Chiều hôm qua sinh nhật tập thể ở cơ quan. Dành cho những ai sinh tháng từ 7 đến 9. Có đến 30 người. Trong số đó có y. Vậy là sinh nhật sớm. Tan họp đã bảy gIờ tối. Trời mưa tầm tả. Đi tìm một cái gì đó lót dạ. Cũng khó. Quán phở quen thuộc đã đóng cửa. Về nhà, ngủ sớm. Cho nó khỏe.
Về nhà, xem lại quyển Từ điển Y học Dorland Anh -Việt - nguyên tác Orland’s Illustrated Medical Dictionary - (NXB Y Học) vừa được tặng. Cân thử,nặng 2,7 ký trong đó có hơn 118 nghìn mục từ, minh định hơn 122 nghìn thuật ngữ, sử dụng hơn 1.100 minh họa màu được chọn lọc cẩn thận để bổ sung và làm sáng tỏ các định nghĩa. Sẽ dành tặng lại cho Lương Thạch Vũ. Bác sĩ ở huyện Quế Sơn (QN). Vũ sử dụng hợp lý hơn. Có ích hơn. Không rõ từ bao giờ, hễ khám cho bệnh nhân, nếu người nhà đưa quà cáp mà không nhận, lập tức, họ không tin bác sĩ ấy hết lòng chữa chạy cho người thân. Từ ĐN, Vũ lên một huyện miền núi và trụ lại đây. Con nhà khá giả, có học thức, yêu nghề, làm sao có thể trơ mặt vòi vĩnh các bệnh nhân nghèo?
Vùng quê QN còn nghèo lắm. Có những nơi đến, cứ tưởng như đã đến từ ba mươi năm trước. Ba mươi năm sau quay trở lại vẫn cũ kỹ, mốc meo, tiều tụy. Đời sống mòn dần. Sống mòn. Chẳng đâu xa, chỉ là Hòa Tiến, cách ĐN chừng mươi cây số, đến thăm Lâm - chiến sĩ lừng danh DKZ của chiến trường Tây Nam. Đi bộ đội về, Lâm mới lập gia đình. Chỉ mới ngoài bốn mươi. Trông lụ khụ. Mệt mỏi. Già mà chưa rụng răng. Đang nhậu, ngà ngà say, lơ mơ ngất ngây như con gà Tây, hắn hét tướng vào mặt vợ rất hắc xì xằng: “Ngày mai mẹ mi dẫn con đi học, đón con về”. Vợ ngủng ngẳng: “Cha mi núa chi mà lọa rứa?”. Hắn ngậm tăm. Con hắn nhảy ngang vô họng bằng cái giọng nả nớt trẻ con: “Mẹ ơi, cha sợ bạn con chọc đó”. “Chọc cái chi”. “Bạn con lần mô cũng hủa, ủa cha mi đâu mà ngày mô ông nội mi cũng dẫn mi đi học?”. Bạn bộ đội cùng thời với y đó. Đã già khụm. Hỏi ra, ở nông thôn có thú vui gì ngoài rượu? Rượu bao la bát ngát chảy dài từ làng trên đén xóm dưới không thiếu một giọt. Lấy làm thú tiêu khiển mỗi ngày. Nếu không, lấy cái gì giết thời gian lúc bóng chiều sụp xuống ở vùng nông thôn này? Vùng đất nghèo. Ngang dọc kênh thủy lợi luôn khô khốc nước. Chẳng thay đổi gì. Cứ như câu thơ của Trần Ngọc Thụ:
Ông lão dong trâu đi bừa
Là con ông lão ngày xưa đi cày
Nhói lòng. Chừng mươi năm trước, lần đầu tiên đi nước ngoài, trở về, cảm nhận đầu tiên của y rằng, cần thay đổi quan niệm của Quốc văn giáo khoa thư: “Chốn quê hương là nơi đẹp hơn cả”. Đẹp mà nghèo. Cũng buồn. Đẹp mà giàu. Vẫn hay hơn. Tốt hơn. Tết năm kia lên Quế Sơn, quê quán của nhà thơ Tường Linh, vào bệnh viện lớn nhất của huyện vẫn còn thấy bò đi lững thững trong sân. Rủ Vũ phóng xe lên đèo Le. Uống rượu bên dòng suối giữa chiều xuân thơ mộng. Hoang vắng. Xạc xào lau trắng. Tình cảm con người dành cho quê nhà, đôi lúc chỉ đơn giản vậy. Không gì phải hô khẩu hiệu rền rĩ. Quay về, viết được bài thơ “Ngẫu hứng đèo Le”, tặng Vũ:
Quế Sơn có đèo Le
Cứ đè mà leo tới
Ngật ngưỡng dốc thác khe
Ta nằm chơi với suối
Xin dùng dằng dan díu
Dập dìu trúc trắc tre
Đốn cây dựng nhà trọ
Dằng dặc bóng mây che
Ngày dung dăng dung dẻ
Phành phạch nổ máy xe
Trưa chim kêu vượn hú
Vểnh tai trũng trĩnh nghe
Đêm đến nằm đườn đưỡn
Ngắm đom đóm lập lòe
Đi lắc lơ lắc lưởng
Dạo chơi khắp đèo Le
Cao hứng thì ngâm thơ
Trờn trợt trèo tung tóe
Thơ đổ xuống cõi mơ
Suối tuôn trăng vàng chóe
Loáng quáng say vấp té
Lăn lóc xuống luân hồi
Những nhọc nhằn ham hố
Nghềnh nghệch nước cuốn trôi
Rất tiếc tuổi bốn mươi
Đèo Le chừ mới tới
Thì cứ đè mà leo
Chân run cùng gối mỏi
Đột nhiên ta thấy ta
Ngàn năm nằm dưới suối
Bây giờ mới tìm ra
Giữa một ngày xuân mới
(Quảng Nam 27.1.2001)
Ủa, đã hơn mười năm rồi ư. Thời gian trôi nhanh như bóng ngựa lướt qua cửa sổ. Cổ nhân nói chẳng sai chút tẹo nào. “Nhớ lại đi, thời gian là canh bạc tham lam. Thắng mọi ván mà chẳng thèm giao hảo” (Baudelaire). Ngày ấy, tiền khám bệnh chỉ vài ngàn đồng, không đủ mua một cuốn tạp chí thời thượng, nhảm nhí, dày cộm chỉ phát hành tại Sài Gòn. Vợ Vũ phải mở lớp gõ đầu trẻ tại nhà. Cả hai thu nhập lương thiện. Làm tròn nhiệm vụ của trí thức trẻ, lúc rảnh rỗi Vũ chỉ rượu gạo ngâm chuối hột lai rai đỡ buồn. Quyển Từ điển Y học Dorland sẽ tặng Vũ. Có ích hơn. Y biết quái gì về y học mà đọc? Đã lẩy Kiều ở trang đầu tiên:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời
Cứu một người được một đời
Hãy nhìn mây trắng trên trời vô vi
Quái lạ, có những người nhiều sách, sách quý, quý sách đến độ không cho ai được sờ tới, dẫu chỉ phủ bụi. Giữ sách như thế để làm gì? Vẫn quý, rất quý ông nội của cố TBT Trường Chinh, ông nội của nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam là Cao Xuân Hạo, ông nội của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi… Quý bởi các bậc hiền nhân này, có tiền là thuê khắc ván in sách, in nhiều để lưu trữ, rồi lập thư viện gia đình mà bà con trong vùng được đến đọc sách miễn phí. Cảm động và ngưỡng mộ.
Còn y thì sao?
Y là chúa trộm sách. Có điều, y trộm để đọc chứ không bán. Thời anh L.H còn làm giám đốc NXB Trẻ, có lần anh bảo: “Q à, anh em than phiền là Q hay lấy sách của họ quá”. Bèn hỏi: “Vậy anh trả lời sao”. Anh L.H cười độ lượng: “Tôi bảo, có sách thì phải giữ thôi”. Mà thật ra, y có lấy thì cũng chẳng sao. Thời đó, NXB Trẻ đang trên đỉnh cao, sách in ra hàng chục ngàn bản và toàn bộ biên tập viên, nhân viên đều có phần sách mới. Có người không đọc, họ đề lung tung đầy bàn, lổn ngổn dưới chân bàn. Thế là y “chôm”. Mà ngày đó báo PN còn đối diện với Trẻ. Y ở đó nhiều hơn ở cơ quan. Ở đó, nên mới có lần chứng kiến nhà thơ Bùi Giáng làm thơ “tán tỉnh” chị Hai Định bảo vệ của Trẻ. Thơ rằng:
Muôn lời thâm tạ chị Hai
Người còn thì của lai rai vẫn còn
Chị Định đã nghỉ hưu hơn mươi năm nay. Bùi tiên sinh đã về Vĩnh Nghiêm với hàng ngàn người đưa tiễn và lời tiễn đưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ghi trong sổ tang:
Bùi Giang Bàng Dúi Bùi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hóa ra thi thể là ngàn hư vô
Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô tận ứ ừ viễn vông
Cái gì là không viễn vông dưới gầm trời này? Đi làm về, trưa nào cũng tạt ngang các tiệm sách cũ đường T.H.L. Trưa kia, chồng chị L bảo, ông T có rao bán bộ sưu tập Truyện Kiều giá 80 triệu. Y không nói gì. Có lần, ông T có nhã ý nhượng lại bộ Phong Hóa, y không mua chỉ vì không đủ tiền. Nghe đâu bộ này đã sang Pháp. Cũng tiếc cho người nghiên cứu ở trong nước. Do đó, khi Viện Văn học từ Hà Nội có chủ trương mua lại các bộ tạp chí xuất bản tại miền Nam trước 1975, qua mai mối của L.K.T, y là người dẫn họ đi lùng mua những bộ tạp chí này. Có như thế, thế hệ sau mới có thể tiếp cận nhiều nguồn tư liệu. Bộ tạp chí có giá cao nhất vẫn là Bách Khoa. Thời năm 2.000 giá bán đã là 20 triệu.
Lại nhớ lúc Thư viện Khoa học Xã hội ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, GS Mạc Đường còn đương chức, y đã gặp nhà văn Thế Uyên tại đây. Bấy giờ, ông Uyên cho biết là đang tìm mua bất kỳ các loại sách bào nào in trước năm 1930. Lần đầu tiên, y thấy chiếc máy photpo nhỏ xíu, copy lại từng trang sách mà không thể mua được. Không rõ các tài liệu này, khi đem sang Mỹ, nhà văn Thế Uyên đã thực hiện được những công trình nghiên cứu gì cho văn hóa Việt Nam chưa?
Ô hay, có những người cả đời sưu tập sách quý, cuối đời lại bán đi. Hóa ra họ chẳng có duyên giữ lại kỳ thư? Vừa rồi, một vị linh mục ở Sài Gòn đã tặng các sưu tập về Kiều cho Khu Lưu niệm Thi hào Nguyễn Du. Chẳng biết nói gì, bởi đã từ lâu, y hoàn toàn không tin cậy sự bảo quản của các đơn vị quốc doanh. Kho sách cụ Vương Hồng Sển đã nhập vào thư viện A, kho sách cụ Bằng Giang đã hiến thư viện B… Chẳng rõ có phát huy được tác dụng hay không. Nếu được, các chủ nhân “ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Cầu mong thế.
Sáng nay, 3g30 đã dậy. Không ngủ nữa. Sực nhớ, sáng hôm nọ chở đồng nghiệp T.H.N đi lấy sách biếu, từ phía sau lưng, Nhân nói: “Những ba tháng đó nghen anh. Cố lên anh”. Cứ như lời động viên dành cho người đang ngược dốc. Thì cũng tương tự vậy. Khi online với nàng, kể chuyện này và lập tức nhận lại được đúng ba chữ và cái mặt cười:
“Nhân cà chớn”.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|