LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.12.2014

 

untitledcaoxunasonR

 

Thời gian từng ngày đang mất đi

Chạy đua cho kịp chạy mau đi

Đời người dài quá, ngày ngắn quá

Chẳng lẽ một ngày lửng thửng đi?

Hôm kia gửi tin nhắn này cho người anh, người bạn. Cuối mỗi dòng, cố tình lặp đi lặp lại chữ “đi”. Sống, ý nghĩa cuối cùng là gì? Chỉ vỏn vẹn trong mỗi từ “đi”. Đi về phía trước. Đến cuối nẻo thời gian. Về phía mộ phần. Đi để cảm nhận rằng, thời gian đang bỏ ta đi từng ngày. Rất nhanh. Có những ngày, vừa mở mắt dậy, chưa kịp nhìn giọt cà phê tan trên môi, một ngày đã mất hút. Người xưa có câu “bỉnh dạ chúc du”. Đốt đuốc chơi đêm. Thời gian qua vội.

Đi trên thành phố phai nhầu

Bước chân xiêu vẹo nghe sầu vọng âm

(Hoài Khanh)

Sầu chi lắm thế? Cắm đầu chúi mũi mỗi ngày trên trang viết, đôi lúc chẳng có một ý nghĩa gì. Chẳng là gì. Nhưng ít ra, chẳng phải “nghe sầu vọng âm”. Sầu tan biến. Rồi trong nhịp thở có một sức sống, một hừng lực mới mẻ. Như cánh chim vút lên trời xanh đuổi theo thời gian. Có kịp không? Kịp để làm gì? Chẳng rõ. Cần gì biết rõ. Cứ lao đi mỗi ngày. Từng ngày. Hăm hở và buồn tẻ. Nhanh và chậm.

Ngày hôm qua, chính xác là buổi chiều, rúng động tâm can khi hay tin 12 công nhân trong vụ sập hầm dự án thủy điện Dạ Dâng - Đạ Chomo (Lâm Đồng) đã được cứu thoát. Hầm sập từ ngày 16.12.2014. Những ngày ấy với họ, khủng khiếp quá. Cuối cùng, họ đã sống. Chỉ nghĩ, khoảnh khắc ấy đã có những con người khóc òa lên sung sướng, thấy cuộc đời vui hơn một chút.

Hôm kia, ăn tối ở khách sạn Majestic. Hôm nọ, ăn tối ở Đo Đo. Hôm qua, ăn tối ở Novotel. Những bữa ăn bàn bạc công việc cho ngày sắp tới. Cũng chẳng có gì mới, vẫn chuyện viết của mỗi ngày. Sung sướng nhất vẫn của đời người là gì? Là được làm một công việc mình yêu thích. Niềm vui sống chính là ở đó. Đôi khi có những lúc con người ta tự hỏi, sống để làm gì? Một câu hỏi đơn giản nhưng rồi, đã dẫm hai chân trên trái đất này, từ thuở hồng hoang đến nay con người ta vẫn chưa dứt câu hỏi đó. Đã sống, ai lại không kiếm sống? “Con hãy sống bằng mồ hôi trên trán của con”. Đấng Jesus Christ dạy thế. Kính phục những con người đã sống trong tâm thế đó, chứ không phải sống nhờ “mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một lần”.

Có câu chuyện thật đến 99,99%, xẩy ra trong mùa bầu cử tại Hà Nội. Một anh bạn ở Hà Nội đã kể, ngày nọ, ông quan chức cao cấp nọ đi làm nghĩa vụ công dân ngay địa phương đang trú ngụ. Thấy ông đến tổ bầu cử, mọi người đều chỉnh tề, im phăng phắt, chỉnh chu, xum xoe chào đón. Bấy lâu nghe tiếng, chỉ thấy trên báo chí, trên sóng truyền hình nay mới được nhìn tận mặt. Bỏ phiếu xong, ông thấy cô nhân viên quèn đang đứng gần nên mới hỏi thăm vu vơ vài câu. Xong, ông quay ra dặn dò các vị cán bộ địa phương nên tạo điều kiện làm việc, sử dụng người trẻ, nhất là nữ. Rồi ông ra về. Ai nấy ngạc nhiên, chẳng rõ mối quan hệ giữa cô với vị quan chức cao cấp ấy thế nào. Ngay cả cô cũng ngạc nhiên. Và sau đó, như một phép màu. Cô thăng tiến dần dần, được địa phương cử đi học, được cơ cấu, bố trí vào cương vị mới. Bẵng đi nhiều năm sau, lúc đã là một cán bộ có vai vế, tình cờ gặp ông trong một cuộc họp quan trọng, cô đến chào và nhắc lại chuyện cũ. Chuyện gì đã xẩy ra? Ông hoàn toàn không nhớ gì, quay phắt đi và khẽ bảo thư ký riêng: “Khổ anh quá, ai cũng đến cầu cạnh, xin xỏ thế này thì điều hành công việc thế nào được?”.

Sáng nay mở email đã nhận được thông tin, tập Y sẽ in vào tháng 4.2015. Đã sắp Tết rồi. Cũng chẳng gì phải vội. Hôm nọ ngồi với nhau ở Đo Đo, có cô bạn chịu trách nhiệm đọc trước bản thảo X. Đọc xong, cô nhận xét. “Đàn ông Việt Nam yếu đuối quá anh à, hễ đối đầu với việc khó khăn, gian nan thì y như rằng cứ khóc hu hu. Chẳng hạn, truyện nọ có anh chàng thợ cày vào rừng không tìm ra cây tre trăm đốt, buồn rầu quá đỗi, chàng quăng rựa xuống đất ôm mặt khóc hu hu. Khi bụt hiện ra, ban cho phép lạ. Rồi chàng vội vàng vác lên vai đi về, khổ nổi, cây tre dài quá, vướng víu không sao đưa ra khỏi rừng được. Thế là chàng lại khóc. Còn nhiều truyện khác cũng tương tự, hễ gặp gian nan, khó khăn là đàn ông mình lại khóc. Chán thế”.

Nhận xét này, y giật mình.

Thoạt nghĩ vu vơ, nếu lấy bộ Cổ tích Việt Nam của học giả Nguyễn Đổng Chi làm chuẩn, khảo sát cả thẩy 201 truyện, thử thống kê xem có bao nhiêu lần đàn ông đã khóc? Từ đó, có thể rút ra một kết luận gì? Đây là một gợi ý tốt cho các bạn sinh viên làm luận văn về tính cách của người Việt, tìm từ truyện cổ tích mới là “độc”, vì chưa ai làm. Rồi lúc đó, một anh bạn trẻ chia sẻ: “Làm việc với nhân viên nước ngoài dễ chịu hơn người của mình. Tại sao? Khi công ty đưa một vấn đề ra bàn bạc, thảo luận hoặc phải giải quyết ra sao, các bạn trẻ người Việt thường than vãn, nại ra nhiều lý do khó khăn này nọ. Những than vãn ấy khiến công việc cứ như đi vào ngõ cụt đến nơi,rằng do “điều kiện khách quan” chứ không phải họ hèn kém gì. Trong khi đó, các bạn trẻ nước ngoài thường có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn, họ dám mổ xẻ vấn đề đâu ra đó. Rõ ràng, sự mạnh mẽ trong tính cách đã khiến công có thể giải quyết tốt hơn”.

Đôi khi, có những cuộc tán gẫu cũng gợi mở nhiều suy nghĩ lý thú.

Hôm kia, đọc báo TT chú ý với thông tin này: “Năm 2014, từ điển Merriam - Webster của Mỹ thống kê thấy từ “culture” (văn hóa) được tìm kiếm nhiều nhất. Các nhà biên soạn từ điển nhận thấy từ “culture” thường được tìm kiếm trong các cụm từ kiểu như “celebrity culture” (văn hóa người nổi tiếng), “company culture” (văn hóa công ty), “pop culture” (văn hóa nhạc pop), “cultures of silence” (văn hóa im lặng)... Theo The Week, ông Peter Sokolowski, tổng biên tập từ điển Merriam-  Webster nhận định: “Văn hóa là một từ mà dường như chúng ta ngày càng lệ thuộc nhiều hơn. Nó cho phép ta định nghĩa và khu biệt một ý tưởng, một vấn đề hay một nhóm người nào đó theo cách nghiêm túc và cũng hiệu quả hơn. Thay vì phải nói “những thói quen, quan điểm và cách hành xử điển hình của một nhóm”, chúng ta gọi đó là “văn hóa” của một nhóm người” (TT 18.12.2014).

Đôi khi, có những bài báo ngắn cũng gợi mở nhiều suy nghĩ lý thú.

Hôm qua, ngồi với bạn thơ C.X.S ở một nhà hàng sang trọng, góc Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng. Ngoài trời mưa. Uống rượu đỏ và hai anh em bàn những chuyện về thơ. Đọc cho nhau nghe những bài thơ hay. Ngoài trời cứ mưa. Mặc kệ mưa. Trên đường về, nhớ lại câu thơ của Ôma Khayyam mà bạn đã đọc:

Nếu bên cạnh là một cô má đỏ

Nằm rót rượu cho tôi trên thảm cỏ,

Thì tôi chỉ là ngu, đáng khinh bỉ, chê cười

Nếu còn mơ một thiên đường nào đó.

(Thái Bá Tân dịch).

“Lúc ấy, còn hỏi thiên đường ở đâu, quả là thằng ngốc”. Ngốc quá đi chứ Q? Cả hai cụng ly. Sóng sánh giọt đỏ. Chẳng rõ bạn y nghĩ gì? Còn y nghĩ đến một người. Thích những cuộc đối ẩm chỉ một, hai người. Mới có thể chia sẻ tâm tình ra ngô ra khoai. Bằng không chỉ là những cuộc vui hẫu lốn, hầm bà làng, mất thời gian vô ích.

Đôi khi, cuộc trò chuyện hai người cũng gợi mở nhiều suy nghĩ lý thú.

Sáng nọ, giữa tuần qua, phở với N.K.L. Cùng bàn về từ “dọn lòng”. Tục ngữ có câu: “Dọn mặt đi ăn cổ”. Hiểu thế nào? Đây là phép ứng xử cần thiết cho lúc xuất hiện ở một không gian khác, dù trong lòng đang diễn biến thế nào, đang thể hiện ra sao trên mặt thì trước hết cũng thay đổi cái mặt bề ngoài. Lúc ấy, tâm trạng có gì đi nữa thì cái mặt mình phải giống mặt mọi người. Có như thế mới phù hợp với đám đông ở nơi chốn đặt chân đến. Phép ứng biến này, có thể nhìn thấy qua câu dặn dò: “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Còn “dọn lòng”? Dù trong lòng ngỗn ngang những tị hiềm, ganh ghét, không bằng lòng, đang mâu thuẫn rối bời nhưng rồi cũng gạt bỏ hết để đến với nhau. Những người theo đạo Thiên Chúa có từ “dọn mình”, chẳng hạn, “dọn mình xứng đáng rước Chúa; dọn mình xưng tội, dọn mình về nước trời”… Nhận xét, “dọn” có nghĩa thu xếp cho gọn ghẽ sạch sẽ. “Dọn mặt”: láu cá; “dọn lòng”: chân thành; “dọn mình”: thành khẩn.

Đôi khi, có những bữa ăn sáng cũng gợi mở nhiều suy nghĩ lý thú.

Thời gian từng ngày đang mất đi

Chạy đua cho kịp chạy mau đi

Đời người dài quá, ngày ngắn quá

Chẳng lẽ một ngày lửng thửng đi?

Sống, ý nghĩa cuối cùng là gì? Chỉ vỏn vẹn trong mỗi từ “đi”. Đêm qua, C.X.S bảo, đến một lúc nào đó, độ tuổi nào đó cần suy nghĩ về chữ “độ” theo cái nghĩa “chừng mực”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment