LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.11.2017

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-5

Quê nhà của mẹ

 

1.

Quê ngoại là nơi mẹ sinh ra. Quê nội là nơi ba sinh ra. Nhưng với người con, lúc được sống chung với ba mẹ tại nơi nào thì nơi ấy lại là quê nhà. Quê nhà của ba. Quê nhà của mẹ. Một tình cảm thiêng liêng gắn bó. Một nơi chôn nhau cắt rốn. Một tình cảm nồng nàn máu thịt. Với y, chỉ có thể: Đà Nẵng. Nơi ấy, “con ngựa già khấp khểnh non cao/ cất tiếng hí vang về cội nguồn đã lạc/ tôi đặt vào giữa ngực/ bông hoa cầm chướng màu đen/ thay thế trái tim ẩm mục”. Nơi ấy, y chỉ sống thời hoa niên chừng 18 năm. Rồi đi xa. Thỉnh thoảng xuân thu nhị kỳ mới quay về nhưng lại có điều kỳ lạ, không, kỳ diệu thì đúng hơn.

Mà này, điều gì mà sao cứ ngập ngừng mãi thế?

Rằng thưa, lần nào cũng như lần thứ nhất trong đời, đã bước chân đi trên đường phố Đà Nẵng, bao giờ y cũng nghe trong gió như có ai đó gọi “Q. ơi” ngay dưới gót giày. Tiếng gọi mơ hồ của tình người. Tiếng lòng da diết của tình thương máu mủ. Rằng thưa, lần nào cũng như lần thứ nhất trong đời, quay về nhà lúc còn hoặc đã mất ba mẹ, bao giờ y cũng sống cùng tâm cảnh: “Sương lờ mờ trước mặt/ Con đường Triệu Nữ Vương/ Có tôi đang dè dặt/ Trở về trên quê hương/ Chân đi không chạm đất”…

Sao lại không chạm đất? Sao lại rụt rè, rón rén thế kia?

Trên báo Đà Nẵng số ra ngày 27.2.2000, nhà thơ Thanh Thảo có lời bình: “Một bài thơ ngũ ngôn, ý tân mà giọng cổ, nhưng trên tất cả, là cái tình thật với quê nhà của một đứa con xa, lâu ngày mới có dịp trở về. Tâm trạng của những đứa con lưu lạc khi chạm vào mặt đất quê hương, bao giờ cũng rối bời. Quá khứ, hiện tại, kỷ niệm, nhớ thương chợt trào lên cùng một lúc, dù giọng thơ kể lể, thì vẫn không giấu được cái không mạch lạc của hình ảnh, cái đột nhiên của tâm trạng. Không nghĩ ngợi gì, mà như thế là đúng, chỉ hoàn toàn cảm xúc, chỉ buông thả con người mình cho những xúc cảm, chỉ lâng lâng lên những nỗi niềm, muốn nói mà không nói hết được.

Ai xa quê lâu ngày, có dịp về thăm lại, sẽ cảm nhận được tình cảm ấy. “Tôi gặp lại quê nhà - như chạm vào gió lốc” - hai câu thơ rất hay, và rất chính xác. “Con đường Triệu Nữ Vương - Có tôi đang dè dặt” cũng là một tâm trạng đúng nữa: người con lưu lạc bao giờ cũng có những giây ngập ngừng, những thoáng dè dặt khi đặt bước chân ngay trên đất quê nhà. Biết những gì mình từng yêu thương, chia sẻ có còn nguyên vẹn hay đã đổi thay? Vui mà buồn, mừng và lo, hồi hộp và lạnh lùng, đầu nặng mà chân nhẹ… Quê nhà là như thế, và chỉ thế thôi cũng đủ cho một đời ta đau đáu, vọng tưởng, nhớ thương và nuối tiếc…”.

Một nhà thơ đã bình thơ như Thanh Thảo, anh đã tìm ra được sự đồng cảm mà y đã viết. Vâng, dù ở đây không nhiều năm nhưng từ lúc cất tiếng khóc oa oa chào đời cho đến giây phút tiễn mẹ về đất, thâm tâm y chỉ có duy nhất: “Đà Nẵng là nguồn nước trong veo/ chảy qua từng mạch máu”. Vì lẽ đó, nơi  ấy, “xin được lỡ lời buột miệng nói bâng quơ:/ chỉ một điều riêng tôi biết trước/ xa Đà Nẵng thì tôi còn sống được/ nhưng một đời chỉ sống nửa trái tim”.

Trong tập thơ Yêu em, Đà Nẵng bàng bạc một tình cảm đắm đuối, mê đắm đến não lòng mà y đã dành cho quê nhà. Lưu ý, nhan đề tập thơ ấy có dấu phết/phẩy - ngụ ý rằng, y đã nhân cách hóa và gọi Đà Nẵng là em, chứ không phải phản ánh tình yêu dành cho nàng/ cô nàng vốn là dân Đà Nẵng. “thời gian ơi đừng xốc tung dĩ vãng/ tôi yêu Đà Nẵng/ như mẹ yêu con, như vợ yêu chồng/ như tôi yêu em từ thuở mới lọt lòng”. Em ở đây là địa danh, vùng đất Đà Nẵng. Nơi ấy, y lọt lòng tại nhà thương bà Cách, cách đường Triệu Nữ Vương chỉ một con đường, đường Phan Châu Trinh.

Có lần hỏi, vì sao mẹ đặt con tên Quốc? Bà cụ cười hiền lành, lúc ấy, đúng vào giờ Thìn, bà nghe ngoài đường có loa phóng thanh nhắc nhở người dân nhớ ngày đi bầu quốc hội. Đại khái thế. Đơn giản thế. Mà cũng oái oăm thế. Tại sao oái oăm? Cả đời có bao y thích bầu cử, bầu bì, bầu bán gì đâu mà lại ra đời đúng vào dịp đó? Ông trời chơi khăm thật. Cho luôn một đứa trẻ nít khi lọt lòng mẹ đã khóc bất kể ngày đêm, khóc không dứt, khóc liên tù tì lại ra đời vào cái ngày trang nghiêm đó. Nói thật, không hề đùa. Y khóc nhiều đến độ, mẹ phải “đặc cách” luôn người em bên ngoại, y gọi bằng dì - dì Phi chỉ chăm lo mỗi việc, lúc y khóc phải ẵm bồng, dỗ dành.

Tại sao Đà Nẵng lại sống mãnh liệt trong ký ức, chìm khuất trong tâm hồn như lửa đỏ vùi trong than? Có một điều gì thiêng liêng hơn cả thế chăng? Vì sao thiêng liêng đến độ, y cả quyết đây mới là quê nhà của đấng sinh thành - bất chấp mọi quy ước quen thuộc?

Trước khi trả lời hỏi ấy, thử đọc lại câu ca dao tuyệt hay của xứ Quảng: “Anh nói với em như rựa chém xuống đất như mật rót vào chai/ Chuyện để ngoài tai, không ai đem vào trong dạ, không gài vào trong tâm/ Thương ai chẳng lẽ thương thầm/ Thương thời hũ tượu, trầu mâm tới nhà”. Từ thời xa xưa, ông/bà mình đã nói, rồi thế hệ ba/mẹ mình lại nói, lại hẹn ước. Mâm trầu hũ rượu là biểu hiện của sự giao kèo, gắn kết đời đời kiếp kiếp. Rồi thế hệ tiếp nối sau, con cháu mình cũng chẳng gì khác. Nhà thơ Xuân Quỳnh viết rất đúng: “Tiếng yêu của những ngày xưa/ Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta/ Tiếng yêu từ những ngày xa / Trải bao cay đắng vẫn là vẹn nguyên/ Tiếng yêu anh nói cùng em...”. Tình yêu thủy chung như nước non non nước vững bền theo theo năm tháng. Và tất cả được ấp iu, gìn giữ dưới một mái nhà, trong tiếng Việt, với tình yêu lớn ấy, còn gọi “mái ấm”.

Mái ấm của ba mẹ, của gia đình y là tại Đà Nẵng. Vì lẽ đó, y luôn dành cho vùng đất này, một tình cảm mãnh liệt, không đâu có thể sánh nổi. Làm sao có thể sánh nổi nếu nơi ấy không có căn nhà do bàn tay của ba mẹ tạo lập rồi nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái khôn lớn?

Thời còn nhỏ xíu, còn ê a cắp sách đến trường, ai lại không từng được thầy cô giáo dạy bài hát: “Cái nhà là nhà của ta/ Công khó ông cha lập ra/ Cháu con phải gìn giữ lấy/ Muôn năm với nước non nhà”. Nước non non nước trường tồn theo năm tháng, trong đó, còn có mái ấm của gia đình; nếu để mất đi dấu vết ấy, phận làm con có xứng đáng ngửa mặt trong cõi non non nước nước?

Căn nhà của ba mẹ trên đường Triệu Nữ Vương - thời Pháp đặt tên Rue Labbée, được  xây dựng năm 1960. Trong hồi ức Khêu ngọn đèn xanh, người anh ruột thứ ba của y cho biết: “Trên mảnh đất rộng gần 300 mét vuông này, chủ cũ trồng mấy cây kiền kiền (còn gọi cây nhạc ngựa) to lắm. Trước khi xây 2 gian nhà ngói, ba mẹ tôi cho hạ để lấy gỗ làm đòn và rui mè lợp ngói. Những khúc còn thừa lại thuê thợ cắt ra làm mươi mấy cái thớt, mang về xóm cũ ông ngoại tặng mỗi gia đình hàng xóm một cái để làm kỷ niệm. Còn hai cây dừa ông để lại, một cây dừa lửa, trái đỏ và một cây dừa cơm vỏ xanh. Khi thu hoạch, ông cho mang dừa về xóm cũ biếu mỗi người một cặp uống lấy thảo, và bà con quanh nhà ai cũng có phần”.

Căn nhà này, về sau gắn nhiều với thay đổi khốc liệt của thời cuộc - trước lẫn sau năm 1975. Năm 1968, sau khi, ba y bị tù Côn Đảo về tội chính trị, dù chồng tù tội, một nách nuôi tám người con, trai đầu chưa đầy hai mươi, trai út còn ẳm bồng nhưng mẹ y vẫn cho xây lại mới hoàn toàn. Ngụ ý rằng, dù gia đình đang bị chính quyền o ép, bắt bớ, dọa nạt, theo dõi ngày đêm nhưng bản lĩnh của người phụ nữ xứ Quảng không vì thế mà sợ hải, nhụt chí. “Đàn ông xây nhà, bà xây tổ ấm”, bà cụ đảm đang cả hai công việc cùng một lúc.


2.

Trước lúc ở căn nhà trên đường Triệu Nữ Vương, thuở mới hồi cư về Đà Nẵng, ba mẹ y ở chung với ông bà ngoại, dì, cậu trong khu nhà rộng, nhiều gian tại kiệt 12 đường Hoàng Diệu, xóm Tân Thành, khu phố Nam Dương. Nhớ về căn nhà ấy, căn nhà của ông bà ngoại, trong lòng y luôn nhớ về cái giếng nước ngay đầu sân nhà.

Với y, tuổi thơ đã có những vạt mây trắng. Mây bay trên trời xanh lồng lộng bây giờ đã chìm khuất đâu đó trong trí nhớ, nhưng vạt mây từng soi bóng dưới giếng chắc vẫn còn. Giếng nhà ông ngoại. Cái giếng cũ kỹ ấy là một thời kỷ niệm khó quên. Nước trong vắt. Mỗi chiều, bà con láng giềng thường đến múc nước. Tình làng nghĩa xóm thân mật và gần gũi lắm. Trong y vẫn còn nghe vọng lên âm thanh của những chiếc gầu va vào thành giếng. Âm thanh của tuổi thơ nhiều mộng mị xa vời.

Lớn lên, có lần đọc một khúc dân ca của người Kampuchia, y nghĩ, đã có những cuộc tình bên cạnh giếng. Tại sao? Vì biết đâu trong đám trai làng ngày ấy, chắc rằng đã có lúc, có người tần ngần nhìn xuống giếng sâu và thì thầm trong tâm tưởng:

Anh đi ra giếng một mình

Chiếc bóng dưới nước long lanh đâu rồi?

Chỉ nhìn thấy bóng em thôi

Lúc em tắm để quên nơi giếng này

Y tạm dịch như thế. Và thích tứ thơ này. Khi người con trai thất tình, không thấy bóng mình chỉ thấy hình bóng người yêu năm xưa. Dịu vợi đến ngậm ngùi đau đớn. Ấy là do y tưởng tượng, chứ cái giếng ngay trước nhà ngoại, làm gì có ai dám đứng tắm. Lớn lên, đi xa nhưng mỗi lần nhớ về tuổi nhỏ, trong y vẫn luôn hiện lên hình ảnh cái giếng đó. Nếu biết nói, chắc nó sẽ kể cho tôi nghe nhiều thăng trầm năm tháng đã đi qua. Nó sẽ kể rằng, một ngày nọ, đã xa lắc xa lơ, khi trong nhà không còn một hạt gạo bỗng nhiên sáng mồng một Tết có người đến thật sớm. Đến “đạp đất” mừng tuổi ông bà ngoại y chăng? Không, họ đến để mượn chiếc đòn gánh. Mượn trong ngày đầu năm là điều tối kỵ. Mà lại mượn cái đòn gánh đã mòn trên vai mẹ, các dì từng ngày kiếm sống.

Lạ quá đi chứ?

Nào ngờ đó là một phép lạ. Vì ra giêng ngày rộng tháng dài, bỗng gia đình ông bà ngoại làm ăn phát đạt. Các cậu, dì mua may bán đắt đến diệu kỳ. Những tiệm vàng mang chữ “Vĩnh” như Vĩnh Châu, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận... lần lượt được khai trương - một thời lừng lẫy ở chợ Cồn. Chuyện này, mẹ y đã kể cho nghe trong một ngày đứng bên thành giếng nhà ông ngoại.

Khi đi bộ đội về, việc làm đầu tiên của y là lên lại nhà ông ngoại đề tìm lại ngày tháng tuổi thơ. Kỷ niệm tốt tươi nhất trong đời y vẫn là ngày Mồng một Tết, anh em y mặc quần áo mới chúc ông bà sống lâu muôn tuổi, để rồi được dì, cậu, ba mẹ “lì xì” những đồng tiền mới đựng trong phong bì đỏ chói. Nhưng rồi, y bàng hoàng nhận ra cái giếng ngày cũ đã không còn. Ngày tháng cũ đã mất. Chính vì thế, trong tập thơ Yêu em, Đà Nẵng có một đoạn y viết: “Em đi qua vườn bàn chân bước vội/ Nén nhang thơm trên bàn thờ ông ngoại/ Thơm hoài nỗi buồn về khuya.../ Quay về tuổi thơ không còn ai/ Chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim lăn dài”.

Vì nhiều lý do, các dì, cậu đã bán một phần căn nhà cũ của ông bà ngoại và người mua đã lấp cái giếng ấy, lấy thêm đất dựng nhà. Kỷ niệm cũ của y đã chìm sâu dưới đất. Đã chìm sâu cả trò chơi của tuổi thơ. “Nào oẳn tù tì! Cái gì? Cái kéo/  Cũng kéo co nhau ngày Tết đến rồi/ Nồi bánh chưng cười con chim le lưỡi/ Chơi trò chơi nhỏ em gọi Tết ơi!”.

Bây giờ cũng gọi Tết ơi! Nhưng lại thấy xa xăm quá đỗi...


3.

Trải qua thăng trầm khốc liệt của thời cuộc, ơn trời, phúc đức cha ông còn bền, căn nhà trên đường Triệu Nữ Vương, nơi luu dấu kỷ niệm của đấng sinh thành vẫn còn đến nay. Còn mãi. Nghĩ về Đà Nẵng, y nghĩ về căn nhà ấy. Nghĩ về căn nhà ấy, y nghĩ về ba mẹ. Nghĩ về ba mẹ là nghĩ về năm tháng lọt lòng, cất lên tiếng nói đầu đời bập bẹ gọi ba gọi mẹ.

Mỗi lần về lại căn nhà cũ, bao giờ cũng là lúc: “Cúi đầu chào những giấc mơ/ Tôi về nhà cũ không ngờ gặp tôi/ Gặp lại thơ ấu mừng vui/ Cớ sao giọt lệ ngọt bùi ứa ra?”. Câu hỏi ấy, hơn mười năm trước y đã nghĩ đến, đã hỏi đến từ ngày còn ba, còn mẹ bởi biết rằng rồi cũng sẽ đến lúc đó. Ngày đó đã đến. Đã đến ngày ba mẹ tạo dựng lên căn nhà rồi đi về Hư vô mây trắng.

Này Tẹo - em trai út hãy giữ gìn dấu vết ấy, một ơn sâu của tình cha nghĩa mẹ. Một dấu vết của tháng ngày mãi mãi không bao giờ ta còn có thể hãnh diện: “Tôi vẫn còn có ba có mẹ”. Ngày ấy đã xa. Vĩnh viễn đã xa… Đã không thể nào quay với tháng ngày tươi tốt nhất đời người, ngày ấy, chỉ có thể là ngày còn có mẹ: “Mẹ dậy từ sáng tinh mơ/ Lúc trời còn đặc sương mờ đường xa/ Tối đêm mẹ mới về nhà/ Ở trong giỏ vẫn còn quà cho em/ Em ra đứng đón ở thềm/ Thấy hai gió kẹo em thèm thèm ghê/ Nắng mưa mẹ chẳng có nề/ Chăm lo làm lụng, yêu nghề, yêu con”.  

Trong tiếng Việt có một thành ngữ, dù không được dạy/học nhưng bất kỳ đứa trẻ nào cũng đã từng trải qua: “Chờ như chờ mẹ đi chợ về!”. Suốt đời y sẽ không thể nào quên được nỗi chờ đợi ấy. Trưa  ngủ dậy, lúc nhìn ra ngoài trời nhạt nắng, nhà cửa vắng, ngồi thẩn thờ một mình là cảm giác nhớ mẹ lại ùa về. Mẹ bán ngoài chợ Cồn nào có xa, ấy là bây giờ nghĩ thế, chứ lúc nhỏ làm sao một mình dám đi bộ ra chợ, phải có anh Hai dẫn đi. Nỗi chờ đợi ấy, thỉnh thoảng lại quay về lúc ngoài 50 của những tháng ngày ở chung nhà với mẹ. Tưỡng rằng, “chờ mẹ đi chợ về” chỉ là niềm vui, ngóng đợi của thế hệ y, không đâu, bây giờ và mãi mãi về sau, đứa trẻ nào cũng sống trong tâm cảnh kỳ diệu ấy. Vừa rồi, mới đọc trên mạng một mẩu chuyện nho nhỏ cảm động: “Quà con đâu?”, sẽ là cảm thấy hết sức hụt hẫng khi phải nghe câu: “Mẹ quên mua rồi!”.

Cảm giác thế nào?

Ắt tuần tự như sau: “Nghi ngờ: Mẹ hay đùa ghê. Con không tin”; lục tanh bành cái giỏ mẹ đi chợ rồi nhận ra mẹ chẳng đùa thì y như rằng, giận lẫy: “Không, không biết đâu. Con bắt đền mẹ” rồi khóc òa nên, lăn ra đất ăn vạ. Mặc kệ mẹ dỗ dành, vẫn tủi thân: “Hèn chi người ta nói, mẹ lượm con từ gốc mít. Con biết mà”. Rồi cố tình vớt vát: “Con biết mẹ nói đùa, mẹ nói đi”. Đứa trẻ sẽ toe toét cười, khi nghe câu: “Ừ, Mẹ đùa đấy! Quà của con đây nè!”. Đứa trẻ liền nói một câu bất ngờ: “Con đâu phải mẹ lượm từ gốc mít, há mẹ?”. Y nghĩ, sở dĩ nói như thế và đối với với trẻ còn là một cách xác tín: con đây chính là con của mẹ. Đã là mẹ thì mẹ phải thương, phải yêu và đi chợ về thì… có quà cho con! Tất nhiên phải là thế. Không thể khác. Ôi, yêu quá suy nghĩ hồn nhiên,trong trẻo của đứa trẻ.

Rồi ngày ấy, căn nhà ấy, không chỉ chờ mẹ đi chợ về, chị Ái mình đã từng có lúc thay mẹ nấu cơm. Và nay đã là kỷ niệm của mái ấm đó Tẹo: “Chiều qua mẹ bận đi xa/ Cho nên em phải ở nhà nấu cơm/ Nội đồng thổi gạo tám thơm/ Tính em háu đói chất rơm bốn bề/ Nào ngờ lửa quá thành khê/ Mẹ em nhiếc mãi, thẹn ê cả người…”. Sau này, trong những này cuối đời đã đôi lần chị Ái nhăc lại lúc ngồi bên chân mẹ, nhớ lại: “Cơm thì dưới nát trên khê”. Rồi cả hai mẹ con cùng cười rôm rã. Niềm vui ấy, chỉ có thể là ngày có mẹ. Bài học thuộc lòng năm lớp Nhì, nay quay về trí nhớ đã rung lên nhịp đập thương nhớ, bùi ngùi tưởng chừng như lửa vùi trong tro lại dần dần nhú ngọn…

Quê ngoại là nơi mẹ sinh ra. Quê nội là nơi ba sinh ra. Nhưng với người con, lúc được sống chung với ba mẹ tại nơi nào thì nơi ấy lại là quê nhà. Quê nhà của ba. Quê nhà của mẹ. Một tình cảm thiêng liêng gắn bó. Một nơi chôn nhau cắt rốn. Một tình cảm nồng nàn máu thịt. Không chỉ có thế. Lúc vĩnh viễn rời bỏ cõi trần gian gian hỉ nộ ái ố này, mẹ vẫn còn theo ba, một sự giao kết một đời ngàn kiếp không thể tách rời. Sâu ba thước đất, đấng sinh đã vĩnh viễn nằm bên nhau để con cái cháu chắt có một quê chung: Đà Nẵng.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment