Bài thơ Ngày tệ nhất ư? (Worst Day Ever?) của em Chanie Gorkin, học sinh lớp 11 Trường Trung học nữ Beth Rivkah ở Crown Heights, Brooklyn, New York (Mỹ).
Mừng em sinh nhật thứ bao nhiêu
Bao nhiêu sinh nhật cũng không nhiều
Tình ta như tuyết giăng đầu núi
Không rét nhưng lòng buồn hiu hiu
Hai câu trên, ca từ của Trịnh Công Sơn; câu thứ 3 của Lưu Trọng Lư; câu thứ 4 của ai? Chịu. Không thể nhớ. Sáng thức dậy, tự dưng trong đầu đã hiện lên thấp thoáng, in đậm những câu đó. Thơ Hồ Dzếnh hay lắm. Đậm đà tâm sự. Khắc khoải nỗi niềm. Hai câu này, đọc một lần sẽ nhớ mãi. Ai không từng trải qua tâm thế:
Mộng tàn, nước chảy, mây trôi
Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa
Câu thơ viết nhẹ nhàng, dễ dàng như không. Lại gợi cảm. Lại ám ảnh khó quên trong ngăn trí nhớ chật hẹp. Những ngày này, có gì vui không? Chẳng có gì. Vẫn thế. Lặng lẽ đi qua mỗi ngày. Ngày bình thường hay ngày tệ hại? Vừa rồi đọc bài thơ Ngày tệ nhất ư? (Worst Day Ever?). Đọc trên báo TT&VH ra ngày 25.7.2015. Bài thơ này của em Chanie Gorkin, 16 tuổi, học sinh lớp 11 Trường Trung học nữ Beth Rivkah ở Crown Heights, Brooklyn, New York (Mỹ). Em gửi dự thi cuộc thi thơ của trang web PoetryNation.com. Nó lập tức gây sốt trên mạng khắp thế giới, sau khi có một thanh niên ở London post lên mạng bức ảnh bản in bài thơ Worst Day Ever? - được chụp tại một quán bar ở phía Bắc thành phố London. Nhiều người biểu dương: “Đây là bài thơ đã khích lệ tinh thần cho cả London”. Nguyên văn như sau:
“Hôm nay quả thực là một ngày tệ hại chưa từng có/ Và đừng cố thuyết phục tôi rằng/ Mỗi ngày đều có ít nhất một điều tốt đẹp/ Bởi, nếu bạn nhìn kỹ hơn/ Thế giới là một nơi quỷ quái”.
“Ngay cả khi/ Những điều tốt đẹp ít ỏi thỉnh thoảng cũng tỏa sáng/ Nỗi thỏa nguyện và niềm hạnh phúc thiếu bền lâu/ Và chẳng có đâu/ Sức mạnh của trái tim và tâm hồn/ Bởi/ Hạnh phúc đích thực có thể giành lấy được/ Giá như xung quanh chúng ta đầy điều tốt đẹp/ Nhưng điều tốt đẹp chẳng tồn tại đâu”.
“Tôi chắc rằng bạn sẽ đồng ý/ Thực tế/ Tạo nên/ Thái độ/ Mọi thứ nằm ngoài kiểm soát/ Và một triệu năm nữa, bạn cũng không bao giờ nghe tôi nói rằng/ Hôm nay là một ngày tươi đẹp” (Bản dịch của Nha Đam).
Bài thơ có gì đặc biệt?
“Nếu chỉ vậy thì bài thơ không có gì đặc biệt. Điểm đặc biệt nằm ở chỗ bài thơ có đọc thể đọc ngược lại từ dưới lên mà vẫn có nghĩa. Và ý nghĩa hoàn toàn trái ngược 180 độ. Tác giả đã rất tinh tế khi để các câu có tính phủ định trước mỗi câu, để đến khi đọc ngược, ý nghĩa từ phủ định chuyển thành khẳng định”. Dư luận cộng đồng mạng đánh giá là “một sự suy tưởng ngoạn mục”. Cuộc thi thơ của của Poetry Nation, giải Nhất 35.000 USD. Worst Day Ever? có lọt vào mắt xanh của Ban Giám khảo? Ta hãy chờ xem.
Sự suy tưởng ngoạn mục của em Chanie Gorkin do đâu mà có? Do nhiều yếu tố, tât nhiên trong đó còn có sự say mê đọc sách nữa. Chắc chắn thế. Người Việt có mê đọc sách không? Trả lời câu hỏi này, cần tjham khảo thêm thông tin: “Theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc chỉ có 564.133 người đăng ký sử dụng thư viện công cộng thường xuyên. “Như vậy, nếu tính với tỷ lệ dân số nước ta hơn 90 triệu người thì chỉ có 0,057% người dân đến đọc sách, mượn sách ở thư viện công cộng”. Đây là con số gây sốc được bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) đưa ra trong hội thảo xây dựng đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030” được tổ chức ngày 28-7, tại Hà Nội (Báo SGGP số ra ngày 29.7.2015). Xin nhắc lại, "chỉ có 0,057% người dân đến đọc sách, mượn sách ở thư viện công cộng”.
Tuần rồi, ăn sáng với anh Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Hội xuất bản Việt Nam. Anh cho biết: “Văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam tại TP.HCM cùng Thành đoàn, Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Thông tin Truyền thông TP. HCM và Thư viện Khoa học Tổng hợp đã ký kế hoạch liên tịch thực hiện chương trình: "Tặng sách cho học sinh ngoại thành - TP.HCM". Cuộc vận động này sẽ khích lệ tinh thần và hình thành một lớp bạn đọc mới ham mê đọc sách từ tuổi học trò, góp phần thực hiện chiến lược phát triển văn hoá đọc bền vững cho nền xuất bản Việt Nam”. Nghe, cảm thấy vui và mừng. Tất nhiên, y sẽ tham dự. Sự kiện này sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 15.8.2015 tại Hội trường Thành đoàn TP.HCM số (1 Phạm Ngọc Thạch, Quận I).
Sau khi chia tay, trên đường vào cơ quan làm việc bỗng điện thoại reo réo rắt: “Q à, mình biết Q rất mê sách. Mình mới thu dọn, sắp xếp lại nhà cửa, có một số sách cũ đây. Mình sẽ tặng lại cho Q”. Mừng rơn. Vội vàng đồng ý ngay. Chị Tước - cán bộ cũ của NXB Trẻ đã có nhã ý này. Xin cám ơn nhiều. Rất nhiều. Còn chương trình mà anh Lê Hoàng đã thông báo, y sẽ tặng chừng một trăm tập thơ. Thơ của bạn bè, đồng nghiệp đã tặng từ nhiều năm nay. Hy vọng từ các tập thơ này, các em học sinh sẽ yêu thơ hơn một chút. Một chút thôi. Chỉ cần nhớ một hai câu thơ hay. Thói quen đọc thơ cần phải bắt đầu từ thuở còn đi học. Đọc rồi quên. Thỉnh thoảng đọc lại. Đến một lúc tự nhiên các câu thơ ấy định hình trong trí nhớ. Các lại hình nghệ thuật khác, chẳng hạn kịch, cần có lời thoại, người diễn xuất; tiểu thuyết cần tình tiết, nhân vật; âm nhạc cần đồ rê son fa mi du dương trầm bổng v.v…
Thơ có gì?
Chẳng có gì, ngoài chữ. Sắp xếp từng con chữ đứng cạnh nhau, đứng lên nhau như lắp gạch xây một ngôi nhà, không cần mạch vữa, chỉ bằng chữ. Mà những con chữ đó tự nó gắn kết lại một cách vững chãi, hoàn chỉnh. Thế thì, muốn đọc đọc thơ phải có kỹ năng, phải có khả năng thẩm thấu từng chữ để biết thơ hay hoặc thơ dở. Có điều phải nói thật rằng, thời buổi này, còn có mấy ai đọc thơ nữa đâu. Hỏi trăm người như một, các đồng nghiệp đều cho biết, họ không còn hào hứng in tập thơ như vài chục năm trước. In thơ vừa tốn tiền, vừa mất thời gian tặng. Chẳng có đơn vị phát hành nào mặn mà với thơ. Vậy in làm gì? Nhiều người đã chuyển sang hướng mới: post thơ lên các trang mạng xã hội, ai đọc thì đọc, chẳng tốn kém gì mà lại quảng bá rộng rãi hơn. Vừa rồi đi Hà Nội, quà đem về, nhiều nhất vẫn là thơ của các đồng nghiệp. Đọc thơ bạn mà ái ngại cho mình. Những tâm tình dằn vặt, những nỗi niềm đau đáu ẩn sâu trong từng câu, từng chữ có còn ai đọc nữa đâu.
Vậy làm thơ để làm gì?
Chẳng để làm gì cả. Viết là một cách thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Thế thôi. Đừng bận tâm nghĩ ngợi xa gần. Nghĩ ngợi làm gì dẫu hôm nay là sinh nhật của y. “Mừng em sinh nhật thứ bao nhiêu”. Em đã ngũ thập. Đã già rồi. Còn có cái quái gì hân hoan, mới mẻ nữa mà nghĩ ngợi cho nhọc xác. Nghĩ thế, bèn làm thơ. Bài thơ viết vào buổi chiều ngày 30.7.2015, lúc ngồi với nàng chập chờn một chút men hoan lạc của rượu đỏ. Lúc ấy, mưa như thác nước đổ ào từ trời cao. Mưa nghi ngút. Mưa ngút ngàn. Mưa ngoan cố. Là mưa. Bài thơ đã viết xong. Đã viết xong từ những ngày mẹ bệnh:
Có những ngày nắng sớm cũng quạnh hiu
Trời trở gió mẹ lại vào bệnh viện
Làm nũng, làm nư như trẻ nhỏ lên mười
Khuya giường bệnh cần có con bên cạnh
Trái gió trở trời, nóng run, rét lạnh
Mẹ ngỡ như lúc lội ruộng mưa dầm
Thời thiếu nữ qua nhanh hơn chớp mắt
Đã gần chín mươi như lá sắp lìa cành
Viết câu thơ bên giường bệnh mẹ nằm
Chữ nghĩa nhẹ tênh chênh vênh phù phiếm
Thơ ơi thơ có an ủi nhọc nhằn
Vỗ về mẹ - cơn đau đang ùa đến?
Cầm tay mẹ những phút giây chống chếnh
Con lựa lời như dỗ ngọt trẻ thơ:
“Mẹ cố ngủ, cố ăn mau khỏi bệnh
Mẹ có ngoan - bác sĩ mới cho về”
Phía ngoài trời mưa gió kéo lê thê
Đột ngột chân mây dần dần hửng nắng
Câu thơ con lặng lẽ ước mơ:
“Mẹ về với con” cửa nhà thôi quạnh vắng
Thơ về mẹ là câu thơ im lặng
Tuổi năm mươi - con là trẻ lên mười
Năm tháng của một thời thiếu nữ
Lại quay về với mẹ sắp chín mươi…
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|