LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.12.2014

 

phoca_thumb_l_hii3_1896_x_1924

Sơn dầu Lê Minh Quốc

 

Đôi lúc chẳng rõ bận rộn vì cái lẽ gì. Vừa từ Nga về, Đoàn Tuấn bay vào Sài Gòn, trao giải cuộc thi về điện ảnh, ngủ đúng một đêm, trưa hôm sau lại quay ra Hà Nội. Gặp nhau, chẳng thể trò chuyện gì nhiều. Thấp thỏm bên ly cà phê buổi sáng. Câu chuyện vội vàng. Rồi chia tay. Nhớ bạn mình kể chuyện này:

Ngày nọ, có một trung niên người Việt sang Nga thăm người bạn. Khi anh đến chơi nhà, người bạn Nga cho biết con gái của anh - cháu bé lên tám tuổi đang ốm sốt. Với phép lịch sự và tỏ ra quan tâm, anh xin phép chủ nhà được bước đến giường thăm hỏi. Lúc ấy, cháu đang thiêm thiếp ngủ, anh cầm lấy tay cô bé xem nhiệt độ nóng sốt thế nào. Anh không ngờ việc làm đột ngột ấy khiến cô bé giật mình bừng tỉnh. Rồi quắc mắt nói rành rọt từng chữ: “Chú đã xin phép cháu chưa mà cầm tay cháu?”. Anh sượng trân, không thốt nên lời. Không muốn anh “quê độ”, cô vợ chủ nhà mới nhẹ nhàng: “Ở nước Nga chúng tôi, ngay từ bé thì các cháu đã được giáo dục ý thức cá nhân, kỹ năng sống”.

Câu chuyện này nói lên điều gì?

Đứa bé, tự nó luôn tự ý thức và chủ động ngăn chận được hành vi xâm hại, dù không người lớn bên cạnh, dù lúc ấy chưa được sự giúp đỡ của người lớn.

Lại một câu chuyện khác.

Đoàn Tuấn kể tiếp: “Đến nhà một người bạn Nga chơi, tôi thấy cháu nhỏ học lớp 4. Vừa đi học về, cháu chưa bỏ cặp sách mà chạy ngay đến thùng rác, lấy những cục giấy từ trong túi áo mình ra, bỏ vào đó. Hôm khác, qua thăm nhà một người bạn Việt Nam sống và làm việc ở đây đã lâu. Người bố ăn chuối, nhặt sợi nhỏ của vỏ còn dính trên trái, ném qua cánh cửa khép hờ xuống khu vườn sau nhà. Cô con gái lớp 9 liền phê bình bố, rằng tại sao bố lại vứt vỏ chuối qua cửa sổ? Ông bố cãi, đó không phải là vỏ, mà là sợi xơ nhỏ. Nhưng cô con gái nói, dù là cái gì cũng không nên vứt như thế! Người bố đành phải xin lỗi con gái. Sau đó, người vợ nói với tôi, rằng ở bên này, các thầy cô giáo dạy trẻ  kỹ năng sống với sự kiên trì liên tục. Để trẻ con nhớ và biến thành nguyên tắc sống của mình cũng như của cộng đồng”.

Từ hai câu chuyện của bạn mình kể hôm vừa rồi, tự nhiên lại liên tưởng đến chuyện bạo lực học đường.

Sáng nay, báo TN, TT đều đưa tin về Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông”, do Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 24.12.2014. Các nhà sư phạm cùng lo âu, cùng hội thảo, cùng chia sẻ, cùng bàn bạc để tìm giải pháp chấn chỉnh. Thực ra, chuyện này chẳng có gì mới. Từ nhiều năm nay, dư luận đã lên tiếng nhưng rồi vẫn dẫm chân tại tại chỗ, ngày càng có chiều hướng xấu hơn là khác.

Đôi khi nghĩ rằng, hiện nay, một đứa trẻ ngoài thời gian đến trường, rồi về nhà với gia đình, bản thân nó còn được ai nữa giúp đỡ để hoàn thiện nhân cách, để chia sẻ những va vấp, những thắc mắc khi gặp phải?

Ở trường, thầy cô chỉ có trách nhiệm dạy kiến thức là đã bở hơi tai rồi, còn đâu thời gian lo toan đến tâm tư của học trò? “Ðến trường giáo viên chỉ có dạy rồi về, việc giáo dục học sinh giao cho Ðoàn trường hay nhà trường hay ai đó không cần biết. Thậm chí có giáo viên chủ nhiệm còn bảo: 100 điểm thi đua của tôi đấy, trừ bao nhiêu thì trừ” - bà Lê Thị Thảo, trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã cho biết tại Hội thảo mà báo TT sáng nay đã tường thuật.

Không thể hỏi thầy cô, đứa trẻ trở về nhà tâm tình với cha mẹ. Tuy nhiên, có phải bậc phụ huynh nào ngoài chuyện kiếm cơm hằng ngày cũng đều có thời gian trò chuyện với con? lắng nghe tâm tư của con?

Cuối cùng, đứa trẻ hỏi ai? Ai sẽ là người sốt sắng tư vấn, dạy dỗ, bảo ban, chia sẻ với nó những chuyện phát sinh không thuộc về kiến thức?

Quan điểm của y, một thực trạng tồi tệ chỉ thay đổi khi phải thay đổi toàn diện cấu trúc, mô hình đã hình thành nên thực trạng đó. Tách rời một thực trạng thành vấn đề riêng lẻ để tìm biện pháp chấn chỉnh chỉ là sự ảo tưởng. Có thể dẫn chứng nhiều thí dụ khác nhau, nhằm chứng minh quann điểm trên. Mà thôi. Ở đây, chỉ nói gọn rằng, mỗi đứa trẻ cần phải được sinh hoạt trong đoàn thể. Nghe nói thế, có người cười ruồi: “Lắm chuyện, ta có Đội, có Đoàn đấy?”.

Xin thưa, Đội, Đoàn sẽ kết thúc vai trò trong nay mai nếu nó cứ mãi ù lì, chai cứng, máy móc, không chịu đổi mới mà chỉ rặt hình thức. Đoàn thể ở đây cần hướng đến, theo quan điểm của y chính là Hướng đạo, Gia đình Phật tử hoặc các tổ chức khác dành cho thanh thiếu niên mà nơi đó lấy mục tiêu cốt lõi giáo dục kỹ năng sống, nhân cách sống của đứa trẻ. Khi hạn chế, không tạo điều kiện cho các tổ chức này ra đời nhằm góp phần cùng xã hội lôi cuốn, giáo dục thanh thiêu niên thì đứa trẻ vẫn còn bơ vơ ngay trong chính mái trường, mái nhà của mình. Sự bơ vơ ấy đã dẫn đến hệ lụy gì?

Nếu không có sự thay đổi từ nhận thức của công tác quản lý, sẽ không giải quyết được các số liệu này: “Theo một nghiên cứu về bạo lực học đường ở TP.Bình Định (Quy Nhơn), khi xảy ra vụ việc, khoảng 22,6% học sinh cho biết chỉ đứng xem, 36,5% nói báo với giáo viên, 5,4% quay phim chụp hình, 7,3% hô hào, cổ vũ và đến 30,9% bỏ đi nơi khác để an toàn (TN 22.12.2014). “Kết quả khảo sát của ThS Đinh Anh Tuấn cho thấy: “ngoài giờ học 18,4% học sinh chơi game ở tiệm Internet và 24,8% chơi game ở nhà và hầu hết chơi những trò chơi bạo lực. Học sinh chơi game có tỉ lệ gây bạo lực bằng hành động cao hơn học sinh không chơi game. Những hình ảnh đẫm máu trong game dưới con mắt các em sẽ dần trở nên bình thường. Lứa tuổi các em hay bắt chước hành vi và nhiều khi không có sự phân biệt rạch ròi giữa mạng ảo và đời sống thực. 80,4% học sinh nhận định bạo lực học đường bị ảnh hưởng từ game online, phim ảnh bạo lực” (TT 25.12.2014).

Những sự việc đáng buồn này đã triệt tiêu cảm hứng ngợi ca vừa ùa vào tâm trí lúc sáng nay: Lễ hội Đền Trần (Nam Định) vừa được Bộ VHTTDL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sự kiện này đáng lưu ý đấy chứ? Tất nhiên.

Sao không thấy viết gì thêm?

Hết hứng rồi. Không ai có thể thể tách rời suy nghĩ trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment