LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.11.2018

HAT-XAM-O-MIEN-NAM-1

 

“Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Lâu nay, vẫn nghĩ thế. Chắc gì đã đã đúng? “Đòn đau” à? Không đâu, thiết nghĩ phải là “lời đau”. Đòn đau, theo năm tháng sẽ quên, sẽ nguôi ngoai; lời lại khác, “lời nói đọi máu” còn ghê gớm hơn nhiều. Thế thì, khi cần thiết, con người ta sử dụng lời nói, cần quái gì phải nghiến răng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân - nhất là trong lãnh vực giáo dục. Ấy thế, vừa qua ở tỉnh nọ, có cậu học trò tội nghiệp phải “hứng” lấy 231 cái tát, từ mệnh lệnh cay nghiệt của cô giáo. “Đòn đau” ấy chỉ đem lại sự thù hận. Một cú tát vào nền giáo dục nước nhà đấy chăng? Nghĩ mà đau. Từ sự việc này, lẩn thẩn nghĩ rằng, ngày xửa ngày xưa, trong sự giao tế, giao tiếp, người Việt luôn sử dụng lời ăn tiếng nói, cần nhắc từ câu chữ, chứ không thèm giải quyết, tiếp cận nhau bằng bạo lực. Thì cứ xem, lối làm quen, tỏ tình ngày trước ắt rõ.

Mà xét ra, ngày nay cách tỏ tình dễ dàng hơn trước. Nếu ngại ngùng, kém tài ăn nói, chỉ cần cái điện thoại cầm tay là đã có thể “thay lời muốn nói”. Khác hẳn thời của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, ít ra phải “Phong thư ngào ngạt hương/ Nét bút đa tình lả lơi”. Dám nói rằng, trước đó nữa, cách tỏ tình phổ biến “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu”, trên sông nước mênh mang: “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm” thì ngụ ý, ngụ tình phổ biến vẫn qua câu hò đối đáp. Hò lên một tiếng cho vui. Điều này cho thấy người Việt rất giỏi trong cách gieo vần, hát hò lẫn sử dụng cách nói xa gần, bóng bẫy. Nét văn hóa Việt là đây, tìm đâu cho xa. Bao nhiêu lứa đôi đã nên duyên chồng vợ từ những cuộc “giao lưu văn nghệ” như thế.

Điều thú vị nhất, ở đây vẫn là cách ăn nói dí dỏm, hài hước mà thâm trầm, ý vị. Ngày nọ, anh chàng nọ muốn làm quen với các cô nàng bèn cất tiếng: “Chào đào, chào lựu, chào lê/ Ai xa tôi chào trước, ai kề chào sau”. Hoặc cũng có thể là: “Bước tới đây cầm chày giã gạo/ Tôi xin chào lê, chào lựu, chào kẻ cựu, người tân/ Trước tiên tôi xin chào anh chị nông dân/ Kẻ xa xôi tôi chào trước, người gần tôi chào sau”. Với cách “mở bài” này, kể ra cũng đã thanh lịch. Thế là cuộc hò đối đáp bắt đầu. Trong quá trình ấy, có lúc các o cũng muốn đùa bèn tinh nghịch thách đố cắc cớ:

Thiếp đưa chàng một nắm bắp rang

Chàng kiếm nơi mô tỉa được, thiếp với chàng trao duyên

Chà chà, khó quá phải không? Cực khó. Bắp đã rang, làm sao còn có thể tỉa, gieo với trồng? Ở Đồng Tháp có câu đố:

Sùm sụp mà đứng giữa trời

Chồng con không có một đời chửa hoang

Trên đầu tóc đỏ như rang

Chỉ tơ vấn vít trong vàng ngoài xanh

Đích thị là trái bắp. Nghĩ cũng lạ, ngoài Bắc gọi ngô/ lúa ngô trong khi đó trong Nam gọi bắp. Cứ theo như giai thoại dân gian, du nhập giống ngô về trồng trong nước thuộc về vai trò của cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, qua chuyến đi sứ nhà Minh vào năm 1597. Thế nhưng theo Vân đài loại ngữ (NXB Miền Nam - 1972) của nhà bác học Lê Quý Đôn thì phải gần 100 năm sau: “Hồi đầu thời Khang Hy (1662-1723), Trần Thế Vinh, người huyện Tiên Phong (Sơn Tây) sang sứ nhà Thanh mới lấy được giống ngô đem về nước. Suốt cả đất Sơn Tây, nhờ có ngô thay cho cơm gạo. Ngô trồng ở Nghệ An, phần nhiều là giống ngô trắng (ngô nếp); ngô trồng ở Lạng Sơn có đủ năm sắc” (tr. 471). Có phải sở dĩ gọi ngô vì nó lấy từ Trung Quốc - còn gọi nước Ngô? Cái nước Ngô ấy còn lưu dấu trong thành ngữ; “Giặc nhà Ngô không bằng bà cô bên chồng”.

Khi trong Nam gọi bắp, có lẽ gọi theo hình dáng của trái chăng? Mà bắp là gì? Cứ theo như Việt Nam tự điển do Hội Khai trí tiến đúc khởi thảo năm 1931: “Vật gì thành đẵn mà hai đầu hơi thuôn thuôn”. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) cho biết: “Loài ngũ cốc, loài hột, có trái bằng bắp tay mà dài; vật nào hai đầu nhỏ, khúc giữa lớn cũng gọi là bắp”. Rõ ràng ngoài Bắc gọi ngô nhưng trong Nam gọi bắp là gọi theo hình dáng của trái. Nghĩ thế, bèn lấy vui vì ít ra suy luận này cũng có thể chấp nhận được. Vì đang vui nên đọc thêm một câu đố nữa:

Thân em da đỏ hồng hào

Hàm răng đều đặn, tóc đào ngang lưng

Lúc em còn ở ngang hông

Áo dăm ba cái mẹ bồng trên tay

Lúc em về cửa nhà anh

Anh thương anh lại lột trần em ra

Đố ai biết trái gì? Dễ ợt, trái bắp/ ngô. “Thiếp đưa chàng một nắm bắp rang/ Chàng kiếm nơi mô tỉa được, thiếp với chàng trao duyên”. Câu hò này, không chỉ đố, còn là cách thăm dò ấy người thanh hay kẻ tục. Nếu kẻ tục tằn, thô lậu ắt lanh lảnh mà rằng: “Em chết ba năm rồi sống dậy đi lấy chồng/ Bắp rang anh tỉa mọc tràn đồng cho em coi!”. Thử hỏi, có lấy lòng được o thôn nữ ấy không? Ắt không. Có người dí dỏm đến tinh nghịch: “Ở mô mà nắng không khô/ Mà mưa không ướt, đúc vô mọc liền”. Ở mô là ở đâu. Đúc là gieo. Cũng có thể là dị bản: “Bên em có miếng đất hoang/ Ba năm không có nước/ Hạn sáu tháng không khô/ Em sẵn lòng trao cho anh trỉa, trỉa vô mọc liền”.
Câu hò vừa dứt, lập tức có tiếng cười rôm rã vang lên. Tại sao lại cười? Ai hiểu sao thì hiểu. Đã hiểu, ắt phải há miệng ra cười đó thôi. Có như thế, họ dễ dàng làm quen với nhau hơn. Thế mới biết, người bình dân, dù chữ nghĩa không nhiều nhưng khi cần nói thanh về cái tục, họ thừa khả năng biến hóa, sắp xếp các con chữ. Cô nàng lại thăm dò xem chàng ta đã vợ con thế nào, bèn hỏi bâng quơ:

Vợ anh chết đã ba năm

Đêm đông lạnh rứa, anh nằm với ai?

Vốn thông minh, chàng ta bèn đáp cũng bâng quơ:

Em hỏi chi chuyện ấy mà mất công

Nóng thì anh nằm ngủ thẳng, lạnh thì nằm ngủ cong, khó gì?

Vậy là huề trớt, dù có trả lời nhưng vẫn né khôn khéo đấy chứ? Hò đối đáp, tưởng dễ, ừ dễ, nhưng tâm địa thế nào e khó giấu. Với câu trò dò hỏi ấy, có kẻ đã “mất điểm” bởi trả lời bằng cách cay cú hỏi lại:

Tiếng đồn em lấy chồng già

Đêm nằm em thấy ớt, cà ra răng?

Nghe lỗ mãng quá, bực mình không? Cô nàng bèn thẳng thừng:

Tre già còn dẻo hơn măng

Ớt, cà già có hột, chớ hơn thằng ớt tơ

Chỉ bằng trái ớt, lại ớt tơ/ ớt non nữa chứ, liệu có nên cơm cháo gì? Nghe chua chát quá, chàng kia “nốc ao” cái chắc! Tình hình đã đến nước này, “tẩu mã vi thượng sách” là hơn. Thế nhưng có kẻ lại cố níu: “Chờ em cho mãn kiếp chờ/ Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông”, quả nhiên, câu hò trả lời chỉ có thể là: “Rau muống trổ bông lên bờ nó trổ/ Ai biểu anh chờ, anh kể công lao?”.

Thế đấy, đừng tưởng hò đối đáp chỉ cho vui - một cách để quên đi lao động nhọc nhằn, đêm khuya canh dài, nhọc nhằn mồ hôi. Tùy tâm tính, có thể là tiếng rao lên ngọt ngào, thành thực: “Đêm thanh gió mát, nghe đó hát cũng thỏa tâm tình/ Gặp anh đây là bán lộ trình/ Bớ quân tử ơi! Hỏi thăm quân tử gia đình ở đâu?”. Câu trả lời lai thanh lịch không kém: “Nước biếc long lanh, người bạn lành thiệt là khó kiếm/ Anh dạo chơi cũng hiếm, chưa lựa được chỗ nào/ Em ơi! Mãng lo buôn bán ra vào Cần Thơ”.

Nếu thấy “kết model”, họ có thể tiến xa hơn, tất nhiên cũng bằng các câu có vần có điệu cho dễ lọt lỗ tai để không bị mang tiếng “dạy đời”: “Đó có nghĩ tình đây thì rượu say đừng uống/ Chớ muốn bài cào/ Chớ đắm mấy chị đào, chớ mê vào á phiện/ Khuyên anh bốn chuyện, anh khá ghi lòng/ Anh ơi! Ráng lo buôn bán, em sợ phòng dặn anh”. Chàng trai đáp lại cũng dặn dò: “Bậu có thương qua, khăn bà ba đừng đội/ Phường hát bội đừng mê/ Bài cạc-tê đừng mắc, tứ sắc đừng ham/ Cứ chuyên nghề nghiệp mà bậu làm/ Bớ em bậu ơi! Dẫu thất cơ lỡ vận, anh cùng làm với em”.

Nghe câu này, những kẻ hậu sinh như chúng ta đây ắt ngạc nhiên, vì sao “Khăn bà ba đừng đội”? Chịu chết, không thể lý giải nổi. Trong khi đó, áo bà ba lại được khen là đẹp, duyên dáng. Nhà văn Sơn Nam ghi nhận trong quyển Văn minh miệt vườn: “Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho miệt vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học, là nơi có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba)”. Không những thế, ca dao còn có câu: “Thấy em bận áo bà ba trắng/ Anh muốn gắn chữ duyên/ Rồi mai lưu lạc, anh tìm em cho khỏi lầm”. Thế thì, khăn bà ba” ra làm sao mà chàng trai dặn dò cô nàng “đừng đội”?

Cái hay của hò đối đáp còn là lúc họ đặt ra tình huống. Không dễ dàng trả lời, nếu không thông minh, có tài ứng đối. Nữ: “Hò ơ, phụ mẫu tôi với phụ mẫu mình/ Đi chung một chiếc thuyền tình/ Bị trận giông chìm xuống, tôi hỏi mình vớt ai?”. Chà, khó thiệt. Nào ngờ, nam cất giọng ngọt như mía lùi: “Hò ơ, tình ơi chớ hỏi chi tình/ Phụ mẫu tôi với phụ mẫu mình, tôi vớt để hai vai/ Còn như mình cũng mang tai/ Thì tôi vội vã hai tay tôi vớt mình”.

Mà này, một khi đã yêu nhau, ai lại không ước mơ, ngóng đợi từng ngày để được sống chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung gối? Cha chả là khoái. Muốn thế, phải tổ chức cưới nhau, chứ đời nào yêu nhau là cứ việc vác vali về nhà người tình ở chung. Thiên hạ cười cho thúi mũi. Xưa cũng thế, nay cũng thế. À, muốn cưới hỏi nhưng nghèo quá thì thế nào nhỉ? Ta đừng vội cười anh chàng trong ca dao: “Dẫu cho nhà dột cột xiêu/ Anh muốn cưới vợ sợ nhiều miệng ăn”. Về phần cô gái nếu cũng nghèo, do đó, khi bàn về chuyện cưới xin mới dò hỏi: “Một trăm quan tiền còn nằm trong rọ/ Em hỏi anh rằng: “Đi họ mấy mươi”?”. Chàng trai nghênh mặt: “Họ anh vừa gánh vừa khiêng/ Nội trong xóm giềng đi đã ba trăm”. Thoạt nghe, cô gái đã kêu lên hoảng hốt: “Anh về bớt họ anh ra/ Phận em đơn chiếc cửa nhà đơn côi”.

Chàng trai thấy cần phải đòi hỏi “đến nơi đến chốn”, cho bỏ lúc bị nhà gái thách thức: “Em đòi vàng anh cũng đi vàng/ Mua gấm lót đàng cho họ anh đi”. Nghe thế, cô gái giận dỗi, thẳng thừng: “Anh về nói với họ anh/ Có đi thì cắp chiếu manh mà ngồi”.  Mới là “khúc dạo đầu” nhưng đã nghe tiếng bấc tiếng chì. Người ta còn mặc cả về ăn mặc, đi đứng, chẳng hạn, nhà gái ra điều kiện: “Chàng cưới thiếp bạc nén, vàng thoi/ Chàng về lựa họ cho hẳn cho hòi/ Đàn ông đội nón Gò Găng quai tả/ Đàn bà nón thượng quai liền/ Con trai đi hậu vác tiền/ Mặc áo màu huyền, bịt khăn nhiễu lượt/ Võng chàng đi trước, võng thiếp theo sau/ Thiên hạ ngó vô: Đám cưới nhà giàu/ Sui gia cũng xứng, kép đào cũng xinh”.

Nói thì nói thế thôi. Nếu đã yêu nhau, đã thề thốt muốn sum họp “như chim liền cánh như cây liền cành” thì họ ắt có cách giải quyết ổn thỏa. Và y đây, bao giờ cũng cầu mong cho họ: “Đôi ta đứng đẹp một bên/ Đứng dưới chiếu nhứt lạy lên bàn thờ”...

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.11.2018

 

mot-giac--thanh-thi-5RRR

Nhố nhăng thế. Vâng, rất nhố nhăng. Mấy hôm nay, báo chí ầm ầm lên tiếng về việc anh chàng nọ du lịch sang Nhật, chẳng rõ nổi cơn gì bèn ghi cái tên của mình to chình ình lên phiến đá tại khu thành cổ Yonago (tỉnh Tottori). Muốn lưu danh thiên cổ chăng? Viết bậy, vẽ bậy kiểu này, còn có thể nhìn thấy ở nhiều danh lam thắng cảnh trong nước. Mỗi người sinh ra đời đã có một cái tên. Thế nhưng làm nên cái tên ấy là một sự nỗ lực phi thường, bền bĩ, chứ nào phải viết nghệch ngoạc nơi công cộng.

Nếu gặp phải Hồ Xuân Hương ắt bà nghiêm mặt mắng cho: “Ai về nhắn nhủ phường lòi tói/ Muốn sống đem vôi quét trả đền”. Lòi tói là quá dốt nát, để lộ ra cái sự dốt nát. Lòi là lộ ra, ló ra. Nhưng từ này còn có nghĩa chỉ sợi dây xích sắt lớn thường dùng buộc thuyền, tàu. Từ “tói” dù nghĩa dây dùng để trói, Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes(1651) giải thích là xiềng xích nhưng nghe nhắc đến nó, lập tức người ta nghĩ ngay đến “ói”. Thế thì, cái tên ghi bậy bạ nơi di tích lịch sử, văn hóa như một cách “ăn theo” chỉ khiến thiên hạ muốn ói.

Mà tiếng Việt cũng lạ kỳ. Dám nói rằng những từ “ằn” và “ắn” khác xa nhau lắm. Thử thí dụ xem sao? Dễ ợt. Nào là cằn nhằn, tục tằn, cục cằn, già khằn, bà chằn, nhọc nhằn, cười gằn, vụn vằn, cẳn rẳn cằn rằn, thù hằn… nghe muốn oải quá. Trong khi đó, với “ắn” luôn gợi lên một sắc thái tích cực hơn, chẳng hạn, xinh xắn, nhỏ nhắn, may mắn, đẻ mắn, vuông vắn, thẳng thắn, siêng sắn, đúng đắn…  Có lẽ người trước nhất đã phát hiện ra điều này là nhà văn hóa Lê Văn Siêu chăng? Đại khái, trong quyển Việt Nam văn minh sử (NXB Văn Học - 2006, ông đã liệt kê và hệ thông “âm tượng hình” tiếng Việt, cả thẩy 22 bộ. Chẳng hạn, “Bộ tròn:

a)  Với những âm gốc ong, ung, ông, chính khi nói cũng phải phồng má cho người đối thoại nhìn thấy hình cong. Bộ âm này dùng diễn tả những cái hình tròn, cong như: cái nong, cái võng, cái lọng, cầu vồng, quả bóng, cái vòng, thòng lọng, cái bụng, bong bóng v.v…

b) Với những âm gốc oăn, oan, uôn, uân, để diễn tả hình tròn nhiều lần, lại có thêm sức người làm cho tròn nữa như: quăn, ngoằn ngoèo, xoắn, quấn, khoan, xoăn xoe, băn khoăn, luẩn quẩn, uốn éo v.v… Khi nói miệng người ta cũng phải làm như đánh một vòng tròn từ trong ra.

c) Với những âm gốc oay, uây, oai, tả sự cử động theo chiều tròn của người hay vật như: quay, xoay, ngoai ngoái, ngoáy, khoáy, quây, loay hoay v.v… Khi nói miệng cũng tự hồ làm nhịp cho cử động ấy.

d) Với những âm gốc eo, ua, oa, ơ, ưa tả hình tròn nở lớn ra như xòa, nhòa, hoa, loe, xòe, lở, nở, chửa v.v… Chính miệng nói cũng nở tròn như động tác ấy.

e) Với những âm gốc om, ôm, um, tả vòng tròn hõm sâu xuống hay dưới một vòm của hang động như: thom lỏm, tõm, lổn ngổm, lùm tum, lom khom, dòm, nom, lồm cồm v.v… Khi nói môi cũng mím lại, và mắt mở chừng chừng như nom dòm cái gì phía dưới” (tr. 97).

Gần đây, BS Nguyễn Đại Bằng có viết quyển sách Quy luật âm nghĩa và những đơn vị gốc tiếng Việt (NXB Văn hóa Thông tin - 2006). Đọc thú vị. Đại khái, theo ông, nguyên âm O biểu thị hình dạng cong tròn hoặc trạng thái co vào giảm đi. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Và ông liệt kê, con, cỏn con, con mọn, nhỏ mọn, tỏn mọn, mòn, hòn, héo hon, non, tí hon, đỏ hỏn, lon ton, mon men, rón rén, gọn thon lỏn, dọn, thu dọn, ngọn, nhọn, thon, vón, vỏn vẹn, són, bòn v.v… Ngoài ra, tròn: tròn, làm tròn, trọn, làm trọn, trọn vẹn, vẹn tròn… (tr.22).

Về “âm tượng hình” trong tiếng Việt, chắc chắn không riêng gì các bậc phụ huynh đặt tên cho con, ngay cả nhà văn đặt tên cho nhân vật dù muốn dù không họ cũng tự liên hệ đến. Nếu xét theo quan niệm của Lê Văn Siêu, nhà văn Nam Cao khi đặt tên nhân vật là Chí Phèo, tức ông đặt theo “Bộ méo: với những âm gốc eo để diễn tả hình méo, mà chính miệng khi nói cũng méo trẹo qua một bên: méo, vẹo, nghẹo, chéo, héo queo, teo, đèo v.v…”.

Lại nữa, có những cái tên, thoạt nghe, ta có thể đoán biết người đó sinh ra từ vùng miền nào. Vì lẽ đó, khi viết về một nhân vật nói tiếng Sài Gòn, sinh ra tại Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Công Hoan cho biết, cái khó nhất không phải nghĩ ra tình tiết, cốt truyện mà chính là phải đặt cái tên ra làm sao. Nếu nhân vật nổi tiếng nhất của Nam Cao là Chí Phèo, của Vũ Trọng Phụng là Xuân Tóc Đỏ, của Ngô Tất Tố là chị Dậu… thì của Nguyễn Công Hoan vẫn là Kép Tư Bền. Hãy nghe ông kể vì sao “khai sinh” ra cái tên độc đáo này: “Đến cái tên Kép Tư Bền, tôi phải nghĩ kỹ hơn mới tìm ra. Đây là anh kép hát người Sài Gòn. Tên Sài Gòn, thường đặt dưới thứ bậc như hai, ba, tư vân vân. Kép ở rạp Quảng Lạc thời bấy giờ, tôi đã thuộc những cái tên như Sáu Phú, Bảy Nhã, Tám Hương. Sáu, bảy, tám thì cố nhiên mang màu sắc Sài Gòn rồi, nhưng Phú, Nhã, Hương thì người Hà Nội cũng được, người Huế cũng được. Tôi nhớ Sài Gòn hay nói Phước, Thạnh chứ không nói Phúc, Thịnh. Nhưng chưa đặc biệt bằng cái tên gì nó nôm na. Ngày ấy, có ông hội đồng quản hạt là Trương Văn Bền. Thấy tiếng Bền nó Sài Gòn quá, không thể lẫn với Hà Nội, với Huế được, tôi mối đặt cho vai chính của truyện là Kép Tư Bền”.

Dù rằng, Bền là cái tên “Sài Gòn quá” nhưng nếu Kép Tư Bền chỉ chạy cờ trong rạp hát, không có tài năng: “nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta, các khán quan cũng đủ phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp”; nếu ông Trương Văn Bền chỉ có chân trong hội đồng quản hat, không sáng chế ra Xà bông Cô Ba thì sao? Thì chẳng một ai buốn nhớ đến nữa.

Đúng là thế. Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, đời mỗi người, cái tên mỗi người chỉ có thể là một bình hoa. Bình hoa nào cũng “bình đẳng” ngang ngửa như nhau. Làm nên tiếng tăm về sau, là cái bình hoa ấy đã cắm vào những hoa gì? Hoa tươi thắm? Hoa héo khô? Hoa mơn mỡn xuân xanh? Hoa héo rủ? Thậm chí, chẳng có cành hoa gì sất. Nghĩ thế, bèn viết: “Mỗi người sinh ra là đã một bình hoa/ Chịu trách nhiệm đã gắn gì vào đó/ Cuộc đời tôi tự ý thức thế nào?/ Hỡi sắc hoa những gam màu rực rỡ?”. Viết tặng cho chính y? Không, xem như là lời dặn dò bé nhóc đầu lòng, vừa đầy tháng.

Đôi khi cha mẹ đặt tên thế này, nhưng rồi khi sáng tác người ta lại bỏ đi một chữ. Chẳng hạn, Phạm Duy Cẩn (nhạc sĩ Phạm Duy), Nguyễn Duy Nhuệ (nhà thơ Nguyễn Duy)… Hãy dừng lại với Đinh Văn Cường. Rõ ràng, một cái tên lạ hoắc lạ huơ chẳng mấy tiếng tăm gì, nhưng Đinh Cường thì thiên hạ biết đến. Đinh Cường tên thật Đinh Văn Cường, sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, học ở trường Pétrus Ký niên khóa 1951-1957. Ông là một trong những họa sĩ rất nổi tiếng của miền Nam.

Thuở nhỏ, y rất thích tìm mua những tập nhạc của Trịnh Công Sơn do NXB Nhân Bản, An Tiêm ấn hành cũng một phần vì thich bìa, phụ bản của Đinh Cường. Rồi gần đây, trong quá trình sắp xếp lại báo chí Sài Gòn cũ đã sưu tập, tình cờ y được đọc bài tập làm văn của Đinh Cường năm học đệ Tứ (lớp 9 hiện nay). Qua đó, ít nhiều ta có thể thấy được thiên hướng của một người về sau không chỉ họa sĩ mà còn làm thơ.

Thập niên 1950 tại Sài Gòn, Đời mới - một tuần báo chuyên về xã hội, văn hóa, nghị luận - tòa soạn tại “117 đại lộ Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn; điện thoại: 793” có tổ chức cuộc thi “Bài luận văn hay nhứt lớp” nhằm chọn in các bài của học sinh trung học - ngoài số điểm cao, còn có lời phê của thầy cô giáo. Bài được đăng, tòa soạn gửi biếu 2 tờ báo, không có nhuận bút. Trên số báo 159 (tuần lễ từ 20.3 đến 27.3.1955), Đời Mới đã chọn in bài dự thi số 12: “Của Đinh Văn Cường, Đệ tứ D, trường Pétrusky. Lời phê của giáo sư: Lý luận khá, lời văn dồi dào”. Số điểm: 13 trên 20”.

Đề bài luận văn như sau: “Trong Việt ngữ, có cái gì đáng quý hơn cả?”. Cậu học trò lớp đệ Tứ là Đinh Cường đã chọn thơ, vì: “Thơ không phải là một bài văn xuôi, một lá truyền đơn, một tờ quảng cáo… Thơ chỉ là một thoáng rung cảm. Nguồn rung cảm trước ngoại giới ngày nay ghi lên mặt giấy, không phải là mây, gió mà là bác phu xe, thằng cu Tý, em bán bánh mì, sự chua xót quằn quại của xã hội. Nguồn rung cảm được ghi lên mặt giấy bằng âm điệu và sự nhịp nhàng. Đành rằng nguồn rung cảm của giai cấp bình dân khác xa nguồn rung cảm của trí thức. Nhưng xét qua ca dao, tôi vẫn thấy có những câu thâm thúy lạ thường. Phải chăng ca dao là tiếng nói của giai cấp bình dân phản ánh trung thành tâm hồn mộc mạc và bình dị”.

Đáng ngạc nhiên, ở trình độ lớp 9 mà đã có được những nhận xét chỉn chu ấy. Sau lập luận đó, tác giả đi vào phân tích các câu ca dao mà mình yêu thích. Chẳng hạn, “Còn gì vui thích hơn khi đi ngang qua một thửa ruộng, được nghe những dân quê vừa cấy vừa hò: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.  Tạm dừng lại ở đây để nói thêm rằng, không riêng gì Đinh Cường thuở ấy mà ngay cả thời điểm này, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn, vì hai câu đó chính là thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân.   

Từ tháng 7.1967, trên nội san Trường Bưởi của Hội Ái hữu cựu học sinh Trường Bưởi (nay trường Chu Văn An - Hà Nội) in tại Sài Gòn, Bàng Bá Lân có viết rõ sự việc nhà theo yêu cầu của nhà văn Lãng Nhân. Theo đó, đây là 2 câu thơ này trích từ bài Tiếng hát trong trăng in trong tập thơ Tiếng thông reo (in năm 1934). Năm 1957, chọn in lại trong tập Thơ Bàng Bá Lân, bài thơ trên đổi tựa là Trăng quê: “Trời cao, mây bạc, trăng tròn/ Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non/ Diều ai gọi gió véo von/ Cành xoan dìu ánh trăng suông dịu dàng/ - Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi”. Có một điều thú vị, khi đi trở thành ca dao, câu cuối lại phổ biến thành: “Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Sở dĩ “lái” qua chuyện Bàng Bá Lân là do hiện nay, sự tranh luận về câu “ca dao” trên vẫn chưa kết thúc, có thể kiểm chứng từ Goolge.

Ta hãy trở lại với bài luận của Đinh Cường. Sau khi trích dẫn ca dao trên, tác giả đề cập đến thơ: “Thơ là nguồn an ủi đối với tôi. Giúp sức đấu tranh cho tôi khi bị những hình ảnh yếu mềm xâm chiếm. Khi nghe: “Phất ngọn cờ lên tung bước lên/ Với kho hùng khí của thanh niên/ Vang lừng trăm trận, rang trăm trống…”. Những hình ảnh mềm yếu đã tan mất và thơ đem lại cho tôi một sức tranh đấu mạnh mẽ hơn. Những lúc nhớ quê nhà tôi lại đọc: “Ai về với quê hương ta tha thiết/ Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng”.

Những câu thơ này của ai?

Điều khiến ta kinh ngạc, đó chính là thơ của Tố Hữu, trích từ các bài Đứng dậy thanh niên, Ta đi tới! Vấn đề đặt ra là Đinh Cường đã tìm đọc từ đâu; hay do các thầy cô đã giảng dạy trong nhà trường? Điều này, ít cho thấy thuở ấy, thơ của tác giả Từ ấy đã bí mật len lỏi vào tầng lớp thanh thiếu niên ở Sai Gòn. Và thật bất ngờ, Đinh Cường viết ở phần kết luận: “Trong một nước, một xã hội, tinh thần của dân chúng mạnh mẽ là nhờ nền văn hóa cao, mà thơ chiếm một phần trong nền văn hóa ấy”. Có ai dám tin một cậu học trò đệ nhất cấp đã có được suy nghĩ ấy, nếu không nhìn thấy rõ ràng trên giấy trắng mực đen?

Tóm lại, làm nên cái tên của một người, trước hết phải là tài năng của người đó. Chứ nào phải hễ đến nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa viết bậy bạ, ghi lảm nhảm, ngớ ngẫn cái tên mình tại đó. Cái tên đó xuất hiện trong ngữ cảnh đó, chẳng khác gì ai đó xuẩn ngốc vén quần tè vào bình rượu ngon trong buổi đại tiệc. Nếu bị phát hiện thì sao? Ắt bị thiến ngay. Có phải thế không?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.11.2018

mu-coi-quoc-phong-chat-luong-cao-qua-tang-1m4G3-6CIxDs_simg_ab1f47_350x350_maxb

Vừa khảo sát lại tài liệu để xem thời bé, các nhà văn nổi tiếng đã học văn thế nào? Họ học ra làm sao để về sau trở thành người giỏi tiếng Việt? Trong khi đó, hiện nay môn Ngữ Văn đã và đang khiến các em chê ỏng chê eo. Có một điều nhận ra, hầu hết đều có mẫu số chung là họ đã được làm quen với vần điệu du dương từ ca dao, tục ngữ, từ Nhị độ mai, Thạch Sanh - Lý Thông, Trần Minh khố chuối… đến Truyện Kiều qua lời ru của mẹ, ông bà, cô, dì, chú, bác. Kỳ lạ ghê, dù đang còn nằm nôi hay mới vừa chập chững, lẫm chẫm tập đi thì những lời ru ấy, về sau họ vẫn nhớ như in trong óc. Nó thâm nhập vào óc, vào tim, vào máu như một dưỡng chất để nuôi dưỡng tâm hồn. Lúc cầm bút viết, họ lại nghe vọng lại sự nhịp nhàng, réo rắt. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng vậy. Không gì khác. Y cũng thế thôi. Sực nhớ lời mẹ ru:

Vô duyên dầu mặc hoa

Áo ra đàng áo, người ra đàng người

Có duyên dầu mặc áo tơi

Đầu đội nón cời duyên vẫn còn duyên

Đã nghe tự bao giờ, sao nay còn nhớ? Lại nhớ đến bài học thuộc lòng cực hay, có nhắc đến một loại nón, nay đố ai nhìn thấy:

Ai bảo chăn trâu khổ nào

Chăn trâu sướng lắm dạt dào niềm vui

Bãi xa, sân rộng, chân đồi

Lưng trâu ngất nghểu, rong chơi khắp làng

Nón mê chẳng khác tàn vàng

Roi tre vung vẫy nghênh ngang một vùng

Nón mê là nón cũ, rách nát. Mà nón rách cũng gọi nón cời. “Ông già ông đội nón cời/ Ông ve con nít, ông trời đánh ông”. Đánh là phải rồi. Già mà không nên nết. Lại nhớ lúc lên trung học, học bài văn tế của cụ Đồ Chiểu, có câu: “Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ”. Thế, nón gõ là nón gì? À, loại nón làm bằng tre ghép, vừa vặn cái đầu mà binh lính thời xưa thường đội. Trước đó nữa, người lính nước Nam đội nón dấu. Dấu vết ấy, còn lưu lại trong câu ca dao: “Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Ðầu đội nón dấu vai mang súng dài” - một loại nón cũng bằng tre nhưng trên đỉnh có chóp. Lại nhớ, nhà văn Khái Hưng tập truyện ngắn Đội mũ lệch. Cái mũ, hiện nay đã quá quen thuộc, thế nhưng từ bao giờ người Việt… đội mũ?

Câu hỏi nghiêm túc cứ nghe như đùa. Đã lâu lắm rồi, mua được bộ Công nghệ mới Việt Nam (4 tập) của Tòa Tu thư Phủ Thống sứ Bắc Kỳ do Phượng Nam soạn thập niên 1930, trong đó có đoạn: “Đầu thế kỷ XX, khi sang giao thương làm ăn tại Việt Nam, người ngoại quốc vẫn đội thứ mũ làm vải mềm. Loại mũ này gọn, nhẹ và mát. Trong khi đó, người Việt Nam ta dù mặc Âu phục hoặc khăn đóng áo dài thì vẫn đội khăn xếp hoặc che dù hoặc đội nón. Nhận thấy loại mũ này nhiều ưu điểm nên ta dần dần sử dụng theo, nhưng phải mua của người nước ngoài, dù vậy hàng vẫn không đủ bán. Khoảng từ năm 1912, ông Crévost là Chánh Viện Bảo tàng Maurice Long đã truyền nghề làm mũ bằng vải cho ông Nguyễn Như Khuê tại Hà Nội. Ông Khuê sau khi học được nghề đã truyền lại cho nhiều người khác và mở cơ sở sản xuất tại Hà Nội”. Thông tin chỉ có thế.

Thế thì, câu thành ngữ Mũ ni che tai ra đời từ lúc nào? Khỏi cần dài dòng, ai cũng hiểu rõ nghĩa bóng, đại khái chỉ thái độ cầu an, giả điếc làm ngơ hoặc không quan tâm những sự việc xảy ra xung quanh, nói cách khác là không can thiệp, không ý kiến ý cò, không tọc mạch, không thèm quan tâm tìm hiểu chuyện thiên hạ, ai nói/ làm gì cũng mặc, cứ “phớt tỉnh Ăng lê”. Mũ ni có phải là loại “mũ làm bằng len, sợi, có diềm che kín tai, thường dùng cho người già” như Đại từ điển tiếng Việt giải thích? Đúng thế, nó còn là loại mũ dành cho người xuất gia, tu hành, truyện thơ Nôm Nhị độ mai có câu: “Gác ngoài phú quí một tràng/ Mũ ni, tràng hạt, quyết đàng xuất gia”.

Với y, một điều đáng ngạc nhiên, có thể liệt kê ra thêm nhiều loại mũ nhưng tại sao từ điển nước nhà lại không ghi nhận nón mũ cối/ nón cối? Trước năm 1975, nếu từ điển in ấn trong Nam không ghi nhận đã đành nhưng từ điển ngoài Bắc cũng chẳng khác gì. Thậm chí,  bộ Đại từ diển tiếng Việt (1999) của Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Viêt Nam thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo không quên nốt. Có thật không đấy?

Hãy xem ở phần mũ, chỉ có: mũ bạc, mũ biên phòng, mũ bê-rê/ mũ nồi, mũ bình thiên, mũ bịt tai, mũ cánh chuồn, mũ cát-két/ mũ lưỡi trai, mũ chào mào/ mũ ca lô, mũ mãng, mũ mấn, mũ miên, mũ phớt, mũ tai bèo, mũ trụ; phần nón chỉ có: nón bài thơ, nón chân tượng, nón chóp, nón cời, nón cụt, nón dấu, nón dứa, nón gõ, nón lá nón mê, nón ngựa, nón quai thao, nón thúng, nón tu lờ. Rõ ràng, không chỉ mũ cối/ nón cối mà còn nhiều loại khác cũng đã bị bỏ sót. Về cái nón cối/ mũ cối ấy đã đồng hành trong cuộc chiến tranh dài đằng đẵng, do đó quên loại nào không sao chứ nếu quên nó thì e khó chấp nhận.

Sau khi đã mày mò, mọt sách qua nhiều quyển từ điển vẫn không tìm thấy, may quá, gần đây Phương ngữ Nam Bộ (2015) của nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên có ghi nhận: “Nón cối: a. Loại nón cứng trũng lòng, đáy tròn làm bằng cây mướp sác bào mỏng dán lại, ngoài phất vải kaki dày; b. làm bằng nhựa cứng, phất kaki xanh chế tạo ở miền Bắc”. Cách giải thích này, ta bàn sau nhưng đáng quý là đã được nhắc tới nón cối.

Nhân đây, nói luôn, một khi ai ai cũng gọi nón cối/ mũ cối thì Bách khoa từ điển quân sự Việt Nam (NXB Quân đội nhân dân-2004) do Bộ Quốc phòng biên soạn lại gọi “nón cứng”. Đọc và hiểu rằng, nó có hình dáng gọn, quả mũ hình bán cầu, xòe ra ở phần tán, đại khái thời “chín năm” được làm bằng phương pháp thủ công, đan bằng nan tre, ngoài lợp vải dù, quai bằng sợi dâu dù, còn gọi “mũ nan”. Sau năm 1975, ở miền Bắc đã có xưởng sản xuất, cốt  mũ làm bằng gỗ xốp nhẹ hoặc bằng bột giấy ép định hình trên khuôn nhôm, bên ngoài cốt lợp vải chéo, trong lòng được sơn và và gắn cố định vành cầu bằng cốt tre đan có bọc bên ngoài. Tất nhiên có quai bằng da hoặc vải giả da. Về sau nữa, nó lại cải tiến công nghệ là làm bằng bột gỗ, có keo tổng hợp chống thấm…

Những ai đã từng đi bộ đội ắt có tình cảm, cảm nhận về cái mũ cối/ nón cối này. Cụ thể ra làm sao? Hãy nghe nhà kịch Đoàn Tuấn tâm tình vài kỷ niệm của người lính thời chiến tranh Tây Nam: “Khi qua suối qua sông, lính vục mũ, múc nước, ngửa cổ uống ngon lành. Có thể chuyền tay nhau uống nữa. Khi đi cải thiện, hái rau rừng, mũ biến thành cái rổ. Nhỏ xinh. Khi đi tắm, mũ biến thành cái chậu đựng đồ. Tuy không có xà phòng, nhưng áo quần vẫn thơm phức mùi mồ hôi dầu của lính. Đang hành quân, dừng nghỉ, ngay lập tức, lính ngả mình trên đất, ngửa mũ ra, làm thành cái gối. Mái đầu nằm gọn phía trong, lại có vành mũ như tấm rèm che nắng, kém chi giấc ngủ nơi thiên đường. Cũng có người úp mũ xuống đất, gối đầu lên. Giấc ngủ kéo đến liền. Lạ thay, anh ta cứ ngủ vậy. Không trở mình sang phải hay trái.

Ở An Lungvieng, khi trung đội vận tải không còn xoong lấy cơm (vì khi đi truy quét, đêm ngủ, nước lũ tràn về, xoong chậu trôi đi hết), lính phải mang mũ cối đi lấy cơm. Có sao đâu! Nhưng đôi lúc, mũ biến thành vũ khí. Khi ở Choăm Sre, thấy hai lính uýnh nhau, cầm mũ cối xông vào, đập loạn xạ. Đại trưởng cầm AK, lia một loạt lên trời, cả mới tạm ngưng chiến. Nhưng đến tối lại ôm cái mũ vào lòng và uống... hà thủ ô bên nhau. Lính là thế!

Có điều mũ cối của ta tồi, không bền. Mới dùng mấy tháng, vải đã sờn, mép đã quăn, rạn vỡ. Minh sứt xé hết vành, còn lại cái chỏm, chụp lên đỉnh đầu. Đính vài cái lông con công lên. Trông như nhà ảo thuật. Hành quân qua phum, dân trố mắt. Trẻ con cởi truồng chạy theo, cười reo. Minh sứt gườm gườm nhìn. Trợn mắt. Lũ trẻ khóc thét. Minh lại nhe răng cười. Đùa tí cho vui. Có lính mới về. Hôm trước đến đơn vị. Hôm sau đã hy sinh. Kiểm nghiệm di vật tử sỹ. Ba lô, quần áo thì gửi về gia đình. Mũ thì giữ lại. Anh em không có mũ tranh nhau. Đời lính ngắn hơn đời mũ.

Hôm đi với C7, lính vướng mìn. Y tá Vương nhăn mặt. Nhặt nhạnh những mảnh thịt bay tứ tung, trộn đầy đất cát, bỏ vào mũ cối. Về nấu nước nóng, rửa sạch, chôn cùng tử sỹ. Sau đó, mới rửa mũ. Không có xà phòng, lấy cỏ và lá rừng chùi cho đỡ mùi tanh. Đội tiếp. Có thấy gì đâu! Mũ lính, một hình dạng, mà có đủ thứ mùi. Mùi nào cũng thân thương”. Nghe bạn nhắc lại, chao ôi, lại nhớ về một thời đã xa. Rưng rưng. Nhớ lại những câu thơ của một thời đã viết: “Câu thơ nào ghi nguệch ngoạc/ Trong trang nhật ký đường rừng/ Sau phút giải lao vội vã/ Xốc ba lô lại hành quân/ Câu thơ nào ghi vành mũ/ Đỏ ngời trận đánh đầu tiên/ Đâu cần biết ngày nhớ tháng/ Kỷ niệm đã có tên riêng”. Tiếc thời ấy, y chẳng có điều kiện chụp tấm hình đội nón cối thiệt oách xà lách, nay có thể khoe chơi. Cũng tiếc nốt khi đã không còn giữ lại cái nón cời của mẹ, sau ngày mẹ mất. Thôi thì, hãy đọc lại câu ca dao:

Có duyên dầu mặc áo tơi

Đầu đội nón cời duyên vẫn còn duyên

Thú thật, y cũng cực kỳ có tình cảm với chiếc nón cời. Một phần biết đến nó do từ lời ru của mẹ, mà cũng do sau này đọc tập phóng sự Tôi kéo xe của nhà văn Tam Lang. Lâu quá rồi, sách không tái bản. Hôm nọ đồng nghiệp ở NXB Văn Học có điện thoại nhờ y bằng mọi cách liên hệ với gia đình nhà văn để bàn về bản quyền tái bản. Chịu chết. Không thể mày mò ra manh mối. Trong quyển này, Tam Lang đã liệt kê ra tám cái lợi ích từ chiếc nón cời của giới phu xe. Càng đọc càng thương hạng người nghèo. Cái khó ló cái khôn. Họ đã tận dụng được biết bao lợi ích, nay, chắc gì ai có thể hình dung ra nổi:

“Ghé vào túp lều bán nước của bà lão phố Hàng Chuối, tôi làm một trinh nước chè tươi. Nước vừa vào khỏi cổ đã toát ngay ra lỗ chân lông rồi, tôi cởi áo, phanh ngực ra, cầm một vạt mà... phẩy.

- Bỏ nón ra mà quạt có làm sao, để làm gì trên đầu ấy!

Chẳng để ai đáp, cũng chẳng chờ ai hỏi, một anh phu xe khác cũng ngồi hàng nước với tôi lúc ấy, nói ba hoa về chuyện cái nón, một thôi dài:

-... Cái nón cu li xe có ba đồng xu mà dùng được nhiều việc hơn cái ô trắng đồng hai. Nó là lá mà nó tốt bằng mười vải ấy chứ lại! Mùa nắng thì chụp lên đầu, có gió thì che diêm để hút thuốc lào, mỏi thì lót xuống đít mà ngồi, khát không có hàng nước thì hứng nước máy. Lại còn lúc ngồi ngủ ở xe thì úp lên mặt cho khỏi ruồi nó bu lại; lúc nóng thì làm quạt, quạt; quần áo không kịp về nhà giặt, giặt ở đường, vắt áo thật ráo nước rồi tãi lên đầu vừa đi vừa phơi; mà túng nữa lại còn làm cả cái rổ đựng đồ mua chợ cho mẹ đĩ.

Bốn giờ rưỡi chiều.

Bỏ mặc anh chàng vui chuyện, tôi đánh xe sang vỉa hè bên kia.

Gác hai càng xe lên bờ, tôi úp nón lên lòng, nằm dựa lưng vào sân xe, mơ màng nghĩ...

Trên cành cây, tiếng xé vải của những con ve kêu hạ”.

Đọc lại lần nữa đi. Tự dưng rưng rưng. Hạng người nghèo thời nào cũng tội nghiệp. Nghèo quá mà yêu lấy nhau thì sao? Có tội nghiệp không? Không hề, lại cảm thấy vui vui nếu như họ hạnh phúc, chan chứa tình cảm thủy chung. Trải qua hàng ngăn năm trên đồng cạn dưới đồng sâu,  sau lũy tre làng đã hình thành nên những cuộc tình bình dị như ca dao, như lời ru của mẹ: “Thân em như cái nón cời/ Như cái áo rách vá thời chưa may/ Chẳng lo gì áo rách tay/ Trời kia ngó lại vá may lại thường/ Áo rách có cách anh thương/ Nón cời có nghĩa anh thương nón cời”. Đọc lại lần nữa đi. Tự dưng bùi ngùi.

Thương quá.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.10.2018

aln-huong44126977_1174435859372889_2162620207967764480_n

Ảnh: Lan Hương chụp ngày 17.10.2018

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.10.2018

41392533_2231451857091911_6345596351983648768_n

“Muốn tĩnh tâm, anh cứ hỏi lòng mình”. Câu thơ viết lúc nào? Chẳng nhớ nữa. Chắc hẳn trong tâm thế nhiều người, vẫn luôn nghĩ đến sự lạc quan để có niềm vui sống. Vậy là cớ gì, lúc gặp nhau đang vui lại gieo rắc những sắc màu u ám? Mới vừa đi Đà Nẵng về. Giỗ đầy năm của mẹ. Thời gian trôi qua cái vèo. Lá đang xanh nõn, một chiều héo rụng. Mất hút. Đời người cũng phù du mây trắng. Ngụm cà phê vừa tan trong lưỡi, ngọt đắng. Ngoài trời mưa bay. Lặng lẽ ngắm nhìn lại con đường đã từng ngày, nhiều ngày lưu giữ bước chân hoa niên. Nhớ và quên. Đột nhiên một người bảo: “Phải đến lúc đưa con vào bệnh viện mới biết thế nào là sự bi đát của lúc làm cha”. Rồi thao thao kể lại những nhọc nhằn, gian khó, lo sốt vó, bạc cả tóc, tái cả mặt… Một người nhắc khẽ: “Chớ nói gở”. Một người bảo: “Không sao, cũng cần phải biết trước, chứ sao không?”.
Y chỉ im lặng. Mỉm cười.
Nghĩ đi nghĩ lại, mới thấy sự vận hành trong hỗn man trời đất rất diệu kỳ. Có người trong đời sống cực kỳ hanh thông, bạc tiền như nước lại rơi vào trường hợp éo le là phải bỏ ra hàng trăm triệu mới có thể tay bế tay bồng; ngược lại, có người trên răng dưới ca-tút lại sinh nở sồn sồn dễ dàng như gà đẻ trứng. Thế thì về tiền của, cả hai nào có khác gì nhau? Lại nghĩ, một người nuôi con nhỏ nhưng nó không bệnh hoạn, ốm đau thì khác gì người được trúng số độc đắc? Ai đó đã nói một câu, ngẫm lại chí lý ghê: “Hạnh phúc là bằng lòng với những gì đang có”. Một khi người ta đã bằng lòng, mình nói thêm làm chi, nhất là những gì thuộc về riêng tư như chuyện con cái chẳng hạn. Vì thế, tâm tình với nhau, tốt nhất hãy hướng đến sự lạc quan cho người đang nghe. Chẳng việc gì phải chia sẻ những nỗi khổ mà mình đã trải qua. Để bày tỏ sự quan tâm là mình cũng đã từng có kinh nghiệm? Thật ra, kinh nghiệm người này, khó có thể áp dụng hoàn hảo cho người khác. Hơn nữa dù mình đã trải qua, những chắc gì người khác sẽ gặp? Vậy, nói ra những “dự báo” u ám ấy để làm gì?
Sực nhớ đến mẫu chuyện thời còn nhỏ, ngày xưa ngoại y luôn dặn dò, khi nghe người lớn nói những chuyện thù hằn, chết chóc, quái gỡ, đâm chém, gây gổ, xích mích… thì phải bịt tai, lánh đi nơi khác. Thậm chí từ miệng thốt ra cũng không nên sử dụng các từ hắc ám, xúi quẩy ấy. Âu cũng là cách dạy con của người xưa. Xét ra không khác gì nhà văn hóa Phạm Đình Hổ đã có sự lựa chọn ngay từ thời trẻ: “những trò chơi thanh sắc, nghề cờ bạc, rủ rê chơi đùa thì ta bịt tai không muốn nghe”. Có được ý thức đó, do sự giáo dục từ gia đình chứ còn gì nữa?
Lúc y lớn lên một chút, bà ngoại lại kể câu chuyện xưa thời bà đã trải qua. Rằng, vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú - dọc theo miền Trung rất nổi tiếng với trò hát bài chòi. Vào đời vua Đồng Khánh, dịp hội hè nọ có bà chánh phi muốn khoây khỏa bèn la cà trong đám đông nghe những câu hô bài chòi lúc trầm, khi bổng, du dương vần điệu. Đột nhiên bà nghe đám đông cười rộ lên, khoái chí, vỗ tay ầm ĩ khi anh hiệu vừa dứt lời. Anh ta hô con bài gì mà nhộn thế?  À, anh ta hô con Đỏ mỏ: “Nàng dâu để chế mụ gia/ Bận quần lãnh trắng lại tra lưng điều”. Chế là tang chế, để chế, mặc đồ chế. Khi người thân mất thì phải để tang, con dâu mà lại quần lãnh trắng, thắt lưng màu đỏ, còn ra thể thống gì? Nổi giận lôi đình, bà chánh phi sai người nọc anh hiệu ra giữa sân rồi phết cho dăm roi, căn dặn từ đây cấm không được hô những câu xấc láo, xấc xược ấy nữa. Xin một tràng pháo tay tán thưởng cho thái độ chấn chỉnh kịp thời này. Còn nhớ, ca dao Nam bộ có câu: “Bậu để chế cho ai mà tóc mai rành rành rạnh/ Để chế má chồng, chớ hiếu hạnh bậu đâu?”.
Cà chớn nhất trên đời vẫn là những tay ba lăm (35), hễ gặp dịp là “thả dê” lố bịch. Thí dụ như cô nàng nọ đang tang chồng, hắn ta bèn sỗ sàng “thả thính”: “Em để chế cho ai? Xé cho tôi phân nửa”. Nghe ra cũng cảm động, cứ như muốn xẻ chia nỗi khổ đau của người đối diện. Cô ấy trả lời: “Em để chế cho chồng”, lập tức hắn ta ngoác mồm trơ trẽn: “Chất lửa đốt đi”. Tán gái kiểu này mà không ăn cái tát mới là lạ.Trên đời, liệu có những gã đàn ông ba láp ba xàm cỡ ấy không? Có chứ sao không? Nếu không, làm sao nó lại đi vào ca dao? Những gã tầm phào, chớn cháo ấy đích thị là loại 35 dê.
Mà này, vì sao người ta lại dùng con số 35 lại ám chỉ con dê - khi đi vào tiếng lóng lại hàm nghĩa chỉ những kẻ chuyên giở trò tán tỉnh, sàm sỡ, rù quến phụ nữ? Tùy theo cấp độ còn có dê xồm, dê cụ. Dám quả quyết rằng, từ trò đỏ đen của dân chơi số đề, con số này dần dà trở nên phổ biến chung. Trong quyển Đoán điềm giải mộng - chơi chữ, tìm số, in trước năm 1975 tại miền Nam giải thích: “35: Cát phẩm; tên riêng: Con dê”. Loại nhảm nhí này, chỉ có thể gọi “sách rác”, chớ nên đọc. Đề đóm chớ nên chơi làm chi, chỉ có ngày vác chiều lác ra đê Yên Phụ, kênh Nhiêu Lộc mà náu thân. Thời y còn bé, có nghe tay làm chủ đề tuyên bố: “Tiền thắng đề không bao giờ giữ được trong nhà, chỉ trừ khi lấy tiền đó đem xây mồ mả”. Đã biết, vậy chớ dại lao đầu vào.
Hãy trở lại với chuyện hô bài chòi vẫn lý thú hơn.
Chẳng hạn, về con Đỏ mỏ vừa nêu trên, ở quê y có anh hiệu hô như vầy: “Con chim mỏ đỏ lông vàng/ Đậu trên cây khế đố chàng giống chi?/ Giống chi hỏi giống con chi/ Đậu trên cây khế tức thì giống chim/ Chẳng tin em cứ nhìn xem/ Nó là con chim mỏ đỏ lại thêm lông vàng”. Ngày xưa, khi chơi bài chòi trong phủ chúa ở ngoài Huế, về hai con Bạch tuyết (Bạch huê), Nọc đượng (Nhứt nọc), các bà chánh cung phi cho là thô tục nên anh hiệu phải đổi câu hô cho thanh nhã.
Trong khi đó, trò chơi này phổ biến trong dân gian lại khác. Ở Quảng Nam, khi ra con Bạch tuyết, anh hiệu ngang nhiên gióng mồm: “Đàn bà sao quá vô duyên/ Mặc quần thủng đáy hớ hênh kia kìa/ Có chi mà nọ nọ kia kia/ Chẳng qua vô ý mới chìa nó ra…”. Thiên hạ chỉ mới nghe đến đó đã cười cái rần. Chưa hết, lại có lúc nghe hô: “Có bông có cuống không cành/ Ở trong có nụ, bốn vành có tua/ Nhà dân cho chí nhà vua/ Ai ai có của cũng mua để dành/ Tử tôn do thử nhi sanh/ Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi”. Cái cười trong quảng đại quần chúng xét ra khỏe khoắn, không gì phải úp úp mở mở. Thích thì hô lên thôi, miễn là không quá thô tục: “Xu xoa chị bán mấy đồng/ Chị ngồi chị để cái mồng chị ra/ Con gà tưởng hột ổ qua/ Nó mổ cái đớp chị la quớ làng”. Thử hỏi, ai không cười?
Thế nhưng cũng con Bạch huê đó, nhưng khi xuất hiện trong phủ chúa, phục vụ cho các tầng lớp vương quyền, ăn trên ngồi tróc, anh hiệu phải khôn ngoan hô kiểu khác, nếu không muốn bị mắng té tát. Những câu vừa nêu trên, có thế áp dụng? Tất nhiên là không. Chớ dại. Bà ngoại của y kể, người ta phải lồng nó vào trong điển tích, điển cố văn chương nhì nhằng, khác hẳn cảm thức của người bình dân ít chữ. Anh hiệu phải hô như vầy: “Đổng Trác bẻ nạng chống trời/ Nuôi thằng Lữ Bố nối đời làm con/ Dốc lòng chiếm đoạt áo son/ Nối đuôi thiên tử gả con Điêu Thuyền/ Chỉ vì đám ruộng con Điêu Thuyền/ Cho nên Đổng Trác trao duyên má đào/ Thương thay Vương Doãn mưu cao/ Đem dâng Lữ Bố cho vào Đổng Chương/ Nhất điền lưỡng chủ lươn ươn/ Cho nên phụ tử hai đường cản tranh/ Lữ Bố xưa thôi một anh/ Giết người Đổng Trác lưu danh trận tiền/ Cũng vì đám ruộng con Điêu Thuyền…”. Tích xưa, không bàn đến, chỉ quả quyết hình ảnh con Bạch tuyết đã ngụ ý trong cụm từ “đám ruộng”/ “nhất điền”.
Vậy, cách hô bài chòi cũng mang tính “giai cấp” đấy chứ? Tùy đối tượng chơi mà chữ nghĩa về từng con bài  cũng phải biến hóa đi.
Đã nói đến con Bạch tuyết, sao lại không nói đến con Nọc đượng? Can cớ gì phải né tránh? Ở Hội An,  có câu hô: “Đói no, no đói mặc lòng/ Đàn bà cứ thiếu, đàn ông cứ thừa/ Cả ngày cứ việc đong đưa/ Ban đêm vừa gáy lại vừa đóng nêm/ Nọc đượng ra bớ chị em/ Ai cần tới hắn thì lên trên này”. Gợi tình gợi ý nhất vẫn là hai từ “đong đưa/ đu đưa”. Trong văn học dân gian ở Quảng Nam, nhiều người còn nhớ đến đoạn hò đối đáp cũng có hai từ này. Nữ hò: “Gặp anh Ba đây mới khiến hỏi anh Ba/ Làm ăn lâu nay vẫn khấm khá hay vẫn sát da như bọn mình?”. Không một chút ngại ngùng, chàng trai cất giọng bỡn cợt một cách kín đáo: “Thời buổi bây chừ công việc sớt sưa/ Dư không dư, thiếu không thiếu, vẫn đu đưa như mọi ngày”. Câu hò chỉ có thế, ủa, cơn cớ làm sao các cô thôn nữ rộ lên tiếng cười mà lại đỏ mặt tía tai?
Ngày xưa, một trong cái thú ở nông thôn còn là những dịp la cà hội hè đình đám, nghe tiếng hát câu hò dù quê kệch, bình dân nhưng lại có được há mồm ra một phát cho sướng. Chẳng hạn, bàn về chuyện nghiêm túc như chống xâu cao thuế nặng thời Pháp thuộc, sau đó, đã nổ ra cuộc chống thuế long trời lở đất vào ngày 3.11.1908, người dân quê y vẫn lạc quan trong hò đối đáp: “Em ơi! Chừ anh muốn làm đàn bà, không muốn làm đàn ông/ Khỏi xâu cao thuế nặng, khỏi ba đồng sáu mao/ Thôi! Chị em ơi! Đừng nói lao xao/ Có chị mô đi Huế, tôi gửi rèn một con dao cho tinh thần/ Tôi về, tôi hớt trất cục gân/ Hớt luôn cái nớ cho ra thân đàn bà”. Nghe khoái chưa? Cũng cái “cục gân” đó, anh hiệu hô bài chòi lại vận dụng rất khéo vào con Nọc đượng: “Năng cường, năng nhược/ Năng khuất, năng sanh/ Nói thiệt cục gân/ Ngồi gần con gái trân trân chẳng xìu”.
Sở dĩ ghi lại những dòng này vì mới đây lúc về Đà Nẵng đã thấy khác trước nhiều lắm. Phố xá đã đổi thay. Chỉ cần bước chân qua bên kia cầu sông Hàn, chạm ngay vào một khu đô thị mới. Nhà hàng, khu nghỉ mát vui chơi đã mọc lên như nấm, nếu không nhìn các bảng hiệu tiếng Việt thì cứ nghĩ đang du lịch ở một xứ sở hào hoa, sang trọng nào đó. Cảm thấy xa lạ. Cảm giác này ùa về lúc cùng Sanh phóng xe lên chiêm bái chùa Linh Ứng nằm trên bán đảo Sơn Chà. Thiên nhiên thoáng đãng. Lòng nhẹ nhàng. Và mới thấy đây mới chính là sức sống của một vùng đất. Bạt ngàn cỏ. Cỏ biếc xanh.
Lúc ấy, chợt nhớ đến một đoạn văn trong tập tùy bút 100 ngày trước tuổi hai mươi của Tuấn sẽ in nay mai: “Lá cỏ rụng xuống, héo dần, se lại. Nhưng từ những nắm cỏ se se ấy, chúng tôi ngửi thấy mùi thơm. Một mùi thơm với rất nhiều hương. Vừa nồng nàn vừa hoang dại; vừa có hương của rừng vừa có vị của đất trung du. Và tôi đã thèm, đã thử. Trong khoảnh khắc, hãy biến mình thành con dê, con bò, thử nhai cỏ xem sao. Có những lúc, chúng tôi phải cắt cỏ. Nhưng ít ngày sau, cỏ lại mọc lên. Tinh khôi. Thanh mảnh. Như chưa từng đau đớn. Có những ngày, vì công việc, chúng tôi phải cuốc cỏ lên. Những rễ, những mầm cỏ trắng ngà, bật tung, lộn ngược. Nhưng ít ngày sau, từ những rễ, những mầm bị cắt ấy, những ngọn cỏ lại bật ra, nhú lên. Tôi nhìn cái mầm nhỏ nhoi ấy mà lòng đầy cảm phục. Và có những chiều, chúng tôi phải đốt cỏ. Lửa cháy đùng đùng trên cỏ. Thân cỏ cháy, nổ lép bép. Và những đống than ân ỉ cháy trên cỏ. Nhưng chỉ sau một trận mưa, chính chỗ đất ấy, chính chỗ cỏ ấy, những ngọn xanh nhọn hoắt lại tua tủa mọc lên. Tôi thầm hỏi: cỏ ơi, mày là ai mà sức sống bền bỉ vậy?”.
Câu kết đã khiến lòng y dịu lại. Vừa rồi, bài chòi được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Liệu chừng những nơi đô thị hóa tương tự như ở quê y, mai này, còn có nghe vang lên những câu hô bài chòi nữa không? Bi quan làm chi, hãy đọc lại câu kết đoạn văn trên. Nghĩ cho cùng các loại hình sinh hoạt nghệ thuật dân gian cũng là một thứ cỏ đấy thôi. Làm sao có thể tàn lụi và mất đi?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.9.2018

 

 

xe-noi-nguyen-nhat-anhQuà của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh  tặng bé Lê Minh Quốc Ấn ngày 17.9.2018

 

Thời còn trẻ, đọc sách nghĩ một đàng; lớn lên một chút, đọc lần nữa, lại nghĩ qua kiểu khác. Trước kia, đọc truyện ngắn Thạch Lam, không thích lắm. Hầu như chẳng có tình tiết xung đột gì ghê gớm, gây cấn, hồi hộp. Phải là Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao… thì mới đã, mới sướng. Bởi vì rằng, tình huống ấy dữ dội khiến đôi lúc phải phì cười cay đắng, phải ngậm ngùi dào dạt. Thế rồi, vừa đọc lại Thạch Lam, bỗng dưng xao xuyến không nguôi. Tại sao trước đó, lại không cảm nhận? Câu chuyện này thật, rất thật, y mới vừa trải qua nên thấm thía quá đi mất.


Rằng, vợ chồng Tân vừa có đứa con đầu lòng. “Tân cúi xuống giường vợ chàng đương ngồi, và hai tay giữ chân đứa bé đặt nằm trước mặt. Hai bàn tay nhỏ nhắn của đứa bé đang cọ quậy, giơ lên giơ xuống, hai con mắt bé lờ đờ, như hơi ngạc nhiên nhìn. Vợ chàng sung sướng hỏi: “Có phải nó nhớn hơn hôm nọ nhiều không?”. Nàng giơ ngón tay cho đứa bé nắm rồi tiếp: “Này, cậu xem nó nắm chặt chưa này!”.  Ơ hay, Thạch Lam viết cho chính y đấy chăng? Một cảm giác, một nhận xét mà y vừa trải qua. Rõ ràng, lúc ở Từ Dũ, có lúc đang khóc, con bé đỏ hỏn đầu lòng cũng nắm chặt tay y, chẳng khác gì. Ở Thạch Lam là sự tinh tế. Nếu không, sức mấy ông có thể viết những trang bàng bạc cảm xúc, tình cảm dịu vợi qua Hà Nội 36 phố phường.


Thêm chí tiết này nữa, “Buổi sáng nay, vừa bước chân vào trong nhà, Tân đã hỏi vợ: “Em đâu?”. “Nó ngủ, cái gì thế?”. “Tôi có cái này hay lắm”. Tân giơ lên cho vợ xem một đôi bít tất len trắng xinh đẹp. Chàng bước lại bên cạnh cái nôi rủ màn trắng sạch sẽ. Vợ chàng vội nói: “Ấy, khẽ chứ cậu, để nó ngủ. Tôi vừa mới đặt xong”. Tân rón rén, khe khẽ giở tấm màn tuyn, nhìn thấy đứa trẻ nằm gọn trong vải trắng. Chàng cúi mình xuống, yên lặng đợi trên cặp môi nhỏ bé một nụ cười. Và Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”. Ai đã làm chồng, làm cha lại không trải qua giây phút ấy?


Có một điều, nghĩ lại, buồn cười thật. Đại khái, lúc còn trẻ, chưa lập gia đình, nhiều người tự nhử: “Sau này, con mình do vợ mình đẻ ra, phải thế này, phải thế kia”. Tức phải cỡ ông này, bà nọ mới xứng với danh phận, ước mơ to tát của đời mình. Nhưng rồi, lúc ngồi trước phòng đợi, chờ vợ vào sanh, trăm người như một đều quên béng đi cái khát vọng ngông nghênh và đáng yêu đó. Vậy, lúc đó họ nghĩ gì? Y đồ rằng, họ chỉ nghĩ đến bốn chữ “Mẹ tròn con vuông”. Chỉ cần được như vậy, đã là hạnh phúc, là món quà vô giá.


Với mỗi giai đoạn cuộc đời, món quà vô giá ấy cũng khác nhau. Trước kia, với y, chỉ có sách. Tìm mua, được tặng một quyển sách hay là nâng niu trum trủm, khẽ lật từng trang, suốt ngày ngắm nhìn mãi không chán. Vâng, đúng là thế. Cái thời chưa có internet, thử hỏi, với những người chơi sách cũ chẳng hạn, nếu vớ được quyển Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, bản in năm 1909 của nhà nho Nguyễn Liên Phong thì sao? Thì sướng đến độ ngất trên cành quất, chứ còn gì nữa?


“Đây là bộ sách ít ai giữ được và trở nên một tập phẩm hiếm có của những người chơi sách”. Cụ Vương Hồng Sển đã viết như thế trong Sài Gòn năm xưa. Do đó, từ lâu, y cố gắng phải tìm mua cho bằng được. Tất nhiên, bao giờ của cũng tìm đến người, nếu thật sự có duyên với nhau. Trưa nay, ngồi nhìn bé đang ngủ,  nghe văng vẳng bên tailời của vợ, tưởng chừng như nàng đang nhắc lại câu văn của Thạch Lam: “Này, cậu xem nó nắm chặt chưa này!”. Ừ, thì chặt. Ngủ ngon. Không nhè, khóc quấy. Nhờ thế, y có giây phút yên tĩnh đọc lại quyển sách đã mua, đã gìn gìn từ thời sinh viên mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn.


Quyển sách này in theo khổ 16 x 27 cm, 50 trang do “Phát Toán-Libraire Imprimeur, 55-57 rue d’Ormay” ấn hành năm 1909. Đường d’Ormay, nay là đường Mạc Thị Bưởi. Trong phần tựa, tác giả viết: “Năm Nhâm dần, tháng giêng, ngày vọng/ Nhơn lúc nhàn vó lộng bút nghiêng/ Dạo Nam Kỳ sáu tỉnh sơn xuyên/ Xem nhơn vật, đủ miền mọi chỗ/ Ơn tứ hải, đệ huynh điều độ/ Giúp hành trình, phi lộ kim ngân/ Hơn năm dư, chép thảo lần lần/ Thành một cuốn xa dần cát hạt/ Cách đặt dùng quấc âm lục bát” v.v… Qua bài tựa này, y hiểu rằng, tác giả đã ngao du đây đó, những điều mắt thấy, tai nghe đã được chắt lọc để đưa vào thơ. Chính nhờ “thâm nhập thực tế” nên trong tập sách này ngồn ngồn tư liệu, những sự việc. Ở đây không có chỗ cho trí tưởng tượng, hư cấu. Nhờ vậy, tập sách rất có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về Nam Kỳ thuở đó.


Sau phần tựa, tác giả dành 220 câu lục bát miêu tả địa thế, địa lý Nam Kỳ, đi sâu miêu tả từng vùng đất: Vũng Tàu, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Tây Ninh, Gia Định. Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An… Chẳng hạn về Sài Gòn, tác giả ghi nhận: “Thứ nhứt đường Ca-ti-na/ Hai bên lầu cát, phố nhà phân minh/ Bực thềm lót gạch sạch tinh/ Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều”. Hàng hóa thời đó, khá phong phú: “Những đồ Đại Pháp, Huê Kỳ/ Ăng-lê, Nhựt Bổn món gì cũng sang”. Từ đó, nẩy sinh một tầng lớp lao động mới: “Chực đường có trẻ cu-li/ Kêu đâu sẵn đó đem đi lẹ làng/ Lớp thời xuống bến Nam Vang/ Lớp qua Khánh Hội, lớp sang Nhà Rồng/ Lớp xe về lối ngoài trong/ Lớp đi theo dõi mấy ông dọn nhà”.


Khung cảnh Sài Gòn những năm đó đã được miêu tả hết sức sống động: “Phong lưu cách điệu ai bằng/ Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa”. Nhà hát lớn được xây dựng “lối năm 1898, đến ngày 1 tháng giêng năm 1900 ăn lễ lạc thành lớn lắm” (Vương Hồng Sển) thì 9 năm sau, nó được ông Nguyễn Liên Phong đưa vào thơ như thế này: “Thứ năm, thứ bảy, thứ ba/ Với đêm chủ nhựt hát Nhà hát Tây/ Nước nào tục nấy cũng hay/ Tiếng đàn nghe hát, nghe say tính tình/ Nhà hát cất giữa châu thành/ Họa đồ lấy kiểu bên thành Ba-ri”. Kế đến, tác giả miêu tả Nhà thờ Đức Bà - đặt viên đá đầu tiên vào ngày 7.10.1877, đến ngày 11.4.1880 làm lễ khánh thành: “Đá xây bốn phía vách thềm/ Mặc nền hoa thạch trơn êm làu làu/ Lầu chuông chót vót vọi sâu/ Hai cây thành giá hai đầu trên cao/ Đồng hồ chỉ đúng khắc sao/ Người qua kẻ lại nhắm vào phân minh”. Hiện nay, nhà thờ đang trùng tu với các vật liệu y chang thuở ban đầu, vì thế những người thực hiện đã đến làng Bray-et-Lû là  nơi duy nhất ở Pháp chuyên sản xuất tôn kẽm ngày xưa; rồi đến Roumazières-Loubert, cách đó 500 km để tìm đúng ngói mũi tên (ngói Marseille) v.v… Dự kiến 2, 3 năm nữa sẽ hoàn thành.


Bên cạnh nhà thờ, còn “Có tòa dây thép coi phần điển thơ”, với các phương tiện vận chuyển bưu chính: “Biên Hòa còn dạng xe tờ/ Mới bây bảy giờ xe máy Tây Ninh”. Xe tờ, y tìm hiểu là một thứ xe bốn bánh gỗ bọc sắt, cao lêu đêu, trước có băng ngang hẹp dành cho người cầm cương, sau đó hai băng dọc đối diện dành cho hành khách, do hai con ngựa kéo. Vì xe chở công văn, tờ trát của nhà đương cuộc nên gọi tắt “xe tờ”. Tác giả cũng nhắc đến Trường Chasseloup Laubat (nay Trường Lê Quý Đôn), Trường Taberd (nay Trường Cao đẳng Sư phạm): “Nam Kỳ sĩ tử tinh chuyên/ Nhiều người thành đạt liền liền trước sau/ Taberd trường lập đã lâu/ Dekerland trước làm đầu khơi ra”. Qua những câu thơ này, ta biết Trường Taberd, còn gọi là Trường Thầy Dòng do cha Henri De Kerlan thuộc Hội Truyền giáo lập ra năm 1874.


Một trong những nơi quen thuộc với Sài Gòn xưa là “Bồn Kèn” - góc nhà hàng Continental và nhà hàng Pancrazi. Tác giả kể lại chi tiết thú vị: “Gặp Tường thời Trị mắng ngay/ Bởi vì tà tửu ít hay kiêng dè”. Phan Văn Trị mất năm 1910, rõ ràng cuộc bút chiến giữa ông với Tôn Thọ Tường  đã gây được tiếng vang và ảnh hường chính trị thời bấy giờ. Thế thì, vì sao gọi “Bồn Kèn”? Tác giả giải thích: “Mu-dích nơi các bồn kèn/ Vui lòng hứng chí nghe bèn giải khuây”. Cụ Vương Hồng Sển cho biết cụ thể: “Mỗi chiều thứ bảy tại bệ này, có mấy chú lính săn-đá trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức”. Mu-dích là phiên âm từ musique, tiếng Pháp. Không những thế, đôi lúc còn đọc thành “mủ-di”. Bằng chứng, Sài Gòn xưa có câu vè: “Thượng Thơ bán giấy/ Thủ Ngữ treo cờ/ Nào ai núp bụi núp bờ/ Mủ-di đánh dạo, bây giờ bỏ em”.


Thời đó, đã có lệ báo giờ vào buổi trưa: “Có chỗ cân giờ nhựt trung/ Trên tàu Ông Thượng đặt vòng địa la/ Có năm ba phút vậy mà/ Đem đồ hiệu lịnh kéo qua cột cờ/ Đợi đến đúng mười hai giờ/ Đồ kia rớt xuống, súng hờ giựt dây/ Nổ lên một tiếng vang vầy/ Châu thành bốn phía sum vầy giấc trưa”. Về lãnh vực báo chí, tác giả cho thấy hồi ấy ở Nam Kỳ đã khá phát triển: “Phan Sa, quốc ngữ nhựt trình/ Mỗi tuần in bán sự tình lăng xăng/ Gia Định là báo công văn/ Phát ra các hạt lệ hàng không sai”. Riêng địa danh Bến Nghe đến nay vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau, thì theo tác giả: “Nguyên xưa rậm rạp còn rừng/ Trâu thường dằm tắm hoặc chừng nghé kêu/ Ngày nay phong cảnh tốt đều/ Tàu ghe lớn nhỏ đậu bèo hai bên/ Đò dọc rước mối xuống lên/ Giành nhau xâu xé vang rên cả ngày/ Ghe bầu xắp lớp đậu ngay”. Những câu thơ này cho thấy cảnh sầm uất của Bến Nghé những năm đó.


Đọc sách xưa cũng là một cách quay ngược về quá khứ. Anh ngon trớn đọc ngân nga tiếng trầm giọng bổng như một cách ru con, bỗng đâu giật mình cái thót. Vợ bảo: “Bây giờ là lúc anh nên tìm đọc các sách nuôi dạy con là hợp tình, hợp lý nhất”. Rồi lại nói luôn một hơi: “Đã biết cách ẳm con chưa? Chưa. Biết thay tã chưa? Chưa. Biết pha sữa chưa? Chưa. Thế thì còn “nai” lắm. Cố gắng lên anh”. Ừ, thì cố. Mà đôi khi tri thức ở trên đời nào có phải thu nhận từ sách. Với một đứa trẻ, lọt lòng mẹ, ngay lúc ở bệnh viện đưa về nhà thì sao? Vợ của nhà biên kịch Đoàn Tuấn dặn dò qua điện thoại: “Ngày ấy, anh phải bôi son vào trán bé, phải đem theo con dao nhỏ, đôi đũa, củ tỏi nữa”. Ấy là một cách “làm phép” dân gian, tuy nhiên cũng có người bảo lấy lọ nồi bôi vào trán. Đại khái thế, nào ai biết đúng sai nhưng rồi cũng phải làm theo.


Lại nữa, sách vở nào dạy nếu bà mẹ vừa sinh con đầu lòng chưa có sữa cho con bú thì phải làm “mẹo” gì? Câu hỏi này, hay lắm. Cô nàng đã làm theo và hiệu nghiệm ngay tức thì. Thì nay, ghi lại cho những ai cần tham khảo. Rằng, mua lấy men làm rượu nếp, giã nát hòa tan với rượu trắng xoa hai bên “Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm”. Đơn giản mà hiệu quả. Mẹo này, sách vở nào ghi? Sực nhớ đến câu văn của Thạch Lam viết về tâm trạng của một người đàn ông lần đầu, lần thứ nhất trong đời được làm cha, bao giờ cũng là lúc: “thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”. Y cũng thế thôi.


Hôm nọ, lần đầu tiên có trong nhà là chiếc nôi xinh xắn, quà của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đem đến tặng cho bé. Thích quá. Thay mặt bé mà viết rằng: Mai này, khi khôn lớn/ Bé nói với mẹ ba:/ "Từ chiếc nôi ngày ấy/ Nay vạn dặm đường xa/ Thế nào con cũng đến/ Con dẫn mẹ cùng ba/ Tung tăng đi mua sắm/ Tìm thiệt nhiều món quà/ Tặng lại cho bác Ánh". Câu thơ đang ngon trớn nhả ngọc phun châu, dạt dào thì hứng bỗng đâu nghe réo rắt âm vang như tiếng đàn sắt, đàn cầm hòa nhau: “Anh ơi, con mới tè ướt cả gường. Mau mau thay tã cho con”. Nghe hay đấy. Cũng là cảm hứng của thơ đấy thôi, phải không nào?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.8.2018

 

31841749_2133394090011217_543228966836633600_nRR

 

 

Những ngày này, các sự kiện thời sự vẫn diễn ra dồn dập, tấp nập, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Mà thời buổi này, nghĩ ra cũng lạ, không hiểu sao thiên hạ lại quan tâm đến những chuyện chẳng ra làm sao. Với y, có thể chỉ “tào lao bí đao” nhưng với nhiều người lại khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp nọ được khen/ bị chê náo nhiệt, ầm ĩ chỉ vì vợ chồng bất đồng trong việc chia tài sản, kinh doanh. Dấy lên chuyện này, còn một phần do người chồng có dăm năm tu tập trên non cao núi thẳm, nghe đâu tịnh khẩu. Khi “hạ san”, chỉ khoái tự xưng “qua” khi trò chuyện với người khác.

 

Không bàn về nội tình của cuộc hôn nhân bẽ bàng, kinh doanh chia uyên, nghĩa tình rẽ thúy ấy. Chỉ ngạc nhiên, không ít người lạ lẫm với từ “qua”. Trên tờ báo Tuổi Trẻ vừa phát hành, có người giải thích một cách quả quyết: “Nhiều người lầm tưởng “qua” là một từ mới nhưng thật ra đây là một từ địa phương Nam bộ giàu sắc thái biểu cảm, đã hình thành từ thời người dân nước Việt đi xuống phương Nam mở cõi”.

 

Có thật qua “là một từ địa phương Nam bộ”?

 

Thuở còn bé xíu, nói theo cách dân dã, bặm trợn, bông lơn của người Quảng Nam đó là “thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa”, y đã nghe đến từ qua.

 

Trước hết, hãy nhắc về lịch sử một chút: Năm 1602, Nguyễn Hoàng đi chơi núi Hải Vân, thấy núi non hiểm trở, nói rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận, Quảng”. Rồi vượt qua núi, xem xét tình thế, sai lập dinh trấn, xây kho tàng chứa lương thực, vũ khí rồi sai con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên (sau là Chúa Sãi) trấn giữ. Vì lẽ đó, năm 2002, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của dinh trấn Quảng Nam” - kỷ niệm 400 năm dinh trấn này ra đời. Ban đầu dinh trấn được dựng ở Cần Húc (huyện Duy Xuyên), ít lâu sau dời sang Thanh Chiêm, rồi năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam qua làng La Qua (Điện Bàn). Ca dao địa phương có câu: “Tỉnh thành đóng tại La Qua/ Hội An tòa sứ vốn là việc quan”.

 

Và La Qua đã đi và câu đối với sự chơi chữ qua đồng âm: “Con gái La Qua, qua hôn, qua hít, qua vít, qua véo, qua chọc, qua ghẹo, qua biểu em đừng có la qua” (la :la mắng; qua: tôi). Có câu đối lại cũng sát sàn sạt về chữ nghĩa, ý tứ: “Đàn bà Phước Chỉ, chỉ xấu, chỉ xa, chỉ lười, chỉ nhác, chỉ bài, chỉ bạc, chỉ có chồng là may phước chỉ” (chỉ: chị ấy). Không riêng gì Quảng Nam, vượt qua đèo Hải Vân ngược ra Bắc, nếu dừng chân tại Quảng Bình, ta còn nghe câu hát huê tình: “Răng chừ đá nổi lắc lư/ Lạch Ròn kia cạn, qua mới từ nghĩa em”. Sổ tay lời ăn tiếng nói Quảng Bình (NXB Lao Động - 2011) của Nguyễn Tú đã ghi nhận, giải thích: “Tôi, từ tự xưng một cách lễ độ âu yếm”.

 

Trước đó, từ năm 1931, khi các học giả người Bắc thuộc Hội Khai trí Tiến Đức khi biên soạn Việt Nam từ điển đã giải thích rành mạch: “Ta, chúng ta”. Hoàn toàn trùng hợp với Đại Nam quấc âm tự vị ở trong Nam, từ năm 1895 đã giải thích. Do đó, không gì ngạc nhiên khi từ Quảng Nam đi xuôi về phương Nam, ta cũng còn nghe: “Xa xôi chưa kịp nói năng/ Từ qua tới bậu như trăng xế chiều”. Sổ tay các từ phương ngữ Phú Yên của Trần Sĩ Huệ giải thích: “Tiếng người lớn (chú, thầy, anh…) xưng khi nói với người nho tuổi hơn”.

 

Với các dẫn chứng này, rõ ràng, qua không chỉ “là một từ địa phương Nam bộ”.

 

Mà một đã tự xưng qua với nghĩa là tôi, tay doanh nhân ấy gọi người đang đối thoại là “người anh em/ anh em thiện lành”. Thật ra, phải là bậu/ em bậu thò mới… đúng catalogue! Từ xa xưa qua thường đi chung với bậu. Có những câu ca dao huê tình thật hay, bay bướm: “Bậu với qua gá nghĩa chung tình/ Dầu ăn cơm quán, ngủ đình cũng cam”; “Bậu buồn, qua dễ chẳng buồn/ Cá dưới sông biếng lội, chim trên nguồn biếng bay”.

 

Lẩn thẩn với  chữ nghĩa, có cái thú của nó. Là một cách nhẩn nha tìm về ý nghĩa của tiếng Việt. Ai cũng biết, xới từ xứ mà ra. “Bỏ xới” là “bỏ xứ”, bỏ quê nhà, quê cha đất tổ đi đến một nơi khác. Từ đó, có ý kiến cho rằng “xừ” trong “bỏ xừ” cũng là một cách đọc trại của “xứ” -  và lập luận: “Như thế, nói: “Bỏ xừ rồi, phải bán xới thôi” là đã vô tình dùng điệp ngữ để tăng độ hùng hổ của ý định”. Cách lý giải này, có đúng không? Hoàn toàn không. Xừ là do mượn từ tiếng Pháp. Mượn như thế nào? Tầm nguyên từ điển Việt Nam của nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ cho biết, xừ (sieur): ông, người. Và còn hướng dẫn xem thêm từ “mông-xừ (monsieur): mon = của tôi; sieur = ông, tiếng xưng hô trong xã giao  đối với người đàn ông, qua lời nói hoặc thư từ”. Cách gọi này, trong ngữ cảnh nào đó, còn thể hiện sự tinh nghịch, hài hước, thân mật lẫn trêu chọc. Chẳng hạn, nhà thơ Tú Mỡ trêu hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh: “Nước Nam có hai người tài/ Thứ nhất xừ Vĩnh, thứ hai xừ Quỳnh”.

 

Tuy nhiên, không chỉ có thế. Khi cụ Vương Hồng Sển viết: “Cãi thầy, ôm gà ra đá thì chỉ có món “thua bỏ xừ”: mười độ mất tiền đủ mười” (Phong lưu cũ mới - NXB TP.HCM tái bản năm 1991, tr.143) - rõ ràng, xừ đã lái qua nghĩa khác, cũng tựa như một người thản thốt: “Bỏ xừ! Tháng này sếp lại nợ lương”. Câu này, có thể thay thế bằng “Bỏ mẹ/ tía/ cha/ bu… Tháng này sếp lại nợ lương”. Rõ ràng, xừ không còn nghĩa như ban đầu vay mượn tiếng Pháp, nó đã biến hóa khôn lường. Thế mới là sự lắt léo của tiếng Việt.

 

Với người cầm bút, điều đáng quý nhất còn là sự yêu mến tiếng mẹ đẻ mà họ sử dụng mỗi ngày. Mà chữ nghĩa ấy, mỗi thời lại hiểu theo khác đi, có thể không còn giống nghĩa ban đầu nữa. Cũng có thể ban đầu họ hiểu không đúng nhưng sau lại hiểu đúng. Chẳng hạn, hai từ “nhựt trình” khi du nhập vào Việt Nam với sự ra đời của Gia Định báo cùng vai trò của Trương Vĩnh Ký. “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra/ Chép làm một bổn để mà xem chơi” - đây là hai câu mở đầu trong bổn thơ Thầy thông Chánh lưu hành tại Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

 

Chưa hết, ngay cả người miền Trung, cụ thể ở Phú Yên trước năm 1945. khi hô bài chòi cũng mở đầu: ““Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra/ Bà con lẳng lặng nghe mà tôi hô”. Về hiện tượng này, khi biên khảo Đất trời Phú Yên (NXB Hội Nhà văn -2018), nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ lý giải hoàn toàn có lý: “Lúc ấy, các hiệu buôn trong Nam có in những tập thơ mỏng với mục đích quảng cáo hàng hóa như Tống Trân Cúc Hoa, Chàng nhái kiến tiên v.v… Người dân thôn quê Phú Yên coi đây cũng là một thứ “nhựt trình” tương tự tờ nhật báo, hoặc báo chí nói chung. Và người ta cũng chỉ biết có một người làm nhựt trình nổi tiếng là ông Trương Vĩnh Ký, nên tưởng “nhựt trình” nào cũng của Trương Vĩnh Ký cả. Những câu bài chòi dùng trong tập thơ này để hô, tức là hô theo “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra”, hô theo sách vở. Những câu tự sáng tác cũng bắt đầu như vậy, mượn cái nhãn “nhựt trình Vĩnh Ký”, ngụ ý rằng đây cũng là “nói có sách, mách có  chứng”, nói những điều có dán ten, đáng tin cậy” (tr. 360).

 

Chưa hết, tờ tuần báo Nam kỳ phát hành từ năm 1899, có ghi rành rành: “Nhựt trình Nam kỳ in ra mỗi ngày thứ 5 trong tuần lễ”. Ngộ chưa?

 

Ở đời có nhiều điều ngộ lắm, tài thánh gì có thể biết hết. Chẳng hạn, tháng 11.1999 Đại hội đồng UNESCO đã quyết định công bố ngày 21.2 hằng năm là Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất ngày này tại trụ sở UNESCO, câu: "Trong dãy ngân hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao" đã được dịch ra 84 thứ tiếng. Câu cực hay này, không thấy trong từ điển mở vi.wikipedia. Này, có phải thời Trung cổ, người ta dùng chữ để… chữa bệnh?  Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (NXB Đà Nẵng - 1997) ghi nhận: "Định thức ABRACADABRA khá thông dụng trong suốt thời Trung cổ. Người ta quan niệm, chỉ cần đeo ở cổ một lá bùa chữ sắp xếp theo hình tam giác như dưới đây, là có thể giải trừ nhiều bệnh tật - kể cả bệnh sốt rét:


ABRACADABRA

ABRACADABR

ABRACADAB

ABRACADA

ABRACAD

ABRACA

ABRAC

ABRA

ABR

AB

A

 

Từ này phát sinh từ một thành ngữ tiếng Do Thái cổ: "Abreg ad brôbra" có nghĩa là: "Hãy đánh sét đến chết". Trong tiếng Do Thái cổ, nó có 9 chữ cái. Sự bố trí chữ A ở cạnh trái của hình tam giác có ý nghĩa phương thuật, do sự lặp lại 9 lần chữ cái này. Cần phải xem xét cái hình này theo ba chiều: khi ấy nó sẽ biểu thị cho một cái phễu, mà ở đó những chữ cái mầu nhiệm chạy chéo từ miệng phễu xuống dưới cổ thắt lại, tạo thành những tuyến lực của một nơi nước xoáy mãnh liệt; thật bất hạnh cho những sức mạnh nào bị cuốn vào đấy: chúng sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi thế gian này và chìm xuống vực thẳm, mà từ nơi ấy không một cái gì có thể trở lại dương thế. Định thức ABRACADABRA, theo tinh thần ấy, ứng với những mối âu lo khiến con người phải sáng chế ra các thứ bùa yểm, bùa chú, bùa hộ mệnh” (tr.1).

 

Mà những chuyện lý thú này, thời chưa có internet phải mày mò, cắm đầu vào từng trang sách, ghi ghi chép chép. Nay, đã khác. Xét ở một góc độ nào đó, ông Google khiến cho người ta cảm thấy khó viết hơn. Viết làm gì nữa, khi mà thông tin gì cần tìm hiểu cũng đầy ắp, chỉ cần một cú click chuột là xong. Nghĩ cũng nản. Nhìn lại những gì đã một thời mày mò, tìm hiểu để viết -  rồi so với thông tin đã có trên internet cũng nản nốt. Ngày kia trao đổi chuyện này với chị bạn đồng nghiệp đã về hưu. Chị kể, đại khái, với những gì đã viết suốt năm tháng thanh xuân, chị đều giữ lại. Ngày kia, sau một cuộc cãi vã với vợ, ông chồng tình cờ đọc lại và nhận xét: “Trời, những chuyện này, trên internet có đầy. So ra, thời đó, cô viết như hạch".  Nhận xét ấy, kể ra ác quá đi chứ. “Thế chị trả đũa ra làm làm sao?”. Chị tủm tỉm cười: “Lúc đó, cáu quá chị mới bảo: Suốt hơn hai mươi năm trời, tôi đã nuôi bố con ông bằng nhuận bút từ cái… như hạch ấy đấy!”.

 

Đáo để thật.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.7.2018

 

37373971_1773072106144491_7846790041589252096_n

 

Với những chuyện không thể xẩy ra, người Việt có nhiều cách nói ví von. Chẳng hạn, “Cóc chết có minh tinh”, ta hiểu là kẻ hèn mọn, tầm thường mà được trọng vọng, tót vời, đề cao quá mức; tuy nhiên cũng còn được hiểu theo nghĩa đừng nói chuyện hão huyền - chuyện đó không thể xẩy ra. Cứ nghĩ là thế, nhưng rồi nó vẫn cứ xẩy ra dễ như bỡn. Cứ tưởng như đùa.

 

Vừa rồi, báo chí đồng loạt đưa tin về vụ gian lận kỳ thi trung học phổ thông tại Hà Giang. Rằng, 114 thí sinh (TS), với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít TS có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm. Cá biệt có những TS tổng điểm chênh lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Báo Thanh Niên cho biết Môn nào cũng bị can thiệp để “làm đẹp” điểm. Theo đó, 102 bài thi toán, điểm chấm thẩm định: 1, điểm công bố: 9; 86 bài thi vật lý, điểm chấm thẩm định: 1, điểm công bố: 8,75; 56 bài thi hóa, điểm chấm thẩm định: 0,75, điểm công bố: 9,5l; 52 bài thi tiếng Anh, điểm chấm thẩm định: 1,2; điểm công bố: 9,0 v.v… Nói như báo Tuổi Trẻ: “Vụ gian lận thi chưa từng có”.

 

Sự dối trá đến thế là cùng. Từ sự việc tồi tệ này, hình như đã manh nha câu “thành ngữ” mới: “Học sinh đi thi, phụ huynh làm điểm”. Thế nào là “làm điểm”? Là lạnh lùng sòng phẳng giữa “bán điểm” và “mua điểm”. Tiền trao cháo múc. Sự xấu xa thuở nào cũng có, kể cả thời Nghiêu Thuấn đi nữa, nhưng ở đâu kia, chứ xẩy ngay trong lãnh vực “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” thì đúng là một cú tát vào mặt ngành giáo dục. Mà có phải chỉ Hà Giang, còn các địa phương khác thì sao?

 

Gian lận trong thi cử nào phải bây giờ mới có. Sử còn ghi lại chuyện thi sĩ tài hoa Cao Bá Quát khi được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, trong lúc chấm bài ông thấy có những quyển khá nhưng lại phạm lỗi “trọng húy” lúc viết tên nhà vua. Nghĩ thương tình, ông cùng người bạn là Phan Nhạ dùng muội đèn để chữa lại. Việc làm này bị giám sát Hồ Trọng Tuấn phát giác và ghép vào tội chết. Lúc án đưa lên, vua Thiệu Trị giảm từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu (hoãn tội chết, giam lại đợi lệnh). May mắn, Cao Bá Quát được đưa đi “dương trình hiệu lực” sang Indonésia để chuộc tội!

 

Xét ra, việc làm của Cao Bá Quát và ông trưởng phòng khảo thí tỉnh và quản lý chất lượng của Sở GD-ĐT Hà Giang hoàn toàn khác nhau. Một bên vì tiếc tài thí sinh phạm luật lệ hà khắc, vô lý của trường quy; còn một bên vì cái gì? Có những câu hỏi, tự mỗi người đều có câu trả lời chung.

 

Đôi khi, ôn cố tri tân cũng là điều thú vị. Nghĩ thế, bèn lật sách ra đọc. Đọc gì? Đọc những gì liên quan đến thi cử. Thử đọc lại đề thi ngày xưa. Trước đây, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành ủy - UBND Hà Nội chỉ đạo nhiều dự án, trong đó, có “Tủ sách Thăng Long 1000 năm”. Nay, căn cứ vào đó, cụ thể quyển Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội (NXB Hà Nội-2010); và so sánh, đối chiếu thêm bản dịch đã in trên tạp chí Văn hóa châu Á số tháng 12.1960 - đọc lại đề thi Đình năm 1865 của vua Tự Đức. Thời điểm đó, với hiện tình đất nước, nhà vua đã hỏi gì với kẻ sĩ về kế sách giúp nước? Để thi như sau:

 

“Hiện nay công việc rất nhiều, không kể xiết được; nay ta đem điều thiết yếu hỏi các sĩ tử, mong được nghe mưu chước hay để mà bổ cứu. Vì lòng thể tất, cho sĩ tử được chọn một ngày để được bày tỏ hết hoài bão của mình: Cái lý trời và người tương ứng, không phải là viễn vông. Làm điều lành thì được phúc, làm điều giở thì bị họa, cho nên mới có thuyết điềm lành và tai biến. Vậy, thuyết này bắt đầu từ đâu? Các sách Hồng phạm ngũ hành, Thiên văn chí ghi chép những chứng nghiệm về điềm lành, điềm dữ thì thực sự có ứng nghiệm hết không?

 

Đời hữu đạo, chưa hẳn không có tai dị; đời vô đạo, chưa hẳn không có điềm lành. Có khi nhiều điềm lành mà vong quốc; có khi gặp tai dị mà lại hưng quốc. Có khi không tai dị mà phải răn sợ; có khi họa lớn mà trời không quở phạt; có khi việc làm lúc này mà ứng nghiệm lúc khác; có khi việc làm ở gần, mãi đến sau mới ứng nghiệm; có khi tin ở trời, biết tu tỉnh mà ứng nghiệm có lúc chậm, có lúc chóng; có khi không tin, không theo mà tai dị có lúc có ứng nghiệm, cũng có lúc không. Làm thế nào mà biết được? Những điều trên đó vị tất không có lý do, đạo chí thành có thể biết trước được, vậy thì tu tỉnh thế nào, hành vi thế nào, mới đến được như thế?

 

Đức Khổng Tử không nói quái dị, thế mà lại có câu: “Phượng hoàng không đến, Hà đồ không thấy?”. Đời vua Nghiêu có nước lụt chín năm, đến đời vua Vũ mới bình trị được, bấy giờ mới có gạo ăn. Đời vua Thang, có đại hạn bảy năm đến nổi phải lấy đồng trong kho ra đúc tiền để chẩn cấp cho dân. Vậy thì điều người đời sau nói: Các đời vua ấy, tích trữ nhiều để phòng bị, sở kiến ở đâu mà nói thế? Huống chi đại hạn bảy năm, (vua Thang) mới có lần cầu đảo ở Tang Lâm. Vậy thì trước đó há thờ ơ, mặc kệ hay sao? Đều thật không sao hiểu được.

 

Cứu đói không chính sách nào hoàn bị. Mười hai chính sách cứu đói trong sách Chu Lễ đều theo thời mà làm cho thích hợp. Còn như để “có phòng bị thì không lo”, vậy thì phải làm thế nào mới là tốt nhất? Chính sách cứu đói của đời sau trừ những việc phát chẩn, xuất thóc, quyên tiền cho dân vay, giàu nghèo giúp lẫn nhau, thông suốt chỗ có chỗ không, khuyến khích trồng trọt, giảm thuế, tạo điều kiện cho dân có việc làm…; ngoài cách này ra, còn có kế sách gì hoàn thiện hơn không?

 

Hiện bây giờ tai dị luôn thấy, đói kém mất mùa dồn dập, Trẫm rất lo sợ không biết làm thế nào. Chẳng phải là đức chính còn nhiều thiếu sót chăng? Hay là dân tình, thói tệ của quan lại còn bế tắc, uất ức chăng? Vì thiếu đức, mờ trí cho nên công việc khó chu đáo, đều là lỗi của Trẫm.

 

Nếu bảo rằng: “Mặt trời có biến thì phải tu sửa đức; mặt trăng có biến thì phải tu sửa chính trị; ngôi sao có biến thì phải kết liên, hòa hảo lân quốc; lại có câu rằng: “Thứ nhất là tu sửa đức, sau đến tu sửa chính trị, rồi sau nữa lo tu cứu (cứu chữa), thứ nữa phải tu nhương (cầu đảo cho tai qua)”. Sao lại  phân biệt quá thế? Vậy phải theo cách nào?

 

Bây giờ việc dụng binh, chi phí rất nhiều, mọi làng xã đều bị đói kém, tô thuế nhiều lần miễn, công tư không đủ chi, mọi chính sách cứu đói đều khó thi hành. Nay muốn cầu hòa khí của trời, mong mệnh nước được dài lâu, chữa mối tệ lâu ngày, làm vững gốc của nước mà nghĩ qua, nghĩ lại vẫn chưa tìm được cách nào.

 

Các sĩ từ chăm chỉ học vấn, sẽ phải ra kinh bang tế thế, há chỉ dựa vào đó để cầu danh? Mỗi người phải hết lòng, suy nghĩ sâu xa, bày tỏ cho Trẫm hay, đừng nói phiếm, đừng ẩn giấu cho xứng đáng với ý Trẫm. Nếu còn kế nào hay hơn, để có thể tìm được nhiều hiền tài, làm cho các nước láng giềng phải tin phục, dẹp bình được giặc Tàu, để đường biển được yên lặng thì cũng cứ bày tỏ hết, để bổ ích thực dụng”.

Khoa thi này, kết quả xếp hạng nhất thuộc sĩ tử 27 tuổi là ông Trần Bích San (1838-1877), tự Vọng Nghi, hiệu Mai Nham người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc (Nam Định). Do ông đậu Giải nguyên, Hội nguyên và Đình nguyên nên được người đời gọi là Tam nguyên Vị Xuyên; vua Tự Đức mến tài nên đổi cho tên Trần Hy Tăng - ví  như Vương Tăng đời Tống. Kế tiếp, sĩ 31 tuổi là ông Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902), sau khi mất được truy tặng Cần chánh điện Đại học sĩ.

 

Với câu hỏi làm sao “dẹp bình được giặc Tàu, để đường biển được yên lặng”. Ông Nguyễn Trọng Hợp cho rằng, “đua với sở trường của chúng thì khó mà chắc thắng, mà dùng trí của ta thì dễ thành công. Cốt ở tướng lĩnh cầm quân biết tính bày mưu kế, chứ không nhất thiết phải tăng thêm binh lính”. Ông Trần Bích San nêu lên hiện trạng: “Tướng chưa hết lòng, sĩ tốt chưa ráng sức… Đến như quân Thanh, Nghệ vẫn được tiếng dũng cảm nhưng khó nhọc vất vã đã lâu năm, không còn nhuệ khí; quân lính Bắc kỳ thì tài sức khốn kiệt, không tinh nghề. Đem quân lính như thế mà đối địch với quân tử chiến của chúng thì khó mà giữ toàn thắng được”.

 

Vậy phải làm sao?

 

Theo ông San, về tướng thì thăng chức hàm để khuyến khích, về binh lính thì nâng lương. “Lại bắt dân ở duyên giang, duyên hải phải lập điều ước ứng cứu lẫn nhau; chọn người văn thân, tổng lý hay thổ hào được việc, quản đốc bọn dân ấy, phỏng theo cách đời Hán, quân Hồ xông vào cướp nội địa mà ngăn cản được bọn cướp ấy thì được thưởng hậu, để cho dân tự làm chiến sĩ, tự giữ lấy nhà mình, tuyệt hẳn bọn quân vào cướp bóc. Lại dụ các quan địa phương phụ cận phải tuyển thủy quân, huấn luyện chiến trận, sắm chiến thuyền, sắm sửa khí giới, cấp đủ lương thực” v.v… Xét ra ý kiến ông San rất gần với quan điểm hiện đại về nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Cái học của sĩ phu ngày trước có thật sự hữu ích để sau này ra giúp nước? Chẳng hạn, kỳ thi năm 1472 như sau: Kỳ 1: Ra 8 đề về Tứ thư, thí sinh chọn lấy 4 đề làm 4 bài văn; ra đề về Ngũ kinh, mỗi kinh 3 đề, thí sinh chọn 1 đề mà làm; riêng kinh Xuân thu chỉ ra 2 đề nhưng gộp lại thành 1 đề để thí sinh làm. Kỳ 2: thi chế, chiếu, biểu mỗi loại 3 đề. Kỳ 3: thi thơ, phú mỗi loại 2 đề; phú thì dùng thể Lý Bạch. Kỳ 4: thi 1 bài văn sách hỏi những điểm khác nhau, giống nhau về nghĩa lý của Kinh và Thư, về những điều hay dở trong chính sự mỗi đời. Đại thể nội dung thi Hội là như thế. Dưới đời vua Gia Long quy định nội dung trên không riêng gì dành cho thi Hội mà thi Hương cũng vậy. Nhưng dưới đời vua Minh Mạng, nội dung thi kỳ 2 tức làm chế, chiếu, biểu bị loại bỏ, mãi đến đời vua Tự Đức mới khôi phục lại.

 

Thế thì, dám nói rằng, khi ra là quan, va chạm thực tế công việc, hơn ai hết lúc bấy giờ họ mới thật sự là học. Dù cùng một thời điểm, cùng được học một chương trình giáo dục nhưng lịch sử đã chứng minh đất nước ta đã có được những tài năng xuất chúng. Tại sao? Do họ tự học, học từ thực tế lúc làm ra quan, chứ nào phải chỉ vận dụng sách vở đã học ở nhà trường.

 

Nếu tìm kiếm nhân tài qua thi cử nặng về thi phú, hoặc lấy điểm làm trọng, nghĩ cho cùng nào phải thực chất của ý nghĩa đích thực của sự học. Sực nghĩ đến cái vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang gây chấn động dư luận cả nước, ngao ngán quá. Tối sấm cả trời đất. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu nói trứ danh, muôn đời vẫn đúng của danh nhân Thân Nhân Trung đặt trong ngữ cảnh này, mỉa mai quá.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: NHẬT KÝ 14.7.2018


Bn_tu_ca_B_L_ngy_10_thng_5_nm_Thnh_Thi_th_6_.1894_._v_vic_lp_n_v_cc_nghi_thc_ca_l_t_n_m_Hn

Bản tấu của Bộ Lễ ngày 10 tháng 5 năm Thành Thái thứ 6  (1894). về việc lập đàn và các nghi thức của lễ tế đàn Âm Hồn


Có bạn tri kỷ, tri âm

 

Là người hạnh phúc trăm năm cõi đời

 

Câu thơ của ai vậy? Của hắn ta, chứ còn ai “trồng khoai trên đất này”. Vừa nhận qua email. Bạn bè chơi với nhau tròm trèm đã 30 năm rồi còn gì? Tri kỷ, tri âm là gì? Giải thích ra làm sao? Chỉ biết rằng, đó là khi nhìn về các khiếm khuyết nhất thời của bạn; hoặc với lý do gì đó, bạn đang bị lời ong tiếng ve, người ấy cứ nhẹ tênh như không, vẫn nhìn nhận về bạn như trước đó.

 

Anh chàng nọ, có lúc đàn đúm, nhậu nhẹt, đã say sỉn lại còn kéo bồ tèo chiến hữu kéo bè vể nhà nhậu tiếp. Cả lũ hũ chìm ngất ngưỡng. Rồi nôn thốc, nôn tháo đầy nhà, cho “chó ăn chè” đầy sân. Rồi nằm la liệt như các chiến binh bỏ mạng nơi sa trường. Lúc tỉnh dậy, bọn họ sẽ xắn tay áo lên mà dọn dẹp chăng? Không. Chúng lại kéo nhau đi hát karaoke. Cứ xem như chưa có chuyện gì xẩy ra. Thời gian trôi qua, chẳng mấy chốc tối mịt, anh chàng nọ lết thếch quay trở về nhà.

 

Lạ thay, cửa nhà đã ngăn nắp, sạch sẽ, tinh tươm. Ai đã ra tay ngoạn mục thế kia? Mẹ của anh chàng nọ đấy. Biết chuyện, nhiều người cằn nhằn, góp ý: “Cụ chiều con quá. Nó ỷ lại đâm hư”. Nào ngờ, bà cụ chỉ cười. Tại sao có sự độ lượng ấy? Vì rằng, chính người mẹ biết con mình chưa bao giờ như thế, nay lại thế ắt có cơn cớ gì đây. Trước mắt, chấp nhận chứ không nghĩ khác về con như đã nghĩ.

 

Một hai người bạn của y cũng có tâm thế tựa như thế. Lần nọ, do cao hứng quá, y có cử chỉ thế này, thể hiện thế kia. Sau mọi việc, nghĩ lại cảm thấy áy náy, bèn hỏi ý kiến bạn bè. Có người phê bình, có kẻ quăng ngay “cục lơ”. Riêng hắn ta, cứ cười to như không: “Đó mới là tính cách của bạn mình”. Xong, không bàn gì về chuyện đó nữa.

 

Lại có những người bạn, khi gặp chuyện, hỏi ý kiến của họ thì câu chuyện ấy lại trở nên trầm trọng lắm lắm. Riêng cậu bạn nhỏ của y lại khác. Lúc nào hắn cũng cười: “Chuyện vặt. Anh để ý làm gì?”. Ngay cả việc chăm con thế nào, đang lo sốt vó, hắn quả quyết: “Dễ ẹt. Rồi anh khắc biết. Tắm cho con trẻ cứ như trong vòng tay anh đang ôm lấy cái bình thủy, chứ có gì khó”. Rồi hắn ta đứng dậy ngay trong quán phở làm động tác này, động tác kia, do đó, sự âu lo trong lòng y vơi dần đi và tự tin hơn. Mỗi lần nhớ lại, y cứ tủm tỉm cười, tin cậy và lại nhớ câu thơ hắn ta đã tặng: “Phong trần nhưng vẫn mặc quần/ Thư sinh dẫu đã cởi trần từ lâu”.

.Thế đấy. Tri âm tri kỷ chính là người đã biết rõ tính cách, tính nết, tâm tính của bạn. Biết từ sâu thẳm lòng mình. Chỉ nói ra khi cần thiết, bằng không, im lặng. Khi gặp chuyện cần hỏi han, người ấy lại tiếp thêm sự lạc quan, không gieo bi quan để trầm trọng câu chuyện. Nói cách khác, tri âm tri kỷ là cùng tiếp cho nhau năng lượng để mỗi ngày vui sống. Thậm chí, thích một quyển sách, một bộ phim, tranh vẽ, món đồ cổ… mà mình đang đọc, đang xem, đang gìn giữ, nghĩ cho cùng cũng là một cách tri âm, tri kỷ với tác giả/ chủ nhân đã từng sáng tạo/ sở hữu. Đời sống bao giờ cũng có nhiều biến động, thay đổi nhưng từ trong sâu thẳm lòng người, từ ngóc ngách sự việc vẫn có những chi tiết, dù nhỏ nhoi nhất khiến ta ấm lòng.

 

Nhìn xa hơn một chút, ngay cả người đã chết hàng trăm năm trước vẫn có tri âm, tri kỷ đang sống trên cõi trần.

 

Nói như thế, vì mới đây, trang thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I vừa công bố Châu bản triều Nguyễn về lễ tế đàn âm hồn tại Huế, do vua Thành Thái “châu phê”. Sự kiện này thế nào? Khi dịch văn bản này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Hoài giải thích: “Đêm ngày mồng 4.7.1885 tức đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23.5 năm Ất Dậu lợi dụng việc Khâm sứ Trung kỳ Champeaux mở tiệc nghênh tiếp Toàn quyền De Courcy đến thăm Huế, Tôn Thất Thuyết, một trong số các quan đứng đầu phe chủ chiến của triều đình nước Nam đã ra lệnh tấn công Tòa Khâm sứ Pháp… Trong trận chiến hỗn loạn đó nhiều quan lại, binh lính và dân thường tại Huế đã bị giết hại. Ngày đó trở thành một trong những ngày đẫm máu và đau thương nhất trong lịch sử xứ Huế. Chín năm sau ngày Kinh đô Huế thất thủ, năm 1894 vua Thành Thái đã cho lập một đàn tế Âm Hồn để thờ cúng vong linh những người đã tử nạn trong sự kiện lịch sử đó”.

 

Văn bản này, ngoài liệt kê các phẩm vật, còn có câu: “Hỡi hỡi chư linh, chẳng thể không xót xa, hoặc theo phò vua, hoặc vì nước mà phong trần, bỗng động binh lửa, mà thành thây ma, tụ thành hồn phách, đất trời sầu thảm, cỏ cây xót thương. Lời niệm lòng thành, cập đến tâm can, thê lương bù đắp, ân điển lớn lao, chút nào đắc dụng, ngầm mong an ủi, xin về thượng hưởng”. Tưởng niệm sự kiện này, hiện nay ngày 23.5 âm lịch hằng năm tại Huế gọi “Ngày quẩy cơm chung”. Há chẳng phải là ngày của những người tri âm, tri kỷ cùng gặp gỡ đó sao? Trên dương thế, vẫn còn có người thương xót, mủi lòng, đồng cảm với số phận đã khuất, đã bỏ mình trong một sự kiện vì nghĩa lớn. Nhìn nhận từ góc độ này, ắt sẽ thấy mối liên kết bất biến, bất đi bất dịch của con dân sinh ra trong cùng một bọc, có chung tên gọi là “đồng bào”.

 

Tri âm, tri kỷ còn đáng quý ở chỗ, do cùng chí hướng, cùng mục đích mà họ gắn kết thực hiện chung một chủ trương nào đó. Nghĩ đến điều này, khâm phục nhất đối với y vẫn là các nhà nho cấp tiến đã khởi xướng phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX. Khi đánh thức tinh thần quốc dân về lợi ích của việc buôn bán nói nói chung, trước hết là phải cổ động, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng về ý thức “Dân giàu nước mạnh”. Không chỉ đổi mới trong tư duy, các cụ còn xắn tay áo thực hiện “những việc càng làm ngay” để quốc dân noi gương.

 

Từ năm 1904 tại Bình Thuận, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trọng Lợi, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi... thành lập Công ty thương mãi Liên Thành. Chỉ riêng việc lập công ty này, ta đủ thấy các cụ “chịu chơi” như thế nào. Ai đời các bậc uyên thâm Nho học, thi đậu, có tên chói ngời trên bảng vàng nhưng không thèm ra làm quan “ăn trên ngồi tróc” mà lại rủ nhau đi kinh doanh!

 

Chẳng hạn, cụ Huỳnh Thúc Kháng lập Thương hội công ty, trụ sở đóng tại gần chùa Cầu Hội An; cũng tại Quảng Nam, cụ Phan Thúc Duyện lập Hợp thương Phong Thử, cụ Trần Quý Cáp lập Nông hội ở phủ Điện Bàn v.v....; tại Nghệ An, cụ Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn lập Triêu Dương thương quán... Ngoài Bắc, cụ Đỗ Chân Thiết, Phương Sơn buôn gạo từ Thái Bình, Hải Dương về Hà Nội, mở hiệu buôn Đồng Lợi Tế (nghĩa là hội họp nhau cùng sinh lợi) tại phố Mã Mây chuyên bán đồ nội hóa; cụ Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền mở Công ty Đông Thành Xương bán hàng tạp hóa ở phố Hàng Gai; cụ Tùng Hương lên Phúc Yên mở hiệu buôn Phúc Lợi Tế; cụ Nguyễn Trác mở hiệu buôn Sơn Thọ ở Việt Trì v.v... Trong Nam, cụ Nguyễn An Khương mở khách sạn Chiêu Nam lầu; cụ Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho, lập Nam kỳ Minh tân Công nghệ theo phương thức cổ đông v.v...

 

Nhưng buổi ban đầu, muốn thực hiện chủ trương này không phải dễ. Trong quyển Đông kinh nghĩa thục, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có kể lại chuyện thú vị xẩy ra ngoài Bắc vào đầu thế kỷ XX, khi nhà nho Đỗ Chân Thiết và Phương Sơn rủ nhau đi buôn. Hai cụ mướn thuyền về Hải Dương, Thái Bình mua gạo chở lên Hà Nội bán. Dù đi buôn nhưng hai cụ vẫn giữ vẻ quan cách đĩnh đạc, vẫn áo xuyến, khăn lượt chỉnh tề! Thuyền đậu ở bến cột Đồng hồ Hà Nội, có mấy o xinh đẹp xuống hỏi mua. Nhưng khi nhìn thấy trong khoang thuyền nào là tráp khảm, sách vở mấy pho, treo vài câu đối đỏ lại vang rền tiếng ngâm thơ nên tưởng là các nhà nho đùa, mấy o liền ù té chạy. Hai cụ gọi hết hơi nhưng cũng chẳng ai tin!

 

Họ chẳng tin vì lâu nay hình ảnh nhà nho trong mắt họ và trong suy nghĩ của họ: “Cái tên nhà nho không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước. Vì xưa kia ngoài Nho học không có cái học nào khác nữa, nên phàm người đi học là học đạo Nho hết cả. Đạo Nho có cái địa vị độc tôn, nên hầu như thành một tôn giáo; mà thực ra cũng chính là cái quốc giáo của nước Nam từ xưa đến giờ. Những người phụng sự cái quốc giáo đó, tức là nhà Nho. Vậy thì nhà Nho là kẻ có học hành, biết chữ nghĩa; nhà Nho là bậc thức giả xã hội trong nước; nhà Nho là tín đồ của cái tôn giáo họ Khổng. Về đường xã hội, về đường chính trị, về đường tri thức, tinh thần đều có một cái địa vị đặc biệt, đối với một chức vụ đặc biệt. Chức vụ này cao quý, có thể gọi là một thiên chức được, vì là chức vụ hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước” (Phạm Quỳnh - Tạp chí Nam Phong số 172, tháng 5.1932).

 

Thế thì, làm sao họ có thể chia sẻ được hình ảnh nhà nho trở thành “con buôn”, “tư thương” được chứ?

 

Tất nhiên, thay đổi tận gốc rễ một quan niệm cũ, xây dựng một ý thức không phải là việc làm của ngày một ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài. Ngoài yếu tố khách quan, y còn muốn nhấn mạnh đến cái tình tri âm, tri kỷ của nhau. Bởi vì rằng, nền tảng cho việc khởi xướng ấy trước hết xuất phát từ mục tiêu chung, từ chỗ “hợp gu”, “hợp cạ” với nhau. Phải tri âm, tri kỷ như ruột thịt thì các lãnh tụ phong trào Duy tân mới có thể đồng tâm hiệp lực. Sức mạnh là ở đó. Một tinh thần của điển tích Lưu Bình - Dương Lễ, chứ nào phải bị ràng buộc vì các quy định hiểu theo văn bản hành chánh. Ấy còn chính là khí phách, bản lĩnh, phẩm chất của kẻ sĩ nước Việt đầu thế kỷ XX.

 

Đã tri âm, tri kỷ thì mới thật sự gắn bó lâu bền, vượt lên trên mọi quan hệ nhất thời “Có qua có lại mới toại lòng nhau”, “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Trước đây, y đã viết loạt bài về tình bạn trong văn chương - nhằm chứng minh rằng, trong văn học Việt Nam xưa nay đã có những đôi bạn tri âm, tri kỷ. Họ chia sẻ buồn vui từ cuộc sống đến tác động lẫn nhau trong sáng tác văn chương, sáng tạo nghệ thuật. Giá trị của tình bạn ấy không chỉ là nét non tươi đẹp, ấm áp, chỗ dựa tin cậy trên đường đời của họ mà qua đó, bạn đọc còn được thưởng thức những áng thơ văn có giá trị hoặc cùng thực hiện chung hoài bão nào đó. Có thể kể đến Phan Châu Trinh - Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ, Ngô Tất Tố - Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh - Khái Hưng, Đông Hồ - Mộng Tuyết, Xuân Diệu - Huy Cận, Nam Cao - Tô Hoài, Sơn Nam - Kiên Giang…

 

Có chi tiết cảm động ít người biết đến, về trường hợp cụ Phan Bội Châu bị đưa ra Hội đồng đề hình ngày 23.11.1925 tại Hà Nội. Lúc quan tòa đang luận tội, từ phía xa, vượt qua hàng rào nhân viên an ninh lẫn khán giả đang ngồi chật ních xem xử án, có người đã chạy vụt lên phía trước. Lính canh giữ chặt lại, người này chìa ra lá thư xin nhờ chuyển lên viên chánh thẩm. Lá thư ấy, nội dung viết gì? Là xin nhận tội chết thay cho cụ Phan. Người đó là ông Tú Khắc, tức Tú tài Nguyễn Khắc Doanh, người huyện Nam Trực (Ninh Định). Dù mới lần đầu biết mặt, chưa hề “gặp gỡ bắt tay cười to một tiếng cho thoả” nhưng há chẳng phải tri âm, tri kỷ của nhau đó sao?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.7.2018

dao_hoc_ngay_nay_da_chan_roi_1R

 

Chừng hơn hai mươi năm trước, lúc mới chân ướt chân ra ra Hà Nội, có đồng nghiệp cắc cớ: “Đố Q ở Thủ đô một năm có mấy mùa?”. Tréo ngoe chưa? Thế mà cũng hỏi. Bèn trả lời. Trật lấc. Thật ra, có đến 5 mùa. Có thêm cả… mùa chạy giải thưởng, kết nạp hội. Bạn của y, tạm gọi nhà văn A, vốn nổi tiếng trong lãnh vực viết truyện thiếu nhi, uy tín sáng láng nên được mời vào hội đồng chấm giải chuyên ngành. Ban đầu, anh hào hứng vì thỉnh thoảng được mời ra thủ đô họp bàn, bỏ phiếu chung khảo… Cuối cùng, anh tự nguyện xin rút lui. Hỏi, tại sao? Anh cười mà rằng, đại khái do không thể chịu nổi áp lực phải nhận quà cáp, mời mọc bia bọt của nhiều đồng nghiệp bởi họ cần ở anh lá phiếu bình chọn. Ngồi cái ghế có quyền “ban phát” nọ kia, lại được nhiều người săn đón, điếu đóm, cầu cạnh nhưng anh A vẫn rút lui, há chẳng phải người có tư cách đó sao?  

Mà, thật lạ, từ nhiều năm nay, hễ khi công bố kết quả giải thưởng văn chương, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, nhà giáo nhân dân, phong chức danh giáo sư, phó giáo sư v.v…. lập tức lại ầm ĩ dư luận không đồng thuận. Gần đây nhất, báo chí lại “dậy sóng” với việc phong danh hiệu sĩ. Có hai điều lạ: một là, không chỉ không công khai số phiếu, không công khai danh sách Hội đồng cấp nhà nước xét duyệt hồ sơ nghệ sĩ; hai là, theo quy định thì nghệ sĩ phải làm đơn xin phong tặng danh hiệu! Đã “xin” thì mối quan hệ qua lại thuộc cơ chế “xin-cho”, chứ nào còn phải tặng, phong tặng nhằm tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ?

Ông Nghè, ông Thám vô mây khói

Đứng lại đời sau một Tú tài

Sử sách còn ghi rành rành, cứ tưởng đùa, có những người dù không đậu Trạng nguyên, nhưng do có “công trạng đặc biệt” nên cũng được dân phong là “trạng”. Trạng dân phong có sức sống lâu bền, thậm chí còn hơn cả trạng do nhà nước phong. Bởi vì rằng, một khi những gì đã thuộc về dân, dân chấp nhận, dân tôn vinh thì sức sống ấy có thể vượt qua bụi mờ thời gian. Vấn đề đặt ra ở đây không phải đã thi đậu, đã học hàm, học vị gì mà họ đã làm được cái gì?

Về các ông trạng do dân phong tặng, có thể ghi nhận là một chuyên đề lý thú trong Folklore học Việt Nam, chắc chắn sẽ có các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đi sâu tìm hiểu và lý giải vấn đề này. Trước mắt, có thể kể đến: Trạng Ăn (Lê Như Hổ), Trạng Quét (Lê Quát), Trạng Gióng (Đặng Công Chất), Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), Trạng Vật (Võ Phong), Trạng Cờ (Vũ Huyên), Trạng Quỳnh (Nguyễn Quỳnh), Trạng Lợn (Dương Chung Nhi), Trạng Tả Ao (Vũ Đức Huyền), Trạng Ngộ (Nguyễn Xiển, còn gọi là Xiển Bột) Trạng Ngọt (Hứa Tam Tỉnh)... và một số trạng không rõ tên như Trạng Gạt, Trạng Độn, Trạng Khiếu...

Có một số ông trạng, dân gian không gọi tên thật mà kính trọng gọi bằng cái tên khác - với nhiều lý do như trạng có sở trường về chuyên môn đó; hoặc có công truyền nghề cho dân; hoặc gắn liền với địa danh sinh ra Trạng. Chẳng hạn, Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) - do được vua nhà Mạc phong tước Trình Tuyền Hầu, ngụ ý đề cao ông có  công khơi nguồn Lý học như anh em Trình Di và Trình Hạo ở Trung Quốc...; rồi ông lại được thăng tước Trình Quốc Công; Trạng Me (Nguyễn Giản Thanh) - do sinh ở làng Hương Mạc, tên nôm là Me, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc; Trạng Lường (Lương Thế Vinh) - do giỏi về tính toán, có để lại đời sau bộ sách Đại thành toán pháp; Trạng Chiếu (Phạm Đôn Lễ) - do có công dạy dân nghề làm chiếu; Trạng Bịu (Nguyễn Đăng Đạo) - do sinh ở làng Hoài Bảo, tên nôm là Bịu, huyện Tiên Du, Hà Bắc... Có Trạng do đi sứ có tài biện bác, ứng đối thông minh nên được vua Trung Quốc phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên” như trường hợp Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Khoan - dù ông Phùng không đậu Trạng, chỉ đậu Hoàng giáp...

Dù không đậu Trạng nguyên, chỉ mới Tú tài, trong số đó, còn có Tú Xương. Đời sau đã ca ngợi một thi sĩ tài hoa bậc nhất đất Nam Định, dù rằng thuở sinh thời, nhiều lần lều chõng đều trợt vỏ chuối. Âu cũng là… cái may cho nền văn học nước nhà. Nếu thí sinh Tú Xương thi đâu đậu đó thì sức mấy: “Kìa ai chín suối Xương không nát/ Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”. Tú tài mà làm thơ cỡ như Tú Xương kể ra hiếm lắm. Một khi đọc kỹ thơ của anh chàng tự trào: “Vị Xuyên có Tú Xương/ Dở dở lại ương ương:/ Cao lâu thường ăn quịt/ Thổ đĩ lại chơi lường” ắt nhận ra rằng đó là… một nhà báo chuyên nghiệp. Có điều, ông viết phóng sự bằng… thơ trào phúng! Do tài năng tót vời, một khi thời sự đi qua nhưng các câu thơ ấy vẫn “đứng lại”, vẫn tạo thành một bức tranh chính trị-xã hội của một thời quá vãng. Trong cõi trường văn trận bút trùng trùng điệp văn tài chữ nghĩa, vàng thau lẫn lộn ấy; trong chốn quan trường nhộn nhạo mua quan bán chức lẫn có thực tài ấy, điều gì sẽ khiến đời sau còn nhớ đến họ?

Về thơ trào phúng, đồ đệ của Tú Xương nhiều lắm, thí dụ Tú Mỡ. Khi ta gọi Tú Mỡ,  đó chỉ là bút danh của Hồ Trọng Hiếu; nhưng gọi Tú Xương thì nó vừa bút danh, vừa phản ánh cả học vị của Trần Tế Xương. Thế thì sao lại không lẩn thẩn tìm hiểu một vài nhà thơ đã có bút danh gắn với học vị? Âu cũng là một cách tìm hiểu về khoa cử của ngày xưa. Lý thú quá đi chứ? Chẳng rõ, có thể nhàm chán với người này nhưng hữu ích với người kia, mà thôi, tranh cãi làm chi, ít ra đọc và ghi chép cũng là một cách học đó thôi.

“Rớt Tú tài anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con/ Bao giờ xong nợ nước non/ Anh về anh có Mỹ con, anh bồng”. Câu đùa tếu táo của một thời vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người. Thế thì, Tú tài ra đời từ lúc nào nhỉ?

Xưa nay, các nhà cầm quyền muốn tìm nhân tài ra giúp nước, thông thường phải thông qua con đường khoa cử. Do sử sách không ghi chép hoặc tài liệu đã thất lạc, tiêu hủy trong binh đao nên khoa cử Việt Nam từ đời nhà Đinh, nhà Lê trở về trước rất khó khảo cứu. Ngay cả trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840) cũng chỉ viết: “Khoa cử bấy giờ còn thiếu, triều đình dùng người không câu nệ, không theo phép tắc cụ thể nào, sự cân nhắc còn rộng rãi, mà thực ra nội quy thi cử cũng chưa được tường. Điều này cũng dễ hiểu vì bắt đầu xây dựng, sự thể cũng phải như vậy”. Trải qua các triều đại, qua từng khoa thi có khác, nhưng đại thể như sau:

Từ năm 1396, vua Trần Thuận Tông quy định lại phép thi cử đặt ra thi Hương để chọn lấy cử nhân: cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, ai đậu thì được tiếp tục thi Đình, do chính nhà vua ra đề để phân cấp bậc, thứ tự cao thấp. Thi Hương là do các địa phương tổ chức. Thi Hội là cấp thi Trung ương do triều đình tổ chức. Thế nhưng trước khi vào thi Hương, các thí sinh phải qua kỳ thi khảo hạch ở địa phương. Năm 1915, nhà văn Ngô Tất Tố đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh nên còn được gọi Đầu xứ Tố. Sau khi khảo hạch, những thí sinh đủ tiêu chuẩn mới được dự thi Hương gọi là Cống sĩ. Những người chỉ thi đậu qua ba trường (trường nhất, trường nhì, trường ba) hay còn gọi là ba kỳ thi Hương thì được gọi Sinh đồ, nhưng nếu có ông cha làm quan viên tử hoặc quan viên tôn thì được gọi Nho sinh; thi đậu bốn trường gọi là Hương cống, còn gọi Hương tiến. Đời nhà Nguyễn, những người thi đậu qua ba trường (trường nhất, trường nhì, trường ba) gọi là Tú tài (tương đương Sinh đồ đời Lê); đến trường tư, các Tú tài vào thi, người nào đậu thì xếp hạng Cử nhân (tương đương Hương cống đời Lê), số còn lại đều gọi là Tú tài. Nếu đậu đầu thi Hương được gọi là Giải nguyên, khi đi thi Hội được gọi là Cống sinh.

Đọc sử sách thấy có những người là Tú Đơn, Tú Kép, Tú Mền, Tú Đụp - nghĩa là sao? Tú Kép là những người hai lần thi Hương đều đậu Tú tài - như trường hợp nhà thơ trào phúng Hoàng Thụy Phương, thường gọi Trà, hai lần thi Hương tại trường thi Nam Định, khoa 1897 và 1909 chỉ đậu Tú tài nên người đời gọi là Kép Trà; Tú Mềm là những người ba lần thi Hương đều đậu Tú Tài - như trường hợp cụ Nguyễn Tông Khởi, bố của Tam nguyên Yên Đỗ, ba lần đậu Tú tài trong các khoa thi năm 1825,1841 và 1852 nên được gọi là cụ Mềm Khởi; Tú Đụp là những người bốn lần thi Hương thì bốn lần đậu Tú tài. Nhà thơ trào phúng tài hoa Tú Xương 8 lần lều chỏng đi thi nhưng cũng chỉ mỗi một lần đậu tới... Tú tài! Những người chỉ đậu như thế còn được gọi là Tú Đơn để phân biệt với các ông Tú khác.

Trong thi ca trào phúng miền Nam, ở Vĩnh Long có nhà thơ Nhiêu Tâm, do đâu? Để tìm nhân tài, thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) ở Đàng Trong đã mở những khoa thi tuyển gọi là “Xuân thiên quận thí”- chỉ diễn ra một ngày ở các trấn, quận - người thi đậu gọi là Nhiêu học. Khoa thi này thật ra chỉ tương đương với các kỳ khảo hạch trước khi thi Hương của vua Lê chúa Trịnh. Họ được miễn phu phen tạp dịch để có thời gian đèn sách trước khi dự thi Hương. Ông Đỗ Minh Tâm được gọi là Nhiêu Tâm là vậy. Nhà thơ Nguyễn Văn Lạc, quê ở Mỹ Tho sao lại gọi Học Lạc? Theo Theo nhà nghiên cứu Trịnh Vân Thanh: “Ông có trí thông minh từ nhỏ, nhưng nhờ học giỏi nên ông được tuyển thẳng vào ngạch học sinh, ngạch do triều đình nhà Nguyễn đặt ra, được cấp lương và được học tại trường của quan Đốc học. Do đó, người ta gọi ông là "học sinh Lạc", dần dần bỏ mất chữ "sinh", còn lại hai chữ "Học Lạc” (Thành ngữ điển tích danh nhân tự điển, in năm 1965 tại Sài Gòn, tr.501).

Đạo học ngày nay, có gì khác trước?

Không dám lạm bàn, chỉ xin nêu hai ý kiến nhận xét chung về lối học ngày trước, nhà Hán học uyên thâm Phan Kế Bính có ý kiến: “Cách học của ta chẳng nói thì ai cũng biết là trái phép sư phạm. Tự lúc nhỏ cho đến lúc lớn, chẳng qua chỉ học trong hai khoa luân lý với văn chương. Mà luân lý lại theo nghĩa hẹp hòi, bó mình vào trong lễ phép quá, làm cho người ta không thể theo được, văn chương thì cũng phù phiếm, người nước Nam mà bàn việc Nguyên, Minh, chuyện Đường Tống, ngồi xó nhà mà tả những cảnh Hoàng Hà, Thái Sơn, thực là “ngồi cầu Đơ mà nói quán Mọc”... Ngoài khoa văn chương luân lý thì không còn khoa gì nữa, thể thao chẳng có, kỹ nghệ cũng không. Ai học rộng ra đến thiên văn, địa lý, y khoa lý số một chút đã cho là “vạn sự xuất ư nho”, mà rút lại thì chẳng nghề gì là học cho đến nơi đến chốn. Học thuật của ta hủ bại như thế, trách nào mà trí thức của ta chẳng mờ mịt, văn minh của ta chẳng kém xa các nước” (Việt Nam phong tục, NXB TP.HCM tái bản 1990- tr. 158- 159).

Nhà giáo Phạm Thế Ngũ cũng có ý kiến tương tự: “Về kết quả đào tạo thì chương trình giáo dục ấy chỉ tạo nên một người trí thức tinh luyện về đạo đức, văn chương, lịch sử, triết lý, trong phạm vi hiểu biết của thế giới Trung Hoa xưa. Nó thiếu hẳn về phần chuyên nghệ. Nhưng cổ nhân có câu “Sĩ khả bách vi” hay “Vạn sự xuất ư nho”. Một khi thi đậu ra làm quan trị nước rồi mới tìm coi thêm những sách về pháp luật, binh bị, toán số, về chế độ, phong tục, lịch sử, địa dư nước mình. Đó là cái học trực tiếp thực hành coi làm phần phụ sau cái nồng cốt về văn hóa và lý thuyết ở trên kia” (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên –NXB Quốc học tùng thư in năm 1961- tr.79).

Ý kiến về “cái học trực tiếp thực hành” rất đáng suy nghĩ, bởi lẽ cái học ngày nay có hướng theo xu thế đó không?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 4 trong tổng số 58