LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.11.2017

quocai-Rchi_em

Lê Minh Quốc - Lê Thị Ái (ảnh chụp vào thập niên 1960 tại Đà Nẵng)


“Có phải chị không hở chị?”

 

1.

“Em rùng mình, một thoáng lạnh bơ vơ/ Bỗng ấm lại trong tình thương của chị,/ Mơ hồ thấy dáng hình của mẹ/ Trong dáng đi xăm xắn chị chiều nay:/ Áo em sờn chị vá chị may/ Con cá nục, chị chiều em, kho nhạt/ Cơm nếp rồng thơm chị đơm đầy bát”. Câu thơ của nhà thơ Võ Văn Trực thỉnh thoảng đi về trong trí nhớ. Ấy là cảm nghĩ của cậu em trai lúc về  quê nhà chịu tang mẹ. Nhìn người chị, thoáng thấy hình bóng của mẹ, sự trìu mến chân tình này có lẽ với nhiều vẫn không khác. Y cũng vậy. Có điều, người chị mến yêu đã “ra đi” trước mẹ.

Thỉnh thoảng, những năm tháng ở chiến trường K mịt mù khói súng, bóng đêm rập rình cái chết đang bủa vây từng ngày, lại nhớ về vòm trời hoa phượng đỏ ở Đà Nẵng. Nơi ấy, có chị. “Mười năm vô cùng xa lắc/ Tình cờ bắt gặp cánh hoa/ Chị ơi! Em đi đánh giặc/ Nhớ chị là nhớ quê nhà”. Tuy nhiên, kỷ niệm tuổi thơ gắn bó với chị không nhiều lắm đâu. Có thật vậy không? Thử nghĩ lại đi, có gì không? Xòe hai bàn tay ra, chẳng có gì. À, không, có đấy chứ.

Ngay sau năm 1975, báo Quảng Nam có tổ chức cuộc thi thơ, với bút danh Thiên Bất Hủ, y có gửi thơ dự thi. Cuộc thi này, cụ thể thế nào, phần thưởng thế nào, thành phần Ban giám khảo là ai, thú thật đến nay, y vẫn không còn nhớ rõ lắm. Thế nhưng ba bài thơ lục bát dự thi của y đã đoạt giải. Tại sao nhớ chi tiết này? Đơn giản chỉ vì ngay từ bé, y đã có thói quen lưu trữ lại những gì liên quan đến cá nhân.

Thử đọc lại những vần thơ học trò ngày ấy. Phía dưới còn ghi “Học sinh Tây Hồ”, chứng tỏ năm ấy, các em học sinh vẫn học tại trường đang học, chứ chưa chuyển đổi qua trường Phan Châu Trinh. Học bạ còn ghi rành rành lngày nhập trường Phan Châu Trinh là ngày 15.10.1975. Thơ như sau: “Lao động tốt: Đi học về bé giúp cha/ Đem thóc vẫy gọi đàn gà vào ăn/ Bé làm ngày tháng siêng năng/ Tưới rau, gánh nước, học văn chuyên cần”;Bác nông dân: Lấy mồi hôi đổi bát cơm/ Lúa đầy trĩu hạt thơm ngon vô cùng/ Bác ơi yêu bác lạ lùng/ Cháu cô gắng học cho lòng bác vui/ Mai sau cháu lớn nên người/ Cháu làm thợ máy giúp đời đi lên”; “Nhớ ơn Bác: (Tặng Thiếu niên chi đội 1): Trở về thăm mái trường xưa/ Cờ sao tung nắng dạ thưa cô thầy/ Trường em thơ ngát hàng cây/ Hoa xanh thắm nở xum vầy thật tươi/ Chúng em ngoan ngoãn đón mời/ Yêu thương nhớ đến những lời Bác khuyên”.

Ngày đi lãnh giải là ngày nào, không nhớ rõ nhưng chắc chắn diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương, thuở ấy, còn là rạp chiếu bóng. Lúc nhận thư mời đi nhận giải, y mừng lắm. Đầu tiên biết tin và cũng là người dẫn y đi nhận giải thưởng chính là chị. Chị Lê Thị Ái. Bà chị lớn hơn một tuổi nhưng đã trưởng thành sớm, trước giải phóng đã là Đoàn viên Thanh niên Cách mạng miền Nam. Sau này, khi gia đình gặp sự cố của bão tố phong trào đánh tư sản, tấm thẻ Đoàn ấy vẫn không giúp ích được gì. Cũng phải thôi, ngay cả gia đình vốn là cơ sở cách mạng cũng bị vạ. Trời cao đất dày cũng có cứu nổi đâu. Mà thôi. Ngày tháng ấy đã xa. Chị đã mất. Ba mẹ đã mất. Thú thật, trong lòng y không còn muốn nhắc lại, nhớ lại nữa. Hãy khép lại một bóng đêm. Khép lại những ngày giông tố. 

Nhớ về gia đình, tốt nhất hãy nhớ về kỷ niệm yêu dấu trong căn nhà của mình, đôi khi cũng cần  nhẹ nhàng khép lại thay đổi của thời cuộc. Thời cuộc đi qua. Chỉ tình yêu ruột thịt, tình nghĩa ấm êm còn ở lại. Và không vì biến cố thời cuộc đã tác động đến, tạo nên sự xáo trộn của mái ấm mà phải nhắc lại nó. Xóa bỏ nó đi. Đào đất, thả xuống và lấp lại. Delete khỏi ngăn trí nhớ. Nhớ lại làm gì một bóng đêm, một uất hận, phải không chị? Bà chị của y đang mỉm cười đấy thôi. Giống như mẹ, lúc mãi mãi khép mắt gương mặt chị như đang ngủ. Khác hẳn tính cách hằng ngày.

Ngay trước này chị mất, tính cách mạnh mẽ ấy vẫn không thay đổi. Rằng, đang ngồi học chính trị, sáng hôm ấy nhận được điện thoại của chị. Một cuộc điện thoại dài cả nửa giờ đồng hồ, khổ nổi, y chỉ nghe và nghe, đố há miệng chen được câu gì. Chị giận dữ than phiền các y bác sĩ đã đối xử thế nọ thế kia và đòi y can thiệp cho bằng được. Mà y có quyền lực gì ngoài tấm thẻ nhà báo? Chị vẫn nằn nì mãi. Y bèn gọi điện cho vị giám đốc bệnh viện tìm hiểu tình hình. Và sau mọi trao đổi vẫn là một sự thật: chị y không thể cầm cự được lâu hơn nữa.

Sau nhiều năm chạy thận ở bệnh viện Đà Nẵng, chị trở thành một hiện tượng kỳ lạ là trong lúc đồng bệnh lần lượt bỏ cuộc, xuôi tay nhắm mắt thì chị vẫn kiên cường bám lấy ánh nắng mặt trời. Da đen sạm lại. Thân thể khẳng khiu. Nhưng giọng nói vẫn rổn rãng, ầm ầm như sóng biển Mỹ Khê, Thanh Bình. Mỗi lúc bệnh viện cần báo thành tích hiệu quả của công việc chũa trị, chị lại xuất hiện trước dư luận như một “điển hình tiêu biểu”. Thế rồi, trên đời làm gì có thuốc tiên, ai rồi cũng phải đến lúc lùi bước trước thời gian. Nói như nhà thơ Baudelaire: “Thời gian là con bạc tham lam/ Thắng mọi ván mà không thèm gian giảo”.

Dù sức khỏe đã tàn, nhưng trong giây phút chót trên chuyến tàu cuối của thời gian, bất kỳ ai cũng có niềm khát khao được sống. Dù chỉ thêm một giờ. Dù nán thêm một phút. Không phải sống cho mình mà vì chồng, vì con. Phải sống cho bằng được. Ai đời, trước ngày mất chị còn ra “tối hậu thư” giao cho vợ chồng cậu em trai út phải mua cho bằng được những thứ chị cần dùng. Chi tiết liệt kê ra dài như sớ Táo quân. Em lo lắng đã như thế, thì phải biết chồng con còn phải chìu chuộng đến cỡ nào. Sinh thời gia đình có cả thẩy tám người con, chỉ mỗi mình là nữ, vì thế, chị tự cho mình phải được mọi người quan tâm nhiều nhất. Cũng phải thôi.

Mà này, thời niên thiếu thuở mới 15, 16  đã có kỷ niệm gì với chị?

Trong đời, duy chỉ có một lần duy nhất, y dẫn chị đi ăn nhà hàng. Trước ngày đi bộ đội, thỉnh thoảng y có thơ in trên báo Tin Sáng. Lần đầu tiên trong đời được tòa soạn trả nhuận bút 13 đồng cho ba bài thơ in trên ba số báo trong năm 1976. Đến nay, y vẫn giữ được thư chuyển tiền, có đánh máy đôi dòng cảm ơn, có chữ ký của nhà báo lừng danh Hồ Ngọc Nhuận. Khỏi phải nói, y hãnh diện biết chừng nào. Với số tiền nhuận bút vừa ký nhận ở bưu điện (ngay dưới chân Cầu Rồng hiện nay), hai chị em đã hiên ngang bước vào quán thịt bò bảy món trên đường Phan Châu Trinh. Đó cũng là lần đầu tiên y kiếm ra đồng tiền lương thiện từ nghề viết lách, sau này còn nhọc nhằn, hân hoan đeo đuổi cho hết một đời.

Có kỷ niệm nào ấm êm và kỳ diệu hơn về đồng tiền, khi người cùng chia sẻ, không ai khác, chính là chị ruột của mình?

Khi một quốc gia nào nào đó, chủ trương mỗi nhà chỉ nên có một con, chắc chắn về sau, đứa trẻ sẽ lệch lạc về tình cảm từ trong nhận thức. Một nhà, phải có chị có em. Quan niệm “Con đàn cháu đống”, buổi này chẳng mấy ai hào hứng ca tụng, xiển dương nữa. Nhưng may mắn thay cho những ai có chị gái. Bà chị nào cũng thương em trai. Em trai nào cũng thương chị gái. Chẳng phải từ đâu cả, từ nội hàm của sự việc rằng thì, là nó phải thế. Dứt khoát phải thế. Cùng một cội nguồn máu thịt, sao lại không yêu thương nhau? Nhiều lúc, lúc nhàn rỗi vẫn thích đọc lại truyện ngắn của Thạch bởi lẽ hình ảnh người mẹ, người chị hiền hậu, bao dung hiện lên rõ nét. Trang văn ấy nhắc nhở rằng, tình cảm thiêng liêng ấy thời nào, dưới gầm trời nao, chân trời nào, sắc tộc nào, chủ nghĩa nào thì nó vẫn còn tồn tại mãi mãi.

“Mùa xuân chị mang áo mới/ Qua sông gió lạnh trời chiều/ Trong em pháo hồng xao xác/ Chị về cuối bến tình yêu”. Ngày chị cưới chồng, y còn đang chiến đấu ở K, chỉ nghe kể lại hôm nhà trai rước dâu về Đại Lộc (Quảng Nam) trời mưa tầm tã. Chỉ biết đến thế. Câu thơ trên, viết thời sinh viên, nghĩ về lúc chị qua dòng sông Thu Bồn về nhà chồng. Rồi cũng năm 1986 ấy, lúc ngồi ở giảng đường đại học, y đã viết Cây lúa Đại Lộc, nghĩ rằng, ông anh rể sẽ bảo với chị lúc đã nên duyên chồng vợ: “Chúng mình yêu nhau có trời giông bão/ Cây lúa chết đuối nước ngập bờ/ Sông Thu Bồn những chiều gió thổi/ Hương lúa bay vào ấm cả giấc mơ”. Những câu thơ ấy, trong tình chồng nghĩa vợ vẫn còn lại ở cõi đời, phải không chị?

2.

Nếu chọn lấy một bài thơ văn xuôi viết về chị, kể lại kỷ niệm tình chị em hay nhất trong văn chương Việt Nam hiện đại, chỉ xin chọn lấy Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử.

Y không xếp áng văn đó vào thể loại tùy bút, xếp vào thơ văn xuôi hợp lý hơn. Mỗi câu văn ngân nga như từng nốt nhạc ngân vang, reo vang từng chuỗi ngọc. Với ánh văn ấy, trên đời này, vẫn còn có một người chị tên Lễ. Chị Lễ của Hàn Mặc Tử. Hình ảnh hai chị em chơi giữa mùa trăng thánh thoát, siêu thực: “Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu... Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bực tinh truyền chi thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi. Tôi nắm tay chị tôi dặt lia lịa và hỏi một câu hỏi tức cười làm sao: “Có phải chị không hở chị?”. Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng, mà em đây cũng là trăng nữa!”.

“Có phải chị không hở chị?”. Trong đời, người em nào lại không có lúc thốt lên câu ấy?

Với y vẫn là dịp nghỉ Tết nọ, từ Sài Gòn về Đà Nẵng - một địa danh, một vùng đất, một quê nhà đã cảm nhận tự đáy lòng, nơi ấy, bao giờ cũng: “Dẫn tôi về nguyên đán/ Bất chợt một nhành mai/ Huy hoàng như ánh sáng/ Ngồi xuống ngã tư đường/ Chợ Cồn tô cháo trắng/ Ngon như là quê hương”. Sau khi lập gia đình, nhà chị Ái gần chợ Cồn. Bấy giờ, sau đổ vỡ hôn nhân lần thứ nhất, y tiếp tục thêm một bước thứ hai. Mọi việc hầu như sắp xếp đã đâu vào đó. Chiều cuối năm, gần hết một năm, y cùng ông anh ba ghé lên nhà thăm chị. Sau những hỏi han nọ kia, lúc đề cập đến chuyện cưới xin của y, ông anh thật thà bảo, đại khái, mẹ chưa về quê nên chưa biết tính sao? Không ngờ, chị đùng đùng nổi giận, đập tay ầm ầm xuống gường: “Đã đám hỏi rồi. Chần chừ gì nữa? Phải đi lễ tết nhà đàng gái ngay. Đi ngay”.

Câu nói của người chị ra lệnh cho em; của người em ra lệnh cho anh, ối dào, cứ như thể lời phán ra từ tính cách mạnh mẽ của mẹ. Thế là cả hai anh em phải líu ríu làm theo. Ngạc nhiên với một tính cách mạnh mẽ, dữ dội lạ thường ấy, lúc bước chân ra khỏi nhàm y đã tự hỏi: “Có phải chị không hở chị?”.Vâng, vẫn là chị. Ẩn đằng sau câu nói quyết liệt ấy, vẫn là chính chị quá sốt ruột cho sự lận dận tình duyên của y đó thôi. Chỉ nghĩ đến đó đã thương chị biết bao nhiêu.

Rồi cũng có lúc người chị lại bật ra câu hỏi dành cho người em ruột: “Có phải em không hở em?”. Câu hỏi thân thiết này luôn vọng lên sự ngạc nhiên mà người hỏi không ngờ đến. Có những sự việc quá bất ngờ, không thể tin nên phải họ lại là vậy. Đã có lúc, y ứa nước mắt về một tình chị em của một người xa lạ - nhà văn trẻ tên thật Nguyễn Văn Uy, em ruột của chị Nguyễn Thị Tẩu. Anh Uy  sinh năm 1943, chết ngày 8.1.1969.

Lúc từ Sài Gòn ra Phan Thiết nhận xác em, chị Tẩu kể lại: “Khóc chán, kêu gào chán, các chị lôi tôi ra xe trở về. Dọc đường, tôi vẫn kêu gào như người điên, không ngại ngùng, không xấu hổ, không còn kể đất trời nào nữa. Chiếc cầu Mường Mán đây. Uy đã viết thư gửi về, kể cho tôi nghe về chiếc cầu này. Em tôi vẫn thích đứng nơi đây để nhìn trời, nhìn nước, nhìn hàng dừa ngả nghiêng soi bóng nước trong, nhìn đàn chim chiều chiều đang bay về tổ ấm. Chỗ nào em tôi vẫn hay đứng? Phía nào em tôi vẫn hay nhìn. Các chị ơi làm ơn cho tôi biết với. Để tôi sẽ in bàn chân lên chỗ em tôi vẫn đứng và ghen tức với khung trời đã thâu trọn những cái nhìn say đắm của em tôi. Tôi muốn tìm lại tất cả những gì dư ảnh của em tôi, dù lớn hoặc nhỏ; vì lúc này em tôi đã đi rồi, giống như dòng nước chảy dưới chân cầu không bao giờ trở lại” (Tạp chí Văn số 129 ngày 1.5.1969).

Đoạn văn bình dị, không hoa hòe hoa sói, đọc lên rưng rưng bởi thấm đẫm cái tình. Tình xót xa máu thịt, đã mất. Nguyễn Văn Uy, trong cuộc chiến vừa qua, cái tên ấy như hàng vạn cái tên khác. Một cái chết, như hàng vạn cái chết khác. Rồi lãng quên? Chẳng ai còn nhớ đến nữa? May thay, người chết trẻ còn để lại những cuốn sách Tượng đá sườn non, Bão khô, Ngựa tía, Quê nhà, Chiếc xương lá mục..., ký bút danh Y Uyên. Chị Tẩu viết: “Một cái gì đó dẻo dai, bền vững, sẽ chịu đựng nổi sự thử thách của thời gian, sự dễ quên tàn khốc của cuộc đời vô thủy vô chung này”. Cái đó là cái gì? Là những gì em đã viết? Là tình chị em cùng huyết thống?

Lúc đọc những trang viết xúc động của chị Tẩu, tự dưng lại nhớ đến chị Lê Ngọc Sương - chị ruột của Bích Khê:

… Tôi mất em là mất cả một mùa hương

Cả ánh sáng và cả gì man mác

Tôi mất em, ôi! Cõi lòng tan nát

Tôi mất em! Trời hỡi, tôi mất em

Tình lên mi sầu dựng giữa màn đêm

Tôi muốn xé tử thần ra trăm mảnh

Tôi gào thét giữa đêm tàn trăng lạnh

Đòi hồn em và xác thịt em tôi…

... Nấm mồ được đặt trên miếng đất Hội quán ở gần Thu Xà và luôn bao năm lửa khói chỉ có một con quạ đứng im hơi. Em tôi đã chết. Nhưng bây giờ tôi vẫn không tin là em tôi đã chết” (Tạp chí Văn số 64, 15.5.1966).

Và lúc ấy, lại nhớ đến một tin nhắn, đã nhận vào lúc 0 giờ ngày 9.11.2012, từ Đà Nẵng, báo tin người chị của đã về trời. Chị Lê Thị Ái. Một cái chết đã đến với một người. Nghĩ đến tận cùng, chết cũng là một sự giải thoát. Từ nhiều năm, chị đã phải chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Một cuộc chạy đua với thần chết rất quyết liệt. Những người bệnh cùng thời với chị, đã hai mươi năm trước, tất thẩy đều bỏ cuộc. Và bây giờ đến phiên chị. Một nẻo về cuối cùng rồi ai cũng chạm đến. Như một lẽ tất nhiên. Không thể chối từ. Không thể thoái thác. Ai cũng về “cuối bến tình yêu”. Một hẹn hò đã dự báo từ khi con người cất tiếng oa oa chào đời. Từ lúc ấy, vĩnh viễn mất chị. Một phần máu thịt đã mất…

Lạ kỳ cho những giấc chiêm bao.

Ngày ấy, y quyết định không thông báo cho mẹ biết. Giữa khuya nghe tin dữ, bà cụ sẽ trằn trọc khó ngủ. Không ngờ, sáng hôm sau, y thức dậy sớm, mới 5 giờ sáng đã thấy mẹ ngồi tự lúc nào và buộc miệng hỏi ngay: “Ái chết rồi à?”. Kinh ngạc, làm sao bà cụ có thể biết? Làm sao có thể biết? Thì đây: “Đêm qua, không biết reng mà tau chẽng ngủ được. Cứ nhắm mét lơ mơ làng màng là nghe con Ái gụa: “Mẹ ơi! Mẹ về với con!”. Nghe tiếng gọi khẩn thiết ấy như xa như gần, như mơ như thật, mẹ y không thể ngủ yên và thao thức đến sáng. Quả nhiên, chị Ái đã chết đúng vào thời điểm mà mẹ chập chờn mộng mị…

Sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Chẳng có gì ngẫu nhiên đâu. Tất cả có thật. Mọi việc có thật và nó đến bằng nhiều ngã, nhiều hướng nhằm thông báo một thông tin có thật. Chị ơi, “sóng đã vỗ trong lòng/ niềm bi thảm đã cuộn tròn trong mắt”...

(5.11.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment