Bữa cơm có mẹ
“Con trẻ! Ở đời có ai thương con cho bằng mẹ?
Tình mẹ lai láng như sông như biển. Vì con mà vong phế mọi việc; coi con như vàng như ngọc; lo từ bữa ăn giấc ngủ cho con.
Khi bây bé thơ, dạy nói từ tiếng, tập đi từ bước. Bây có vinh vang sức mẩy, chơn chạy không bén đất, quên ăn quên ngủ, ngày đêm chẳng rời con.
Ai săn sóc con cho bằng mẹ? Ngày nay mà bây còn thấy đất trời, cũng nhờ chưng có mẹ.
Ớ con trẻ! Hãy thương mẹ bây cho hết lòng và phải lo đền ơn: “Thập ngoạt hoài thai, lưu niên nhũ bộ”, nghĩa là “Mười tháng đợi mong bây trong bụng, ba năm lo bú mớm”.
Đây mà bài Từ mẫu dạy học trò cách đây hơn 100 năm, y đã chọn từ bộ sách giáo khoa Morale pratique à l’usage des Élève des Écoles de l’Indochine (Luân lý thực hành dùng (dạy) cho học trò các trường ở Đông Dương). Phía trên có ghi dòng chữ bằng tiếng Hán Phong hóa thực hành, khổ 15x 24 cm do ông J.C. Boscoq - Giáo sư Ngôn ngữ phương Đông - biên soạn với sự cộng tác của ông Nguyễn Văn Tâm - giáo sư Trường Trung học Mỹ Tho. Imprimerie de l’Union, 157 đường Catinat, Sài Gòn in năm 1914.
Tìm đọc lại sách giáo khoa xưa, âu cũng là cách quay ngược về quá khứ, tìm lấy những kỷ niệm êm đềm, đằm thắm nhất. Với bài học về tình mẫu tử, dù thời gian đã vụt trôi qua nhưng ý nghĩa giáo dục vẫn nguyên vẹn. Từ thuở khai thiên lập địa cho đến nay, nếu sau này loài người có định cư trên sao Hỏa, Mặt trăng đi nữa thì vẫn: “Thập ngoạt hoài thai, lưu niên nhũ bộ”. Từ lúc mang thai, đã nuôi dưỡng mầm sống ấy, lúc chập chững bước đi, mẹ lại: “Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Cơm búng, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Cơm nhai một miếng cho vừa miệng con nít”. Cái hột cơm từ thời trẻ nít đến lúc trưởng thành, vẫn phải còn nhờ cậy bàn tay của mẹ.
Được sống chung với ba mẹ, có những chuyện nhẹ nhàng, cảm nhận mỗi ngày, chẳng gì ghê gớm lắm đâu. Bình thường, bình dị nhưng rồi lại khó quên. Khó phai mờ trong ký ức. Với y, vẫn là những bữa ăn gia đình. Có ba có mẹ có đầy đủ anh chị em trong không gian của ngôi nhà đã quen thuộc mỗi ngày. Ngôi nhà của mỗi người dù chật, dù rộng, dù nông thôn, thành thị, dù mái lá, dù lợp ngói, dù thế nào đi nữa thì ai cũng có thời thơ ấu êm đềm ở nơi ấy. Sự êm đềm ấy đã diễn ra như cậu Tí trong sách giáo Quốc văn giáo khoa thư đã từng trải qua, từng có được:
“Cậu Tí đi học về một chốc, thì cha ở ngoài đồng cũng vác cày, dắt trâu, về đến nhà.
Cơm đã chín. Mẹ và chị dọn ra để trên gường. Cả nhà ngồi ăn. Cơm đỏ, canh rau, chẳng có gì là cao lương mỹ vị. Nhưng cơm sốt, canh nóng, bát đũa sạch sẽ cả nhà ăn uống ngon miệng no nê.
Nhất là cha mẹ, con cái, trên thuận dưới hòa, một nhà đoàn tụ sum họp với nhau, thì dẫu cơm rau cũng có vị lắm”.
Hiện nay, trong đời sống công nghiệp vội vã của vòng quay 24 tiếng đồng hồ, mở mắt ra lao theo công việc, tất bận, bận rộn với thời gian. Đã có nhiều ý kiến kêu gọi cần duy trì, cần khuyến khích bữa ăn gia đình. Vẽ chuyện. Ăn đâu chẳng là ăn? Miễn ngon miệng, miễn no, miễn đầy đủ dưỡng chất, đúng không nào? Tất nhiên đúng. Nào ai dám cãi. Chỉ dám nói rằng, bữa ăn gia đình không phải há mồm ra ăn. Ăn lấy ăn để. Ăn cho no. Ăn cho xong. Mạnh ai nấy ăn. Giành nhau mà ăn.
Xét ở góc độ nhân văn, ăn đó cũng là lúc đứa trẻ đang học. Bài đạo lý làm người, làm con bắt đầu từ bữa ăn trong căn nhà của mình.
Trước lúc ngồi vào bàn, con trẻ phải lau bàn sạch sẽ, so đũa, sắp chén bát ngay ngắn. Hai chiếc đũa phải bằng nhau, xếp có đầu có đũa. Há chẳng phải bài học về tính chỉn chu, cẩn thận đó sao? Trong lúc ngồi vào bàn ăn, phải “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, con cái phải mời ba mời mẹ, em phải mời anh, người nhỏ phải mời người lớn. Há chẳng phải bài học về sự lễ phép, biết trước biết sau đó sau? Có hôm do “Có cá khá cơm” thì cứ mặc sức ăn cho thỏa thích, no nê? Không, dù còn thòm thèm vẫn tự giác nhín lại, dành phần cho người ăn chậm. Không phải bài học “Chia ngọt sẻ bùi” đó sao? Trong lúc ăn các thành viên không nên cãi vã nhau, mọi việc “góp ý”, “phê bình”, “kiểm điểm”, “nhắc nhở” đi ra chỗ khác, diễn ra vào lúc khác chứ không thể xuất hiện lúc này bởi “Trời đánh tránh bữa ăn”. Há chẳng phải bài học về cách xử lý việc nào ra việc nấy, có nơi có chỗ đó sao? Mỗi lần lùa cơm, nếu lỡ rơi hạt nào, ba mẹ cũng đều bảo nhặt lên, nếu không “mang tội”. Há chẳng phải bài học đầu đời về tiết kiệm đó sao? Nếu ăn ngoài quán, không vừa ý, không kiềm chế, có thể há mồm ra mắng một câu cho “Đáng đồng tiền bát gạo”, lúc ăn xong, tính tiền xong, có quyền xê ghế đứng dậy là xong, không bận tâm gì thêm. Ăn ở nhà lại khác.
Rất khác.
Bữa cơm nhà còn có ý nghĩa của sự chờ đợi, trông ngóng của các thành viên trong một nhà nữa. Ông thi sĩ Tản Đà, nói như Hoài Thanh “Trên hội Tao đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế hệ”. Vâng, không chỉ bàn chuyện về thơ, thi pháp thơ mà y còn muốn nhấn mạnh thêm ở cốt cách con người ấy nữa. Ở Tản Đà, qua thơ vẫn còn thề hiện cốt cách, hồn cốt của nếp nhà người Việt mà nay đang mất dần: “Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa/ Mắt trông xa đứa đứa về dần/ Xa xa con đã về gần/ Các con về đủ, quây quần bữa ăn/ Cơm dưa muối, khó khăn mới có/ Của không ngon, nhà khó cũng ngon/ Khi vui câu chuyện thêm giòn/ Chồng chồng, vợ vợ, con con một nhà”.
Trong những bữa ăn gia đình ngày ấy, mẹ y hầu như lúc nào cũng ngồi cạnh nồi cơm, dù đang bưng chén, đang gắp như hễ đưa chén đến, lập tức bà cụ dừng đũa đơm cơm ngay. Lúc con cái ồn ào, mẹ ba nhắc khẽ, muốn nói thì cứ việc nhưng phải nhai xong mới nói. Cấm kỵ nhất vừa nhai vừa nói; vừa cầm đũa vừa lấy muỗng múc canh; vừa gắp miếng này lên lại liền thả xuống, lựa miếng khác to, ngon, béo hơn… Cấm kỵ nhất là cách ăn cách uống hẫu lốn, hễ ngồi vào bàn là cắm đầu mà ăn, không mời ai một câu, rồi đôi đũa cứ xộc hết dĩa này qua dĩa nọ, lúc ăn xong lại lấy tay cầm hai đầu đũa quẹt ngang miệng.
Những bài học khai tâm ấy tưởng rằng nhỏ nhưng lại định hình tính cách của một người.
Còn nhớ có lần trong bữa ăn, mẹ y có đố hiểu ra làm sao về câu: “Ăn hết gả con, ăn còn mất vợ”? Sau này, y lớn lên còn biết thêm một vài dị bản như “Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ”. Nói tắt một lời câu này dành cho các chàng trai đã đi hỏi vợ, lúc qua chơi nhà nhạc gia gặp bữa cơm, phải biết cách ứng xử, nếu không khéo, mất vợ như chơi.
Thời nhỏ, nghe câu đố của bà cụ, y tắc tị, chống đũa chờ nghe mẹ giải thích. Đại khái, câu thứ nhất là đã ăn thì ăn cho hết (trong chén mình), chứ đừng ham hố, con mắt to hơn cái bụng, gắp cho cố, cố gắp cho đầy chén rồi bỏ mứa ra đó vì no cành hông. Ăn như thế là tham lam, phí phạm. Bài học này, chỉ dành cho chàng rể tương lai, vì sợ mất vợ nên phải nhớ nằm lòng? Không đâu. Không biết đến phép tắc ấy, sau này lúc đi ăn búp-phê nếu cũng thế, thiên hạ cười cho. “Ăn hết” còn ngụ ý chỉ tính cách giải quyết chu toàn việc/phần của mình, không day dưa, kéo dài nhì nhằng. Câu thứ hai, lại ngụ ý trong lúc ăn, chớ “Ăn hết”, chớ chỉ biết mỗi mình, còn phải nhớ đến phần của người sẽ ăn sau nữa.
Với người Việt, lúc đang ăn/ sắp ăn nếu khách ghé nhà, bao giờ gia chủ cũng mời khách một câu, dù mời lơi, mời cho có nhưng cũng phải mời, đó là phép lịch sự. Nghe lời mời ấy, có hai tình huống xẩy ra: hoặc khách không từ chối, tình cờ gặp bữa chẳng gì khách sáo, liền vào ngồi chung bàn, bình thường thôi, cả khách lẫn chủ đều quan niệm “Thêm bát thêm đũa”; hoặc khách lịch thiệp: “Không dám, cả nhà ăn ngon miệng nhé, chốc nữa tôi lại sang chơi”.
Dịp nọ, lần nọ, ngày nọ, tháng nọ, năm nọ, khách nọ là cháu con trong tộc họ, lớn hơn y vài tuổi ghé chơi nhà lúc cơm nước bắt đầu. Nghe lời mời, khách nhận lời. Còn nhớ, mâm cơm bữa hôm ấy món ngon nhất là con cá tràu/cá lóc/cá quả chiên xù. Lúc mẹ vừa đặt lên bàn, khách nhanh tay dùng đũa gắp cái ruột cá bỏ ngay vào chén của mình. Ba y không không nói không rằng gì cả, chỉ lẳng lặng đứng dậy. Cứ như thế “Nhịn miệng đãi khách”; hoặc nhường chỗ cho con cháu ngồi ăn chung với nhau.
Sự việc này chỉ có thế.
Mãi vài chục năm sau, lúc mẹ y ở chung nhà tại Sài Gòn, vị khách này có ghé lại nhà chơi. Rồi câu chuyện rôm rã khi cùng nhắc lại ngày tháng ở Đà Nẵng. Lúc đầu đã hoa râm, lốm đốm muối tiêu nhắc lại thuở tóc xanh, bao giờ cũng khiến người ta cởi mở, dễ mở lòng tâm sự. Bấy giờ, khách mới thú thật là ngay từ bữa cơm ngày ấy, ba mẹ y đã dạy cho khách bài học nhẹ nhàng về phép ứng xử lúc ngồi cùng mâm với bậc cao niên.
Vâng, trong bữa ăn gia đình, miếng ngon nhất bao giờ con cái phải ý tứ dành cho ba, dành cho mẹ. Nhưng rồi, ba mẹ có ăn đâu, cưng nhất, thương nhất vẫn là út nên lại dành cho út. Ngay cả anh chị me cũng vậy, cùng lo cho út. Sự hiếu thảo, yêu thương, nhường nhịn ấy hình thành từ những suy nghĩ nhỏ, rất nhỏ ấy. Nhờ vậy, sau này khi lớn lên nhiều người đã thực hiện được như nhân vật trong ca dao: “Ai về tôi gửi buồng cau/ Buồng trước kỉnh mẹ, buồng sau kỉnh thầy/ Ai về tôi gửi đôi giầy/ Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi”. Kỉnh, người Quảng Nam hiểu là biếu, tặng một cách trân trọng. “Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi/ Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”… Âu cũng là một cách đền bù lại công ơn của ngày tháng mẹ đã: “Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”.
Có lẽ, bất hạnh nhất vẫn là những đứa trẻ mồ côi, không còn có được người thân yêu nhất cận kề trong mỗi bữa ăn. Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen đã khiến hàng triệu trái tim thổn thức, rưng rưng nước mắt cũng bởi trước lúc lìa đời, nỗi nhớ da diết nhất của em vẫn những bữa ăn tối mà lúc ấy còn có mẹ, có bà nội. Kỷ niệm êm đềm ấy, sống mãi theo năm tháng và đằm sâu trong trí nhớ con trẻ. Làm sao em có được niềm sung sướng như cô/ cậu bé trong sách giáo khoa Tân Việt Văn lớp Tư, nay y vẫn còn nhớ: “Em đem mâm bát bày ra/ Mấy tô canh, mấy đĩa cà, đĩa rau/ Đũa, thìa lần lượt đem lau/ Mùi cơm lúa mới tươi màu, tỏa hương/ Cả nhà vui vẻ trên giường/ Mời nhau dùng bữa cơm thường mà ngon”.
Vừa rồi, nhà biên kịch Đoàn Tuấn từ Hà Nội, có nhắc y nhớ đến câu: “Cơm người khổ lắm ai ơi/ Không như cơm mẹ vừa cười vừa ăn”. Đúng thế, chỉ ăn cơm mẹ nấu, con người ta mới có niềm sung sướng, thỏa mái ấy. Không gì phải lăn tăn nghĩ ngợi xa gần. Vừa cười vừa ăn. Thỏa thích mà ăn. Càng ăn nhiều, mẹ càng mừng, càng vui. Sau này, dù có đi chân trời góc biển, được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ trên đời nhưng rồi ta cảm thấy vẫn không ngon bằng món ăn mẹ nấu thuở thơ ấu, ngày sum vầy cả gia đình. Không chỉ đầy đủ dinh dưỡng, còn là: “những miếng ăn từ bàn tay mẹ nấu/ còn có cả tấm lòng/ cả gió rét mùa đông/ mẹ tất tả giật gấu vá vai kiếm từng xu ngoài chợ/ một đồng lãi gánh mười đồng nợ/ ăn mắm mút dòi/ dè sẻn chắt chiu/ ngay cả lúc cơm sôi/ còn có cả giọt mồ hôi/ của mẹ/ ngay cả khói chiều/ bếp lửa reo cũng ấm êm hạnh phúc…”.
Tình yêu thương, lòng hiếu thảo về đấng sinh thành cũng từ suy nghĩ ấy, sống lại trong tâm trí. Và tự nó đã dạy về lòng biết ơn mà có lúc ngược xuôi đường đời, tất bật kiếm sống con người ta vô tình quên đi. Quên đi song thân đã từng cưu mang mình từ tấm bé. Nghĩ cho cùng, bữa ăn gia đình vẫn là lúc sự gắn kết các thành viên bền vững và thủy chung qua năm tháng. Điều thiêng liêng ấy, tự nó, đã là lời nhắc nhở, một trách nhiệm mà không ai có quyền xao nhãng, dù viện ra bất kỳ lý do gì. Tiếc rằng, suy nghĩ này, hầu như đến lúc không còn ba mẹ trên cõi đời này nữa, con người ta mới giật mình và tiếc nuối nhận ra: “Cả nhà vui vẻ trên giường/ Mời nhau dùng bữa cơm thường mà ngon”...
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|