LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.10.2018

aln-huong44126977_1174435859372889_2162620207967764480_n

Ảnh: Lan Hương chụp ngày 17.10.2018

 

Một ngày như thế nào? Ối dào, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian. Biết bao công việc vặt vãnh dành cho bé sơ sinh đã ngốn sạch. Thế thì, còn đâu thời gian để viết lách cái gì đó? Vậy, đọc thơ chăng? Nên lắm. Tự dưng lại thích đọc những bài đồng dao, ca dao, thơ thiếu nhi cho phù hợp với  tâm thế trong thời điểm này. Đọc xong, tự hỏi, văn học Việt Nam thời kỳ 1932-1945, đâu là nhà thơ nào chuyên viết thơ phục vụ trẻ em?  

Dám quả quyết, tiêu biểu nhất vẫn là nhà thơ Nam Hương (1899-1960) tên thật Bùi Huy Cường, quê ở Hà Nội nhưng khổ nổi hiện nay, không mấy ai còn nhớ đến ông. Tại sao thế? Chẳng lẽ con người ta sinh ra đời đã có “số” rồi chăng? Có những người tài năng chỉ bằng cái móng tay nhưng vẫn nổi như cồn; ngược lại, từ thập niên 1930, nhà thơ Nam Hương đã in những tập thơ như Gương thế sự, Ngụ ngôn mới, Thơ Ngụ ngôn, Bài hát trẻ con… nay đọc lại, cảm thấy cực kỳ xuất sắc, nhưng rồi tên tuổi ông hầu như đã chìm theo dòng chảy của thời gian.

Nếu có “bửu bối” của chú mèo Dorémon, đi ngược lại thời gian ắt sẽ thấy thuở mới xuất hiện trên trường văn trận bút, thơ của Nam Hương đã được bạn đọc đón nhận cuồng nhiệt như thế nào. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ ngọc Phan đã không tiếc lời: “Thơ ngụ ngôn của Nam Hương rất phù hợp với tính tình trẻ con, vì thơ ông có những điều đặc biệt sau này: những truyện ông dựng không bao giờ khúc mắc, mặc dầu là truyện có sẵn ông cũng chỉ lược lấy những việc cốt yếu cho khỏi rườm rà, lời thơ ông rất giản dị và trong sáng, âm điệu lại giàu, làm cho người ta chỉ đọc vài lần là có thể nhớ ngay”. Chính nhờ ưu điểm trên nên nhà phê bình văn học đề nghị: “có thể lựa nhiều bài làm sách giáo khoa và sách tập đọc”. Đúng thế, thơ Nam Hương phù hợp với trẻ em, không phải ngẫu nhiên, mới đây tập sách Đồng dao Việt Nam (NXB Đà Nẵng-2008), nhà nghiên cứu Nguyễn Nghĩa Dân đã… chọn cả thơ của ông nữa!

Lâu nay, nhiều nhà thơ đã thành danh cũng làm thơ thiếu nhi, dù không phải sở trường. Do lấy sở đoản để múa bút nên những vần thơ ấy, người ta có cảm tưởng là “viết về,” hơn là “viết cho” đối tượng đó. Mặc dù, trong dòng thơ cũng có đứa trẻ chạy lon ton, cũng có những cái nhìn ngộ nghĩnh về cảnh vật xung quanh v.v... nhưng chỉ như thế vẫn chưa hẳn là thơ viết cho thiếu nhi. Vì ở đó, người đọc đòi hỏi nhà thơ phải thật sự rung động trước cái đẹp bằng cảm xúc như chính trẻ em đã từng rung động. Điều này không phải dễ, khi mà người viết đã vượt qua lứa tuổi ấy. Nhưng ở trường hợp của nhà thơ Nam Hương thì khác hẳn. Những bài thơ của ông, ở đó, người đọc có cảm tưởng như chính đứa trẻ đã viết lại những xúc cảm tươi rói, mới mẻ của mình.

Thuở nhỏ, ai không từng cỡi ngựa gỗ, chỉ cần nhún về trước hoặc ngửa đằng sau thì ngựa gỗ sẽ chuyển theo lực của người đang vận động. Chính từ sự nhịp nhàng ấy, nhà thơ Nam Hương đã viết những câu thơ đọc lên nghe êm như ru. Nhưng không chỉ là đọc cho vui, ông còn khéo léo lồng vào đó một tình cảm mới: “Ép nhong nhong/ Ép nhong nhong/ Nay còn bé nhỏ, chạy rông chạy dài/ Mai sau khôn lớn bằng ai/ Quyết đi ngựa thật ra ngoài bốn phương”; hoặc ở trò chơi kéo gỗ, ông viết: “Dô ta/ Cùng nhau kéo gỗ, dô ta/ Kéo từ sườn núi kéo ra cánh đồng/ Đóng bè thả xuống dòng sông/ Thuận buồm xuôi gió bình bồng trôi đi/ Hai bên cây cỏ xanh rì/ Mãi vui cảnh mới, nghĩ gì đường xa”... Những bài thơ viết sau thời kỳ mà cụ Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Đông Du, đưa thanh niên yêu nước xuất dương học tập để sau này về cứu nước thì chuyện đi xa ấy, ngụ ý ở thơ Nam Hương rõ ràng có mục đích. Cụ thể hơn là bài Gà gáy sáng, ông quả quyết: “Cúc cù cu/ Sáng rồi đây/ Đường buôn nghiệp bán, ngủ ngày còn chi/ Dậy mà rấn bước ra đi/ Quản gì Nam - Bắc, quản gì Tây - Đông”; hoặc ở bài Chí đi xa, vần thơ hào sảng lạ lùng: “Tôi cầm lái chạy cho mau/ Đi cho biết mặt hoàn cầu vần xoay”.

Nhà thơ của chúng ta không chỉ đề cập đến xe đạp, cỡi ngựa mà còn mơ ước đến máy móc tân kỳ hơn như xe hơi, tàu thủy để được đi xa hơn, và ông còn dự báo trước một hiện thực dứt khoát sẽ xẩy ra: “Máy bay/ Nếu có máy bay/ Tôi bay suốt đêm ngày! Bay trên đỉnh tháp, ngọn cây/ Sẵn sàng lướt gió, đường mây tung hoành”.  Đáng quý thay ở trí tưởng tượng của Nam Hương.

Sực nghĩ, một kinh nghiệm làm thơ thiếu nhi có thể rút ra từ thơ Nam Hương, là ông đã vận dụng sự nhịp nhàng các trò chơi quen thuộc của trẻ em để gieo vần. Mà không chỉ dừng lại ở đó, là một nhà giáo, ông biết rằng, các trò chơi của trẻ em hầu hết đều đi với vần điệu, câu chữ ngộ nghĩnh nhưng câu chữ ấy nếu vô nghĩa, hoặc không còn hợp thời thì nay ông đặt lời mới, qua đó lồng thêm ý nghĩa giáo dục mới. Đáng tiếc là các tập thơ trên của Nam Hương đến nay vẫn chưa tái bản. Còn nhớ thuở anh Nguyễn Thắng Vu làm giám đốc NXB Kim Đồng, y đã đề xuất chọn Nam Hương đưa vào trong bộ sách Thơ với tuổi thơ. Cuối cùng, không rõ vì lý do gì vẫn “trượt” ra ngoài. Khổ thế. Lấy làm tiếc như Vũ Ngọc Phan từ năm 1942 đã thốt lên: “Tôi lấy làm tiếc rằng, những tập thơ có tính cách giáo dục và trong sáng như thế hiện nay trẻ con lại không có để đọc, vì từ lâu không còn thấy thơ ngụ ngôn của Nam Hương ở các hiệu sách Hà Thành”.

Nhưng rồi, vẫn cứ nghĩ, một quyển sách đã in nếu thật sự hữu ích cũng sẽ có lúc ra mắt bạn đọc. Với nhà thơ Nam Hương hãy tin là thế. Đọc thơ thiếu nhi dễ cảm nhận, không phải nhăn máy nhíu trán, mông lung suy nghĩ như thơ dành cho người lớn. Mà muốn gì thì muốn, với chuyện làm thơ, một trong những yếu tố đầu tiên cần có: phải là người có vốn từ phong phú. Hơn thế nữa, còn phải biết “dàn binh bố trận” một từ trong vị trí câu thơ như thế nào để từ dóm phát huy hết năng lực của nó. Chà, y chẳng kém gì các nhà lý luận văn học đấy chứ?

Tự khen lấy mình để rồi dám nói rằng, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là bậc thầy khi sử dụng từ, đặc biệt từ láy. Chẳng hạn, động Hương Tích dập vào mắt du khách chỉ là cái hang nhưng bà lại có cái nhìn tinh quái, nghịch ngợm đến bất ngờ: “Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom”. Dù chưa vội hiểu rõ nghĩa, nhưng 3 từ “hỏm hòm hom” lại gợi đến một cái hang sâu thăm thẳm và dĩ  nhiên là… tối tăm. Rồi nhìn trăng,  cũng là bóng trăng ngàn năm thế mà bà lại nhìn khác mọi người đã nhìn: “Một trái trăng thu chín mõm mòm/ Nẩy vừng nguyệt quế đỏ lòm lom”. Mấy câu thơ này, làm sao có thể dịch để người ngoại quốc cũng hiểu lấy cái hay của âm thanh luyến láy đầy nhịp điệu?

À, cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến cũng vận dụng từ láy đến tuyệt vời. Những câu như “Đức thầy đã mỏng mòng mong”; hoặc “Quyên đã gọi hè quang quáng quác” đọc lên nghe âm điệu câu thơ vang hơn, gợi nhớ hơn. Với tiếng gà gáy sáng, ca dao có câu: “Chém cha con gà kia sao mày vội gáy dồn/ Mày làm cho tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con”. Con gà đó “gáy dồn”. Rồi nhà thơ Xuân Diệu lại nghe thấy: “Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt”, nhà thơ Bàng Bá Lân cảm nhận: “Gà gáy trong thôn những tiếng dài”, nhà thơ Huy Cận lại nghe: “Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp” v.v… Nhưng sự truyền đạt mang dáng vẻ riêng của từng người, theo y vẫn chưa tạo được ấn tượng mạnh mẽ như cụ Nguyễn Khuyến: “Gà rừng gáy sáng tẻ tè te”. Ba từ “tẻ tè te” nghe vang lên âm thanh nhộn nhịp, sảng khoái và có chút gì dí dỏm lắm.

Sự chơi chữ trong câu đối cũng là một thủ pháp thượng thừa của cụ Yên Đỗ, chẳng hạn về nhân vật cô Tư Hồng mà mỗi từ là tiếng cười ruồi thâm độc, sâu cay. Mới đây, NXB Trẻ có in quyển Me Tư Hồng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến; trước đó nữa, khoảng năm 1941, nhà văn Đào Trinh Nhất cũng đã viết Cô Tư Hồng, đọc qua, ta có thể hiểu cô tên thật Trần Thị Lan, quê ở Phủ Lý (Hà Nam), lấy người Hoa kiều là “chú Hồng” ở Hải Phòng. Sau đó, cô lấy tên cố đạo phá giới là Croibier Huguet (còn gọi cố Hồng). Sau khi tên giặc Rivière chiếm Hà Nội (1882), cô Tư Hồng đứng thầu phá nốt những mảng tường Hà Nội, lấy gạch xây nhà cho thuê, nhờ vậy trở nên giàu có. Về sau, cô Tư Hồng đi buôn lậu gạo, bị bắt lại nói dối là đem đi phát chẩn… Đại khái thế. Đây là câu đối  của cụ Nguyễn Khuyến “tặng” cô Tư Hồng: “Mở ra toác toạc toàng toang, cửa càn khôn chia làm hai mảnh/ Khép lại khìn khin khít khịt, máy âm dương đưa đẩy một then”. Giải thích ra làm sao? Tùy cảm nhận của mỗi người. Dài dòng làm chi. Y chỉ nghĩ tới câu thơ của Hồ Xuân Hương: “Bày đặt khuyên ai khéo khéo phòm/ Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom”.

Trước đây, ông bà ta cũng đã từng vận dụng từ láy trong các câu đố. Chẳng hạn, đố về hoa chuối và bắp chuối có câu: “Đỏ choen choét, loét loèn loen/ Xanh lè lè, quần quặp quặp”. Tất nhiên nhiều nhà thơ cũng có ý thức trong việc láy âm để câu thơ trở nên cựa quậy, tươi roi rói. Với Nguyễn Duy, khi sang đến Boston (Mỹ) anh viết: “Bia lon thổn thện người lon/ Ểnh ềnh ệch hỏn hòn hon thùi lùi”; hoặc khi bị bệnh lại thấy: “Phàm trần bớt chút lung linh/ Các em bớt xỉnh xình xinh mấy phần”... Nhưng trong những nhà thơ hiện đại, thi sĩ khoái sử dụng ngón nghề này nhất vẫn là trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Tuy nhiên, có những câu không dễ hiểu, chỉ  là chơi chữ thôi chăng? “Một hôm gầu guộc gầm ghì/ Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm/ Bôm ha? Đạn hả? Bao gồm?/ Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen”. Mà thôi, không bàn sâu vào chuyện này.

Cách tốt nhất của lúc đọc thơ vẫn là cái sự cảm, không đi sâu vào phân tích. “Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi (Xuân Diệu). Đó cũng là lúc sa vào phân tích chi li và cụ thể. Hãy để hương bay đi. Thơ cũng thế, hãy để cho sụ mơ màng diệu vợi được dìu đi bằng những câu thơ, đôi khi không cần hiểu rõ nghĩa mà chỉ cảm về chữ, về từ. Thế là đủ. Nghĩ thế, bèn đọc bài thơ rặt một lối sử dụng từ láy: “Ta nghe gà gáy tẻ tè te/ Bóng ác vừa lên hé hẻ hè/ Non một chồng cao von vót vót/ Hoa năm sắc nở loẻ loè loe/ Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa/ Ong nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè/ Danh lợi mặc người ti tí tỉ/ Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe”. Bài thơ này, tâm thế nhàn nhã quá đi mất. Ngay cả giấc trưa vẫn còn được ngủ nướng trên gường thì khoái thật. Trong khi đó, nhiều người mới rạng sáng đã phải thức giấc, bao nhiêu việc phải làm.

Này, thế thì thời gian này y phải làm gì mà phải luôn tự nhắc bằng câu thơ của nhà thơ Nam Hương đã viết từ thập niên 1930: “Cúc cù cu/ Sáng rồi đây/ Đời người độ một gang tay là cùng/ Nửa ngày còn đắp chăn bông/ Sống mà như thế, thực không bổ gì”. Thơ viết cho thiếu nhi thôi ư? Không đâu, vẫn dành cho người lớn đấy chứ? Với y, thời gian này sung sướng thay, được trở thành “lính canh”; vợ của y, vẽ vang thay, được trở thành “tì nữ”. Với vai trò quan trọng này là nhằm phục vụ cho ai? Thì, bạn hãy nghe mệnh lệnh vừa ban ra: “Ta đây là thái thượng hoàng/ Chăm sóc chu đáo, chu toàn đó nghe/ Tì nữ ơi hãy nghe nè/ Lúc ta khóc nhè thì phải dỗ ngay/ Lúc ta thiêm thiếp ngủ say/ Linh canh ơi phải canh ngay cạnh giường/ Lúc ta thỉnh thoảng đái dầm/ Thay tã nhiều lần nhưng mặt phải tươi/ Lúc ta khoái chí mỉm cười/ Tất cả mọi người cũng phải… cười theo”.

Ghê gớm cho cái mệnh lệnh này. Ai ra lệnh? À, cô nhóc mới đầy một tháng tuổi đang óe oe oe kỉa kìa kia, nhờ thế, y mới có được cảm xúc mới mẻ mè me. Dù viết dăm câu lục bát có vần điệu ré rè rè nhưng nghe cũng sướng sường sương, phải không bạn mình ơi?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment