LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.12.2014

 

leminhquoc-cung-MC-Hong-Cu

Lê Minh Quốc cùng MC Hồng Cư thực hiện chương trình Cà Phê Sáng (VTV 3)

 

Câu chuyện thế này: Trên chuyến bay từ sân bay Nội Bài đến Tân Sơn Nhất, có một cô nàng xinh đẹp của VTV3. Ròng rã hai tiếng đồng hồ vi vu trên mây, cô giết thời gian bằng cách đọc sách. Một quyển sách lật ra. Đọc đến đâu, cô gật gù thích thú đến đó. Vì vậy, khi đến nơi thay vì phải thực hiện theo kế hoạch đã định trước, cô liên hệ với tác giả tập sách đó và quyết định làm luôn một lèo hai cuộc trò chuyện cho chương trình Cà phê sáng. Ủa? Cuốn sách gì vậy? À, cuốn Khi tổ ấm nhảy Lambada của y. Chương trình thứ nhất bàn về “Sự tùy tiện” trong lối ứng xử của con người ở cuộc sống hiện đại; chương trình thứ hai bàn về chuyện hôn nhân gia đình. Cuộc nói chuyện nhẹ nhàng, lý thú và qua đó, có thêm những người bạn mới.

Theo y, tính cách gọi là tiện, nhân tiện, tiện thể, tùy tiện của người Việt hình thành là do văn hóa đình làng, đời sống nông nghiệp. Ca dao, tục ngữ còn ghi lại, chẳng hạn, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; phép vua thua làng; đất có lề, quê có thói; ăn theo thuở, ở theo thời v.v… Sự tùy tiện, tiện thể một cách ngẫu hứng đó vừa nhược điểm, vừa ưu điểm. Làm thế nào chấn chỉnh, y đã lập luận ra sao? Xem chương trình phát sóng thì rõ.

Người ngoại quốc dù có lập nghiệp sinh con đẻ cái ở đất Việt, họ chỉ thành công khi biết rằng với người Việt thì mọi sự việc luôn nhìn nhận một cách linh loạt, uyển chuyển, không có một mô hình cố định, không theo một bài bản cứng nhấc nào cả. Vừa rồi đọc tạp bút Thánh võ của văn hào Lỗ Tấn, có câu: “Tôi nghĩ, Trung Quốc chúng ta vốn không phải là nơi phát sinh ra chủ nghĩa mới, mà cũng không chỗ dung nạp chủ nghĩa mới”. Điều này không khác gì ở Việt Nam. Các tôn giáo, các chủ nghĩa chính trị khi du nhập vào Việt Nam lập tức bị “pha loãng”, tính chất “nguyên bản” mất dần, tự nó phải biến hóa, uốn nắn theo tinh thần của trường tồn, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của dân tộc Đại Việt.

Hiểu như thế, để tin rằng dù có bị cưỡng bức của bất kỳ nền văn hóa nào, bị cưỡng hiếp của bất kỳ chủ nghĩa nào thì bản sắc của dân tộc con Rồng cháu Tiên cũng không thế mất đi, cũng không thể bị đồng hóa. Y đang lạc quan tếu đấy chăng? Chẳng phải đâu, sự hiễn nhiên ấy có thể tìm thấy qua trí khôn của người Việt ẩn giấu trong ca dao, tục ngữ.

Trong bài viết nọ, y đã nêu quan điểm: “Đi vào trong máu thịt ngàn đời bất biến của dân tộc Việt theo tôi vẫn là ca dao, tục ngữ. Đọc ca dao, người ta có thể hình dung ra cả một tiến trình lịch sử của một dân tộc. Đọc tục ngữ, người ta có thể thâu tóm hết tinh hoa của phép ứng xử, suy nghĩ về triết học... của một dân tộc. Ủa? Sao lại quả quyết như thế? Thưa, đất nước hơn bốn ngàn năm tự chủ, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, “còn cái lai quần cũng đánh” thì bản sắc văn hóa của một dân tộc làm thế nào để có thể lưu giữ dưới vó ngựa, trong tiếng gươm khua, giữa tầm đại bác? Bằng văn bản chữ viết chăng? Thoạt nghe thế, cụ Phan Huy Chú bảo: “Nhưng trải qua bao cuộc bể dâu, nhiều phen binh lửa, cuối đời nhà Trần bị nạn giặc Minh, sách vở đã mất một lần trước - do Trương Phụ lấy cả sách vở cổ đưa về Kim Lăng... Từ Trung hưng trở về sau, tuy cố tìm tòi, nhưng sau khi sách vở đã bị tan nát đi, thu thập lại cũng khó”. Bằng bia đá, khắc vào đá chăng? Thoạt nghe thế trong dân gian vọng lên tiếng nói: “Ngàn năm bia đá cũng mòn...”.

Vấn đề này, còn có thể bàn luận dài dài. Thú vị lắm chứ?

Hôm kia, buổi trưa ngồi với ông Đường Dây Nóng của báo TN bên lề đường Sương Nguyệt Ánh. Đã đi nhiều nước, lại có con mắt quan sát của nhà báo nên anh nhìn ra nhiều chuyện hay. Chẳng hạn, khi đến tham quan Kim Tự Tháp, anh biết chi tiết: Pharaon - vua Ai Cập cổ đại muốn xây càng cao càng tốt vì “ta muốn gần hơn nữa với Thượng đế”. Kim Tự Tháp cao nhất mà ngày nay người ta còn biết đến là 146 mét. Hiện nay, tòa nhà Burj Dubai tại Dubai cao đến 828 m. Cả hai nơi này  đều đã đặt chân đến, anh cho biết tại tòa nhà Burj Dubai, nơi cao nhất có thánh đường của người Hồi Giáo. Anh đặt câu hỏi: “Có phải ý muốn gần hơn nữa với Thượng đế nên người ta có nhu cầu phải xây cao?”. Chưa rõ có phải vậy không, nhưng trò chuyện với người biết đặt vấn đề bao giờ cũng khiến câu chuyện hào hứng, tranh cãi thú vị.

Sáng hôm kia, cao hứng lên chơi nhà anh B. Mừng quá, anh tặng cho quyển Đồng âm dẫn giải và mẹo luật chính tả do Trần văn Thanh biên soạn. Tiện tay lật ngay trang 215: “Xỉn: 1. mờ xạm lại: xỉn da, đồng xỉn; 2. chút ít: bủn xỉn, ít xỉn, chút xỉn”. À, hoàn toàn không ghi nhận từ đồng âm “xỉn” theo nghĩa say, say xỉn. Sách này in năm 1963, có thể đoán rằng, thời điểm đó, “say xỉn” chưa ra đời chăng?

Thử hỏi, xỉn là tiếng Việt chuyển gốc Hán Việt hay tiếng lóng? Tầm nguyên tự điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ giải thích: Xỉn (bủn xỉn), bần tiện, keo kiệt; Xìn, xỉn: đồng tiền (tiếng Quảng Đông). Rõ ràng, từ xỉn mới ra đời gần đây thôi, nhưng cụ thể khoảng thời gian nào? Chiều nay, ngồi nhà lật lại vài quyển từ điển tra cứu xem sao. Chỉ có Từ điển từ mới mới tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học ấn hành năm 2002 là ghi nhận, xếp vào phương ngữ:Xỉn: Say rượu đến mức thường phải nằm xỉu một chỗ. Nhậu say đến mức xỉn. Say xỉn” (tr.278). Minh họa cho giải thích trên là câu trích từ 2 bài báo trên báo PNVN số ra ngày 17.6.1996; báo TP ra ngày.3.1996. Không ai có thể quả quyết 2 văn liệu trích dẫn trên, có phải là từ xỉn xuất hiện sớm nhất trên báo chí? Nhưng có lẽ "xỉn" ra đời sau năm tháng Đổi mới.

Nói cách khác, trước năm 1975, dân nhậu chưa hề sử dụng từ “xỉn”. Mà do đâu, lại có từ xỉn này? Chắc chắn sau khi từ xỉn ra đời mới có câu "thành ngữ": "Sáng xỉn chiều say/ Sáng say chiều xỉn". Hôm nào hỏi anh An Chi xem sao.

Chỉ còn dăm hôm nữa là đã hết năm 2014. Nhân đây, ghi lại 15 kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật trong năm qua do Văn phòng Bộ VH-TT&DL phối hợp báo Văn hóa, báo Thể thao Việt Nam, báo Du lịch tổ chức họp báo bình chọn ngày 25.12.2014:

1. Nghị quyết lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa 11 (nghị quyết 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

2. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản thế giới.

3. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Liên hoan tuyên truyền lưu động Biên giới và biển đảo Việt Nam với hơn 2000 tuyên truyền viên, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

5. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3 năm 2014 (Haniff 2014) với 130 bộ phim được tuyển chọn từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hơn 30.000 lượt khán giả.

6. Năm Việt Nam tại Pháp lần đầu tiên được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp – Việt với gần 80 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã để lại nhiều dấu ấn tốt.

7. Sự hưởng ứng mạnh mẽ của dư luận và xã hội đối với chủ trương của Bộ VH-TT-DL trong việc khuyến cáo, ngăn chặn và loại bỏ các hiện vật ngoại lai không phù hợp tại các di tích lịch sử, văn hóa.

8. Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề Yêu thương và chia sẻ.

9. Sự kiện Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 2014 tại làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam, với nhiều hoạt động hướng về biển đảo.

10.Tổng thu du lịch năm 2014 đạt 230 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), cao nhất từ trước tới nay trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn.

11. Việt Nam được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất thế giới dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch.

12. Tổ chức World Travel Awards công nhận khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula là Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới.

13. Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 7 năm 2014 đã tổ chức thành công với sự tham gia của 65 tỉnh, thành, ngành. Có 57 kỷ lục quốc gia và 158 kỷ lục Đại hội được phá.

14. Thể thao VN đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 2 – Asian Paragames 2 tại Incheon, Hàn Quốc, tháng 10-2014 (xếp thứ 10/43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự).

15. Vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh xác lập kỷ lục thế giới ở nội dung 10 mét súng ngắn hơi với 202,8 điểm, đoạt huy chương vàng tại Cúp bắn súng thế giới tổ chức tại Mỹ tháng 3-2014.

Từ 15 sự kiện này, sau khi trưng cầu ý kiến công chúng, Bộ chỉ chọn lấy 10. Cần nhấn mạnh, đây là sự bình chọn theo quan điểm của Bộ nên chắc chắn có “độ chênh” với công chúng cũng là lẽ tất nhiên.

Chiều rồi. Ăn gì đi chứ?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment