Hình chụp tại quán X ở Hà Nội
Vừa đi Hà Nộii về. Tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2015-2020. Không khác gì những lần trước. Vẫn một chuyến đi chơi xa. Gặp gỡ bạn bè. Ăn nhậu lai rai. Ngồi nghe báo cáo. Muốn thì nghe, không thì ra ngoài chụp hình, cà phê cà pháo, chém gió vang trời. Muốn thì đến dự, nếu không thì thôi, rủ nhau đi chơi đâu đó, chẳng ai phiền lòng ai. Tùy nghi. Tùy thích. Đơn giản, ai cũng nghĩ mình đang có một suất đi chơi Hà Nội. Miễn phí. Không tốn tiền. Nào phải hội nhà văn này. Các hội khác cũng thế thôi. Báo PN sáng nay tường thuật Đại hội Điện ảnh vừa diễn ra: "Nhiều hội viên cho biết, họ không đặt kỳ vọng vào Hội Điện ảnh Việt Nam. Họ xem đây là dịp để gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp, cơ hội để đi… du lịch...”.
Nếu còn duy trì hội hè kiểu này, như lâu nay, dứt khoát 5 năm sau, sau nhiệm kỳ này chắc chắn từ cung cách tổ chức theo mô hình “thành công, rất thành công” đến tâm thế người tham dự “hàng thần lơ láo” cũng giống y chang. Chẳng thể có gì thay đổi. Giữa nhà văn - những người lao động nghệ thuật và các hội nghề nghiệp muốn tìm ra tiếng nói chung? Không dễ. Đã có một khoảng cách. Rất xa. Ấy thế, các hội đoàn này, nó vẫn cứ tồn tại. Xuân thu nhị kỳ. Đến hẹn lại lên. Lại những cuộc gặp mặt. Rồi mạnh ai nấy đi. Mạnh ai nấy làm. Có một điều lạ, dù ai ai cũng nhận thấy vai trò của các cơ quan hội đã không còn giữ vai trò cần thiết như trước, đã lỗi thời, đã cũ mềm nhưng không hiểu sao nó vẫn cứ tồn tại? Tồn tại đến bao giờ nữa? Tồn tại để làm gì? Nếu muốn tồn tại, phải thay đổi. Thay đổi như thế nào? Đừng ai dạy khôn ai. Ai cũng biết. Có dám thay đổi hay không? Cốt lõi là chỗ đó.
Sau ngày họp thứ nhất, y đã viết ngay bài báo “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Nhà văn quan tâm gì nhất?”. Làm báo phải thế. Nhanh chóng, kịp thời thông tin cho bạn đọc. Tất nhiên, cố gắng kiềm chế. Chỉ nói những gì cần nói. Điều cần nói lại không dám nói. Đó là đời. Báo PN số ra ngày 10.7.2015 đã in nguyên văn như sau: "Đại hội lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) diễn ra từ ngày 9-11/7 tại Hà Nội. Hiện nay, hội viên Hội NVVN trên cả nước có l.014 người, chỉ có 542 NV về tham dự đại hội. Khác với những lần trước, năm nay, các chi hội địa phương đã tổ chức bình chọn người tham dự bằng hình thức tự gạch tên nhau. Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VIII (2010-2015), 5 năm qua, Hội được trợ cấp từ ngân sách nhà nước gần 197 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều nguồn tài trợ khác trên 22 tỷ đồng. Điều này cho thấy, văn học và các NV nước nhà đã nhận được sự quan tâm đúng mức. Vậy, thời gian qua, nền văn học nước nhà có những tác phẩm nào nổi bật, những thành tựu nào đáng ghi nhận?
Báo cáo của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội NVVN nhiệm kỳ VIII cho biết: “Còn ít tác phẩm có tính khái quát rộng lớn, khai phá mới lạ, mang tính đột phá. Đây là một hạn chế đã chỉ ra từ lâu nhưng khắc phục còn chậm. Mặt khác còn một số tác phẩm muốn có một cái nhìn mới về cuộc chiến tranh trong quá khứ, nhưng chưa nắm chắc biện chứng của cuộc sống nên đã rơi vào sự chông chênh, xóa nhòa ranh giới chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa”.
Theo nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá: “5 năm qua, đội ngũ hội viên đông đảo hơn trước nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm sâu sắc. Hội NVVN cần chú ý đến các tác giả người Việt đang sống ở nước ngoài. Có như thế mới tạo nên dòng chảy văn học phong phú hơn”. Từ góc nhìn của một nhà lý luận, ông Lại Nguyên Ân đánh giá: “Đời sống thật với những thay đổi xã hội, không khí chính trị, mối quan tâm của nhân sinh đã vượt ra ngoài phạm vi của các trang viết của NV. Nói cách khác, NV hiện nay đang đứng ở đâu? Trang viết của họ có chạm đến được những đòi hỏi bức thiết, nhu cầu thẩm mỹ, mối quan tâm của bạn đọc?”.
Điều dễ nhận ra cuộc gặp gỡ của các NV cả nước lần này vẫn là không khí hội hè, thăm hỏi nhau, hơn là lắng nghe các văn bản liên quan đến đại hội hoặc tranh luận, trao đổi về chuyện nghề nghiệp. Có hai hình ảnh trái ngược: trong hội trường các bản báo cáo được đọc nghiêm nghị, phía bên ngoài, một lượng hội viên đông đảo không kém tranh thủ choàng vai bá cổ chụp hình lưu niệm, tán gẫu. Ngoài chuyện tình cảm đồng nghiệp lâu ngày mới gặp, còn là do cách tổ chức vẫn duy trì như cách đây hàng chục năm.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó chủ tịch Hội NV TP.HCM cho rằng: “Hình thức tổ chức thiếu sự cách tân, vẫn là cách làm cũ khiến các đại biểu mệt mỏi vì đọc lại quá nhiều văn bản đã phát sẵn. Lẽ ra nên dành thời gian đó cho hội viên thảo luận sâu hơn những vấn đề đã tổng kết trong các văn bản”. NV Y Ban cũng tán thành: “Vấn đề quan trọng giữa các đồng nghiệp vẫn là sự trao đổi, tự vấn, suy nghĩ những gì sẽ viết và viết như thế nào trong hiện thực phong phú, đa dạng, nhiều chiều của cuộc sống đang diễn ra”. Rất tiếc đây không phải là mối quan tâm nhất của các NV. Được nhiều hội viên quan tâm nhất lại là... kết quả bầu bán nhân sự. Kết quả kiểm phiếu đề cử, ứng cử Ban chấp hành Hội NVVN khóa IX (2015-2020) có đến 402 người. Kết quả thế nào là câu chuyện được bàn tán rôm rả nhất từ trong hội trường ra đến ngoài sân, từ lúc diễn ra đại hội đến khi giải lao”.
Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Câu thơ Cảm tác của thi hào Đỗ Phủ khái quát tâm thế người cầm bút từ thiên thu đến vạn kiếp đã trở nên lỗi thời rồi chăng? Đừng nên bi quan đến thế. Trước đây, người ta kháo nhau, suốt nhiều năm liền ở Hà Nội có 5 mùa. Ngoài xuân, hạ, thu, đông còn có mùa thứ 5. Đó là mùa chạy giải thưởng, mùa xin kết nạp vào hội. Mùa thứ 5, nay không còn náo nhiệt, thèm thuồng như trước nữa. Người ta cũng không còn mấy quan tâm đến nó. “Văn chương thiên cổ sự”? Thời nào cũng vậy, chế độ nào cũng vậy bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng tìm cách đẩy người cầm bút đi chệch ngoài hoài bão cao thượng, thiên hướng tốt đẹp ấy. Bằng nhiều trò. Rất nhiều trò. Có làm được không? Tất nhiên là được. Nhưng chỉ nhất thời. Y tin thế. Rất tin thế.
Những ngày này, có lẽ câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất lúc trà dư tửu hậu vẫn là vụ giết người ở Bình Dương. Có 6 người bị giết chết. Vụ án kinh hoàng này cũng giống như vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang năm 2011, cơ quan công an cũng phá án rất nhanh, làm nức lòng nhân dân cả nước. Các báo đều đưa tin ngay trang nhất. Hình to đùng đoàng. Tít lớn vật vã. Lật vào trong, những hai trang báo dày đặc chữ. Trên các trang mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin. Liên tục, liên miên, liên tiếp. Mà có lẽ chỉ báo TN đặt ra câu hỏi khiến y giật mình: “Có người đặt câu hỏi, tại sao nạn nhân nữ trong vụ thảm án ở Bình Phước lại bấm máy gọi cho người thân như báo chí phản ánh mà không phải là gọi cho cảnh sát, trong khi rõ ràng ở tình thế đó gọi cho cảnh sát ít rủi ro hơn? Người dân không được trang bị những kiến thức cần thiết nhất để bảo vệ mình trong tình huống khẩn cấp (chẳng hạn như phải biết 113 là số khẩn cấp gọi cảnh sát) hay người ta không tin cảnh sát có thể có mặt ngay để cứu mạng họ? Có lẽ là cả hai” (TN số 12.7.2015).
Câu hỏi trên, nó đã góp phần phản ánh hiện thực xã hõi của thời đang sống.
Thời buổi này khó sống hay dễ sống? Tùy vào chỗ đứng và tâm thế của mỗi người. “Nào ai có khảo mà mình lại xưng”? Đó là tâm trạng của Thúc Sinh - người đàn ông sợ vợ vào bậc nhất của văn chương nhân loại, sau khi tí tởn với Thúy Kiều rồi quay về với Hoạn Thư. Buồn cười quá, y nghĩ, trí thức Việt Nam hiện nay cũng là một loại Thúc Sinh đấy thôi. Tất nhiên, có cả y nữa. Nghĩ một đằng, nói một nẻo. Trong phòng ngủ nói khác. Ra hội hè nói khác. Nói dối mãi thành quen. Chẳng sao, dù biết tỏng tòng tong. An toàn, dù hèn. Uốn lưỡi, dù nhát. Tắc kè, dù nhục. Ấy là những ngày đang sống. Vậy những ngày sống ở Hà Nội có gì đáng nhớ? Thưa, nhớ nhất là vẫn không có dịp thưởng thức món phở.
Phở Bắc nóng, nồng như gái Bắc
Quán xá nhường nhau chật chội ngồi
Tôi nâng tô phở như… thành khẩn
Mơ thấy nắng vàng lững thững rơi !
Đã thế, lại không có dịp ăn bữa cơm với các món đặc trưng của xứ Bắc. Những cuộc la cà bia bọt quá nhiều. Mà nhà hàng sang trọng nào ở trong Nam ngoài Bắc lại không có những món đã ăn quen thuộc? Ăn đã mòn răng. Sài Gòn thế mà hay. Bất kỳ món ăn tiêu biểu của vùng miền nào cũng có. Có tất tần tật. Quay về Sài Gòn, lại được ăn những món mình thích, tất nhiên có phở, lại công việc của mỗi ngày, trong khi đó, các đồng nghiệp vẫn còn thong dong ngao du đây đó ở các tỉnh phía Bắc.
Nghĩ mà thèm.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|