LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.7.2013

 

Chiều hôm qua mưa. Sài Gòn có mưa, cảm giác đất trời vui tươi hơn. Trong mưa có nắng. Từng vệt nắng sờ sẫm ngoài bờ tường đá. Và mưa. Đôi lúc nắng buồn hơn mưa. Mưa vui hơn. Vui là ngắm mưa giăng nả nớt nũng nà nũng nịu phía bờ sông Sài Gòn. Một chai rượu đỏ. Một tà váy mỏng phất phơ. Một mùi hương ngọt. Ngọt như sóng biển. Ngọt của mưa đêm Bãi Tràm nằm lắng nghe sóng biển vỗ miên man vào ghềnh đá. Cũng đủ lãng quên đời. Trưa qua, họp mãi đến gần một giờ trưa. Ngồi ngẫm nghĩ lan man.

 

photoaqnh_nayjpg

Tử phải: Lê Minh Quốc, em và các cháu - thứ bảy Sài Gòn (6.7.2013)

Nghĩ lại lúc lần đầu tiên gặp nhà văn Tô Hoài là lúc ra Hà Nội dự Hội nghị công tác nhà văn trẻ lần IV, từ 26 đến 17.4.1994. Lúc đó, nhà văn Tô Hoài lên diễn đàn hào hứng kể lại quá trình sáng tác trên 50 năm cầm bút, ghê thật, ông cho biết tác phẩm của ông mà ông yêu thích nhất vẫn là Dế mèn phiêu lưu ký, viết năm 17 tuổi. Sau này khi Phương Nam mua bản quyền của Tô Hoài, lại gặp ông lần nữa, lúc tổ chức ở Hội Nhà báo TP.HCM. Ấn tượng khó phai trong trí nhớ vẫn là bà Tô Hoài. Bà mặc áo dài nền nã, đôn hậu, đẹp lão, ngồi cạnh chồng, chỉ mỉm cười. Có lần, bà kể vài chi tiết với nhà báo nọ, chẳng hạn, bà là người đã chép bản thảo giúp cho chồng: “Tôi có chép lại cho ông nhà tôi ít trang giấy mà đã thấy ê cả tay. Sau đó nhà tôi đọc lại từng trang, lại chữa tiếp, chữa đi chữa lại, kỹ hơn cả nhặt thóc, sạn ở gạo ấy chứ. Có chép hộ truyện ngắn cho ông, tôi mới hiểu viết văn thật cực nhọc, nên tôi chú ý tới việc ăn uống lắm. Cốt sao ông nhà tôi ăn ngon miệng, có sức để viết. Ông thích ăn cá rán. Rau muống phải luộc xanh, có tương Bần, rau kinh giới, ớt đỏ, bầy biện phải đẹp, phải đúng cách”. Đúng quá, nhà văn không chọn chữ thì chọn cái gì?

Trước đây, làng văn Sài Gòn có xuất hiện nhà văn nữ có tên ngộ nghĩnh: Nguyễn Thị Ấm. Cô Ấm được báo chí lăng - xê nhiều, nhất là chị Thế Thanh nhà mình. Sau đó, lặn mất tiêu. Chẳng còn tăm tích. Lạ thật. Chẳng rõ, vì sao? Hay biết rõ mà y chẳng kể? Đọc bài báo đã lâu của Ấm có viết về chuyện vợ chồng nhà văn Tô Hoài lúc “cơm không lành canh không ngọt”. Lần nọ, đang lúc cãi nhau với vợ, tác giả O chuột nổi cáu:

- Thôi! Tôi không ở nhà nữa! Tôi vào ở luôn trong cơ quan cho khỏe!

Nói xong, tưởng vợ sẽ năn nỉ, nhưng bà vẫn im lặng. Thế là “quân tử nhất ngôn”, nhà văn khăn gói lên đường! Ông vào tòa soạn báo Người Hà Nội, lúc này ông đang là Tổng biên tập, giăng màn nằm ngủ. Nhưng nào có ngủ được đâu! Cả đêm ngồi dậy hết uống trà đến đọc sách, ông đâm ra... nhớ nhà! Chẳng lẽ quay về thì cũng “hơi bị” quê nên bấm bụng mà chịu đựng vậy. Trong lúc này, bỗng ông có... cảm hứng làm thơ. Thơ rằng:

Già rồi

Già rồi

Không ngủ được

Già rồi

Không ăn được

Già rồi! Không có tình nhân?

Già rồi! Vợ bỏ, cuộc đời buồn tênh!

Viết xong, ông ông bỏ vào phong bì và... đi bộ về nhà để bỏ vào thùng thư nhà mình! Sáng ra, vợ nhận được bài thơ cảm động quá, vội vàng đến cơ quan tìm ông! Bà bảo:

- Già rồi! Già rồi! Không ngủ được thì về nhà!

Nghe vậy, dù cũng khoái, nhưng ông vẫn làm “cứng”:

- Về thì về!

Vợ bảo:

- Về ngay! Không lôi thôi gì cả!

Nói xong, bà tóm hết áo quần và lôi ông ra khỏi cửa! Vừa ngồi lên xe xích lô, đang khoái chí được về nhà thì bỗng nghe vợ quát bằng câu thơ của ông:

- “Già rồi không có tình nhân?” Cuối câu lại có dấu hỏi to tướng nữa chứ! Thơ hay nhỉ!

Biết vợ đang giận vì câu thơ này, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký xụi lơ:

- Thì lâu nay có bao giờ tôi có tình nhân đâu!

Vợ vẫn chưa tha:

- Thế bây giờ thì sao? Thì muốn có tình nhân chứ gì?

Ông ú ớ chưa trả lời, bà “phán” luôn:

- Từ nay chỉ được ngủ ở nhà thôi nhá!

Ông cười khì khì, bởi được ngủ ở nhà, êm ấm với vợ con bao giờ cũng là hạnh phúc của các đấng mày râu! Bài báo này viết thế, chỉ còn nhớ đến thế. Tô Hoài viết nhiều, viết kỹ. Lê Văn Trương viết nhiều, viết có lúc cẩu thả. Đã gặp chị Giáng Vân - con gái nhà văn Lê Văn Trương đôi lần, lúc mà NXB Trẻ lần đầu tiên tái bản sách của ông, tổ chức ở Cung Lao động. Con gái bao giờ cũng yêu cha hơn chăng? Bà Tôn Nữ Hỷ Khương, con gái nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị; con gái nhà văn Nam Cao, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam… cũng vậy. Gặp họ, trong lúc chuyện, y thấy tình yêu của họ dành cho cha mãnh liệt, vô bờ bến. Vừa rồi, con gái nhà văn Ngô Tất Tố mắng té tát (trên mặt báo) con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chỉ viết sai vài chi tiết về bố mình. À, cũng có những con rể thật đáng yêu. Trường hợp anh Sơn - con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng; ông Cao Đắc Điềm - con rể Ngô Tất Tất, họ đã dành hết công sức sưu tập, in ấn tác phẩm của bố vợ. Người ngoài khó có thể làm tốt hơn. Những trường hợp này chắc chắn còn nhiều. Rất nhiều. Giềng mối gia đình, gia tộc nào cũng hay. Lại nghĩ, nếu có ai đó, dành thời gian ghi chép lại thông tin trên các bia mộ của nhà văn, ắt thú vị. Đã lên mộ của nhà văn Hồ Biều Chánh, tại nhà riêng của ông ở Gò Vấp, quên béng ghi lại chỉ còn nhớ loáng thoáng. Chẳng rõ có phải trên bia ghi câu đối của nhà thơ Đông Hồ khóc Hồ Biểu Chánh không?

“Cay đắng mùi đời”, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, “vì nghĩa, vì tình” “tỉnh mộng” ấy “ai làm được”;

“Cang thường gánh nặng”, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, “thiệt giả, giả thiệt”, “dứt tình” còn “ở theo thời”.

Trên bia Vũ Trọng Phụng có dòng chữ "Vua phóng sự đất Bắc"? Trên bia Nam Cao là một đoạn văn trích truyện ngắn Đôi mắt? Đừng tin vào trí nhớ. Có những chuyện mới xẩy ra, còn sơ sờ ra đó nhưng lúc nhớ lại, khó có thể hình dung ra đầy đủ chi tiết, nếu lúc ấy không chịu khó ghi lại. Vừa rồi đọc bài báo nghẹn lòng, đại khái, chỉ vì miếng đất nhỏ như chó ị mà gã con trai kiện và quyết tâm tống mẹ già 81 tuổi phải vào tù! Những thông tin quái đản, man rợ ấy nhan nhản trên mặt báo, vậy bảo mỗi ngày phải đọc báo là tại làm sao?

Tối qua, dẫn vợ chồng đứa em ở Úc về thăm nhà đi ăn quán Hàn Quốc. Muốn điện thoại rủ một người. Đối ẩm chơi trong không khí gia đình. Lại thôi. Anh em ruột ngồi bên nhau. Cũng không trò chuyện gì nhiều. Mỗi người một đời sống riêng. Mối quan tâm cũng khác. Ít gặp nhau, chẳng hiểu gì nhiều về nhau. Chỉ còn mẹ. Còn mẹ, còn quay về. Sự quay về có ý nghĩa lớn. Mẹ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Vậy đã là vui.

Mẹ ta nhớ nhiều cổ tích với ca dao

Dù chữ cắn đôi mẹ không biết đọc

Dù không biết chữ, biết đọc nhưng mẹ tính rợ (tính nhẩm) cực kỳ nhanh. Nhanh đến độ các máy điện toán IBM phải gọi bằng bà ngoại. Ngày trước, lương của y, mẹ y vẫn là tay hòm chìa khóa. Nay đã trả qua thẻ ATM nên thôi. Ngoài 90 tuổi nhưng trí nhớ vẫn tốt. Không cần đeo kính cận, vẫn còn đơm nút áo, may vá... Tính tiền đi chợ không thiếu một xu. Chính xác một trăm phần trăm. Khách khứa, bạn bè đến nhà chơi là luôn thay bộ quần áo mới tươm tất, sạch sẽ, dù chỉ ở sau bếp không bước chân ra phòng ngoài. Bất kỳ cái gì của y cũng không thể lọt khỏi tay. Những trang viết tháu, viết nháp đã xé bỏ, ném xuống đất, mỗi lần dọn phòng làm việc, mẹ y vẫn thu nhặt từng tờ, cẩn thận vuốt thẳng nếp, xếp ngăn nắp rồi đặt riêng một nơi. Em y về thăm mẹ. Sau này, mẹ mất, cuộc trở về hẳn sẽ không thiêng liêng như bây giờ. "Về Sài Gòn thấy nhịp sống vội vã và trẻ trung. Ở bên kia, một tuần trôi qua y hệt nhau. Không có gì thay đổi. Chỉ sực nhớ đến thời gian, khi cuối tuần được nghỉ ở nhà". Em y nói. Đời sống ấy hầu như không biến động. Êm ả. Bình yên. Lặng lẽ. Những ly rượu nâng lên. Ngà ngà say. Câu chuyện đứt quãng. Thời trẻ, y cũng có bạn cùng chung chiến hào, sống chết có nhau, ngang tầm đạn mong manh sinh tử, vậy mà mươi năm gặp lại chẳng biết nói chuyện gì. Mỗi người một đời sống khác. Vòng đời cứ thế xoay mãi. Rốt cuộc trên hành trình đi về phía thời gian, con người lọt lòng sinh ra đơn độc, cuối cùng chỉ là một sự đơn độc, chẳng ai có thể hiểu được điều thầm kín sâu thẳm nhất của tâm linh:

Hai chân đã giẫm trên trái đất

Sao vẫn chông chênh một lối về?

Cát bụi ngày sau, ai thắp nến

Dẫn cái linh hồn ghé thăm quê?

Y tự hỏi y. Sáng nay, một ngày thứ bảy đã đến. Nắng vẫn tốt tươi.

Không có câu trả lời.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment