Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC - Chữ và nghĩa |
* Một vài bóng trăng trong thơ Lưu Trọng Lư |
* Hái lộc xuân trong thơ |
* Tiếng gà gáy trong thơ |
Tất cả các trang |
Chữ và nghĩa là tên một chuyên mục của báo Văn nghệ TP.HCM vào giữa thập niên 1980 do nhà thơ Hoài Anh phụ trách. Những năm tháng đó, đang là sinh viên của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, tôi đã viết bài cộng tác với ước mơ kiếm tiền nhuận bút. Vì ước mơ chính đáng đó, tôi viết khá nhiều. Nay tìm được chỉ một ít, post lại và để nhớ lại những ngày:
Ôi những ngày lang thang ngựa sắt
Đất thành đô méo mặt theo tiền
Lê Minh Quốc
VIII.2012
Một vài bóng trăng trong thơ Lưu Trọng Lư
Có những hình ảnh rất thực của đời sống đã trở thành bạn đường của thơ ca. Và khi làm thơ, người ta hay đưa hình ảnh tuyệt diệu đó vào thơ để trang điểm cho tứ thơ của mình. Chẳng hạn, Xuân Diệu có câu thơ rất hay:
Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn
Diễn tả rất sáng tạo hình ảnh của bóng trăng bát ngát và cũng hết sức trân trọng. Ở Lưu Trọng Lư cũng vậy. Nhưng bóng trăng ấy dường như là cái cớ để nói lên tình và mộng. Tình ấy thất vọng, nên dù mộng thì cũng rất thực tế với trần gian:
Vừng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Phải có một bóng trăng như vậy thì cả không gian mới đắm chìm hiu quạnh và phù hợp với hồn thơ Lưu Trọng Lư:
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn…
Con thuyền còn buộc, trăng buông lạnh lùng…
Gió đùa trăng trên bãi lạnh lùng…
Hàn Mặc Tử đã ví trăng như một nàng con gái đang xuân:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu vừa hớ hênh, vừa lả lơi biết chừng nào, nhưng với Lưu Trọng Lư thì chỉ thấy:
Hôm ấy, trăng thu rụng xuống cầu
“Rụng xuống” cả hai đều âm trắc nghe trục trặc như một sự đổ vỡ. Nếu có nói đến bóng trăng vang huyền diệu thì cũng chỉ để gợi lên một sự tiếc nuối:
Còn đâu ánh trăng vàng
Mơ trên làn tóc rối
Hoặc:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Thơ Lưu Trọng Lư thường nhắc đến bóng trăng. Sự đam mê trăng không da diết, nồng cháy như ở một vài nhà thơ khác. Không có cái điên cuồng táo bạo của Chế Lan Viên:
ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn
cho trăng ghì, trăng siết cả làn da
Thế nhưng trăng ở thơ Lưu Trọng Lư đã buồn bã nếu không có nó thì sẽ còn quạnh quẽ đến chừng nào. Lưu Trọng Lư cho rằng:
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ lên lầu không trăng
Nhưng đó chỉ là bóng trăng của những tháng năm mất nước. Có lúc nhà thơ tự hỏi “Ta mơ trong đời hay trong mộng” - thì mộng ấy làm sao khỏi tan nát, chia lìa vì trong đời chỉ là những đắng cay và chua xót.
Cách mạng tháng Tám thành công đã cầm tay dắt nhà thơ ra khỏi đam mê kỳ quặc:
Hãy lịm người trong thú đau thương,
Để hồn thơ Lưu Trọng Lư trẻ lại:
Không, thơ tôi không cô độc
Thơ đến đâu thì đèn rạng nhà vui
Và bóng trăng lại được nhắc đến như làm cái nền cho sự sum họp:
Đầu ngả bên đầu
Giữa bãi rộng trăng thâu
Tay cầm tay cân nhắc
Trước kia, Hoài Thanh cho rằng: “Giá một ngày kia Lư có nhảy xuống ôm bóng trăng mà chết ta cũng không nên ngạc nhiên một tí nào” (Thi nhân Việt Nam). Lưu Trọng Lư không chết vì trăng. Khi đã định hướng đi cho chính cuộc đời mình, thì nhà thơ sẵn sàng học khí phách của Nguyễn Trãi:
Ức trai không biết sợ
Dầu chịu một vầng trăng đổ vỡ
Đổi lấy một mặt trời đại nghĩa giữa hành tinh, đó là lúc bóng trăng của thơ Lưu Trọng Lư đã khác trước...
(Viết nhân dịp nhà thơ Lưu Trọng Lư được 75 tuổi)
Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Văn Nghệ TP.HCM số 28.3.1986)
Hái lộc xuân trong thơ
Có những buổi chiều tôi đạp xe một mình xuống phố. Những buổi chiều ở thành phố này cho tôi cảm nhận một cái gì đó rất “Sài Gòn”.
Chim thì kêu rất nhỏ ở trên cây
Những nụ cười núp ở bên vai
Xe chở người yêu đi như nước chảy
Chỉ có hàng me và tôi đứng lại
Ngẩn ngơ nhìn
(Chim Trắng)
Tôi nhìn thành phố này bằng tình cảm đầu mùa. Thành phố này là thành phố của thơ ca. Nó mang một sắc thái lạ lùng không thể nhầm lẫn với bất cứ ở đâu. Những chiếc lá me rơi đầy trong thơ. Rơi bẽn lẽn vào những bài thơ viết ở thành phố này như để hò hẹn, như để hờn dỗi, vừa lãng mạn lại vừa cách mạng, vừa rất thơ nhưng lại vừa rất gần gũi:
Đàn én ngoài sông bay tới
Nô đùa trên lá me xanh
(Lê Giang)
Hạnh phúc và sung sướng là khi tôi đang yêu. Tôi đang nhớ về một người bạn gái để chiều nay, tôi gọi:
Hỡi những người con gái mang trong tim mình địa chỉ hòm thư
Khoảng trời nào cho em mộng mơ
Khoảng trời nào cho em thương nhớ
Khoảng trời anh đi vẫn mơ một ngày gặp gỡ
Mở một vòng tay ôm
Khoảng trời chúng ta mang hình trái tim
(Phạm Sỹ Sáu)
Vâng, khoảng trời này, hàng me này, con đường này muôn tuổi vẫn không già. Có lúc tôi bâng khuâng tự hỏi chính mình về điều bất chợt đến:
Tay ai khẽ chạm vào lưng
Vẫn là chiếc lá mùa xuân thôi mà
(Nguyễn Chí Hiếu)
Tay tôi như có ai cầm
Thì ra một lá me nằm trong tay
(Lê Thị Kim)
Thôi mà, tôi có dám hờn dỗi ai đâu. Tình yêu cần có sự cô đơn để thấy mình chẳng bao giờ đơn độc. Biết đó là chiếc lá mùa xuân thì buồn vui đã được xẻ chia một nửa cho nhau.
Em là một triệu lá cây
Một đời tôi hái đủ đầy tay chưa?
Hay còn một chiếc lá thừa
Để tôi đi hái kịp mùa lập xuân
(Đoàn Vị Thượng)
Và tôi đi hái những chiếc lá me ấy trong thơ thành phố, thành phố này là nỗi nhớ của tôi, của bất cứ ai gắn bó với nó bằng nguyên vẹn trái tim mình. Những người làm thơ khi viết về thành phố này thường nghĩ đến vòm me xanh. Cảm xúc ấy có một cái gì vừa xao xuyến, vừa trân trọng vô cùng. Đã từ lâu, tôi rất thích hai câu thơ này:
Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về
(Diệp Minh Tuyền)
Cám ơn lá me bay để nhà thơ nói lên đúng tâm trạng trẻ trung và tươi mát trong tình yêu đôi lứa của những tháng năm này. Những tháng năm mà bất ngờ có một lần ta thắc mắc chỉ hỏi hàng me chứ không hỏi ai khác được:
Hàng me xanh ngắt
Có tự bao giờ
Mà nay đứng đó
Cho em làm thơ
(Nguyễn Nhật Ánh)
Và dĩ nhiên, lớp trẻ sau này nếu đến lứa tuổi đó cũng còn tự hỏi một lần nữa. Có phải ở thành phố này, ta mới cảm nhận được điều gì rất sâu kín bên trong. Cảm nhận được qua tình cảm của mình, cho nên, ở thành phố này ta mới bắt gặp được sự khẳng định: “Chiều công viên áo lụa cũng thành thơ” (Đỗ Trung Quân). Những suy nghĩ ấy thật đáng quý. Chỉ sau hơn mười năm giải phóng, khi viết về thành phố mới có những cảm xúc trong sáng như vậy.
Và Lê Thị Kim gọi thành phố này là Thành Phố Tháng Tư được viết hoa một cách trân trọng. Từ đó tôi có ý nghĩ, những người con trai khi rời đội ngũ chiến đấu của mình trở về thành phố đều có nỗi bâng khuâng:
Biết nói gì cùng đồng đội của tôi
Khi mùa xuân đã trở về thành phố
Khi cành phong lan treo bên hiên nhà cũng nở
Lá khô rụng khắp những con đường
(Cao Vũ Huy Miên)
Rồi chiều hôm nay tôi đạp xe lang thang một mình xuống phố. Có mùa xuân “Thổi làn gió vào thơ tôi mát rượi” (Hoài Anh), thổi vào tâm hồn tôi những khát khao hạnh phúc trong đời sống hằng ngày. Do đó, tôi muốn nói với chính tôi, nói với mọi người:
Thành phố của tôi qua bao nỗi thăng trầm
Vẫn rực rỡ mỗi mùa thay sắc lá
Một chút gió lạnh cành me, tiếng thì thầm chim sẻ
Cũng êm đềm gắn bó suốt đời ta
(Lê Giang)
Rõ ràng những người làm thơ ở thành phố này trong cái hòa hợp chung, nó cũng mang một nét riêng biệt rất Sài Gòn, và những vần thơ ấy cho phép tôi gọi là những lộc xuân khi chúng ta đang đứng trước thềm năm mới.
Trần Thị Vĩnh Phúc
TP. HCM - 1986
Tiếng gà gáy trong thơ
Tiếng gà gáy ở trong thơ Việt Nam có một vị trí đặc biệt. Có lẽ đó là hình ảnh gần gũi trong đời sống bình thường của mỗi một con người chúng ta. Khi làm thơ, có nhà thơ liên tưởng đến hình tượng tiếng gà gáy để làm nổi bật chủ đề bài thơ - qua đó, để gởi gắm tâm sự của mình. Và không phải lúc nào nó cũng báo tin lành cho một ngày tốt đẹp. Từ tiếng gà gáy trong ca dao:
Chém cha con gà kia sao mày vội gáy dòn
Mày làm cho tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con.
Là một lời nguyền rủa, tức giận. Trong xã hội cũ, tiếng gà đến với Hàn Mặc Tử như một niềm lo sợ, hoảng hốt:
Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ
Tôi hoảng hồn lên giận sững sờ.
Người kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu cũng vậy. Bình minh đến với mọi người thì khi ấy cuộc vui tạm bợ trong giây lát cũng chấm dứt, và niềm đơn độc lại đến choáng ngợp đất trời.
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt. Một đảo ngữ nhỏ thôi. Tiếng gà xao xác đến xao xác tiếng gà, càng làm hình ảnh tiếng gà gáy trong ngữ cảnh này vọng lại như một sự mơ hồ, chấp chới - chứ chưa rõ nét lắm. Vậy mà đã “Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi” càng gây nên sự đối lập cần thiết giữa tiếng gà gáy và tâm trạng người kỹ nữ lúc ấy.
Ở Lưu Trọng Lư hồi tưởng về thời dĩ vãng cũng nghe thấy:
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Và không chỉ ở trong dĩ vãng, mà trong hiện tại cũng vậy. Nhà thơ sợ tiếng gà gáy, chính nó báo tin cho một ngày lang thang vô định sắp đến.
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay
Lưu Trọng Lư khi ấy chưa qua tuổi 30 mà ta cứ ngỡ như đã già lắm rồi. Sống trong xã hội như “đêm trường dạ tối tăm trời đất”, người ta già đi thì cũng phải. Không phải người đang sống sợ nghe tiếng gà gáy mà ngay cả người chết cũng vậy.
Khóc than dưới đất ăn nằm trong sương
Nghe gà gáy tìm đường lẩn tránh
“Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du đã một lần nói đến điều đó. Cái thế giới ma quái đó chính là hiện thực của kiếp người lang thang đói cơm, đói áo trong xã hội cũ. Hiếm hoi những ý nghĩ tốt lành khi nghe:
Gà gáy trong thôn những tiếng dài
(Bàng Bá Lân)
Ở Huy Cận còn nhớ hoài năm tháng đau buồn cơ cực của người cha có:
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp
Viết đến đây tôi nghĩ, thật đáng mừng khi có độc lập, có tự do thì tiếng gà gáy mới thật sự trở thành sứ giả báo tin vui. Tố Hữu hân hoan kêu gọi:
Gà gáy sáng. Thơ ơi mang cánh lửa như một tiếng kèn xung trận. Còn với Tế Hanh thì sâu lắng, trầm tĩnh khi chính mình lấy tiếng gà gáy làm cái mốc đoạn tuyệt với bóng đêm của cuộc đời và thơ ca ngày cũ:
Sang bờ tư tưởng ta lìa ta
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà.
May mắn và sung sướng là thế hệ lớn lên và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xuân Quỳnh - một nhà thơ nữ khao khát yêu và thèm được yêu đã nhủ mình:
Tôi trăn trở nhiều đêm cùng hoa cúc
Đợi tiếng gà đánh thức sự bình yên
Và ta không thể không nhắc đến bài thơ cuối cùng của Hồ Chủ tịch. Năm Kỷ Dậu khi phái đoàn ta đàm phán ở hội nghị Paris thì Người đã gửi sang một bài thơ đến bằng điện tín. Âm điệu hai từ “túc tác” được nhắc đến hai lần trong bốn câu thơ gây ấn tượng xao xuyến và ân cần vô cùng:
Xuân, gà túc tác đến nơi
Gửi người thân thiết mấy lời mùa xuân
Gà xuân túc tác rạng đông
Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao.
Điều tiên tri đó đã thành sự thật. Và cùng với Huy Cận trong những tháng năm này, ta có thể gọi:
Gà gáy ơi! Tiếng gà gáy ơi!
Nghe sao rạo rực buổi mai đời
Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Văn Nghệ TP.HCM 11.4.1986)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|