THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC - Chữ và nghĩa - * Một vài bóng trăng trong thơ Lưu Trọng Lư

LÊ MINH QUỐC - Chữ và nghĩa - * Một vài bóng trăng trong thơ Lưu Trọng Lư

Mục lục
LÊ MINH QUỐC - Chữ và nghĩa
* Một vài bóng trăng trong thơ Lưu Trọng Lư
* Hái lộc xuân trong thơ
* Tiếng gà gáy trong thơ
Tất cả các trang

 

Một vài bóng trăng trong thơ Lưu Trọng Lư

 

Có những hình ảnh rất thực của đời sống đã trở thành bạn đường của thơ ca. Và khi làm thơ, người ta hay đưa hình ảnh tuyệt diệu đó vào thơ để trang điểm cho tứ thơ của mình. Chẳng hạn, Xuân Diệu có câu thơ rất hay:

Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn

Diễn tả rất sáng tạo hình ảnh của bóng trăng bát ngát và cũng hết sức trân trọng. Ở Lưu Trọng Lư cũng vậy. Nhưng bóng trăng ấy dường như là cái cớ để nói lên tình và mộng. Tình ấy thất vọng, nên dù mộng thì cũng rất thực tế với trần gian:

Vừng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng

Phải có một bóng trăng như vậy thì cả không gian mới đắm chìm hiu quạnh và phù hợp với hồn thơ Lưu Trọng Lư:

Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn…
Con thuyền còn buộc, trăng buông lạnh lùng…
Gió đùa trăng trên bãi lạnh lùng…

Hàn Mặc Tử đã ví trăng như một nàng con gái đang xuân:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu vừa hớ hênh, vừa lả lơi biết chừng nào, nhưng với Lưu Trọng Lư thì chỉ thấy:

Hôm ấy, trăng thu rụng xuống cầu

“Rụng xuống” cả hai đều âm trắc nghe trục trặc như một sự đổ vỡ. Nếu có nói đến bóng trăng vang huyền diệu thì cũng chỉ để gợi lên một sự tiếc nuối:

Còn đâu ánh trăng vàng
Mơ trên làn tóc rối

Hoặc:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức

Thơ Lưu Trọng Lư thường nhắc đến bóng trăng. Sự đam mê trăng không da diết, nồng cháy như ở một vài nhà thơ khác. Không có cái điên cuồng táo bạo của Chế Lan Viên:

ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn
cho trăng ghì, trăng siết cả làn da

Thế nhưng trăng ở thơ Lưu Trọng Lư đã buồn bã nếu không có nó thì sẽ còn quạnh quẽ đến chừng nào. Lưu Trọng Lư cho rằng:

Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ lên lầu không trăng

Nhưng đó chỉ là bóng trăng của những tháng năm mất nước. Có lúc nhà thơ tự hỏi “Ta mơ trong đời hay trong mộng” - thì mộng ấy làm sao khỏi tan nát, chia lìa vì trong đời chỉ là những đắng cay và chua xót.
Cách mạng tháng Tám thành công đã cầm tay dắt nhà thơ ra khỏi đam mê kỳ quặc:

Hãy lịm người trong thú đau thương,
Để hồn thơ Lưu Trọng Lư trẻ lại:

Không, thơ tôi không cô độc
Thơ đến đâu thì đèn rạng nhà vui

Và bóng trăng lại được nhắc đến như làm cái nền cho sự sum họp:

Đầu ngả bên đầu
Giữa bãi rộng trăng thâu
Tay cầm tay cân nhắc

Trước kia, Hoài Thanh cho rằng: “Giá một ngày kia Lư có nhảy xuống ôm bóng trăng mà chết ta cũng không nên ngạc nhiên một tí nào” (Thi nhân Việt Nam). Lưu Trọng Lư không chết vì trăng. Khi đã định hướng đi cho chính cuộc đời mình, thì nhà thơ sẵn sàng học khí phách của Nguyễn Trãi:

Ức trai không biết sợ
Dầu chịu một vầng trăng đổ vỡ

Đổi lấy một mặt trời đại nghĩa giữa hành tinh, đó là lúc bóng trăng của thơ Lưu Trọng Lư đã khác trước...

(Viết nhân dịp nhà thơ Lưu Trọng Lư được 75 tuổi)

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Văn Nghệ TP.HCM số 28.3.1986)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com