LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.12.2014

 

dem-noel-1

noel-2R


ĐÊM LỄ NOEL

Đêm Noel sương sa

Chuông nhà thờ ngân nga

Đám con chiên ngoan đạo

Thánh thót muôn lời ca


ĐÊM NOEL

(Tặng Kim)

Đường phố nhộn nhịp xa hoa

Nhà thờ bài hát thánh ca êm đềm

Mừng Chúa, bé đứng trước thềm

Vỗ tay đón bố - chào đêm thanh bình

THIÊN BẤT HỦ

(báo Thiếu Nhi số 117 ngày 19.12.1973)

 

ĐÊM LỄ NOEL

Đêm Giáng sinh hát nhạc hồng

Bé dâng lên Chúa trong lòng hân hoan

Lời ca hòa nhịp phím loan

Tuổi thơ bé nhỏ hiền ngoan đời đời

 

NOEL

(Cho Kim)

Đêm Noel bé hát

Vang huyền thoại nhã nhạc

Trong đêm mờ sương bay

Khúc ca nào ngơ ngác…


MẸ VÀ NGÀY GIÁNG SINH

Đông về trên đỉnh trầm hú gió

Bé trở về như thoáng mây qua

Xin một lần buồng tim mở ngỏ

Môi mẹ già héo hắt nở hoa


Mẹ long đong như tình biển mặn

Hương nội thành một thuở truân chuyên

Nuôi con bú sữa tình mầu nhiệm

Ủ trong lòng chút máu hồn nhiên


Mùa đông về lại có Giáng sinh

Bé trăm năm cầu nguyện thái bình

Mẹ ngồi nhìn hoa bay trước ngõ

Mơ quê nhà trong cõi vô minh

THIÊN BẤT HỦ

(Báo Thiếu Nhi số 133 ngày 15.12.1974)

Chà, thơ của ai mà hay quá ta? Thơ của y đó. Năm đó, y mới vừa 14, 15 tuổi. Đã có thơ in báo đàng hoàng. Oách xà lách quá đi chứ? Thời đó, các báo dành cho thiếu nhi thường có những chủ đề như Giáng sinh, Phật đản, Tết, Khai trường, Trung thu… Nhờ những số báo đó, các em có thể biết được văn hóa, phong tục cổ truyền, ý nghĩa ngày lễ đó như thế nào v.v… Bây giờ nghĩ lại, một số từ ngữ đã dùng trong mấy bài thơ trên là do ảnh hưởng đã đọc thơ văn ngày đó. Chẳng hạn, thanh bình, thánh ca, ngoan đạo, thái bình, huyền thoại, nhã nhạc, phím loan… Ngay cả từ “bố” cũng thế, đơn giản y hằng ngày chỉ gọi là “ba”, hơn nữa vị trí đó phải âm "trắc" chứ không thể âm "bằng"...

Thơ mơ làm thi sĩ, thời buổi nào cũng cần những bút nhóm, thi văn đoàn cùng khích thích, động viên nhau viết. Các Tự lực văn đoàn, Xuân Thu nhã tập, Sáng tạo… cũng bắt đầu từ một nhóm anh em chơi thân với nhau mà hình thành. Bây giờ, có Hội Nhà văn nhưng vai trò của hội lại không  đem lại được ý nghĩa tích cực đó. Bàn thâu đêm suốt sáng cũng không hết chuyện. Mệt. Chỉ nhấn mạnh rằng, có một điều chắc chắn vai trò của các hội, đoàn hiện nay tự nó đã đánh mất dần ý nghĩa về tôn chỉ, mục đích đã đề ra. Thế rồi, nó vẫn cứ tồn tại. Còn tồn tại dài dài. Đôi khi sống ở đời, đến một lúc nào đó, con người ta lại bằng lòng với sự nghịch lý. Riết rồi, lại thừa nhận đó mới chính là hợp lý.

Mấy hôm nay, không xuống phố khu vực trung tâm, chẳng rõ đường phố đã giăng hoa kết đèn mừng Giáng sinh, năm mới ra sao. Đi lẫn quẫn trong các khu lao động, xóm nghèo dễ nhận ra điều này: Nơi trú ngụ của bà con có đạo, những ngày này đèn sáng trưng, hình ảnh hang đá lúc Chúa ra đời, ông già Noel được trang trí rất trang trọng trong một góc khu phố. Có nến sáng lung linh. Có tiếng hát thánh thót. Có  gương mặt thành tâm. Có nụ cười rạng rỡ. Hình ảnh đó tạo nên cảm giác bình yên. Còn các nơi khác, chẳng hạn như nơi khu nhà y đang ở, đêm nay vẫn vắng lặng, đèn đường vẫn tăm tối, âm u như mọi ngày.

Nghĩ rằng, sức sống của một tôn giáo, một chủ nghĩa chỉ tồn tại lâu dài từ thế hệ này sang thế khác nếu nó trở thành một thành tố văn hóa. Từ nhiều năm nay, ngày Giáng sinh đâu phải dành riêng cho bà con có đạo mà của mọi người, bất kể theo tôn giáo nào. Ai ai cũng có thể sinh hoạt vui chơi, chào đón, không phải vì yếu tố tôn giáo mà chính là văn hóa. Một khi đã trở thành sinh hoạt văn hóa, đi vào đời sống của con người, được mọi người chấp nhận thì chắc chắn tôn giáo đó, chủ nghĩa còn có sức lan tỏa, bám rễ lâu dài. Nếu không, chỉ sự co cụm tạm thời của một nhóm người, khó có sức sống. Cái gì không có sức lan tỏa, trước sau tự nó cũng kết thúc vai trò của nó.

Đọc bài báo nào nhỉ? Chẳng nhớ nữa, đại khái, khi khảo sát con số tử vong do tai nạn giao thông, người ta giật mình nhận thấy sau chiến tranh nhưng người chết vẫn còn nhiều. Tai nạn giao thông có liên quan gì đến bia rượu không? Đứa trẻ sắp đi vào nhà trẻ, học mẫu giáo cũng có thể trả lời được câu hỏi đó. Theo báo TN sáng nay: “Dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tiêu thụ bia với 3 tỉ lít năm 2013, thị trường bia - rượu - nước giải khát VN trở thành miếng mồi béo bở đối với các hãng bia trong và ngoài nước”. Rồi sao nữa? “Chính vì tiềm năng phát triển của thị trường bia VN, nhiều hãng bia trong và ngoài nước liên tục mở rộng thị phần. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có tới gần 400 nhà máy bia, chia trung bình mỗi tỉnh có 6 nhà máy bia. Thế nhưng, hầu hết các hãng đều có dự định mở rộng đầu tư”.

Thông tin “chia trung bình mỗi tỉnh có 6 nhà máy bia”  cảnh báo điều gì? Y không đủ trình độ, khả năng bình luận, ghi lại Nhật ký để lưu lại dấu vết của một thời đang sống.

Trong suy nghĩ đó, ghi thêm thông tin này vừa đọc lúc ăn trưa. Có một vụ ẩu đả chết người rất lạ lùng: Làng nọ lâu nay mất liên tục mất chó, do đó người dân canh phòng cẩn thận. Nửa khuya 19.12.2014 “Trong đêm, phát hiện 4 nam thanh niên đi trên hai xe gắn máy vào làng có biểu hiện của một nhóm “cẩu tặc”, hàng trăm người dân đã quây lại đánh hội đồng khiến hai người chết, hai người khác phải giả chết mới thoát khỏi cơn thịnh nộ của đám đông”. Lưu ý, dân làng quan sát chỉ mới thấy “có biểu hiện”, chứ chưa bắt được tang vật, chứng cứ gì rõ rệt cả. Vậy mà! Hỡi ôi! Có phải người Việt ngày càng nóng tính, mau nổi giận và càng ác? Chuyện kỳ quái này xẩy ra tại thôn Bằng Phú, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa),  báo Chuyện đời phát hành sáng nay có bài tường thuật lẫn hình ảnh cụ thể.

Đúng là chuyện đời!

Những ngày này vẫn tập trung “cày” bài cho báo Xuân như mọi năm. Viết mỗi ngày. Đêm nay, Giáng sinh, đọc lại bài thơ viết ngày 15.l2.1974, đoạn kết:

Mùa đông về lại có Giáng sinh

Bé trăm năm cầu nguyện thái bình

Mẹ ngồi nhìn hoa bay trước ngõ

Mơ quê nhà trong cõi vô minh

Xem ra lại ứng với hiện tại, chiều nay mẹ y vẫn ngồi trước nhà, nhìn hoa cau rụng và cũng đang “mơ quê nhà” đó thôi. Có điều, nhân vật “bé” trong bài thơ đã là gã đàn ông ngoài “ngũ thập”. Vậy mà vẫn chưa nên cơm cháo gì. Chẳng rõ, lòng y đang vui hay buồn?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment