LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.12.2014

 

Quái quỷ đến thế là cùng. Mỗi ngày check thư điện tử ngoài email của bạn bè thân thiết, đối tác làm ăn… lại có vô số thứ “trời ơi đất hỡi”. Nói tắt một lời, tên gọi chung là “thư rác”. Hôm qua, trong vô số các thư đó, trước lúc xóa, tò mò mở ra xem sao. Đã đọc được một bài viết hay. Không rõ tác giả là ai. Đọc và có lúc tủm tỉm cười. Đau chân thì há miệng. Khi có một điều gì thôi thúc, bức xúc không thể thốt nên lời thì người ta viết. Những trang viết ấy, dù không phải người cầm bút chuyên nghiệp nhưng chắc chắn có những chi tiết, những cảm xúc hấp dẫn người đọc.

Ăn tết quê chồng (Tặng các chị em năm nay về quê chồng ăn tết) là một bài viết như thế. Rất lấy làm tiếc không rõ tác giả là ai để có lời xin phép đưa vào Nhật ký cho phải đạo. Đọc xong, ngẫm nghĩ rằng,: “Ủa? Hóa ra chẳng lẽ hiện nay ở nông thôn ta vẫn còn có những sinh hoạt không khác gì thời Tự lực văn đoàn?”. Lạ quá. Có phải dù đã đến lúc “chân dép lốp bước lên tàu vũ trụ” nhưng phong tục, tập quán, thói quen hơn bốn ngàn năm vẫn còn tiếp tục bám rễ trong đời sống hiện đại?

Đã từ lâu, y quả quyết rằng, để hiểu nông thôn miền Bắc Việt Nam không thể bỏ qua các trang phóng sự của Ngô Tất Tố. Có thể dựng cho cha đẻ Chị Dậu một tượng đài sừng sững khi đã khắc họa thành công đến từng chi tiết đời sống nông thôn trước Cách mạng tháng Tám. Chỉ nêu một chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, bây giờ có còn ai biết “nầm” là gì không? Đọc Ngô Tất Tố thì rõ: “Anh có biết “nầm” là gì không? Nó là giải thịt ở bụng con lợn, chạy theo chiều dài của một dẫy vú”.

Sở dĩ nhắc lại vì miếng thịt này có liên quan đến lúc mổ “ông ỷ”, tên gọi sang trọng dành cho con lợn cúng thần vào dịp Tết. Ngô Tất Tố viết: “Miếng thịt nầm cắt rồi, người bàn ba ấy sẽ rẽ ràng dùng nó làm cái khăn chùi, rồi hắn lật đi lật lại con dao đặc biệt, chùi qua mặt vài lượt, rồi mới dùng dao ấy cắt cái sỏ lợn”. Như ta đã biết, con lợn cúng thần chỉ lấy cái sỏ và bộ lòng, phần thịt còn lại chia cho dân làng, ai ngôi trên thì miếng to, kẻ thấp cổ bé họng thì miếng nhỏ. Do đó, dùng dao cắt cái sỏ lợn, phải dùng miếng thịt “nầm” chùi dao. Lạ quá. Hậu sinh làm sao biết được các chi tiết này? Phải đọc Ngô Tất Tố là thế.

 

viec-lang-NTT

 

Ông Tắt đèn viết tiếp: “Hẳn anh tưởng chùi dao xong, miếng thịt làm khăn chùi sẽ bị quẳng đi? Không! Dù là thịt làm giẻ lau mặc lòng, nó vẫn là của “thần huệ”. Chẳng những người ta không dám bỏ đi mà, mà còn để làm phần riêng cho một hạng người, tức ông bàn ba đến ngôi phải chùi dao đó”. Có thể hiểu, ai đến lượt được làng cử cắt cái sỏ lợn, tất nhiên được hưởng miếng “nầm” đó, dù chỉ 1 lạng thịt. Nhưng có lúc lại oái ăm, chẳng hạn, anh A đến lượt làm việc ấy, chẳng may nhà có tang ma hoặc vì lý do gì đó không thể ra đình được, thì người khác phải thay thế. Nhưng miếng “nầm” ấy, anh A phải được hưởng. “Nếu phần ấy không đưa về nhà cho tôi, thì tôi được có quyền hỏi. Mà tôi hỏi thì làng phải xét. Một khi cái tội ăn cắp hoặc đánh mất miếng thị chùi dao bị truy ra, thì kẻ phạm tội cực kỳ nguy nghiệp. Nghèo thì van xin mỏi gối, giàu thì bị làng mổ lợn ăn vạ”. Khiếp. Rùng mình. “Một miếng giữa làng bằng một sàn xó bếp”. Tính cách, tư duy ấy đã ăn sâu vào đầu óc nông dân bền chặt như lũy tre làng. Hiểu như thế để thấy rằng không thể cứ đơn giản hợp tác xã, kể cả hợp tác xã ruộng đất là có thể “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”:

Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!

Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác

Chim cu gần, chim cu gáy xa xa...

Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt

(C.L.V)

Ý thức xã hội tồn tại dai dẳng có thể từ đời này sang đời khác, cho dù hạ tầng xã hội đã thay đổi đến cỡ nào đi nữa. Trở lại với bài viết Ăn tết quê chồng, y thích chi tiết “cầu ao”. Không phải “chiếc cầu là nơi hò hẹn đôi ta. Đêm trăng sáng trên cầu em giặt áo. Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo” cực kỳ thơ mộng trong âm nhạc. Mà chính là cầu ao của những lần bắt chim, đuổi bướm: “Mẹ bắt được... Chưa đánh roi nào đã khóc” (Giang Nam). Sau đây là nguyên văn Ăn tết quê chồng, y không chỉnh sửa bất kỳ một từ nào, kể cả lỗi chính tả. Một lần nữa cám ơn tác giả bài viết:

“Tôi lấy chồng được 2 năm, tết nào cũng về quê chồng ăn Tết gần nửa tháng. Tôi làm ở công ty nước ngoài, dưới quyền tôi có 20 nhân viên toàn tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. hồng tôi là người ngoại tỉnh, tôi quen anh hồi đại học, mến tài anh, chúng tôi yêu nhau rồi kết hôn, cuộc sống bộn bề nhưng thông cảm hiểu biết lẫn nhau, chúng tôi hạnh phúc.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa từng về quê lâu ngày, trừ dịp tết. Cứ 25 hay 26 tết, chúng tôi lại về quê. Tôi tính đoảng. Chồng tôi mua đủ thứ măng miến mộc nhĩ linh tinh , anh nói của tôi mua.

Nhà chồng tôi có bố mẹ chồng, vợ chồng anh trai chồng cùng 2 đứa cháu, và cô em gái chồng. Khi vợ chồng tôi về, mọi người tay bắt mặt mừng, vợ chồng tôi có chốn riêng vì nhà khá rộng, có 5 gian, ở 2 chái nhà có ngăn thành phòng thì dành cho ông bà và vợ chồng anh tôi, em chồng ở nhà dưới,  3 gian giữa cho vợ chồng tôi và trẻ con. là chồng tôi nói thế.

Tôi thì không hiểu "gian" ở đây nghĩa là thế nào, chỉ là cái nhà cỡ 40m2, không hề có tường ngăn, hóa ra 5 gian là nói về độ rộng, 1 gian rộng vài mét vuông, nếu có cột thì rõ hơn,  chùa trăm gian cũng không to lắm, thì nhà 5 gian các bạn tưởng tượng được.
Gọi là phòng, nhưng nó là 1 cái gường, tô hô sát gian chính, che bởi cái ri-đô, sát với cái ghế sa lông ở chính giữa, nếu ai đó dựa lưng vào thành ghế, sẽ động đánh "cục " một cái vào gường ngủ của tôi.  Chúng tôi cũng không dám quan hệ, vì cái gường long-mộng  luôn dập kình kịch vào tường mỗi khi có dao động trên nó.

Thật lòng, tôi rất không vui khi ngủ như vậy, mà suốt cả dịp tết, các chị ạ, có 1 cái của sổ ở gường của tôi, nhưng tôi không bao giờ dám mở, vì cửa sổ trông ra nhà vệ sinh và cái chuồng lợn, con lợn đáng ghét đó kêu ịt ịt suốt đêm và luôn va lục cục khiến tôi chỉ mong giao thừa đến sớm, con lợn đó sẽ bị chọc tiết trước giao thừa.
Điều đầu tiên tôi ngạc nhiên là đánh răng, tôi không dám để bàn chải đánh răng của tôi cạnh những bàn chải của anh chị em chồng. Thậm chí tôi không dám gọi những thứ kia là bàn chải đánh răng, nó mòn vẹt, cán cầm đã từng có mầu gì đó tôi đoán là xanh hoặc tím nhưng đã bạc hết, những sợi nhựa rẻ tiền tòe ra 2 bên như những sợi râu mép, nếu đánh răng, tôi tin họ phải đánh nghiêng bàn chải, vì ở chính giữa không có gì, các sợi nhựa đã cong hết sang 2 bên.

Sau khi đánh răng xong, tôi cất bàn chải của tôi đi.

Khăn mặt cũng là 1 vấn đề, họ không dùng riêng khăn mặt, chỉ có độc 1 hoặc 2 hay 3 cái, chung cho tất cả, và khăn nào cũng trông có vẻ tốt khi nó khô, nhưng khi nhúng nước, nó trở lên nhớt như một con lươn, khiến tôi rất sợ.

Khỏi phải nói, khi dùng khăn xong, tôi cũng cất đi.

Nhờ giời, quê chồng tôi có 1 bể nước mưa, những con bọ gậy và côn trùng có chân như mái chèo luôn giãy đành đạch trong đó, mỗi khi tôi múc nước vào cái chậu nhôm, luôn phải vớt chúng ra, sau khi than thở với chồng tôi, anh ra ao (tôi kể về cái ao sau) câu lên vài con cá nhỏ nhỏ đòng đong mài mại hay con gì đó anh nói tên mà tôi quên mất, đem thả vào bể..

Thật kì lạ, chỉ sau 1 ngày đêm, mọi con bọ trong bể nước mưa đều biến mất hết, tôi chưa kịp cám ơn chồng thì hôm sau nữa, 1 con cá chết thối từ khi nào, mắt lồi ra,  bụng ngửa lên, khiến tôi không dám dùng nước mưa hôm đó. mà ra ao thì tôi lại sợ... Mọi sinh hoạt rửa ráy ở quê chồng tôi, đều ở cầu ao. luôn có mấy con vịt kêu cạc cạc bơi quanh đó. bọn này buổi đêm cũng hay ré lên, khiến tôi cũng mong giao thừa đến sớm, bọn này cũng chung số phận với con lợn đáng ghét.

Cầu ao, là 1 cái bậc, giống như cầu thang nhà tôi, nhưng họ xây khi chưa có nước, khi nước ngập lên, thì gọi là cầu ao, nhà chồng tôi giàu có, lên cầu ao xây bằng đá xanh.
Vào buổi sáng, khi cậu con trai nhỏ của anh chồng tôi muốn đi ngoài, mẹ nó bê nó ra cầu ao, xi nó ỉa, và rửa đít thằng bé tại cầu ao, và thật kì lạ, buổi trưa, chị bê rổ rau ra chính chỗ đó để rửa, tôi sợ, không dám ăn rau.

Cần phải nói để các bạn hiểu, ở quê chồng tôi, cầu ao là nơi làm tất cả mọi việc về rửa ráy, họ rửa tất cả ở đó, chân, bát nồi niêu, bu gà, đáy của cái lồng chim, ( toàn phân chim)...

Và bọn trẻ con, vẫn ngồi ở cầu ao ỉa xuống.

Tôi cũng thấy, rất nhiều cá con tung tăng ở cầu ao chờ ăn đồ miễn phí.

Về quê chồng, vấn đề vệ sinh thực sự là ác mộng...

Tôi từ bé đến lớn, vẫn dùng hố xí bệt, và tôi hay cầm quyển sách để đọc khi hành sự.
Về quê anh, đi đại tiện thật sự là mối kinh hoàng.

Buổi đêm, đó hầu như là bất khả thi, tôi phải cầm 1 cái đèn pin (đó là lần sau, chứ lần đầu ko có đèn pin tôi phải dùng đèn dầu, cái bóng đèn luôn muốn rơi ra khi tôi di chuyển) đi bộ vòng ra sau nhà, gần cái cửa sổ phòng ngủ của chính tôi, qua chuồng lợn, trèo lên vài bậc chông chênh, và chui vào cái hố xí kinh hoàng đó. Nó có 1 cái lỗ đen kịt, có 2 viên gạch kê chéo để đặt chân, cái lỗ được bịt kín bởi 1 cái  tròn như cái đĩa bằng bê tông, giữa có cái lỗ, và 1 que tre to dài chọc vào lỗ đó, để đi vệ sinh, tôi phải cầm vào cán tre kinh tởm đó ( tôi luôn lót giấy ) mở cái lỗ ra, và đi vào cãi lỗ đen mịt mờ đó, khi xong việc, tôi lại đậy cái lỗ lại sau khi đẩy 1 lớp tro than lên trên. Và ruồi nhặng  thì quá kinh khủng, dù ở đâu, trong nhà hay ngoài sân, tôi luôn nghe tiếng vỗ cánh e e e e của chúng, và chúng luôn bậu vào mặt tôi khi tôi díp mắt buổi trưa, và cố hút cái gì đó quanh mép tôi.

Nhà chồng tôi rất tốt với tôi, tuy nhiên tôi cũng phải làm nhiều việc,  tôi luôn phải nấu nướng 1 cái gì đó, tôi có cảm tưởng, ở quê, họ ăn không ngưng nghỉ.

Cái bếp quê chồng là nỗi kinh hoàng với tôi, nó là 1 bãi rác không hơn khi lần đầu khi tôi vào bếp. rơm , củi, cành tre và giấy vụn khắp nơi.Nó tối mịt dù ban ngày do toàn bộ bếp là màu đen do ám muội, và đun bằng rơm và củi, công nghệ mới được áp dụng là cái lò bằng than có quạt, nhưng lò đó luôn có 1 cái nồi to tướng phía trên đun 1 cái gì đó, hết nước thì đến cám lợn, rồi lại nước.. rồi cám. Lần đầu tập đun bếp bằng rơm, tôi làm cháy luôn cái que tre dùng để ủn rơm vào, và cũng suýt làm cháy cả cái bếp, trong bếp đầy những tre gỗ nhỏ để đun, rơm thì hết lại ra rút ở vườn..

1 điều làm tôi không vui là bố chồng tôi, mặc dù ông rất quý tôi, đó là việc ông khạc đờm. Ông hay hút thuốc lào, đó là 1 cái ống tre có cái lỗ để cho thuốc, trong ống tre lại có nước, nước đó tôi làm đổ ra 1 lần và có mùi tởm lợm, bố chồng hay tọp má rít thành tiếng giống như tiếng ta giật bồn cầu. Hút thuốc lào khiến ông hay khạc đờm, ông hít 1 hơi dài, khạc 1 phát, vài nhổ vào cái ống của riêng ông, giống cái hộp bia 500ml loe miệng. tôi luôn sợ cái lọ đó, tôi luôn dùng chân đủn nó ra xa vì sợ làm đổ nó. Nhưng lắm lúc ông lười, ông khạc ở gian giữa (phòng khách) và hít thêm 1 hơi, ông nhổ ra sân, đàn gà bu lại ăn thứ cám cò kì dị đó.

Nhưng tôi ghét nhất khi ông ngồi ở gường tôi ngủ, và khạc đờm nhổ qua của sổ (cánh của sổ tôi luôn đóng kín buổi đêm nhưng ban ngày phải mở) cục đờm bay qua gường của tôi, phi ra ngoài nếu may mắn, nhưng thông thường, cục đờm đó luôn vướng vào chấn song cửa sổ của tôi, quấn rất nhanh vài vòng mà người khạc  biết cũng lờ đi. tôi phát điên khi phải lau nó lúc vắng ông, đôi khi tôi quên mất chính xác chấn song nào bị cục đờm bám, thế là phải lau toàn bộ chấn song với cảm giác cục đờm xanh ở mọi nơi, tởm. và để lâu thì nó khô đi, thành 1 thứ keo dính, tôi phải dùng 1 con dao cùn để cạo nó ra.

Mẹ chồng tôi cũng rất tốt với tôi, nhưng bà luôn bị đau gì đó, bà có tật rên. Cứ đêm là bà đau, đau là rên, lắm lúc bà rên lúc 2 giờ sáng, bà rên kiểu như nửa khóc nửa ai-oán, cộng với tiếng côn trùng nỉ-non khắp nơi, làm tôi nổi gai ốc vì sợ.

Nhà chồng tôi chỉ náo nhiệt từ 28, đó là ngày con lợn bị chọc tiết… Đó là lúc, cơn ác mộng của tôi bắt đầu, suốt mấy ngày, họ chỉ toàn ăn và uống vào nói, bố chồng tôi khạc đờm gấp 3, mẹ chồng tôi rên to gấp đôi. 4h sáng, tiếng người gọi nhau râm ran, chồng tôi đã dậy từ lúc nào, và tiếng con lợn kêu lập tức đánh thức cả xóm: éc… éc… éc. Tôi trùm chăn kín đầu, bịt vào tai, mà cũng ko chịu nổi, tiếng chồng tôi và anh chồng và các họ hàng to dần xen với tiếng con lợn đang yếu dần, họ gọi nhau đun nước bê nong bê nia chia thịt, rồi tôi nghe tiếng con lợn rống lên trước khi ằng ặng khi bị đâm, thế là xong đời nó.

Tôi phải dậy, vì không thể nằm khi mọi người dậy hết, tôi giúp đun nước, con lợn đã được cạo lông trắng hếu, giờ tôi biết thêm 1 điều về chồng tôi, hóa ra anh là 1 đồ tể chuyên nghiệp. anh thậm chí biết chọc ngón tay vào chậu tiết để nếm tiết canh đo mặn nhạt. khoắng tiết 1 vòng để biết độ đông đặc lâu nhanh. Họ gọi nhau xẻ thịt rồi nhồi làm dồi, rồi giã làm giò, rồi xẻ để gói bánh chưng, tôi gần rời 2 cánh tay vì phải giã giò, là việc duy nhất tôi biết làm. Rồi suốt cả đêm hôm đó, tôi thức để trông nồi bánh chưng, thú thật ngồi ngủ gật canh nồi bánh mà tôi nhớ Hanoi quá, tôi cũng không thích ăn bánh chưng, nó giống như món xôi giã nát với cục mỡ lầy nhầy chính giữa.

Ở quê, xưng hô cũng là 1 vấn đề, tôi xưng chị với vài đứa trẻ và lần nào mẹ chồng tôi bảo : “ấy ấy phải gọi bằng cậu!”có vẻ như bất kì thàng trẻ con nhem nhuốc nào cũng có thể là cậu tôi hoặc anh tôi, đến nỗi tôi phải chào tất cả bọn ranh con bằng cậu cho chắc.

Suốt cả tết, quê chồng tôi lao vào những cuộc rượu liên miên, chồng tôi say suốt, còn tôi và các phụ nữ thì luôn nấu ăn, dọn, rửa.. rồi lại nấu ăn. Ở quê, tôi nhận ra ai cũng có thói quen rung đùi, mỗi khi ngồi vào ghế, là chân họ rung lên bần-bật, như chứng động kinh, tôi cố quan sát xem họ rung chân phải hay trái, nhưng hỡi ôi, dù chân phải hay trái thì họ đều rung, có người còn rung cả 2 chân cùng lúc, và nếu họ dựa vào gường của tôi thì rung cả gường, giống như  đang có  1 cơn động đất nhẹ. Đến giờ, tôi cũng ko hiểu sao họ lại run rẩy chân khi ngồi ??

Ở quê, tắm cũng là 1 cực hình, suốt cả ngày nấu nướng dầu mỡ, nếu muốn tắm, tôi phải đun  1 nồi nước ( mất cả tiếng để đun nồi nước này ) rồi bê vào nhà tắm với 1 chậu nước lạnh, rồi bê vào nhà tắm là  1 phòng hết sức hẹp không hề có mái che (quê chồng tôi, họ nghĩ nhà tắm thì ko cần mái thì phải), trộn nước nóng lạnh với nhau cho vừa, và ngồi xổm, giội từng gáo nước lên người. và phải nhanh trước khi nước nguội, tôi luôn vừa tắm, vừa suýt soa vì lạnh.

Liền ông ở quê chồng tôi hết sức thô lỗ khi ăn, họ luôn nói rất to như cãi nhau, vừa nhai, vừa nói, vừa hút thuốc, họ chỉ ngừng nói khi ngậm mồm uống hớp rượu hay rít hơi thuốc, và chỉ 1  giây là họ tranh nhau nói, và tôi sợ nhất là hút thuốc, họ thả khói đầy nhà, đến nỗi tôi cảm tưởng đang ở phòng hơi ngạt của đức quốc xã. Và miếng thịt nào tôi ăn, cũng cảm tưởng như ăn thịt xông khói. Và hầu như lúc nào cũng ăn, 8h sáng họ đã bắt đầu bưng lên  mâm rượu thịt đầy tú ụ, và ăn đến 10h đêm luôn.

Suốt chục ngày tết quê chồng, tôi không có 1 ngày an lành, rửa dọn nấu, loanh quanh từ bếp đến cầu ao, đầu tóc xổ tung, quần áo tõa tượi… Tôi nhớ Hanoi với phòng ngủ của tôi, bồn tắm của tôi, café sáng của tôi, bàn trang điểm của tôi…

Năm nay, tết lại sắp đến, tôi biết chồng tôi sẽ lại giục tôi về quê ăn tết.

Tôi đã qua phố sinh Từ, mua 1 con dao chọc tiết lợn, bản rộng nhất 15 phân, cán gỗ, đầu nhọn hoắt, giá 95 ngìn đồng, đúc từ nhíp xe ô tô gát 69 của liên xô cũ. Nếu thằng chồng mở mồm bắt tôi về quê nhà nó ăn tết, tôi sẽ đâm nó chết. Mà không, tôi sẽ về quê cùng nó, đâm chết cả nhà nó. Từ thằng bố hay khạc đờm đến con mẹ hay rên của nó.

Tôi điên rồi các chị ơi…".

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment