THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC - Chữ và nghĩa - * Hái lộc xuân trong thơ

LÊ MINH QUỐC - Chữ và nghĩa - * Hái lộc xuân trong thơ

Mục lục
LÊ MINH QUỐC - Chữ và nghĩa
* Một vài bóng trăng trong thơ Lưu Trọng Lư
* Hái lộc xuân trong thơ
* Tiếng gà gáy trong thơ
Tất cả các trang

Hái lộc xuân trong thơ

Có những buổi chiều tôi đạp xe một mình xuống phố. Những buổi chiều ở thành phố này cho tôi cảm nhận một cái gì đó rất “Sài Gòn”.
 

Chim thì kêu rất nhỏ ở trên cây
Những nụ cười núp ở bên vai
Xe chở người yêu đi như nước chảy
Chỉ có hàng me và tôi đứng lại
Ngẩn ngơ nhìn
(Chim Trắng)

Tôi nhìn thành phố này bằng tình cảm đầu mùa. Thành phố này là thành phố của thơ ca. Nó mang một sắc thái lạ lùng không thể nhầm lẫn với bất cứ ở đâu. Những chiếc lá me rơi đầy trong thơ. Rơi bẽn lẽn vào những bài thơ viết ở thành phố này như để hò hẹn, như để hờn dỗi, vừa lãng mạn lại vừa cách mạng, vừa rất thơ nhưng lại vừa rất gần gũi:
 

Đàn én ngoài sông bay tới
Nô đùa trên lá me xanh
(Lê Giang)

Hạnh phúc và sung sướng là khi tôi đang yêu. Tôi đang nhớ về một người bạn gái để chiều nay, tôi gọi:

Hỡi những người con gái mang trong tim mình địa chỉ hòm thư
Khoảng trời nào cho em mộng mơ
Khoảng trời nào cho em thương nhớ
Khoảng trời anh đi vẫn mơ một ngày gặp gỡ
Mở một vòng tay ôm
Khoảng trời chúng ta mang hình trái tim
(Phạm Sỹ Sáu)

Vâng, khoảng trời này, hàng me này, con đường này muôn tuổi vẫn không già. Có lúc tôi bâng khuâng tự hỏi chính mình về điều bất chợt đến:

Tay ai khẽ chạm vào lưng
Vẫn là chiếc lá mùa xuân thôi mà
(Nguyễn Chí Hiếu)

Tay tôi như có ai cầm
Thì ra một lá me nằm trong tay
(Lê Thị Kim)

Thôi mà, tôi có dám hờn dỗi ai đâu. Tình yêu cần có sự cô đơn để thấy mình chẳng bao giờ đơn độc. Biết đó là chiếc lá mùa xuân thì buồn vui đã được xẻ chia một nửa cho nhau.

Em là một triệu lá cây
Một đời tôi hái đủ đầy tay chưa?
Hay còn một chiếc lá thừa
Để tôi đi hái kịp mùa lập xuân
(Đoàn Vị Thượng)

Và tôi đi hái những chiếc lá me ấy trong thơ thành phố, thành phố này là nỗi nhớ của tôi, của bất cứ ai gắn bó với nó bằng nguyên vẹn trái tim mình. Những người làm thơ khi viết về thành phố này thường nghĩ đến vòm me xanh. Cảm xúc ấy có một cái gì vừa xao xuyến, vừa trân trọng vô cùng. Đã từ lâu, tôi rất thích hai câu thơ này:

Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về
(Diệp Minh Tuyền)

Cám ơn lá me bay để nhà thơ nói lên đúng tâm trạng trẻ trung và tươi mát trong tình yêu đôi lứa của những tháng năm này. Những tháng năm mà bất ngờ có một lần ta thắc mắc chỉ hỏi hàng me chứ không hỏi ai khác được:

Hàng me xanh ngắt
Có tự bao giờ
Mà nay đứng đó
Cho em làm thơ
(Nguyễn Nhật Ánh)

Và dĩ nhiên, lớp trẻ sau này nếu đến lứa tuổi đó cũng còn tự hỏi một lần nữa. Có phải ở thành phố này, ta mới cảm nhận được điều gì rất sâu kín bên trong. Cảm nhận được qua tình cảm của mình, cho nên, ở thành phố này ta mới bắt gặp được sự khẳng định: “Chiều công viên áo lụa cũng thành thơ” (Đỗ Trung Quân). Những suy nghĩ ấy thật đáng quý. Chỉ sau hơn mười năm giải phóng, khi viết về thành phố mới có những cảm xúc trong sáng như vậy.

Và Lê Thị Kim gọi thành phố này là Thành Phố Tháng Tư được viết hoa một cách trân trọng. Từ đó tôi có ý nghĩ, những người con trai khi rời đội ngũ chiến đấu của mình trở về thành phố đều có nỗi bâng khuâng:

Biết nói gì cùng đồng đội của tôi
Khi mùa xuân đã trở về thành phố
Khi cành phong lan treo bên hiên nhà cũng nở
Lá khô rụng khắp những con đường
(Cao Vũ Huy Miên)

Rồi chiều hôm nay tôi đạp xe lang thang một mình xuống phố. Có mùa xuân “Thổi làn gió vào thơ tôi mát rượi” (Hoài Anh), thổi vào tâm hồn tôi những khát khao hạnh phúc trong đời sống hằng ngày. Do đó, tôi muốn nói với chính tôi, nói với mọi người:

Thành phố của tôi qua bao nỗi thăng trầm
Vẫn rực rỡ mỗi mùa thay sắc lá
Một chút gió lạnh cành me, tiếng thì thầm chim sẻ
Cũng êm đềm gắn bó suốt đời ta
(Lê Giang)

Rõ ràng những người làm thơ ở thành phố này trong cái hòa hợp chung, nó cũng mang một nét riêng biệt rất Sài Gòn, và những vần thơ ấy cho phép tôi gọi là những lộc xuân khi chúng ta đang đứng trước thềm năm mới.

Trần Thị Vĩnh Phúc
TP. HCM - 1986



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com