LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.3.2015

3-JPG-5579-1426519247

 

Những ngày này, trên các mạng xã hội hầu hết đều có ý kiến về kinh phí xây tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Công trình này được xây dựng trên khuôn viên rộng 15 ha với tổng mức đầu tư hơn 411 tỷ đồng, tọa lạc tại khu vực núi Cấm (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Một số tiền “quá hớp”. Trong khi đó, phải nói thật rằng đời sống bà con  mình ở nông thôn, vùng núi Quảng Nam còn nghèo lắm. Đã thế, khi khắc thơ lên tượng còn khắc sai be bét chính tả, lẫn lộn giữa ca từ và thơ. Anh bạn Trung Việt - đồng nghiệp cùng cơ quan báo PN viết thật như đùa: “Tượng đài văn hóa chứ không phải công trình... thủy điện, tuyệt đối không để sai sót. Sai rồi, có sửa không? Có ý kiến rằng sửa khó vì đã khắc trên đá. Nhưng khó cũng phải sửa. Có người trào lộng: thôi mà, hiểu ý là được, “hỏi” - “ngã” như nhau, thì đó, mì Quảng viết thành mì Quãng quá trời, nhưng cũng là mì thôi…”.

Cười mà đau.

Dám quả quyết rằng, tư duy khôn ngoan, sự khéo léo người Việt không nằm ở chỗ thể hiện quy mô của tượng đài. Có sang Kapuchia, nhìn tượng đài của đất nước Angkor chắc chắn sẽ có cảm nhận ấy. Mà chẳng rõ từ đâu, người Việt ngày càng có xu hướng hợm hĩnh làm cái gì, xây cái gì cũng phải to, phải cao, phải lớn, phải hoành tráng cho bằng được? Thậm chí lúc đã vùi nông ba tấc đất cũng muốn lăng, mộ phải xây to nhất trong khu nghĩa địa. Hiện nay đã dự án xây dựng tháp Truyền hình Việt Nam, theo Báo điện tử nước CHXHCNVN: “có tầm cỡ quốc tế và thuộc vào loại cao nhất trên thế giới” (15:03, 02/03/2015) - sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây.

Vừa đọc bài thơ Ta ghi cho riêng ta một “kỷ lục ngậm ngùi” của nhà báo Lê Đức Dục - in trên báo TT số chủ nhật 15.3.2015:

Công nhân vẫn than rằng lương không đủ sống

Nông dân vẫn ôm cày đi sau con trâu

Trẻ rẻo cao thiếu trường thiếu áo

Lính khơi xa vẫn bé nhỏ con tàu...


Mà sao sân bay “đầu tư nhiều tiền nhất”...

Và tượng đài “to nhất Asean”...

Rồi “tháp truyền hình cao nhất thế giới”...

Từ bao giờ, hội chứng “nhất thế gian”?


Rồi đến bao giờ dân nước mình không còn lo nghèo đói?

Bệnh nhân nước mình không chen xếp kiểu cá mòi?

Em nhỏ đến trường không đu dây qua suối?

Ra ngõ bình an không còn lo đường sá bẫy mạng người?


Liệu đằng sau những công trình dự án

Có hay không những phết phẩy “hoa hồng”?

Dân cơ cực toát mồ hôi đóng thuế

Đời cháu chắt mình liệu có giả nợ xong?


Ôi đất nước trùng trùng “guinness”

Bao nhiêu người nghe kỷ lục thấy lòng vui?

Đời lam lũ sấp mặt cùng cơm áo

Ta ghi cho riêng ta một “kỷ lục ngậm ngùi”...

Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng một nữ sinh lớp 7 tại Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh) gây chấn động vẫn còn râm ran trong dư luận. Sáng nay báo chí đưa tin thầy hiệu trưởng Phan Thanh Nguyện sau vụ này đã xin từ chức. Bài học đau đớn cho ngành giáo dục của đồng nghiệp Minh Nhật - in báo PN sáng này gợi nhiều suy nghĩ: “Trong lúc nữ sinh bị các bạn đánh đập dã man thì nhiều HS khác trơ mắt đứng nhìn mà không tìm cách can ngăn, hoặc gọi người lớn can ngăn. Suốt hai tháng sau đó, cũng không HS nào “méc” với thầy cô và nhà trường, cho đến khi sự việc được đưa lên mạng gây chấn động xã hội. Hiện tượng này chỉ có thể lý giải: hoặc các em quá vô cảm trước nỗi bất hạnh của bạn, hoặc các em không còn tin vào thầy cô của mình nữa, kể cả những người có vẻ gần gũi với các em như GVCN và tổng phụ trách”.

Như đã nói trong Nhật ký 12.3.2015, một trong những vấn đề cần chỉnh sửa gấp vẫn phải là thay đổi giáo trình của bộ môn Công dân - Giáo dục. Lâu nay các em được học thế nào? Bài báo của Minh Nhật còn có đoạn: “Một HS cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng con chỉ có một tiết sinh hoạt Đội ở ngoài sân, học bước đều, thắt khăn quàng và nghe cô kể chuyện... ma; những tiết còn lại, tụi con ngồi trong lớp để học về ý nghĩa của chiếc khăn quàng, thắt nút dây, hoặc được cô cho dò bài tiết học tiếp theo, hoặc ngồi chơi ngay tại lớp”.

Tìm hiểu giáo án hoạt động ngoài giờ lên lớp tại một trường THCS khác, chúng tôi liệt kê được rất nhiều nội dung nặng về hình thức và không có ý nghĩa thiết thực như: tìm hiểu về truyền thống nhà trường, truyền thống Đoàn; tìm hiểu và hát những bài về Đoàn, Đội; tìm hiểu về những gương sáng đảng viên tại địa phương. Thậm chí, hoạt động còn hình thức đến mức cho HS đăng ký thi đua tu dưỡng học tập tốt, tiếp thu sự dạy dỗ của thầy cô…

Ở môn văn học - môn học làm người, thì nói như tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu (ĐH Sư Phạm TP.HCM): “HS thường phải học những tác phẩm mà các em cho là chẳng có ý nghĩa gì với cuộc sống của mình. Các em chỉ cố gắng học để thi cho qua mà thôi”. Với những hoạt động khác như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm hay nội dung môn giáo dục công dân, nhìn chung những nội dung mà người lớn đem đến cho các em thường hoặc sáo rỗng, hoặc quá hàn lâm, "đao to búa lớn" mà thiếu sự gần gũi với lứa tuổi các em”.

Lại thêm chuyện này, liên quan đến bài học về Thánh Gióng trong sách giáo khoa, không thể không nhắc đến. Chuyện rằng: Trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A, tại bài 26C: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.

Thiên hạ kinh ngạc khi được biết một cái kết khác về Thánh Gióng.

Đoạn văn này trích từ cuốn Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích của nhà văn Nguyễn Đình Thi - in năm 1944. Đó là một cái kết tồi, rất tầm thường, hạ thấp giá trị cốt lõi truyền thống văn hóa Việt. Tại sao Thánh Gióng sau khi đánh thắng giặc lại bay về trời? Chi tiết này quan trọng nhất trong câu chuyện Thánh Gióng. Nếu loại bỏ, nó chỉ còn là câu chuyện tuyên truyền có tính thời vụ, đừng hòng lưu truyền đến ngày nay và mãi mãi về sau. Ông cha ta đã ngụ ý bài học gì? Câu hỏi này cần phải được giải thích cho các em học sinh, chứ không phải cái kết dấm dớ trên.

Lâu nay, đã có nhiều người viết lại chuyện cổ tích. Tuy nhiên, không phãi ai cũng nhớ đến quan điểm đúng đắn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi. Theo tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập): “Cần phải nói thêm truyện cổ tích thường giàu tính cộng đồng. Giả thử trong truyện có in dấu ấn cá nhân thì cá tính đó cũng phù hợp và không phương hại gì đến tính chất chung của tập thể. Có thế, nó mới được tập thể thừa nhận và lưu truyền” (SĐD, tr.69, Viện Văn Học XB 1993).

Ấy thế NXB Giáo Dục Việt Nam vẫn gân cổ lên cãi bằng cái công văn vào ngày 17.3.2014: “Đoạn văn của Nguyễn Đình Thi có thể gợi cho học sinh những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện dân gian các em vẫn nghe, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của các em - một trong những nội dung nằm trong mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn, kể từ cấp Tiểu học”. Đôi khi tranh cãi với đầu gối vẫn lý thú hơn. Đọc công văn này, rồi vụ nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng mà nhớ đến văn hảo Lỗ Tấn. Kết thúc Nhật ký người điên viết vào tháng 4.1918, ông viết những dòng cuối cùng ròng ròng chảy máu đớn đau tột cùng: “Hãy cứu lấy trẻ em”.

Đủ chưa?

Chưa, cần phải nói thêm rằng: “Hãy cứu lấy người lớn”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment