LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.6.2013

 

Đời sống này con người ngày càng khó tính chăng? Hiểu nhầm nhau cũng là cái khổ. Không thông cảm được cho nhau cũng là cái khổ. Thế thì, ba ngàn thế giới này nhìn vào đâu cũng thấy khổ. Khổ nhất là con người ta tự làm khổ nhau. Dằn vặt nhau. Đay nghiến nhau. Dù vẫn thương nhau. Cái khổ này mới ghê gớm. Còn hơn cả thủy, họa, đạo, tặc. Biết làm sao bây giờ? Suy nghĩ này chỉ có được khi con người ta “ngũ thập tri thiên mệnh”. Chứ trước đó còn ham hố lắm. Còn sân si. Không có điểm dừng.

Ra khỏi nhà, dễ gặp chuyện bực mình. Nghe một tiếng chưởi thề vu vơ đã bực mình. Từ giây phút ấy, thời gian còn lại trong ngày mất vui. Phải nghĩ ngợi. Mất thời gian. Vô ích. Đã từ lâu, đã bỏ thói quen phải đọc báo mỗi ngày. Đã đọc, phải suy nghĩ. Có những thông tin khiến đau lòng như xát muối. Đau quá, mà mình có can thiệp được đâu. Có giải quyết được đâu. Chẳng  làm được gì. Cái gì khiến đau cả ngày nặng trĩu suy tư? Chẳng hạn, thầy giáo gạ gẫm  "đổi tình lấy điểm" là đau. Đau cho cái sự suy đồi, đốn mạt tận đáy địa ngục đưa con người xuống hàng súc vật.

Chi bằng “mũ ni che tai” làm việc mình thích. Miễn là việc ấy có lợi cho cơ quan mình đang nhận lương mỗi ngày. Miễn là có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Đời sống mỗi ngày tốt hơn. Tươi đẹp hơn. Đàng hoàng hơn. Trong khả năng, y chỉ có thể viết. Y viết để kiếm nhuận bút. Mà không xấu hổ. Và ký cái tên thật cha sinh mẹ đẻ đã đặt từ thuở lọt lòng. Chứ không vì kiếm cơm. Chứ không vì bôi nhọ người này, người kia theo chỉ đạo ai đó mà viết rồi núp dưới cái khác.

Đồng tiền lương thiện nào cũng nhầu nát mồ hôi.

Ủa? Tự nhiên mấy ngày hôm nay lại trở thành chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình. Có những bạn trẻ, lúc gặp gỡ, khi điện thoại hỏi thế này thế kia, đại khái:  “Anh ơi! Phải làm sao?”.

Câu trả lời luôn như thế này:

Thời còn trẻ đến biển, con người ta lập tức lao ngay vào đầu ngọn sóng, dẫu chẳng biết bơi. Chỉ vì thích. Chết chìm thì thôi. Bằng không người đó biết bơi. Cứ nhẹ nhàng như không. Rồi đâu cũng vào đó.

Lúc “tứ thập nhi bất hoặc” đến biển, con người ta dẫu biết bơi cũng chẳng dám lao xuống. Y ngồi ngẫm nghĩ. Y nằm trầm ngâm. Y đứng cân nhắc.  Rằng, bơi vào lúc này có lợi hay hại cho sức khỏe? Rằng, bơi vào lúc này có ai xì xào, đàm tiếu gì không? Rằng, bơi vào lúc này nước biển có sạch không? v.v… và v.v…. Cứ trằn trọc như một triết gia, thoáng chốc đã đến tuổi chống gậy!

Hôn nhân cũng thế. Quyết cưới thì cưới. Đừng chần chừ vì các lý do như có nhà riêng hãy cưới; có thu nhập ổn định hãy cưới v.v… và v.v… Chẳng mấy chốc khọm lưng, hơi cong một chút đã sụp bánh chè!

Ông Nguyễn Hiến Lê bảo, không cần giàu, chỉ cần đủ sống và được sống trong xã hội yên ổn để thực hiện công việc của đời mình. Còn y, y nghĩ rằng khi cưới vợ (hoặc chồng) nên tìm gia đình nào khấm khá một chút. Bởi hạnh phúc mà có tiền còn hơn hạnh phúc mà phải cày bở hơi tai kiếm tiền. Không hạnh phúc mà có tiền vẫn hơn hạnh phúc mà không có tiền. Không có tiền thì cằn nhằn, cẳng nhẳng, gấu ó nhau rồi cũng mất hạnh phúc...

Với người đàn ông, chỉ đến lúc không phải cắm mặt bòn từng xu thì người đó mới có thể thực hiện khát vọng lớn lao của đời mình. Còn những người chỉ chăm bẳm kiếm tiền nuôi vợ con, sống cho hết một đời, y không bàn đến. Mà nói thẳng ra, những con người đó có gì sai. Có gì phải phê phán họ? Không nên. Mỗi người là một lựa chọn. Có những con người chỉ Tồn tại chứ không hẳn là Sống. Tùy họ. Ta không phải cá làm sao biết cá vui hay buồn?

Cả ngày hôm nay, sau khi viết cho báo này báo nọ đặng kiếm cơm, dành thời gian đọc lại Diễn văn nhận giải Nobel văn học của văn hào Faulkner tại Stockholm ngày 10.12.1950, qua bản dịch của bạn y, nhà văn - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu.

 

faulkner_in_parisRR

Văn hào Faulkner: Photo by W.C. Odiorne

 

Thích những đoạn này: “Tôi cảm thấy rằng giải thưởng này không phải trao cho tôi như một con người mà trao cho tác phẩm của tôi -  tác phẩm của một đời tạo ra trong đoạn trường và mồ hôi của tinh thần con người, chẳng phải vì danh vọng, chẳng phải vì lợi nhuận, mà chỉ dùng những chất liệu của tinh thần con người sáng tạo ra một cái gì chưa từng thấy trước đây”.

Thích những đoạn này: “Bi kịch của chúng ta hôm nay là cùng chung một nỗi lo sợ cụ thể, phổ biến, kéo dài lâu rồi mà giờ đây chúng ta vẫn còn mang chịu. Không còn những vấn đề tinh thần nữa. Chỉ còn nghi vấn này: Khi nào chúng ta sẽ nổ tan tác đây? Do đó mà các bạn trẻ nam nữ cầm bút hôm nay đã lãng quên những vấn đề của tâm hồn con người đang giao chiến với chính mình, chỉ duy có điều ấy mới làm ra tác phẩm hay, bởi vì chỉ điều ấy mới đáng viết, xứng đáng với lao khổ và mồ hôi.

Phải học lại, phải tự nhủ rằng điều tệ hại nhất trong tất cả mọi người chính là sợ hãi; và tự nhủ rằng, hãy vĩnh viễn quên đi niềm lo sợ, trong phòng viết chớ có dành chỗ cho điều gì khác ngoài những chân lý và niềm tin muôn đời của tâm hồn, những sự thật phổ quát nghìn xưa mà thiếu chúng thì mọi câu chuyện đều phù phiếm và tiêu ma.

Đó chính là tình yêu và danh dự, trắc ẩn và tự hào, đồng cảm và hy sinh. Không như thế thì ta chỉ làm việc trong sự nguyền rủa mà thôi. Và chỉ còn viết về tình dục chứ không phải tình yêu, về những chiến bại mà chẳng ai mất mát chút ít giá trị nào, về những chiến công không có niềm hy vọng, càng không có trắc ẩn tình thương, những băn khoăn không gây nổi ngấn tích nào trên nhân loại, không để lại một vết sẹo nhỏ. Không còn viết về trái tim nữa mà về những hạch tuyến chẳng ra chi”.

Thích những đoạn này: “Rất dễ nói rằng con người bất tử chỉ vì giỏi chịu đựng, rằng khi tiếng chuông tận thế đã ngân tàn từ mỏm đá cuối cùng vô nghĩa, giữa hoàng hôn đỏ úa cuối cùng không có thủy triều lên, rằng ngay cả khi ấy vẫn còn âm thanh là tiếng nói yếu ớt không tắt của con người. Tôi quyết không chấp nhận điều ấy. Tôi tin rằng con người không chỉ chịu đựng: mà hơn nữa, sẽ vượt qua. Con người bất tử, không vì giữa muôn loài, nó có tiếng nói không bao giờ tắt, mà chính vì nó có một tâm hồn, một tinh thần biết đồng cảm, hy sinh và chịu đựng. Bổn phận của nhà thơ, nhà văn là viết về những điều đó. Có sứ mệnh giúp con người chịu đựng bằng cách nâng dậy tâm hồn con người, gợi nhớ lòng can trường và danh dự, hy sinh và tự hào, đồng cảm và trắc ẩn, cùng với sự hy sinh đã làm nên vinh quang trong quá khứ của con người. Tiếng nói của thi nhân không chỉ là tấm bia ghi công con người, mà còn là cột trụ giúp con người chịu đựng và vượt qua”.

Quá tuyệt vời. Chưa cần phải để lại tác phẩm lớn có thể sánh với văn chương nhân loại, nhà văn Việt Nam đã có ai suy nghĩ và tư duy thấu đáo đến thế chưa? Hay chúng ta chỉ lấy tiêu chí được vài bài báo khen vô thưởng vô phạt; hoặc ca ngợi tác phẩm của mình lên chín tầng mây xanh; hoặc tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa; hoặc đươc giải thưởng của đoàn thể này, công ty nọ; hoặc được kết nạp vào hội nhà văn... là đã có thể nhắm mắt ngủ ngon. Đã xem như là người "chiến thắng". Đã "nổi danh" khắp năm châu bốn biển.

Than ôi!

 

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment