LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.1.2015

 

anh-nayDALAT

 

- Mấy hôm nay làm gì mà không Nhật ký?

- Leo núi.

- Hay nhỉ. Ở đâu? Thế nào? Tại sao?

- Thì cứ nhìn trên bàn làm việc là rõ. Cả thẩy 6 tập bản thảo dầy cộm của bạn bè, bạn đọc. Từng ngày đọc, “tút” lại, sắp xếp, hiệu đính, viết nhận xét gì đó để in vào sách. Mà phải hoàn thành trong tháng 1.2015. Tất nhiên có thù lao và làm công quả. Ban đầu tưởng nhẹ nhàng, nhận lời rồi mới thấy mệt. Cứ nghĩ giúp cho bạn bè có thể nhồm nhoàm, đại khái cho xong. Nhưng rồi cũng không thể. Đụng đến chữ nghĩa là mệt. Phải cẩn trọng. Hôm nọ Trương Nam Hương bảo, làm nghề gì cũng có thể qua loa, đại khái chẳng hạn làm thợ điện miễn sao người sử dụng đừng bị giật điện là xong nhưng nghề viết thì không thể. Suốt ngày “đánh vật” với các trang viết mà mệt nhoài cả người. Chẳng khác gì leo núi mỗi ngày. Sắp Tết rồi, ai cũng nôn nóng. Y cũng thế thôi. Rồi bài vở phải viết mỗi ngày nữa. Rồi họp hành tổng kết cuối năm. Vì lẽ đó, trốn tránh hết các lời mời mọc lai rai.

Ấy thế, vẫn làm một chuyến lên Đà Lạt.

Lần đầu tiên lên đây là vào ngày 8.4.1988, không nhớ rõ do nguyên cớ gì. Ngày đó, học được chữ “nắng mơn trớn” từ miệng người thợ làm vườn thốt ra. Lần này lên lại, mới sực nhớ, khoảng chừng vài năm trở lại đây thỉnh thoảng lại lên Đà Lạt. Vẫn ở Ana Mandara Villas Đà Lạt. Mỗi khu biệt thự có nhiều phòng. Đã ngủ lại gần hết. Ngày còn trẻ, cái thú du lịch là gì? Có thể vì 3 nhu cầu: chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh; ăn món ngon, đặc sắc; và yêu một người nơi ấy. Khi đã ngoài “ngũ thập” thú vui lại khác. Khác chỗ nào? Khi đến nơi, con người ta không thèm bước chân ra khỏi phòng mà vẫn tận hưởng được cảm giác mới mẻ của thiên nhiên nơi ấy. Tận hưởng cụ thể qua một nhan sắc cụ thể. Đà Lạt hiện tại, thời tiết, khí hậu hấp dẫn qua xương thịt một con người chứ không do cảnh sắc từ bên ngoài. Vì lẽ đó, cũng vùng đất đó mỗi thời điểm đặt chân đến, người ta lại sống trong niềm thích thú khác nhau. Nếu một gã cô độc một mình đến vùng đất lạ; rồi lần sao cũng một mình lẻ loi đến lần nữa thì chắc chắn sẽ không còn tìm thấy niềm vui thú gì. Còn lúc khám phá vùng đất lạ qua thiên nhiên của một con người cụ thể, thì vùng đất lạ ấy luôn có sự thay đổi mới lạ. Đó là ý nghĩa cuối cùng của du lịch đó chăng?

Những ngày này không đọc báo. Chỉ biết loáng thoáng vài thông tin. Nhưng rồi cũng không quan tâm gì nhiều. Chỉ biết rằng chắc chắn sự kiện trưa 7.1.2015 tòa soạn tờ tạp chí Charlie Hebdo ở quận 11, Paris tấn công sẽ đi biên niên lịch sử báo chí thế giới. Sở dĩ bị tấn công, giết chết hơn 10 người vì tờ báo này đã đăng ảnh châm biếm của Đan Mạch chế giễu nhà tiên tri Mohammed của Hồi giáo.

Báo NLĐ Online trưa nay có dịch và đăng lại bản tin của CNN về quan điểm của Đức Giáo hoàng Francis phát biểu sáng 16.1.2015 lúc đến Philippines - bắt đầu chuyến thăm đất nước đông giáo dân Công giáo nhất châu Á: “Lên án bạo lực và ủng hộ tự do ngôn luận nhưng Đức Giáo hoàng Francis khẳng định quyền tự do phải có giới hạn của nó. Đức Giáo hoàng Francis nói rằng tự do ngôn luận cần phải được tôi luyện bằng cách tôn trọng niềm tin. Ngài thẳng thắn: “Tự do ngôn luận là quyền và là nghĩa vụ của mỗi người nhưng tự do ngôn luận không có nghĩa là được phép xúc phạm người khác”. Nhà lãnh đạo tối cao Giáo hội La Mã xác định: “Nếu một người bạn tốt nói xấu mẹ tôi, anh ta có thể ‘ăn đấm’ và đó là điều bình thường. Anh không được khiêu khích, không được sỉ nhục niềm tin của những người khác, anh không được nhạo báng nó”. Thêm vào đó, Đức Giáo hoàng tuyên bố nhân danh Thượng để để giết người là sai trái và càng sai hơn khi khiêu khích người khác bằng cách coi thường tín ngưỡng của họ. Vị đứng đầu Tòa thánh Vatican nhấn mạnh: “Người ta không thể gây chiến hoặc giết chóc nhân danh tín ngưỡng riêng của mình. Giết chóc nhân danh Thượng đế là một sự lầm lạc”.

Sau vụ tấn công đó, tạp chí Charlie Hebdo quyết định thực hiện  “số báo của người sống sót”. Số báo lịch sử này có tranh bìa của họa sĩ Luz vẽ Đấng tiên tri Mohammed của Hồi giáo cầm tấm bảng có đề chữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie), phía trên có dòng chữ “tout est pardonné” (Tất cả đều được tha thứ). Chuyện gì đã xẩy ra? Theo TN online: “Trên trang web đấu giá trực tuyến EBay ngày 15.1, một người ở Pháp đang đấu giá tờ tạp chí trào phúng Charlie Hebdo số mới nhất với số tiền hơn 10.000 euro (khoảng 251 triệu VNĐ) với 21 lượt đấu giá. Một người khác tại Bỉ chào bán ấn bản đặc biệt này với giá hiện tại là 3.000 euro (hơn 75 triệu VNĐ) và đã có 5 lượt đấu giá. Một cuộc đấu giá tại Anh đã kết thúc sau khi thu được 152.320 USD. Các cuộc đấu giá trên trang EBay ở Pháp cũng kiếm được 73.269 USD; tuy nhiên, EBay vẫn chưa xác nhận tính xác thực của các thông tin trên. Tại Mỹ, tạp chí Charlie Hebdo được bán với giá 1.025 USD, trong khi đó, một người đã chào bán tờ tạp chí này với giá 14.672 USD, theo Bloomberg. Ít ai ngờ, ấn bản này được đấu giá trên 250 triệu đồng/tờ”.

Có lẽ sự kiện báo chí này sẽ không lặp lại lần nữa, vì thế cần ghi để nhớ thời đang sống và được biết thông tin lạ lùng đến thế.

Hôm qua, báo TN online có đưa tin về vụ NXB Giáo Dục ra công văn thu hồi tập truyện tranh Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh của Nguyễn Thị Thu Hương và hoạ sĩ Nguyễn Đông Hải. Tại sao thu hồi? "Cụ thể ở hai trang 30 - 31 lời kể được ghi: “Thấy khí thế Hai Bà Trưng quật cường, khó bề thắng, Mã Viện liền hạ kế bắt quân sĩ cởi truồng mà giao chiến. Các đội nữ binh của Hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay đi, nhuệ khí vì thế mà suy giảm rất nhiều. Lợi dụng tình hình đó, Mã Viện thúc quân xông lên làm cho quân Hai Bà phải thua. Trưng Vương buộc phải rút quân về giữ Cấm Khê (nay thuộc Vĩnh Phúc). Lực lượng quân Mã Viện quá lớn, lại giở trò quỷ quyệt khiến các đội nữ binh phải bỏ chạy. Mã Viện thừa thế xua quân truy đuổi ráo riết…”. Còn tranh vẽ ở trang 30 có hình ảnh quân của Mã Viện hùng hổ giơ gươm kiếm lên trong khi phần ở dưới thì… cởi truồng khiến cho các binh sĩ nữ của Hai Bà Trưng phải che mặt vì xấu hổ. Không chỉ tranh vẽ “phản cảm” theo phần lời, các tranh vẽ của cuốn truyện tranh được các độc giả trên mạng xã hội nhận xét là vừa xấu xí kỳ dị vừa không phản ánh chân thực trang phục giai đoạn lịch sử mà Hai Bà Trưng sống”.

Thông tin này cũng cần ghi lại, vì khó có thể thích tại sao một NXB có chức năng giáo dục lớn nhất của một quốc gia lại để “lọt lưới” tập sách dành cho trẻ em lại kỳ quặt đến thế?

Ngày hôm qua, Khách sạn bốn sao, 18 tầng Liberty Central Saigon City Point xây dựng trên khu đất rộng 1.000 m2 tại 59 Pasteur, (Q.1) chính thức mở cửa. Sở dĩ ghi lại vì đây là khách sạn đầu tiên ở TPHCM có bốn rạp chiếu phim 2D và 3D bên trong khách sạn. Sáng nay, đến quán Nam Lợi (Q.1) ăn mì. Nhiều lô cốt án ngữ nhiều con đường. Đi vòng vèo bở hơi tai mới đến nơi. Năm nay, Đường hoa, Đường sách dịp Tết cổ truyền sẽ chuyển qua đại lộ Hàm Nghi, chứ không diễn ra tại Đồng Khởi như mọi năm.

Chiều nay, lại liên hoan cuối năm. Ngoài trời lành lạnh rất Tết.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment