Nhố nhăng thế. Vâng, rất nhố nhăng. Mấy hôm nay, báo chí ầm ầm lên tiếng về việc anh chàng nọ du lịch sang Nhật, chẳng rõ nổi cơn gì bèn ghi cái tên của mình to chình ình lên phiến đá tại khu thành cổ Yonago (tỉnh Tottori). Muốn lưu danh thiên cổ chăng? Viết bậy, vẽ bậy kiểu này, còn có thể nhìn thấy ở nhiều danh lam thắng cảnh trong nước. Mỗi người sinh ra đời đã có một cái tên. Thế nhưng làm nên cái tên ấy là một sự nỗ lực phi thường, bền bĩ, chứ nào phải viết nghệch ngoạc nơi công cộng.
Nếu gặp phải Hồ Xuân Hương ắt bà nghiêm mặt mắng cho: “Ai về nhắn nhủ phường lòi tói/ Muốn sống đem vôi quét trả đền”. Lòi tói là quá dốt nát, để lộ ra cái sự dốt nát. Lòi là lộ ra, ló ra. Nhưng từ này còn có nghĩa chỉ sợi dây xích sắt lớn thường dùng buộc thuyền, tàu. Từ “tói” dù nghĩa dây dùng để trói, Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes(1651) giải thích là xiềng xích nhưng nghe nhắc đến nó, lập tức người ta nghĩ ngay đến “ói”. Thế thì, cái tên ghi bậy bạ nơi di tích lịch sử, văn hóa như một cách “ăn theo” chỉ khiến thiên hạ muốn ói.
Mà tiếng Việt cũng lạ kỳ. Dám nói rằng những từ “ằn” và “ắn” khác xa nhau lắm. Thử thí dụ xem sao? Dễ ợt. Nào là cằn nhằn, tục tằn, cục cằn, già khằn, bà chằn, nhọc nhằn, cười gằn, vụn vằn, cẳn rẳn cằn rằn, thù hằn… nghe muốn oải quá. Trong khi đó, với “ắn” luôn gợi lên một sắc thái tích cực hơn, chẳng hạn, xinh xắn, nhỏ nhắn, may mắn, đẻ mắn, vuông vắn, thẳng thắn, siêng sắn, đúng đắn… Có lẽ người trước nhất đã phát hiện ra điều này là nhà văn hóa Lê Văn Siêu chăng? Đại khái, trong quyển Việt Nam văn minh sử (NXB Văn Học - 2006, ông đã liệt kê và hệ thông “âm tượng hình” tiếng Việt, cả thẩy 22 bộ. Chẳng hạn, “Bộ tròn:
a) Với những âm gốc ong, ung, ông, chính khi nói cũng phải phồng má cho người đối thoại nhìn thấy hình cong. Bộ âm này dùng diễn tả những cái hình tròn, cong như: cái nong, cái võng, cái lọng, cầu vồng, quả bóng, cái vòng, thòng lọng, cái bụng, bong bóng v.v…
b) Với những âm gốc oăn, oan, uôn, uân, để diễn tả hình tròn nhiều lần, lại có thêm sức người làm cho tròn nữa như: quăn, ngoằn ngoèo, xoắn, quấn, khoan, xoăn xoe, băn khoăn, luẩn quẩn, uốn éo v.v… Khi nói miệng người ta cũng phải làm như đánh một vòng tròn từ trong ra.
c) Với những âm gốc oay, uây, oai, tả sự cử động theo chiều tròn của người hay vật như: quay, xoay, ngoai ngoái, ngoáy, khoáy, quây, loay hoay v.v… Khi nói miệng cũng tự hồ làm nhịp cho cử động ấy.
d) Với những âm gốc eo, ua, oa, ơ, ưa tả hình tròn nở lớn ra như xòa, nhòa, hoa, loe, xòe, lở, nở, chửa v.v… Chính miệng nói cũng nở tròn như động tác ấy.
e) Với những âm gốc om, ôm, um, tả vòng tròn hõm sâu xuống hay dưới một vòm của hang động như: thom lỏm, tõm, lổn ngổm, lùm tum, lom khom, dòm, nom, lồm cồm v.v… Khi nói môi cũng mím lại, và mắt mở chừng chừng như nom dòm cái gì phía dưới” (tr. 97).
Gần đây, BS Nguyễn Đại Bằng có viết quyển sách Quy luật âm nghĩa và những đơn vị gốc tiếng Việt (NXB Văn hóa Thông tin - 2006). Đọc thú vị. Đại khái, theo ông, nguyên âm O biểu thị hình dạng cong tròn hoặc trạng thái co vào giảm đi. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Và ông liệt kê, con, cỏn con, con mọn, nhỏ mọn, tỏn mọn, mòn, hòn, héo hon, non, tí hon, đỏ hỏn, lon ton, mon men, rón rén, gọn thon lỏn, dọn, thu dọn, ngọn, nhọn, thon, vón, vỏn vẹn, són, bòn v.v… Ngoài ra, tròn: tròn, làm tròn, trọn, làm trọn, trọn vẹn, vẹn tròn… (tr.22).
Về “âm tượng hình” trong tiếng Việt, chắc chắn không riêng gì các bậc phụ huynh đặt tên cho con, ngay cả nhà văn đặt tên cho nhân vật dù muốn dù không họ cũng tự liên hệ đến. Nếu xét theo quan niệm của Lê Văn Siêu, nhà văn Nam Cao khi đặt tên nhân vật là Chí Phèo, tức ông đặt theo “Bộ méo: với những âm gốc eo để diễn tả hình méo, mà chính miệng khi nói cũng méo trẹo qua một bên: méo, vẹo, nghẹo, chéo, héo queo, teo, đèo v.v…”.
Lại nữa, có những cái tên, thoạt nghe, ta có thể đoán biết người đó sinh ra từ vùng miền nào. Vì lẽ đó, khi viết về một nhân vật nói tiếng Sài Gòn, sinh ra tại Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Công Hoan cho biết, cái khó nhất không phải nghĩ ra tình tiết, cốt truyện mà chính là phải đặt cái tên ra làm sao. Nếu nhân vật nổi tiếng nhất của Nam Cao là Chí Phèo, của Vũ Trọng Phụng là Xuân Tóc Đỏ, của Ngô Tất Tố là chị Dậu… thì của Nguyễn Công Hoan vẫn là Kép Tư Bền. Hãy nghe ông kể vì sao “khai sinh” ra cái tên độc đáo này: “Đến cái tên Kép Tư Bền, tôi phải nghĩ kỹ hơn mới tìm ra. Đây là anh kép hát người Sài Gòn. Tên Sài Gòn, thường đặt dưới thứ bậc như hai, ba, tư vân vân. Kép ở rạp Quảng Lạc thời bấy giờ, tôi đã thuộc những cái tên như Sáu Phú, Bảy Nhã, Tám Hương. Sáu, bảy, tám thì cố nhiên mang màu sắc Sài Gòn rồi, nhưng Phú, Nhã, Hương thì người Hà Nội cũng được, người Huế cũng được. Tôi nhớ Sài Gòn hay nói Phước, Thạnh chứ không nói Phúc, Thịnh. Nhưng chưa đặc biệt bằng cái tên gì nó nôm na. Ngày ấy, có ông hội đồng quản hạt là Trương Văn Bền. Thấy tiếng Bền nó Sài Gòn quá, không thể lẫn với Hà Nội, với Huế được, tôi mối đặt cho vai chính của truyện là Kép Tư Bền”.
Dù rằng, Bền là cái tên “Sài Gòn quá” nhưng nếu Kép Tư Bền chỉ chạy cờ trong rạp hát, không có tài năng: “nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta, các khán quan cũng đủ phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp”; nếu ông Trương Văn Bền chỉ có chân trong hội đồng quản hat, không sáng chế ra Xà bông Cô Ba thì sao? Thì chẳng một ai buốn nhớ đến nữa.
Đúng là thế. Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, đời mỗi người, cái tên mỗi người chỉ có thể là một bình hoa. Bình hoa nào cũng “bình đẳng” ngang ngửa như nhau. Làm nên tiếng tăm về sau, là cái bình hoa ấy đã cắm vào những hoa gì? Hoa tươi thắm? Hoa héo khô? Hoa mơn mỡn xuân xanh? Hoa héo rủ? Thậm chí, chẳng có cành hoa gì sất. Nghĩ thế, bèn viết: “Mỗi người sinh ra là đã một bình hoa/ Chịu trách nhiệm đã gắn gì vào đó/ Cuộc đời tôi tự ý thức thế nào?/ Hỡi sắc hoa những gam màu rực rỡ?”. Viết tặng cho chính y? Không, xem như là lời dặn dò bé nhóc đầu lòng, vừa đầy tháng.
Đôi khi cha mẹ đặt tên thế này, nhưng rồi khi sáng tác người ta lại bỏ đi một chữ. Chẳng hạn, Phạm Duy Cẩn (nhạc sĩ Phạm Duy), Nguyễn Duy Nhuệ (nhà thơ Nguyễn Duy)… Hãy dừng lại với Đinh Văn Cường. Rõ ràng, một cái tên lạ hoắc lạ huơ chẳng mấy tiếng tăm gì, nhưng Đinh Cường thì thiên hạ biết đến. Đinh Cường tên thật Đinh Văn Cường, sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, học ở trường Pétrus Ký niên khóa 1951-1957. Ông là một trong những họa sĩ rất nổi tiếng của miền Nam.
Thuở nhỏ, y rất thích tìm mua những tập nhạc của Trịnh Công Sơn do NXB Nhân Bản, An Tiêm ấn hành cũng một phần vì thich bìa, phụ bản của Đinh Cường. Rồi gần đây, trong quá trình sắp xếp lại báo chí Sài Gòn cũ đã sưu tập, tình cờ y được đọc bài tập làm văn của Đinh Cường năm học đệ Tứ (lớp 9 hiện nay). Qua đó, ít nhiều ta có thể thấy được thiên hướng của một người về sau không chỉ họa sĩ mà còn làm thơ.
Thập niên 1950 tại Sài Gòn, Đời mới - một tuần báo chuyên về xã hội, văn hóa, nghị luận - tòa soạn tại “117 đại lộ Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn; điện thoại: 793” có tổ chức cuộc thi “Bài luận văn hay nhứt lớp” nhằm chọn in các bài của học sinh trung học - ngoài số điểm cao, còn có lời phê của thầy cô giáo. Bài được đăng, tòa soạn gửi biếu 2 tờ báo, không có nhuận bút. Trên số báo 159 (tuần lễ từ 20.3 đến 27.3.1955), Đời Mới đã chọn in bài dự thi số 12: “Của Đinh Văn Cường, Đệ tứ D, trường Pétrusky. Lời phê của giáo sư: Lý luận khá, lời văn dồi dào”. Số điểm: 13 trên 20”.
Đề bài luận văn như sau: “Trong Việt ngữ, có cái gì đáng quý hơn cả?”. Cậu học trò lớp đệ Tứ là Đinh Cường đã chọn thơ, vì: “Thơ không phải là một bài văn xuôi, một lá truyền đơn, một tờ quảng cáo… Thơ chỉ là một thoáng rung cảm. Nguồn rung cảm trước ngoại giới ngày nay ghi lên mặt giấy, không phải là mây, gió mà là bác phu xe, thằng cu Tý, em bán bánh mì, sự chua xót quằn quại của xã hội. Nguồn rung cảm được ghi lên mặt giấy bằng âm điệu và sự nhịp nhàng. Đành rằng nguồn rung cảm của giai cấp bình dân khác xa nguồn rung cảm của trí thức. Nhưng xét qua ca dao, tôi vẫn thấy có những câu thâm thúy lạ thường. Phải chăng ca dao là tiếng nói của giai cấp bình dân phản ánh trung thành tâm hồn mộc mạc và bình dị”.
Đáng ngạc nhiên, ở trình độ lớp 9 mà đã có được những nhận xét chỉn chu ấy. Sau lập luận đó, tác giả đi vào phân tích các câu ca dao mà mình yêu thích. Chẳng hạn, “Còn gì vui thích hơn khi đi ngang qua một thửa ruộng, được nghe những dân quê vừa cấy vừa hò: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Tạm dừng lại ở đây để nói thêm rằng, không riêng gì Đinh Cường thuở ấy mà ngay cả thời điểm này, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn, vì hai câu đó chính là thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân.
Từ tháng 7.1967, trên nội san Trường Bưởi của Hội Ái hữu cựu học sinh Trường Bưởi (nay trường Chu Văn An - Hà Nội) in tại Sài Gòn, Bàng Bá Lân có viết rõ sự việc nhà theo yêu cầu của nhà văn Lãng Nhân. Theo đó, đây là 2 câu thơ này trích từ bài Tiếng hát trong trăng in trong tập thơ Tiếng thông reo (in năm 1934). Năm 1957, chọn in lại trong tập Thơ Bàng Bá Lân, bài thơ trên đổi tựa là Trăng quê: “Trời cao, mây bạc, trăng tròn/ Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non/ Diều ai gọi gió véo von/ Cành xoan dìu ánh trăng suông dịu dàng/ - Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi”. Có một điều thú vị, khi đi trở thành ca dao, câu cuối lại phổ biến thành: “Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Sở dĩ “lái” qua chuyện Bàng Bá Lân là do hiện nay, sự tranh luận về câu “ca dao” trên vẫn chưa kết thúc, có thể kiểm chứng từ Goolge.
Ta hãy trở lại với bài luận của Đinh Cường. Sau khi trích dẫn ca dao trên, tác giả đề cập đến thơ: “Thơ là nguồn an ủi đối với tôi. Giúp sức đấu tranh cho tôi khi bị những hình ảnh yếu mềm xâm chiếm. Khi nghe: “Phất ngọn cờ lên tung bước lên/ Với kho hùng khí của thanh niên/ Vang lừng trăm trận, rang trăm trống…”. Những hình ảnh mềm yếu đã tan mất và thơ đem lại cho tôi một sức tranh đấu mạnh mẽ hơn. Những lúc nhớ quê nhà tôi lại đọc: “Ai về với quê hương ta tha thiết/ Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng”.
Những câu thơ này của ai?
Điều khiến ta kinh ngạc, đó chính là thơ của Tố Hữu, trích từ các bài Đứng dậy thanh niên, Ta đi tới! Vấn đề đặt ra là Đinh Cường đã tìm đọc từ đâu; hay do các thầy cô đã giảng dạy trong nhà trường? Điều này, ít cho thấy thuở ấy, thơ của tác giả Từ ấy đã bí mật len lỏi vào tầng lớp thanh thiếu niên ở Sai Gòn. Và thật bất ngờ, Đinh Cường viết ở phần kết luận: “Trong một nước, một xã hội, tinh thần của dân chúng mạnh mẽ là nhờ nền văn hóa cao, mà thơ chiếm một phần trong nền văn hóa ấy”. Có ai dám tin một cậu học trò đệ nhất cấp đã có được suy nghĩ ấy, nếu không nhìn thấy rõ ràng trên giấy trắng mực đen?
Tóm lại, làm nên cái tên của một người, trước hết phải là tài năng của người đó. Chứ nào phải hễ đến nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa viết bậy bạ, ghi lảm nhảm, ngớ ngẫn cái tên mình tại đó. Cái tên đó xuất hiện trong ngữ cảnh đó, chẳng khác gì ai đó xuẩn ngốc vén quần tè vào bình rượu ngon trong buổi đại tiệc. Nếu bị phát hiện thì sao? Ắt bị thiến ngay. Có phải thế không?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|