LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.7.2105

100-nha-tho-Duong-1-R

 

Những ngày này, “hot” nhất vẫn là thông tin:  Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo quy định hướng dẫn của Thông tư 30 - về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học theo mô hình trường học lớp. Theo đó, lớp trưởng được gọi là chủ tịch. Thật khó khăn khi tìm ra ý kiến đồng tình.

Báo TT sáng nay, có đăng ý kiến của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân: “Trong tiếng Việt, người đứng đầu một tổ chức hành chính, một tổ chức xã hội, một dòng tộc được gọi là trưởng: quốc trưởng, bộ trưởng, ngoại trưởng, cục trưởng, chỉ huy trưởng, hội trưởng hội phụ huynh, tộc trưởng, tù trưởng... Vậy lớp trưởng là oai lắm rồi.

Người đứng đầu một tổ chức hành chính, một tổ chức xã hội... cũng được gọi là chủ tịch: chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, chủ tịch huyện, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch hội nhà văn...Hai từ chủ tịch và trưởng gần như đồng nghĩa, nhưng được dùng phân bố với nhau. Nghĩa là danh xưng nào dùng từ trưởng thì không dùng từ chủ tịch và ngược lại. Tuy nhiên cũng có trường hợp dùng cả hai: chủ tịch tỉnh và tỉnh trưởng, chủ tịch xã và xã trưởng... Đây là dấu vết tên gọi theo những giai đoạn xã hội khác nhau.

Trong nhiều trường hợp từ chủ tịch nghe cao sang hơn, trọng vọng hơn từ trưởng. Khi người đứng đầu ở một đơn vị be bé, nhỏ nhỏ, con con thì người ta gọi là trưởng mà không gọi là chủ tịch: toán trưởng, đội trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng... Không ai thưa gọi chủ tịch toán (biệt kích), chủ tịch đội, chủ tịch nhóm, chủ tịch lớp... cả”.

Cải cách giáo dục nước nhà, từ mấy chục năm nay vẫn còn đi trong cái vòng lẩn quẩn, các bộ óc trí tuệ, uyên bác nhất của nước nhà đã phân tích, góp ý chán chê rồi. Nhưng đâu vẫn vào đó. Chẳng gì thay đổi. Nằm đọc sách vậy. Vui hơn. Đọc sách, mỗi độ tuổi có cảm nhận khác nhau. Thời nhỏ, có lần đọc truyện ngắn Miếng thịt vịt của nhà văn Vũ Hạnh. Thích quá. Trưa qua, thức dậy, với lấy trên đầu gường, lật đúng y ngang trang có truyện ngắn đó. Đọc lại. Lại không còn cảm giác thích như trước nữa. Chỉ thích chi tiết này: “Thủ Tự có được bốn con bò cái tuy cày hơi yếu, nhưng vùng đất cát người ta chỉ cần sức cuốc. Nuôi bọn bò cái vì nó đái nhiều, tốt phân. Hai anh bò đực thiệt lớn, ráng sức đái một trận không bằng một chị bò cái xề xề đái rất lửng lơ”. Chi tiết này, lần đầu tiên y biết. Quan sát quá giỏi. Nhà văn mà không biết quan sát thì viết cái gì?

Không những thế, còn phải đọc. Đọc nhiều. Cho đến nay, y vẫn nghĩ rằng, nếu chọn lấy một vài truyện ngắn hay nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX, chắc chắn phải có Bút máu của Vũ Hạnh. Trong chuyên luận Người Quảng Nam, y ghi nhận: “Đến nay, đọc lại truyện ngắn Bút máu của Vũ Hạnh, ta vẫn còn gai cả người, lạnh cả sống lưng và nghiệm ra rằng, ông đã viết thành công một vấn đề không bao giờ cũ. Bất luận thời đại nào cũng có những con người cầm bút gánh lấy bi kịch của Lương Sinh. Nó đau đớn ở chỗ, khi nhận thức ra vấn đề thì “cuộc chơi” đã kết thúc, không còn có mảy may cơ hội để “làm lại cuộc đời”. Đúng thế, kẻ sĩ cầm bút nếu không tỉnh táo, bị mua chuộc, tự nguyện làm cái loa phát ngôn cho kẻ cầm quyền, tô lục chuốc hồng, nói dối đổ trắng thay đen để chúng lợi dụng thứ văn chương mị dân đó để đàn ấp dân đen thì làm sao có thể trả được món nợ đó? Đó là bi kịch của Lương Sinh.

Vừa rồi ra Hà Nội đã nhận được vô số thơ của bạn bè, trong đó có 100 nhà thơ Đường, dày 830 trang in. Tập sách này do anh bạn thơ Đỗ Trung Lai soạn, dịch lại thơ, dù anh không hề biết… chữ Hán. Anh tham khảo bản dịch nghĩa, rồi dịch lại một lần nữa, dù trước đó các ông Tản Đà, Bùi Khánh Đản, Trần Trọng San, Khương Hữu Dụng… đã dịch. Sở dĩ thế, vì anh quá mê thơ Đường. Đọc tập sách này, thật ngạc nhiên khi nhận ra nhân vật Lương Sinh trong truyện ngắn Bút máu của nhà văn Vũ Hạnh có phần na ná nhà thơ Đỗ Tuân Hạc đời Đường.

Xin tóm tắt, Đỗ Tuân Hạc đậu Tiến sĩ đời vua Chiêu Tông (889-904), giỏi về thơ và từ. sau hai năm làm quan, thấy triều đình điên đảo bèn treo ấn từ quan về ở ẩn. “Một hôm thư nhàn, Đỗ đến thăm người bà con ở Hồ Thành, thấy ở đấy trăm họ đều ta oán, quan huyện họ Giang tham lam tàn ác vơ vét của dân không từ một vật gì. Đỗ đưa ý dân đến nói cho quan Thứ sử biết, nhưng họ Giang dủ thế lực nên quan Thứ sử cũng che lấp đi. Năm sau, Đỗ lại đến Hồ Thành, thấy trong huyện thành tấp nập hương án đón chiếu chỉ. Hỏi ta mới biết là quan Thứ sử đã tâu lên, quan huyện họ Giang rất thanh liêm, hết lòng thương dân nên triều đình xuống chiếu thăng chức và ban khen cho họ Giang, Đỗ phẫn uất đề ngay bài thơ vào cổng huyện:

Huyện này năm ngoái mới qua chơi

Dân huyện kêu oan tiếng dậy trời

Đỏ huyện năm nay quan được thưởng

Máu dân đã nhuộm khắp thành rồi (SĐD, tr.697).

Cái giỏi của nhà văn Vũ Hạnh là không dừng lại đó, chỉ là cái cớ để hư cấu, thêm thắt nhiều tình tiết đắc giá, xây dựng thành công truyện ngắn có sức khái quát lớn. Chủ đề của Bút máu là gì?

Có thể tóm gọn trong lời răn dạy của đạo sĩ họ Trình nói với Lương Sinh: “Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng có giới hạn. Mượn sự huyển hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua vì mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi. Làm cho thiếu nữ băn khoăn sầu muộn, làm cho thanh niên khinh bạc hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên nhân ái, khêu cho thiên hạ tiếc điều tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đau khổ tha nhân, hát trên bi cảnh của đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích biết đâu chẳng dồn thành ngàn dãy Thiên Sơn! Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậy. Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chậm thêm ngày nào!”.

Lời răn dạy bọn cầm bút, thời nào cũng đúng.

Vừa rồi, gặp nhà văn Vũ Hạnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, cùng chuyến đi Hà Nội. Ngạc nhiên khi thấy ông bước qua tuổi 80 mà vẫn còn minh mẫn, khỏe khoắn. Ông sinh năm 1926, cùng năm với Bùi Giáng, Sơn Nam cũng là năm cụ Phan Châu Trinh từ trần. Kinh nghiệm gì để có thể sống khỏe? Ông Vũ Hạnh bảo, cơ thể con người ta tựa như chiếc xe máy, phải chạy bằng xăng, mà người ta lại ngộ nhận cho chạy bằng dầu hỏa. Vậy  mỗi ngày cần cung cấp cho cơ thể những gì mới là đủ và đúng? Thay vì trả lời, ông đã ghi ra một loạt thứ thuốc cần uống mỗi ngày, và giảng cho nghe các loại thực phẩm cần phải ăn ra sao để giữ gìn sức khỏe. Không những thế, ông còn dặn mỗi ngày phải đều đặn tập Dịch cân kinh với các động tác như thế này, thế này...

Nghe phục lăn.

Cái sự phục lăn này cũng tựa như lúc đọc bài viết của ông bạn già An Chi. Sở dĩ biết bài này, do bạn thơ Cao Xuân Sơn past đường link vì biết y khoái chuyện tỉ mẩn, tìm hiểu về vốn từ tiếng Việt. Chơi với nhau, chỉ cần chia sẻ đôi điều như thế đã là quý. Nhà nghiên cứu An Chi giảng thích về từ “luu manh” trên báo NLĐ rằng: “Âm xa xưa của chữ manh 氓 trong tiếng Việt là mống, còn được giữ lại trong những lối nói mang tính quán ngữ, như: không mống nào chạy thoát, chết không còn một mống” Và, nó hoàn toàn không liên quan gì đến “manh” trong “thong manh” (biến biến thể ngữ âm của “thanh manh”); chẳng liên quan gì đến chữ “manh” trong “manh mối” có nghĩa là “khai mào”, “khởi đầu”, “dấy lên” như có thể thấy trong một cấu trúc khá quen thuộc là manh nha v.v…

Có thể hiểu, “mống” bắt đầu “manh”. Từ điển Đào Duy Anh cho biết “manh” là “dân”. An Chi cũng giải thích như thế, chi tiết hơn và theo ông: “Lưu 流 có nghĩa gốc là trôi, chảy; rồi nghĩa phái sinh là du thủ du thực, rày đây mai đó. Hai tiếng trên ghép lại thành danh ngữ lưu manh, được Hán ngữ đại tự điển giảng là: “Nguyên chỉ vô nghiệp du dân, hậu lai chỉ phẩm chất ác liệt, bất vụ chính nghiệp, vi phi tác đãi đích nhân”. (Vốn chỉ lưu dân không nghề nghiệp; về sau chỉ những kẻ phẩm chất dữ dằn, không làm việc chính đáng, làm bậy làm càn)”.

Cách giải thích này lý thú quá, nhưng từ đây, y thắc mắc, thế thì hiểu như thế nào về “mống’ trong thành ngữ “khôn sống mống chết”? Bạn thơ C.X.S trả lời: “Trong kết cấu "khôn sống mống chết", chắc chắn "mống" trái nghĩa với "khôn", nghĩa là ngốc, dại, khờ, cù lần..., tương tự như "khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương", dở dở ương ương người ta ghét". (Chữ "rái" cũng ngồ ngộ, nhỉ!)”. "Rái" là sợ, kiêng nể. Y hoàn toàn đồng tình, xin nêu thêm một thành ngữ khác “Con mống, sống mang”, hiểu rằng, con ngu dại thì người cha phải gánh chịu. Ơ hay, tự dưng sao lọt vào “người cha” ở đây? Xin thưa là nó nằm ở từ “sống”. “Sống là “trống” (gà sống/ gà trống), chỉ giống đực là người cha. Rõ ràng, "mống" không những chỉ "dân" mà còn có thêm nghĩa "ngu dại". Tương tự, “Con dại, cái mang”. Từ điển Lê Gia giả thích: “Chữ “cái” là che chở, chỉ về người mẹ dưỡng nuôi, dùm bọc. Do đó, người ta gọi giống vật nuôi con là giống cái”. Viết đến đây, sực nhớ câu thơ của Bảo Sinh:

Con ta không phải của ta

Tai họa của nó mới là của ta

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment