Sáng hôm qua, thứ bảy, dù ngày nghỉ nhưng cũng phải ra Đường sách. Làm MC giúp nhà báo Ba Thợ Tiện trong chương trình ra mắt bộ sách Viết từ hồi ấy (2 tập - NXB Hội Nhà văn) của anh. Anh em bồ tèo ra sách mới, tự dưng thấy lòng vui. Cũng là một cách thúc giục mình phải viết, rồi cũng có sách mới. Mai sau, còn lại gì không? Cứ hỏi, chẳng thèm trả lời cứ cắm cúi viết từng ngày, mỗi ngày. Cầm bộ sách của một người đã viết ròng rã từ năm 1975 đến thời gian gần đây, dù những bài tạp bút có tính thời sự nhưng đã thấy nể nang. Hai tập cả hàng ngàn trang in. Đã từng viết từng chữ, từng chữ, mới biết sự lao động ấy nhọc nhằn ra làm sao.
Ối dào, lúc ấy trên đỉnh trời, mây trắng vẫn thong dong, vẫn lãng du nhẹ tênh như không. Hỡi ôi, ta lại cúi mặt gõ từng chữ, từng chữ. Buồn hay vui. Có tị nạnh không? Không hề. Đã mây thì bay/. Đã nước thì chảy. Đã cỏ thì xanh. Đã cầm bút thì viết. Khi viết Lời giói thiệu bộ sách này, bạn y, nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy kết luận: đó là “con người kỳ quặc”.
Đúng vậy. Từ năm 1966, sau khi tham bị chính quyền Sài Gòn truy đuổi, bắt giam 6 tháng vì đã tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo, từ Quảng Nam, anh Ba Thợ Tiện phải chạy vào Sài Gòn náu thân. Đêm đầu tiên tại một nơi không hề có bà con thân thích, anh xin ngủ nhờ ở Cô nhi viện Quách Thị Trang (nay thuộc đường 3/2). Qua ngày thứ hai, anh xin vào làm công quả tại chùa Ấn Quang và trở thành người xuất gia, pháp danh Minh Ngọc. Sau đó, anh theo học ngành y, thực tập ở Phòng thí nghiệm Bệnh viện Bình Dân.
Có một dấu ấn khó quên, là bấy giờ bằng sự nhậy cảm của một tâm hồn thi sĩ, anh đã viết nhiều thơ in trên báo chí công khai Sài Gòn, ký bút danh Hoàng Thoại Châu. Năm 1968, anh xuất bản Áo trắng ngày xưa - tập thơ đầu tay này được Tổ đình Quan Thế Âm tài trợ in ấn, phát hành. Sau đó, năm 1969, anh liên hệ với Nha Kiểm duyệt để xin giấy phép in tập thơ thứ 2 Tình biển nghĩa sông. Đọc bản thảo tập thơ, với tư cách là người “gác cửa”, nhà văn Võ Phiến lắc đầu, trao đổi với anh: “Nếu Đại đức gửi cho chúng tôi một tác phẩm nhẹ hơn, tôi sẽ ký ngay. Ký tại chỗ”. Tất nhiên anh không đồng ý.
Vậy làm thế nào vẫn tập thơ vẫn in được mà không bị “ốp”, tịch thu vì không có giấy phép?
Trong “cái khó ló cái khôn”, anh nghĩ đến giấy phép của tập thơ đã in lần trước, và “láu cá” thêm vào đó mỗi một từ “bis”. Lần nay vị Thượng tọa của Tổ đình Quan Thế Âm lại ủng hộ, mạnh dạn đứng ra lo liệu. Mọi việc suông sẻ. Tháng 9 năm ấy, tình cờ đọc báo Chánh Đạo, anh biết tin về Giải thưởng Văn học Nghệ thuật lần thứ nhất (1967-1969) của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Anh liền đem tập thơ Tình biển nghĩa sông gửi dự thi.
Có một điều bất ngờ đến kỳ quặc là tập thơ in “chui” ấy, không có giấy phép chính thức của Nha Kiểm duyệt lại lọt vào mắt xanh của Ban giám khảo bộ môn Thơ - gồm những nhà thơ rất uy tin như Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân… Tên tuổi anh đã được xướng danh tại phòng Khánh tiết ở Dinh Độc lập. Đặc biệt, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã phóng bút tặng anh 8 câu thơ bằng nét bút rồng bay phượng múa: “…Một phen nhả ngọc phun châu/ Địa linh nhân kiệt từ lâu tiếng đồn/ Vang rền đợt sóng Vũ môn/ Lắng nghe nước Việt thả hồn trong thơ”.
Các chi tiết liên quan đến giải thưởng thơ của Ba Thợ Tiện, ít nhiều cho thấy cách quản lý văn hóa của một thời. Ăn theo thuở ở theo thời. Thời này, có những sự việc liên quan đến xuất bản, báo chí khó có thể lặp lại, Tuy nhiên, với sự “nở nồi” của internet, người ta lại có cách khác. Tất nhiên rồi. Đã cầm bút, nói gì thì nói, họ cũng đều muốn công bố các trang viết, dù hay, dù dở. Đó là một sự hiển nhiên. Chẳng ai viết xong, bỏ vào hộc tủ, khóa lại, chỉ mình mình biết chỉ mình mình đọc. Có mà cuồng chữ.
Sau Tết Âm lịch năm 1972, anh tiếp tục cho in Tình biển nghĩa sông (tập 2). So với tập thơ trước, tinh thần quật, tự hào dân tộc, đấu tranh cho hòa bình, thống nhất càng nồng nhiệt hơn. Đồng tình với một thái độ dấn thân, lòng yêu nước của anh, hai nhà văn đàn anh Sơn Nam và Kiên Giang đã viết lời giới thiệu. Nói như nhà thơ Kiên Giang: “Thơ Hoàng Thoại Châu mang tinh thần phản chiến. Bởi có thi sĩ chân chính nào lại biểu đồng tình với súng đạn và cổ võ chiến tranh diệt chủng. Tuy nhiên Hoàng Thoại Châu không lên án chiến tranh bằng những “lời thơ gây tiếng nổ” mà bằng hơi thở và âm thanh nhẹ nhàng, vì bản tính của thi sĩ không tách rời với đặc tính hiền hòa của người Việt Nam”.
Tương tự lần trước, Tình biển nghĩa sông (tập 2) đã tạo ra dư luận sôi nổi trên báo chí. Bấy giờ, phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn ngày một dữ dội, tất nhiên Hoàng Thoại Châu không đứng ngoài cuộc. Anh cùng các trí thức sinh viên yêu văn nghệ đã thành lập nhóm Hướng Dương. Nhóm này chủ trương in các tác phẩm tự tình dân tộc, “về nguồn”, phàn chiến, đấu tranh cho hòa binh thống nhất như của Hoàng Thoại Châu, Huỳnh Ngọc Trảng, Phan Viên Hoài, Trần Hào, Hàng Chức Nguyên, Trần Thế Hùng… Và chính những trí thức này đã tạo ra một Vụ án văn nghệ Quán Mù U nổi đình nổi đám một thời.
Vào ngày 1.1.1974, họ tổ chức ra mắt tập truyện ngắn Những trái tim hồng, tiếp tục phát hành tập thơ Tình biển nghĩa sông tại quán Mù U trên đường Nguyễn Văn Thoại. Thơ và các ca khúc mang tinh thần Dậy mà đi, Người mẹ Bàn Cờ, Nối vòng tay lớn… qua các giọng ca “vàng” Đài Phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ của phong trào SVHS đã bị đàn áp khốc liệt bởi dùi cui, lựu đạn cay của cảnh sát, mật vụ. Cùng nhiều người khác, Hoàng Thoại Châu cũng bị bắt. Sau khi trải qua nhà tù Chí Hòa, anh đã bị đưa ra Côn Đảo. Đó là nơi mà sau này anh cho rằng chính là “địa ngục của địa ngục”. Vậy, anh đã giữ vững khí tiết như đã tuyên bố trong 2 tập thơ Tình biển nghĩa sông bằng cách nào? Anh cho biết: “Bài thơ được viết ngay trong đêm đầu tiên để với nhà lao Côn Đảo: “Mất của là chẳng mất chi/ Sức khỏe. nếu mất, mất đi ít nhiều/ Chỉ lo khí tiết đổ xiêu/ Là mất tất cả là tiêu cuộc đời”. Bài thơ đó là “kinh nhật tụng đối với tôi suốt thời gian ở Côn Đảo”.
Ngay sau ngày 30.4.1975, Hoàng Thoại Châu đã được bạn tù trao cho chiếc áo bà ba lành lặn để trở về đất liền. Cuộc đời anh lật sang một trang khác: Nhà báo Ba Thơ Tiện. Anh là một trong những người đầu tiên góp phần tạo dựng nên “hình hài” của báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay, rồi sau này là báo Lao Động.
Nhắc đến Ba Thợ Tiện, lập tức bạn đọc nhớ đến một cây bút chỉ “chơi” một thể loại: tạp bút, tạp văn, phiếm luận - gắn chặt với hơi thở của thời cuộc. Nhà phê bình Bùi Quang Huy hoàn toàn toàn có lý khi nhận xét bút pháp của Ba Thợ Tiện: “Nó như một thứ kim đâm vào xương vào thịt, nhức nhối, thậm chí đau đớn để người ta hoặc giật mình, hoặc phải thản thốt nhớ đời… Nhưng quan trọng hơn vẫn là con mắt nhìn đời và tấm lòng của người viết. Anh tinh tường khi nhận ra những chuyện tréo cẳng ngỗng sau vẻ bình lặng hay ồn ào của cuộc sống. Song cũng khéo nhận biết mà nâng niu những giá trị bị lẩn khuất”.
Hãy dừng lại một chút để nhắc đến thể loại này. Trước hết thử liệt kê các nhà báo đặt tên ra làm sao, thử ghi ngâu hứng: Cực chẳng đã, Tréo cẳng ngỗng, Khe khẽ… khều, Chẳng đặng đừng, Giữa đường thấy chuyện, Nghịch lý, Bàn và tán, Ao thả vịt, Câu chuyện hằng ngày, Chuyện thường ngày, Thuốc đắng, Những điều trông thấy, Nói hay đừng, Nói sương sương, Nói huỵch toet v.v… Xưa nay, với chuyên mục định kỳ xuất hiện trang 2 trên nhật báo với các bút danh như Thông Reo, Tân Việt, Tư Trời Biển, Kha Trấn Ác, Lang Là, Bút Bi, Người Sành Điệu… hầu như đó là tên chung. Nhiều người thay phiên nhau viết. Với “con người kỳ quặc” Ba Thợ Tiện lại khác, chỉ một mình anh viết ròng rã hết số này qua số nọ. Dù đã viết cho hơn 15 tờ báo cũng chỉ mỗi mình anh phóng bút. Nhân đây nói luôn, anh cho biết, khi đặt tên cho chuyên mục “Nói hay đừng”, chỉ nghĩ ra ba từ ấy, anh đã sướng cả tuần! Tại sao? Thử nói lái lại xem sao? Cũng là một cách nghịch chữ của cánh anh em báo chí.
Tìm ra vấn đề thời sự để viết bằng thể loại tạp bút mỗi ngày, khó quá đi mất. Thế đấy, mới thấy Ba Thợ Tiện đã đạt đến sự lao động bền bĩ của một nhà báo chuyên nghiệp, say mê với nghề đến cỡ nào. “Làm thế nào để luôn giữ được phong độ như thế?”. Câu hỏi này đã được nhiều bạn đọc đặt ra trong buổi giao lưu ra mắt bộ tùy bút Viết từ hồi ấy tại Đường sách TP.HCM vào sáng hôm qua. Ba Thợ Tiện không “giấu nghề”, anh bật mí trước tiên là nhà báo phải rời khỏi căn phòng may lạnh tại tòa soạn để thâm nhập thực tế. Trong quá trình đi thu nhập chất liệu ngồn ngộn của đời sống, cần phải biết chắt lọc ra chi tiết đắc giá nhất, nếu chưa đủ phải tìm kiếm thêm và sau đó mới đặt bút viết. Kinh nghiệm này, nghe thoáng qua, tưởng dễ nhưng thật ra đó là cả một quá trình rèn luyện không ngừng… Anh kết luận.
Lại có câu hỏi, với cả hàng ngàn bài báo cùng một thể loại đã công bố, nếu chỉ chọn lấy 1, 2 thì anh sẽ chọn thế nào? Với câu hỏi này, Ba Thợ Tiện đã nói dí dỏm, đã là con của thì mình đều thương yêu, yêu quý như nhau. Tuy nhiên, anh vẫn nhớ nhất bài báo Đau đầu về… những cái đầu, in trên báo Lao Động số ra ngày 28.7.1991, không chỉ anh “lên bờ xuống ruộng” mà Ban biên tập cũng bị “vạ lây”.
Rằng, ngày nọ sau khi ra miền Trung tham quan khu đất đã được quy hoạch xây dựng khu văn hóa, một đồng chí cán bộ chủ chốt của địa phương mời Ba Thợ Tiện góp ý. Anh phát biểu: “Theo chỗ hiểu biết của Ba tui, trước hết ở đây cần được đầu tư vài ba “cái đầu”. Một đồng chí cán bộ, nói nhanh: “Anh Ba nói rất đúng, chúng tôi đang lập đề án đầu tư ở đây ba cái đầu… đa hệ. Dân ở đây thích phim lắm”. Nghe câu ấy, Ba Thợ Tiện ngớ người đến độ cạn lời! Sau khi nghe anh kể lại, một anh bạn bình cay đắng, chua xót: “Cái đầu” hiểu “cái đầu” anh Ba muốn nói thành ra “cái đầu”… đa hệ, dù gì cũng chỉ mới là chuyện về “cái đầu” đáng thương. Còn những “cái đầu” đáng trách, đáng ghét ở đây vẫn là những “cái đầu” chụm lại, nương nhau để tồn tại sau những sai lầm đáng tiếc do nó gây ra”.
Chính câu kết ấy mới gây phiền toái làm sao. Phiền toái làm sao cho cách quản lý báo chí của một thời. Trong buổi sáng giao lưu cùng bạn đọc, Ba Thợ Tiện đã kể sự nghiêm trọng đã trải qua, kể xong, không riêng gì anh mà mọi người cũng bật lên tiếng cười sảng khoái. Sự việc đã qua. Vui thôi mà. Âu cũng là tính cách của Ba Thợ Tiện, dù viết thế nào đi nữa thì cốt lõi, nền tảng của nó vẫn là tinh thần phản biện nhằm thúc đẩy sự việc ngày một tốt hơn.
Khi cầm trên tay bộ sách đồ sộ Viết từ hồi ấy, nhiều bạn đọc ngạc nhiên và đồng loạt đặt câu hỏi tò mò với “con người kỳ quặc” Ba Thợ Tiện: “Đâu là điểm tựa/bệ phóng giúp anh có thề toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp viết báo?”. Anh chân tình thổ lộ nhẹ nhàng rằng, luôn yên tâm bởi có đứng phía sau: người vợ. Lúc ấy, y sực nhớ đến câu thơ anh đã viết về miền Nam, quê vợ anh bằng rung cảm của nhà thơ Xứ Quảng: “Đất nước miền Nam tình châu Á/ Ruộng đồng, cây trái ngọc phương Đông/ Tiếng em hay cả tình em đó/ Nhung nhớ lâu rồi thương quá thương”. Vậy, với những gì đã có, từ Tình biển nghĩa sông đến Viết từ hồi đó, rõ ràng từ nghề đến đời riêng, “con người kỳ quặc” Ba Thợ Tiện quả là người hạnh phúc…
L.M.Q
Lại nhớ bài thuộc lòng môn Quốc văn hồi học lớp Ba: “Em nhớ bà em những buổi chiều/ Ngồi bên giàn lý gió hiu hiu/ Một bày cháu nhỏ chơi quanh gối/ Đứa nếp sau bà đứa đuổi theo/ Bà bảo đừng nô bà kể chuyện/ Cùng nhau xúm lại tiếng cười reo…”.
Bà ngoại - tri kỷ, tri âm của mẹ
(Từ phải: Lê Minh Quốc, cụ bà Lương Thị Ân ẳm Lê Minh Tiến, đứng cạnh là Lê Minh Tân)
Mẹ xóa nợ cho con
Lê Minh Quốc - Lê Thị Ái (ảnh chụp vào thập niên 1960 tại Đà Nẵng)
Tranh giấy dó của Lê Minh Quốc
Phải viết, còn vì một điều gì đó với mẹ nữa. Chẳng ai biết đâu. Ngay cả y cũng không biết nốt. Vì từ lúc mẹ mất đến nay, không lúc nào chợp mắt lại không thấy loáng thoáng hình bóng của mẹ. Kỳ lạ thật.
Cảm thấy viết thật khó khăn. Rồi cũng xong. Cứ tiếp tục nhé. Hôm trước nhận được tin nhắn của Đoàn Tuấn tâm tình về quyển Mùa chinh chiến ấy. Hắn ta bảo, khi viết tập sách này khó khăn nhất vẫn là chọn cách viết. Đã viết chừng nửa cuốn. Sau đó, phải bỏ sạch. Viết lại. Chọn cách viết khác. Và cuối cùng hắn ta đã tìm ra cách viết phù hợp. Với y, sau khi biết thông tin này, chỉ cười. Tại sao lại khó khăn đến thế? Chỉ ngồi trước bàn phím và gõ từng con chữ, là xong, là cứ thế đi hết ngày này qua ngày nọ, chứ khó khăn gì? Đúng thế. Y viết dễ dàng lắm. Không khác gì người nông dân. Rạng sáng, dắt trâu, vác cuốc ra đồng. Miễn là đã ngủ đẫy giấc.Ngày nào cũng thế. Ngồi đâu viết cũng thế. Có máy tính, gõ phím, bằng không thì viết tay. Ồn ào cũng mặc. Náo nhiệt cũng kệ. Cứ viết, miễn bỏ mặc y, đừng hỏi han tới. Dễ dàng thôi.
Tưởng là thế, mấy hôm nay, y cũng rơi vào tình trạng của bạn. Đã có ý định tập trung thời gian viết một quyển sách về những người đã khuất. Sau lúc mẹ mất, y nghĩ đã đến lúc phải viết. Không chần chừ gì nữa. Dù gì trong tình cảm máu thịt của y đã ba, mẹ, anh, chị đi về cõi khác. Viết một cái gì đi chứ?
Tưởng dễ, nhưng rồi thế nào? Viết lại câu chuyện riêng tư nhưng người khác vẫn đọc, vẫn cảm thấy như viết về người thân của họ mới là khó. Y muốn rằng, cuốn sách ấy cứ in ra như mọi quyển sách khác nhưng chỉ tập trung vào bốn người ruột thịt không còn gặp lại nữa. Bấy giờ mới cảm thấy khó khăn mà bạn đã trải qua.
Trước đây, tháng 8.2012 khi đọc, biên tập hồi ức Khêu ngọn đèn xanh của ông anh ruột, y nghĩ, đại khái rằng:
Hồi ký, tự truyện… là một thể loại khó viết. Rất khó. Bởi thói thường do “tốt khoe, xấu che” nên ít ai có thể dám bộc bạch hết suy nghĩ của mình. Có lần y hỏi nhà văn Nguyễn Quang sáng, tại sao không viết hồi ký? Ông cười khà khà, đại khái, chẳng lẽ tao chỉ toàn kể tốt về tao? Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Chẳng hạn, học giả Vương Hồng Sển dám viết hồi ký Hơn nửa đời hư đó sao? Đọc rất ngậm ngùi thú vị.
Theo y thể loại hồi ký chỉ thật sự có giá trị khi con người ấy có một tầm vóc lớn lao, mỗi gia đoạn của cuộc đời họ đều gắn với thăng trầm của một đất nước, một dân tộc. Chẳng hạn, Tự phán của chí sĩ Phan Bội Châu, dù tự nhận cuộc đời cụ chỉ là một chuỗi thất bại, nhưng khi đọc, thế hệ sau lại học được biết bao là kinh nghiệm của thế hệ tiên phong khai đường mở lối trong sự nghiệp cứu nước.
Những nhân vật lừng lẫy ấy, khi đọc hồi ký của họ, chúng ta sẽ thấy hết sức thú vị vì có những chi tiết trong đời họ đã góp phần bổ sung cho chính sử, giúp ta hiểu chính sử rõ hơn. Họ là những con người đã tạo ra thời cuộc. Hiểu thời cuộc thông qua số phận một con người cụ thể, còn gì thú vị hơn?
Lịch sử một đất nước được thể hiện qua chính sử. Đúng rồi. Nhưng vẫn chưa đủ. Chính các tập gia phả của mỗi dòng tộc, ngọc phả của các đời vua… có những chi tiết cụ thể, những con người cụ thể đặng khắc họa và bổ sung cho chính sử, giúp chính sử sinh động hơn, “thật” hơn và cũng “đời” hơn. Bên cạnh đó, y còn muốn nhấn mạnh đến các tập hồi hý, tự truyện, tự thuật… của các cá nhân khác.
Thế nhưng.
Có ai cần đọc những tập sách thuộc thể loại đó của những kẻ “thường thường bậc trung” như chúng ta không? Chắc không, nếu tập sách đó chỉ đóng khung trong cái cuộc đời của chính họ. Mà họ không nổi tiếng, không là người của công chúng thì chẳng ai buồn ghé mắt đến.
Nói đi cũng phải nói lại.
Gần đây nhất có nhiều hồi ký, tự truyện của những con người bình thường vẫn tạo được dư luận kìa mà. Tại sao? Bởi những hồi ký đó đạt được nhiều yêu cầu, ở đây y chỉ muốn nhấn mạnh: 1.Số phận của họ quá khốc liệt, thăng trầm dữ dội nên dù chuyện thật nhưng ta cứ như tưởng hư cấu của văn chương; 2. Viết về một cuộc đời bình thường như bao người khác, nhưng qua đó, ta lại thấy tái hiện lại tình hình xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… của cả một thời, thời họ đã sống.
Thế thì, thể loại này do ai viết cũng được. Vấn đề đặt ra là viết như thế nào.
Hồi ký Khúc tiêu đồng của ông Hà Ngại là một thí dụ sinh động. Dù viết cho riêng mình, chỉ viết lại những gì mắt thấy tai nghe, không hư cấu nhưng tập sách đó rất có giá trị nếu người đọc cần biết về khoa cử, hát bội, sinh hoạt chợ búa, đời thường dân dã… của cuối thời Nguyễn. Những thông tin đó quý báu, hấp dẫn hơn cả tài liệu “chính quy” vì chính nó đã được kể từ người trong cuộc, từ tình tiết cụ thể… Muốn vậy, người viết phải có biệt tài quan sát, có trí nhớ tốt, có tài liệu v.v… để đủ sức tái hiện lại một thời đại mà họ đã sống. Mà thông tin của sự tái hiện đó phải gắn với cái chung, được nhiều người cùng quan tâm.
Hồi ký của Sơn Nam lại khác. Hầu như không có thông tin gì về đời sống riêng, kể cả công việc viết lách, nếu có chỉ thoáng qua đôi dòng. Đọc, có cảm tưởng như ông lấy mốc năm tháng cuộc đời để kể lại những gì mình đã hiểu biết, đã sống ở địa phương đó, vùng đất đó. Cũng là một cách cung cấp về phong tục. Ngược lại, hồi ký của Bà Tùng Long, Nguyễn Hiến Lê lại rất tỉ mỉ từng chi một, kể cả chuyện hôn tình yêu, tất nhiên đều được lồng trong bối cảnh của thời cuộc mà họ đã sống.
Tập sách, tạm gọi "tự truyện" là của ông anh ruột, y nghĩ có những điều quý báu của người nay, nhưng với người kia lại không là gì cả. Và ngược lại. Điều ấy là lẽ thường tình. Tập sách này y đặt tựa Khêu ngọn đèn xanh - là lấy ý từ câu thơ của thi sĩ Quách Tấn, viết năm 1951 (in trong tập Mùa cổ điển, tái bản lần 2 tại miền Nam năm 1960):
Quán không hò hẹn đón đưa nhau,
Khêu ngọn đèn xanh gạn bể dâu.
Thương tớ, mái gương dường ướm tuyết,
Mừng ai, khóe phụng vẫn nguyên thu.
Hoa, lòng nỡ gởi trời U cốc?
Bút, mộng không rời nợ Bích câu.
Muốn mượn chén trăng hòa viễn ý
E dòng lệ ngọc khóc minh châu…
Với những suy nghĩ vừa nêu trên, y cảm thấy không nên chọn cách viết như anh mình đã viết. Bởi vì rằng, y chỉ sống với gia đình ở Đà Nẵng thời gian ngắn, quá ngắn, chỉ 18 năm rồi đi xa hẳn, chỉ xuân thu nhị kỳ mới quay về. Về như chuồn chuồn đáp nước, thoáng đó lại bay đi. Kỷ niệm, dấu vết tình thân không nhiều trong ký ức, làm sao viết? Riêng về mẹ thì khác. Đã có thời gian mẹ sống chung nhà. Nhiều tình tiết, nhiều kỷ niệm. Dễ viết hơn. Đã có nhiều tình cảm khó quên với bên ngoại, còn bên nội chỉ là vệt trắng. Hơn nữa, có những sự việc đã xẩy ra, y không muốn nhắc lại, phải quên đi, nếu chọn cách viết như Khêu ngọn đèn xanh ắt không phù hợp, không khéo không trung thực.
Vậy, phải viết làm sao? Loay hoay mãi.
Cuối cùng phải làm sao?
Ừ, y chọn lại những gì mà trước đây đã viết, đã in. Nếu cần thì gia công thêm hoặc sắp xếp lại, bằng không cứ giữ nguyên. Lại vấp thêm cái khó nữa là xưng hô thế nào? Tôi? Chúng tôi? Con? Em? Cách nào đây? Thôi thì, thống nhất chọn gọn lỏn mỗi từ “y”, nhập vào vai người ngoài để quan sát sự việc. Chọn lấy cách viết như đã viết tùy bút. Như đã viết nhật ký. Viết chỉ tập trung một chủ đề: Gia đình.
“Hay đấy Q”. Vấn đề gia đình, tình mẹ con, cha con, anh chị em thì ai ai cũng có một cảm nhận chung, không sợ phải quá riêng tư đâu. Viết đi. Cứ thế mà viết. Viết cho gia đình mình nhưng cũng là viết cho mọi người đấy thôi. Chiều qua nhẹ cả người, sung sướng vì đã hài lòng tìm ra một cách viết cho quyển sách này, hứng quá, nhắn tin cho bạn bè rủ rê lai rai chút đỉnh. Ai cũng bận cả. Thiệt tình. Lại lủi thủi cơm mước một mình. Chẳng sao. Công việc đang thúc giục từng ngày.
Phải viết, còn vì một điều gì đó với mẹ nữa. Chẳng ai biết đâu. Ngay cả y cũng không biết nốt. Vì từ lúc mẹ mất đến nay, không lúc nào chợp mắt lại không thấy loáng thoáng hình bóng của mẹ. Kỳ lạ thật.
L.M.Q
Đoàn Tuấn bảo, tìm đọc bài thơ Sầu hương của một thi sĩ Đài Loan. Ông ấy là Dư Quang Trung, sinh năm 1928 tại Nam Kinh, nguyên quán Phúc Kiến (Trung Quốc). Năm 1950, chuyển đến Đài Loan, ông viết loạt thơ cùng chủ đề Sầu hương. Những bài thơ này nổi tiếng, nhiều người yêu thích, dù rằng, ông còn viết nhiều thể loại, chủ đề khác. Xa quê, nhớ quê mà viết. Tâm trạng thật. Cảm xúc thật. Dó đó, nhiều người đồng cảm cũng là điều dễ hiểu.
Hãy đọc một bài Sầu hương của ông viết ngày 21.1.1972, Nguyễn Thị Hải dịch: “Ngày thơ/ Nỗi sầu hương là con tem nho nhỏ/ Tôi ở đầu này/ Mẹ ở đầu kia/ Lớn lên/ Nỗi sầu hương là tấm vé tàu mỏng mảnh/ Tôi ở đầu này/ Người vợ mới cưới ở đầu kia/ Ngày sau/ Nỗi sầu hương là nấm mộ lấp xấp/ Tôi ở bên ngoài/ Mẹ ở bên trong/ Giờ đây/ Nỗi sầu hương là quãng eo biển rập rờn/ Tôi ở đầu này/ Đại lục ở đầu kia”. Đã sinh ra làm người, con người ta phải hịu dựng nhiều nỗi khổ, nhưng khổ tâm, dằn vặt, nhớ nhung nhất vẫn là sự xa cách. Vợ xa chồng. Mẹ xa con. Anh xa em. Chàng xa nàng. Tình ái vừa bén mùi đã xa thẳm đôi nơi. Chia xa tình thân thương ruột rà cũng là một chủ đề của thơ. Mà đã viết về sự chia xa ấy, tưởng chừng như khoảng cách giữa hai dòng thơ, bao giờ cũng ngần ngật giọt nước mắt.
“Thiếp tại Tương giang đầu/ Quân tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thuỷ”. Viết dễ dàng như không, thế nhưng đọc xong lại cảm thấy bùi ngùi. Thương cảm nhất vẫn là lúc đôi lứa “Đồng ẩm Tương giang thuỷ” (Cùng uống nước sông Tương). Uống chung một dòng nước, có lẽ con người ta sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng, dịu vợi hơn chăng?
Dù gì, dù có xa cách ngàn trùng thì ngụm nước chung một dòng chảy, cả hai cùng uống vẫn là ý niệm tạo nên sự gần gũi, thân mật. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu điều cảm nhận đó qua âm nhạc. Giai điệu day dứt. Đớn đau mà không tuyệt vọng. “Nước vẫn trôi mau, mắt vẫn hoen sầu/ Thành lệ tuôn theo nước trôi không màu/ Số kiếp hay sao, không cho bắt cầu/ Thì xin sông nước sẽ cho gần nhau”. Gần nhau bằng cách nào? Vẫn là Đồng ẩm Tương giang thuỷ hay gì khác? Cứ nghe hết ca khúc Hẹn hò, sẽ có câu trả lời.
Theo nhà thơ Dư Quang Trung: “Tôi có tìm hiểu về thiên văn học, tương lai nếu như có thể di dân lên mặt trăng, ắt hẳn khi ấy chúng ta sẽ có thêm một loại Sầu hương nữa. Câu thơ của Lý Bạch chắc phải viết lại là: “Cử đầu vọng địa cầu/ Đê đầu khán minh nguyệt”.
Nghe ra cũng chí lý thay.
Ăn theo thuở, ở theo thời. Cái nhớ của mỗi thời cũng khác. Thời đại của Lý Bạch, “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương) đến thời chung ta đã khác. Nhớ quê ư, cứ bỏ tiền ra mua vé máy bay, vé tàu, xe đò là xong tất. Ngay cả thức ăn quê vốn khoái khẩu cũng thế. Cứ vào siêu thị là có tất. Sự dễ dàng về giao thông, buôn bán không còn tạo ra quay quắt nhớ, thê thiết thương, nồng nàn tương tư, nhớ nhung chất ngất nữa. Liệu còn cảm xúc bật ra tiếng thơ? Rồi nếu lên sinh sống, lập nghiệp tại mặt trăng, trở thành bạn láng giềng với chị Hằng, chú cuội ắt có lúc con người ta lại rồ dại thương, điên cuồng nhớ về quả địa cầu? Liệu lúc ấy sẽ có cảm xúc bật ra tiếng thơ? Dự báo bằng tâm thế nghệ sĩ của ông Dư Quang Trung thế nào? Mà thôi, dài dòng chuyện này để làm gì?
Sực nhớ bài học thuở xa xưa, thời Quốc văn giáo khoa thư từng ám ảnh trong trí nhớ nhiều thế hệ còn là sự biệt ly.
Chiều, không bận rộn gì, lật lại trang sách cũ rồi ê a đọc lấy bài học thuộc lòng để nhớ về cái thời niên thiếu, chẳng lẽ lại không vui? Vui quá đi chứ. Khi viết đến đây lại nhớ bài học từ thời lớp Nhất ở Trường Nam Tiểu học (Đà Nẵng) nói về lúc hội ngộ buổi tựu trường: “Đây đó giòn tan những tiếng cười/ Mặt mừng, tay bắt khắp nơi nơi/ Ngoài sân bỡ ngỡ dăm em bé/ Ngơ ngác nhìn quanh hết mọi người/ Giữa tiếng hò reo, trống nổi lên/ Học sinh vui vẻ tới bên thềm/ Điểm danh, trò cũ theo thầy mới/ Để được dồn lên lớp học trên”.
Lớp học trên là lớp mấy mà thuở xưa các ông Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Thận, Trần Trọng Kim, Đặng Đình Phúc đã cho các em học bài Kẻ ở người đi? Các em phải chịu đựng Sầu hương lẫm liệt: “Tôi ở đầu này/ Mẹ ở đầu kia”. Buồn quá đi chứ. Vâng ạ. “Cơm nước xong rồi, thầy mẹ tôi, anh em, chị em tôi, cả đến kẻ ăn người ở trong nhà, đều tiễn tôi ra tận bờ sông, chỗ thuyền đậu Vừa ra khỏi nhà, thì lòng tôi tự nhiên sinh ra buồn rầu vô cùng. Từ thuở bé đến giờ, chỉ quen vui thú ở nhà, nay tôi mới biết cái cảnh biệt ly là một! Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại: từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm tôi quyến luyến khác thường. Thuyền nhổ sào, ai cũng chúc tôi thuận buồm xuôi gió, bình yên khỏe mạnh. Thuyền đi đã xa mà tôi còn đứng nhìn trở lại, nhìn mãi cho đến lúc không trông thấy nhà nữa mới thôi. Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy”.
Có phải từ ám ảnh “Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy” mà ông Dzoãn Mẫn đã thổn thức: “Biệt ly nhớ nhung từ đây/ Chiếc lá rơi theo heo may/ Người về có hay”? Mà Cung Trầm Tưởng: “Lên xe tiễn em đi/ Chưa bao giờ buồn thế/ Trời mùa Đông Paris/ Suốt đời làm chia ly”? Mà Vũ Hoàng Chương: “Đò chiều sông lạ tiễn đưa nhau/ Gió nấc từng cơn, sóng vật đầu/ Hai ngả lênh đênh trời ngụt khói/ Người đi, ta biết trở về đâu?”.
Một câu hỏi buông ra ai là người trả lời?
Ngay cả Vũ Hoàng Chương cũng không thể trả lời bởi vì rằng, họ tiễn đưa nhau oái oăm thay, không phải nơi chốn từng quen thuộc: “Trăm năm đành lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác xưa” - mà chính “Đò chiều sông lạ”. Không gian: chiều; sông: lạ. Sao lại tiễn đưa trong một hoàn cảnh éo le đến thế? Éo le vì đò chiều là chuyến đò cuối; lại chia tay nhau ở bến sông lạ thì người ở lại sẽ biết về đâu?
Về đâu, chỉ có thể: "Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu/ Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào?" (Phạm Duy). Người ngồi lại sẽ về đâu? Không biết. Người đi sẽ đi đâu? Không biết. Làm sao có thể biết khi cả hai cùng trong tâm cảnh: “Hai ngả lênh đênh trời ngụt khói”. Khói gì vậy? Sương khói của êm ả bóng chiều? Không, ấy chính là khói lửa chiến tranh, binh đao tan tác nên "Gió nấc từng cơn, sóng vật đầu" là hình cụ thể phơi bày trước mắt, chứ không phải phản ánh lấy tâm trạng.
Có phải tiễn đưa vào lúc chiều, đêm tối, canh khuya thì càng não nùng ly biệt hơn chăng? Có thể lắm. Chắc chắn lắm. Vi tâm trạng u tối, lại không gian sẫm tối, nhập nhòe bóng tối, nhìn từ góc độ hội họa rõ ràng bức tranh ấy khác gì câu thơ của Nguyễn Gia Thiều: “Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này”?
Lâu nay, ai cũng bảo Đường Thi là những viên ngọc, càng trải theo năm tháng, ngọc càng sáng. Sự khái quát của nói về tâm cảnh biệt ly trong Đường Thi ra làm sao? Thì đây, hãy đọc qua bản dịch của Tản Đà: “Sung mơ ăn khó ai ơi/ Sung ăn thời chát, mơ thời chua sao/ Chưa bằng sống biệt ly nhau/ Ruột gan chua chát lại đau bội phần”. Hay không? Rất hay. Khen thì khen vậy, nhưng sao bi thảm, buồn bã, thảm thiết bằng câu ca dao Việt Nam: “Đêm qua mới thật là đêm/ Ruột xót như muối, dạ mềm như dưa/ Mong chàng như cá mong mưa/ Nhớ chàng như bữa cơm trưa đói lòng”. Một cách nói thật thà, không hoa hòe hoa sói, lấy thức ăn hằng ngày: muối/ dưa; lấy sự tồn tại tất yếu: cá/mưa. Lấy cơm trưa đói lòng so sánh với nỗi nhớ chàng, chao ôi, nghe ra dân dã, mộc mạc và tình cảm chân chất biết dường nào.
Trong đời người, ai lại không từng trải qua sự biệt ly rúng động tâm hồn? Sự biệt ly nào mà không: "Xa nhau gió ít lạnh nhiều/ Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh" (Trần Huyền Trân)? Có thể xếp hai câu thơ này vào hạng hay bậc nhất về chủ đề Sầu hương của Việt Nam? Có những câu hỏi, chẳng dại gì vội trả lời. Câu hỏi vừa rồi cũng thế. Cái hay của câu thơ trên là ở chỗ phản ánh cảm giác của tâm trạng. Gió vẫn gió của mọi ngày, đã từng cảm nhận mỗi ngày nhưng rồi do xa cách nên cảm thấy lạnh hơn. “Chiếu chăn không ấm người nằm một/ Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay (Huy Cận), do vậy, cảm giác lạnh hơn dù vẫn ngọn gió ấy là lẽ tất nhiên. Lửa khuya, mưa chiều cũng không khác gì, bởi xa nhau đến ngút ngàn thăm thẳm nên mới buồn rầu nhận ra sự khác thường của tốc độ nhanh/ chậm. Ấy cũng chính là cảm giác của tâm trạng. Nếu không tâm trạng ấy ắt không có cảm giác ấy.
Với y, ấn tượng nhất vẫn là: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường”. Cuộc tình của Thúy Kiều - Kim Trọng dù sau này tan vỡ, không thể tơ duyên chắp nối nhưng vầng trăng ấy vẫn cứ tròn đầy đến ngàn đời, muôn đời sau. Sau này dù chàng và nàng đã đâu vào đó, đã ổn định riêng tư, không còn qua lại, không còn tay trong, không còn "Mảng vui rượu sớm trà trưa/ Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh" nhưng rồi lúc nào đó, bất chợt nhìn thấy/ gặp lại vàng trăng của thuở "Ai xẻ làm đôi", chắc chắn họ sẽ thổn thức tâm can, đầm đìa thương nhớ... Câu thơ không có nhân vật, chỉ có vầng trăng nhưng rồi một khi đã Sầu hương, bất kỳ ai cũng thấy mình ở trong đó. Đó mới là bút pháp thượng thừa, vô tiền khoáng hậu của thiên tài Nguyễn Du.
L.M.Q
Trang 8 trong tổng số 58