văn): “Trên 19.000 người mất việc vì sự cố của Formosa”: Tại buổi họp công bố tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm ngày 29.9, Tổng cục Thống kê cho biết kết quả khảo sát các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra cho thấy trên 22.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng việc làm, đời sống. Số lao động bị mất việc làm hoặc làm việc không còn ổn định lên tới trên 24.000 ngàn người (chủ yếu trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hậu cần nghề cá, nhà hàng - khách sạn). Trong số bị mất việc hoàn toàn lên tới trên 19.000 người, số phải tạm thời chuyển sang ngành nghề khác là gần 5.000 người. Tại các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố này, số lao động có nhu cầu đăng ký đi xuất khẩu lên đến 17.253 người”.

Điếng lòng.

Con dân Việt lại tha phương cầu thực. Sau chiến tranh, hòa bình, thống nhất, tưởng rằng đã có thể yên ổn, chí thú làm ăn. Không ngờ lại thêm nhiều cuộc ly tán nữa, vì miếng cơm manh áo. Không rõ nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác ca khúc Đồng đội vào năm tháng nào, nhưng thời trong quân ngũ, thâp niên 1980, y đã từng nghe, từng hát: “Bạn tôi cho hay sau này xong chiến đấu sẽ lên nông trường sớm hôm trên đồng lái máy cày. Còn tôi mong sao bao ngày tôi đang sống sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau”. Nào ngờ, ước mơ thánh thiện ấy “tan tành mây khói” khi đối mặt với hiện thực phũ phàng. “Xuất khẩu lao động”, cụm từ này nghe chua chát và mỉa mai đến tột cùng của một kiếp nhân sinh. Thời chiến tranh có máu, xương máu, lấy máu xương làm hành trang vào đời; thời bình lại đổ mồ hôi sôi nước mắt ở xứ người để kiếm miếng cơm. Tủi nhục đến thế là cùng. Bài thơ Tiễn em trai đi Hàn Quốc, bạn thơ Cao Xuân Sơn viết năm 1994 biết đến lúc nào mới mất đi ý nghĩa thời sự?

Đừng xăm soi nữa bản đồ
dẹp đi cả chuyện múi giờ lệch chênh
nước Hàn ở phía... mông mênh
dĩ nhiên chẳng phải nước mình, vậy thôi!

Hàn là lạnh đấy, em ơi!
nhưng... đâu chả thế - đất trời người ta
ngày mai em như Kinh Kha
rắp mong một trận này qua khó nghèo

Đã mòn chân suối với đèo
mấy năm lính, hẳn ít nhiều gió sương
liều thêm, ừ, một đoạn đường
con thơ, vợ dại thương suông ích gì!

áo cơm nặng lắm, đi đi
chiếc ba lô cũ thích thì cứ mang
dặn em sức vóc là vàng
đừng đem vắt kiệt giá băng xứ người

Rủi may ai biết hở trời
đêm nay... anh rót rượu mời Kinh Kha...

Tiễn em đi bán sức lao động, không khác gì Kinh Kha sang Tần, đó mới chính là nỗi đau buốt của người đi kẻ ở. Trước những sự việc này đôi lúc cảm thấy, những gì mình đang viết với tư cách nhà báo, lại trở nên nhẹ hều, cứ như suy nghĩ của một ông già lẩm cẩm, ngớ ngẫn, chẳng “ăn nhậu” gì với mối quan tâm chung của cộng đồng. Biết làm thế nào nhỉ? Y vốn hèn. Thôi thì, lại quay về rị mọ cùng chữ nghĩa. Cũng không xong. Ai đời,  trong tiếng Việt hiện nay đã có những cách giải thích khác một vài từ lâu nay đã hiểu.

Chẳng hạn, anh chàng nọ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự đấm vào mặt nhà báo đến chảy máu miệng, hộc máu mũi thế nhưng cách gọi mới là “gạt tay trúng má” (!?); đưa chân đạp một cú cho người ta té chúi nhủi, đập đầu xuống đất u đầu sứt trán lại gọi: “giơ chân hơi cao” (!?). Thậm chí thiên hạ đánh nhau ì sèo, vác mã tấu “luộc” nhau đến bán sống bán chết, thân tàn ma dại lại gọi “xô xát” (!?) v.v… Khi vì sự số Formosa, bà Cục trưởng Cục Việc làm Việt Nam cho rằng: “Ngư dân rời biển đi khuân vác là không thất nghiệp”. Hóa ra từ “thất ngiệp” đã hiểu qua cách khác nữa rồi. Vô cảm đến thế thì thôi. Thời quân chủ chuyên chế, các ông vua đặt ra lệ kỵ húy vì thế không ít chữ nghĩa bị méo mó, biến dạng. Ngờ đâu, thời nay cũng chẳng khác mấy, nếu xét theo hàm nghĩa nội tại của chữ nghĩa.

Trở lại với vụ báo chí đã phớt lờ đi vụ biểu tình sáng hôm qua tại Hà Tĩnh. Ai ai cũng nhếch mép cười ruồi về một cách “định hướng” thông tin đã quá lạc hậu. Báo chí không ghi nhận à? Các nhà làm sử phải ghi nhận chăng? Sực nhớ, vụ biểu tình rầm rộ, nổi đình nổi đám năm 1997 về vấn đề ruộng đất ở Thái Bình thì lúc ấy thế nào? Báo chí cũng “im thin thít như thịt nấu đông”, vậy thì những nhà làm sử sẽ ghi nhận chứ gì? Chưa chắc. Lật lại Việt Nam những sự kiện lịch sử 1975 -2000 do Viện Khoa học Xã hội - Viện Sử học đứng tên (NXN Giáo Dục - 2008) vẫn không hề có 1 dòng nào! Thế đấy. Cái gì cũng che giấu, cái gì cũng bưng bít cả. Thế nhưng, đừng lo, mạng internet đã và đang giải quyết sự bất cập một cách cố ý, bảo thủ đó.

Trời đã chiều. Ngoài trời, mưa lâm râm. Trong lòng, đang bão tố. Dừng bút thôi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment