THƠ Suy nghĩ về Thơ Ký ức của nhà thơ Lê Minh Quốc: Sự ám ảnh của Chí Phèo

Ký ức của nhà thơ Lê Minh Quốc: Sự ám ảnh của Chí Phèo

Sự ám ảnh của Chí Phèo

chi-pheo

Ký ức của nhà thơ Lê Minh Quốc

Nếu được chọn lấy một truyện ngắn hay nhất trong văn chương Việt Nam hiện đại, thì tôi sẽ không ngần ngại chọn lấy truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Truyện ngắn này tôi đã đọc đi đọc lại khá nhiều lần. Và mỗi lần đọc thì tôi cũng đều bắt gặp lại sự rung động yêu thích ban đầu. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà tôi đã làm hàng loạt thơ về nhân vật này. Năm 1988, khi là một sinh viên mới ra trường về làm báo Tuổi Trẻ, trong một đêm khuya tôi chợt giật mình thức dậy. Căn phòng im phăng phắc và màu vôi trắng đến rợn người. Một phần vì lạnh lẽo, vì cô độc, tôi không sao dỗ được giấc ngủ. Thế là một cảm hứng bất chợt ùa đến, tôi cầm lấy bút viết liền một mạch bài thơ “Thư gửi Chí Phèo” (http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/670-trong-coi-chiem-bao.html?start=28) Như trình bày một tâm sự của chính mình:

Thị Nở đâu rồi để chăn chiếu mốc meo
Gió lùa vào căn phòng ta nghiệt ngã
Đốt bản thảo thơ sưởi lòng đêm lạnh giá
Ngọn lửa này có nấu chín nồi cơm?

Bài thơ này được báo Thanh Niên chọn in. Sau khi tôi về báo Phụ nữ TPHCM, cũng trong một đêm khuya như thế, tại tòa soạn báo vì bị muỗi cắn và nóng nực, tôi bỗng thức dậy. Không biết phải làm gì để chờ sáng, tôi bèn… làm thơ. Và sự ngẫu nhiên cũng là trở về đề tài này. “Đọc lại một truyện ngắn của Nam Cao” (http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/670-trong-coi-chiem-bao.html?start=28)

Cứ nằm tênh hênh là em Thị Nở

Đánh thức trong ta sự lương thiện trên đời

Nhân chứng một tình yêu đắm đuối

Ngoài hai ta còn lại bóng trăng soi

Bài thơ này được chọn in vào báo Tuổi Trẻ số Xuân. Và kỳ lạ thật, cứ tưởng là cũng đã đủ đề tài Chí Phèo. Năm 1989, khi mà thị trường sách bùng nổ về “dịch” truyện Trung Quốc, tôi bỗng có một sự so sánh giữa Tây Thi và Thị Nở thì ai là người đẹp nhất? Thế là bài thơ “Chuyện tình thời đại” (http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/669-ngay-mai-con-lai-mot-minh-toi.html?start=25) ra đời:

Thưa mẹ,

Không phải Tây Thi đẹp nhất trần gian

Người đàn bà ấy có một ai biết mặt?

Con mọt xanh xao giữa trang sách ố vàng

Hình bóng cũ vùi sâu dưới đất

Và con đã lãng quên

Khuya nay con về trăng sáng vây quanh

Bỗng sửng sốt, khi gặp em Thị Nở

Nhan sắc ấy đã làm con hoảng sợ

Con bàng hoàng như ngưỡng mộ vầng trăng

Và năm 1990, tôi viết tiếp bài thơ “Tâm sự Chí Phèo” (http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tho-roi/970-luc-bat-tho.html?start=17) cũng xuất phát từ những cảm hứng như thế. Dù chia làm nhiều bài khác nhau, thể loại thơ khác nhau nhưng thực chất đó chỉ là một bài thơ. Một bài thơ gắn liền trong ký ức của tôi là năm tháng đó - tôi vừa tốt nghiệp đại học và chập chững đi làm báo, với những đêm ngủ ở các tòa soạn, hoặc trong căn phòng trọ đìu hiu. Điều đó, làm tôi càng yêu mến và tìm được ở Chí Phèo đôi điều an ủi qua truyện ngắn tài hoa của nhà văn Nam Cao. Chắc hẳn, tôi sẽ còn trở lại đề tài này. Đó là điều không thể nói trước được.

LÊ MINH QUỐC

(Nguồn: Báo Người lao Động số 16.9.1991)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com